100 tích truyện Kinh Mân Côi: Chuỗi hạt Mân Côi với Cha Sáu (Pere Six), Trần Lục, quan Lớn Khâm

 

Hầu hết những người công giáo VN ở miền Bắc nói riêng, và mìền Nam nói chung, đều có nghe về sự tích cha Sáu đã xây cất thánh đường Phát Diệm như thế nào. Ở đây chúng tôi không chú trọng đến vấn đề lịch sử, vì đã có rất nhiều sách vở, báo chí VN và Pháp nói rất nhiều về đề tài này. Cho đến nỗi thời Pháp thuộc, người Pháp đã kể Vương cung thánh đường Phát Diệm và quần thể thánh đường này là kỳ công cửa thế giới. Sở dĩ người ta gọi cha là cha Sáu là vì năm 1857, Đức Cha Jeantet đã truyền chức Phó tế cho thày. Cho nên người ta quen gọi là thày Sáu (theo thủ tục bấy giờ, 4 chức gọi là thày Bốn, 5 chức gọi là thày Năm , 6 chức gọi là thày Sáu). Sau này khi được phong chúc linh mục rồi, người ta vẫn có thói quen gọi cha là Cha Sáu (Père Six). Dịch ra hán văn: Cha Trần Lục. Quan Lớn Khâm, là vì cha vừa là linh mục, vừa là quan của Triều đình Huế. Sau khi đã dẹp xong loạn quân Lê Phụng, cha được triều đình Huế phong chức “Khâm sai đại thần”, có quyền tiền trảm hậu tấu. Nhưng suốt cuộc đời làm quan, cha chưa bao giờ giết ai, và bỏ tù ai, chỉ lấy lòng từ bi bác áí, mà xét xử cho tội nhân được ăn năn trở lại.

Cha Sáu có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi đặc biết. Cha hằng khuyên dạy giáo dân năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Cha đã đặt ra rất nhiều ca vè dạy dỗ giáo dân, và nhất là có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi. Bản thân cha cũng hằng ngày lần chuỗi Mân Côi. Cha hứa với Đức Mẹ, cha sẽ cho xây cất một thánh đường rất nguy nga đồ sộ, lấy danh hiệu là thánh đường Rất thánh Đức Mẹ Mân Côi. Cho nên ngày nay người ta thấy ở trên bàn thờ sơn son thiếp vàng, có tượng Rất thánh Đức Mẹ Mân Côi cao khoảng 4 thước tây. Mẹ đứng đây, để chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của con cái Mẹ, của Giáo Hội VN. Năm 1881, cha khởi công xây cất thánh đường Đức Mẹ Mân Côi.

Thật là một công trình vĩ đại, mà thời ấy người ta không thể hiểu nổi. Làm sao cha có thể đem những 50 cây cột gỗ lim (bois de fer) cao 18 thước tây, 2m50 chu vi, (tức 2 người ôm) từ rừng núi Thanh Hoá về Phát Diệm. Tất cả đều dùng bằng voi và bè tre dầy 2 thước tây. Xin nhớ rằng: thời bấy giờ chưa có các máy móc tối tân như ngày nay. Tất cả đếu phải dùng sức lao động của con người. Trước khi xây cất thánh đường Đức Mẹ, cha đã yêu cầu giáo dân tổ chức phong trào lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, xin Mẹ ban cho cha và toàn giáo xứ có sức mạnh và đầy công phúc để hoàn thánh thánh đường Đức Mẹ Mân Côi.

Đây là những phép lạ, hay còn gọi là những ơn lạ Đức Mẹ đã ban cho con cái Mẹ khi xây cất thánh đường ( khi nói công khai ra ngoài, người ta đã không đề cập đến). Tương truyền, mỗi khi kéo một cây cột lên như vậy, thì trai tráng ăn mặc chỉnh tề, buộc dây thừng kết bằng sợi cây gai vào đầu cột, đào lỗ thật sâu, có những tảng đá làm móng. Đàn bà con gái thì xướng kinh lần chuỗi Mân Côi, kêu xin Đức Mẹ cho kéo cột lên được an toàn. Có nhiều ông bà già thấy rất nhiều chim bồ câu đậu đen nghịt vào các sợi dây, và có thiên thần hiện ra bám vào các dây, cùng kéo với giáo dân. Tất cả 50 cây cột được kéo lên như vậy. Những trai tráng nói: họ thấy nhẹ hững, như khi kéo cột nhà bình thường. Mỗi khi kéo cột như vậy, thì cha Sáu chủ trì buổi đọc kinh cầu nguyện, lần hạt Mân Côi, xin Đức Mẹ giúp sức cho con cái Mẹ hoàn thành sứ mạng được giao phó. Ngoài ra, còn những tảng đá rất lớn đem từ núi Thiện Dưỡng về, để xây cất thánh đường. Cho nên ngưòi ta còn gọi là nhà thờ đá Phát diệm, với một phương đình toàn bằng đá.

Xin lưu ý bạn đọc: nhà thờ chính toà Phát diệm chỉ được xây cất bằng 2 thứ vật liệu chính, đó là gỗ và đá. Gỗ để làm cột kèo, đá để xây cất chung quanh, theo công thức xếp từng đợt. Chúng tôi không chủ trương trình bày công trình lịch sữ vĩ đại này, mà chỉ có ý nói lên tất cả đều do bàn tay Đức Mẹ Mân Côi đã ban cho cha Sáu, có tài ba lỗi lạc để xây cất thánh đường của Mẹ. Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi đồ sộ to lớn: rộng 25m, dài 80m, cao 20m, chia làm 9 gian ,đã được hoàn thành vào năm 1891. Giáo dân khắp nơi đã đổ về Phát Diệm để chiêm ngưỡng thánh đường kỳ lạ này, và đọc kinh Mân Côi tạ ơn Đức Mẹ.

 

Lời bàn : Có lẽ trên toàn thế giới , trừ thánh đường Đức Bà ở Roma dâng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, không còn nhà thờ nào vĩ đại, kỳ công kiệt tác như thánh đường Phát diệm do Cha Sáu xây cất. Nhà thờ Notre Dame de Paris cũng là 1 thánh đường vĩ đại, cổ kính và đẹp nhất nước Pháp, nhưng là 1 nhà thờ xây cất bằng sắt thép xi măng. Cho nên nếu đem so sánh về kỹ thuật, thì chắc không bằng nhà thờ kính Đức Mẹ Mân Côi ở Phát Diệm. Sở dĩ chúng tôi đưa bài này vào truyện tích Đức Mẹ Mân Côi, là vì khi cha Sáu khởi công xây cất thánh đường Đức Mẹ, cha đã đặt hoàn toàn tin tưởng vào quyền phép Đức Mẹ, nhất là vào sức màu nhiệm vạn năng của Chuỗi hạt Mân Côi. Như vậy, dù khi ta làm việc gì khó khăn nhất, mà bám lấy Đức Mẹ Mân Côi, thì chúng ta cũng sẽ thành công mỹ mãn.