Lá Thư Đặc Trách Tháng 04 / 2018
Giáo dục đức tin cho con cái
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Những bậc cha mẹ công giáo, ngoài trách nhiệm dạy dỗ con cái về nhân bản, còn phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin nữa. Công đồng Vaticanô II xác định : “Được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Còn vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo vì bổn phận này liên hệ đến họ trước hết (GS 48).
Xin chia sẻ đề tài giáo dục đức tin cho con cái dựa trên bốn câu thơ ngắn gọn, trích trong thánh thi kinh sáng thứ sáu tuần nhất và tuần ba, có lẽ mọi người đều thuộc lòng :
“Cây đức tin rồi ra nảy mậm,
bén rễ sâu vào tận trí lòng,
vui mừng hé nụ cậy trông,
nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người.”
Cây đức tin rồi ra nảy mậm
Trong bí tích rửa tội, chúng ta được lãnh nhận hạt giống đức tin. Đức tin là ân huệ từ Thiên Chúa, dù hoàn cảnh thế nào, chính Chúa làm cho hạt giống phát triển, như Lời Chúa trong tin mừng thánh Marcô : “Người kia gieo hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt ” (Mc 4, 26-29)
Tuy nhiên theo dụ ngôn người gieo giống, thì hạt giống đức tin có thể có số phận khác nhau. Đáng tiếc cho những hạt giống rơi bên vệ đường, rơi vào sỏi đá hay bụi gai, vì chỉ những hạt rơi vào đất tốt mới sinh hoa kết trái. (Xc Mt 13, 1-9).
Ai trong chúng ta cũng biết, để hạt giống nảy mầm và phát triển mạnh mẽ, chủ nhân phải gieo chúng trong vườn ươm thích hợp, phải tưới bón và chăm sóc cẩn thận. Cũng thế trong việc giáo dục đức tin, cần quan tâm kiến tạo bầu khí tôn giáo tại gia đình. Cụ thể như : đặt bàn thờ nơi xứng hợp để nhắc nhớ sự hiện diện của Chúa; tổ chức sống động giờ kinh gia đình, thánh hóa bữa ăn và xin Chúa chúc lành trước biến cố quan trọng.
Chính cha mẹ có trách nhiệm khai tâm đức tin cho con cái, từ dạy cho trẻ biết làm dấu cách sốt sáng, và tập tành cầu nguyện theo lời kinh của mẹ cha.
Bén rễ sâu vào tận trí lòng
Thế nhưng để đức tin “bén rễ sâu” và trở nên vững chắc, thì “trí lòng” còn phải hiểu biết và ghi nhớ các nội dung đức tin. Cùng với giáo hội và xứ đạo, nên nhắc nhở con cái sống tinh thần các mùa Phụng Vụ (như mùa vọng, mùa giáng sinh, mùa chay, mùa phục sinh), sống tâm tình các tháng dành riêng kính Trái tim, kính Đức Mẹ hay kính thánh Giuse; giữ các ngày thứ năm, thứ sáu, thứ bảy đầu tháng; và theo gương đức Mẹ : “hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (Mt 2,19).
Gửi con em đến các lớp giáo lý, nhưng cha mẹ có trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp giúp trẻ học và hiểu giáo lý. Nên giúp cho trẻ có thể kể những câu truyện Kinh Thánh và hạnh các thánh, ghi nhớ Lời Chúa ngày chủ nhật, tổ chức mừng các thánh bổn mạng gia đình. Nên cổ võ con em đã trưởng thành quan tâm học hỏi thêm qua các tài liệu về tôn giáo.
Vui mừng hé nụ cậy trông
Theo lời thánh Phaolô “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl. 4,4), đức thánh cha Phanxicô khẳng định : “Kitô hữu phải là người mang trong mình niềm vui, chứ không phải vẻ mặt đưa đám”. Theo ngài, các tín hữu phải chan chứa niềm vui vì ý thức mình được bao bọc bởi tình thương Thiên Chúa, Đấng toàn năng quan phòng, tha thứ, cứu độ và luôn đồng hành với chúng ta mọi nơi.
Tận dụng các cơ hội và hoàn cảnh, cha mẹ nên dựa trên những trải nghiệm đức tin của mình để giúp con cái luôn vững tin. Để trong mọi lúc: dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, luôn nhìn biến cố dưới ánh sáng đức tin, phán đoán theo tinh thần tin mừng.
Có nhiều cơ hội để củng cố và hướng dẫn đức tin như ngày em bé rửa tội, các lễ bổn mạng, khi có tang lễ, ngày giỗ kỵ, khi gặp phim ảnh hay sách báo đề cập đến nội dung tôn giáo. Hãy đặt những câu hỏi kèm với lời giải đáp sẽ giúp con em suy nghĩ và trưởng thành trong niềm tin.
Chớ gì đức tin đem lại cho gia đình chúng ta những hoa trái của Chúa Thánh Thần, được nói đến trong thư gửi tín hữu Galata là : “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gl. 5, 22-23)
Nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người.
Đức tin là quà tặng vô điều kiện Thiên Chúa ban, thế nhưng đức tin phải được thể hiện và minh chứng qua hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày. Thánh Giacôbê tông đồ nhắn nhủ chúng ta : “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động thì nào có ích gì ?… Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Đức tin không có hành động là đức tin chết.’ (Gc 2, 14 tt)
Sống đức tin trưởng thành trong cuộc sống chính là mến Chúa và yêu người. Giới luật tuy hai mà một, như lời thánh Gioan tông đồ xác định : “Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân thì đó là kẻ nói dối” (xc 1Ga 4,20).
Ngay từ thơ ấu, cần phải dạy cho con cái biết mến Chúa yêu người để trở thành kitô hữu đích thực. Mến Chúa thì tuân giữ giới luật của Chúa (Ga 14,15), tham gia đoàn thể, các sinh hoạt đạo đức, siêng năng đọc kinh dâng lễ, và lãnh nhận các bí tích. Còn yêu người là thực thi 14 mối thương người, là đồng cảm, khích lệ và chia sẻ với tha nhân, đặc biệt là những ai khó nghèo, bệnh tật và cô đơn.
Đó cũng là điều Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nhắn nhủ : “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ, và hoa quả của phục vụ là bình an”.
Lời tuyên xưng tin tưởng lạc quan
Giáo dục đức tin là một sứ vụ khó khăn, giả thiết các bậc cha mẹ đã thấu đáo và sống đức tin trong đời. Chúng ta hãy khiêm tốn theo gương các tông đồ nài xin với đức Kitô : “Thưa Thày, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
Tuy nhiên, với niềm tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, xin cùng tin tưởng và lạc quan cất lên lời tuyên xưng :
“Cây đức tin rồi ra nảy mậm,
bén rễ sâu vào tận trí lòng,
vui mừng hé nụ cậy trông,
nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người”. Amen
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP