Tìm hiểu Danh hiệu, khẩu hiệu, huy hiệu Dòng Đa Minh

 

I. Danh hiệu

Tại Việt Nam cũng như ở các nơi khác, Dòng được gọi qua danh tánh của vị sáng lập (Dòng Đa Minh, Dominicains, Dominicans), chứ ít khi được biết qua danh hiệu chính thức là “OP”. Chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của cả tên tục lẫn tên cúng cơm: mỗi tên đều hàm chứa ý nghĩa thâm thúy (kể cả các biệt hiệu mà người ngoài gán cho Dòng).

1. Dòng Đa Minh

Không rõ tại Việt Nam, từ “Dòng Đa Minh” xuất hiện từ bao giờ (có lẽ chỉ trong khoảng hậu bán thế kỷ XX thôi). Các sách cổ xưa đều viết là “Dòng ông thánh Đôminicô” hay “Dòng ông thánh Dumingô”. Đôminicô bởi tiếng La tinh (Dominicus), Dumingô bởi tiếng Tây Ban Nha (Domingo).

Nên biết là bên cạnh từ Đa Minh, chúng ta còn gặp hai từ nữa: Đạo Minh (bút hiệu của đức cha Trương Cao Đại), và nhất là Đỗ-minh. Nhiều khi vì muốn ngắn gọn và tăng thêm tình đằm thắm, người ta gọi là “Dòng họ Đa”. Tuy nhiên, nếu đi lục lọi sổ hộ tịch khắp nước Việt Nam, chắc là khó tìm được một người mang họ Đa (đừng kể mấy anh ba gốc Hoa hay gốc Hàn). May thay, các cha Đa Minh Lyon đã giúp cho chúng ta “hội nhập văn hóa”. Khi sang truyền giáo ở nước mình, các ngài đã Việt hóa tên họ của mình ra là “Đỗ Minh” (chẳng hạn: cha Alexis Cras mang danh là Đỗ Minh Vọng). Họ “Đỗ” mới thực sự là của Việt Nam! Chúng ta hãy kính cẩn cúi đầu chào các cố Tây đi, bởi vì các ngài thông hiểu phong tục dân An Nam hơn chúng mình!

Trở về với tên của thánh tổ phụ theo tiếng La tinh Dominicus, chúng ta biết rằng đây không phải là một danh tính độc đáo gì, bởi vì gần quê Caleruega đã có một ông thánh mang tên Dominicus rồi, đó là Dominicus Silos. Thế nhưng các anh em ta cũng đã cố gắng tán tự để chứng tỏ rằng “danh là người”. Trong bài kinh hướng về thánh tổ phụ, cha Giorđanô đã tán giải Dominicus là “vir Domini” (con người của Chúa: vir electe a Domino, vir Dei)[3] và “Domini-cus(tos)” (người giữ gìn đoàn chiên Chúa: Et esto nobis verus Dominicus, Domini gregis custos assiduus). Lối giải thích này sẽ đưa chúng ta đến một câu chuyện dài giòng khác.

Thực vậy, các tu sĩ dòng Đỗ-minh được gọi là Dominicani, nhưng cũng có người gọi là Domini-canes: “những con chó của Chúa”. Đây không phải chỉ là một lối chơi chữ (bởi vì không ai tán “Franciscani” là “Franciae canes”), nhưng có dụng ý ám chỉ sứ mạng của Dòng. Theo cha Giorđanô (Libellus, chương 2), khi mang thai bà mẹ đã mơ thấy đứa con sắp ra đời sẽ như con chó ngậm cây đuốc đi đốt cả thế giới. Thực ra thì một thế kỷ trước đó, bà mẹ của thánh Bernarđô (1090-1153) cũng mơ thấy mình mang trong bụng một con chó bạch lưng đỏ đang sủa (xc. Alanus, Vita secunda S. Bernardi: PL 185, col. 470). Đây là một hình ảnh khá quen thuộc vào thời Trung cổ. Con chó canh giữ đàn chiên (chó berger), và sủa rống lên để xua đuổi sói rừng. Nó tượng trưng cho nhà giảng thuyết: một đàng sủa lên bằng lời giảng để hun nóng đức tin của các tín hữu, một đàng sủa để xua đuổi các lạc giáo. Như ai nấy đều biết, một đức tính của chó là sự trung thành: trung thành với Lời Chúa, trung thành canh giữ đoàn chiên Chúa (Domini- custos là thế đó). Trải qua lịch sử, các tu sĩ Dòng Đa Minh được tặng (vừa thương vừa ghét) biệt hiệu là “canes” (chó săn, tựa như từ watchdog trong tiếng Anh) không những vì sứ mạng giảng thuyết mà còn vì vai trò lùng bè rối nữa (Inquisitio).[4]

Biệt hiệu “Domini canes” cũng hầu như đồng nghĩa với biệt hiệu “pugiles fidei” (chiến sĩ đức tin). Trong bản Hiến pháp trước năm 1968, người ta quen trưng dẫn (ngay từ số mở đầu) một chiếu dụ của đức giáo hoàng Honoriô III (bulla Nos attendentes, đề ngày 26/1/1217) trong đó ngài tiên báo các tu sĩ Dòng Giảng thuyết sẽ là các “futuros pugiles fidei et vera mundi lumina” (chiến sĩ đức tin và ánh sáng trần thế). Bản Hiến pháp hiện hành đã loại bỏ biệt hiệu này. Lý do không phải bởi vì muốn tỏ ra chủ hòa (pacifist), ngại đấm đá (pugiles: võ sĩ đấm đá), nhưng bởi vì chiếu dụ nói trên hoàn toàn bịa đặt (do Galvano della Fiamma O.P.), khoảng năm 1340, chứ không phải do Toà thánh ban cấp.[5] Dù sao, ngay từ những năm đầu tiên của Dòng, biệt hiệu “pugiles fidei” đã được lưu hành, lúc đầu để tặng cho thánh Phêrô Vêrona (đức giáo hoàng Innocentius V, bulla canonizationis, 25/3/ 1253), dần dần cũng áp dụng cho các tu sĩ cùng Dòng nữa.

2. Dòng Giảng thuyết (Dòng Thuyết giáo)

Đây là tên huý của Dòng, viết tắt là “O.P.”.[6] Đã hơn một lần tôi được nghe vấn nạn: tại sao gọi là “Dòng Giảng”? Linh mục nào mà chẳng giảng? Đâu có ai lập “Dòng dâng lễ” hay “Dòng giải tội” đâu?

Cần phải dành nhiều thời giờ để trả lời cho các câu hỏi đó. Tôi xin khất lại trong một bài khác, khi nghiên cứu sứ vụ chính yếu của Dòng cũng như những phương tiện để thực hiện sứ vụ ấy (chương IV). Ở đây chỉ xin ghi nhận vài chi tiết có tính cách lịch sử. Vào đầu thế kỷ thứ XIII, đang khi mà các nhóm lạc giáo nổi lên gieo rắc các tà thuyết, thì thay vì chú tâm vào việc giảng thuyết đạo lý các giám mục để tâm trí vào những chuyện khác. Công đồng Laterano IV (12-30/11/1215) đã yêu cầu các giám mục hãy tìm những người có khả năng để cộng tác với mình trong công tác giảng giải.[7]

Trước đó vài tháng (khoảng tháng 6-7), đức cha Foulques, giám mục Toulouse đã đặt anh Đa Minh và các đồng bạn làm “praedicatores” trong giáo phận.[8]

Nên biết là trong sắc lệnh của đức Hônôrius III châu phê Dòng (22/12/1216), chưa thấy xuất hiện danh hiệu “Dòng Giảng thuyết”. Văn kiện chỉ nói đến những người đã chọn nếp sống tu trì theo kiểu các kinh sĩ (ordo canonicus, qui secundum Deum et beati Augustini regulam in eadem ecclesia – i.e. Sancti Romani Tolosani – institutus esse dignoscitur). Một tháng sau đó, trong thư gửi cho Đa Minh đề ngày 21/1/1217 (mở đầu với những lời Gratiarum omnium largitori), ta mới thấy xuất hiện danh xưng “giảng thuyết” (Honorius episcopus, servus servorum Dei, dilectis filiis priori et fratribus Sancti Romani praedicatoribus in partibus Tholosanis, salutem et apostolicam benedictionem). Nguyên bản có mang dấu cạo sửa. Lúc đầu, đức thánh cha đọc cho thư ký viết là “praedicantibus” (những người đang đi giảng ở Toulouse); nhưng sau đó đã sửa lại thành “praedicatoribus” (những nhà giảng thuyết, những người thuyết giảng chuyên nghiệp).[9]

Điều oái ăm là bên cạnh hai từ “Ordo Praedicatorum” lại còn thêm từ “fratres”: biết nhét nó vào đâu: “Ordo fratrum praedicatorum” hay “fratres ordinis praedicatorum”?

Trong một văn tự ký với Đa Minh, ngày 11/9/1217, đức cha Foulques dùng danh từ fratres praedicationis. Từ ngữ fratres ordinis praedicatorum bắt đầu xuất hiện trong thư của đức giáo hoàng Hônôriô III giới thiệu Dòng với hàng giám mục thế giới (11/2/1218). Mặt khác, ngay từ đầu, các bản hiến pháp của Dòng đều mang tựa đề là Constitutiones ordinis fratrum praedicatorum. Thánh Tôma Aquinô cũng nghĩ như vậy (Summa Theologica, II-II, q.186, a.4, ad 1m).

Hiến pháp hiện tại (1968) mang tựa đề là “Liber Constitutionum et Ordinationum Ordinis Fratrum Praedicatorum”. Tổng hội 1971 đề nghị đổi thành “LCO fratrum Ordinis Praedicatorum” (Acta CG 1971 n. 43), nhưng liền bị tổng hội 1974 bác bỏ (simpliciter abrogamus: Acta CG 1974 n.147). Mới đây, tổng hội 1998 (có lẽ ít giám tỉnh rành Hiến pháp), đã ra tuyên cáo như sau (số 291): “Declaramus et ordinamus quod titulus… est Liber Constitutionum et Ordinationum Fratrum Ordinis Praedicatorum”. Chắc rồi tổng hội lần tới lại chỉnh lần nữa, ít là vì hai lý do: 1/ Hiến pháp nền tảng (§II) viết rằng “Ordo namque fratrum praedicatorum a s. Dominico fundatus”. Đã sửa tựa đề thì phải sửa cả ruột nữa chứ! 2/ Trên thực tế, thánh Đa Minh chỉ có lập Dòng Anh em Giảng thuyết (ordo fratrum praedicatorum), chứ không lập một OP lơ lửng để hậu thế tự tiện xen vào “sorores ordinis praedicatorum”!

II. Khẩu hiệu

Suốt nhiều thế kỷ, Dòng không có khẩu hiệu cũng chẳng có huy hiệu. Dần dần, vài anh em hay vài địa phương bắt chước thời trang (đua đòi các dòng khác) chọn một khẩu hiệu hay huy hiệu, và họ muốn cho Tổng hội phê chuẩn sáng kiến của mình. Đã có lúc Tổng hội xiêu lòng, định nhìn nhận một khẩu hiệu chính thức, nhưng liền bị anh em phản đối, lý do là vì đi ngược lại truyền thống của Dòng vốn đề cao “trăm hoa đua nở”. Chúng ta hãy điểm qua vài khẩu hiệu (hay châm ngôn) quen thuộc.

1. Cum Deo aut de Deo

Tông huấn Vita Consecrata (số 36) đã coi khẩu hiệu này như là đặc trưng của thánh Đa Minh: “nói với Chúa (cầu nguyện) và nói về Chúa (giảng thuyết)”. Đó cũng là tựa đề bài đọc giờ Kinh Sách trong ngày lễ kính thánh nhân (8/8). Nói cho đúng, khẩu hiệu này đã xuất hiện non một thế kỷ trước khi Dòng Giảng thuyết ra đời.[10] Cha Đa Minh đã lấy nó làm lẽ sống cho mình và truyền ghi vào Hiến pháp nguyên thủy.[11]

Thực vậy, trong Hiến pháp nguyên thủy chúng ta đã đọc thấy lời khuyên răn các anh em đi giảng như sau (Distinctio II, c.31: De praedicatoribus): “Qui recepta benedictione exeuntes ubique tamquam viri qui suam et aliorum salutem procurare desiderant honeste et religiose se habeant sicut viri evangelici sui sequentes vestigia Salvatoris cum Deo vel de Deo secum vel proximis loquendo vitabunt suspiciosi comitatus familiaritatem”. Điều này được lặp lại trong Hiến pháp nền tảng (§II).

2. Contemplare et contemplata aliis tradere

Đây là một câu văn trích từ sách Summa Theologica: “Ita maius est contemplata aliis tradere quam solum contemplari” (II-II, q.188, a.6; cf. q.182, a.1, ad 1m; III q.40, a.1, ad 2m). Thánh Tôma đang so sánh những lối sống tu trì khác nhau ở trong Hội thánh: đời chiêm niệm và đời tông đồ. Ngài nghĩ rằng người nào suy niệm và sau đó chia sẻ với tha nhân (đời tông đồ) thì tốt hơn là người chỉ suy niệm cho bản thân (đan tu). Khi viết những dòng đó, tác giả đang nghĩ đến ơn gọi của mình: đời sống tông đồ. Nên biết là thánh Tôma hiểu đời tông đồ (vita apostolica) theo nghĩa là bắt chước các thánh tông đồ (giảng dạy: docere et praedicare, một sứ mạng của hàng giám mục). Hiểu theo nghĩa này thì đời tông đồ cao quý hơn đời chiêm niệm; chứ các công tác bác ái phục vụ tha nhân không được xếp vào hạng “tông đồ”. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì đã ban cho Dòng một lý thuyết gia: chúng ta sẽ thấy thánh Tôma đã nhiều lần giúp cho Dòng nhận định đặc sủng của mình. Đối lại, cũng có thể khẳng định rằng nhờ Dòng mà thánh Tôma “nên thân nên người”.[12] Nói khác đi, ngài sẽ không thể nào hoàn thành các tác phẩm của mình trong khung cảnh của Dòng Biển Đức, Xitô, Phanxicô được!

3. Laudare, benedicere, praedicare

Theo Legenda của Pedro Ferrando (chương 32), khi Dòng mới thành lập, đức cha Cônrađô (dòng Xitô) sứ thần Toà thánh, đến Bologna và được anh em tiếp rước nồng hậu. Nhưng đầu óc của ngài đầy những băn khoăn ngờ vực về tính chất của Dòng mới (không biết có phải được lập do ý Chúa hay chỉ do tính toán phàm trần). Khi đã an toạ ở phòng hội, ngài yêu cầu anh em đưa một quyển sách. Anh em mang đến một quyển Sách lễ. Ngài làm dấu thánh giá, mở sách ra và thấy ngay ở đầu trang có hàng chữ Laudare, Benedicere, Praedicare. Thế là bao nhiêu mối ngờ vực đều tan biến! Đức cha nhận ra rằng quả thật Dòng này được lập do ý Trời.

Có lẽ những dòng vừa kể được trích từ kinh Tiền tụng kính Đức Mẹ (“Et te in sollemnitate beatae Mariae semper Virginis collaudare, benedicere et praedicare”). Tự nó cả ba động từ đều mang nghĩa như nhau,[13] đó là: chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng đến khi chú giải Hiến pháp, cha Humbertus bắt đầu tách ra thành hai phận sự của các tu sĩ: “Laudare và Benedicere” ám chỉ sứ mạng chúc tụng Thiên Chúa qua việc nguyện Kinh Thần vụ; “Praedicare” ám chỉ sứ mạng rao giảng Lời Chúa (Expositio super Constitutiones II,71). Sang thế kỷ XVI, người ta lại tách ra thành ba vế khác biệt: “laudare” là ca tụng Thiên Chúa qua việc cầu nguyện; “benedicere” là ban ơn xá giải qua bí tích thống hối; “praedicare” là giảng Lời Chúa.

Tổng hội 1656 họp tại Rôma tuyên bố rằng khẩu hiệu chính thức của Dòng là Laudare benedicere praedicare. Điều này còn được tổng hội Bologna năm 1725 lặp lại. Nhưng hai Tổng hội đều áp dụng cả ba động từ vào công tác phụng vụ (officium chorale). Tuy nhiên từ thế kỷ XIX, vài tổng quyền (như Andreas Fruhwirth) hay tác giả (như P. Danzas) lại tách ra thành hai chiều khích chính của đời sống Đa Minh: chiều kích đan tu (monastica) biểu thị qua “laudare”; chiều kích tông đồ (apostolica), biểu thị qua giảng (praedicare) và giải (ban ơn xá giải: benedicere).

4. Veritas

Khẩu hiệu này được du nhập từ hậu bán thế kỷ XIX, có lẽ do ảnh hưởng của cha Henri Lacordaire (Mémoires pour le rétablíssement en France de l’Ordre des Frères Prêcheurs, Paris 1839). Trong quyển Hiến pháp in năm 1872, khẩu hiệu Veritas xuất hiện kèm theo huy hiệu của Dòng.

Như vậy khẩu hiệu này không có lịch sử lâu đời. Có lẽ nguồn gốc của nó là một lưu truyền từ Galvano Fiamma (+khoảng 1344), theo đó biệt hiệu Ordo veritatis do hoàng đế Ludovico Bavarese (1287-1347) đã tặng cho Dòng sau khi nghe biết tính khí khái của Dòng, dám cãi lại đức giáo hoàng. Nội vụ bắt nguồn từ một cuộc tranh luận về phúc kiến (visio beatifica). Dòng Phanxicô chủ trương rằng sau khi chết thì các người lành chỉ được chiêm ngưỡng nhân tính của Chúa Kitô, và họ phải chờ đến ngày tận thế (sau khi thân xác sống lại) thì họ mới được chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi. Đức giáo hoàng Gioan XXII bênh vực thuyết này trong các bài giảng năm 1331. Dòng Đa Minh phản đối lập trường đó, và chủ trương rằng các người lành sẽ được hưởng kiến nhan Chúa liền ngay sau khi chết (Ngày nay nếu nhà thần học nào dám nói ngược Toà thánh thì ít nhất cũng sẽ bị “mất dạy”, nhưng mà ở thế kỷ XIV thì khác!). Dù sao trước khi qua đời, đức Gioan XXII đã rút lời và tuyên bố rằng mình chỉ trình bày ý kiến cá nhân chứ không phải với tư cách là giáo hoàng. Vị kế nhiệm là đức Bênêđictô XII đã chấp nhận chủ trương của Dòng Đa Minh và tuyên bố thành tín điều (Hiến chế Benedictus Deus, ngày 29/1/1336; xem Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1023). Hoàng đế Luđôvicô Bavarese cảm phục Dòng Đa Minh thực là Dòng của chân lý bởi vì dám bênh vực sự thực hơn là chiều theo giáo hoàng; và nếu Dòng dám cãi lệnh vua khi cũng chẳng lạ![14]

Tuy nhiên, cũng nên thêm rằng thánh Tôma Aquinô đã nhiều lần nói đến Thiên Chúa như là Chân lý Đệ nhất (Veritas Prima), đối thể của đức tin và suy tư thần học (Summa Theologica, II-II, q.1, a.1). Nên biết là hai bộ tổng luận của thánh Tôma đều mở đầu với sứ mạng của nhà thần học như là “thầy dạy chân lý” (catholicae veritatis doctor: Summa Theologica), và nghiền ngẫm chân lý (Summa contra Gentiles mở đầu với câu trích từ sách Châm Ngôn 8,7: Veritatem meditabitur guttur meum, et labia mea detestabuntur impium).[15]

Qua các khẩu hiệu (hay châm ngôn) kể trên, ta có thể ghi nhận hai điều: 1/ Nguồn gốc của nó không hẳn là của riêng Dòng; nhưng nó đã được du nhập và biến chế (nhờ tài của các thuyết gia cỡ bự như thánh Tôma). 2/ Dòng có nhiều châm ngôn, nhưng không áp đặt một châm ngôn chính thức: tinh thần tự do của con cái Chúa mà! Ai ưa thích việc nghiên cứu học hành thì chọn khẩu hiệu số 4; ai chuộng đời sống phụng vụ thì lấy khẩu hiệu số 3; ai chú ý đến sứ vụ rao giảng thì trích hai khẩu hiệu đầu. Tính chất “dân chủ đa nguyên” của Dòng còn được biểu lộ khi phải chọn huy hiệu.

 

III. Huy hiệu

Có hai huy hiệu chính, được đặt tên là stemma liliatumstemma cappatum. Bên Việt Nam, có lẽ huy hiệu quen thuộc là “liliatum”: thánh giá mang hình hoa huệ ở chóp, gắn trên nền chữ X xen kẽ màu trắng với màu đen. Đó là huy hiệu mà anh chị Dòng Ba thường đeo (và được chụp lại ở trang đầu của tờ Bản tin Đa Minh, giống như trước đây trên bìa của những sách do nhà xuất bản Chân lý phát hành). Huy hiệu thứ hai đơn giản hơn (thường xuất hiện trên các công văn của tỉnh dòng hoặc trên cổng các tu viện): nền đen với vạt áo màu trắng đàng trước (hay nói ngược lại cũng vậy: áo trắng được che bởi cappa màu đen).

Xét về lịch sử thì stemma cappatum ra đời trước (thế kỷ XV), và thịnh hành ở Italia. Như đã nói, gọi là “cappatum” bởi vì giống như áo choàng cappa. Huy hiệu này ra đời đồng thời với huy hiệu của dòng Carmêlô, và có phần giống nhau (trừ màu sắc: trắng đen – nâu trắng). Không biết ai bắt chước ai?

Còn stemma liliatum xuất xứ từ Tây Ban Nha (khởi điểm của các vị thừa sai tỉnh dòng Mân côi) khoảng thế kỷ XVI.[16] Nổi bật là thánh giá (viền vàng) được trang điểm với hoa huệ ở bốn chóp, một biểu hiệu cũng gặp thấy ở nhiều dòng khác. Vì thế để phân biệt, thánh giá được gắn lên trên nền mang hai màu của áo Dòng Đa Minh: trắng đen.

Dòng để mặc cho anh em sử dụng huy hiệu nào tùy thích chứ không bó buộc. Mãi đến thế kỷ XX, tổng hội 1961 (Bologna) mới nhận huy hiệu “cappatum” là chính thức (Declaratio, n.302); nhưng tổng hội kế tiếp 1962 (Toulouse) đã hoãn lại để nghiên cứu thêm (Commissio, n.130). Tổng hội 1965 (Bogota) cho phép sử dụng cả hai (Declaratio n.247). Một lần nữa, tinh thần đa nguyên đã thắng!

Các họa sĩ còn tô điểm thêm nhiều chi tiết trên mỗi huy hiệu (thí dụ con chó ngậm bó đuốc) hay quàng thêm các khẩu hiệu (“Veritas” hoặc “Laudare, Benedicere, Praedicare”), hoặc ghép thêm triều thiên, cành hoa huệ bắt chéo với cành thiên tuế (trinh khiết và tử đạo)… Một biểu hiệu thường gặp trên huy hiệu là ngôi sao. Nói đúng ra, ngôi sao là biểu tượng của thánh Đa Minh chứ không phải của Dòng Giảng thuyết. Theo Legenda của Pedro Ferrando (cap.3), sau khi đã mang bé Đa Minh rửa tội, bà vú đỡ đầu được Chúa cho thấy trong giấc mơ một ngôi sao hiện ra trên trán của em. Dĩ nhiên đây là điềm báo về tương lai của Đa Minh sẽ chiếu sáng thế giới.[17] Không biết câu chuyện thực hư thế nào. Riêng chị Cêcilia tả lại rằng trên vầng trán của cha Đa Minh có một luồng sáng toả ra và thu hút sự ái mộ và kính trọng của nhiều người (n.15). Từ đó, các bức họa chân dung thánh Đa Minh đều mang một ngôi sao trên trán; và có lẽ đó cũng là nguồn cảm hứng cho bài ca “O lumen Ecclesiae!”

Dù sao, khi nhìn vào huy hiệu của Dòng, ngoài các biểu tượng, điều đập vào mắt chúng ta hơn cả là hai màu trắng đen, màu của áo dòng. Hai màu này có ý nghĩa gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài tới khi nghiên cứu về lịch sử áo dòng.

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành OP.

 

[3] Có ý kiến giải thích “dominicus” là một tính từ (hình dung từ: adjectif), có nghĩa la: “thuộc về Chúa”; thí dụ “dies dominica”: ngày của Chúa.

[4] P. Mandonnet, “Note de symbolique médiévale: Domini canes”, trong sách S. Dominique, l’idée, l’homme, l’oeuvre, tập II, Paris 1938, p.39-61.

[5] H. Vicaire, La Bulle de confirmation des Prêcheurs, in: “Revue d’histoire ecclesiastique” 1952, p.180-192.

[6] Kẻ thương thì đọc “Ordre des Prêcheurs”; người ghét thì đọc trại ra “Ordre des Pêcheurs” (ngư dân) hay “Ordre des Pécheurs” (hối nhân).

[7] Cap. X: De praedicatoribus instituendis: “praecipimus… viros idoneos ordinari, quos episcopi possint coadiutores et cooperatores habere non solum in praedicationis officio, verum etiam in audiendis confessionibus et poenitentiiis iniungendis ac ceteris quae ad salutem pertinent animarum”. Xc. V. Koudelka, Monumenta diplomatica S. Dominici, Roma 1966, n.67.

[8]“Notum sit omnibus presentibus et futuris quod nos Fulco, Dei gratia Tolosanae sedis minister humilis, ad extirpandam hereticam pravitatem et vitia expellenda et fidei regulam edocendam et homines sanis morbius imbuenduos, instituimus predicatores in episcopatu nostro fratrem Dominicum et socios eius, qui in paupertate evangelica pedites religiose proposuserunt incedere et veritatis evangelicae verbum praedicare”. Xem: Monumenta diplomatica S. Dominici n.63.

[9] V. Koudelka, Notes sur le cartulaire de Saint Dominique, in: “Archivum Fratrum Praedicatorum” 28 (1958), p.92-100.

[10] Thánh Stephano de Muret (+1124), sáng lập dòng Grandmont, đã viết: “Bonus homo debet semper loqui cum Deo vel de Deo; nam in oratione sua cum Deo, cum proximo loquitur de Deo”. Liber de doctrina XXX, §2,21: PL 204, 1102B.

[11] Điều này được lặp đi lặp lại trong Hồ sơ Phong thánh. Xem chứng tích của Ioannes Hispanus; Rodolphus Faventinus; Stephanus Hispanus; Paulus Venetus; Frugierus Pennensis.

[12] J.P. Torrell, Saint Thomas d’Aquin, maitre spirituel, Fribourg 1996, p.508-511 (L’héritage dominicain).

[13] Cũng kiểu như: “Nửa đêm giờ tí canh ba, vợ tôi phận gái đàn bà nữ nhi”. Laudare: khen ngợi; bene-dicere: nói tốt (nói hay) về người nào; praedicare (prae- dicere): nói trước mặt ai, nói trước công chúng. Sách Lễ tiếng Việt dịch kinh Tiền tụng đức Trinh Nữ Maria như sau: “Trong ngày lễ… chúng con cùng ca ngợi, chúc tụng, tung hô Chúa”.

[14] Theo lời kể lại của sử gia Bzovius O.P. (+1637): “Ordo Praedicatorum est Ordo veritatis quia errantem pontificem dereliquit, video nunc quod si contra me sunt, hoc est quia amant veritatem. A cuique Praedicatori quilibet amicus ét sed magis amica veritas; nec alia de Fridericum Imperator experientia convictus Ordinem Praedicatorum quamvis ei foret infensus, ordinem veritatis appellavit”.

[15] Veritas có thể dịch ra tiếng Việt là “chân lý” hay “sự thật”. Tuy ý nghĩa như nhau, nhưng xem ra “chân lý” nghe bùi tai hơn! Trong tiếng Nga, cũng có hai từ: “Pravda” và “Istina”; các cha Đa Minh chọn từ thứ hai! Anh chị em có biết tại sao không?

[16] V. Beltran de Heredia, Origen y desenvolvimiento del “Stemma liliatum” en las provincias dominicanas de Espana e hispanoamerica, in: “Archivum Fratrum Praedicatorum” 35 (1965), 67-84.

[17] Theo cha H. Vicaire, phải hiểu đó là “sao hôm” (vesperus) được sai đến để dọn đường cho Chúa quang lâm, đối lại với sứ mạng của thánh Gioan Tiền hô, được ví với “sao mai” (stella matutina) loan báo Chúa ra đời (Nên nhớ là tục truyền cho rằng cha Đa Minh chào đời vào ngày 24/6). Về sau, người ta bỏ qua chi tiết cánh chung, và chỉ nhắc tới sứ mạng rao giảng ánh sáng Tin mừng. Xc. Vesperus (l’étoile du soir) ou l’image de saint Dominique pour ses frères au XIII siecle in: ID. Dominique et ses prêcheurs, Fribourg 1977, p.280-304.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *