Kinh Truyền Tin với ĐTC 03.05.2020: Hãy đi theo tiếng của Vị Mục Tử Nhân Lành

1588501655265.JPG

Trong thời điểm này, có nhiều lo lắng và bận tâm làm cho chúng ta khép mình lại, trở lại chính mình. Chúng ta hãy chú ý đến tiếng nói đến trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi nó đến từ đâu. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để nhận ra và theo tiếng Vị Mục Tử Nhân Lành, giúp chúng ta ra khỏi những rào cản của ích kỷ và dẫn chúng ta đến đồng cỏ của tự do thực sự

Trưa Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, vào lúc 12 giờ trưa, tại Thư viện Dinh Tông tòa Đức Thánh Cha cầu nguyện với Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Cũng như mọi khi, trước khi đọc Kinh Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn.

Có nhiều tiếng gọi trong cuộc sống

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay, chúng ta cử hành Chúa nhật thứ IV Phục sinh, Chúa nhật dành riêng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Tin Mừng nói: ‘Chiên nghe tiếng người mục tử: mục tử gọi tên từng con’ (Ga 10,3)”. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa gọi chúng ta bằng chính tên của chúng ta. Chúa gọi chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng Tin Mừng còn cho biết ngoài tiếng gọi của người chăn chiên còn có những tiếng khác nữa. Đó là tiếng của người lạ, của kẻ trộm và kẻ cướp; muốn làm hại đàn chiên. Chúng ta không được nghe và đi theo những tiếng gọi này. Trong chúng ta có những tiếng nói khác nhau: Tiếng Chúa nói với lương tâm, và tiếng cám dỗ dẫn đến điều xấu”.

Cách phân biệt tiếng Chúa và tiếng của thần dữ

Tiếng Chúa không áp đặt – tiếng tên cám dỗ quyến rũ, thúc ép

Đức Thánh Cha chỉ cách nhận ra tiếng của Mục Tử Nhân Lành và tiếng của kẻ trộm. Cũng như làm thế nào để phân biệt giữa sự linh hứng của Thiên Chúa và đề nghị của thần dữ: “Chúng ta có thể học cách phân định hai tiếng này:Tiếng Chúa không bao giờ bắt buộc. Chúa đề nghị, Ngài không áp đặt. Trái lại, tiếng của thần dữ thì quyến rũ, tấn công, thúc ép; gợi lên những ảo tưởng rực rỡ, những lôi cuốn tình cảm; nhưng rồi qua đi. Lúc đầu nó dỗ dành nịnh hót, làm cho chúng ta tin rằng chúng ta toàn năng, nhưng sau đó nó để lại trong chúng ta sự trống rỗng và rồi buộc tội chúng ta. Tiếng Chúa sửa dạy chúng ta với nhiều kiên nhẫn, nhưng luôn khuyến khích, an ủi chúng ta: luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng”.

Tiếng Chúa khuyến khích làm điều tốt – tiếng tên cám dỗ làm sợ hãi tương lai

Đức Thánh Cha đưa ra một cách phân biệt khác nữa về hai thứ tiếng: “Tiếng của kẻ thù làm chúng ta xao lãng hiện tại và muốn chúng ta tập trung vào những nỗi sợ hãi của tương lai hoặc nỗi buồn trong quá khứ: mang lại nỗi cay đắng, ký ức của những lầm lỗi phải chịu, ký ức về những gì người khác đã làm hại chúng ta. Trái lại, tiếng Chúa nói ngay lúc này: ‘Bây giờ con có thể làm điều tốt, có thể thi hành sự sáng tạo của tình yêu, bây giờ con có thể từ bỏ những hối tiếc và hối hận đã cầm tù trái tim con’”.

Tiếng Chúa đặt câu hỏi “Điều gì tốt cho tôi?”- tiếng tên cám dỗ “Tôi muốn làm gì?”

Còn nữa, cả hai tiếng đều gợi lên trong chúng ta những câu hỏi khác nhau. Câu hỏi đến từ Thiên Chúa sẽ là: “Điều gì tốt cho tôi?”. Ngược lại, tên cám dỗ sẽ nhấn mạnh vào một câu hỏi khác: “Tôi muốn làm gì”. Tôi muốn gì: tiếng tên cám dỗ luôn xoay quanh chính bản thân tôi, về những nhu cầu, tất cả và ngay lập tức. Tiếng Chúa trái lại, không bao giờ hứa ban niềm vui với một giá thấp: Ngài mời gọi chúng ta vượt lên trên cái tôi của chúng ta để tìm được điều tốt lành, bình an. Chúng ta hãy nhớ rằng: thần xấu không bao giờ trao ban bình an, trước tiên nó làm cho ta điên cuồng và sau đó để lại trong chúng ta nỗi cay đắng.

Thiên Chúa yêu thích ánh sáng – tên cám dỗ thích bóng tối

Cuối cùng, tiếng Chúa và tiếng của tên cám dỗ nói trong các “khung cảnh” khác nhau: kẻ thù thích bóng tối, giả dối, buôn chuyện; Thiên Chúa yêu thích ánh sáng mặt trời, sự thật, minh bạch chân thành. Kẻ thù sẽ nói với chúng ta: “Hãy khép mình lại, không ai hiểu và lắng nghe bạn đâu, đừng tin tưởng ai!”. Trái lại, điều tốt mời chúng ta mở lòng ra, để chúng ta trở nên sáng sủa và tin tưởng vào Thiên Chúa và người khác

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời mời gọi: “Anh chị em thân mến, trong thời điểm này, có nhiều lo lắng và bận tâm làm cho chúng ta khép mình lại, trở lại chính mình. Chúng ta hãy chú ý đến tiếng nói đến trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi nó đến từ đâu. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để nhận ra và theo tiếng Vị Mục Tử Nhân Lành, giúp chúng ta ra khỏi những rào cản của ích kỷ và dẫn chúng ta đến đồng cỏ của tự do thực sự. Xin Đức Mẹ, Đấng chỉ bảo đàng lành hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong sự phân định của chúng ta”.

Ngọc Yến – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *