1. Di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Như chúng tôi đã loan tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Chúa gọi về vào lúc 7:35 sáng ngày 21 tháng 4 năm 2025, theo giờ địa phương Rôma hay 12:35 trưa giờ Việt Nam, sau một thời gian dưỡng bệnh vì nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Cái chết của ngài, được Đức Hồng Y Kevin Farrell, là nhiếp chính thông báo trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta vào khoảng 9:53 sáng, hay gần 3 giờ chiều giờ Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại Giáo Hoàng kéo dài 12 năm có ảnh hưởng sâu sắc.
Hôm nay, Vatican đã công bố di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Miserando atque Eligendo – Thấp hèn nhưng được chọn nhờ vào lòng thương xót
Nhân danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Amen.
Khi tôi cảm nhận được hoàng hôn của cuộc sống trần thế đang đến gần, và với niềm hy vọng vững chắc vào cuộc sống vĩnh hằng, tôi muốn nêu ra những mong muốn cuối cùng của mình chỉ liên quan đến nơi chôn cất tôi.
Trong suốt cuộc đời tôi, và trong suốt sứ vụ của tôi với tư cách là một linh mục và giám mục, tôi luôn phó thác bản thân mình cho Mẹ của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do này, tôi cầu xin cho hài cốt của tôi được nghỉ ngơi — chờ đợi ngày Phục sinh — tại Đền Thờ Đức Bà Cả.
Tôi mong muốn cuộc hành trình trần thế cuối cùng của tôi sẽ kết thúc chính xác tại đền thánh Đức Mẹ cổ kính này, nơi tôi luôn dừng lại để cầu nguyện vào đầu và cuối mỗi chuyến Tông du, tin tưởng phó thác những ý định của mình cho Đức Mẹ Vô Nhiễm, và tạ ơn sự chăm sóc dịu dàng và đầy tình mẫu tử của Mẹ.
Tôi yêu cầu ngôi mộ của tôi được chuẩn bị trong hốc chôn cất ở lối đi bên giữa Nhà nguyện Pauline, là nơi có ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của dân thành Rôma; và Nhà nguyện Sforza của đền thờ, như thể hiện trong sơ đồ đính kèm.
Ngôi mộ phải nằm dưới lòng đất; đơn giản, không có đồ trang trí đặc biệt, chỉ có dòng chữ: Franciscus.
Chi phí chuẩn bị tang lễ sẽ được chi trả bằng một khoản tiền do một nhà hảo tâm cung cấp, số tiền này tôi đã sắp xếp để chuyển đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi đã đưa ra những chỉ dẫn cần thiết liên quan đến việc này cho Đức Hồng Y Rolandas Makrickas, Ủy viên đặc biệt của đền thờ Liberia.
Xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho tất cả những ai đã yêu thương tôi và tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Những đau khổ đã đánh dấu phần cuối cuộc đời tôi, tôi dâng lên Chúa, cho hòa bình trên thế giới và cho tình huynh đệ giữa các dân tộc.
Santa Marta, ngày 29 tháng 6 năm 2022
Phanxicô
Chú thích:
a. Đền Thờ Đức Bà Cả còn được gọi là đền thờ Liberia để vinh danh Đức Giáo Hoàng Liberiô. Ngài đã cai quản Giáo Hội từ năm 352 đến 366.
Theo truyền thuyết, một trận tuyết rơi mùa hè kỳ diệu, được báo trước trong giấc mơ cho cả Đức Giáo Hoàng Liberiô và một cặp vợ chồng người Rôma giàu có và ngoan đạo, là những người đã quyết định trao tặng tất cả tài sản trần thế của họ cho Giáo Hội nhằm phục vụ những mục đích chính đáng. Tuyết đã rơi vào ngày 5 tháng 8 tại địa điểm mà Đức Giáo Hoàng Liberiô sau đó đã dựng lên một nhà thờ cho Đức Mẹ vào năm 358.
Đức Giáo Hoàng Liberiô cũng là một chiến binh kiên cường chống lại tà giáo Ariô, phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô trong con người của Ngài.
b. Đức Hồng Y Rolandas Makrickas được nhắc đến trong di nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một giáo sĩ người Lithuania. Ngài sinh ngày 31 Tháng Giêng năm 1972. Ngài là phó giám quản Đền Thờ Đức Bà Cả từ năm 2024. Ngài làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ năm 2006 cho đến năm 2021, khi ngài được giao trách nhiệm tổ chức lại hoạt động quản trị của Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài được phong tổng giám mục vào năm 2023 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong Hồng Y vào năm 2024.
Source:Vatican News
2. Sắc lệnh của Tổng thống Trump treo cờ rũ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư, sau khi nhận được tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đi, Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Tuyên bố
Ngày 21 tháng 4 năm 2025
Bởi Tổng thống Hoa Kỳ
Để tỏ lòng tôn kính tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô, với thẩm quyền được trao cho tôi với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ theo Hiến pháp và luật pháp của Hoa Kỳ, tôi ra lệnh rằng cờ Hoa Kỳ sẽ được treo rủ tại Tòa Bạch Ốc và trên tất cả các tòa nhà và khuôn viên công cộng, tại tất cả các đồn quân sự và trạm hải quân, và trên tất cả các tàu hải quân của Chính phủ Liên bang tại Quận Columbia và trên khắp Hoa Kỳ và các Lãnh thổ và thuộc địa của Hoa Kỳ cho đến khi mặt trời lặn, vào ngày an táng. Tôi cũng chỉ thị rằng cờ sẽ được treo rủ trong cùng khoảng thời gian tại tất cả các đại sứ quán, công sứ quán, văn phòng lãnh sự và các cơ sở khác của Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm tất cả các cơ sở quân sự, tàu và trạm hải quân.
ĐỂ LÀM CHỨNG, tôi đã ký vào đây ngày hai mươi mốt tháng Tư, năm hai ngàn hai mươi lăm theo lịch Chúa chúng ta, và năm Độc lập của Hoa Kỳ là năm hai trăm bốn mươi chín.
TỔNG THỐNG DONALD J. TRUMP
Source:White House
3. Hồng Y Đoàn hiện nay
Theo tông hiến Universi Dominici Gregis, từ 15 cho đến 20 ngày sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời, Hồng Y Đoàn sẽ họp tại Nhà nguyện Sistina để tổ chức Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. Đức Bênêđíctô đã sửa lại quy tắc cho phép Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới diễn ra sớm hơn 15 ngày sau khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng.
Về lý thuyết, bất kỳ nam giới Công Giáo nào đã rửa tội đều đủ điều kiện trở thành Giáo Hoàng, nhưng trong 700 năm qua, Giáo Hoàng luôn được chọn từ Hồng Y Đoàn.
Phần lớn trong số 266 Giáo Hoàng được bầu trong suốt lịch sử đều là người Âu Châu. Đức Thánh Cha Phanxicô, là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Âu Châu sau 1.300 năm.
Không giống như trong chính trị thông thường, các ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng không công khai vận động cho vị trí này. Những người theo dõi Vatican đã coi những Hồng Y có cơ hội trở thành Giáo Hoàng là papabile /pa-pa-bi-lê/, nghĩa là “có thể trở thành Giáo Hoàng”.
Chỉ những Hồng Y dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu, thường được gọi là Hồng Y cử tri. Hiện nay, Hồng Y Đoàn có 252 vị Hồng Y, trong đó có 137 vị Hồng Y cử tri, 109 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong. 23 vị được nâng lên hàng Hồng Y bởi Đức Bênêđíctô. 5 vị được nhận mũ đỏ từ tay Đức Gioan Phaolô II. Số Hồng Y cử tri hiện nay vượt qua đáng kể ngưỡng 120 Hồng Y do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra trong Tông Hiến Romano Pontifici Eligendo ngày 1 tháng 10, Năm 1975. Điều đáng tiếc là Giáo Hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri.
Các Giáo Hoàng gần đây luôn thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với ngưỡng 120 Hồng Y cử tri. Vào ngày 21 tháng 2 năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong 42 Hồng Y, 38 trong số các vị là Hồng Y cử tri: điều này đã nâng số Hồng Y cử tri lên 136. Một lần nữa ngưỡng 120 bị vượt qua là vào lần tấn phong Hồng Y cuối cùng của ngài, vào ngày 21 tháng 10 năm 2003. Điều đó đã nâng con số lên 135 Hồng Y cử tri trong Hồng Y Đoàn.
Tổng cộng, Đức Gioan Phaolô II đã vượt ngưỡng ba lần, Đức Bênêđíctô XVI hai lần, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vượt ngưỡng trong mọi dịp tấn phong Hồng Y.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho đến nay đã triệu tập 10 công nghị tấn phong Hồng Y. Lần cuối cùng là ngày 7 Tháng Mười Hai, 2024. Ngài đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.
Các Hồng Y đã bị phế truất
Liên quan đến việc tham gia Cơ Mật Viện, Tông Hiến năm 1996 quy định rõ rằng “Các Hồng Y đã bị phế truất về mặt pháp lý hoặc những người được sự đồng ý của Giáo Hoàng Rôma đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y thì không có quyền này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian trống tòa, Hồng Y Đoàn không thể thu nhận lại hoặc phục hồi tư cách Hồng Y của họ. “
Những trường hợp rút khỏi Hồng Y Đoàn này rất hiếm nhưng trong lịch sử gần đây cũng có một số trường hợp. Năm 1927, Hồng Y người Pháp Louis Billot từ bỏ chức Hồng Y vì bất đồng với Đức Piô XI về việc lên án Action Française, và ngài qua đời với tư cách là một linh mục Dòng Tên giản dị.
Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2018, cựu Tổng Giám mục Washington Theodore McCarrick bị mất chức Hồng Y vì liên quan đến lạm dụng trẻ em. Ông ta vẫn còn sống, nhưng hiện đã bị hạ xuống tư cách giáo dân.
Hồng Y Keith O’Brien, một cựu tổng giám mục của Edinburgh, người cũng liên quan đến lạm dụng tình dục, nhưng không lạm dụng trẻ vị thành niên, đã từ bỏ việc tham gia Cơ Mật Viện năm 2013 và sau đó chính thức từ bỏ các quyền và đặc quyền của Hồng Y vào năm 2015, mặc dù ông được giữ lại danh hiệu.
Cuối cùng, Hồng Y Becciu đã bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y cử tri Hồng Y vào năm 2020 do cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ mua bán địa ốc ở London. Vị cựu Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ không thể tham gia Cơ Mật Viện nếu được tổ chức ngay bây giờ, nhưng, giống như các Hồng Y trên 80 tuổi, ngài vẫn giữ được danh hiệu Hồng Y. Hồng Y Becciu có thể giành lại quyền bỏ phiếu nếu được trắng án khi kết thúc thủ tục pháp lý hiện tại. Khả năng phục hồi sẽ lại là đặc quyền cá nhân của Giáo Hoàng.