Đức giám mục Jonathan Goodall, giám mục Anh giáo của giáo phận Ebbsfleet, giải thích rằng ông đã đưa ra quyết định này “sau một thời gian dài cầu nguyện.”
“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục của giáo phận Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” ông nói trong một tuyên bố vào ngày 3 tháng 9 vừa qua, nhân dịp Lễ Thánh Grêgôriô Cả, vị giáo hoàng vào thế kỷ thứ sáu, người đã phát động sứ mệnh truyền giáo tại Anh quốc.
“Sự sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tôi với tư cách là một môn đệ của Chúa Ki-tô trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên – và trong suốt nửa cuộc đời, tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục – ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Ki-tô giáo. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì điều đó.”
“Tôi tín thác và thông báo với anh chị em rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói lên lời xin vâng với lời mời của Thiên Chúa, chứ không phải là chối bỏ những gì tôi đã biết và trải nghiệm trong Giáo hội Anh giáo, nơi mà tôi mang ơn rất nhiều.”
Vị giám mục 60 tuổi này đã từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet kể từ năm 2013, trong vai trò như một giám mục khách của tòa giám mục tỉnh, hay còn gọi là “flying bishop”, hỗ trợ các giáo đoàn của Giáo hội Anh không công nhận chức nữ linh mục và nữ giám mục.
Ông là tuyên úy và thư ký đại kết cho Tổng giám mục Canterbury, Rowan Williams, từ năm 2005 đến năm 2012.
Ông có quan hệ chặt chẽ với Tu viện Westminster, nhà thờ hoàng gia của London. Ông là phụ tá, tuyên úy và chưởng nghi từ năm 1992 đến 1998. Từ năm 2004 trở đi, ông là Linh mục Đại diện Tu viện Westminster.
Đến ngày mùng 3 tháng 9, thông cáo báo chí nói rằng Tổng Giám mục đương nhiệm của Canterbury, Justin Welby, đã chấp nhận quyết định của ông Goodall “với sự tiếc nuối.”
“Tôi vô cùng biết ơn Giám mục Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài ấy và [vợ của Goodall] Sarah, cả cho chức vụ trong tương lai của ngài ấy và cho định hướng mà họ đang được kêu gọi trong hành trình tiếp tục phục vụ Chúa Kitô, “Đức Tổng giám mục Welby, người đứng đầu về mặt tinh thần của Hiệp hội Anh giáo trên toàn thế giới cho biết. Giáo hội Anh giáo là Tổ chức Thiên chúa giáo lớn thứ ba sau Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo.
Goodall là giám mục thứ hai của Ebbsfleet tìm kiếm sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Công giáo. Năm 2010, Đức giám mục Anh giáo là Andrew Burnham từ chức sau 10 năm tại vị.
Ông đã được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo vào năm 2011 và sau đó được thụ phong chức linh mục Công giáo, phục vụ trong Giáo hạt tòng nhân mới được thành lập mang tên Đức Mẹ Walsingham.
Ngày nay, Đức cha (Anh giáo) Burnham được nhận bài sai làm linh mục của Giáo xứ Công giáo Hendred ở Oxfordshire, miền trung nam nước Anh.
Cùng với Burnham, hai giám mục khác của Giáo hội Anh cũng được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo: Đức cha Keith Newton, giám mục của Richborough, và Đức cha John Broadhurst, giám mục của Fulham.
Vào năm 2019, Gavin Ashenden, cựu Tuyên úy danh dự của Nữ hoàng trong Giáo hội Anh, người đã được thánh hiến làm giám mục trong một cộng đồng giáo hội Anh giáo, cũng đã được đón nhận vào giáo hội Công giáo.
Đức cha Graham Leonard, giám mục của Luân Đôn từ năm 1981 đến năm 1991, một giáo sĩ cao cấp nhất của Giáo hội Anh đã trở thành một người Công giáo kể từ cuộc Cải cách khi ông được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo vào năm 1993.
Các giáo sĩ trước đây của Giáo hội Anh như Thánh John Henry Newman và Hồng y Henry Edward Manning hiện nay đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hưng của Giáo hội Công giáo ở Anh vào thế kỷ 19.
Đức cha Goodall, người sẽ ngừng các chức vụ trong giáo hội Anh giáo vào ngày mùng 8 tháng 9, không cho biết liệu ông sẽ xin thụ phong chức linh mục Công giáo hay tham gia Giáo hạt tòng nhân và từ chối yêu cầu được phỏng vấn.
Ông cho biết trong tuyên bố của mình.
“Đây là một đặc ân to lớn. Tôi mong muốn được phục vụ Giáo hội trong tương lai bằng bất cứ cách nào mà tôi có thể được kêu gọi để làm.”
Tác giả bài viết: Duc Trung Vu, CSsR
Nguồn tin: Catholic News Agency