Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Is 58,9b-14, Lc 5,27-32
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 5,27-32)
27 Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.
29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng : “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Đổi mới con người để theo Chúa (17.02.2024)
Sau những ngày tưng bừng đón Tết và vui xuân đầu năm Giáp Thìn, chúng ta đã bước vào mùa Chay, là thời gian các Kitô hữu chuẩn bị tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, đỉnh điểm của năm Phụng Vụ.
Mùa Chay là mùa sám hối, là cơ hội người Kitô hữu xem xét lại bản thân để cắt bỏ những cái xấu xa, đổi mới con người ngày càng thánh thiện để được gần Chúa hơn.
Các bài đọc hôm nay đều nhắm đến chủ đề chính của mùa Chay : thay đổi lối sống theo tiếng Chúa mời gọi.
Ở bài đọc 1 trích từ sách Ngôn sứ Isaia cho Kitô hữu biết cách ăn chay như thế nào để đẹp lòng Chúa. Đó không phải là những biểu hiện hình thức bên ngoài, không phải là nói những điều tốt đẹp hay ho cho Chúa nghe rồi đi làm những việc trái ngược lại. Ăn chay là thể hiện lòng yêu thương, phản ảnh Tình yêu của Thiên Chúa nơi con người khi được Người tạo dựng, là đi theo đường lối của Chúa, là “bỏ ra khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời nói hiểm độc; khi ngươi hết lòng quảng đại với người đói khát, làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái”.
Ăn chay cốt lõi là từ tấm lòng chứ không phải là một màn trình diễn. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy bảo các môn đệ khi ăn chay đừng thì đừng tỏ ra là mình ăn chay, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi chuyện nên Ngài thấy hết sự thành tâm của người ăn chay và Ngài sẽ trả công cho (Mt, 6, 16-18).
Người Trung Hoa có câu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nói lên việc thay đổi tính nết của con người là rất khó, nhất là khi phải từ bỏ những thứ đem lại quyền lực, lợi lộc vinh thân phì gia từ bao lâu nay.
Một khi đã sa vào vực thẳm tham lam danh lợi và quyền lực, con người muốn thoát khỏi nó thật gian truân. Nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa và sức trợ giúp của Ngài thì con người khó chiến thắng, khó đứng lên trong cuộc chiến ấy. Thời Cựu ước Thánh Kinh có nhắc đến cuộc vật lộn với Thiên Chúa của Gia-cóp (St 32,23-33). Cuộc vật lộn này đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của Gia-cóp và ông được Thiên Chúa đặt cho một tên gọi mới là Israel, tên gọi người cha có 12 đứa con là 12 chi tộc hình thành nên dân tộc cũng mang tên Israel. (Trong thánh Kinh, mỗi khi Thiên Chúa đặt tên mới cho người nào thì đồng thời Ngài cũng trao một sứ mạng cho người ấy).
Cuộc chiến đấu nào cũng phải có đau đớn và thương tích. Biểu hiện nỗi đau đớn của Gia cóp khi ông quyết tâm từ bỏ những tính xấu, thói lươn lẹo đã giúp ông thành công trong quá khứ, là trong cuộc vật lộn với Thiên Chúa ông bị đánh chấn thương ngay nguồn sinh lực, bị trật xương hông nên phải đi khập khiễng (vì thế cho đến nay dân Israel không ăn gân đùi ở khớp xương hông).
Được Thiên Chúa chăm sóc cắt tỉa sẽ có những đau đớn. Nhưng sau những đau đớn và thương tích là kết quả tốt đẹp vì đã được Thiên Chúa bảo vệ và dẫn đi theo đường lối của Ngài. Mà đường lối của Thiên Chúa thì luôn dẫn đến hạnh phúc đích thực mãi mãi.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi ông Lê Vi, một viên chức trạm thu thuế của Đế quốc Rôma tại Ca-phác-na-um, một thị trấn thương mại phồn thịnh của xứ Galilê. Theo thói quen và cách làm việc của các viên chức thu thuế thời Chúa Giêsu thì hẳn là Lêvi rất giàu, cuộc sống vật chất của gia đình ông dư dật thoải mái. Ông là người có trình độ nên mới được làm công việc này. Nhưng xã hội Do Thái thời đó đã khép kín và chặn con đường tìm về sự công chính của ông. Họ nhìn ông và các đồng nghiệp với ánh mắt khinh bỉ và xa tránh ông : quân tội lỗi. Chắc chắn điều này đã làm ông day dứt. Có lẽ ông đã có những cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, vì thế khi Chúa Giêsu gọi “Anh hãy theo tôi !” thì sức mạnh của Người đã lôi ông đứng lên, rời bỏ cái ghế mà ông đã ngồi bấy lâu nay, mở ra cho ông một con đường mới đầy ánh sáng yêu thương. Ông chấp nhận để Thiên Chúa cắt tỉa tất cả những đặc quyến đặc lợi đã đem đến cho ông sự giầu sang quyền thế của trần gian, của tội lỗi và bất công, để lập tức đi theo Chúa Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học theo gương ông Lê vi – Thánh Tông đồ Mát thêu, biết cậy nhờ sức mạnh của Chúa mà dứt bỏ những trói buộc của quyền lợi, danh vọng, những thú vui, tiện nghi vật chất để đi theo Chúa và hoàn toàn phó thác cuộc đời của mình trong tay Người.
Đồng thời xin cho chúng con biết giúp những người thân trong gia đình chúng con sám hối bằng cách thay đổi đời sống của chính chúng con.
Xin cho chúng con không nhiệt tâm chú ý tới những người anh em đang bị xã hội ghét bỏ bởi những lỗi lầm nhất thời, vì thực ra chúng con cũng chỉ là những kẻ tội lỗi chứ có hơn gì họ đâu. Xin cho chúng con biết đến với họ để chia sẻ với họ hạnh phúc được Chúa yêu thương bằng việc thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con, để họ cũng cảm nhận được Tình yêu của Chúa qua việc làm của cúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa nhậm lời chúng con Amen.
Jos. NM Tưởng
“ân huệ của Thiên Chúa” (25.02.2023)
Xâu chuỗi lại sự kiện được kể cả trong ba Tin Mừng (nhất lãm), thì có thể Lêvi chính là thánh sử Matthêu. Và nếu đúng như vậy, thì đây là một trong những trường hợp Chúa đổi tên cho môn đồ đầy ý nghĩa: Từ tên hành chính là Lêvi được đổi thành Matthêu có nghĩa là “ân huệ của Thiên Chúa”, diễn tả hết ý nghĩa hoán cải mà Lêvi đã được như tường thuật của bài Tin Mừng hôm nay.
- Chúa nhìn thấy bạn trước khi bạn thấy Người.
Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Lêvi làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do Thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La Mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Lêvi biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.
Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Người nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Người là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.
Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Người nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?
Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Người không?
Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không?
Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.
- Kêu gọi người tội lỗi.
Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì không còn là bệnh viện; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Người chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Người đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Lêvi.
Chúa không nhìn quá khứ của Lêvi, nhưng nhìn ông bắt đầu từ lúc ông và Người gặp nhau, và Người chỉ nhớ Lêvi bắt đầu từ lúc đó, còn quá khứ của ông Người đã quên hết rồi.
Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho ðế quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: “Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “.
Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học nơi Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen
Hiền Lâm
Dứt khoát (05.03.2022)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại việc Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi !” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người (Lc. 5, 27-28). Lê-vi đi theo Chúa Giê-su, trở thành một trong số Mười Hai Tông đồ của Người và là một trong bốn thánh sử viết sách Tin Mừng.
Tại thời điểm đó, Ơn gọi của Lê-vi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên cho các Tông đồ khác cũng như tất cả dân chúng lúc bấy giờ. Bởi lẽ:
Ông đang làm việc cho người ngoại quốc, công việc hái được nhiều tiền, thu nhập cuộc sống đang ổn định, vì chưng những người làm nghề thu thuế như ông được hưởng lợi tức rất cao.
Thế mà, Lê-vi dám bỏ tất cả để đi theo Chúa Giê-su – Người mà ông nghe nói nhiều nhưng chưa thấy, chưa biết bao giờ. Quả là một nhân cách đáng nể, một quyết đoán hùng dũng đáng cho mọi người ngày nay học hỏi.
Lê-vi đã can đảm dứt khoát từ bỏ để chọn lựa:
Giữa cuộc sống ổn định và kiếp rày đây mai đó với Thầy Giê-su;
Giữa tội lỗi và sự công chính;
Giữa thanh sạch và nỗi ô nhơ;
Giữa biển thủ, gian lận và lòng ngay thẳng, chính trực;
Giữa phù vân, hay hư nát với cõi vĩnh hằng, luôn trường tồn.
Lạy Chúa Giê-su – như Lê-vi khi xưa – xin Chúa cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa. Ngay lúc này đây xin cho con biết thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với tình yêu của Ngài. Amen.
CÁT BIỂN
Cách mạng hồng… (20.03.2021)
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại diễn biến “cuộc cách mạng hồng” do chính Đức Giê-su khởi xướng và thực hiện.
Câu chuyện “ơn gọi của Lê-vi” cho thấy Đức Giê-su thật là một nhà cách mạng chân chính.
Chân chính (眞正) là từ Hán Việt. Có nghĩa là “chân thực, thực sự” hoặc là “ngay thẳng, chính trực”.
Khi chiết tự, chữ “Chân” (眞) từ trên xuống dưới, từ trái qua; gồm có:
Chữ Hóa (化, dị thể là 匕), nghĩa là cải biến, biến đổi;
Rồi đến chữ Mục (目) nghĩa là mắt, con mắt; bên tái chữ Mục là một phần bộ Hệ (匸) nghĩa là che giấu, ẩn giấu.
Dưới cùng là chữ Bát (八) có nghĩa là đỡ, nâng, mang.
Như vậy, “Chân” có nghĩa là người biến đổi hình thể, bắt đầu từ con mắt, cuối cùng nâng người lên. Hay có thể ví von, “Chân” là sự cải biến từ người bình thường trở thành người siêu đẳng (siêu nhân).
Còn “Chính” (正) có nghĩa là đúng, là phải; không cong vẹo.
Như vậy, “Chính” có nghĩa là thành ý không có tà tâm cong vẹo nào.
Như trên vừa nói, thì Đức Giê-su đúng là nhà cách mạng Chân Chính, đã làm cuộc cách mạng hồng cho những người tội lỗi. Nói như thế không có gì sai trái, và quá đáng. Thật vậy, chính Đức Giê-su đã nhìn thấu con người của Lê-vi, Ngài đã thương nâng đỡ ông, cải biến ông từ một người được xem là kẻ phản đạo, phản quốc, kẻ đứng ngang hàng với bọn gái điếm trở thành một tông đồ thánh sử. Và Đức Giê-su cũng đổi tên cho Lê-vi thành Mát-thêu có nghĩa là “ân huệ hay quà tặng của Thiên Chúa”. Chính cái tên Mát-thêu đã diễn tả hết ý nghĩa hoán cải mà Lêvi đã được như tường thuật của bài Tin Mừng hôm nay. Tin tức Mát-thêu bỏ mọi sự đi theo Đức Giê-su đã gây chấn động toàn vùng vì ảnh hưởng của ông và tầm quan trọng vị trí của thành Ca-phác-na-um là một trị trấn buôn bán sầm uất, tiện lợi cho cả đường thủy lẫn đường bộ của miền thập tỉnh và các vùng phụ cận.
Qua đó cho thấy, mục tiêu sứ vụ tại thế của Đức Giê-su là kêu gọi người tội lỗi sám hối, nên Ngài đã đến với họ, đã đồng bàn, đã chia sẻ yêu thương, và mời gọi họ “làm lại cuộc đời”; Người giúp họ thấy được tình thương và sự nhân hậu của Thiên Chúa (x. Lc. 5,31-32). Điều quan trọng là khi đứng trước lời kêu gọi của Thiên Chúa, và khi đối diện với lòng nhân từ của Ngài, tôi và anh có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không ?
Tính khẩn thiết “lời kêu gọi Lê-vi” của Thiên Chúa vẫn nguyên giá trị trong thời đại hôm nay. Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi, không chỉ Lê-vi mà hết mọi người “đứng dậy” ra khỏi cuộc sống tội lỗi để “đi theo Người”; cùng chết với Người và cùng sống lại với Người (x. Rm. 6,4;8).
Lạy Chúa, Chúa vẫn đang kêu gọi con bỏ đường tội lỗi về Chúa. Xin cho con biết mau mắn trở về với tình thương và sự bao dung của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Bỏ để chọn… (29.03.2020)
Chuyện kể rằng:
Có phóng viên đã từng phỏng vấn một nữ sĩ thành công trong sự nghiệp, và hỏi về kinh nghiệm thành công của cô; nữ sĩ nói: “Để đạt được thành công, tôi đã phải từ bỏ rất nhiều: Bỏ cuộc sống nơi đô thị phồn hoa, bỏ môi trường làm việc tốt, bỏ sức khỏe, và thậm chí bỏ cả tính mạng”.
…Từ bỏ không phải thất bại, hay hèn nhát. Từ bỏ là dũng cảm đối diện với thực tế, và dứt khoát dừng lại khi nhận ra con đường mình đang đi không làm mình cảm thấy hạnh phúc.
Cách nay hơn 2.000 năm, đã có một Lê-vi của xứ Pa-lét-ti-na cũng dám bỏ hết tất cả như thế. Ông dám buông bỏ công việc thâu thuế nhàn nhã – công việc không vốn, bốn lời – và rời bỏ địa vị đương nhiệm béo bở lợi lộc; để dành trọn phần đời còn lại đi theo một ông thầy nghèo “rớt mồng tơi” – không nhà, không cửa, không gối tựa đầu; phiêu bạt rày đây mai đó – Ấy là Đức Giê-su.
Qua đó ông nhận ra tình yêu Thiên Chúa, vốn luôn đi bước trước và hoán cải cuộc đời ông quay về với Thiên Chúa và với thánh ý Ngài hoàn toàn hơn: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. (Lc 5,32). Lê-vi cũng ý thức rằng, dù không xứng đáng, ông vẫn được Chúa Giê-su yêu thương, ông vẫn thật sự có giá trị trong cái nhìn của Chúa dành cho mình; đó chính là điều ẩn sâu bên trong tâm hồn ông, đánh động tâm hồn ông. Từ đó, ông dám bỏ tất cả và quyết định đi theo Chúa Giê-su để con người ông được hoán cải trở nên trọn toàn.
Lạy Chúa, xin dạy con đường lối Chúa, để con sống theo chân lý của Ngài” (Tv 85,11a) .
CÁT BIỂN
Theo Thầy (09.03.2019)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi đi theo mình. Ông đã bỏ mọi sự, bỏ cả nghề thu thuế – nghề tội lỗi trong mắt người Do Thái thời bấy giờ – và cùng những đồng nghiệp thu thuế của mình thiết đãi Người. Qua đó, Người đã dạy những người biệt phái và thông luật một bài học: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi”.
Quả thật, Chúa Giêsu đã xuống thế làm Người để cứu chuộc con người khỏi sự thống trị của tội lỗi. Người đã lên tiếng kêu mời và chìa tay ra để kéo chúng ta khỏi bùn nhơ, việc của chúng ta là đáp lại lời mời gọi ấy. Chúng ta có hai lựa chọn: đưa tay ra để Người lôi kéo (như thánh Matthêu) hoặc từ chối lời mời gọi ấy. Đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hay không là quyền tự do chọn lựa của chúng ta. Tuy nhiên, đừng lên án hay ngăn cản người khác trở về cùng Chúa vì đó là lựa chọn của họ.
Theo Chúa hay không vẫn luôn là nỗi trăn trở của con người. Giữa đam mê cuộc sống chóng tàn này và tình yêu dành cho Chúa, chúng ta thường hay chọn lầm. Lầm, có thể vô tình, cũng có thể là cố ý. Theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự, từ bỏ tính xác thịt của mình, từ bỏ những thói hư, tật xấu, bỏ cả những thú vui trần thế. Khó! Quá khó! Thực sự khó! Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Chỉ cần ý thức được rằng niềm vui thế trần là niềm vui chóng qua, chỉ có niềm vui bên Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, thiêng liêng, chúng ta sẽ từng bước đến gần Người hơn.
Đừng ngại ngùng, mặc cảm vì tội lỗi của mình mà trốn tránh Chúa, Người đã nói Người đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải. Chỉ cần dốc lòng thống hối, quyết tâm trở về cùng Chúa, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, Người sẽ luôn chờ đợi ngày chúng ta trở về. Không ai trong chúng ta thật sự trong sạch trước mặt Chúa, nên ta cũng đừng để sự mặc cảm trở thành rào cản chắn lối về với Người. Người vẫn luôn đợi ta trở về.
Mùa Chay lại đến, nhắc nhở chúng ta hãy nhớ lại thân phận yếu đuối của mình, nhắc lại những đau khổ Chúa Giêsu đã gánh chịu vì tội lỗi chúng ta. Ý thức được điều đó, ta sẽ sớm nhớ lại tình yêu Thiên Chúa đã dành cho phận người yếu đuối, mọn hèn, tội lỗi mà quay về bước chân theo Người.
Lạy Chúa, tội lỗi của con người đã khiến Ngài đau buồn, xin cho chúng con biết sửa đổi mình mỗi ngày, biết quyết tâm tránh từ bỏ những thói hư, tật xấu, bỏ những đam mê của kiếp sống tạm này để một lòng trở về cùng Ngài. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu cao cả Ngài đã dành cho chúng con, để chúng con biết quyết tâm từ bỏ tội lỗi để được đẹp lòng Ngài mỗi ngày. Amen.
Petrus Sơn
Đau ốm phần linh hồn (04.03.2017)
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện một người thu thuế tội lỗi đã hoán cải và đi theo Đức Giêsu.
Đức Giê-su rời thành Ca-pha-na-um để đi ra bờ biển hồ Ghen-nê-xa-rét (x. Mc 2, 13-14 ), khi đi ngang qua cổng thành, Người thấy một nhân viên thu thuế đang ngồi ở trạm, liền bảo ông :“Anh hãy theo tôi”. Lê-vi, tên người thu thuế (ông còn có tên gọi là Mát-thêu, và theo thánh sử Mác-cô, ông là trưởng trạm thu thuế của đế quốc La-mã ở Ca-pha-na-um này), nghe Đức Giê-su gọi mình, ông lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người và mời Người cùng các môn đệ về nhà mình, mở tiệc thiết đãi.
Trong khung cảnh ồn ào náo nhiệt của đám đông đang đi ra khỏi thành, dáng dấp một nhân vật nổi bật giữa giòng người đang chen lấn, đó là Đức Giêsu Na-da-rét. Ông Lê-vi ngồi nơi trạm thu thuế nhìn theo bỗng bắt gặp ánh mắt hiền từ của Đức Giêsu đang nhìn ông, ông cảm thấy bối rối và khi Người nói với ông “Anh hãy theo tôi”, ông đã không chần chừ bỏ mọi sự và đi theo Người. Trong khoảnh khắc gặp gỡ ánh mắt của Đức Giêsu, ông nhận ra rằng đây là ngôn sứ của Thiên Chúa, một nhân vật mà dân chúng đang hết lòng ca ngợi vì những lời giảng dạy đầy khôn ngoan kèm theo các dấu kỳ phép lạ như: chữa lành nhiều bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ được cả ma quỷ
Có lẽ đã từ lâu, Lê-vi được nghe bạn bè cũng như nhiều người dân bàn tán về Đức Giêsu, về giáo lý của Người, nhất là việc Người kêu gọi dân chúng từ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng để đổi mới cách sống. Là người Do Thái, ông cũng biết đến nỗi khát vọng trông mong, chờ đợi từ bao đời nay của cha ông về Đấng Mê-si-a, người của Thiên Chúa sẽ đến để giải cứu dân của Người. Tuy nhiên, cuộc sống trần thế vốn có nhiều cuốn hút vì cơm áo, gạo tiền; ông đã chấp nhận làm nhân viên thu thuế cho người La-mã, mặc cho đồng bào của mình khinh khi miệt thị và lên án.
Thực tế thì đã làm nghề thu thuế, ông làm sao tránh khỏi sự gian lận, bớt xén tiền bạc và hà khắc với người nghèo, nhất là bắt tay với quân ngoại đạo; ông bị dân Do Thái liệt vào hàng những kẻ tội lỗi. Gặp gỡ Đức Giêsu, ánh mắt giao nhau; trong góc khuất của tâm hồn vốn chai lỳ trước những lợi lộc vật chất, tiền bạc và sự khinh khi, miệt thị của những người… đồng bào; một ánh sáng lóe lên, chiếu giọi vào tâm trí Lê vi, làm thức tỉnh lương tâm của người “Do thái chân chính” nơi ông; trong khoảnh khắc hiếm hoi đó, Lê-vi nhận ra tội lỗi của mình và những hậu quả nghiêm trọng đang gánh chịu; không những đối với đồng bào dân tộc mà cả với Thiên Chúa, Đấng mà tiền nhân của ông rất kính phục tôn thờ; ông hối hận và ăn năn; đồng thời một sức mạnh thiêng liêng hấp dẫn, thúc đẩy ông vượt qua hoàn cảnh hiện tại.
Khi nghe Đức Giêsu gọi: “Anh hãy theo tôi”; Lê-vi đã lập tức chọn lựa một hướng đi mới cho đời mình, dứt bỏ cuộc sống giàu sang tiện nghi mà bước theo Đức Giêsu Na-da-rét. Cuộc gặp với Đức Giêsu đã thay đổi quan niệm sai trái trong cuộc sống trần tục và giúp ông can đảm chấp nhận được biến đổi theo giáo huấn của Người.
Đức Giêsu chính là Đấng mà muôn dân đang trông mong chờ đợi; Người đến không phải để giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã nhưng để giải thoát nhân loại nói chung và dân Do Thái nói riêng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đam mê và dục vọng; Người loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.
Những người Pha-ri-sêu ngạo mạn và cứng lòng vì tính ích kỷ, kiêu căng; họ tự hào vì có lề luật và thông thạo lề luật, cũng như dựa vào các tập tục, truyền thống của cha ông họ để lại mà thờ phượng Thiên Chúa; họ đã đi chệch đường và dạy cho dân chúng như vậy. Vốn có thành kiến và ganh ghét với Đức Giêsu nên khi thấy Người vào nhà ông Lê-vi và ăn uống, đồng bàn với những người tội lỗi thì họ rất khó chịu, bực mình, lẩm bẩm chê trách Người. Đức Giêsu thấu hiểu ý nghĩ xấu xa của những người Pha-ri-sêu nên bảo họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.
Dùng hình ảnh “người mạnh khỏe”, Đức Giêsu muốn ám chỉ đến người Pha-ri-sêu là những kẻ luôn kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết Thánh Kinh và tuân giữ lề luật một cách máy móc, hình thức mà quên đi cái cốt lõi là tinh thần tuân giữ lề luật; chính vì thế, việc giữ đạo của họ trở nên giả dối, vụ hình thức và họ sống trong lầm lạc mà không biết. Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Ông Lê-vi đại diện cho hạng người tội lỗi, đã trở thành mẫu người tiêu biểu trong việc đáp trả tiếng gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu, ông rũ bỏ cuộc sống hiện tại vốn có nhiều tai tiếng, chỉ trích để chấp nhận đi theo Đức Giêsu, để được nghe và sống giáo huấn của Người. Ông đã mở tiệc lớn để công khai cuộc đổi đời, lội ngược giòng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời của mình: Với bạn bè là những người đồng nghiệp thu thuế, là những người tội lỗi, ông muốn họ nhận ra sự chọn lựa đúng đắn của mình; còn với Đức Giêsu và các môn đệ, ông bày tỏ niềm vui vì một người tội lỗi như ông đã được yêu thương, tha thứ và nhất là được nên nghĩa thiết, thân tình với Người.
Về mặt thể lý: Sinh, bệnh, lão, tử là quy luật tự nhiên của đời người; khi ốm đau, người ta cần chữa trị và thầy thuốc đóng vai trò rất quan trọng, vì ông có khả năng chữa lành bệnh và đem lại hạnh phúc cho bệnh nhân. Về mặt tâm linh, người ta chỉ mạnh khỏe khi có sức quy hướng hành vi, lời nói, tư tưởng về điều thiện hảo: làm những việc có lợi cho mình, có ích cho Người khác; và giá trị cao hơn nữa là sẵn sàng chịu thiệt thòi để đem lại lợi ích cho tha nhân. Tuy nhiên, ngay từ thuở ban đầu nguyên tổ đã làm mất đi những đặc ân quý giá khiến nhân loại lâm vào sự suy yếu thiêng liêng, bị chi phối bởi lòng kiêu căng, tự phụ; dục vọng thấp hèn, ích kỷ, tham lam khiến con người làm nhiều điều tội lỗi trái với lương tâm, nghịch với lề luật của Thiên Chúa; đau ốm thiêng liêng phát sinh dẫn đến cái chết phần linh hồn. Đức Giêsu, người thầy thuốc có quyền năng chữa lành không những bệnh tật thể lý mà còn chữa lành những tâm hồn tội lỗi và ban sự sống thần linh cho những ai gặp gỡ và đi theo Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi
Hãy tỉnh thức để nhận ra ơn gọi hoán cải trong đời sống và thành tâm ăn năn sám hối bước theo Đức Giêsu để nỗ lực biến đổi cách sống theo tinh thần Tin Mừng, khởi đi từ Mùa Chay thánh này.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm đáp trả lời mời gọi của Chúa với tâm tình yêu mến; đồng thời, biết thành tâm ăn năn sám hối những lỗi lầm của mình để bước vào Mùa Chay thánh.
3. SỐNG TIN MỪNG
Khiêm tốn nhận ra những yếu đuối, tội lỗi, bất toàn nơi con người của mình và nhanh chóng đáp trả lời mời gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu Kitô mà ăn năn sám hối, bước đi theo Người và để được Người chữa lành.
Sám hối
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32)
Suy niệm: Sám hối của người Công Giáo là hành động gồm những liên hoàn. Trước hết là sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng tội của chính mình. Kế đó là thấy rõ lòng thương xót của Chúa nơi Đức Kitô. Rồi phải thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi và quay về với Chúa. Cuối cùng là cố gắng sống thánh thiện bằng cách làm theo Lời Chúa để hiệp thông với tha nhân. Ông Lêvi hôm nay đã nhìn thấy được lòng thương xót của dành mình dù ông là kẻ tội lỗi. Cho nên, ông bỏ tất cả, đi theo Chúa vì ông biết rằng chỉ có theo Chúa, mình mới có thể trở nên người thánh thiện và hòa nhập cộng đồng. Vậy, sám hối không phải là việc một mình mình tự cứu lấy mình, mà là còn một tương quan giữa Thiên Chúa và tội nhân. Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy sám hối để mối tình của chúng ta với Thiên Chúa và giữa ta với tha nhân được mãi thắm nồng.
Mời Bạn: Tội lỗi làm ta xa rời Thiên Chúa và là rào cản ngăn cách giữa con người với nhau. Mùa chay Năm Phúc Âm hóa gia đình và cộng đoàn, mời bạn hãy sám hối về những thiếu sót của mình đối với gia đình hay cộng đoàn bằng sống hiệp nhất, xây dựng bầu khí yêu thương, hòa hợp với nhau và tha thứ cho nhau hầu “xây dựng gia đình mình và cộng đoàn thành một cộng đoàn sống yêu thương hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng” (Thư Chung, số 6).
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một tội mà lâu nay chưa bỏ được.
Cầu nguyện: Hát “Giọt Lệ Thống Hối”: Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con phàn nàn…”