(c. 1391)
Thánh Nicholas và các bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh, khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm 1335.
Nicholas sinh năm 1340, trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.
Vào năm 1391, Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai.
Ngày 11.11.1391, họ đến Ðền Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.
Nicholas và các bạn được phong Thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong Thánh vì tử đạo ở Ðất Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô đưa ra hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Ðức Kitô). Sau đó, họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai, là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua đời sống gương mẫu, để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.
Lời Trích
Trong Quy Luật 1221, Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) “Có thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách, là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và ‘vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai’ (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng mình là Kitô hữu. Một cách khác, là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn, mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện” (Ch. 16).
http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm