Thay đổi đời sống để làm chứng nhân (25.01 – Lễ Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Ngày 25.01: Lễ Kính THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

Lời Chúa: Cv 22,3-16, Mc 16,15-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 16,15-18)

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Thay đổi đời sống để làm chứng nhân (25.01.2024)

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.”

Theo sách Công vụ Tông Đồ, quyển sách lịch sử ghi lại giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Sao-lô, tên gọi Do-thái của Phaolô, là một người phong thái và đầy nhiệt huyết đối với đạo, ông xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Chúa Giêsu mà ông cho là một bè phái đi ngược lại với đ ạo giáo. Một hôm, đang trên đường đi Đa-mát để lùng bắt các môn đệ Chúa Giêsu, ông đã bị một luồng sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, ông đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.”

Qua biến cố ngã ngựa, mù mắt và được sáng mắt lại nhờ sự trợ giúp của ông Kha-na-ni-a, lòng hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Chúa Kitô. Sao-lô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô – Tông đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Chúa Kitô.

Cuộc sống buôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39)

Sự trở lại của thánh Phaolô đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do-thái cũng như lề luật Môsê, mà còn là khởi đầu cho một tôn giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa. Giáo Hội kỷ niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Do-thái giáo để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình.

Nhìn vào biến cố ngã ngựa của thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe… Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Eva trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, nhưng lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo Hội của Chúa, thì cũng biết như thánh Phaolô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen.

Joston

Lòng tin kiên vững (25.01.2023)

“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin…” (Mc 16,17a)

Anh là một người tân tòng mới được ba năm, nhưng ai cũng tưởng anh đạo gốc vì thấy anh rất siêng năng đi dự lễ, tham gia hội đoàn trong giáo xứ, đặc biệt anh còn làm việc tông đồ bác ái, luôn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó nghèo, ngày kia có người quen gặp anh thì lên tiếng hỏi:

  • Lý do nào khiến cậu trở nên một giáo dân tốt thế ?

Anh liền tươi cười trả lời:

  • Tin Mừng, là tôi đã đọc kỹ Tin Mừng Lời Chúa, tôi rất tin và hâm mộ những Lời Chúa dạy, cụ thể hơn là gương sáng yêu thương của Ngài, từ đó tôi thành say mê và cố gắng đem ra thực hành, cũng có vài tên bạn học cũ đả kích nói tôi điên khùng nên mới Tin Đạo Chúa như thế.

Và rồi anh phản ứng ra sao?

  • Tôi mở Kinh Thánh cho họ đọc vài đoạn…và tôi xác tín về lòng tin kiên vững của mình, tôi đã thực hành Lời Chúa dạy, tôi cảm thấy mình được bình an hạnh phúc…

Lạy Chúa, xin cho chúng con được trở nên những chứng tá cho Tin Mừng của Chúa, không phải chỉ bằng lý thuyết suông, mà cụ thể bằng chính cách sống đạo đức, bác ái chân thành trong tình yêu mến Chúa. Amen.

BCT

Sống chứng nhân Tin Mừng (25.01.2022)

Ghi nhớ:

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tao”. (Mc 16, 15)

Suy niệm:

Có một câu chuyện xảy ra như sau: Cha  xứ được mời đến dự tiệc cưới của một gia đình trong giáo xứ. Quà tặng mà Cha mang đến cho đôi tân hôn vào ngày trọng đại hôm đó là một quyển Thánh Kinh.

Một thời gian sau, Cha có dịp ghé nhà thăm hai vợ chồng, nhìn lên bàn thờ thì vô tình Cha thấy quyển Thánh Kinh mà mình đã tặng cho gia đình này đang được để trên đó. Cha lấy quyển Kinh Thánh xuống và lật những trang bên trong và Ngài thấy tờ tiền mệnh giá 500.000 vnđ  vẫn còn nằm yên trong quyển sách. Sự việc đó chứng tỏ rằng; từ ngày nên vợ chồng đến nay họ chưa bao giờ mở quyển Thánh Kinh này ra mà đọc. Cảm thấy không vui nên cha nói với họ:

  • Cha rất buồn vì biết rằng các con làm biếng đọc Lời Chúa, Bởi thế, nên tiền mà cha có ý mừng cho các con trước đây nhân ngày cưới vẫn còn nằm yên trong quyền Kinh Thánh này, nay cha xin thu hồi lại…

Vài ngày sau đó. Cha xứ đến gặp nhà vợ chồng kia. Đưa cho họ một bì thư và Cha nói với họ:

  • Cha xin lỗi hai con, bởi vì nếu xét cho cùng thì việc các con không siêng năng đọc Lời Chúa, cũng có một phần lỗi ở Cha.

Lại có một câu chuyện khác như sau: Trong một lớp học Kinh Thánh. Một học viên lên tiếng hỏi cả lớp rằng: “Theo các bạn thì bản dịch Kinh Thánh nào mà các bạn cảm thấy ưng ý nhất?”. Có một bạn giơ tay đứng lên trả lời:

  • Bản dịch Kinh Thánh mà mình thích nhất đó là: Cha xứ của giáo xứ mình.

Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ Thánh Phao-lô trở lại, Thánh nhân đã trở lại cùng Chúa qua biến cố bị ngã ngựa và sau đó đã trở nên vị tông đồ của dân ngoại. Mặc dù trước đây ông là người nhiệt thành trong công việc tìm kiếm và bắt bớ những người có lòng tin vào Chúa Giê-su hay còn gọi là các Ky-tô hữu. Trước đây ông hăng say đi bắt Đạo bao nhiêu thì sau khi đã nhận biết Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất mà ông phải tôn thờ thì ông lại nhiệt thành trong công cuộc đem Tin Mừng đến cho dân ngoại bấy nhiêu! Đây cũng chính là tấm gương để chúng ta noi gương bắt chước Thánh nhân. Và điều cần ghi nhớ đó là: “Khốn cho ngươi khi giơ chân đạp mũi nhọn”.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về lệnh truyền của Đức Giê-su, Lệnh truyền này được Đức Giê-su ban ra sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc loài người, và vào thời điểm trước khi Ngài về trời. Đây cũng có thể gọi một “bản di chúc”, mà Đức Giê-su để lại cho các môn đệ: Đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi thụ  tạo”. Loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo đó phải là Nghĩa vụ vì chúng ta là những công dân của Nước Trời. Đó Phải là Trách nhiệm vì bao ân lành chúng ta đã nhận được nơi Thiên Chúa một cách nhưng không và  đó phải là Bổn phận vì chúng ta đã trở thành con cái Thiên Chúa sau khi đã được tái sinh trong Bí Tích Rửa Tội. Nhưng loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo bằng cách nào? Thưa là: Bằng chính đời sống tuân theo những giới luật mà Đức Giê-su và Hội Thánh đã truyền dạy: Cụ thể là kính mến cùng thờ phượng một Thiên Chúa và yêu thương mọi người như chính mình;

Điều đáng lưu ý là Tin Mừng không chỉ được rao giảng cho loài người mà thôi mà Tin Mừng còn được “rao giảng cho mọi loại thụ tạo”. Điều này nhắc nhở chúng ta phải luôn biết giữ gìn môi trường mình sống. làm sao để luôn xanh- sạch-đẹp, đồng thời không được phép khai thác một cách huỷ diệt các sinh vật sống trên mặt đất. Nói tóm lại. Chúa muốn chúng ta ngoài đời sống chứng nhân, gương mẫu là tuân hành giới luật yêu thương, giúp đỡ tha nhân thì chúng ta còn phải chung tay gìn giữ và phát triển trái đất này. Cụ thể như không được làm ô nhiễm môi trường, không được tàn phá cây rừng, không được săn bắt các loài động vật khiến cho chúng có nguy cơ tuyệt chủng.v.v…

Vào thời điểm đón mừng năm mới, đây cũng là lúc để chúng ta nhìn lại bản thân mình. Trong năm qua chúng ta đã thực thi mệnh lệnh Rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo như thế nào? Và trong năm mới chúng ta sẽ quyết tâm khắc phục những yếu kém để mỗi năm chúng ta sống chứng nhân cách tiến bộ hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Điều Chúa muốn chúng con phải thi hành trong đời sống của mình là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Xin cho chúng con luôn ý thức được tầm quan trọng của mệnh lệnh này và ra sức thi hành mọi ngày trong cuộc sống, vì như lời Thánh Phao-lô tông đồ đã quả quyết: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều thợ gặt lành nghề để công cuộc truyền giáo được có kết quả tốt đẹp. Amen.

Sống Lời Chúa:

Luôn cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa, đồng thời đóng góp công sức cho việc truyền giáo.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Đi khắp thế gian (25.01.2021)

Khi Saolô đi khắp nơi lùng sục bắt bớ và giết chết những người theo đạo Chúa Giêsu, tức thì một luồng ánh sáng cực mạnh chiếu thẳng vào Saolô, ông tức thì ngã khỏi ngựa.

Việc đi khắp nơi lùng sục và bắt bớ người theo Chúa Giêsu là một việc làm sai thánh ý Thiên Chúa. Nên ông đã được cảnh báo và cảnh tỉnh. Sau thời gian ông được học biết về Chúa Giêsu, ông đã ra đi theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu, đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Khi kết thúc công cuộc cứu chuộc trần gian, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, cũng như khi Chúa gọi những kẻ Người muốn lên núi và sai đi rao giảng (Mc 3, 13-19), Chúa đã gọi ông Saolô từ bỏ đi bắt bớ mà hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu.

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”, đây là lời mời gọi, đây cũng là mệnh lệnh của Chúa Giêsu nói với các Tông đồ và những người theo Chúa, và “ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phat”. Những ai đã tin và chịu phép rửa thì Chúa đã chọn đi theo Chúa và thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng trong môi trường sống của chính mình.

Sau khi Saolô được chọn, ông đã theo Chúa Giêsu trọn vẹn một cuộc đời đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô. Ông chính là Thánh Phaolo tông đồ mà hôm nay lễ kính thánh Phaolo trở lại.

Đi khắp thế gian: 

Đi cần phải có một đôi chân vững vàng, một sức khoẻ cường tráng, một ý chí kiên cường, một sự khôn ngoan sáng suốt.

Ra đi ắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên con đường, nguy hiểm bởi giông tố bất thường, bởi lỡ bước sa cơ. Có khi sẽ đói khát, có khi bị hắt hủi, có khi bị chê bai, có khi còn bị đánh đập… Khi ra đi là khi bắt đầu những khó nguy gian nan, nếu ta không chuẩn bị tốt thì cơ hội tới đích thành công là khó có thể, mà sự thất bại thì luôn ê chề phía trước.

Đó là những chuyến ra đi lập nghiệp, những chuyến chinh phục ngoại xâm, những chuyến ra đi trong cuộc đời… Nếu không đủ tài trí khôn ngoan, dũng mãnh thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại ê chề.

Đi là để đến:

Việc Chúa sai đi để chinh phục con người bằng rao giảng Tin Mừng còn khó biết bao, bởi sự loan báo Tin Mừng phải bằng chính đời sống chứng nhân của mình về Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu.

Muốn ra đi để rao giảng Tin Mừng, phải bước ra khỏi lòng mình những cản trở to lớn như ích kỷ, tham vọng, ghen ghét, kiêu ngạo, hà tiện, vô ơn bạc nghĩa, giả dối, hận thù, bất hoà… để bước vào sự chân thật, yêu thương, khiêm nhường, rộng rãi, chia sẻ, đùm bọc, hoà hợp, hiệp nhất, quan tâm, giúp đỡ…

Muốn đi loan báo Tin Mừng, trước tiên phải sống chứng nhân Tin Mừng, không trở nên đời sống chứng nhân Tin Mừng thì dù có thuộc hết các cuốn kinh thánh, các lời dạy bảo giáo lý, có hiểu hết các lề luật, có làm được những việc cả thể như đào núi lấp biển, có bố thí khắp nơi nơi thì cũng bằng không, khi đời sống của mình không phải là chứng nhân.

Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã nhận định: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dậy, và nếu họ tin vào lời thầy dậy thì chính thầy dậy đó là chứng nhân”.

Như vậy, để có thể ra đi loan báo Tin Mừng phải có một đời sống chứng nhân Tin Mừng. Đi loan báo Tin Mừng là để đến với mọi người bằng chính đời sống chứng nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống thực hiện lời Chúa dạy, hành động điều Chúa muốn, Làm tất cả theo thánh ý Chúa, để con trở nên chứng nhân Tin Mừng ngày trong gia đình con, xòms làng con, hội đoàn con, xứ đạo của con, môi trường con sống, nơi cơ quan, nơi những người con đến, những người biết đến con. Cho con trở nên môn đệ của Chúa Giêsu loan báo như thánh Phaolo và được cứu độ. Amen

Hư Vô

Gặp gỡ Đức Ki-tô (25.01.2019)

Bài Tin Mừng trong thánh lễ kính thánh Phaolô tông đồ trở lại hôm nay, đưa chúng ta đến khung cảnh của cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, trước khi Người lên trời. Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa đã truyền lệnh cho các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Lệnh truyền này là lời quan trọng của Thầy Giêsu mong muốn các môn đệ của mình phải thực hiện. Giáo hội cũng đã nhìn nhận:“Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes, số 2).

Hôm nay cất bước lên đường

Hướng lên phía trước, tìm phương sáng ngời

Tìm Người cao cả tuyệt vời

Giêsu: Đấng Thánh, Chúa Trời cao quang

*

Dù cho vất vả gian nan

Vẫn không nản chí, phàn nàn điều chi

Lòng thành, con quyết ra đi

Chỉ mong gặp Chúa, còn gì vui hơn

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Đây là nhiệm vụ của người cho đi, nhưng làm sao để có được Tin Mừng mà đi loan báo, vì không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Do đó chúng ta phải chăm chuyên trong việc học tập và tìm hiểu Lời Chúa. Việc loan báo Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà chính là cách sống gương mẫu, đạo đức, thánh thiện để có sức thu hút người khác. Chúng ta cũng không thể dùng sức riêng của mình mà  cần phảicó ơn Chúa phù trợ thì công việc mới đạt được kết quả.

Khó khăn, gian khổ chẳng sờn

Hiểm nguy cơ cực nhiều hơn mọi bề

Ma quỷ cám dỗ rủ rê

Cài giăng lập bẫy cận kề hại con

*

Bảo lòng thề hứa sắt son

Tỉnh táo tiến bước, vững còn niềm tin

Thiên Thần hộ thủ giữ gìn

Nguyện cầu ơn phúc nguyện xin an lành

*

Ước mong con đã đạt thành

Tìm gặp được Chúa chung quanh mọi người

Người buồn lạnh lẽo đơn côi

Ở nơi góc phố nói lời thở than

Việc truyền giáo được thực hiện qua những công việc tốt lành của mỗi người chúng ta ngay tại gia đình, nơi lối xóm, trong các hội đoàn của giáo xứ  hay tại môi trường ngoài xã hội mà chúng ta có điều kiện tiếp xúc sinh hoạt thường ngày. Hơn nữa, lời cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng được lan rộng khắp nơi cũng có giá trị thật lớn lao đòi hỏi chúng ta phải luôn thực hiện.  Với thánh Phaolô: khi chưa cảm nhận được những giá trị từ nơi Chúa Kitô, ông là người hăng say lùng bắt các Kitô hữu để đem về trị tội; nhưng một khi được cảm hóa bởi Đức Kitô, ông đã khẳng định: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi”. Ông còn khẳng định:  “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Em bé rảo bước lang thang

Kiếm người thân thuộc họ hàng cách xa

Còn đây với những cụ già

Neo đơn khốn khó quả là khổ tâm

*

Người què, kẻ điếc hoặc câm…

Mong được an ủi, rất cần người ơi!

Tìm Chúa đâu phải xa xôi

Mà ngay thực tại giữa đời thế nhân

*

Quan tâm săn sóc ân cần

Thực thi đức ái, tinh thần hỗ tương

Trần gian sẽ hóa thiên đường

Là do ta biết yêu thương mọi người

Lạy Chúa! Chúa đã phán: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lạiít”. Xin Chúa ban cho chúng con trở thành những thợ gặt lành nghề để ra đi gặt lúa về cho Chúa. Và xin Chúa ban cho Giáo Hội có được những thợ gặt với tâm hồn nhiệt thành và quảng đại, để đem lại niềm vui và hy vọng cho mọi người. Amen. 

 HOÀI THANH

Loan báo Tin Mừng (25.01.2018)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sai các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền này thoáng nghe thấy vui vẻ, dễ dàng như đi làm hướng dẫn viên du lịch ngày nay. Nhưng làm sao để có được Tin Mừng mà đi loan báo đây? Vì không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Còn người nhận thì “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16a). Ai tin thì được cứu độ, nhưng “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”(Gc 2, 17), nên cũng chẳng dễ dàng. Lệnh truyền của Đức Giêsu còn kèm theo lời hứa: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mc 16,17-18). Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của mỗi người. Nhưng để thi hành mệnh lệnh của Ngài, không thể dùng sức riêng của con người mà  phải “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

Phải dấn thân loan báo theo tinh thần của thánh Phaolô: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi (1Cr 9, 16-18). Nhưng để việc rao giảng mang lại hiệu quả, thì không phải chỉ trong ý thức, bằng lời mà còn bằng cả đời sống xả thân cho anh em. “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1Cr 9, 19-23). Ngài cố gắng thi hành hết sức mình để loan báo Tin Mừng. Theo gương Ngài, mỗi người chúng ta phải “Tin Mừng hóa” bản thân, Tin Mừng hóa cộng đoàn, rồi sau đó mới đem Tin Mừng cho những người chung quanh. Chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng trong ý nghĩa sâu xa đó, được mời gọi hội nhập văn hóa thời đại, để trở nên con người của Tin Mừng, con người của khiêm nhu, bác ái hiền hòa vì Tin Mừng của Chúa”.

Chúa ơi! Loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Con đâu cần phải rong ruổi đó đây, trèo đèo lội suối mà đi khắp nơi. Con chỉ cần gõ vào máy tính, gửi email để truyền thông trên trang web hoặc fecebook, là nhiều người có thể nghe Tin Mừng. Điều con thiếu là chút nhiệt thành nóng bỏng của thánh Phaolô. Xin cho con say mê đến với Lời Chúa, để ở lại và sống với Chúa, trong Chúa, để thấm nhuần, hiểu biết và thực nghiệm sống Lời Chúa, rồi con mới dám loan Tin, giới thiệu Chúa cho thế giới hiện đại hôm nay.

 Én Nhỏ 

Truyền giáo không dễ cũng chẳng khó (25.01.2016)

1. Ghi nhớ :

Người nói với các ông: “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”  (Mc 16,15)

2.Suy niệm: 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người sứ vụ loan báo Tin Mừng là một trách nhiệm và bổn phận của người Kitô hữu, chứ không phải là tùy theo sở thích của ta. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi rao giảng Tin Mừng, không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Truyền giáo là làm chứng cho Chúa. Vậy để truyền giáo cách nào cho hữu hiệu? Trước  hết mỗi Kitô hữu cần học hỏi để hiểu biết Kinh Thánh, hiểu về Thiên Chúa và tin yêu Ngài, nếu ta không tin Chúa làm sao có thể “ nói về Chúa” cách hữu hiệu được, hơn nữa người làm chứng cho Chúa phải sống tốt lành, từ trong  tâm hồn mình mới có thể thuyết phục được mọi người. Trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục VN gần đây đã kêu gọi các thành phần dân Chúa hãy nhiệt thành cộng tác đổi mới cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại này, hợp với “Phúc âm hóa trong Gia đình”, sao cho các gia đình có giờ kinh tối thêm phần suy niệm lời Chúa, để mọi thành viên trong gia đình nhờ lời cầu nguyện sống gắn kết hòa hợp với nhau. Sự hòa hợp này không chỉ duy trì trong gia đình mà còn được vun đắp trong tình liên đới giữa các Hội  Đoàn trong giáo xứ.

Qua đó, các hội viên biết từ bỏ cái tôi để xóa đi mọi hận thù ghen ghét và biết liên kết trong tình huynh đệ. Ngoài ra, cần phải không ngừng bồi dưỡng và dạy giáo lý cho các em thiếu nhi và các anh chị em tân tòng trong giáo xứ, kết nối tình bằng hữu với anh chị em lương dân bằng cách chia sẻ với họ trong những ngày giỗ chạp, cưới xin, thăm hỏi nhau trong những ngày đầu xuân trong tình thân ái, nhờ đó Tin Mừng sẽ lan tỏa đến khắp nơi đến tận cùng và hiện thân trong Đức KiTô.

Tóm lại! Truyền giáo không dễ cũng chẳng khó. Khó – dễ tùy vào bản thân từng người. Hay nói chung để chuẩn bị cho việc truyền giáo, hay trở thành tay thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo, mỗi người tự rèn bản thân mình bằng một đời sống bằng sự cầu nguyện, học hỏi, sống hiệp thông chia sẻ với mọi người để có vốn kiến thức có thể giới thiệu Chúa đến với mọi người, và đặc biệt hơn hết chúng ta luôn luôn cậy trông vào ơn Chúa, hãy để Chúa Thánh Thần soi dẫn bước đường, giúp chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng, là một cộng sự viên hay là một khí cụ của Ngài, dù chúng ta có thành công hay thất bại trong công việc truyền giáo thì việc làm của ta với một lòng tín thác váo Thiên Chúa, khi ta dấn thân thì vẫn là bước chân đẹp đi trên con đường của Chúa nơi trần gian này

“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” ( Rm 10,15).

3. Sống lời Chúa:

Chúa nói “Tôi chính là Muc Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10, 11).

Ta hiểu Chúa muốn và Ta cũng hãy như vậy. 

4. Cầu nguyện: 

Chúa nói “ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Chúa muốn chúng con là những tay thợ lành nghề. Xin Chúa ban cho chúng con lòng nhiệt thành,  sự can đảm và thể hiện ngay chính đời sống chứng tá của con, để chúng con biết cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng truyền giáo tùy theo khả năng ơn Chúa trao đồng thời luôn theo gương Thánh Phao lô Tông Đồ trở lại mà Giáo Hội  mừng kính hôm nay. Amen.

M.Liên 

Người hùng của Tin Mừng

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Phaolô là người hùng của Luca trong sách Công vụ Tông đồ, một người hùng không phải vì những chiến công đánh đông dẹp bắc, nhưng là người hùng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Khởi điểm của người hùng ấy lại là sự kiện ngã ngựa đau đớn và rồi chịu khuất phục hoàn toàn trước vị vua vũ trụ Giêsu. Từ khi tỉnh ngộ, nhận biết Đức Giêsu, cuộc đời Phaolô chuyển sang một hướng mới: nghĩ mọi cách, làm mọi sự, đi mọi nơi, gặp mọi người, miễn là Tin Mừng của Đức Giêsu được loan báo, để mọi người cũng được nghe, biết và rồi đón nhận Tin Mừng ấy như mình. Vì yêu mến Đức Giêsu, người hùng Phaolô luôn lao mình về phía trước, bất kể thử thách, chống đối và thậm chí bách hại.

Mời Bạn: Từ người hùng bách hại đạo Chúa, Phaolô trở thành người hùng phụng thờ Ngài. Từ chỗ cậy dựa vào công trạng cá nhân, sau cú ngã ngựa, Phaolô nhận ra mọi vinh quang cá nhân phát xuất từ ơn cứu độ, sự sống mới của Đức Giêsu. Còn bạn, bạn dám hoán cải triệt để như Phaolô không, nghĩa là mạnh dạn thay đổi cái nhìn về Chúa, người khác và chính mình không?

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh Phaolô, tôi sẽ nỗ lực vượt lên tính an phận, để trở thành “người hùng” trong việc loan báo Tin Mừng và phụng thờ Chúa, bằng cách sống những việc bình thường với lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoán cải một người bách hại đạo Chúa trở thành người loan truyền Tin Mừng. Xin cũng biến đổi chúng con, những môn đệ yếu hèn, nhát đảm, trở thành những chứng nhân hăng say và nhiệt thành của Nước Trời. Amen.

Theo thầy Giê-su

Họ liền bỏ lưới và đi theo Người. (Mc 1,18).

Suy niệm: Ca dao Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều – Muốn cho hay chữ thì yêu lấy thầy.” Nền văn hoá Việt Nam vốn trọng đạo thì tất nhiên nó đòi hỏi phải tôn sư. Người học trò phải yêu mến kính trọng thầy giáo vì thầy là người dẫn đưa trò vào con đường đạo đức để sống cho đúng phẩm cách  người công dân trong xã hội. Lời Chúa hôm nay đề cao thái độ tôn sư của các môn đệ đầu tiên đối với Chúa Giê-su. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng không phải là một lý thuyết đạo đức nhưng là ơn cứu độ của Thiên Chúa ban nơi Đức Giê-su Ki-tô. Bởi thế muốn am hiểu và đón nhận Hồng Ân Nước Thiên Chúa thì phải hoán cải tâm hồn, đi theo Thầy Giê-su sống cuộc sống thân mật gắn bó với Ngài, noi gương các môn đệ tiên khởi này.

Mời Bạn: Cơn lốc của nền kinh tế thị truờng hiện nay làm cho xã hội mất đi những chuẩn mực đạo đức; và thậm chí các nhà mô phạm đạo đức cũng bị tác hại để đánh mất phẩm cách cao quí của mình. Người Ki-tô hữu luôn tin tưởng mến yêu theo chân Thầy Giê-su để luôn kiên vững trong cuộc sống đầy thử thách cam go giữa đời.

Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm cá nhân về ơn hoán cải tâm hồn qua sự gặp gỡ thân mật với Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Trong việc dạy và học giáo lý, chúng ta sẽ cố gắng phát huy lòng hiểu biết và yêu mến Chúa Giê-su. Nếu chỉ học thuộc lòng các câu hỏi-thưa mà không có lòng yêu mến Chúa Giê-su, thì còn thiếu sót nhiều lắm !

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là con đường là sự thật và là sự sống. Xin cho chúng con luôn kết hiệp với Chúa để được sống mãi trong tình thân với Ngài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *