Một nửa của tôi

Chiều nay, sau buổi nguyệt hội vào thứ năm đầu tháng của huynh đoàn, trong bữa cơm, tôi tâm sự với chồng: “Anh ạ! Sắp tới đây, huynh đoàn bầu lại ban phục vụ, trong danh sách đề cử chiều nay, có cả em đấy, anh nghĩ sao?” Anh suy nghĩ một lát rồi nói: “Còn tùy thuộc vào kết quả hôm bầu chính thức, nhưng nếu được anh chị em tín nhiệm, thì mình nên thu xếp thế nào cho hợp lý, chứ tôi thấy mình tham gia nhiều hội đoàn quá, mà hội nào cũng ở trong…nội các, liệu mình có kham nổi không?”.

Tôi thả dòng ký ức trôi về thủa ấu thơ: tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, bố đi công tác. Mới hơn hai tháng tuổi, tôi được bà nội dưỡng nuôi, mái tranh nghèo núp dưới những tán cây cũng được liệt kê đứng đầu trong danh sách “cây nhà nghèo”.

Vâng! Đầu nhà là một cây sung chát, cuối sân là gốc khế chua, bà nội đã còng lắm mà vẫn đi cất vó tay, mà quê tôi gọi là kéo chũm, tôi ở nhà leo cây lấy khế để sẵn đó, đợi bà về lấy cá tép nấu canh, bà cháu lần hồi nuôi nhau trong thời buổi bao cấp khó khăn. Rồi một kỷ niệm không bao giờ vơi đi trong tôi, đó là lũy tre xanh trước nhà, kho báu của bà cháu tôi: Tre cho măng luộc thay rau, tre cho lá làm củi nấu cơm, tre cho gốc khô đốt lửa sưởi ấm hai bà cháu khi gió bấc thổi về, tre bán lấy tiền mua sách vở mỗi khi vào năm học mới.

Nhất là những buổi trưa thanh bình, hai bà cháu hì hụi chặt những cây tre khô trắng, mà bà bảo đó là tre chết dóc, trên đó có bao nhiêu là cái lỗ đen đen, tròn tròn to bằng viên bi. Đó là những lỗ ong mật, bổ đôi cây tre ra, bên trong là những viên mật vàng óng, với vị ngọt tan trên đầu lưỡi, món quà quý của con nhà nghèo thiếu sữa mẹ như tôi.

Nghĩ đến đây, cổ họng tôi nghẹn đắng, nhớ ánh mắt ngày ấy, bà nhìn tôi mãn nguyện bên những viên mật ong, giờ thì bà đã về cùng Chúa lâu rồi, lũy tre cũng chẳng còn nữa bà ơi! Bóng mát và tiếng tre kẽo kẹt trưa hè đã đi vào cổ tích, nhường chỗ cho con đường bê tông liên thôn chạy qua, hắt cái nóng chói chang, hầm hập.

Rồi, cái đói nghèo cũng không ngăn được tôi lớn lên và trở thành một cô gái cũng… “ưa nhìn”. Có không ít các chàng trai con ông cháu cha thời bao cấp tới hỏi mua “sung”, mua “khế”, bà tôi mừng ra mặt: “ Thế mà cứ bảo sung chát, khế chua ai ăn, tiền cả đấy”.

Rồi… “tiếng lành đồn xa”, một anh chàng nơi phố thị, con nhà gia thế thời ấy, cũng tìm ghé vào “tệ xá” bà cháu tôi cùng với cây đàn Guitar, những ngón tay điệu nghệ lướt trên phím đàn và giọng ca trữ tình: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”, tiếng hát bay lên vương vấn nơi lũy tre xào xạc. Ngày ấy giáo xứ tôi còn khó khăn, chưa có điện đài, kèn trống, đàn nhạc, nên mùa Noel về, anh cũng mang đàn đến góp vui với giáo xứ.

Sau này anh nói với tôi: “Anh đến nhà thờ đàn cũng là vì em, người con gái xứ đạo, có nụ cười đọng mãi trong anh”, nghe anh nói vậy, trái tim thôn nữ mới lớn của tôi cũng thấy “rung rinh”. Từ đó, nơi làng quê yên tĩnh của tôi, cứ chiều chiều, mọi người lại thấy anh lãng du “vùng ngoại ô”, trồng… “cây si” phố thị nơi miệt vườn. Còn tôi, cái suy nghĩ khác tôn giáo cứ ngự trị trong tư tưởng, để rồi gần hai năm trôi qua, tuy rung rinh nhưng tôi vẫn không… đổ.

Vì: Thiên Chúa đã an bài, quê tôi vốn là đồng chiêm trũng, cứ khoảng tháng sáu trở đi là nước lũ tràn về ngập trắng ruộng đồng, đường xá, mọi phương tiện đi lại nhất nhất đều bằng thuyền. Tôi và năm đứa bạn thân hằng ngày thường đi làm chung trên một chiếc thuyền, rồi một ngày, điều không may đã đến: Thuyền lật giữa cánh đồng mênh mông rộng lớn, nước sâu tới sáu mét, hai đứa bạn trong số chúng tôi bị đuối nước, vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời mới mười bảy, mười tám. Đến chiều tối, đưa được các bạn về nhà, tôi thay quần áo cho đứa bạn thân nhất và cũng là đứa đã có người dạm ngõ, hàng ngày chơi với nhau, nó và bạn trai hay trêu tôi: “Này, sắp trở thành người phố thị rồi nhé”.

Khi đem quần áo bẩn bỏ ra ngoài, tôi bắt gặp ánh mắt bạn trai của nó nhìn tôi như tuyệt vọng, tôi thấy lòng trào dâng một nỗi cảm thương và một điều gì đó thật khó tả, mãi sau  này tôi mới nghiệm ra: Đó là lúc Chúa buộc giây tơ hồng. Hai nămsau, cái anh chàng chẳng liên quan gì đến… sung và khế, đã trở thành một nửa của tôi, tính đến nay đã ba mươi sáu năm rồi. Ngày vu quy, cô dâu mặc quần lụa đen, áo Sơmi trắng, với chiếc nón lá cọ mới, bước đi trong tiếng pháo nổ đì đùng, phía sau vẳng tiếng ru buồn khê đặc, chắc tại ăn nhiều…sung chát.

Rồi những lời ru buồn cũng lắng xuống, chồng tôi sớm hôm tần tảo, thả lưới, đánh tôm, tôi thì chạy chợ, khi theo tàu xuôi , lúc lên xe ngược, nhiều khi xa nhà cả mấy trăm cây số, lấy hàng về phố thị bán. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi, hai đứa con lần lượt chào đời, một gái một trai, giờ thì tôi đã là bà ngoại của hai cô công chúa, một cô đã mười sáu, một thì mới mười hai tuổi. Ý! Tôi sắp sửa lại được thăng chức lên… “cụ” rồi sao? Hổng dám đâu! hu…hu.

Ngần ấy năm tháng chung sống bên nhau, tôi thầm cảm ơn anh đã lặn lội hôm sớm vì vợ vì con, nhất là từ khi con gái lớn đi lấy chồng, chẳng biết Chúa thương hay thử thách, Ngài gửi tặng tôi nhiều căn bệnh, bệnh giấu trong người cũng có, bệnh phô ra “mặt tiền” cũng có luôn. Thế là từ đó tôi được chồng cho nghỉ “việc phần xác” dài hạn, những gánh nặng trong gia đình anh cõng tất, tôi được rảnh rang tham gia các hội đoàn. Vốn có máu mê thơ phú, văn vẻ, nhiều hôm tôi hí hoáy ngồi viết lách, thả hồn lên mây lên gió, tới trưa, khi anh đi làm về, tôi mới quáng quàng chạy đi nấu cơm.

Những lúc ấy anh chỉ lắc đầu mát mẻ: “Bà mê…nó hơn tôi, chắc có ngày bà ly hôn tôi để cặp với… nó quá”, nói vậy, nhưng mỗi khi thấy tôi miệt mài ngồi viết, hoặc chuẩn bị sổ sách cho  buổi nguyệt hội của huynh đoàn, anh lại động viên tôi: “ Cố gắng lên mình nhé, dẫu biết rằng nhiều khi đầy áp lực, nhưng mình đừng nản lòng, tôi luôn ở bên cạnh mình”.

Chiều nay, sau giờ kinh phụng vụ, tôi nán lại làm nũng với Chúa: “Chúa ơi! Một nửa mà Chúa ghép cho con tuyệt vời lắm Chúa ạ! Nếu không có một nửa đó, chắc con không được như ngày hôm nay, vì con biết rằng con còn khiếm khuyết nhiều lắm. Xin Chúa thương ban cho gia đình con lương thực hằng ngày, giúp chồng con bớt bận rộn hơn với cơm áo gạo tiền, để có thêm thời gian cùng con cất cao lời ca tụng Chúa, như thế mới vẹn toàn, vì đó là một nửa của con”.

Ba mươi sáu năm Chúa trao

Cho một nửa ấy biết bao thăng trầm

Bên nhau gắn bó sắt cầm

Đói no cùng vượt, mưa dầm cùng che

Cuộc đời dẫu có khắt khe

Nhưng luôn có Chúa Người xe chỉ hồng

 Tâm đầu ý hợp mặn nồng

Giúp nhau thăng tiến cánh đồng Đa Minh

Điểm sương mái tóc vẫn…xinh

 Bên nhau khẽ nói: chúng mình đẹp đôi.

                                                                                                         Mờ-inh

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *