Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Is 55,10-11, Mt 6,7-15
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Mt 6,7-15)
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;
12xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Lạy Cha chúng con (20.02.2024)
Nối Lửa Cho Đời – Tuyển tập các truyện kể và suy tư về cuộc sống – của lm. Giu-se Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế; kể lại rằng:
Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) là một nhạc sĩ Công Giáo lừng danh người Đức, khi về già lâm bệnh trầm trọng, căn bệnh có thể gây ra chứng mù lòa.
Một hôm, có người bạn của ông đến báo tin có một bác sĩ giỏi về nhãn khoa mới tới trong thành phố, và ông ta sẵn sàng chữa đôi mắt cho nhạc sĩ bằng một cuộc giải phẫu.
Nhạc sĩ thành tâm trả lời người bạn quý: “Xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa, tôi nhận lời !”
Công việc chữa trị được tiến hành, nhưng bốn ngày sau đó, khi mở băng, trước sự hồi hộp đợi chờ của thân nhân chung quanh giường bệnh, nhạc sĩ đã nói:
“Xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả !”
Mọi người nghe vậy thì bật khóc vì thương cảm, bản thân ông cũng không khỏi xúc động, bầu khí như chùng xuống trong sự buồn đau.
Thế nhưng, thật bất ngờ, nhạc sĩ đã cố trấn tĩnh, cất tiếng cười vang tràn đầy lạc quan:
“Ơ hay, tôi đã bảo là xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa cơ mà. Nào, xin mọi người hãy hát lên cho tôi bản nhạc mà tôi thích nhất; đó là bài “Những Điều Chúa Làm, Ngài Đều Biết Rõ !”
Vâng ! Những điều Chúa làm, Ngài đều biết rõ ! Chắc chắn như vậy !
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay (x. Mt.6,7-15) thêm minh chứng cho truyện kể nói trên. Thiên Chúa biết rõ điều con cái của Ngài cần, ngay cả trước khi con cái của Ngài cầu xin.
Trình thuật Tin Mừng cho biết, Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận”
Hôm nay, Chúa cũng dạy các Ki-tô hữu chớ có nhiều lời cầu nguyện dài dòng, chớ có lải nhải như dân ngoại vì những lời cầu nguyện của họ luôn quy chiếu về mình để nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Nhưng đối với các Ki-tô hữu, cầu nguyện phải là lời cầu xin chân thành, tự đáy lòng đi vào tương quan thiết thân trong tình Cha – Con, chứ không phải chỉ có vẻ bề ngoài hay nơi môi miệng mà thôi.
Qua đó, Chúa Giê-su dạy mỗi khi cầu nguyện, trước hết, ta hãy dâng ý nguyện của ta xin cho Danh Chúa được cả sáng, cho Nước Chúa được chóng hiển trị và xin cho ý nguyện của ta được vâng theo Thánh ý của Chúa. Và sau cùng mới cầu xin cho sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn giữa muôn vàn cám dỗ và sự dữ xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.
Lạy Chúa,
Chúa biết rõ mọi nhu cầu của con, trước khi con cầu xin. Xin Chúa cho con luôn biết cậy trông phó thác đời con cho Chúa và được can đảm vui vâng theo thánh ý Ngài. Amen.
CÁT BIỂN
Xin chớ để… nhưng cứu… (28.02.2023)
Kinh Lạy Cha không chỉ là tâm tình phó thác của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhưng còn là niềm tin yêu mà chúng ta nguyện xin cho mình và cho tha nhân.
Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa; là lời cầu xin Chúa cho ta được biết thánh ý Chúa, và xin Chúa giúp ta thực hiện thánh ý Ngài.
Chúa biết mọi sự, cho nên dù ta không nói thì Ngài cũng đã biết ý ta muốn xin gì. Ngược lại, ta thì không biết thánh ý Chúa cho nên phải cầu xin Ngài chỉ dạy cho ta biết thánh ý Ngài. Thiết nghĩ, cuộc đời mỗi người trong chúng ta đều nằm trong tay Chúa. Vì thế ta xin Chúa cho ta biết đến với Chúa trong tâm tình của người con đối với người Cha, luôn hết lòng cậy trông phó thác.
Khi mang thân phận con người để thi hành sứ vụ của mình ở trần gian; Chúa Giê-su cũng gặp cám dỗ và cũng bị cám dỗ, thử thách (x. Mt. 4,1-11).
Vì thế, Chúa biết con người chúng con cũng sẽ gặp và sẽ chịu nhiều cám dỗ, thử thách trong đời mình; cho nên Chúa đã dạy chúng con hai “chiêu thức” (x. Mt.5,13) như sau:
Thứ nhất, Khi chúng con đối diện trước những cám dỗ trong đời mình, hoặc khi không né tránh được phải bị cám dỗ thì phải xin (cho được) rằng: Chớ để chúng con sa lầy, ngập lún vào trong những chước cám dỗ đó.
Thứ hai, Nếu như đã lỡ sa chân vào những chước cám dỗ đó, thì phải nhớ phải xin (cho được) cứu thoát khỏi phải chết, khỏi phạm tội (khỏi sự dữ) vậy.
Lạy Chúa, chúng con trao phó cuộc đời mỗi người chúng con cho Chúa. Chúng con tin rằng Chúa luôn ban cho chúng con mọi ơn lành; bởi “người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát” (Tv.33,18-19). Amen.
CÁT BIỂN
Trở nên người con có hiếu (08.03.2022)
Ghi nhớ:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt 6, 9)
Suy niệm:
Trong tác phẩm: “Trên đường lữ hành”. Đức Hồng Y Phaxicô Savier Nguyễn Văn Thuận có thuật lại một câu chuyện như sau: Bà Elisa thân mẫu của Đức Hồng Y Herbert Vaughan, hàng ngày tuy rất vất vả, bề bộn với công việc nội trợ, cũng như phải cộng tác với chồng trong việc kiếm tiền nuôi mười ba người con. Thế mà, ngày nào cũng vậy, bà dành ra một giờ đồng hồ để đến thánh đường chầu Chúa. Hàng xóm láng giềng lấy làm lạ, họ đặt câu hỏi với bà:
Nuôi một đàn con đông như vậy, bận rộn từ sáng đến tối mà sao trưa nào chị cũng đến nhà thờ được vậy?
Bà Elisa tươi cười trả lời:
Thấy một đàn con đông đúc, ăn bữa nay, lo bữa mai, tôi lo lắng lắm. Hơn nữa, khi chúng đến trường đi học, có rất nhiều bạn bè xấu, rủ rê đi chơi hoặc ra phố học đòi xa hoa lãng phí, có rất nhiều mối nguy hiểm rình chờ. Vì thế, tôi càng thao thức và lo lắng hơn nữa! Thành thử mỗi ngày cho dù bận bịu đến đâu đi nữa, thì tôi cũng dành ra một giờ để đến chầu Chúa, sốt sắng cầu xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi có lương thực đủ dùng nuôi nấng các con hàng ngày và dạy dỗ chúng nên người đạo đức.
Kết quả của việc siêng năng chạy đến với Chúa và cầu xin đó. Là gia đình bà đã có tám người con sống bậc tu trì, trong số đó có một Đức Hồng Y, một Đức Giám Mục, hai vị Linh Mục, hai nam tu sỹ và hai nữ tu.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ cách thức và lời lẽ để cầu nguyện. Ngài nói: “Khi cầu nguyện các con đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi cầu xin.
Vậy, các con hãy cầu nguyện như thế này: “ Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời…”
Và “Kinh Lạy Cha” mà chính Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ để các ngài cũng như chúng ta ngay nay dùng để dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Lời kinh vắn gọn, súc tích, đầy đủ ý nghĩa. Dựa theo lời Kinh đó chúng ta vừa dâng lời cầu nguyện vừa suy gẫm và sau cùng đem ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày.
Bản Kinh Lạy Cha có hai phần; Phần thứ nhất; cầu xin cho Danh Cha được vinh hiển, triều đại của Cha mau đến và ý của Cha được thể hiện ở trên trời cũng như ở dưới đất. Khi chúng ta được vinh dự gọi Thiên Chúa là Cha thì đương nhiên chúng ta là con cái của Người rồi, vậy thì bổn phận và trách nhiệm của một người con có hiếu là gì? Nếu không phải là sống sao để làm cho Cha mình được thoả lòng, được “nở mày nở mặt”, nói theo ngôn ngữ dân gian. Khi chúng ta triệt để sống theo ý muốn của Người, thì chúng ta sẽ trở nên một người con có hiếu, nhưng ý muốn của Cha là gì? Thưa đó là phải sống kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương mọi người như anh em, mà thực vậy, mọi người đều là anh em của nhau bởi lẽ có cùng một Vị Cha Chung đang ngự ở trên trời. Nếu ai nấy đều sống theo qui tắc đó thì rõ ràng là triều đại của Thiên Chúa đang hiện hữu trên thế gian này vậy.
Phần thứ hai; là xin những ơn cần thiết để chu toàn bổn phận làm người con, trước hết là xin cho có đủ lương thức mà dùng hàng ngày hầu cho sự sống được duy trì, rồi kế đến xin Chúa Cha tha thứ cho mình những tội lỗi mà do thân phận yếu đuối đã xúc phạm đến Người, đồng thời lại xin cho mình được trở nên giống Cha biết tha thứ cho anh em những lỗi lầm đến mình. Và cuối cùng xin ơn bền đỗ để vượt qua, để chiến thắng mọi cơn cám dỗ, mọi cạm bẫy của ma quỷ cũng như xin được gìn giữ và bảo vệ cho thoát khỏi mọi sự dữ luôn rình rập chở đợi mỗi người chúng ta.
Không có ơn Chúa chúng ta sẽ chẳng có thể làm được gì, vì thế cho nên hàng ngày nhớ đến Chúa, chúng ta hãy dùng lời Kinh Lạy Cha để dâng lời cầu nguyên, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời mà ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho chúng ta, một khi chúng ta đem ra thực thi những điều mà nội dung lời kinh đã dạy.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Cha, chúng con thật sự sung sướng và hạnh phúc vì được gọi Ngài là Cha. Chúng con cảm tạ Cha vì nhờ tình thương của Cha mà chúng con được sống trong mối tương quan thân tình này, chúng con lại còn được vinh dự mang hình ảnh và sự sống của Cha trong thân xác cũng như trong linh hồn của chúng con.
Xin cho chúng con cảm nhận được một cách rõ ràng và sâu sắc niềm hạnh phúc lớn lao này , để chúng con năng nâng tâm hồn lên tâm sự với Cha và để từ Cha chúng con có nguồn năng lực mà thi hành trọn vẹn thánh ý của Ngài. Ngõ hầu Danh Cha được rạng rỡ và triều đại được Cha hiển trị nơi trần gian này. Chúng con nguyện xin nhờ Danh Đức Giê-su Ky –tô là Con Cha và là Chúa chúng con. Amen.
Sống Lời Chúa:
Quyết tâm trở nên một người con thảo hiếu bằng cách luôn thi hành ý muốn của Cha
Đaminh Trần Văn Chính.
“Abba Cha ơi” (23.02.2021)
Ghi nhớ:
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6, 9).
Suy niệm:
Ông có 08 người con bốn trai, bốn gái. Tất cả đã yên bề gia thất, có nghề nghiệp ổn định, có mức lương tương đối cao và điều quan trọng là họ đều sống êm đềm hạnh phúc, ngoại trừ người con trai út!
Trong số các con, ông thương thằng út nhiều hơn cả, bởi lẽ khi nó sinh ra chưa tròn năm tháng thì mẹ nó đã vĩnh viễn ra đi để lại cho ông chăm nom nó và một đàn con! Có lẽ để bù đắp cho việc thiếu vắng tình mẫu tử từ tấm bé nên ông đã dành cho nó lòng thương yêu chiều chuộng rất nhiều, nó muốn gì thì ông đều thỏa mãn cho nó. Khi nó phạm lỗi ông cũng nương tay! Chính vì vậy mà nó trở nên bướng bỉnh, bắt mọi người phải chiều theo ý mình. Đó cũng là lý do cho sự đổ vỡ hôn nhân của nó! Sau khi chia tay vợ, vì buồn chán nó lao vào cờ bạc, rượu chè. Ông hết lời khuyên nhủ, nhưng nó cứ vâng vâng dạ dạ rồi chứng nào tật ấy vẫn say sưa, cờ bạc triền mien!. Vì xót thương con, tất cả tài sản ông bòn mót dành dụm để dưỡng già, phòng khi yếu đau bệnh tật đều đã đem đi trả nợ đậy cho nó hết.
Điều tội tệ lại đến với nó khi nó thấy yếu trong người và mất ký, nó đi xét nghiệm thì được bác sỹ cho biết đã bị “ suy thận mãn”. Ông Bố đã đau khổ rồi, nay hay tin ấy ông lại càng đau đớn hơn!
Trong cơn bệnh tật như vậy, thời gian nằm viện nó mới ngộ ra và ân hận. Nó xin ông và các anh chị tha thứ vì đã làm ông và mọi người đau khổ.
Khi các bác sỹ nói:“nếu muốn kéo dài sự sống cho nó thì phải phẫu thuật ghép thận! Nhưng điều quan trọng là phải có người hiến thận và quả thận đó phải được cơ thể nó dung nạp” Không một chút do dự ông đăng ký hiến thận cho nó. Nhưng người con trai cả không đồng ý nó nói với Bố rằng:
– Nếu Bố hiến thận cho chú ấy. Sau này Bố bệnh hoạn yếu đau thì Bố cứ gọi chú út đến mà chăm sóc cho Bố nhé. Ngược lại người em kế khuyên bảo anh rằng:
– Anh không ở trong hoàn cảnh của Bố nên anh không hiểu được Người. Giả sử anh có một người con cũng lâm vào hoàn cảnh như chú út! Lúc ấy anh sẽ hiểu tâm trạng của Bố. Thôi anh ạ! Chúng ta được may mắn hơn chú út, và để Bố đỡ đau buồn chúng ta mỗi người một tay cùng cộng tác với Bố chăm lo cho chú ấy. Em nghĩ đây cũng là cách để chúng ta báo hiếu Bố!
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su dạy các môn đệ cũng như là dạy cho chúng ta cách cầu nguyện bằng lời kinh mà chúng ta quen gọi là: “Kinh Lạy Cha”.Bằng lời kinh giản dị, gọn gàng và súc tích. Bản Kinh ấy được chia ra làm ba phần. Phần đầu hướng chúng ta đến Thiên Chúa Cha. Đấng là Chủ Tể dựng nên trời đất và mọi sinh vật, trong đó cón cả chúng ta. Phần giữa là những lời tôn vinh, chúc tụng Danh Thiên Chúa Cha. Phần cuối là những lời nguyện xin cho những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống dương thế của mỗi người. Tóm lại; Kinh Lạy Cha có bảy lời nguyện xin; Ba lời nguyện tôn vinh Danh Cha. Nước Cha và Ý Cha. Bốn lời nguyện xin cho những nhu cầu thiết thực hàng ngày: Xin cho lương thực hàng ngày, ở đây ngoài lương thực phần xác như cơm, bánh… chúng ta còn xin được luôn kết hợp cùng Chúa Giê-su qua lương thực Thánh Thể và Bàn tiệc Lời Chúa. Xin được ơn tha tội kèm theo điều kiện chúng ta cũng phải tha lỗi cho anh em mình. Xin ơn đứng vững trứơc những cãm dỗ và được bền đỗ đến giờ sau hết. Cuối cùng xin được Chúa gìn giữ cho khỏi mọi sự dữ; như chiến tranh, ôn dịch và thiên tai…
Qua Kinh Lạy Cha mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho chúng ta cầu nguyện. Ngài, một lần nữa mặc khải cho chúng ta biết chúng ta có một Đấng Toàn Năng, Thánh Thiện và nhân từ hằng yêu thương chăm sóc và luôn muốn cho con cái mình mọi sự tốt đẹp; Đó là muốn cho mọi người đều đạt tới ơn cứu độ.
Chúng ta tuy rằng chỉ là những tạo vật được Chúa Cha tác thành từ bụi tro. Nhưng chúng ta lại được diễm phúc nâng lên làm hàng con cái, vì thế cho nên chúng ta được phép gọi Đấng tác tạo nên mình bằng một từ rất âu yếm: “Abba Cha ơi”. Chính vì thế. Để đáp lại ơn sâu nghĩa trọng đó chúng ta phải sống thế nào để làm cho Danh của Người được rạng rỡ. Bằng cách thi hành ý Chúa, là hết lòng kính mến Chúa và yêu thương và phục vụ anh em; đó là những việc làm rất phải đạo của những người con chí hiếu..
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Cha Toàn Năng, Hằng Hữu, Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài đến thế gian, hy sinh chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Chúng con xin tôn vinh, cảm ta và ngợi khen Cha. Chúng con nguyện tín thác và quyết tâm thi hành những mệnh lệnh của Con Một Cha, hầu cho Danh Cha được cả sáng, nước Cha được hiển trị và ý Cha được thực thi triệt để trong chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Danh Con Một Cha là Đức Giê-su Ky tô Chúa chúng con. Amen.
Sống Lời Chúa:
Mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha con sẽ đọc với tâm tình trân trọng, và thảo hiếu vì đã được gọi Chúa là Cha.
Đaminh Trần Văn Chính.
Luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (03.03.2020)
Cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết: cầu nguyện là thưa chuyện cùng Chúa Cha, là làm cho Danh Cha được vinh hiển. Chính Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha khi có những việc quan trọng, chẳng hạn trước khi lựa chọn các Tông đồ, trước khi lập Bí tích Thánh Thể. Chúa cầu nguyện ở vườn cây dầu. Chúa cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài…
Chúa dạy chúng con: hãy kiên trì
Vững tâm thực dạ thì Chúa ban
Hồng ân thánh đức đầy tràn
Cuộc sống hạnh phúc vô vàn sướng vui
*
Hãy cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc
Khi đau buồn, cả lúc bình yên
Cầu nguyện liên lỉ thường xuyên
Một lòng tha thiết kết liền thành tâm
Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Khi phân tích kinh Lạy Cha, chúng ta thấy gồm có bảy điều nguyện xin được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gồm ba điều, đó là những nguyện ước, những tâm tình của chúng ta với Thiên Chúa. Phần thứ hai gồm bốn điều còn lại, đó là những nhu cầu vật chất và tinh thần chúng ta cần cầu xin bằng tấm lòng chân thành và tha thiết.
Hướng lên Chúa, tim tâm khẩn thiết
Ngài xót thương chẳng tiếc gì đâu
Kiên trì nhẫn nại bền lâu
Chớ đừng thất vọng càu nhàu thở than
*
Ơn của Chúa tràn lan ban phát
Cho mọi người khao khát cầu mong
Nhưng phải bền chí vững lòng
Sẽ nhận tất cả và không thiếu gì
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta khi chúng ta cầu nguyện là nâng chúng ta lên một tầm cao mới, vì nó cho thấy giá trị của chúng ta không đặt để ở số của cải hay kiến thức mà chúng ta đang có, nhưng hệ tại vào việc chúng ta đang làm gì? và làm như thế nào? để Danh Cha được vinh hiển và triều đại Cha được mau đến.
Hãy cầu nguyện, thực thi Lời Chúa
Kinh Lạy Cha:, chan chứa niềm vui
Sống cho tốt đẹp trên đời
Ngày mai hưởng phúc Quê Trời vinh quang
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con khi cầu nguyện biết hướng lòng lên Chúa Cha như Chúa đã từng thực hiện. Từ đó, chúng con làm sáng danh Chúa qua đời sống bác ái, yêu thương, biết tha thứ cho tha nhân, để Danh Cha được cả sáng và Nước Cha được trị đến. Amen.
HOÀI THANH
Cầu nguyện (12.03.2019)
Một trong các thuộc tính của mùa Chay, đó là việc cầu nguyện. Cầu nguyện thật năng động và cầu nguyện trong tinh thần sám hối.
Nhưng vấn đề là cầu nguyện như thế nào để theo đúng thánh ý Chúa ?
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cảnh báo về một lối cầu nguyện dài dòng, phô trương, và luôn quy hướng về cái tôi của mình.
Kinh Lạy Cha, chính là lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ và những ai đi theo Người hiểu rõ mục đích của cầu nguyện là thưa chuyện cùng Thiên Chúa. Qua đó, người cầu nguyện nhận ra được mối tương quan giữa cá nhân của mình với Thiên Chúa và tha nhân: Ngài là Cha của họ và chính họ là anh chị em với tha nhân. Nhờ đó, mỗi Ki-tô hữu có thể đón nhận tha nhân chung quanh mình bằng nụ cười thân thiện, ánh mắt thông cảm, trái tim yêu thương, đôi tay rộng mở… không loại trừ một ai.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết phải thưa chuyện như thế nào với Chúa Cha, và biết phải nói những gì cần cho phần rỗi của con và tha nhân. Amen.
CÁT BIỂN
Vì yêu… (20.02.2018)
Hằng năm, cứ đến dịp lễ hội, dịp Rằm (15 âm lịch/ tháng), hay tết Nguyên Đán thì có rất nhiều người đến hành lễ tại các đền chùa, đình miếu để khấn vái, nguyện cầu Phật, Bà, chư thần, chư thánh để xin ơn, tạ lễ… các vị đó.
Mọi người vất vả chen lấn nhau khấn vái trong cảnh khói hương nghi ngút; rồi thi nhau bày cỗ cúng tế các thần linh, cố nhét cho được tiền vào tay các linh tượng mà mình thờ kính, tin tưởng; và biết bao cảnh nhếch nhác khác mà báo chí, truyền hình năm nào cũng đưa tin.
Đối với các Ki-tô hữu, Chúa Giê-su cũng chỉ cho họ cách thức nguyện cầu. Nhưng Ngài khuyên họ đừng cầu nguyện giống như đã nói ở trên; cũng không cần chạy ngược chạy xuôi đến với thần này hay thánh khác.
Người Ki-tô hữu chỉ cần tin vào một Thiên Chúa duy nhất, và tin tưởng phó thác tất cả mọi sự cho Ngài mà thôi. Vì chỉ một mình Thiên Chúa chính là nguồn mạch của mọi ơn lành.
Chúa Giê-su dạy khi cầu nguyện đừng lải nhải, nhiều lời. Vì cầu nguyện chính là thưa chuyện cùng Thiên Chúa – Cha của mỗi người – nên Ngài luôn lắng nghe lời cầu khấn của con cái Ngài và luôn biết rõ con cái của Ngài cần gì.
Điều cần thiết khi cầu nguyện là niềm xác tín vào Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho con cái của Ngài những điều tốt lành.
Vững tin và luôn cầu nguyện với Thiên Chúa chính là điều căn bản trong đời sống của người Ki-tô hữu.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con hằng luôn vững tin vào Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Nền tảng thiêng liêng (07.03.2017)
Cầu nguyện chính là nền tảng thiêng liêng của người Kitô hữu;
Cầu nguyện là chuyện vãn tâm tình, là tâm tình hối lỗi… cùng Cha Trên Trời;
Cầu nguyện là cám ơn Chúa về mọi ơn lành và những thử thách của Ngài trao cho con cái mình để mưu ích phần rỗi linh hồn của chúng;
Cầu nguyện chính là dấu chỉ đáp trả yêu thương đối với tình yêu hải hà của Thiên Chúa đối với con người.
Chính khi quy chiếu về những tâm tình. trên, người Kitô hữu mới cầu nguyện đúng cách như Chúa Giêsu đã dạy, đã muốn như thế…
Cầu nguyện không phải là đọc đủ thứ kinh nguyện khác nhau;
Cầu nguyện cũng không hẳn phải nói nhiều Chúa mới nghe; cũng không phải là van xin lê thê Chúa mới nhậm lời. Nhưng cốt lõi chính là dâng mọi sự cho Chúa ngõ hầu làm cho “sáng danh Chúa”; cầu xin sao cho hết thảy mọi người “hiểu được ý Chúa” một cách vẹn toàn (x. Mt 6, 7-11)
Chung quy, cầu nguyện hệ tại ở tâm tình chứ không ở các ý tưởng; cầu nguyện hệ tại ở lòng thành yêu mến hơn là ngôn từ diễn đạt.
Trên hết, lời cầu nguyện kết đọng trong Kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt cầu nguyện chung trong giờ kinh tối gia đình. Amen.
CÁT BIỂN
Lời ao ước chính đáng (16.02.2016)
Cầu nguyện chính là lẽ sống của người Kitô hữu.
Có thể nói được, cầu nguyện là lời thầm thĩ tâm sự, trò chuyện cùng Thiên Chúa, dâng những nguyện ước của mình lênThiên Chúa, mong chờ được Người chấp nhận và ban ơn.
Cầu nguyện chính là sinh khí cần thiết cho đời sống của những ai đi theo Đức Giêsu Kitô.
Thế nhưng phải cầu nguyện như thế nào, và cầu nguyện ra sao cho hợp ý Thiên Chúa mới là điều đáng nói ?
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: Không phải cứ nói nhiều, lải nhải lặp đi lặp lại, khoa trương hình thức, văn vẻ cầu kỳ… mà Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của các ông. Nhưng tùy thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, tùy thuộc vào tình yêu và lòng thương xót của Người. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cầu nguyện với tất cả lòng thành của mình, vì Người biết Thiên Chúa Cha đã rõ những nhu cầu của các ông, ngay cả trước khi các ông cầu nguyện với Người.
Do đó, điều cần thiết khi cầu nguyện chính là niềm xác tín vào Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho con cái mình mọi điều tốt lành.
Thánh Tôma Aquinô dạy: “Kinh Lạy Cha là một kinh tuyệt hảo… Với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của chúng ta nữa”.
Thật vậy, kinh Lạy Cha chính là bài học huấn luyện tâm tình sống tương quan với Thiên Chúa là Cha chúng ta, và sống tương quan với anh chị em xung quanh mình. Đó cũng chính là tâm tình kính Chúa, yêu người.
Kinh Lạy Cha quả là lời ao ước chính đáng theo trật tự những gì nên ao ước. Nói như thế thật không quá lời chút nào cả.
1. Thứ nhất, đó là ao ước mối tương giao quy hướng về tình yêu Thiên Chúa. Đó là:
- Ao ước Danh Thiên Chúa được cao trọng sáng chói, muôn dân bái phục tôn thờ; mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều quy hướng về Thiên Chúa – Đấng khởi nguyên và cùng đích.
- Ao ước xây dựng Nước Thiên Chúa mau đạt tới, mau tỏ lộ hiển trị. Một vương quốc trị vì bằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nước Trời trị đến là dấu chỉ sự viên mãn giao ước của Thiên Chúa với con người. Nước Trời sẽ đến, sẽ xuất hiện khi ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện ngay ở dưới đất cũng như ở tận trên trời cao. Thiên – Nhân hợp nhất ý, vạn sự thành !
Việc tuân giữ và thực thi ý muốn của Thiên Chúa chính là nguồn gốc của sự trật tự, và hạnh phúc cho đời sống nhân loại. Âu đó cũng là một ao ước chính đáng thuận lòng trời, đẹp lòng Thiên Chúa vậy.
Thiết nghĩ nếu chúng ta cầu nguyện với những ao ước chính đáng này nhằm quy hướng về Thiên Chúa thì không lo là không được Thiên Chúa nhậm lời.
2. Thứ hai, đó là ao ước mối tương giao quy hướng sống tâm tình yêu mến với anh chị em mình. Đó là:
- Khi chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con” chứ không phải là “Lạy Cha của con”, tức là đã mặc nhiên tin rằng Thiên Chúa là Cha chung của một gia đình nhân loại, không chỉ là Cha của các Kitô hữu mà thôi.
- Ao ước cho có đủ lương thực dùng mỗi ngày trong cuộc sống. Cũng là một ao ước chính đáng. Không chỉ đầy đủ lương thực trần gian mà cả thần lương Nước Chúa.
- Ao ước cá nhân mình được tha nợ nần, tha những lỗi phạm… Nhưng muốn thực hiện được nghĩa cử tha nợ, tha lỗi cho người khác, thì chính mình phải biết sống yêu thương, sống bao dung… với người khác. Tha thứ cho anh chị em mình là dấu chỉ chúng ta sống trong ân tình với Thiên Chúa, và cũng là điều kiện để chúng ta được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Ao ước thoát được chước cám dỗ và được cứu khỏi sự dữ. Một ước muốn sống kết hiệp, thân tình với Thiên Chúa. Là dấu chỉ một đời sống thánh thiện giống Thiên Chúa là Đấng thánh thiện. Thật là một ước muốn chính đáng, phải đạo thay !
Tóm lại, lâu nay chúng ta cầu nguyện mà không được nhận lời là tại mình xin với tà ý, xin để lãng phí trong hưởng lạc cá nhân; không ao ước chính đáng đúng theo thánh ý Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha (x. Gc 4,1-3)
Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện. Xin cho chúng con biết cầu nguyện chính đáng là làm đẹp lòng Chúa luôn. Amen.
CÁT BIỂN
Cách cầu nguyện
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời…” (Mt 6,7)
Suy niệm: Cha Anthony de Mello giảng về việc cầu nguyện, ngài nói cầu nguyện chính là “đốt lửa”, theo nghĩa là “yêu thương”; không có “lửa” thì không có cầu nguyện gì cả, dù người ta có cả núi lời hay ý đẹp. Còn thánh Têrêsa Avila, được tôn vinh là bậc thầy cầu nguyện, xác nhận rằng cầu nguyện là sống tình bạn với Chúa, rằng cầu nguyện hệ tại ở tâm tình chứ không ở các ý tưởng.
Quả thật, những cách diễn đạt trên chung qui là vọng lại nghệ thuật cầu nguyện của chính vị “vạn thế sư biểu” là Chúa Giê-su: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời…” Chúa chủ trương ‘quí hồ tinh bất quí hồ đa’! Và tất cả tâm tình tinh túy để cầu nguyện được kết đọng trong Kinh Lạy Cha do chính Chúa dạy.
Mời Bạn: Chúng ta vẫn thường cầu nguyện. Thế nhưng cầu nguyện dễ hay khó? Cầu nguyện có phải chỉ là đọc hết kinh này đến kinh kia? Có chắc chúng ta luôn cầu nguyện với ‘phẩm chất hảo hạng’? Khi dạy cầu nguyện, Chúa Giê-su đã dạy kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha chỉ có một, nhưng chất lượng của lời kinh đó trên môi miệng ta thì ‘thượng vàng hạ cám’. Nhiều khi đúng là ta chỉ “lải nhải”, phải không? Bạn hãy thử, có thể ngay lúc này, lắng hồn xuống và cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha với tất cả tâm tình. Một kinh nghiệm thú vị đó.
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về một lần cầu nguyện mà tâm hồn của bạn được đánh động cách sâu xa.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, đặc biệt cầu nguyện chung trong gia đình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
Điều cốt yếu khi cầu nguyện
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)
Suy niệm: Hằng năm, đến dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán người ta tuôn đến các đền chùa, hết chùa Hương lại đền Trần, đền bà chúa Kho…, chen lấn nhau khấn vái trong cảnh khói hương nghi ngút, cố nhét cho được tiền vào tay các tượng… và bao cảnh nhếch nhác khác mà báo chí năm nào cũng tường thuật. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện nhưng đừng cầu nguyện như thế. Người Kitô hữu tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nên không phải chạy ngược xuôi đến với thần này hay thần khác. Tin tưởng và khẩn cầu chỉ một mình Thiên Chúa là nét độc đáo trong lối cầu nguyện Chúa Kitô dạy, vì chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành có thể đáp lại lời khẩn nguyện của chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu dạy khi cầu nguyện “đừng lải nhải”. Không cần làm như thế vì cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha và là Thiên Chúa, nên Ngài luôn lắng nghe lời cầu khấn của con cái và “biết rõ anh em cần gì.” Điều cần thiết khi cầu nguyện là niềm xác tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho con cái điều tốt lành. Tin Chúa và chỉ cầu nguyện với Chúa là điều căn bản trong đời sống cầu nguyện Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Bạn chỉ cầu nguyện với Chúa mà thôi hay còn chạy ngược chạy xuôi khấn vái thần này, thần khác?
Sống Lời Chúa: Gặp gỡ Chúa nhiều lần trong ngày qua lời cầu nguyện và dâng Chúa những gánh nặng cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng vào một mình Chúa và chỉ chạy đến với Chúa mà thôi.