Giáo Dân Đa Minh Giảng thuyết (3/5)

GIÁO DÂN ÐA MINH GIẢNG THUYẾT

Suy tư của một giáo dân Ða Minh
về việc thực thi sứ vụ Giảng Thuyết ngày nay

Nguyên tác : EL LAICO DOMINICO … UN LAICO PREDICADOR
Una reflexión desde el Laicado sobre la predicación hoy
Tác giả  : Hector G. Mandujano
Dịch giả  : Chân Lý, 2001

Chương 5 : GIÁO DÂN GIẢNG THUYẾT CÓ NGHĨA LÀ GÌ ?

Giáo dân giảng thuyết có ý nghĩa gì ? Tại sao giáo dân rao giảng lại là điều quan trọng ? Tôi làm gì trong Dòng Giảng Thuyết ? Nó có ý nghĩa nào chăng ? Ngày nay còn hợp thời chăng ? Nó có giá trị nào đối với tôi không ? Giảng thuyết có giá trị phải chăng chỉ đối với giáo sĩ và tu sĩ ?

Ðể trả lời rõ ràng những thắc mắc trên, trước tiên cần phải tìm ra ý nghĩa đích thực của danh từ “giảng thuyết”. Theo từ điển, “giảng thuyết” có nghĩa là “làm cho điều gì đó được sáng tỏ, minh bạch”. Ði xa hơn, chúng ta thấy rằng trong lãnh vực Ðức tin có một chuỗi vô số những căn nguyên, những sắc thái cung cấp cho từ ấy một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều.

Giảng thuyết tự nó gói ghém loại hoạt động mà chỉ đạt tới ý nghĩa đích thực do sự cam kết, chứ không do việc tình cờ loan truyền Tin Mừng mà người ta có thể thi hành trong Giáo Hội. Giảng thuyết là một công việc có sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không đơn thuần là một hoạt động hoàn toàn thế tục. Theo ý nghĩa này và trong mối liên hệ với Ðức tin, giảng thuyết chỉ thực hiện được nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khả năng đó ở trong tầm tay mọi người.

hddm03.jpg

Giảng thuyết không phải là phát minh độc đáo của một tín hữu, cũng không phải là việc thương mại kiếm lợi trên thị trường, mà theo đúng nghĩa, giảng thuyết bén rễ và hiện diện trong việc chia sẻ, làm chứng và khơi dậy nơi tha nhân cơ hội tốt tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhờ Ðức tin, nhiều người được Thiên Chúa cho phép giảng thuyết trong giòng lịch sử nhân loại. Tương quan này đã trở thành lời đáp trả tự đáy lòng và bền vững của những ai luôn tìm kiếm nó dưới hình thức này hay hình thức khác. Giảng thuyết là khuyến khích sự gặp gỡ Thiên Chúa, là chỉ đường dẫn lối, là đưa ra những lý luận thuyết phục. Thiên Chúa là Ðấng luôn luôn mặc khải sự thật của Người qua giòng thời gian, đồng thời Người cũng khơi gợi con người sự gặp gỡ với Người ngay từ khi tạo thiên lập địa. Mặt khác, chúng ta cũng có thể quả quyết rằng, trong thâm tâm, loài người vẫn khao khát tìm hiểu, lý giải về nguồn gốc của thụ tạo cũng như của chính mình. Khi trong Ðức tin con người đã khám phá, đã gặp được Thiên Chúa, thì vấn nạn tại sao con người có mặt trên trái đất này đã được giải quyết. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ, con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, Ðấng sẵn lòng chia sẻ với loài người mọi dự tính, sứ mạng và chân lý. Nếu như con người thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì họ sẽ hoán cải, sẽ tự hướng những sinh hoạt theo thánh ý Người, và sẵn lòng chia sẻ với tha nhân những gì đã khám phá.

Khi khám phá ra Tin Mừng, mỗi người được mời gọi nhận ra nó trong những thực tại hằng ngày. Người ấy không thể coi nó như cái gì tách biệt khỏi cuộc đời mình. Chúng ta có thể đoan chắc rằng việc rao giảng sẽ đưa giảng viên từ việc nhận biết và loan báo Lời Chúa đến việc làm cho Lời ấy biến thành sức sống. Như thế, nghe và học hỏi chưa đủ, cần phải suy nghĩ, giải thích, để sau đó sống từng giây, từng phút. Vì Lời Chúa soi sáng mọi vấn đề liên quan đến con người, và vì Thiên Chúa hiện diện trong thâm tâm con người, cho nên những điều được chia sẻ có thể hoán cải chính cuộc đời kẻ nói lời chia sẻ. Xây dựng Nước Thiên Chúa đòi hỏi một khi đã hiểu Lời Chúa thì phải thực hành và từ đó đến cải tạo bản thân, cải tạo xã hội. Ðó là chuỗi thành tựu của quá trình giảng thuyết.

Rao giảng luôn luôn là do bởi Thánh ý Thiên Chúa. Ðiều khẳng định đó là chắc chắn rồi và rao giảng là một sứ vụ rõ ràng trong bổn phận phục vụ tha nhân. Ðức Giêsu đã truyền cho các môn đệ : “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”. Khi rao giảng, chúng ta tuân theo mệnh lệnh đó và như vậy, chúng ta chu toàn nhiệm vụ cá nhân. Nhưng khi tổ chức một dự án rao giảng chung gồm sự cộng tác của những cá nhân nhiệt tình, quảng đại sống thành cộng đoàn chiêm niệm Lời Chúa, đề ra những chiến lược rao giảng chung, thì các việc làm cá nhân được tổng hợp để ngày một lan tỏa vào trong các dân tộc khác nhau, các nền văn hoá khác nhau.

Rao giảng là một hành trình trong đó Ðức Giêsu đồng hành với chúng ta. Người luôn luôn ở với chúng ta và để ý đến các thành tựu của mỗi chương trình, của mỗi cuộc tiếp cận của chúng ta với tha nhân. Vì thế hoạt động rao giảng không bao giờ là việc làm đơn độc. Ðức Giêsu là người tiên phong, tiếp đó là Giáo Hội và sau nữa là các cộng đoàn nam nữ tu sĩ cùng đồng hành với chúng ta trong hành trình rao giảng. Vì sứ vụ rao giảng là mệnh lệnh của Ðức Giêsu truyền cho mọi tín hữu, cho nên nó đã biến thành nhiệm vụ của Giáo Hội và là bổn phận của mỗi cộng đoàn. Nhà giảng thuyết là một tông đồ, nghĩa là một người được sai đi để rao giảng. Do đó, mọi nỗ lực dù bé nhỏ cũng phản ánh sinh hoạt rao giảng hằng ngày của chúng ta. Chứng tá, kinh nghiệm và lời cầu nguyện của mọi người đều góp phần vào sứ vụ rao giảng chung.

Giảng thuyết trong Cựu Ước và Tân Ước

Lịch sử giảng thuyết không phải mới bắt đầu đây. Ngay trong Cựu Ước giảng thuyết đã có một chỗ đứng quan trọng. Việc loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa là hoạt động của các ngôn sứ, những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Các vị luôn can đảm chuyển thông điều Thiên Chúa muốn Dân Người thực hiện. Vì thế, trong Sách Thánh chúng ta thấy một danh sách dài những người đã được Chúa gọi để loan truyền chân lý mặc khải, và họ đã lấy đó làm nhiệm vụ thiêng liêng phải chu toàn. Trong Cựu Ước người ta đã quý trọng và đánh giá cao hoạt động rao giảng Lời Thiên Chúa. Sách ngôn sứ Na-khum viết : “Kìa trên các núi đồi đã xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng và công bố bình an” (2,1). Còn sách Nơ-khe-mi-a cũng viết : “Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích Sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà dân hiểu những gì các ông đọc” (8,8).

Giảng thuyết là làm chứng về Thiên Chúa, là xác tín các điều chúng ta nói.

Trước hết, chúng ta phải xác tín về những điều muốn thông truyền, muốn chia sẻ qua việc rao giảng. Những điều đó không phải là những mơ mộng, những ước muốn tốt lành, những ý tưởng hão huyền. Cần xác tín rằng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, và những điều Chúa truyền mang một ý nghĩa trọng đại đối với chúng ta cũng như đối với nhân loại : Lời Thiên Chúa là sự sống và sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống hằng ngày. Rao giảng Lời Chúa không chỉ là nhắc lại bài thần học hay bài giáo lý đã học, cũng không phải bài lý giải đâu là thế giới lý tưởng. Rao giảng là chia sẻ, là kiện cường những điều chúng ta đã thực sự thấu hiểu, đã thực sự sống. Những điều chúng ta rao giảng là kinh nghiệm của mội cá nhân về Lời Chúa.

Rao giảng chính là chia sẻ những kinh nghiệm về Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận được qua chiêm niệm và học hỏi, và chúng ta đã biến chúng thành xương thịt, tức là thấm nhuần các mầu nhiệm Ðức tin. Ðiều đó làm cho chúng ta thành những chứng nhân cho sự thật, những người có thể đoan chắc cho thế giới ngày nay rằng Ðức Giêsu Kitô chính thật là Thiên Chúa. Chúng ta làm chứng không phải bằng những lời đường mật ngây ngô, mà bằng chính cuộc sống của mình. Rao giảng là một lời mời gọi mạnh mẽ đối với những ai dám mạo hiểm thay đổi lịch sử đời mình nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Thiên Chúa nắm giữ sức mạnh của chân lý. Sức mạnh này còn to lớn hơn sự tạo dựng. Nó là một đòi hỏi thúc bách hơn lời nói của chúng ta. Nó là chính sự quyết định liên hệ đến mọi sự, mọi người. Chân lý luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải xét lại, bắt đầu lại, cho dù việc đó làm cho nhiều người bẽ bàng, xấu hổ. Thiên Chúa luôn ban dịp may, cơ hội tốt cho mọi người và lời hứa của Người luôn là một thực tại. Lời giảng thuyết của Gia đình Ða Minh phải bảo đảm điều ấy cho thính giả. Ngày nay, điều đặc biệt quan trọng là rao giảng công khai bằng sự hiện diện hữu ích trước mặt mọi người. Giảng thuyết không bao giờ là công việc nặc danh.

Với những ý niệm như thế, chúng ta mạnh dạn công bố kinh nghiệm về Thiên Chúa, làm cho Người hiện diện trong mỗi cuộc đời cá nhân dựa trên những mặc khải của Tin Mừng. Quả thật, nếu có niềm xác tín nơi Thiên Chúa, chúng ta không thể im hơi lặng tiếng, chúng ta phải chia sẻ với anh chị em đồng loại. Như vậy, khi trình bày cho tha nhân biết chúng ta miệt mài tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa là chúng ta sống đức tin chứ không phải là thi hành một công tác nào đó. Rao giảng là một hành trình dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Không bao giờ chúng ta biết được toàn vẹn Chân lý của Chúa, không bao giờ chúng ta tát cạn được chủ đề này vì chúng ta rao giảng về điều vĩnh cửu, về Thiên Chúa.

Trong Tân Ước, Ðức Giêsu đã nhiều lần sai các môn đệ ra đi rao giảng. Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết trước khi về Trời, Ðức Giêsu đã nói : “Anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7-8). Thánh Mác-cô viết : “Họ ra đi rao giảng khắp nơi, có Thiên Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (16,20).

Giảng thuyết từ kinh nghiệm cá nhân đến cộng đoàn

Mỗi cá nhân giảng thuyết đều có suy nghĩ riêng, tiếng nói riêng, kinh nghiệm sống riêng là điều rất quan trọng trong công tác rao giảng Tin Mừng. Cùng là một chân lý muôn thuở, nhưng đối với những người chưa có niềm tin, đòi hỏi người rao giảng phải cùng giới, cùng tuổi với họ. Vì khi có cùng một ngôn ngữ, cùng một kinh nghiệm sống, cùng một thời đại, cùng một lãnh thổ, và nhất là cùng một môi trường sống, một lãnh vực sinh hoạt, người ta dễ hiểu, dễ thông cảm và tin tưởng nhau hơn. Trong thông điệp “Loan báo Tin Mừng”, Ðức Phao-lô VI đã nói rất chí lý : thanh niên rao giảng cho thanh niên, gia đình rao giảng cho gia đình, v.v… Cũng là một sứ điệp, nhưng ngôn từ diễn đạt sứ điệp đó phải dễ hiểu, nó phải có tính cách thiết thực, sát với cuộc sống hằng ngày.

“…Và Phi-líp-phê hỏi : ?Ngài có hiểu điều ngài đọc không?? Ông quan đáp: ?Làm sao tôi hiểu được, nếu không người dẫn giải?.” (Cv 8,30-31)

Chúng ta nên chọn điều sau đây như điều đầu tiên để suy niệm. Rao giảng phải là thành quả hết sức tự nhiên của sự sống Thiên Chúa trong con người. Giảng thuyết là phương tiện nhờ đó Lời Thiên Chúa khi đến với loài người thì diễn dịch thành lời mời gọi, người nghe suy nghĩ và rồi thay đổi cuộc đời. Lời Chúa không có chủ đích tăng thêm kiến thức hoặc thoả mãn óc tò mò của cá nhân muốn biết nhiều hơn, nhưng hướng dẫn ý chí, lý trí và toàn thể cuộc đời con người đến những phương trời tốt đẹp hơn, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, phải hiểu phương trời mới này không phải là điều gì xa lạ, lẩn trốn thế gian mà là khung cảnh cuộc sống hằng ngày, thực tại trần gian. Lời Chúa không cho phép xa lánh và lẩn trốn thế giới, cho dù khi cầu nguyện, hoặc chiêm niệm người ta được hưởng sự ngọt ngào của Lời Người hay sự gặp gỡ với Thiên Chúa hấp dẫn mấy đi nữa. Trái lại, sự dấn thân vào công việc trần thế là một yêu sách, từ đó sự hiện diện của Thiên Chúa được tỏ rạng nhiều hơn trong thế gian, trong những giao tế xã hội, văn hoá, kinh tế,… và nó sẽ mang lại cho các vấn đề này một ý nghĩa tốt đẹp hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Khi điều đó xảy đến, Thiên Chúa, với tất cả sự vĩ đại của Người, sẽ dẫn chúng ta bước vào một lãnh vực khác vượt trên mọi lãnh vực, và chia sẻ với mỗi người những điều riêng tư nơi họ.

Chúng ta rao giảng bằng lý lẽ thôi ư ?

Ðời sống Ðức tin là kết quả của một sự đổi thay, một tấm lòng hối cải trở lại. Quá trình này không bao giờ chấm dứt. Khi đã bộc lộ ra bên ngoài trong cuộc sống hằng ngày thì nó gây thắc mắc cho tha nhân và thân nhân, những người sống chung quanh. Sự đổi thay tự nó là một bằng chứng của Ơn Thánh và là kết quả của một quyết định có ý thức, có tự do, bình thường chứ không lạ thường hoặc ngoại lệ tách khỏi những điều thông thường. Ðức tin không phải là một thay đổi có tính ma thuật, cũng không có tính bắt buộc cưỡng ép, càng không phải là một lối sống theo thời, một điều kiện vật lý để chiếm lãnh sự sống đời đời. Nội dung giảng thuyết sẽ rất nghèo nàn nếu quy về những điều trên đây. Rao giảng đòi hỏi sự xác tín thâm sâu, xét về một khía cạnh nào đó, nó bắt buộc phải có sự chọn lựa hữu lý và sẵn sàng vâng theo, nhất là phải đầy lòng yêu mến.

Như thế, cuộc đời con người sẽ dần dần được lý trí kiện cường. Lý trí là yếu tố căn bản để hiểu biết và cảm nhận, nó không hề tương phản với Ðức tin, hơn nữa nhờ nó con người biết phân tách mọi sự cách minh bạch và như vậy các quyết định hằng ngày sẽ vững chắc hơn.

Tất cả những điều nói trên đây là nền tảng cho mọi hành động của chúng ta. Trong những hành động này, nội dung của lý trí sẽ biến thành các phương tiện để trao đổi, và khi đã được các kiến thức ngoại biên bổ túc thì chúng sẽ mở một con đường mới để chúng ta chia sẻ với tha nhân những lý giải cho các câu hỏi “tại sao”. Chúng sẽ giúp chúng ta dễ dàng hoạch định một lối sống hợp lý. Những giáo dân nếu được huấn luyện thành thạo sẽ là những thành viên quan trọng để cổ võ sự hiểu biết mọi sự việc, mọi hoàn cảnh và môi trường. Ðời sống Ðức tin của họ sẽ được xác tín hơn nhờ các kinh nghiệm trong cuộc sống. Một Ðức tin bao trùm mọi chiều kích, mọi lãnh vực, mọi môi trường của người đó. Thiên Chúa sẽ chung sống siêu việt với những tín hữu như vậy. Thánh Phê-rô đã khuyên nhủ : “Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm tin của anh em”.


Chương 6 : TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIÁO DÂN GIẢNG THUYẾT

Giáo dân là thành phần đông đảo nhất trong Giáo Hội. Họ vừa là đối tượng của việc rao giảng, vừa là yếu tố lập thành sức sống của Giáo Hội. Trước khi lãnh nhận tác vụ thánh, toàn thể thừa tác viên, tu sĩ đều đã là những giáo dân trước. Trên con đường lữ thứ về quê trời, thành phần giáo dân này của Giáo Hội phải sống đan xen giữa thực tại trần thế và ơn gọi đức tin. Họ sở hữu một kho tàng rất phong phú, nhất là về mặt kiến tạo Nước Trời. Bởi lẽ họ là thành phần quan trọng, nên trong mỗi giai đoạn lịch sử của Giáo Hội, họ phải tự tổ chức để thi hành tốt hơn sứ vụ của mình trong tương quan với thực tại trần thế mà họ phải đương đầu.

Ðàng khác, Giáo Hội xét như một cơ chế, cần nghiên cứu xem nên thiết lập những công tác nào và sử dụng những người nam nữ ở trình độ nào để đáp ứng tốt hơn cho sứ vụ và cho việc thăng tiến xã hội, ngõ hầu chu toàn chức năng của mình. Dân Chúa luôn luôn có những thắc mắc cần được giải đáp để học hỏi hơn là có những thành công để tán thưởng.

Tuy là dân được tuyển chọn, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn những câu trả lời. Họ phải nỗ lực để ngày càng hoàn thiện hơn, hiểu biết sứ điệp của Thiên Chúa hơn và thay đổi những gì cần thay đổi để có khả năng chuyển thông sứ điệp ấy cho minh bạch, trung thành và trọn hảo hơn. Họ là dân không sợ sệt vượt qua biển thời gian và trong quá trình ấy họ liên tục khám phá và tái khám phá những chiều kích mới của Lời Chúa. Ðó là những kinh nghiệm quý báu cho phép họ mạnh dạn biến hoá và thay đổi. Họ là dân đồng hành với mọi quốc gia nên phải có thái độ cởi mở, cảm thông và kính trọng mọi người.

Trước đây, chia sẻ và giải thích Lời Chúa là trách nhiệm riêng của một bộ phận trong Giáo Hội. Giáo dân chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là giữ Ðạo. Cho đến trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, giáo dân vẫn không được rao giảng. Mãi đến thập niên 1960, giáo dân mới được phép chia sẻ và rao giảng Lời Chúa. Từ đó, một cơ hội to lớn đã được mở ra. Cộng đoàn Dân Chúa được huấn luyện Ðức tin qua các lớp giáo lý, các kỳ tĩnh tâm ngắn hay dài hạn. Những lớp này là trung tâm quan trọng để khai tâm đời sống Ðức tin, và ngày nay chúng lại còn được phát triển thành những khoá học hỏi thần học nghiêm chỉnh.

Một ích lợi khác nữa, khi người giáo dân được rao giảng, sức sống thiêng liêng của Giáo Hội phong phú hơn nhờ vào việc trao đổi kinh nghiệm, suy tư, ý thức sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội. Từ đó ngôn ngữ thần học và dấu chỉ Ðức tin trong thế giới trở thành dễ hiểu hơn.

Vì giáo dân không được rao giảng kéo dài hàng trăm năm nên hoạt động tông đồ của nhiều triệu người nam nữ chỉ là những hoạt động mang tính cá nhân, riêng tư, thầm kín. Vì vậy, thế gian cho rằng Ðức tin của chúng ta là mù quáng và vốn liếng giáo lý trong đạo được chúng ta “chấp nhận” hơn là được “hiểu biết”. Hậu quả là trước những vấn nạn của thế giới, chúng ta chỉ có những câu trả lời giáo điều, mù mờ, ít khả năng thuyết phục, làm cho người đời có cảm tưởng chưa tìm được câu trả lời thích đáng.

Tất cả những điều tệ hại trên, cộng với sự thiếu thốn các lãnh vực mà giáo dân được phép tham gia, có thể phát sinh thái độ bàng quan. Nhiều gia đình tham dự thánh lễ Chúa nhật mà chẳng hề ý thức mình là giáo dân, tệ hơn nữa chẳng hề ý thức mình có một sứ vụ, một chức năng quan trọng là thành viên của Giáo Hội trong thế giới.

Vậy thì tại sao chúng ta không giảng ?

Sau nhiều thập kỷ thực hiện quyết định thay đổi của Công đồng Vaticanô II, tại sao trong Giáo Hội, giáo dân vẫn chưa thấy được việc chia sẻ Ðức tin là nhu cầu tự nhiên ? Có nhiều nguyên do để lý giải. Trong tập sách này chúng tôi chỉ đơn cử một vài điểm nhưng cũng đủ để giúp chúng ta suy tư về câu hỏi “tại sao ?” !

Thứ nhất, người giáo dân chưa ý thức nhu cầu phải làm cho thế giới nhận biết Tin Mừng.

Thứ hai, người giáo dân chưa thấy được rằng muốn sống sâu xa Ðức tin của mình, họ phải biết chia sẻ cho người khác.

Ðứng trước tình hình khẩn thiết hiện thời, việc soạn đề tài, xác định lại đường lối tư duy, khơi dậy lại vai trò người giáo dân trong Giáo Hội để họ chủ động sống Ðức tin, chủ động chia sẻ Tin Mừng là những điều hữu ích nhất.

Giảng thuyết sinh hoa trái phải khởi phát từ một nền giáo dục tốt, cho nên người ta phải được bắt đầu giáo dục ngay từ trong gia đình. Các bậc cha mẹ là những thầy dạy Ðức tin đầu tiên, những nhà sư phạm của con cái. Nhưng không ai có thể giáo dục nếu không được giáo dục trước. Vì thế, cần có một nền giáo dục có hệ thống và quy chiếu vào sự đa dạng của xã hội.

Nhưng khi nói về giáo dục để giảng thuyết là phải nói về giáo dục có định hướng. Trong Giáo Hội chúng ta, có nhiều hoạt động đa dạng, và cũng có nhiều giáo dân tham dự hết khoá học này đến khoá học khác, nhưng nếu không định hướng cho họ về mục tiêu chia sẻ, rao giảng Tin Mừng, thì họ khó có thể trở thành những nhà rao giảng chuyên nghiệp.

Một vấn đề nữa là vấn đề nhận thức đúng nghĩa của việc rao giảng. Ý nghĩa này không liên quan gì đến tài năng hùng biện thuộc lãnh vực rao giảng. Nhiều người nghĩ rằng tài hùng biện thuộc lãnh vực rao giảng. Nó cảm hoá thính giả trong các hội trường bằng từ ngữ điêu luyện, văn chương. Quan niệm sai lầm như thế không những loại trừ những người không có khả năng ấy, mà còn đi xa mục tiêu rao giảng. Giảng Lời Chúa chỉ cần tiếng nói rõ ràng, bình dị, đơn sơ và dễ hiểu là đủ.

Một số người khác lại chủ trương rằng chia sẻ Tin Mừng bằng giảng thuyết đòi hỏi phải học qua nhiều khoá huấn luyện đặc biệt để đạt đến trình độ hiểu biết cao. Như thế, họ quên rằng Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết phải nói gì và nói thế nào khi chúng ta tình nguyện hoạt động theo ý Người. Việc rao giảng cũng không đòi hỏi những nhân đức anh hùng, những kiến thức uyên bác và nghề trình diễn điêu luyện. Ðiều cần thiết là một nền giáo dục đúng đắn và một thái độ sẵn sàng chia sẻ những điều đã sống, đã cảm nghiệm, đã suy tư.

Rao giảng là lãnh trách nhiệm về lời mình đã rao giảng. Trách nhiệm này nặng nề, nên nhiều người chọn im lặng là hơn. Nói về Tin Mừng mà không sống Tin Mừng sẽ gây nên thắc mắc nơi thính giả và chính trong lòng mình. Vì thế, cần hoán cải luôn luôn, cần sự trợ giúp của cộng đoàn, của lời cầu nguyện. Không xác tín những gì mình nói là điều sống còn, thì làm sao có thể chia sẻ với người khác một cách minh bạch được ? Ðiều mình nói không bén rễ sâu trong lòng, thì làm sao thuyết phục kẻ khác ? Vậy việc huấn luyện không những hệ tại đọc và học hỏi mà còn cần suy gẫm, gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi khía cạnh đời sống : trong đời sống bác ái và trong những giờ cầu nguyện liên lỉ. Thánh Ca-ta-ri-na thành Si-ê-na đã nói : “Chúng ta nhận biết Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện”. Và thánh Ða Minh, khi được hỏi đã trả lời : “Tôi học được mọi sự trong cuốn sách Ðức Ái”. Ðó là hai mẫu gương quan trọng về một nền huấn luyện sống động, giáo dân có thể học hỏi để rao giảng và tự chuẩn bị hơn nữa.

Chính đời sống nội tâm thúc đẩy chúng ta nói không chút sợ sệt cho thế giới về Thiên Chúa. Nếu như thế giới không muốn nghe hoặc có thành kiến xấu về Giáo Hội, thì chúng ta phải có can đảm và khôn ngoan. Giáo Hội sơ khai bị bách hại đã xử trí thế nào trước những cấm cách và chê bai của đa phần dân chúng ? Thánh Phao-lô đã sống như thế nào tại Rô-ma, nơi đầy dẫy những ngẫu tượng và mê tín ? Giáo Hội sẽ ra thế nào nếu trong những thời buổi khó khăn, chúng ta lại phản bội lại các xác tín, hoặc đồng hoá chúng theo não trạng đương thời để tránh bị chê bai ? Ngày nay có thể chúng ta rất khó hiện diện trước “nụ cười hóm hỉnh” của những người hoài nghi, những người cho rằng Ðức tin chỉ dành cho kẻ dốt nát. Vì thế sự xác tín cần phải đi đôi với lòng dũng cảm để rao giảng. Tin Mừng của Ðức Giêsu thật khó gieo trên phần đất của kỹ thuật, của thị trường, và tất nhiên Tin Mừng Chúa cũng không thỏa hiệp, không thương lượng, hay hoà hợp với quyền bính, với áp bức, lừa đảo. Trong Nước Thiên Chúa không có thuyết tương đối, chân lý chỉ có một. Nhưng Ðức Giêsu đã nói : “Hãy can đảm lên, vì có Thầy đây !”. Sự sợ hãi làm tê liệt mọi hoạt động.

Mở tung không còn sợ sệt là điều căn bản để khởi sự đối thoại với tha nhân. Phải biết lắng nghe và không chỉ trích, biết đón nhận phản ứng của những điều ta nói. Cởi mở để thấy sự phong phú trong những dị biệt, cởi mở để chia sẻ chứ không để áp đặt, để nghe, để trân trọng, để nắm bắt tấm lòng thành thực của tha nhân. Lời của Thiên Chúa cần phải được chia sẻ, được giải thích, được đặt nền tảng, chứ không bao giờ bị bó buộc hay áp đặt. Việc giảng thuyết phải được trình bày mạch lạc trong Ðức Ái.

Chúng ta hãy bắt đầu quyết định giảng dạy khởi đi từ hôm nay. Cơ hội xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày. Tha nhân luôn luôn có nhu cầu, chẳng kể giờ giấc. Bởi vì có những giáo dân trong Giáo Hội đã chuẩn bị nhiều năm, tham dự nhiều cuộc tĩnh tâm, nhiều buổi thuyết trình, đọc nhiều sách vở để chờ ngày đi rao giảng Tin Mừng, nhưng chờ được cơ hội thì tuổi đã già. Họ không bao giờ được thi hành phận vụ. Họ đã trở thành kẻ sưu tầm kiến thức suông.

Những thách đố nhiều khi lại là cơ may. Ðiều khẩn thiết để thi hành sứ vụ tại đây và ngay bây giờ là không phải ngồi yên một chỗ rồi đưa ra những hình ảnh, nguy cơ dẫn đến sai lầm để cảnh giác, mà là đến ngay với từng trăm, từng ngàn thanh niên, trẻ em, người lớn đang thất vọng, đang chịu đựng sống trong những xã hội, những tổ chức điêu tàn, đầy bất công. Họ là những anh em của chúng ta, những anh em có quyền sống xứng đáng, vui tươi bằng đời sống sung túc mà Thiên Chúa muốn cho con cái Người bây giờ, chứ không phải do những hạt cơm rơi vãi mà phần đông phải sống trong nhiều quốc gia. Vì thế, phận sự đòi buộc chúng ta phải quyết định khẩn cấp, không còn nhiều thời giờ để suy nghĩ. Chúng ta hãy xây dựng một xã hội Tin Mừng ngay hôm nay, chúng ta hãy xây dựng một xã hội Lời Chúa, Lờ? có khả năng biến cải cả trái tim chai đá và xa lạ nhất. Sự thay đổi mà thế giới cần đến chỉ có thể trở thành hiện thực khi được khơi dậy từ lương tâm chúng ta. Chúng ta hãy trình bày cho thế giới một khuôn mặt Ðức Giêsu trọn vẹn, một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, một Giáo Hội tay cầm tay hoạt động, ngay bây giờ chứ không phải trong cuộc sống mai sau.

Ðiều tiên quyết là xác tín rằng Thiên Chúa ở với chúng ta. Ðể được như thế, phải học lại niềm tín thác và có kinh nghiệm sống về Thiên Chúa trong cuộc đời. Ðiều đó đòi hỏi phải hoán cải liên lỉ, phải tranh đấu trường kỳ để ngày càng sống Tin Mừng cách hoàn hảo hơn. Tình yêu và lòng cảm thông phải là những động cơ của Ðức Mến và toàn thể hoạt động chúng ta. Chúng ta giảng thuyết vì yêu mến những anh em chúng ta. Chúng ta chia sẻ cho họ những điều chúng ta tin, chúng ta mời gọi họ liên kết với chúng ta trong việc thành thực tìm kiếm chân lý. Rao giảng Thiên Chúa không phải chỉ là nhắc lại những điều chúng ta đã đọc về Người, những điều nghe kẻ khác nói về Người theo những suy nghĩ cá nhân họ. Chúng ta hãy nghe chân lý từ chính Thiên Chúa như thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na đã làm khi cầu nguyện, chúng ta hãy gặp gỡ Thiên Chúa trong tình bác ái với những người cùng khổ. Ở đó, có Ðức Giêsu và cách sống ấy làm cho chúng ta hết im lặng, làm cho đời chúng ta cũng biến đổi dù rằng chúng ta vẫn là những người nam, người nữ, kỹ sư, bác sĩ, chính trị gia,… của Dân Thiên Chúa.

Có kinh nghiệm sống động, có lòng thương cảm với tha nhân chưa hẳn có thể chia sẻ được với tha nhân. Ðiều này còn cần được huấn luyện, một sự huấn luyện thường xuyên. Sự huấn luyện này không phải là một đạo lý ướt át tha hoá mà là một lời giải phóng, không phải là tiếng ru ngủ mị dân mà là một sứ điệp lay tỉnh. Nó được gửi tới cho chúng ta, giống như trong ngày lễ Ngũ Tuần, và cho mọi người không phân biệt biên cương, không giới hạn cho tất cả mọi người, thiện cũng như ác, được định hướng cũng như không định hướng, có tín ngưỡng cũng như vô tín ngưỡng, vì tất cả đều là con cái cùng một Cha.

Nếu muốn trung thành với chân lý, thì việc chuyển thông Lời Chúa là một trách nhiệm lớn. Vì Lời Chúa là chân lý. Lời Tin Mừng thế nào thì phải rao giảng như thế ấy : không khách sáo, gọt dũa hoặc làm dịu bớt những đòi hỏi của Tin Mừng. Lời Ðức Giêsu nói rất minh bạch, cương quyết và không mang lối mị dân. Ðó là lời tuyên cáo, là lời mời gọi, là bản kiểm điểm cho đời sống mọi người. Chúng ta không có quyền sắp xếp lại nội dung của Tin Mừng, cũng không thể thỏa hiệp với những kế hoạch kinh tế, chính trị, xã hội của bất cứ thế lực trần thế nào. Chính những lãnh vực đó phải đáp ứng vô điều kiện những đòi hỏi của Tin Mừng. Chân lý luôn là một, không biến thể, không giảm thiểu. Chúng ta rao giảng Lời của Thiên Chúa, dù rằng Lời ấy đã ăn vào máu huyết của chúng ta nhưng mọi ý kiến cá nhân vẫn phải được qui chiếu về Tin Mừng không đuợc xuyên tạc, bẻ cong.

Việc giảng thuyết của chúng ta khởi đi từ cuộc sống, từ sinh hoạt hằng ngày , nhưng phải ý thức rằng chúng ta chỉ giữ vai trò cổ động, chính Thiên Chúa tiếp xúc với người nghe. Một sự gặp gỡ trực tiếp, không qua trung gian. Chúng ta không phải là kẻ đứng giữa mà chỉ là người phục vụ Lời Chúa, những người được sai đi và là những chứng nhân.

Tất cả mọi người đều được kêu gọi thi hành sứ vụ rao giảng. Hãy nhớ lại đoạn Tin Mừng thuật chuyện các Tông Ðồ ngăn cản người ngoài Nhóm rao giảng, các ông thưa với Ðức Giêsu : “Ai đã cho phép những người ấy nói nhân danh Thầy ?”. Lời đáp của Ðức Giêsu cho thấy chính Chúa Cha cho phép.

Giảng thuyết từ lối sống chứng nhân

Chúng ta thu thập đầy đủ kiến thức, những suy tư thần học. Chúng ta chuẩn bị rao giảng thật hăng say. Nhưng trong linh hồn không có sức sống của Thiên Chúa, thì những lời giảng chỉ là tiếng kêu trống rỗng, không nội dung. Người nghe sẽ bình phẩm như sau : “Nghe thiên hạ nói… Tôi thấy họ nói… Người nào đó có kinh nghiệm nói rằng…”. Việc rao giảng không phải trình bày các giả thiết, giả định thần học, mà là làm chứng cho chân lý một cách minh bạch. Trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, Người đã khẳng định : “Bởi tôi tin, nên tôi nói”. Việc giảng thuyết có sức mạnh thuyết phục không phải bằng lời nói mà chủ yếu bằng việc làm, để minh chứng điều mình nói thực sự có mặt trong lòng mình. Lúc ấy cần đến sự can đảm và dấn thân sống những lời đó trước mặt thiên hạ. Chúng ta trở thành những chứng nhân bảo đảm Lời Thiên Chúa trước mặt người nghe. Xin luôn nhớ rằng chúng ta nhờ Thần Khí Chúa mà nói và chỉ công bố Thánh ý Người. Ðã có nhiều thừa sai dâng hiến mạng sống khi làm việc này. Như thế, sống chứng nhân cần rất nhiều lòng can đảm. Ngày nay, có rất nhiều cái chết vì dám nói lên chân lý của Thiên Chúa hoặc bị tù tội, mất công ăn việc làm, bị trù dập. dẫu sao can đảm vẫn là căn bản.

Huấn luyện chu đáo

Khi đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa, có suy tư thấu đáo về cuộc đời, chúng ta ý thức được mình đang sống trước mặt Thiên Chúa. Nhưng cần phải minh chứng cho Ðức tin sống động đó khi đối thoại với tha nhân. Cần phải chuẩn bị cho những cuộc đối thoại. Với lòng tín thác, thánh Ða Minh đã sai phái anh em tiên khởi tới những trung tâm học vấn để tham gia vào những cuộc tranh luận triết học và khoa học thời đó. Các tu sĩ ấy đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để nói bằng ngôn ngữ thời đại những vấn đề liên hệ đến xã hội. Ngày nay, xã hội thay đổi hằng ngày, các vấn nạn ngày càng trở nên hóc búa. Nhưng dưới nó vẫn là chân lý ngàn đời dù mặc nhiều màu sắc khác nhau. Thế thì vẫn có một lời giải đáp cho mọi vấn đề của mọi thời đại. Chân lý là chân lý của Chúa, không thay đổi và không bao giờ tương đối.