Sáu Bậc Sống – Bậc sống thường tình (P.2)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

II. Bậc sống thường tình

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

2. Phục vụ “tôi” nhiều hơn thực thi nhân đức

3. Sống ý riêng, nhiều tự ái. Vẫn phân biệt điều tốt xấu, đúng sai

4. Dễ dàng phạm tội nhẹ cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng

5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học biết Chúa.

*.*

2. Phục vụ cái “tôi” nhiều hơn sống nhân đức

Ở bậc sống này, dầu những bậc vị vọng, cũng sẽ thể hiện rõ trong cuộc sống cái “tôi” của mình. Tôi thích, tôi không thích, tôi muốn, tôi không chọn, tôi yêu, tôi ghét, tôi giận, tôi cần, tôi không cần v.v…Đối với họ “tôi” là trung tâm.

“Tôi” là đỉnh cao nơi nào họ hiện diện. Về vật chất đã thật nặng nề, về tinh thần nào có kém chi: “Thời giờ của tôi”, “nguyên tắc của tôi”, “lập trường của tôi”, “sức khỏe tôi”…Còn làm nên những cái tôi tập thể “khóa học tôi”, “dòng tôi”, “lớp tu sỹ dòng tôi”, “giáo xứ tôi” v.v…Để rồi làm mồi cho Sa-tan bởi ganh tị, ghét ghen, bất hòa, chia rẽ ngay trong nhiệm thể. “Đừng lúc nào cũng nói Tôi! Hãy bắt con thú đáng sợ và vô độ ấy quy phục tình yêu Thiên Chúa. Cái Tôi không được vào thiên đàng đâu” (CĐCHTY).

Với đức tin kẻ làm thuê, linh hồn gắn liền với sự sợ hãi. Trong cuộc sống họ sợ hãi đủ điều, nhưng chủ yếu họ sợ hãi những gì làm tổn hại “cái tôi” của họ. “Dưới mũi nhọn của đau khổ, một số linh hồn bắt đầu gỡ mình ra khỏi chốn tối tăm, do những đau khổ chúng phải chịu, và cũng vì nghĩ đến hình khổ sẽ dành cho tội lỗi chúng. Bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi cách nô lệ này, chúng cố gắng thoát ra khỏi con sông và thải ra cái nọc độc do con bọ cạp bằng vàng đã chích vào người chúng. Vì chúng đã thích chọn bọ cạp quá đỗi, chứ không thích vừa phải, cho nên nó đã tiêm nọc độc vào chúng. Ý thức về tình trạng của mình, chúng cố gắng trỗi dậy và đi vào bờ, hầu đạt tới cây cầu. Nhưng sự sợ hãi nô lệ không đủ sức đưa chúng tới đó.

Quả vậy, thanh tẩy ngôi nhà mình khỏi tội trọng, mà không trang trí ngôi nhà bằng những nhân đức xây dựng trên tình yêu, nhưng trên sự sợ hãi, thì không đủ để đạt tới sự sống vĩnh cửu” (ĐT – Đ 49)

Nếu đời sống đạo có cao hơn nhưng tâm linh còn vướng lại ở điểm này trong Bậc Sống Thường Tình, làm tu sỹ sẽ thể hiện thích ở cộng đoàn này, sợ ở cộng đoàn kia; yêu vị bề trên này, ghét vị bề trên nọ. Làm con chiên, lo o bế Cha chánh, thờ ơ cha phó. Làm tông đồ mong ở địa vị này, tránh nhiệm vụ kia. Những gì có vẻ ngoài hèn kém, tầm thường nhưng lợi ích cho linh hồn lại lảng tránh cho xa. Yêu thích vẻ hào nhoáng thế tục.

Ở bậc này các linh hồn ấy vẫn có thể phục vụ hăng say, nhiệt thành trước mắt người đời. Nhưng nếu có ai chạm đến những gì thuộc về họ, thay đổi những gì họ đang sở hữu, dù điều đó rất thường tình, họ cũng sẽ cảm thấy mất mát lớn, hụt hẫng nặng nề, đau khổ dữ dằn. Vì xem nặng cái “tôi”, họ chưa học được đức nhẫn nhục vâng theo ý Chúa quan phòng.

3. Sống ý riêng, nhiều tự ái

Dù ở đời thường hay trong cộng đoàn, đời sống người ở bậc này tựa cái lô-cốt khó gần gũi, dễ gây gổ, mau bẩn gắt, gấp giận hờn. Ý kiến của họ là quan trọng nhất, việc họ làm phải đúng hơn.

Làm con họ dễ dàng bất mãn, chống đối cha mẹ. Làm anh chị họ nghiêm khắc, nặng nề bảo thủ, thiếu lòng khoan dung, thiếu tình huynh đệ. Làm cha mẹ họ cứng nhắc trong việc giáo dục, luôn áp đặt những việc phải làm bất kể tâm trạng con cái thế nào. Làm con chiên họ có thể giận cha xứ mà bỏ đạo. Đi tu họ gượng gạo vâng lời, trong lòng thường có lý do chống chế, không phục. Với bề dưới lại huênh hoang tự đắc, mỗi mệnh lệnh đều nặng thiên kiến, hẹp hòi v.v…

Nhiều tự ái, họ không chỉ tự ái với người đời mà cả với Thiên Chúa. Dễ dàng trách Chúa sao nắng mưa không theo ý họ. Được mùa, được việc họ quên mất tạ ơn, mất mùa, thất bại công việc họ phàn nàn trách Chúa. Trách Chúa sao quan phòng cho họ gặp đau khổ, sỉ nhục, hiểu lầm, bệnh tật, gian nan v.v…Tự ái với Chúa, họ cho rằng họ cầu nguyện như thế đã lâu, đã nhiều sao Chúa không nhậm lời. Họ có tài năng, có điều kiện, có người tựa nương, có của cải. Bây giờ sao Chúa rút lại ơn, lấy đi điều họ có, hoặc để lòng họ ra khô khan quá, không còn sự sốt sắng ngọt ngào thuở trước. Việc tông đồ họ làm từng thành công rực rỡ, bây giờ rã đám ê chề. Chán nản, nhụt chí, sa sút đức tin, than van, đổ lỗi cho ai đó hay cho Thiên Chúa. Như người anh trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, giận dỗi không vào nhà. Lên án em, trách móc cha, anh nào có biết được phận mình.

Nặng ý riêng, nhiều tự ái ở mẫu người trầm tính, họ sẽ trở thành người thâm hiểm, thủ đoạn. Họ xử sự mềm mỏng, trước mặt chuốc lòng người nhưng khắc cốt mọi lỡ lầm xúc phạm của tha nhân. Tự ái cao, lòng ghen tị cũng cao, họ thâm hiểm chà đạp, chèn ép những ai nổi bật hơn mình về tài đức. Trên đường thiêng liêng ý riêng và tự ái này được thể hiện “Những kẻ ấy muốn tự chọn lấy thời gian, tự chọn lấy không gian cho những ơn an ủi thiêng liêng và theo sở thích. Họ cũng muốn những gian truân, tức những tấn công của ma quỷ, nhưng phải hợp ý họ. Họ tự lừa dối mình, vì bị mù quáng bởi ý riêng mà Cha gọi là tự ái thiêng liêng.” (ĐT.Đ99)

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007