Thư Cha Bề trên Tổng Quyền trong cơn đại dịch Corona

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa. Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn, Người che chở tôi trong lều thánh, đem giấu tôi thật kín trong nhà, đặt an toàn trên tảng đá cao. (Tv 27,1.5)

Kính gửi anh chị em trong gia đình Đaminh,

Như chúng ta biết, sau Trung Quốc, nước Ý đang bị thiệt hại nặng nề do Covid-19. Một số thành viên của gia đình Đaminh ở phía bắc nước Ý đã nhiễm virus. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người bệnh, những người chăm sóc họ, những người đang cố gắng hết sức để tìm cách khắc phục đại dịch và những tác động mà cơn dịch bệnh gây ra.

Cùng với các anh chị em ở Santa Sabina, tôi mong muốn gửi đến tất cả anh chị em những lời xây dựng như một cử chỉ tỏ sự gần gũi của chúng ta với nhau vào lúc này khi vì lợi ích chung của toàn xã hội đòi hỏi chúng ta phải cách xa nhau về mặt địa lý. Trong thời điểm khủng hoảng này, sứ mạng của chúng ta là xây dựng tình hiệp thông, chúng ta dường như nhượng bộ chính mình để bị cô lập. Có vẻ nghịch lý, nhưng trong tình cảnh này giữ khoảng cách với nhau thực sự là quan tâm tới nhau. Bởi vì chỉ có cách này chúng ta mới mong ngăn chặn sự lây truyền loại virus Corona mới này, nó đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và làm xáo trộn cuộc sống và nghề nghiệp của vô số người trên khắp thế giới. Chúng ta giữ khoảng cách không phải vì chúng ta thấy anh chị em của mình là người có khả năng mang mầm bệnh, hoặc chúng ta sợ bị bệnh; nhưng vì chúng ta muốn kiểm soát và cắt đứt mối lây lan.

Tại miền bắc nước Ý, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chúng ta sẽ buộc phải đưa ra các quyết định đạo lý khó khăn – liệu rằng một bệnh nhân trẻ hơn nghĩa là có tuổi thọ lâu hơn sẽ được ưu tiên hơn so với một người già? Chúng ta hy vọng và cầu nguyện sẽ ngăn chặn được những quyết định vô nhân đó ở bất cứ đâu, bằng cách làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn sự lây truyền độc hại hơn nữa. Ở Ý, cũng như ở nhiều nước khác, chúng ta không được cử hành bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp thông vào thời điểm mà người tín hữu cần nhất vì bị cô lập. Đó thật sự là một nỗi đau không của riêng ai. Tuy nhiên, chúng ta phải chịu đựng sự khốn khó này trong tinh thần đoàn kết và hiệp thông của mọi người, vì “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau.” (1Cr 12,26)

Trong thời gian mùa chay thánh này, chúng ta được mời dừng lại và suy ngẫm về sự thân mật của Thiên Chúa đối với chúng ta. Khi việc phụng tự chung bị cấm vì sự an toàn của tất cả tín hữu, thì việc ý thức về việc hiệp thông cách tâm linh lại trở nên cần thiết hơn đối với mỗi người chúng ta. Ở những nơi này, dẫu cho kinh nghiệm của mọi người về một “Thứ bảy tuần thánh” được kéo dài, khi Giáo hội “tránh việc cử hành bí tích Thánh Thể” suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Kitô và đợi chờ niềm vui Phục sinh của Người (Paschale Solemnitatis, 73-75). Theo cách này, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm và được nhắc nhở về sự khao khát Bí tích Thánh Thể của anh chị em chúng ta ở những vùng xa xôi chỉ có thể tham gia Thánh lễ một hoặc hai lần một năm. Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm cách phá vỡ sự cô lập, để rao giảng Tin Mừng về tình yêu và sự hiệp thông, ngay cả trong “lục địa kỹ thuật số” (ACG Biên Hòa 2019, 135-138). Chúng ta cần nói với mọi người rằng Chúa Giêsu vẫn luôn ở bên chúng ta ngay khi chúng ta khát khao Bánh Sự Sống.

Hãy làm sống lại những gì tồn tại ở sâu thẳm trái tim chúng ta. Nếu chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải ở với mọi người, ở gần họ! Chúng ta phải vượt qua ranh giới ngôn ngữ, văn hóa, thậm chí ý thức hệ để loan truyền Lời Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta muốn ngăn chặn sự lây lan của thứ gì đó xấu chẳng hạn như virus corona, chúng ta phải giữ khoảng cách, chúng ta phải tránh sự gặp gỡ trực tiếp bởi vì bất kỳ cuộc gặp gỡ gần nào cũng có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm.

Đại dịch hiện nay cho thấy rõ ràng rằng khi ta muốn rao truyền một điều gì đó thì việc tiếp xúc trực tiếp, sự gần gũi và thân mật cách cá vị là điều cần thiết. Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, chúng ta đừng quên bài học: nếu chúng ta muốn Tin Mừng được lan rộng trong một thế giới đang tục hóa, sự gần gũi và gặp gỡ cá nhân là một điều tối cần thiết. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các trung tâm học vấn, giáo xứ và các trung tâm tông đồ khác của chúng ta sẽ tiếp tục trở thành một “phi trường” tức là một trung tâm nơi mọi người có thể đào sâu kiến ​​thức và đức tin để từ đó họ cũng có thể tích cực loan truyền cho mọi người niềm vui của Tin Mừng.

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Ngay cả trong tình trạng cô độc của mỗi người, Thiên Chúa vẫn ở gần chúng ta, và chúng ta không bao giờ cô đơn vì tất cả chúng ta thuộc về Thân thể của Chúa Kitô.

Gerard Francisco P. Timoner III, OP

Tổng quyền Dòng Anh em Giảng Thuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *