Lạy Chúa, xin hãy nói vì con đang lắng tai nghe (22.04.2024 – Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 11,1-18, Ga 10,1-10

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 10,1-10)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

Lạy Chúa, xin hãy nói vì con đang lắng tai nghe (22.04.2024)

“Vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10, 4).

 Suy niệm:

Mỗi người được Thượng đế phú ban cho là một cá thể khác biệt, từ khuôn mặt, giọng nói đều khác nhau, vì thế tiếng nói, hay giọng nói của mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau, khi ta đã nghe quen rồi thì lúc nghe lại tiếng nói của một người thì sẽ nhận ra là tiếng nói của một ai đó, cho dù họ chẳng cần nhìn thấy mặt họ. Chẳng hạn như mỗi ca sỹ họ có một chất giọng riêng biệt để rồi những thính giả yêu thích chỉ cần nghe ca sỹ ấy hát trên máy phát thanh Radio thôi họ cũng sẽ dễ dàng nhận ra tên của người ca sỹ ấy.

Đối với mỗi người chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy  vui mừng khi nhận ra tiếng nói của người mà mình quý trọng, yêu thương.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su mượn hình ảnh chủ chiên và đàn chiên để nói về mối tương quan giữa Ngài và những ai thuộc về Ngài. Người Mục tử nhân lành thì yêu thương đàn chiên mà mình chăn dắt, sẽ cho chúng được ăn uống no nê trên các đồng cỏ xanh tươi, vị Mục tử ấy sẽ lo liệu cho chiên mình được hưởng những gì là tốt đẹp nhất: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Đối lại với Vị Mục tử nhân lành, là sói rừng và những kẻ chỉ rình rập để sát hại hoặc làm tan tác đàn chiên. Qua hình ảnh giữa chiên và vị Mục tử. Đức Giê-su muốn giới thiệu với chúng ta là những con chiên bé nhỏ của Ngài biết để rồi chúng ta sẽ vui mừng vì có một Vị Mục tử tốt lành sẵn sàng bảo vệ đàn chiên của mình bằng cách hy sinh tính mạng để cho đàn chiên khỏi bị sói rừng cũng như lũ trộm cướp đến phá hại.

Thực tế đã chứng minh điều đó: Là Đức Giê-su đã chịu chết trên cây Thập giá để đền tội cho nhân loại và Ngài vẫn còn luôn giang rộng cánh tay để bảo vệ, chở che cho đàn chiên của mình. Với ân sâu, nghĩa nặng như vậy thì chúng ta phải biết nhìn lại mình. Thái độ nào chúng ta cần có để đáp trả lại lòng yêu thương đối với Vị Mục tử nhân lành là Đức Giê-su?.

Chúng ta cần phải biết lắng nghe tiếng Ngài, nếu chúng ta chịu để cho mình thuộc về Ngài: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Để nghe được tiếng Chúa không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta phải có tâm hồn tĩnh lặng, biết gạt bỏ mọi quyến rũ bất chính thế gian, phải có tâm hồn khát khao nên người công chính và phải luôn có ước mơ làm đẹp lòng Thiên Chúa. Với những điều kiện kể trên chúng ta sẽ luôn nghe tiếng Chúa qua Kinh Thánh, qua những dấu chỉ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mình và sau hết là qua những vị bề trên thay mặt Chúa dẫn dắt chúng ta trên cuộc lữ hành trần gian này.

Nghe được tiếng Chúa là hạnh phúc và đem những điều người dạy ra thực thi trong cuộc sống thì còn hạnh phúc hơn. Đó là mục đích tối thượng của chúng ta, chỉ như vậy chúng ta mới có thể trở thành những con chiên tốt lành đáng được Vị Mục tử nhân lành dẫn đưa về nơi suối mát và đồng cỏ xanh tươi ấy là Nước Thiên Đàng vinh quang và vĩnh cửu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Đức Giê-su, Vị Mục tử nhân lành của chúng con, xin Ngài nói với chúng con mỗi ngày, xin Chúa liên tục mặc khải cho chúng con biết ý muốn thánh thiện của Ngài dành cho mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con luôn nhận ra tiếng nói dịu dàng và thầm thì của Ngài để chúng con có thể được dìu dắt vượt qua những thử thách của cuộc đời trên trần gian này. Amen.

Sống lời Chúa:

Luôn tự nhắc mình: Lạy Chúa xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Lao động và cầu nguyện (01.05.2023)

“Ông này không phải là con bác thợ sao?”

Hôm nay ngày 01/05, ngày Quốc Tế Lao Động, Giáo Hội mừng lễ thánh Giuse thợ, bổn mạng giới lao động. Ngày lễ này được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1955 để nhắc nhớ mọi người về giá trị của lao động trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta là những người lao động, dù là chân tay hay trí óc, do đó ngày lễ hôm nay cũng là lễ bổn mạng của tất cả chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay, dân thành Na-da-rét tự hào về người đồng hương nổi tiếng của họ – Chúa Giêsu. Nhưng khi họ tận mắt chứng kiến và tận tai nghe những điều không phù hợp với suy nghĩ và lối sống của họ, thì họ tìm cách hạ thấp và loại trừ Người. Đối với họ, làm sao con của một bác thợ mộc lại nói được những điều hay ho và làm được những điều kỳ diệu như vậy? Hơn thế nữa, bà con và dòng họ Người cũng chẳng có gì nổi trội so với họ. Và vì thế họ lấy làm gai chướng về Người. Tuy nhiên, qua những nhận xét của người dân Na-da-rét, ta có được lịch sử chắc chắn về người cha nuôi của Chúa Giêsu chính là thánh Giuse. Nói đúng hơn, thánh Giuse là người cha “pháp lý” của Chúa Giêsu trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Nói đến thánh Giuse, chúng ta nghĩ ngay đến một con người trầm lặng, một người thợ gương mẫu đã chu toàn trách nhiệm làm chủ Thánh Gia, tận tụy chăm sóc Mẹ Maria và dưỡng dục Chúa Giêsu. Thuộc dòng dõi vua Đa-vít, thánh Giuse đã được tuyển chọn để làm dưỡng phụ cho Con Thiên Chúa nhập thể vào trần gian. Thánh Giuse có một đời sống âm thầm khiêm tốn và nghèo khó. Dưới lớp áo lao động bạc màu là cả dòng máu trâm anh và một tâm hồn cao khiết. Với đôi tay chăm chỉ cần mẫn và một trái tim trung thành bất chấp mọi gian lao, thánh nhân không đòi hỏi gì cho riêng mình: không tiền bạc, không danh vọng, chỉ thiết tha chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Nơi xóm làng Na-da-rét, thánh Giuse chọn một nghề bình thường để nuôi sống gia đình và đã được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật là ‘Bác Thợ Mộc’.

Lời Chúa trong sách Sáng Thế cho biết: Sau khi tạo dựng trời đất muôn vật, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền cai trị trái đất và được tham dự vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Vì thế lao động không phải là một hình phạt do tội, nhưng là góp phần mình vào công cuộc sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho mọi hoạt động vì ngài đã thực hành điều chính yếu trong cuộc đời. Dù đôi tay có chai sần vì công việc của người thợ mộc, dù phải bôn ba trong nghịch cảnh, dù sống trong cảnh nghèo nhưng niềm vui Nước Trời đã thành sự nơi trần thế. Mỗi hành động của thánh Giuse đều được tuôn trào từ sự vâng phục thánh ý Chúa. Khi truyền tin, sứ thần Chúa đã trân trọng gọi thánh Giuse là “con cháu Đa-vít” (Mt 1,20). Vì thế thánh nhân đã hành động như bậc trượng phu, xứng danh là hậu duệ của thánh vương Đa-vít.

Lao động chính là làm việc để cải thiện cuộc sống bản thân và của tha nhân, đặc biệt là những người thân cận đang sống quanh ta. Tuy nhiên, lao động phải luôn đi kèm với cầu nguyện để mỗi công ăn việc làm của chúng ta đều được thánh hóa và được thực hiện theo thánh ý Chúa. Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên nhủ: “Sự dấn thân làm việc và đời sống cầu nguyện không hề đối chọi nhau. Quả thế, cầu nguyện và lao động phải đi đôi với nhau và nên được thi hành một cách hài hòa. Không lao động sẽ làm suy nhược tinh thần, ngược lại không cầu nguyện sẽ làm cho công việc chúng ta trở nên cằn cỗi.”

Cuộc đời của Thánh Giuse có thể tóm gọn nơi hai điều này: đó là âm thầm lao động và cầu nguyện để chu toàn thánh ý và nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao phó. Chính sự trung tín trong thinh lặng này mà Thiên Chúa đã tôn vinh ngài qua muôn thế hệ. Chúng ta cũng sẽ được tôn vinh như ngài nếu chúng ta cũng biết lao động và cầu nguyện trong âm thầm để chu toàn những nhiệm vụ mà Chúa đã giao phó.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời và con người của thánh Giuse là dấu chứng và biểu hiện tuyệt vời về lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương thánh Giuse chuyên cần trong cầu nguyện và lao động, xin cho chúng con ý thức giá trị và ý nghĩa của lao động, biết đem hết sức lực và khả năng của mình để phục vụ xã hội và Giáo Hội. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận hàng ngày với một con tim yêu mến, hầu góp phần loan báo Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Amen.

Joston

Cửa mở ra dẫn đến sự sống (09.05.2022)

“Tôi là cửa cho chiên ra vào.”

Đối với người Do-thái, đàn chiên và chuồng chiên là hình ảnh rất quen thuộc. Chuồng chiên là một dãy hàng rào chắc chắn theo hình chữ nhật với một lối ra vào duy nhất. Khi chiều buông xuống, các mục tử lùa chiên vào chuồng qua lối duy nhất đó, và khi ngày mới đến, họ đưa chiên ra để đi ăn nơi những đồng cỏ.

Điều đặc biệt của chuồng chiên đó là lối ra vào, nó không có cửa! Vậy làm sao có thể đảm bảo cho đàn chiên bên trong? Câu trả lời rất đơn giản, chính người mục tử là cánh cửa. Ban đêm họ nằm chắn ngang lối đi này để không một con chiên nào bước ra hay một con thú dữ nào bước vào mà không đi qua họ.

Từ câu chuyện trên, chúng ta liên hệ với đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử nhân lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sự hiểu biết, sự chăm sóc và sự bảo vệ Ngài dành cho chúng ta, là những con chiên được Ngài hướng dẫn.

Thế nhưng, hiểu biết về con chiên thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Ngài nói: “Tôi là mục tử nhân lành.” Thực vậy, Ngài muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên của mình.

Giống như người mục tử biết rõ đàn chiên của mình, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Ngài luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Ngài sẽ tìm kiếm và đưa chúng ta trở về.

Chúa Giêsu ví mình là cửa chuồng chiên, “ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu,… và sống dồi dào.” Suy niệm đến đây, chúng ta lại hình dung đến cánh cửa Năm Thánh. Mỗi khi tổ chức Năm Thánh, thì trong ngày khai mạc và bế mạc, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự một nghi lễ đặc biệt, đó là mở và đóng một cánh cửa lớn nằm bên phải đền thờ thánh Phêrô. Nghi lễ ấy có nền tảng trong Kinh Thánh tượng trưng cho ơn thánh đổ xuống nhân loại; Cửa Thánh mở lối dẫn vào chốn cực thánh là nơi hiện hữu của Thiên Chúa, là nơi gặp gỡ của sự bình an và hiệp nhất.

Hơn thế nữa, đi qua Cửa Năm Thánh là để xác tín với niềm tin vững chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Chúa, và là Đấng Cứu Độ đã chịu đau khổ, chịu chết trên cây thập giá, và sống lại để cứu rỗi chúng ta. Với lòng can đảm tuyệt vời, con người chúng ta được tự do quyết định để vượt qua ngưỡng Cửa Thánh mà bỏ lại sau lưng vương quốc của thế gian này để hội nhập vào cuộc sống mới đầy ân sủng của Thiên Quốc.

Với lời khẳng định: “Tôi là cửa cho chiên ra vào”, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Ngài, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Ngài, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.

Nguyện xin Chúa Giêsu Mục Tử luôn phù hộ nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống hiến thân mạng sống vì anh em. Amen.

Joston

Mục Tử (26.04.2021)

Dựa theo câu chuyện thật ĐỜI MỤC VỤ của cha Phêro Trần Phú Thịnh.

Ngày ấy, mới thụ phong linh mục. Cha nhận Bài Sai của Đức Cha Micae về giáo xứ Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang, mà sau này cha hay gọi là thành Kiến (con kiến).

Giáo xứ lúc đó có khoảng vài chục gia đình. Họ là những người dân bản xứ Miền Nam. Chân chất thật thà. Mò cua bắt ốc, cuộc sống bùn lầy thế mà vui và đầm ấm hạnh phúc.

Lòng người giáo hữu thì rất thật lòng tôn kính và yêu mến Ông Cha.

Có chuối, cho chuối.

Có ổi, cho ổi.

Có mít, cho mít.

Có khoai, cho khoai.

Có cá, cho con cá lóc to nhất ao.

Một hôm, có một bà chạy thật nhanh, vội vàng vào thưa cha.

Thưa cha, chuối nhà con chín nhiều quá, ăn không hết. Con biếu cha nè.

Chuối chín rụng cả cuống. Quả thì to đùng. Cha cố ăn, kẻo nó chín quá hư đi.

Cố ăn cho nhiều, đêm đến cái bụng nó đau, chạy quá cờ.

Sáng hôm sau, đang ngồi trước sân. Một đứa chạy vào, bùn lấm đến mặt. Mắt thì đỏ hoe.

Cha hỏi, sao bùn lầy thế này còn khóc. Bị đứa nào guýnh.

Thằng con mếu máo thưa: dạ thưa ông cha, hôm nay nhà con tát cái ao, tía con bắt con cá to nhất ao, xỏ cọng dây chuối qua mang, kêu con cầm lẻn cha, xin làm lễ giỗ cho ông con vào sáng mai. Mà con chạy, nhảy ếch* qua 5 con mương, đến con mương thứ sáu, bị vấp, đứt dây chuối. Mất cá rồi, máu còn trên dây chuối nè. Mai cha làm lễ giỗ cho ông con nha. Ông ấy linh hồn Phao-lồ.

Cha cầm sợi dây chuối, còn vết máu tanh của con cá mà nói: con về đi, nói với tía, mai cha làm lễ giỗ cho ông con.

Trong thánh lễ, cha đọc cầu cho linh hồn Phaolo.

Lễ xong, ông bố gặp cha nói: sao cha không cầu cho linh hồn Phao-lồ. Mà cha làm lễ cầu cho linh hồn Phaolo nào vậy. Cha tôi Phao-lồ mà.

Đã chẳng được cá, mà còn phải phân bua giải thích mệt hết hơi. Đêm qua thì Tào Tháo rượt. Nhưng rồi ông ta cũng hiểu ra, Phaolo hay Phao-lồ là một. Thế rồi, ông ta mời cha trưa đến nhà ăn giỗ.

Cá lớn thì bị đứt dây chuối mất rồi. Còn lại mấy con cá bé làm giỗ đãi cha.

Đời mục tử là thế đấy.

Mục tử là người chăn chiên, giữ gìn chiên của mình được được an vui hạnh phúc, được no thoả trên đồng cỏ xanh tươi, được uống bên dòng suối mát trong lành.

Ở Việt Nam, Mục tử được hiểu đơn giản là linh mục của Chúa, đi tu dâng hiến trọn đời theo Thầy Giêsu để dẫn dắt đoàn chiên của giáo hội.

Với người Kitô hữu Việt Nam thường quen gọi linh mục là Cha, một tên gọi nghe thân thương và trìu mến, cha xứ, Đức Cha. Dang xưng là Cha gợi lên một tấm lòng yêu thương, bao dung, tha thứ, hy sinh, dấn thân phục vụ, che chở bảo vệ, gương mẫu chính trực, một người Mục Tử hết lòng hết sức vì đoàn chiên… Noi gương các đức tính của một người Cha trên trời qua hình ảnh của Người Thầy mình là Đức Giêsu Kitô.

Ngay từ lúc khai sinh ra Hội Thánh Chúa Giêsu, thì các Tông đồ của Chúa đã chu toàn bổn phận một người mục tử, một người cha nơi trần gian để xây dựng Hội Thánh, quy tụ đoàn chiên, loan truyền Tin Mừng Chúa chịu chết và phục sinh, đồng thời sống gương mẫu đức tin theo Thầy Giêsu sẵn sàng chết tử vì đạo để bảo vệ đoàn chiên.

Tiếp theo sau các tông đồ là hàng hàng lớp lớp những mục tử của Chúa cũng dấn thân phục vụ cho đến chết, có rất nhiều mục tử trở nên thánh vĩ đại như cha Gioan Maria Vianney, cha Phê-rô Lê Bảo Tịnh, cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp… Chính những tấm gương anh dũng kiên cường, những tấm gương lặng lẽ âm thầm sống khó nghèo như câu chuyện về cha Phêro Thịnh mà giáo hội Công Giáo toàn câu nói chung, giáo hội Công Giáo Việt Nam nói riêng mỗi ngày mỗi thăng tiến, mỗi ngày mỗi mở rộng trong từng tâm hồn, từng khu xóm, từng giáo xứ trên khắp mọi miền đất nước.

Cứ nhìn thấy hình ảnh của linh mục hiện diện trên bàn thờ mỗi ngày mà củng cố đức tin sống động như Chúa Giêsu Kitô hiện diện nơi giữa cộng đoàn. Những ai nhận biết Chúa Giêsu Kitô ngự trong Thánh Thể sẽ nhận biết được linh mục chính là Mục Tử của Chúa Giêsu, họ sẽ yêu mến, cộng tác, lắng nghe và vâng lời cha xứ của mình. Ai nghe theo lời giảng dạy của Cha xứ là nghe theo lời của Giáo Hội, ai nghe theo lời dạy bảo của Giáo hội là nghe theo tiếng Chúa Giêsu dạy bảo.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin luôn gìn giữ chở che các Mục Tử của Chúa là những linh mục đang thay Chúa chăn dắt đoàn chiên, xin thánh hoá và ban Đấng trợ giúp Thánh Thần để các mục tử luôn khôn ngoan, sức mạnh mà đưa đoàn chiên vượt qua muôn ngàn nguy khốn nơi trần gian, chiên hôm nay là những người Kitô hữu đang ở giữa muôn ngàn cám dỗ, lúc nào cũng sẵn sàng lạc lối.

Hư Vô

* Nhảy ếch: nhảy như con ếch qua con rạch, con mương.

Chủ Chăn đích thực

Đức  Giêsu tự xưng mình là cửa chuồng chiên, và Ngài hứa, ai qua cửa đó sẽ được cứu rỗi, được giải thoát khỏi tội và được biến đổi. Đức Giêsu đã đến trần gian là để cứu độ con người. Ngài thay đổi lòng người đàn bà tội lỗi để bà trở thành một người đầy nhiệt tâm với Chúa (Ga 8, 1-11). Ngài thay đổi lối sống của ông Giakêu, người thu thuế, một người bị coi là hạng tham lam của cải, trở thành một người giầu lòng bác ái (Lc19, 8). Ngài thay đổi Phaolô, một người bách hại đạo khét tiếng, trở thành một nhà truyền giáo nhiệt thành (Cv 9, 1-9). Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục thay đổi lòng người ở mọi thời đại.

Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, ngày càng dồi dào phong phú hơn. Người chính là người Mục tử chân thật đã được Thiên Chúa giao phó đàn chiên cho. Cũng có những mục tử giả hiệu, chỉ tìm giết con chiên, theo sự thôi thúc của Satan, tên sát nhân. May mắn là các con chiên chân thật không nghe và đi theo các mục tử giả hiệu này, vì chúng không nhận ra lời họ nói chính là Lời Nói của vị Mục Tử tối cao..

Đức Giêsu là cửa. Người không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, “Người đã đến là để cho mọi người được sống dồi dào”, kể cả những người Pharisêu đang tìm cách loại trừ Người. Khi khẳng định như vậy, Người muốn cho biết rằng chỉ mình Người mới có thể thông ban ơn cứu độ. Người ta không thể đi vào cạnh tranh với Người. Người là cửa duy nhất đưa đến ơn cứu độ mà tất cả phải chấp nhận đi qua, không ai được miễn chuẩn, dù là những người có một uy quyền hay một thẩm quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.

Đức Giêsu tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông: Chính tôi là cửa cho chiên ra vào” (c. 7). Người không xác định cửa này phải chăng chỉ dành cho chiên ra vào, hay là cũng dành cho mục tử ra vào. Nhưng dựa vào câu nói tiếp theo: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (c. 8) và đối chiếu với dụ ngôn trên đây (10,1-5), ta hiểu là cửa này cũng để cho mục tử ra vào nữa. Như vậy, đã có những kẻ không qua cửa mà đến với đàn chiên, nhưng đã trèo qua lối khác. Những người này là ai? Phải chăng là những mêsia giả hiệu thời Đức Giêsu? hay là chính vị Thầy dạy Đường công chính của Qumran? Tuy nhiên, gần với bản văn nhất, là chính các người Pharisêu và Xađốc; giọng điệu của Đức Giêsu ở đây cũng rất gần với Mt 23..

Cửa là lối để đi vào bên trong. Ai muốn vào bên trong mà tận hưởng thì phải qua Cửa là chính Đức Giê-su. Cánh cửa của Ơn Cứu Độ luôn sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tin yêu, mê say mà tự nguyện “chui” vào. Vào đây để được ăn gì hay bị nhốt nhỉ ? Không, “Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.Vị Mục Tử Giê-su đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để mở ra Cánh Cửa Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy.

Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất, bất kể dân ngoại hay không cắt bì. Tại Giê-ru-sa-lem, ông Phê-rô đã minh chứng khi bị giới cắt bì chỉ trích: “Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Co-nê-li-ô. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo : ‘Hãy sai người đi Gia-phô mời ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.’

Cách duy nhất để đến với con chiên, đó là qua cái cửa được người giữ cửa mở ra. Đây là điểm nhấn mạnh của dụ ngôn. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và ai là mục tử. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà vào, tức là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ trộm và kẻ cướp. “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (c. 2). Trộm cướp đàn chiên là một tội rất nặng, vì tước một gia đình mất một phương tiện để sinh sống, y như cướp sự sống của họ. Do đó, đàn chiên rất quý, và cũng vì thế, cần phải có một cái ràn và một người giữ cửa để bảo vệ đàn chiên ngày cũng như đêm. Dấu chỉ một người giữ cửa, và một mục tử chân thật, là người ấy có thể tự nhiên ra vào qua cửa. Vì anh là mục tử chân thật, người giữ cửa sẻ mở cửa cho anh vào.

Đến đây, tương quan mật thiết giữa các con chiên và mục tử được nêu bật. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) trong sa mạc cho chúng ta hôm nay một khái niệm về đời sống của các chi tộc Israel ngày trước: trong xã hội ấy, quan hệ giữa mục tử và đàn chiên không phải chỉ theo kiểu kinh tế, dựa trên lợi nhuận mà mục tử có thể rút ra từ các con chiên để nuôi mình và gia đình: xén len, uống sữa, ăn thịt (nướng), bán bớt chiên khi cần tiền. Nói cách khác, đây không phải là một tương quan “sở hữu”. Đúng ra đây là một tương quan hầu như riêng tư giữa mục tử và đàn chiên. Vì anh là mục tử chân thật, chiên nghe tiếng của anh. Vì anh là mục tử chân thật, anh gọi tên từng con một (kat’ onoma). Vì anh là mục tử chân thật, anh có thể dẫn chiên ra ngoài (c. 3). Vì anh là mục tử chân thật, anh đi trước đàn chiên. Vì anh là mục tử chân thật,  chiên theo sau, vì mỗi con chiên phân biệt và nhận ra được tiếng của mục tử mình, vì anh đã nói với chúng thường xuyên. Chúng sẽ đi theo anh đến các đồng cỏ. Chiên và người sống ngày qua ngày với nhau tại những nơi hoang vắng, trong thế “diện đối diện”, không có ai khác ở quanh đó. Vì thế, mục tử biết rõ từng con chiên.

Trái lại, chiên không đi theo một người lạ, một người không phải là mục tử của chúng. Vậy tính chân thật của một mục tử được xác định bởi việc các con chiên sẵn sàng đi theo người ấy. Khi con chiên không đi theo một người, điều này chứng tỏ đấy là một người lạ; chiên chạy trốn vì không nhận ra tiếng người lạ (c. 5).

Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.  Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về…Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác  nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra”. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.
Ngày nay, có nhiều người đã minh chứng cho chúng ta thấy những thay đổi trong cuộc đời của họ, nhờ việc họ đã bước qua “ngưỡng cửa Giêsu”, gặp gỡ Ngài và để cho Ngài bước vào biến đổ cuộc đời họ. Để bước qua “cửa Giêsu”, đòi hỏi phải từ bỏ chính mình, điều chỉnh lối suy nghĩ và hành động của mình sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Sự từ bỏ đó mang lại cho chúng ta sự thay đổi, khơi lên và làm lớn mạnh sức sống của ơn Chúa trong tâm hồn ta. Bước qua “ngưỡng cửu Giêsu” còn là mời gọi mỗi người chấp nhận loại bỏ tất cả những nhơ nhớp tội lỗi ra bên ngoài, để bước vào nghỉ ngơi bên Chúa, và kín múc nguồn ân sủng vô biên của Ngài..

Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện để Thiên Chúa ban thêm cho có những mục tử xứng đáng thay mặt Đức Giêsu, Vị Mục Tử chân thật. Để có thể là một mục tử xứng đáng, một vị lãnh đạo trong Hội Thánh cũng phải sống tư cách con chiên của Đức Giêsu, cũng ra vào qua cửa ấy và nhận được lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình.

Sỏi đá ven đường

 Chúa là Mục Tử Nhân Lành (04.05.2020)

Chúa nhật IV mùa Phục Sinh hằng năm được gọi là Chúa nhật lễ Chúa Chiên Lành. Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay đề cập đến một hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Đông, đó là: các mục tử chăn dắt đàn chiên, dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh tươi bên giòng suối mát để cho Chúng được ăn uống thỏa thuê. Từ hình ảnh đó, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh là Người Mục Tử Nhân Lành, Ngài luôn yêu quý đàn chiên của mình, sẵn sàng hy sinh cả  mạng sống để bảo vệ và cho đàn chiên được sống dồi dào.

Chúa là Mục Tử Nhân Lành

Yêu thương, chăn dắt, tạo thành đàn chiên

Lo cho chiên được bình yên

Lòng Ngài mãn nguyện, lại thêm rạng ngời

*

Mong chiên ngoan ngoãn, vâng lời

Bước đi cùng Chúa, theo Người Chủ chiên

Dẫu cho khó nhọc triền miên

Mà lòng vui sướng kết liền dài lâu

 

Thiên Chúa là Chủ Chiên Nhân Lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu bao la tha thiết và vô vị lợi, tình yêu phát sinh ra sự sống đời đời. Ngài cũng biết rõ về đặc tính của từng con chiên một. Mỗi người chúng ta đều có vị trí trong trái tim yêu thương của Ngài. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27).

Chúa là Mục Tử dẫn đầu

Chở che nâng đỡ, lòng giàu yêu thương

Chúa là ánh sáng soi đường

Đàn chiên tìm đến, muôn phương trở về

*

Chúa là suối nước tràn trề

Cho chiên thỏa khát, đuề huề  hoan ca

Chúa là tình nghĩa bao la

Yêu thương nhân thế thiết tha nghĩa tình

 

Mục Tử Nhân Lành Giêsu luôn chăm lo cho chúng ta, Ngài biết chúng ta cần đến những gì và sẵn sàng ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Ngài còn hiến thân mình để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, giúp chúng ta có đủ nghị lực trong suốt cuộc hành trình lữu thứ để tiến về Thiên Quốc.  Hãy nhớ đừng bao giờ xa lìa đoàn chiên và cố gắng đưa nhiều người về sống chung trong đoàn chiên của Chúa.

Chúa là Thượng Đế quang vinh

Hợp nhất nhân loại chung tình hiệp hoan

Muôn phương quy tụ kết đoàn

Tin Mừng lan tỏa đầy tràn phúc ân

*

Chúa là Mục tử ân cần

Dẫn chiên tiến hước muôn phần hỷ hoan

Bên Ngài hát khúc khải hoàn

Chúa là Mục Tử vô vàn kính yêu.

 

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, xin cho chúng con luôn là những con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa, để được Ngài yêu thương, chăm sóc và đưa vào trong đồng cỏ xanh tươi là sự hiệp thông tình yêu với Ngài và anh chị em đồng loại, giúp chúng con luôn được no thoả ân tình của Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Mở cửa lòng (13.05.2019)

“Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.” ( Ga 10,7)

Thánh Đường Đa Minh Ba Chuông, Lê Văn Sỹ  Quận 3 Sài Gòn, được mở cửa từ sáng sớm cho giáo dân đến nguyện kinh và dự lễ, ai cũng có thể vào cầu nguyện …, tới trưa mới tạm đóng cửa, rồi xế chiều lại mở cửa… Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng. Q.3, Sài Gòn , nhà  thờ mở cửa từ 4g30 sáng cho giáo dân đến dự Thánh Lễ nhất lúc 5g, và Lễ hai vào 6g sáng thường ngày, được mở cửa suốt ngày cho mọi người tới cầu nguyện, không phân biệt lương giáo, ai cũng có thể vào nhà thờ trong tư thế nghiêm trang kính cẩn, đến 21 giờ tối nhà thờ mới đóng cửa lại.

Nhờ mở cửa nên có nhiều tín hữu gần xa tìm tới bất kể giờ nào, thuận tiện cho sự phát triển và lớn lên trong niềm tin vào Thiên Chúa. Cửa ấy chính là Đức Giêsu như Người khẳng định: “ Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Mục đích cửa mở là để cho đoàn chiên ra vào thờ phượng mến yêu Chúa, nhờ đó chiên được sống và sống dồi dào.

Thiên Chúa là người Cha nhân từ, Ngài luôn mở cửa lòng chờ đón những đứa con hoang đàng trở về, như câu chuyện “ Tình Cha” trong Tin Mừng. Ngài cũng muốn tất cả chúng ta biết sống “ Mở cửa lòng” để đón nhận anh chị em mình. Một bà mẹ dòng ba Đa Minh có đứa con trai bỏ học đàn đúm theo kẻ xấu, nó về nhà cạy tủ lấy hết tiền của gia đình để ăn chơi…, mẹ có khuyên can cách mấy nó cũng giả ngơ, lòng mẹ đau như dao cắt, bất đắc dĩ phải  từ con, đuổi nó ra khỏi nhà, vì sợ phải tán gia bại sản, sẽ khổ sở cho cả nhà với bốn anh chị em còn lại của nó …

Nó bướng bỉnh lủi bước ra đi, sau mấy tháng đàn đúm chơi bời với lũ bạn xấu đến cạn túi, ăn cắp vặt bị người ta đánh bầm dập, đói rã thân…, nó lầm lũi trở về ngồi mãi ngoài hàng rào cổng, chị nó đi làm về chiều xuống bắt gặp nên động lòng thương, chị dắt tay nó vào nhà quỳ gối xin lỗi mẹ, mới đầu mẹ nó giận dữ quay mặt đi, chị thấy vậy đến bên nói nhỏ nhẹ vào tai mẹ: “ Chúa đã tha thứ cho đứa con đi hoang trở về, mẹ yêu Chúa thì nên hành động như Chúa, mở cửa lòng đón nhận cho nó sửa chữa lỗi lầm, con sẽ gửi em vào trại giáo dưỡng, cai nghiện, mẹ yên tâm nhé, nó còn trẻ sẽ dễ làm lại cuộc đời…”. Bà mẹ thút thít khóc và đến gần ôm con trai vào lòng, dù người nó hôi hám mụn ghẻ sau nhiều ngày chơi bời không tắm rửa. Chị nó mở cửa phòng lấy quần áo cho nó đi tắm, và xuống bếp lấy cơm dọn lên cả nhà ăn bữa tối vui vẻ đầm ấm.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết mở cửa lòng nhân ái như Chúa, để đón nhận kẻ sống sai lầm…, giúp họ tìm về chân- thiện- mỹ,  không chỉ là người thân trong nhà , nhưng bất cứ ai đó mà con gặp trong cuộc sống. Mở cửa lòng để đón tiếp tha nhân, nhất là người cùng khổ đói nghèo, ốm đau bệnh tật, cả về tâm linh và thể lý…, biết mở cửa lòng như  chính Chúa đã mở cửa cho chúng con được vào bên trong Ngài , để tận hưởng tình yêu thương vô bờ bến nơi lòng Cha nhân lành.

BCT

Đoàn chiên của Chúa (23.04.2018)

Ghi nhớ:

Còn ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử (Ga 10, 2)

Suy niệm:

Thiên Chúa không bao giờ cách xa chúng ta, Ngài luôn gần kề, sẻ chia yêu thương nâng đỡ cho từng người, được ví như Vị Mục Tử liên kết với đàn chiên  từng con chiên, chỉ cần một con chiên đau ốm, què quặt, tàn tật sẽ được bảo bọc chở che nâng đỡ: “và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra” (Ga 10, 3). Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy bước qua cửa cho chiên ra vào, mọi người sẽ gặp đồng cỏ xanh tươi, đó cũng là tương quan mật thiết giữa chiên và mục tử.

Thế nên sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian đã giúp cho mọi người biết nhìn ra chính mình, biết khiêm nhu biết nhận ra sự đui mù, dốt nát, hầu nhận lãnh được ánh sáng  Chúa Kitô, còn kẻ kiêu ngạo khinh chê, tự phụ về kiến thức của mình, không cần sự bao bọc che chở của Thiên Chúa, hay cách khác họ chỉ đứng ngoài cửa chiên như: “Thật tôi bảo thật các ông: ai không đi qua cửa mà vào đàn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10,1) Đó là những người không mở lòng ra với Chúa, vì thế họ nhiều lần làm ngơ hay chần chừ, muốn theo Chúa, nhưng lại thôi,  với thái độ tiêu cực, gác bỏ ngoài tai, trốn tránh trách nhiệm, khó thoát khỏi tội lỗi, đôi khi là những kẻ còn lưu luyến tiếc thú vui trần thế, còn ngần ngại, bao quyến rũ của xác thịt, không thể rũ bỏ của cải thế gian, một khi họ không muốn.

Trên con đường lữ hành trần thế, chúng ta vẫn nhận ra Thiên Chúa “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Đó là hình ảnh chân thực và sống động của Đức Kitô. Và là ơn gọi của Ngài mời gọi mỗi người. Ơn gọi của Kitô hữu là hồng ân của Thiên Chúa trao ban và thánh hiến chúng ta trở thành con Thiên Chúa.

Vậy đâu là cửa ra vào cho ta chọn lựa cho cuộc đời hay hướng đi của mình? Để dẫn ta đi về đâu? Đó là một câu hỏi đặt ra ai là người biết hy sinh, xả thân cho tha nhân. Một tiếng chuông cảnh báo cho mọi người vì đồng tiền vô tình giết hại nhau, qua thực phẩm hủy hại sức khỏe, hay chặt cây đốn rừng tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến bao đời con cháu sẽ sống ra sao? v.v…

Hãy làm một việc hữu ích để ta góp phần xây dựng Giáo hội, hay tham gia một công tác tông đồ để ta chứng minh thuộc về đoàn chiên của Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa ngay trong đời thường, sống theo tinh thần các lời khuyên Tin Mừng trong bậc sống của mình dựa trên nền tảng Bí tích Thánh Tẩy,  tìm sự bình an đích thực là cửa dẫn chúng con về quê nước Trời. Amen.

 

Con chiên của Chúa (08.05.2017)

1. Ghi nhớ:

Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. (Ga 10, 14)

 2. Suy niệm: 

Thiên Chúa chính là Vị Mục Tử nhân lành, cai trị và hướng dẫn dân Người. Đến thời Đấng Mê-si-a, Người ban cho dân một Mục Tử như lòng Người mong ước. Vào thời cuối cùng Đức Chúa ban cho Ít-ra-en một vị vua thông minh sẽ cai trị theo lẽ công minh chính trực, và Chúa Giê-su cho thấy, Người là Đâng Mê-si-a Mục Tử, khi tuyên bố: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Đức Giêsu là Vị Mục Tử nhân lành. Người biết tất cả chiên của Người luôn yêu thương, chăm sóc từng con một, ngay những con chiên lầm lạc Người đem về chữa lành. Mọi Ki-Tô hữu đều là con chiên của Chúa, vì thế không có gì làm chúng ta âu lo, sợ hãi khi chúng ta lỡ lầm sai phạm vì Người sẽ thứ tha khi chúng ta biết cúi đầu ăn năn. Đức Giêsu đã trao lại  nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa cho các Mục Tử để tiếp nối chương trình cứu độ của Người, những Vị Linh mục là người Thiên Chúa tuyển chọn và trao cho một sứ mệnh đó là việc loan báo Tin Mừng, giảng dạy bằng lời nói và đời sống như chính Đức Giêsu.

Ngày nay theo Công Đồng Vatican II nói về thành phần dân Chúa, đó là giáo dân. Đối với công đồng vai trò giáo dân được phục hồi. Một công đồng hướng tới thăng tiến giáo dân, và xác nhận chân tính và sứ mệnh của giáo dân: “đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của mình, giáo dân là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô-giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình”. (GH 31).

Tuy nhiên cánh đồng bao la bát ngát với “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại thiếu”, Giáo hội rất cần người Ki-tô hữu học hỏi, lắng nghe lời Chúa, đó là những bổn phận thiêng liêng cao quý, của những thợ gặp lành nghề ra đi gặp hái đem ơn cứu độ Thiên Chúa đến muôn người, và rất cần đến những bạn trẻ dám dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng. Giáo hội cũng kêu mời các bạn trẻ hãy dám chối bỏ những đam mê hay ngủ quên trong tiền tài danh vọng, bước theo Chúa trong hân hoan và hy vọng. Nhưng làm thế nào tôi nhận ra Người? Chúa Giêsu trả lời: “Chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta” (Ga 10,27).

Lắng nghe lời Chúa qua những sự kiện xảy đến cuộc đời tôi, những va vấp trong cuộc sống. Tôi có thể nghe được tiếng Chúa qua tham dự Thánh lễ hàng ngày, những giờ kinh chung với cộng đoàn, Huynh đoàn hay gia đình, hoặc tôi có thể nghe được tiếng nhắc nhở của Chúa qua những giờ phút thinh lặng một mình đối diện với Người trong giờ cầu nguyện. Những biến cố vùi dập của cuộc đời, tôi dễ dàng nhận ra Chúa – Người Mục Tử nhân lành đang réo gọi tôi theo Người.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ra đi theo Người, nối tiếp công trình cứu độ, đồng thời Người mời gọi ta hãy dang tay đón nhận những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố, những người lầm lỡ sống vất vưởng bên lề xã hội… Hãy mở rộng  trái tim nhân ái, để xây đắp tình người, tình thương lan tỏa đến bao người đang cần sự giúp đỡThế nên Người Kitô hữu là con chiên của Chúa, Đức Kitô là Mục Tử nhân lành, là chủ chiên của chúng ta, mỗi người phải biết lắng nghe lời Chúa mời gọi, quyết lánh xa tội lỗi, giữ luật Chúa hàng ngày bằng tình mến Chúa yêu người.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, là Vị Mục Tử Nhân Lành, xin thánh hóa và biến đổi chúng con thành những đoàn chiên tốt lành, thánh thiện trong Giáo hội, cộng đoàn, Huynh đoàn  mà chúng con đang phục vụ. Amen.

M.Liên

Tìm về bên Chúa (18.04.2016)

1. Ghi nhớ: Còn ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử ( Ga 10, 2)

2. Suy niệm: 

Thiên Chúa không bao giờ cách xa chúng ta, Ngài luôn gần kề, sẻ chia yêu thương nâng đỡ cho từng người, được ví như Vị Mục Tử liên kết với đàn chiên  từng con chiên, chỉ cần một con chiên đau ốm, què quặt, tàn tật sẽ được bảo bọc chở che nâng đỡ: “và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra” (Ga 10, 3). Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy bước qua cửa cho chiên ra vào, mọi người sẽ gặp đồng cỏ xanh tươi, đó cũng là tương quan mật thiết giữa chiên và mục tử.

Thế nên sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian đã giúp cho mọi người biết nhìn ra chính mình, người biết khiêm nhu biết nhận ra sự đui mù, dốt nát, thì lãnh được ánh sáng của Chúa Kitô, còn kẻ kiêu ngạo khinh chê, tự phụ về kiến thức của mình, không cần sự bao bọc che chở của Thiên Chúa, hay cách khác họ chỉ đứng ngoài cửa chiên như: “Thật tôi bảo thật các ông: ai không đi qua cửa mà vào đàn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10,1).

Đó là những người chỉ khép lòng trước Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế: vì thế họ nhiều lần nhưng lại chần chừ, muốn quyết định theo Chúa, nhưng lại thôi, hoặc  là  làm ngơ, sống theo kiểu “như mũi ni che tai” với thái độ tiêu cực, gác bỏ ngoài tai, trốn tránh trách nhiệm  và khó thoát khỏi tội lỗi, đôi khi là những kẻ vẫn còn luyến tiếc thú vui trần thế, vẫn còn ngần ngại, còn bao quyến rũ của xác thịt, cũng không thể rũ bỏ của cải thế gian, nên chưa muốn, hay không muốn “ tìm về bên Chúa”

Trên con đường lữ hành trần thế, chúng ta vẫn nhận ra hình ảnh “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Đó là hình ảnh chân thực và sống động của Đức Kitô. Và đó là ơn gọi của Thiên Chúa mời gọi từng người. Nói chung ơn gọi của Kitô hữu là hồng ân của Thiên Chúa trao ban và thánh hiến con người trở thành con Thiên Chúa, đồng thời ơn gọi Giáo dân Đa Minh cách riêng người Đoàn Viên cũng được hưởng ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn gọi này dẫn đến việc tham dự vào đoàn sủng Dòng Anh Em Giảng Thuyết, và chu toàn qua việc tuyên hứa tuân giữ luật sống Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh.

Vậy đâu là cửa ra vào cho ta chọn lựa cho cuộc đời hay hướng đi của mình? Để hướng đi đó dẫn ta đi về đâu? Để chúng ta biết cách  đi tìm Chúa. Đó là một câu hỏi đặt ra ai là người biết hy sinh, xả thân cho tha nhân. Một tiếng chuông cảnh báo cho mọi người vì đồng tiền vô tình giết hại nhau, qua thực phẩm hủy hại sức khỏe, hay chặt cây đốn rừng tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến bao đời con cháu sẽ sống ra sao? v.v… Một câu hỏi khẩn thiết cho bao người với bao vấn nạn nêu trên. Đức Giêsu nói với các môn đệ  xưa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16,24)

 3. Sống lời Chúa: 

Bỏ Ngài con đi với ai

Vì Ngài có lời ban sự sống

Bỏ Ngài thân con héo hon

Đời cô liêu trên chốn dương gian ( Sáng Tác P.Kim).

Hãy làm một việc hữu ích để ta góp phần xây dựng Giáo hội, hay tham gia một công tác tông đồ để ta chứng minh thuộc về đoàn chiên của Chúa.

 4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, xin cho chúng con biết qua “cửa mà vào” để tháp nhập vào đàn chiên của Chúa, đều phải sống theo tinh thần các lời khuyên Tin Mừng trong bậc sống của mình dựa trên nền tảng Bí tích Thánh Tẩy, để chúng con “tìm về bên Chúa” là sự bình an đích thực là cửa dẫn chúng con về quê nước Trời. Amen.

M.Liên

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *