Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Ep 5,21-33 (năm chẵn), Rm 8,18-25 (năm lẻ), Lc 13,18-21
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 13,18-21)
18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây ? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì ? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
20 Người lại nói : “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì ? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Nước Thiên Chúa (29.10.2024)
Lực (力) là một từ Hán – Việt dùng để chỉ hiệu năng làm thay đổi trạng thái vận động của vật thể hay nói cách khác là dùng để chỉ tác dụng hoặc hiệu năng của sự vật.
Ngày hôm nay – Qua Tin Mừng Lu-ca 13,18-21 – Chúa Giê-su kể cho các môn đệ và dân chúng nghe dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn nắm men trong bột để nói với họ về “lực” của Nước Trời.
Thứ nhất, Nước Trời giống như một hạt cải được một người đem gieo trong vườn của mình. Từ hạt cải bé nhỏ ban đầu nhưng nó lại có khả năng sinh trưởng, phát triển thành cây cải cao lớn, đến nổi chim trời có thể làm tổ trên cành để ở được.
Hạt cải gieo xuống lòng đất thì ta biết được, nhưng nó nảy mầm và từng giờ từng ngày phát triển lớn lên thì ta không biết được.
Thứ hai, Nước Trời giống như chuyện có một bà kia lấy nắm men vùi vào ba thúng bột, làm cho tất cả bột dậy men.
Men được vùi lẫn vào trong bột thì ta không thể nhìn thấy, nhưng nó âm thầm làm cho cả thúng bột dậy men.
Quả thật, khó mà nhận biết được quá trình chuyển hóa phát triển của tế bào thực vật; cũng như chẳng dễ dàng thấy được sự biến đổi sinh khối của tinh bột trong qua trình dậy men.
Qua đó, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ và dân chúng lúc bấy giờ nhận thức được sức mạnh của Nước Trời; để họ vững tâm khi ra đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ; để họ kiên tâm khi sống các giá trị Tin Mừng; để họ chớ nản lòng thối chí khi chưa gặt hái được những thành quả mà mình gieo vãi, hay thực hiện.
Hôm nay, các Ki-tô hữu cũng được Tin Mừng mời gọi gieo hạt sống chứng tá; làm dậy men đạo – đời qua nhịp sống tôn giáo – xã hội thường ngày, cụ thể như:
Ki-tô hữu hãy sống tốt lành và thánh hóa đời sống hôn nhân gia đình. Từ gia đình, vợ chồng làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu của Thiên Chúa. Gia đình đạo hạnh là tiếng nói loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc đời sau. Như thế, bằng gương lành và đời sống đạo đức, thánh thiện; gia đình Ki-tô giáo sẽ làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những ai đang kiếm tìm Chân lý;
Ki-tô hữu hãy cố gắng chu toàn bổn phận và trách nhiệm của một công dân trong một quốc gia thông qua môi trường sinh sống thường ngày trong gia đình, cũng như ngoài xã hội và xếp đặt chúng theo thánh ý của Thiên Chúa. Qua những công việc hàng ngày, để cho thế gian thấm dần tinh thần Chúa Ki-tô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình;
Ki-tô hữu hãy góp sức làm cho các thể chế và hoàn cảnh xã hội trở nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, chung tay làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các thành tựu của cuộc sống;
Ki-tô hữu hãy noi gương Chúa Ki-tô để phục vụ lẫn nhau; luôn sẵn lòng hợp tác với các vị chủ chăn và những người giảng dạy để tất cả đều làm chứng cho sự duy nhất trong Thân Thể Chúa Ki-tô.
Hôm nay, Giáo hội cũng mừng kính Chân phước Tô-ma Ben-lắc-xi – Tommaso Bellacci (1370 – 1447) người Ý thuộc Dòng Ba Thánh Phan Sinh.
Ben-lắc-xi sinh sống nghề bán thịt và trở thành một trợ sĩ Dòng Phan Sinh, sống chuyên chăm cầu nguyện và sám hối sau khi ăn năn sám hối, từ bỏ cuộc sống hoang đàng, phóng túng, tội lỗi trước đó của mình.
Cuộc đời ngài là một minh chứng cho “sức mạnh” hoán cải:
Từ một kẻ sống phóng đãng, hoang đàng, đầy tội lỗi. Ngài đã trở thành một trợ sĩ gương mẫu trong Dòng Phan Sinh, sống khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy Tô-ma mặc những quần áo vất đi của các thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù không phải là linh mục, nhưng ĐTC Martin V đã mời thầy Tô-ma đến thuyết giảng ở các thành phố phía bắc nước Ý chống lại bè phái Fraticelli (nhóm tu sĩ linh mục Dòng Phan Sinh lạc đạo). Thầy Tô-ma cũng đã được chọn làm Tổng đại diện của Sarteano (1438) theo lệnh của Đức Giáo hoàng.
Sau đó, lúc đã hơn 70 tuổi. Thầy Tô-ma được cử tới Damascus và Cairo ở Trung Đông để thúc đẩy sự thống nhất giữa các Giáo hội Đông và Tây. Người đã thành lập các tu viện ở Corscia (Tây – Bắc nước Ý). Thầy Tô-ma Ben-lắc-xi sống hết sức nhiệm nhặt, khó nghèo; được biết đến với chế độ ăn kiêng khem chỉ có nước và rau.
Thầy Tô-ma Ben-lắc-xi qua đời năm 1447 ở Rieti khi đang sang Rô-ma để thăm Đức Giáo hoàng Eugene IV. Và đã được phong Chân phước vào năm 1771.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức hơn sứ vụ của mình: Làm cho Nước Chúa ngày càng lớn mạnh và thấm nhập được vào mọi nơi trên thế gian này. Amen.
CÁT BIỂN
Nội lực Nước Chúa (31.10.2023)
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay cho ta thấy ‘nội lực’ âm thầm của hạt cải và nắm men; dụ ngôn ẩn dụ ‘sức mạnh’ thật sự của Nước Thiên Chúa. Một sức mạnh mà ta chỉ cảm nghiệm và nhìn thấy bởi đức Tin mà thôi. Nếu như không có đức tin, các Ki-tô hữu sẽ không vượt qua được những cám dỗ của tiền bạc, chức quyền, danh vọng, lạc thú… thời nay dường như đang kiềm hãm, cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian.
Qua dụ ngôn, ta thấy hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men cũng không tự động làm bột dậy lên. Nhưng để sinh hiệu quả, hạt cải phải được ‘gieo’ xuống lòng đất và nắm men phải được ‘vùi’ vào thúng bột. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa lớn lên nhờ vào sự thành tâm cộng tác của mỗi Ki-tô hữu bằng những lời cầu nguyện liên lỉ; bằng những cổ xúy tinh thần lẫn vật chất nuôi dưỡng Ơn gọi linh mục, tu sĩ; bằng sự dấn thân làm việc tông đồ bác ái… với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin cho con luôn vững vàng trông cậy, dám sống cho những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.
CÁT BIỂN
Nhỏ bé và ít ỏi (25.10.2022)
Mẹ Teresa Calcutta nói: “Hãy trung thành trong những điều nhỏ nhặt, vì chính sức mạnh của bạn mới nằm ở chúng”.
Dụ ngôn trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay thêm minh chứng cho lời của Mẹ Teresa đã nói như trên. Nước Trời ví tựa nhỏ bé như hạt cải, ít ỏi như chút nắm men. Nhưng:
Nhỏ không hẳn là yếu. Ít ỏi chắc gì là không thể có nhiều.
Mỗi ngày đời của ta là một cuộc phiêu lưu khám phá ý nghĩa của cuộc sống. Chính mỗi việc nhỏ ta chú tâm làm cho tha nhân trong ngày với một tâm tình kính Chúa, yêu người sẽ có giá trị sinh ích cho mình và các linh hồn hơn. Nước Thiên Chúa thật sự lớn mạnh bằng niềm tin của người Ki-tô hữu.
Khi ta dành một vài phút mỗi ngày để tĩnh tâm xét mình, ta sẽ khám phá ra một lợi ích tuyệt vời: Cuộc sống tầm thường hàng ngày của ta sẽ trở nên những giá trị phi thường; những lời cầu nguyện khiêm tốn, đơn thành, và kiên nhẫn sẽ đem lại kết quả lớn lao không ngờ, dẫu cho nhiều lúc ta có cảm tưởng rằng Thiên Chúa im lặng, Ngài không nghe, Ngài đã lãng quên những lời nguyện xin của mình.
Thế giới còn đó những tranh chấp, hận thù, chiến tranh, áp bức, giết hại người vô tội. Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo vì Thiên Chúa muốn như vậy để niềm hy vọng của con cái của Người được tinh luyện vững vàng; bởi lẽ nếu như thấy được những điều ta mong đợi hy vọng thì không còn phải là điều trông mong hy vọng nữa rồi. Chẳng có ai mong đợi điều mình đã thấy. (x. Rm. 8, 18-25)
Thay vì tập trung vào những lo lắng vượt sức mình trong cuộc sống hàng ngày của mình, ta hãy suy nghĩ và tận hưởng những gì Chúa ban cho ta mỗi ngày đúng với cuộc sống của mình; chẳng hạn như là sức khỏe, thời giờ, nguồn sống… Thế giới sẽ không thay đổi, nếu như nhận thức của ta về nó không thay đổi.
Nước Trời vẫn không ngừng lớn lên và đang âm thầm biến đổi thế giới. Mỗi Ki-tô hữu phải biết hy vọng và kiên tâm cầu nguyện làm cho Tin Mừng ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới hôm nay bằng những hành động cụ thể và những quan tâm có ý nghĩa tích cực cho dù là nhỏ nhặt, ít ỏi dành cho người khác hơn là những suy nghĩ tiêu cực và thái độ thờ ơ, dửng dưng ích kỷ.
Lạy Chúa, xin cho Nước Cha mau trị đến. Amen.
CÁT BIỂN
Sức mạnh nội tại của Nước Chúa (26.10.2021)
Ngày nay khi nhìn vào Giáo hội đông đảo phồn thịnh đang có mặt khắp nơi với uy tín đáng kể về nhiều mặt, mấy ai lại nghĩ tới cái quá khứ xa xưa khi Hội Thánh mới khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ, nhóm 12 tông đồ. Hội Thánh đã được khởi sự từ một thiểu số người đơn sơ, chất phác thậm chí không một chút uy thế trong xã hội.
Hình ảnh hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình, nó mọc lên và trở thành cây to, chim trời đến nương náu trên cành diễn tả được phần nào việc Nước Thiên Chúa đã trải qua một quá trình tăng trưởng. Sự tăng trưởng này được ví như một lực, một sức mạnh, không tỏ rõ nhưng vẫn đang ngấm ngầm hoạt động mạnh mẽ, khác nào như nắm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột cho tới khi tất cả khối đều dậy men.
Chúa Giêsu và các môn đệ, chính là Giáo hội đã thành hình. Các Ngài là một nhóm tí hon, là một hạt giống. Trong hạt giống này đã có mầm mống của tất cả những gì Hội Thánh sẽ phát triển và lớn lên. Trong dòng lịch sử Hội Thánh, để hướng dẫn đà tăng trưởng mình, Hội Thánh luôn luôn theo định luật trung tín, lòng trung tín đối với điều Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Tin Mừng.
Ngày xưa dân Chúa trong Cựu Ước đã từng phải gắn bó với Giavê bằng những lời tuyên xưng bày tỏ thái độ của Giavê hơn các thần minh khác. Họ phải làm việc ấy cách đặc biệt khi gặp khó khăn thử thách. Thì ngày nay Hội Thánh vẫn muốn cho tín hữu thấy rằng nếu như hạt cải không một sớm một chiều trở thành cây to tát mà phải trải qua thời gian đôi khi khắc nghiệt, thì đời sống thiêng liêng cũng đòi kiên trì mới đạt được tầm vóc trưởng thành. Bao lâu ở trần gian này, người ta vẫn phải nuôi hy vọng.
Thánh Phaolô hiểu được như thế, Ngài đã nói với tín hữu Rôma rằng: Tôi nghĩ những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo với hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ sự hư nát và được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa và như thế sự cứu độ sẽ đến từ niềm cậy trông.
Sau cùng, chúng ta còn khám phá ra điều này: Hội Thánh có một vai trò làm men trong thế gian. Men sẽ hiệu năng nếu nó không bị biến chất hoặc suy giảm. Nó phải tan hòa trong nắm bột, song phải làm cho bột “dậy men” chứ không để bột bóp chết. Hội Thánh trong thế giới, người Kitô hữu trong thế gian sẽ là những chất men nếu họ hoạt động trong môi trường mà không để ngột ngạt vì môi trường.
Sự hiện diện của của Đức Kitô trong Thánh Thể quả thực là một mầu nhiệm có sức biến đổi tâm hồn yếu đuối của chúng ta nên tươi tốt và lớn mạnh.
Hạt cải khiêm nhượng, bé nhỏ (27.10.2020)
“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to” (Lc 13, 19).
Chúa Giê-su ví Nước Thiên Chúa như hạt cải, như nắm men. Hạt cải bé tí, nhưng lớn lên thành cây to. Nắm men xíu xiu nhưng làm dậy cả thúng bột. Trước tiên, cần hiểu rằng chính Chúa Giê-su, dẫu là Con Thiên Chúa uy quyền vĩ đại, dẫu là Ngôi Lời Sáng Thế, đã vâng lời Cha mà tự nguyện trở nên hạt cải bé tí gieo vào lòng đời, trở nên nắm men xíu xiu trộn vào trong thúng bột trần gian, để Nước Thiên Chúa hiện diện nơi lòng đời, và ơn cứu rỗi chan hòa khắp thế gian.
Nối tiếp hạt cải, nắm men Giê-su, là những con người khiêm nhượng, bé nhỏ, đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa để làm những hạt cải bé tí, nắm men xíu xiu gieo vào lòng đời, làm nên một Giáo Hội bền vững, một Nước Thiên Chúa xinh đẹp hạnh phúc tại trần gian hôm nay. Chúa đang làm những việc lạ lùng vĩ đại nơi những con người khiêm nhường, bé nhỏ. Chúa không thực hiện điều gì lớn lao nơi những con người kiêu căng, tự cho mình là vĩ đại. Mười hai tông đồ đi khắp thế gian kia là những con người khiêm nhượng, là một nhóm người bé nhỏ làm chuyện vĩ đại.
Chúa Giê-su đang muốn nói với mỗi chúng ta hãy trở nên hạt cải bé nhỏ, nắm men xíu xiu, hãy sống khiêm nhượng hiền lành như Chúa Giê-su, thì mới đúng là hạt Tin Mừng gieo vào lòng đời, và mới có sức lớn lên thành cây cứu rỗi nhân loại. Có người nói: chỉ cần một hai người làm việc trong giáo xứ mà có lòng kiêu căng, đã đủ phá nát sự hiệp nhất, và còn hơn thế nữa, làm hỏng cả công cuộc truyền giáo của giáo xứ đó. Câu nói này đáng để mỗi chúng ta suy gẫm và quyết tâm loại trừ lòng kiêu căng hại mình, hại người, hại cả giáo hội.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống khiêm nhượng, hiền lành, từ bỏ mình, cho vinh danh Chúa. Amen
BCT
Tuy nhỏ bé nhưng rất mạnh mẽ (29.10.2019)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho dân chúng nghe về hai dụ ngôn: hạt cải và nắm men để diễn tả Nước Trời lúc đầu thật nhỏ bé nhưng rồi với thời gian sẽ rất to lớn. Dụ ngôn hạt cải và nắm men nói đến mối tương quan, nói đến tỷ lệ không cân xứng giữa một bên là hạt cải bé nhỏ và chút men chẳng đáng là gì và một bên là chim trời đến nương thân và cả một khối bột dậy men.
Dụ ngôn hạt cải bé nhỏ nhoi
Chọn đất phì nhiêu vãi kịp thời
Thời gian năm tháng trôi qua đấy
Trở thành cây to quá đi thôi
*
Chim chóc bốn phương ở khắp nơi
Bay về trú ngụ rợp khắp trời
Sinh sôi nẩy nở thêm đông đúc
Thân thương thắm thiết chẳng hề vơi
Hai dụ ngôn còn hướng chúng ta đến chủ đề chính của Tin Mừng là: hãy kiên nhẫn và chờ đợi. Hạt cải vô cùng bé nhỏ kia, nắm men xem ra chẳng có gì đáng kể lại trở nên một thành tố không thể thiếu cho chim trời đến nương ẩn và làm say nồng bao nhiêu người thưởng thức. Hạt cải và nắm men cũng như cây lúa mọc lên cùng cỏ lùng tuy âm thầm, chịu đựng nhưng nhờ kiên trì dưới cánh tay nâng đỡ của ông chủ Tình Yêu, chắc chắn kết quả sẽ mỹ mãn hơn sự mong đợi.
Với ba đấu bột và tấm men
Trộn chung hòa nhập rất êm đềm
Thời gian thay đổi trong phút chốc
Bột biến thành men, đã dậy lên
*
Dụ ngôn nói đến Nước Trời
Lúc đầu nhỏ bé, nhưng rồi lớn nhanh
Tin Mừng loan báo đạt thành
Giáo Hội phát triển như cành trổ hoa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy trở nên cánh tay nối dài của Lời tình yêu qua việc sống đúng bản chất của mình – thực hiện những hành vi yêu thương với mọi người trong từng phút giây của cuộc sống; có thể là những hành vi rất âm thầm, khiêm nhu và nhỏ bé nhưng lại có sức biến đổi con người, biến đổi môi trường như “nắm men vùi trong bột làm cho tất cả khối bột dậy men”
Năm châu, bốn biển một nhà
Phụng thờ Thiên Chúa là Cha nhân hiền
Điểm tô vun đắp triền miên
Nghĩa tình chân thật nối liền dựng xây
*
Nước Trời tỏa sáng tràn đầy
Người Ki-tô hữu sum vầy yêu thương
Nước Trời rộn rã muôn phương
Vinh quang hạnh phúc Thiên Đường Nhà Cha
Cùng nhau hát khúc hoan ca
Đồng tâm hiệp sức thiết tha mặn nồng
Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Nước Trời ở trần gian. Chúa qui tụ tất cả mọi người và kêu gọi họ hoán cải trở về với Chúa. Xin cho chúng con luôn có tâm hồn quảng đại và có cái nhìn tích cực về Hội Thánh. Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết kiên nhẫn đợi chờ và không vội vàng, nóng nảy vì Nước Trời cứ dần dần lớn lên. Amen.
HOÀI THANH
Nội lực Nước Trời… (30.10.2018)
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu loan báo và sánh ví như hạt cải và nắm men. Nước ấy cần có thời gian để phát triển, lớn lên như một tiến trình tự nhiên:
Một hạt cải nhỏ bé. Theo thời gian, hạt cải ấy đã phát triển, lớn lên và trở thành một cây cải cao to, chim trời có thể đến làm tổ trên cành của nó.
Một ít men được trộn vào ủ trong một lượng bột rất lớn. Vài tiếng đồng hồ sau, chút men ít ỏi đó làm cho cả khối bột dậy men. Sẵn sàng làm ra những ổ bánh thơm ngon.
Qua hình ảnh hạt cải và nắm men, Chúa Giê-su làm nổi bật sự phát triển và sức mạnh Nước Trời. Hạt “lớn lên”, “trở thành” cây, và bột “dậy men” là một tiến trình do Thiên Chúa tác động: Âm thầm nhưng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn trở ngại để cuối cùng sinh nhiều lợi ích thiết thực.
Lạy Chúa, xin cho các Ki-tô hữu được trở nên nắm men vùi sâu trong khối bột thế gian để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh trao ban yêu thương cho hết tất cả mọi người. Amen.
CÁT BIỂN
Nội lực… (31.10.2017 – Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên)
Hán tự có từ ghép “nội lực” (內 力). Được ghép bởi hai từ:
內 (nội – bên trong) gồm bộ nhân (人 – người) và bộ quynh (冂 – hầm trú), diễn tả một người trú ẩn ở hầm; diễn nghĩa là bên trong.
力 (lực – sức mạnh).
Nội lực là từ ghép nhằm để diễn tả sức mạnh từ bên trong một sự vật, sự việc nào đó nói lên sức mạnh âm thầm tiềm ẩn, bên ngoài không nhận biết được. Chỉ khi nào sự vật, sự việc đến hồi chung cuộc thì mới biết hết sức mạnh thật sự của nó.
Hôm nay, Phúc Âm theo thánh Lu-ca 13,18-21 cho biết Nước Thiên Chúa được ví như một hạt cải nhỏ bé được gieo trong vườn; nhưng khi trưởng thành thì thành một loại cây to, và cao lớn. Và Nước Thiên Chúa cũng được ví giống như một nắm men ít ỏi vùi vào trong ba thúng bột, và làm cho cả ba thúng dậy men.
Qua đó, để thấy, để biết, và để hiểu rằng:
Nước Thiên Chúa ban đầu rất nhỏ bé nhưng vẫn từng ngày, từng ngày âm thầm phát triển lớn mạnh lên, và sự hiện diện của Nước Thiên Chúa có khả năng làm biến đổi thế giới.
Qua các bí tích Khai Tâm Kitô giáo, người tín hữu Chúa Ki-tô thấy được nội lực của Nước Thiên Chúa nơi đức Tin đã lãnh nhận.
Mặc cho những thử thách, những ngăn trở; Nước Chúa mặc dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi trong giòng lịch sử nhân loại. Nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con được vững niềm tin cậy vào Chúa. Để từng ngày, con luôn luôn nhận ra tác động âm thầm của bàn tay Chúa trên cuộc đời của con. Amen.
CÁT BIỂN
Nước Trời … (25.10.2016)
Ai trong chúng ta chí ít cũng một lần được nghe câu chuyện ngụ ngôn “Kiến giết Voi”. Mục đích của câu chuyện cho thấy sức mạnh được tiềm ẩn trong những con vật được xem là nhỏ bé, trông có vẻ yếu ớt, tầm thường…
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt cải, và nắm men trong bột để cho các môn đệ và dân chúng sống trong thời của Ngài thấy hình ảnh rất mới về Nước Thiên Chúa, từ đó khơi lên tinh thần cần thiết để sống thực trạng Nước Trời.
Chúa Giêsu cũng cho thấy Nước Thiên Chúa là một tình trạng sống đức tin và chính là sức mạnh nội tại của đức tin.
Nước Thiên Chúa là “Men đức tin”. “Men đức tin” được lan rộng ra, trở nên mạnh mẽ khi được vùi vào “đống bột thế gian” và làm cho chúng dậy men. Đức tin yếu kém thì nền móng Nước Trời sẽ bị lung lay, lún sụt, rồi sụp đổ. Cũng như men bị biến chất thì hư và mất công dụng làm dậy nở khối bột. Vì vậy, các Kitô hữu sống giữa “đống bột thế gian” mà biến chất thì cũng trở nên vô ích.
Nước Thiên Chúa còn là sức mạnh nội tại của đức tin. Sức mạnh nội tại của đức tin được ví như hạt cải nhỏ bé. Âm thầm mọc lên và ngày càng lớn dần. Sức mạnh nội tại này ngày càng lớn dần nhưng khó thấy và không phải chỉ một sáng một chiều mà lớn được.
Nền móng Nước Thiên Chúa được xây dựng trên đức tin và sẽ được đảm bảo chắc chắn, vững mạnh, trường tồn khi dùng từ chất liệu “Bát Phúc” (x. Mt 5,1-12).
Hiện tại, các Kitô hữu không nhìn thấy tương lai Nước Thiên Chúa sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn Chúa muốn mỗi người – anh, chị, và tôi – góp sức vào xây dựng Nước của Ngài, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể được với ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa mở rộng con mắt đức tin của con, để con nhìn thấy tác động âm thầm của Nước Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho con luôn trung kiên trong mọi thử thách và luôn hy vọng Nước Chúa mau trị đến. Amen.
CÁT BIỂN
Nước Thiên Chúa (27.10.2015)
Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
Hạt cải nhỏ xíu mọc lên từ lòng đất, phát triển thành cây lớn (cải bên tây) đến nỗi chim trời có thể “làm nhà” trên cành, mức độ “lớn lên” không tưởng! Đức Giê-su ví sự phát triển của Nước Trời cũng giống như vậy, bắt đầu từ nhỏ bé âm thầm mà mạnh mẽ phi thường!
Đức Giê-su tựa như Hạt Cải đầu tiên được gieo vào trần thế, chỉ nho nhỏ be bé lặng lẽ trong nhà Na-za-rét nào ai biết tới. Tới khi “bùng lên” trong công cuộc rao giảng người ta vẫn như không thấy nên thỉnh thoảng Ngài lại nhắc: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Một chìa khóa nhỏ bé có thể mở toang cánh cửa lớn để bước vào ngôi nhà rộng thênh thang. Trong con người rất “người” của Đức Giê-su chứa đựng sức sống của Thiên Chúa. Sức sống này phát triển sang 12 tông đồ ít học, rồi vài trăm tín hữu đầu tiên, sau ngày lễ Hiện Xuống cả ba ngàn người… và ngày nay Giáo Hội rộng khắp năm châu bốn bể.
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Chỉ một nắm men tác động êm đềm kín đáo, mà lây lan dậy men cả thúng bột thành bánh ăn nuôi cả nhà. Ơn thánh từ các Bí tích người ta lãnh nhận từ Chúa, tỏa lan êm dịu từ bên trong, làm thay đổi lòng người và tràn sang những người họ gặp gỡ, tiếp xúc. Những việc làm mưu cầu lợi ích cho anh em, những nghĩa cử nhân ái với mọi người, quảng đại hy sinh, sẵn sàng nhận thua thiệt mất mát sẽ làm thế giới này lan tỏa men nồng yêu thương. Mọi người sẽ được tận hưởng Nước Trời ngay giây phút hiện tại. Nhưng nếu chút men này bị hư hỏng cũng sẽ lây lan làm hỏng cả “thúng bột” đấy.
Ngày nay qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người Ki-tô hữu chúng con như một hạt cải nhỏ mà chứa đựng sự sống của Con Thiên Chúa, như nắm men ẩn trong khối bột trần đời. Giữa cuộc đời nhỏ bé âm thầm này, nếu chúng con luôn sống mối tương quan đậm đà với Chúa, luôn ở lại trong Chúa, chúng con sẽ sống bằng chính sức sống của Chúa. Nhờ Sức Sống dịu êm nhưng mạnh mẽ từ bên trong này, nơi con người trần tục phàm hèn, chúng con sẽ lớn “bùng lên” thành cây cải xanh tươi trong lòng Hội Thánh, bởi vì “Tôi trồng, A-pô-lô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6).
Én Nhỏ
Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?
Ghi nhớ: “ Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? ” (Lc 13, 18)
Suy Niệm: Hạt cải, nắm men là những cái rất nhỏ bé và mong manh nhưng lại có một sức mạnh nội tại rất lớn. Hạt cải rất nhỏ bé nhưng khi được gieo xuống nó lại lớn thành cây và chim trời có thể trú ngụ. Nắm men rất mong manh nhưng khi được vùi trong bột nó có thể làm dậy cả khối bột lớn. Nước Thiên Chúa là gì nếu không phải là những cá thể hiệp thông với nhau tạo nên. Vậy mỗi cá nhân chúng ta phải trở thành một nước Thiên Chúa thu nhỏ, và từ đó, nước ấy lan rộng khắp mọi người trên toàn thế giới. Trong đó, mọi người là anh em với nhau có Thiên Chúa là Cha và người Anh Cả là Đức Giêsu Kitô.
Sống Lời Chúa: Hãy là men cho đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương của sự hiệp thông. Xin cho mỗi người chúng con luôn sống giống như Chúa và hiệp thông với nhau. Amen.
Ý nghĩa của hạt cải, nắm men
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải… Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men…” (Lc 13,19.21)
Suy niệm: Đã có nhiều nghiên cứu xem nước nào trên thế giới này là nơi đáng sống nhất. Kết quả có khi là Canada, là Pháp, lúc thì Thụy Điển, hay Na Uy… Có dạo, một số tờ báo Việt Nam nói rằng dân Việt Nam hạnh phúc… thứ nhì thế giới (?). Rốt cục, chẳng có nước nào là lý tưởng mà chỉ có những nước khá hơn và những nước tệ hơn thôi. Chúa Giêsu xác nhận có một nước lý tưởng, ở ngay thế giới này nhưng lại không dễ hình dung. Đó là “Nước Thiên Chúa”. Vì thế Ngài phải dùng nhiều hình tượng như “nắm men,” “hạt cải” để mô tả. Hai hình tượng này cho thấy Nước Thiên Chúa vốn nhỏ bé nhưng lớn lên không ngừng và một cách rất âm thầm, bằng chính năng lực bên trong của nó, cho đến khi trở thành như cây xum xuê, hay như toàn thúng bột dậy men.
Mời Bạn: Yếu tố chủ yếu để xác định Nước Thiên Chúa không phải là vị trí chính trị hay sức mạnh quân sự, kinh tế mà là năng lực (tức sức sống) bên trong: Ở đâu có năng lực ấy là có Nước Thiên Chúa; ở đâu năng lực ấy mạnh thì Nước Thiên Chúa mạnh, và ngược lại. Và cũng như hạt cải, nắm men phát triển mạnh mẽ nhưng âm thầm, thì mọi sự phô trương ‘hoành tráng’ bên ngoài không đương nhiên là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (lắm khi cho thấy ngược lại nữa kia!). Năng lực đó là gì vậy? Là yêu thương, là Thánh Thần, là các giá trị Tin Mừng, v.v… Bạn còn có thể gọi nó bằng nhiều tên khác nữa.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn quyết tâm yêu thương nhiều hơn, để làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nhiều hơn tại nơi mình sống.
Cầu nguyện: Kinh Hoà Bình.