Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (2/6)

III. Từ miền truyền giáo Đa Minh (1676)
đến các giáo phận Dòng (1756)

Lm Phanxicô X. Đào trung Hiệu OP

Miền Truyền giáo Đa Minh (từ 1676)

Nhưng Thiên Chúa lại an bài cách khác. Đang khi anh em Đa Minh có các chuyến thăm dò tại miền Nam, thì Ngài lại trao cho Dòng vùng truyền giáo tại miền Bắc. Chính đức cha Lambert de la Motte (MEP, Pháp) đã viết thư, và đức cha François Pallu (MEP, Pháp), đã thân chinh đến trụ sở tỉnh dòng tại Manila để mời Dòng đến cộng tác trong sứ vụ, dù phải trả giá bằng việc bị bắt đưa về Madrid để xét xử.

Đáp lời mời trên, vị Tổ phụ miền truyền giáo Đa Minh là cha Juan de Santa Cruz Thập  (4) và cha Juan de Arjona Cao đã đến Phố Hiến ngày 07.07.1676, được cha chính Deydier Phan (MEP) trao cho vùng Kẻ Nam, Kẻ Đông và Kẻ Bắc. Năm 1679, giáo phận Đông Đàng Ngoài được thành lập. Một vài tu sĩ Đa Minh lần lượt được chọn làm giám mục : đức cha Lezoli Cao (1698-1706), đức cha Santa Cruz Thập (1719-21), đức cha Sextri (Ý, 1721-37).

diaphan_dong.jpg

Đến Các giáo phận Dòng (từ 1756)

Sau một số tranh chấp xảy ra dưới thời đức cha Hilario di Gesù dòng Augustin (1737-56), giáo phận Đông Đàng Ngoài được chính thức trao cho dòng Đa Minh phụ trách từ năm 1756 với đức cha Hernandez Tuấn (1758-77).

Cũng trong giai đoạn này bão tố bách hại đã nổi lên. Bốn vị đứng đầu danh sách 117 Thánh Tử đạo Việt Nam đều thuộc dòng Đa Minh. Các vị bị bắt và làm chứng cho Chúa tại Thăng Long (Hà Nội). Đó là bốn linh mục Federich Tế OP, Liciniana Đậu OP (2.1.1745), Castañeda Gia OP Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm OP (7.11.1773).

Sau đức cha Hernandez Tuấn là đức cha Obelar Khâm (1778-89) rồi đến đức cha Alonso Phê (1790-99). Năm 1780, cha chính Alonso Phê sau chuyến kinh lý đã cho biết tình hình giáo phận như sau : 74.930 tín hữu, 5 thừa sai, 15 linh mục (5 triều), 325 người nhà đức Chúa Trời, 175 dì phước Đa Minh (12 nhà) và 84 nữ tu Mến Thánh Giá (5 nhà).

Đức cha Delgado Y (1795-1838) cùng với đức cha phó Henares Minh (1803-38) đã tận dụng bối cảnh bình an thời Gia Long để tổ chức giáo phận. Đây là thời hoàng kim của dòng Đa Minh Việt Nam giai đoạn I, vì trong 38 năm dòng có thêm 66 linh mục. Cùng với các linh mục triều, giáo phận thường xuyên có trên 50 linh mục cho hoạt động mục vụ.

Số tín hữu tuy không tăng nhiều nhưng vì việc thờ phượng được công khai, nên được giáo huấn một cách chu đáo hơn. Các thánh đường sau nhiều năm bị bỏ bê được tu sửa, thế nhưng chỉ cần ba năm (1838-40), tài nghệ của Trịnh Quang Khanh đã phá hủy hầu hết. Ngoài nhân sự, ba chủng viện, 22 nhà phước Đa Minh, 3 nhà phước Mến Thánh Giá, và trên 1.000 nhà thờ đã bị triệt hạ.

Các nhân chứng đức tin

Năm 1838, đức cha Henares Minh OP và thày giảng Đỗ Văn Chiểu TOP chịu trảm quyết ngày 25.06; đức cha Delgado Y OP chết rũ tù ngày 12.07; ba ngày sau cha Nguyễn Bá Tuần cũng chết trong ngục; ngày 24.07, cha chính Fernández Hiền OP bị xử trảm; ngày 21.08 cha Đặng Đình Viên bị xử ở Hưng Yên. Cũng năm 1838, cha Đỗ Yến OP tử đạo ở Hải Dư­ơng (30.6); cha Nguyễn Văn Tự OP tử đạo tại Bắc Ninh (05.9); cha Nguyễn Văn Hạnh OP và cha Vũ Văn Duệ tại Nam Định (01.8).

Năm linh mục dòng Đa Minh tử đạo tại Nam Định. năm 1839 có các cha Vũ Đình Tước OP (02.4), Đinh Viết Dụ OP và Nguyễn Văn Xuyên OP (26.11). Năm 1840, hai cha Ngô Duy Hiển OP (9.5), Vũ Đức Trạch OP (18.9).

Ngoài ra trong những năm 1838-39, ở Bắc Ninh và Nam Định, danh sách tử đạo có thêm bốn thày giảng : Nguyễn Đình Uyển TOP, Hà Trọng Mậu TOP, Bùi Văn Úy TOP Đào Đình Toán TOP. Cùng với bảy giáo dân : ông trùm Hoàng Lư­ơng Cảnh TOP, ba ông thánh binh Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt, và các anh Nguyễn Văn Đệ TOP, Nguyễn Văn Mới TOP, Nguyễn Văn Vinh TOP.

Đức cha Hermosilla Liêm OP (1841-61) đã được đức cha Retord tấn phong cách khá hi hữu tại Vĩnh Trị. Trở về nhà, đức cha tấn phong đức cha phó Jimeno Lâm. ngài họp các linh mục, tu sửa các nhà thờ, nhà phước và các cơ sở bác ái. Ngài dời trường Latinh Nam Am về Lục Thủy, và mở trường thần học ở Mỹ Động, Hải Dương.

Năm 1845 đức cha Hermosilla tấn phong đức cha phó Marti Gia (+1852). Năm 1848, Tòa thánh chia khu vực Dòng thành hai giáo phận : đức cha Liêm coi giáo phận Đông (Hải Phòng, 45.000 tín hữu) cùng đức cha phụ tá mới Alcazar Hy (1849-70). Giáo phận Trung (Bùi Chu, 145.435 tín hữu) do đức cha Marti Gia và đức cha phó kế vị Sanjurjo An (1849-57), rồi đến đức cha Sampedro Xuyên (1855-58) và đức cha Valentino Vinh (1858-61) vị giám mục gậy tre mũ giấy. Ngài được gọi như vậy, vì đó là phẩm phục của ngài trong lễ tấn phong giữa đêm tại nhà một giáo dân ở Ninh Cường.

Cùng với giáo hội Việt Nam thời Tự Đức, các vị đã viết nên những trang sử hào hùng bằng máu đào. Nổi tiếng có bốn vị tử đạo Hải Dương gồm hai đức cha Hermosilla Liêm OP, Valentino Vinh OP, cha Almatô Bình OP (01.11.1961) và thày Nguyễn Duy Khang TOP (06.12). Đức cha Sanjurjo An OP bị chém năm 1857, và đức cha Sampedro Xuyên OP bị xử lăng trì năm 1858.

Ngoài bốn linh mục tử đạo Đinh Đức Mậu OP, Đỗ Đình Cẩm TOP, Ngô Túc Khuông TOP, Trần Văn Tuân OP mỗi vị một năm từ 1858 đến 1961. Hàng ngũ giáo dân có ba vị thánh làng Quần Cống thuộc huynh đoàn Đa Minh : các ông Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn (1859), cùng với 16 tín hữu tử đạo vào tháng 5 và 6 năm 1862 : Laurensô Ngôn, Phaolô Đổng, Giuse Túc, Đa Minh Ninh, Phêrô Dũng, Phêrô Thuận, Vinh sơn Dương, Đa Minh Toái. Đa Minh Huyện, Đa Minh Nhi, Đa Minh Mạo, Anrê Tường, Đa Minh Nguyện, Vinh sơn Tương, Phêrô Đa, Giuse Tuấn. (6)

cd_kesat.JPG

Các Giám mục và chuyên viên Thần học Đa Minh tại công đồng Kẻ Sặt 1900

Các giáo phận Dòng sau khi Tự Đức ngưng cấm đạo

a/ Giáo phận Đông Đàng Ngoài. Đức cha  Alcazar Hy (1861-70) chọn đức cha phó Fernandez Nghĩa (1864-69). Khi đức cha Hy đi dự công đồng Vatican I, nghe tin đức cha phó qua đời, ngài chọn đức cha Colomer Lễ (1871-1902) kế vị. Đức cha Lễ xin tòa thánh lập giáo phận Bắc Ninh và đi nhận giáo phận mới, bàn giao hoạt động lại cho đức cha Terres Hiến (1875-1906). Thời đức cha Hiến, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô được mời đến phục vụ và mở bệnh viện, Tòa giám mục được chuyển từ Hải Dương ra Hải Phòng (1890). Ngài cũng được chọn để chủ tọa công đồng Kẻ Sặt năm 1900.

Đức cha Apellano Huy (1906-19) mời các Sư huynh Lasan đến mở trường Saint Joseph (1906). Ngài mắc bệnh tim, nên xin nghỉ sớm. Thời đức cha Azua Minh (1917-29) Đền các Thánh tử đạo Hải Dương được khánh thành trên vùng đất Năm Mẫu thấm máu đào các anh hùng đức tin. Ngay bên cạnh đền thánh, đức cha Garcia Thiện (1930-33) xây dựng trường Đệ tử Đa Minh Hải Dương. (7) Thời đức cha Gomez Lễ (1933-52) các Đoàn thể Công giáo Tiến hành được phát triển, nguyệt san Hy Vọng được phát hành (1937-41). Giáo phận có hàng trăm dì phước Đa Minh chăm lo việc dạy giáo lý trẻ em, phục vụ cứu tế viện và cô nhi viện trong bốn nhà Kẻ Sặt, Nam Am, Liễu Dinh và Yên Trì. Năm 1953, giáo phận được chuyển trao cho đức cha Giuse Trương Cao Đại (1953-60). (8)

b/ Giáo phận Bắc Ninh thành lập năm 1883 với giám mục tiên khởi Colomer Lễ (1871-1902). Nhờ đường lối trung lập của Đức cha, các giáo sĩ vẫn có thể hoạt động mục vụ ngay trong vùng kháng chiến của Đề Thám (9). Năm 1889, đức cha dời Tòa giám mục từ Xuân Hòa về Bắc Ninh; đưa trường Lý đoán về Đạo Ngạn, còn trường Latinh vẫn ở Kẻ Nê. Năm 1899, ngài trao quyền cho đức cha Phó Valesco Khâm (1890-1925). Thời đức cha Gordaliza Phúc (1916-1931) và Artaraz Chỉnh (1932-1947), việc truyền giáo mở rộng đến các tỉnh xa xôi như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, thiết lập nhiều giáo xứ, với những ngôi thánh đường lớn ở Thái Nguyên và Bắc Giang. Hoạt động bác ái cũng phát triển với nhiều viện cô nhi, dưỡng lão, nhà thương và trại phong Quả Cảm nơi cư­ trú trên 500 bệnh nhân.

Năm 1950 giữa bối cảnh chiến tranh, giáo phận được trao cho đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn. Năm 1954 ngài ở lại với giáo phận nhưng năm sau ngài bị tai nạn, phải đi chữa bệnh tại Hồng Kông. (10)

c/ Phủ doãn Lạng Sơn : năm 1913, giáo phận Bắc Ninh được chia làm hai, phủ doãn Lạng Sơn được thiết lập và trao cho các cha dòng Đa Minh tỉnh Lyon. Các thừa sai Lyon đã đến và hoạt động trong các giáo phận dòng từ năm 1902. Đức ông Cothonay Chiểu được đặt làm bề trên phủ doãn (1913-23), kế đến là đức ông Maillet Bính (1925-29).

Trong vòng 20 năm, phủ doãn Lạng Sơn đã xây dựng được nhiều giáo xứ và thánh đường, chủng viện Mỹ Sơn, các học đường, cô nhi viện, bệnh viện và một trại phong. Sau 10 năm làm bề trên phủ doãn, đức ông Hedde Minh (1939-60) được chọn làm giám mục tiên khởi của giáo phận mới thành lập. Trong khoảng 10 năm ngài được sự hỗ trợ của đức cha phó Jacq Mỹ (1948-58) (11). Nhưng khi đức cha phó phải vào nam, đức cha Hedde chỉ có thể dâng những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh để cầu nguyện cho giáo phận, cho đến lúc được gửi thân xác tại vùng đất truyền giáo.

d/ Giáo phận Trung Đàng Ngoài : Sau bốn năm vắng bóng mục tử, giáo phận được coi sóc bởi các đức cha Cezon Khang (1865-80), Riaño Hòa (1880-84). Từ nay giáo phận có những bước tiến mới: đức cha Oñate Thuận (1883-97 Ô) trong 12 năm đã khuyên được 83 làng tòng giáo. Đến thời đức cha Fernandez Định (1898-1907), giáo phận có thêm nhiều cơ sở xã hội: 5 trại phong, 5 cô nhi viện, 2 nhà thương, hàng năm có trên 1.000 người lớn tòng giáo. (12)

Giáo phận phát triển đặc biệt dưới thời đức cha Muñagorri Trung (1907-36). Ngài tái thiết thánh đường Phú Nhai (1933), xây tu viện Quần Phương (1934) sau trở thành Đại chủng viện Bùi Chu, tiểu chủng viện Ninh Cường, trường kẻ giảng Trung Linh. Ngài mời dòng Thánh Phaolô mở nhà thương, cô nhi viện (1914), mời dòng Kín Cát Minh (1923), và mời các Sư huynh Lasan phụ trách Trường sư phạm Saint Thomas (1924). Đặc biệt, ngài cùng với các bề trên Đa Minh khác, tổ chức Giáo hoàng Chủng viện Anbêtô Nam Định, chủng viện chung cho các giáo phận Dòng (1930) (13). Năm 1936, giáo phận được trao cho đức cha Hồ Ngọc Cẩn.

e/ Giáo phận Thái Bình được thành lập tách khỏi giáo phận Bùi Chu năm 1936, với giám mục tiên khởi Casado Thuận (1936-41). Đức cha khánh thành chủng viện Mỹ Đức (1937), tu sửa tòa giám mục và nhà thờ chính tòa. Hoạt động trong giáo phận thời này có các sư huynh Lasan, và các nữ tu dòng thánh Phaolô. Kế vị ngài là đức cha Ubierna Ninh (1942-55). Đức cha di tản vào Sài Gòn, sau đó quyết định trở về với giáo phận, nhưng bị lâm bệnh nặng và qua đời.

Ghi chú

(4) Cha Santa Cruz được gọi là “Tổ phụ” vì ngài đến trước tiên và tổ chức việc truyền giáo của Dòng tại VN suốt 45 năm. Tây Ban Nha chữ J đọc theo âm “kh”, Juan xin đọc là Khoan.

(5) Năm 1845, đức cha Jimeno về phụ trách giáo phận Cébu, Manila.

(6) Xc. Venticinque Martiri Nelle Missioni Domenicane del Tonchino, Roma 1950. Cha Shoeffler Đông, MEP, TOP tử đạo 1.5.1851.

(7) Tại sân Đền Thánh Hải Dương hiện còn mộ Đc Azua Minh và Garcia Thiện

(8) Tại miền Nam đức cha Trương Cao Đại được ủy thác việc cải tổ các dòng Nữ Đa Minh, và làm giáo sư Đại chủng viện Anbêtô. Về sau ngài đi chữa bệnh và qua đời tại Madrid năm 1969.

(9) Thực dân Pháp kỳ thị và muốn đuổi các thừa sai Tây Ban Nha, để thay thế bằng các thừa sai Pháp. Cao Huy Thuần, Đạo TC và Chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam (Los Angeles, 1988), tr 509.

(10) Tại Sài gòn Đức cha làm giám đốc Đại chủng viện Anbêtô Phú Nhuận (1960-62) rồi phụ trách giáo phận Quy Nhơn (1963-74).

(11) Đức cha Jacq rời Việt Nam năm 1975, qua đời tại Paris năm 2001.

(12) Sử ký Địa phận Trung, 1916,  tr 115. Giáo phận Trung  bao gồm hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình. Tây Ban Nha “ñ” đọc là “nh”  như : Ri-a-nhô, Ô-nha-tê, Mu-nha-gô-ri

(13) Giáo hoàng chủng viện Anbêtô khi khai giảng có 118 chủng sinh: 36 Hải Phòng, 11 Bắc Ninh, 64 Bùi Chu và 7 Lạng sơn. Năm 1936, các chủng sinh Bùi Chu về chủng viện giáo phận, thay vào đó là chủng sinh Thái Bình. Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, q.II, tr 179.

One comment

  1. ĐaMinh trần công liêm

    Kính thưa ban điều hành website huynh đoàn ĐaMinh.
    Con là giáo dân thuộc giáo xứ trung linh. Giáo phân Bùi Chu.
    Con có 1 điều cần sự giúp đỡ vì giáo xứ con là 1 giáo xứ toàn tòng theo như sử sách ghi chép lại. Nhưng con ko tìm thấy được năm mà tin mừng đến với giáo xứ con. Và năm thành lập giáo xứ cũng ko có ạ. Vâyn con xin sự trợ giúp của quý ban điều hành huynh đoàn ĐaMInh giúp con cũng như giáo xứ con tìm hiểu về nguồn gốc giáo xứ Trung Linh của con. Nơi mà đức cha Thập đã đến học tiếng việt tại giáo xứ con.
    Con xin chân thành cảm ơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *