1. Phản ứng của Tòa Thánh trước ca trợ tử dành cho trẻ em đầu tiên tại Bỉ
Tuần qua, nhà chức trách ở Bỉ đã báo cáo về cái chết vì trợ tử của một đứa trẻ vị thành niên. Trợ tử được xem là hợp pháp tại Bỉ từ năm 2002. Đến năm 2014, luật pháp của nước này đã được sửa đổi để cho phép trợ tử cho cả những trẻ em nào đang mắc những chứng nan y.
Nhà chức trách nói rằng đứa trẻ này chỉ mới 17 tuổi và bị bệnh nặng nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác, kể cả danh tính của đứa bé.
Báo Quan sát Viên Rôma của Tòa Thánh đã xuất bản một cột ở ngay trang đầu bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của cậu bé này.
Tác giả bài báo là tiến sĩ Ferdinando Cancelli, hiện là chuyên gia chăm sóc những người bệnh nan y tại Thụy Sĩ. Ông nhận định rằng trường hợp của cậu bé người Bỉ “có thể và lẽ ra đã không phải như thế. Người ta không quyết tâm chạy chữa cho cậu bé ấy. Quyền được chết đã trở thành nghĩa vụ phải chết.”
Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý nói: “Đây là một tin rất buồn và làm chúng tôi lo lắng. Cuộc sống là thánh thiêng và phải được chấp nhận, luôn luôn, ngay cả khi nó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn.”
Một ấn phẩm do các giám mục Ý đưa ra lập luận rằng khi cái chết êm dịu được hợp thức hóa cả trong trường hợp của trẻ em, thực tế điều này có nghĩa là “người lớn được ban cho quyền sinh sát đối với trẻ em.”
2. Công nghệ mới – phương tiện loan truyền đức tin cho người trẻ
Jakarta – Hội nghị quốc gia Indonesia về giáo lý với chủ đề “Đức tin trong gia đình: nền tảng của xã hội Indonesia đang biến chuyển”, đã được tổ chức tại Makassar, miền nam Sulawesi trong 5 ngày, với sự tham dự của các thần học gia, Giám mục, Linh mục và giáo lý viên giáo dân đến từ 37 Giáo phận. Hội nghị được tổ chức với sự cộng tác của Ủy ban Giáo lý thuộc Hội đồng Giám mục Indonesia, đã thảo luận về mối liên hệ giữa gia đình, các phát minh kỹ thuật và loan truyền đức tin..
Giáo sư Eko Indrajid, một chuyên viên tin học giải thích: “chúng ta đang ở trong thời đại thông tin hiện đại, với một số công cụ tiện dụng. Những thứ này có nguy cơ làm cho người ta xa cách nhau, bởi vì mọi gnười quá bận rộn với các tiện ích riêng và không có thời giờ để nói chuyện với hành xóm của mình.”
Cha FX Adisusanto, giám đốc ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám mục nói với hãng tin Asia rằng chủ đề về mối liên hệ giữa gia đình và các phương tiện kỹ thuật mới phải được thảo luận một cách khẩn cấp giữa các phụ huynh, các Giám mục và giáo lý viên. Mục đích là tìm ra những cách thức mới để dùng những khám phá mới vì lợi ích của xã hội, dùng chúng trong cách dạy giáo lý hiện đại.
Các tham dự viên đã thảo luận về một số phương cách sáng tạo về giao tiếp với những người trẻ. Để thúc đẩy sự hiểu biết về môi trường xã hội mới theo quan điểm của Giáo Hội, các giám mục đã quyết định yêu cầu một số linh mục trẻ nghiên cứu các công nghệ hiện đại, để họ có thể giúp đỡ trong việc phát triển một ủy ban mới. (Asia News 16/09/2016)
(Nguồn: Radio Vatican)
3. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tiếp tục đại bại ở Đức vì ủng hộ người di dân
Kết quả cuộc bầu cử điạ phương tại thủ đô Berlin không phải là điềm lành cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, là đảng cầm quyền của bà thủ tướng Angela Merkel. Đây là thảm bại thứ hai trong hai tuần của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, gọi tắt là CDU.
Kết quả cho thấy cử tri, tức giận đối với chính sách mở cửa của bà Merkel cho người di cư, chỉ dồn cho CDU có 18 phần trăm số phiếu.
Một lãnh đạo CDU trẻ nói: “Con số này rất khó nuốt.” Christoph Brzezinski nhận xét rằng “Đây là một kết quả cay đắng. 18 phần trăm không phải là những gì chúng tôi mơ ước sau nhiều tuần vận động tranh cử.”
Đảng Chống Nhập Cư, gọi tắt là AFD, được gần 13 phần trăm số phiếu. AFD là đảng cực hữu mới nổi từ sau làn sóng nhập cư của người tị nạn đổ dồn vào châu Âu. Bây giờ, trong số 16 quốc hội tiểu bang của Đức, đảng này có đại diện tại 10 quốc hội.
Những ứng cử viên chiến thắng của họ, như Georg Pazderski, đang thả sức vung vít. Georg Pazderski nói “Từ con số không đến hai con số, là điều chưa từng xảy ra tại Berlin trong 66 năm qua. Liên minh đang bị loại dần. Chưa ở cấp liên bang, nhưng điều đó sẽ xảy ra trong năm tới.”
Đảng Dân chủ Xã hội tỏ ra chiếm ưu thế với 23 phần trăm số phiếu.
Những phản hồi chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel đang đặt ra câu hỏi liệu nhà lãnh đạo đầy thế lực nhất ở châu Âu có thể có một nhiệm kỳ thứ tư trong năm tới hay không. Trước mắt, kết quả bầu cử này đang tăng áp lực buộc bà Merkel phải thay đổi chính sách mở cửa đối với người tị nạn của bà.
4. Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi
ASSISI. Các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới bày tỏ quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình, đồng thời lên án mọi hình thức lạm dụng tôn giáo để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh.
Lập trường trên đây được các vị bày tỏ trong tuyên ngôn chung vào cuối ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 20-9-2016 trước sự hiện diện của 500 vị lãnh đạo các tôn giáo và hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường trước Vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assisi.
Tại buổi bế mạc này, một số vị lãnh đạo tôn giáo trong đó có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ chính thống Constantinople, Hòa thượng Giáo chủ Tông phái Phật giáo Thiên Thai, Nhật Bản, một số vị khác, sau cùng là ĐTC.
Buổi lễ được tiếp tục với phần đọc một lời kêu gọi Hòa Bình, được trao cho các em bé thuộc nhiều nước khác nhau.
Lời kêu gọi hòa bình
”Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô. Tại đây cách đây 30 năm, vào năm 1986, theo lời mời của ĐGH Gioan Phaolô 2, các vị đại diện tôn giáo toàn thế giới, lần đâu tiên tham dự một cách trọng thể, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính. Từ biến cố lịch sử ấy, đã khởi sự một cuộc lữ hành dài, qua nhiều thành phố trên thế giới, đưa nhiều tín hữu can dự vào cuộc đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình; đã liên kết nhưng không tạo nên sự lẫn lộn, mang lại những tình bạn liên tôn vững chắc và góp phần dập tắt không ít các cuộc xung đột. Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn còn bao nhiêu dân tộc đang bị thương tổn đau thương vì chiến tranh. Người ta vẫn luôn không hiểu rằng chiến tranh làm cho thế giới xấu hơn, để lại gia sản đau thương và oán thù. Tất cả bị mất mát với chiến tranh, kể cả những kẻ thắng trận.
”Chúng tôi đã dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, xin Ngài ban hồng ân hòa bình cho thế giới. Chúng tôi nhìn nhận sự cần thiết phải liên lỷ cầu nguyện cho hòa bình, vì lời cầu nguyện bảo vệ và soi sáng thế giới. Hòa bình là danh xưng của Thiên Chúa. Ai khẩn cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh, thì không đi theo con đường của Chúa: chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành chiến tranh tôn giáo. Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi tái khẳng định rằng bạo lực và khủng bố trái ngược với tinh thần tôn giáo chân chính.
”Chúng tôi đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, các trẻ em, các thế hệ trẻ, các phụ nữ và bao nhiêu anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh; cùng với họ chúng tôi mạnh mẽ nói rằng: Không chấp nhận chiến tranh! Ước gì tiếng kêu đau thương của bao nhiêu người vô tội được lắng nghe. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị lãnh đạo các dân nước hãy giải trừ những động lực chiến tranh: sự ham hố quyền bính và tiền bạc, lòng tham lam của những kẻ buôn bán võ khí, những lợi lộc phe phái, những trả thù vì quá khứ. Xin gia tăng sự dấn thân cụ thể để lại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc xung đọt: những tình trạng nghèo đói, bất công, và chênh lệch, sự bóc lột và coi rẻ sự sống con người.
”Sau cùng, hãy mở ra một thời đại mới, trong đó thế giới hoàn cầu hóa trở thành gia đình các dân tộc. xin thực thi trách nhiệm kiến tạo hào bình chân thực, quan tâm đến những nhu cầu đích thực của con người và của các dân tộc, vượt thắng những xung đột bằng sự cộng tác, chiến thắng những oán thù và vượt lên trên những hàng rào bằng cuộc gặp gỡ và đói thoại. Không gì bị mất mát khi thực sự thi hành đối thoại. Không gì là không có thể nếu chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả đều có thể là những người xây dựng hòa bình; từ Assisi chúng tôi quyết tâm canh tâm dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình với sự phù giúp của Thiên Chúa, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí.
Sau khi tuyên ngôn hòa bình được công bố, mọi người đã thinh lặng mặc niệm các nạn nhân chiến tranh, trước khi các vị đại diện tôn giáo ký vào Lời Kêu Gọi hòa bình, và thắp sáng hai cây đèn nhiều ngành.
Ngày cầu nguyện được kết thúc với cử chỉ trao ban bình an giữa các tham dự viên.
5. Diễn từ của Đức Thánh Cha tại ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo nhân loại chống lại “sự im lặng điếc đặc vì thờ ơ và ích kỷ” trước tiếng kêu của những ai đang phải sống dưới sự đe dọa của bom đạn và đang khẩn khoản cầu xin cho hòa bình.
Diễn từ của Đức Thánh Cha đã được trình bày trong buổi lễ cầu nguyện đại kết với các đại diện của các hệ phái Kitô giáo khác tại tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô lúc bế mạc ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi.
Đức Thánh Cha đã nói về “cơn khát” của Chúa Giêsu trong đó chúng ta có thể “nghe thấy tiếng kêu của sự thống khổ, tiếng than của những người vô tội đang bị thế giới này từ khước, lời cầu xin buồn thảm của những người nghèo và những người tha thiết cần đến hòa bình. Chiến tranh đang làm nhơ bẩn nhân loại với sự thù ghét và làm dơ trái đất này với vũ khí. Những nạn nhân của chiến tranh cầu xin hòa bình; anh chị em của chúng ta, đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi vào một phương trời bất định, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, đang khẩn khoản van xin hòa bình”.
Và trước khi kết thúc với một lời cầu nguyện cho sự hiệp thông đầy đủ giữa tất cả các Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói rằng cũng như Chúa Giêsu, các nạn nhân của chiến tranh “thường xuyên được trao cho dấm cay đắng của sự khước từ. Ai lắng nghe họ? Ai chịu khó đáp lại họ? Quá thường khi họ gặp phải sự im lặng điếc đặc của sự thờ ơ, sự ích kỷ của những bực mình vì bị quấy rầy, cái lạnh lùng của những ai bịt tai trước tiếng kêu của họ mong được giúp đỡ dễ dàng như thay đổi một kênh truyền hình trên TV.”
Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha:
Đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nghe những lời của Ngài vang lên với cả chúng ta nữa: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát, hơn cả đói, là nhu cầu lớn nhất của nhân loại, và cũng là sự đau khổ lớn lao của nhân sinh. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng Đấng vì lòng xót thương đã trở thành nghèo khó giữa nhân loại.
Chúa khao khát điều gì? Chắc chắn là nước, là thứ thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng trên tất cả, Ngài khát khao cho tình yêu, là điều thiết yếu không kém cho cuộc sống. Ngài khao khát ban cho chúng ta nước hằng sống là tình yêu của Ngài, nhưng cũng khát khao nhận được tình yêu của chúng ta. Tiên tri Giêrêmia diễn tả khát khao của Thiên Chúa về tình yêu của chúng ta như sau: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn” (Gr 2: 2). Nhưng vị tiên tri cũng đề cập đến tiếng nói đau khổ của Thiên Chúa, khi con người bạc bẽo bỏ rơi tình yêu. Có vẻ như thể Chúa cũng đang nói những lời này ngày hôm nay – “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.” (c. 13). Đó là bi kịch của “một con tim khô héo”, của một tình yêu không được hồi đáp, một bi kịch được mở ra một lần nữa trong Tin Mừng, khi đáp lại cái khát của Chúa Giêsu, người ta đã đưa giấm chua cho Ngài uống. Như vịnh gia đã than thở một cách tiên tri: “Con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua” (Tv 69:21).
“Tình yêu không được yêu”: thực tế này, theo nhiều trình thuật, là những gì làm Thánh Phanxicô thành Assisi khó chịu. Yêu mến Chúa chịu khổ đau, thánh nhân không ngại ngùng khóc to và ta thán (x. Fonti Francescane, số 1413). Thực tế này cũng phải ở trong trái tim của chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh, là Đấng khao khát tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcutta mong muốn rằng trong mỗi nhà nguyện của các cộng đoàn các nữ tu của Mẹ những lời “Ta khát” phải được viết ngay bên cạnh thánh giá. Phản ứng của Mẹ là để làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu cho tình yêu trên Thánh Giá qua việc phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Cái khát của Chúa được dập tắt bởi tình yêu thương bác ái thực sự của chúng ta; Ngài được an ủi khi, trong danh Ngài, chúng ta cúi xuống trước những đau khổ của người khác. Vào ngày phán xét họ sẽ được gọi là những người được “chúc phúc” vì cho kẻ khát uống. Đó là những người trao ra những cử chỉ thương yêu thật sự cho những người đang túng quẫn: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25:40).
Những lời của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Những lời ấy kiếm tìm một chỗ trong con tim chúng ta và một phản ứng liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trong tiếng “Ta khát” của Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của sự thống khổ, tiếng than của những người vô tội đang bị thế giới này từ khước, lời cầu xin buồn thảm của những người nghèo và những người tha thiết cần đến hòa bình. Chiến tranh đang làm nhơ bẩn nhân loại với sự thù ghét và làm dơ trái đất này với vũ khí. Những nạn nhân của chiến tranh cầu xin hòa bình; anh chị em của chúng ta, đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi vào một phương trời bất định, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, đang khẩn khoản van xin hòa bình. Họ đều là anh chị em của Đấng chịu đóng đinh, là những người nhỏ bé trong Vương Quốc của Ngài, là các thành viên bị thương và bị khô héo của thân thể Ngài. Họ khát. Nhưng, như Chúa Giêsu, họ thường xuyên được trao cho dấm chua cay đắng của sự khước từ. Ai lắng nghe họ? Ai chịu khó đáp lại họ? Quá thường khi họ gặp phải sự im lặng điếc đặc của sự thờ ơ, sự ích kỷ của những bực mình vì bị quấy rầy, cái lạnh lùng của những ai bịt tai trước tiếng kêu của họ mong được giúp đỡ dễ dàng như thay đổi một kênh truyền hình trên TV.
Trước Đức Kitô chịu đóng đinh, là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24), chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình yêu không được yêu thương, và được kêu mời tuôn đổ lòng thương xót ra với thế giới này. Trên thập giá, cây sự sống, cái ác đã được cải biên thành điều thiện; chúng ta cũng như các môn đệ của Đấng chịu đóng đinh, được mời gọi trở thành “cây của sự sống” hấp thụ cái ô nhiễm của sự thờ ơ, để rồi phục hồi lại không khí tinh khiết của tình yêu cho thế giới. Từ cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh Giá nước chảy ra, đó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần Đấng mang lại sự sống (Ga 19,34); để từ chúng ta, những môn đệ của Ngài, lòng từ bi cũng được tuôn chảy ra cho những ai đang khát ngày hôm nay.
Như Đức Maria dưới chân Thánh Giá, xin Chúa ban cho chúng ta được kết hợp với Người và gần gũi với những ai đang đau khổ. Khi đến gần với những ai sống như đang chịu đóng đinh, và khi được củng cố bởi tình yêu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, cầu xin cho sự hòa hợp và hiệp thông của chúng ta được sâu đậm hơn nữa. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Eph 2:14), “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (c. 17). Cầu xin Ngài giữ gìn tất cả chúng ta trong tình yêu của Ngài và hiệp nhất chúng ta, để chúng ta có thể nên “một” (Ga 17:21) như Ngài mong muốn.
6. Giáo phận Vinh: Đại lễ cầu cho Hòa bình Thế giới tại Linh địa Trại Gáo
Vào lúc 9h30 ngảy 20.09.2016, tại Linh địa Trại Gáo, thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới và đất nước Việt Nam thân yêu đã được cử hành. Thánh lễ với sự chủ tế của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá giáo phận Vinh, cùng với sự đồng tế của toàn thể linh mục trong toàn giáo phận. Đặc biệt, thánh lễ hôm nay còn có sự hiện diện của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục giáo phận Kon Tum, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Sự hiệp dâng thánh lễ của quý thầy Phó tế, Chủng sinh, Tu sĩ nam nữ, đại diện các giáo xứ và hàng chục ngàn bà con giáo dân và lương dân.
Đức Cha Phaolô, chủ chăn giáo phận, vì đang bận thực hiện chuyến công tác đã lên lịch từ trướcnên ngài đã không thể hiện diện trong thánh lễ. Từ phương xa, Đức Cha bày tỏ tình liên đới và hiệp dâng lời cầu nguyện cùng với mọi thành phần Dân Chúa giáo phận nhà.
7. Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14– 20/09/2016: Câu chuyện Hai Vì Sao Mỉm Cười
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Chuyện xưa kể rằng có một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.
Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: “Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.
Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Khi chúng ta cố gắng chào hỏi một người chúng ta ghét cay ghét đắng, thì đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, thì đó mới là một hành động bác ái thực sự. Chúng ta đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực”.
Vietcatholic