Lá Thư Đặc Trách
Tháng 4 / 2015
Thưa anh chị em,
Trong đời sống hằng ngày, ai cũng cần đến sức sống và niềm vui. Đối với người Ki tô hữu thì sức sống và nguồn vui đích thực chỉ bắt nguồn từ sự Phục sinh mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta. Cũng từ sức sống và nguồn vui ấy được thể hiện mà người ta nhận thấy được niềm tin hay mức độ đức tin như thế nào. Mahamat Gandhi, vị cha già đáng kính của dân tộc Ấn Độ, đã từng nói: hỡi các Kitô hữu hãy vui lên để chúng tôi tin.
Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra được hay thể hiện được điều này, không thấy được đó là một quà tặng hay một ân ban nhưng không mà Chúa Giêsu đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội là thành tố gìn giữ, nuôi dưỡng và thể hiện sức sống, nguồn vui đó; đồng thời không ngừng kiến tạo điều đó cho mỗi cá nhân Kitô hữu trong từng gia đình, tập thể, cộng đoàn, giáo xứ…
Cho nên, trước hết, mỗi Kitô hữu hay mỗi gia đình đoàn viên phải “nhận biết” được sức sống và nguồn vui này như gia đình ba chị em Matta, Maria và Lazarô (Thứ Hai Tuần thánh Ga 12,1-11). Thực vậy, khi Chúa Giê su đã phục sinh cho Laza rô từ cõi chết, cho anh được sống lại, cả gia đình vui mừng và trào tràn sức sống. Người ta có thể thấy niềm vui đầy tràn và khí thế nhộn nhịp dạt dào trong cả gia đình. Mọi người tất bật với mọi hoạt động: đôn đáo cơm nước, tiệc tùng, trò chuyện, chia sẻ, ngồi nghe… Tin mừng Gioan còn trình thuật cô Maria đập cả bình dầu nguyên chất xức chân Chúa Giêsu tỏ tình thương mến, kính trọng và biết ơn…Ngoài ra chắc chắn còn có bà con hàng xóm láng giềng đến chia vui, qua mọi cử chỉ hành động từ lời nói, nụ cười, đến cái choàng tay, ôm hôn, tặng quà. Tất cả đền nói lên thông điệp của sự sống và nguồn vui. Mà nguồn gốc của sự sống và nguồn vui này là do Chúa Giêsu mang lại từ việc phục sinh anh Lazarô.
Nhưng cả một tập thể gia đình có được sức sống dồi dào và nguồn vui đó, tiếp theo phải nằm ở chỗ biết đón nhận. Con người ta sẽ “yếu xìu”, chẳng vui, chẳng thích hoạt động khi dửng dưng. Nếu Matta, Maria hay Lazarô và bà con làng giếng thân thích không thường xuyên đón nhận Chúa “ghé thăm” có lẽ chắc gì đã có niềm vui này, sức sống này, sự phục sinh này. Và nếu như mọi người không cùng đón nhận, không đồng cảm, không hòa nhịp niềm vui chung với nhau, với tập thể gia đình, với cộng đoàn thì chắc chắn niềm vui sẽ kém đi. Và nếu như ở nơi gia đình Matta mà có một “giáo xứ”, hay có một huynh đoàn thì niềm vui này là của cả “giáo xứ”, hay của huynh đoàn…
Như thế, chúng tôi muốn nói nếu mỗi Kitô hữu hay một gia đình Kitô hữu chúng ta có được sức sống và nguồn vui mà Chúa Giêsu đem lại, phải nằm trong thái độ, tâm tình sẵng sàng đón nhận và hòa cùng nhịp đập chung của tập thể mình sống, của giáo xứ mình sống hay tổng quát hơn trong Giáo Hội mà mình đang là thành phần.
Không có được sức sống và niềm vui, ấy chính là thái độ tâm tình của Giuđa Ítcariốt: kẻ không đón nhận được niềm vui và sự sống từ Chúa Giêsu và những người khác, hay nói khác đi chính Giuđa đã cắt đi mối giây liên lạc với mọi người. Điều đó có nghĩa Giuđa tuyệt đường niềm vui và nguồn sống của mình. Anh ta đã tìm đến cái chết! Thực thế, thái độ tâm tình của Giuđa là thái độ tâm tình của người chỉ lo riêng tư, tìm kiếm nguồn vui và sự sống riêng mà Giu đa nghĩ rằng có thể tự mình tạo ra, tìm kiếm bằng cách nghĩ của mình. Thậm chí còn ngăn cản sự sống và nguồn vui của người khác. Rốt cục một khi cắt đứt nguồn vui và sự sống do Chúa Giêsu, Đấng phục sinh và tập thể cộng đoàn đem lại, ấy chính là tuyệt đường sống và nguồn vui của mình. “Không ai là một hòn đảo”, tức là “không ai sống một mình, không ai vui một mình” là câu nói vẫn còn nguyên giá trị.
Tuy nhiên thưa anh chị em, trong gia đình, trong tập thể huynh đoàn, hay trong giáo xứ vẫn còn đó có những người như Giuđa Ítcariốt, những con người không biết đón nhận là gì? Những con người luôn có thái độ, tư tưởng, tâm tình tách biệt khỏi mọi người và luôn có những suy nghĩ riêng tư không đồng cảm, không hòa nhịp với hoạt động của tập thể, không bao giờ kiến tạo được nguồn cảm hứng cho anh chị em khác, nhất là không biết chia sẻ sự sống và niềm vui mà Chúa Giê su đã đem lại cho mình, cho cộng đoàn, cho Giáo Hội, cho nhân loại…
Anh chị em đoàn viên, chúng ta là thành phần “công bố ơn cứu độ”, “rao giảng Tin Mừng ân sủng Chúa”. “Cứu độ, ân sủng” ở đây là gì nếu không phải là tinh thần PHỤC SINH, là SỰ SỐNG, là NGUỒN VUI mà chúng ta đã lãnh nhận được từ Chúa, từ trong Giáo Hội và từ nhau.
Ước mong chúng ta biết sống tinh thần này. Đó là biết đón nhận, biết gìn giữ, biết nuôi dưỡng và kiên định sống mãi, cũng như biết đem sự sống và nguồn vui phục sinh ấy đến cho tha nhân. Có thể nói đây là phương châm sống của người Ki tô hữu nói chung và của mỗi đoàn viên Huynh đoàn giáo dân Đa Minh chúng ta nói riêng.
Mến chúc anh chị em Tam Nhật Phục Sinh tràn đầy niềm vui và sự sống giúp anh chị em mạnh mẽ trước muôn vàn khó khăn, gian nan, thử thách trong cõi nhân sinh.