Lược Sử Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam 2/3

Lược Sử Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam 2/3

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, OP.
(Được sai đi loan báo Tin mừng tr 55-59)

01 : Trước 1954
02 : Từ 1954 – 1985
03 : Từ 1985 đến nay

II. Từ 1954 đến 1975

2.1 Tại miền Nam

Xuất phát từ các giáo phận Dỏng (Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng), từ năm 1954, Dòng Ba Đa Minh có cơ hội mở rộng sự hiện diện và hoạt động tại những vùng đất mới. Anh chị em tự động nối kết và sinh hoạt theo truyền thống, dưới sự hướng dẫn của các cha xứ cũng là cha giám đốc.

Chắc chắn Dòng ba là mối quan tâm đặc biệt của quý cha dòng Đa Minh. Các vị đã khích lệ, hướng dẫn việc tổ chức Dòng Ba ngày càng quy củ và thống nhất hơn, dưới sự điều hành của các Cha Tổng giám đốc :

– Giuse Nguyễn Tri Ân (1956-1964 +RIP 16.3.1965)
– Đa Minh Vũ Đức Cương (1964-1969 +RIP 30.1.1992)
– Giêrônimô Phạm Quang Tự (1969-1973 +RIP 7.12.2007)
– Giuse Chu Đức Cung (1973-1985 +RIP 29.1.2001)

Cuốn Kỷ luật Dòng Ba Đa Minh được cha chính Conde Thập phổ biến năm 1956, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse Nguyễn Tri Ân cho phát hành năm 1959, dựa vào bản Quy luật do Bề trên Theissling (Thết-linh) ban hành năm 1923. Sách gồm phần Giải thích Kỷ luật Dòng Ba Đa Minh, Nghi lễ Dòng Ba, Bài gẫm và các kinh hội viên Dòng Ba quen đọc.

Dựa trên Quy luật chung của Dòng ban hành năm 1968, Thủ Bản Dòng Ba Đa Minh Việt Nam được soạn thảo và được Tổng quyền Aniceto Fernandez (A-ni-xe-tô Phê-năng-đê) phê chuẩn ngày 26.6.1971. Thủ Bản được in kèm theo phần giải thích và nghi thức, được phổ biến rộng rãi giúp cho các hội viên hiểu biết tinh thần và tổ chức của huynh đoàn.

Từ năm 1966-1975, báo Liên Lạc nguyệt san do cha Phạm Quang Tự chủ trương, là tờ thông tin về sinh hoạt của Dòng Ba, tạo nên mối liên kết thân mật và cởi mở, cũng như nâng cao kiến thức cho các hội viên.

Cũng từ thời cha Phạm Quang Tự, các vị Tổng giám đốc Dòng Ba đã đích thân đến thăm viếng nhiều họ Dòng ở các địa phương để huấn luyện, cổ võ và điều chỉnh cơ cấu hoạt động cho phù hợp hơn với đòi hỏi của Tin mừng và tinh thần Dòng. Dần dần, các tổ chức sinh hoạt dòng ba theo cấp giáo hạt và giáo phận được hình thành, tăng thêm tình liên đới giữa anh chị em các giáo xứ.

Ðến nhiệm kỳ cha Chu Cung, thêm nhiều anh em sinh viên Ða Minh Học Viện góp phần tích cực hướng dẫn huynh đoàn theo khu vực, đem lại nhiều nét mới và sinh động cho sinh hoạt Dòng Ba. Ngài phổ biến danh xưng “họ dòng”, để nhấn mạnh sự liên đới giữa các huynh đoàn với nhau và với các linh mục tu sĩ trong cùng một dòng họ Đa Minh.

Dòng Ba đã có những đại lễ quy tụ đông đảo như : kỷ niệm 800 năm sinh nhật thánh Ða Minh (1170-1970), ngày suy tôn thánh Tiến sĩ Catarina (4.10.1970), và lễ các chân phước Tử Ðạo Việt Nam tại Học viện Ða Minh Thủ Ðức năm 1974.

Thống kê năm 1974 : số hội viên Dòng Ba miền Nam là 24.787 thuộc 206 huynh đoàn. Gồm Xuân Lộc 7.457 đoàn viên, Ban Mê Thuột 6.550, Saigon 5.300, Long Xuyên 1.570, Phú Cường 1.680, Ðà Lạt 950 và Nha Trang 280 đoàn viên.

Gặp BTTQ Aniceto 1963 (đã sử dụng huy hiệu chân lý)

2.2 Tại miền Bắc

Quý ông bà dòng ba tại các giáo phận Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng vẫn sinh hoạt đều đặn, dựa trên “Kỷ luật Dòng Ba” xuât bản tại nhà in Thái Bình năm 1952. Tại mọi nơi, Dòng Ba vẫn kiên trì đến nhà thờ “nguyện giờ” hàng ngày, và tích cực tham gia công việc của giáo xứ.

Đặc biệt ngày 26.10.1960, đức cha Phêrô Nguyễn Huy Quang đã thành lập Dòng Ba trong giáo phận Hưng Hóa, theo sự ủy quyền của cha Đỗ Minh Lễ OP (Tỉnh dòng Lyon). Chính đức cha Phêrô và cha chính Giuse Nguyễn Phụng Hiểu tuyên hứa Dòng Ba. Năm 1980, cha chính Giuse cho biết “Trong giáo phận có một đức cha, 8 linh mục và hơn 150 anh chị em dòng ba”… “Ngày càng có nhiều, rất nhiều tâm hồn muốn tận hiến cho Chúa, theo tinh thần cha thánh của ta. Dòng ba Đa Minh đáp ứng rất hợp thời với nhu cầu đi tìm lý tưởng tu dòng…” (Thư ngày 29.04 và 11.12.1980. Cha chính Giuse Nguyễn Phụng Hiểu sau sẽ làm Giám mục Hưng Hóa từ 1990-1992.)

Trong giáo phận Bắc Ninh, Dòng Ba phát triển mạnh ở vùng Bắc Giang, Bắc Thái, Bắc Ninh, Vĩnh Phú và ngoại thành Hà Nội. Trong thư ngày 11.03.1977, đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng cho biết : “Dòng ba có sự tiến triển cả về số, cả về lượng, Dòng ba hiện nay lên đến gần một ngàn. Hầu hết đều trung thành vời việc nguyện kinh dòng và tuân giữ luật dòng. Hằng năm vào dịp lễ bà thánh Catarina, lễ cha thánh Đa Minh và lễ Mân Côi, anh chị em vẫn làm việc tĩnh tâm cấm phòng ba ngày để dọn mình mừng lễ”.

Tại giáo phận Bùi Chu, cha xứ Báo Đáp Bùi Công Tam cho biết : “Nói chung trong địa phận đang có cao trào thi đua gia nhập, xứ nào cũng hiện có dòng Ba Đa Minh làm nền móng” (thư 08.08.1976). Đức cha Đa Minh Lê Hữu Cung năm 1981 viết : “Chúng tôi mong chóng được cha dòng nhất đến coi các anh chị em cho được nhiều ơn ích”. Trong thư đầu xuân 1986, đức cha Giuse Vũ Duy Nhất khẳng định : “Bùi Chu vốn nhớ công ơn Dòng, hằng năm tổ chức lễ cha thánh Đa Minh long trọng, dòng ba vẫn được duy trì phát triển, kinh Mân Côi vẫn được cổ võ khuyến khích. Ước mong một ngày kia các cha Dòng sẽ về góp phần phục vụ giáo phận và coi sóc các con cái Dòng …”.

Thống kê Dòng ba miền Bắc trước sau 1975 chỉ có thể ước đoán vào khoảng 6.000 đoàn viên. Đông nhất tại Bùi Chu, rồi đến Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Hóa.

Gặp BTTQ Damian Byrne tại Hố Nai

III. Từ 1975 đến 1985

Trong hoàn cảnh mới của đất nước, cha Chu Đức Cung vẫn tiếp tục di chuyển đến cả những giáo phận xa xôi như Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Long Xuyên… Cha quan tâm tổ chức các họ dòng, giúp anh chị em quan tâm hơn về tinh thần Dòng, về lời khấn, về kinh nguyện và bác ái xã hội. Cha là mẫu gương đặc biệt đến với anh chị em bệnh phong. Cha tổ chức cung nghinh các thánh tử đạo tại nhiều giáo xứ nhân dịp kỷ niệm 300 năm Tỉnh dòng Mân Côi đến Việt Nam (1676-1976) và 600 năm Thánh nữ Catarina qua đời (1380-1980)

Năm 1981, cha giám tỉnh Giuse Đoàn Thiệu đã quan tâm đến các Huynh đoàn miền Bắc, khi gửi “Thủ bản Dòng Ba” với bản “năng quyền” đến quý đức cha và các cha linh hướng.

Từ năm 1980, Dòng Ba có bốn ngày truyền thống được tổ chức trọng thể tại nhà thờ Mân Côi Gò Vấp, và cổ võ tổ chức lễ chung cho các huynh đoàn theo giáo hạt. Đó là lễ Cha thánh Ða Minh (08.08), lễ Đức Mẹ Mân Côi (07.10), ngày thành lập Dòng (22.12) và lễ thánh nữ Catarina (29.04).

Từ năm 1983, anh chị em các Huynh đoàn bắt đầu sử dụng sách “Kinh nguyện dâng Cha” gồm kinh sáng, kinh chiều, và kinh tối bốn chúa nhật dùng chung cho bốn tuần. Từ nay Dòng ba bắt đầu hợp tiếng với Giáo hội trong kinh nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ, để chúc tụng Chúa và tìm được lương thực thiêng liêng trong Lời Chúa.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *