1. Sức mạnh lớn nhất của Giáo Hội ngày nay ở nơi các Giáo Hội nhỏ đang bị bách hại
Đức Thánh Cha đã nói bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta rằng sức mạnh lớn nhất của Giáo Hội ngày nay ở nơi các Giáo Hội nhỏ đang bị bách hại.
Quảng diễn đoạn thư gửi tín hữu Do thái chương 11, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người nhớ đến lịch sử của dân Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các vị tử đạo. Ngài nhận định rằng ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong những thế kỷ đầu tiên; truyền thông không nói đến điều này vì nó không phải là chuyện giật gân có thể gây chú ý. Nhưng Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhớ đến sự đau khổ mà các vị tử đạo ngàu nay phải chịu.
“Không có ký ức thì không có hy vọng.” Chương 11 của thư gửi tín hữu Do thái mà chúng ta nghe trong phụng vụ Lời Chúa những ngày này nói về ký ức. Trên tất cả là “ký ức về sự vâng lời”, ký ức về sự vâng lời của bao nhiêu người, bắt đầu từ Abraham, người đã vâng phục, rời quê nhà mà không biết mình sẽ đi đâu. Đặc biệt, bài đọc I hôm nay nói về hai ký ức. Ký ức về những hành động vĩ đại của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Ghít-ôn, Ba-rắc, Sam-sôn, Đavít. Đức Thánh Cha nói: “Rất nhiều người đã làm những việc vĩ đại trong lịch sử của Israel.”
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng có một nhóm thứ 3 được nhớ đến, đó là “Ký ức về các vị tử đạo”. Các ngài là những người đã chịu đau khổ và hy sinh mạng sống như Chúa Giêsu, họ đã chịu đánh đòn tra tấn, bị giết vì gươm giáo. Giáo Hội thật sự là “dân tộc này của Thiên Chúa”, “tội lỗi nhưng vâng phục”, “thực hiện những điều lớn lao và cũng làm chứng về Chúa Giêsu Kitô cho đến độ tử đạo.” Ngài nói: “các vị tử đạo là những người làm cho Giáo Hội tiến bước, là những người nâng đỡ Giáo Hội, họ đã trợ giúp và ngày nay vẫn nâng đỡ Giáo Hội. Và ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Truyền thông không nói đến điều này vì nó không phải là chuyện giật gân gây chú ý, nhưng rất nhiều Kitô hữu trên thế giới ngày nay được chúc phúc bởi vì bị bách hại, sỉ nhục, tù đày. Có nhiều vị trong các nhà tù, chỉ để vác Thánh giá và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô” Đây là vinh quang của Giáo Hội và sự trợ lực của chúng ta và cũng là sự khiêm hạ của chúng ta: chúng ta những người có tất cả, tất cả dường như dễ dàng đối với chúng ta và nếu chúng ta thiếu điều gì thì chúng ta sẽ than van… Nhưng chúng ta nghĩ đến các anh chị em mà ngày này, nhiều hơn những thế kỷ đầu rất nhiều, đang chịu tử đạo!” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi không thể quên chứng tá của Linh mục và nữ tu ở nhà thờ chánh tòa Tirana: năm này qua năm khác ở trong tù, bị lao động cưỡng khổ sai, hạ nhục,”, đối với họ nhân quyền không tồn tại.
Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Và cả chúng ta, thật đúng và chính đáng, chúng ta thỏa mãn khi chúng ta thấy Giáo Hội có một hành động vĩ đại, có sự thành công to lớn, các Kitô hữu tỏ mình ra… Và điều này thật đẹp. Đây là sức mạnh? Đúng, nó là sức mạnh. Nhưng sức mạnh lớn nhất của Giáo Hội ngày nay ở nơi các Giáo Hội nhỏ bị bách hại, bé nhỏ, với ít ỏi dân chúng, bị bách hại, các Giám mục của họ bị giam tù. Đây là vinh quang của chúng ta ngày nay, đây là vinh quang của chúng ta và sức mạnh của chúng ta ngày nay.”
“Một Giáo Hội không có các vị tử đạo – tôi dám nói rằng – là một Giáo Hội không có Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã khẳng định như thế và mời gọi cầu nguyện “cho các vị tử đạo của chúng ta đang đau khổ rất nhiều,” “cho các Giáo Hội không được tự do để diễn tả chính mình”: “họ chính là niềm hy vọng của chúng ta.” Ngài nhắc lại lời của văn sĩ cổ xưa đã viết: “Máu của các Kitô hữu, máu các vị tử đạo, là hạt giống của các Kitô hữu.” Ngài kết thúc: “Họ cùng với các vị tử đạo của họ, chứng từ của họ, với sự đau khổ của họ, và cũng trao ban hiến dâng mạng sống, gieo vãi các Kitô hữu cho tương lai và cho các Giáo Hội khác. Chúng ta dâng Thánh lễ này cho các vị tử đạo của chúng ta, cho những người giờ đây đang chịu đau khổ, cho các Giáo Hội đau khổ, cho những người không có tự do. Và chúng ta cám ơn Chúa đã hiện diện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần nơi các anh chị em của chúng ta ngày nay đang làm chứng cho Ngài.
2. Chúa Giêsu ngắm nhìn chúng ta, mỗi người chúng ta
Nếu chúng ta kiên trì hướng nhìn nơi Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra rằng Người luôn quan sát mỗi người chúng ta với lòng yêu thương. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ kính thánh Gioan Bosco sáng thứ Ba 31 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha chú giải đoạn thư gửi tín hữu Do thái, trong đó tác giả mời gọi chúng ta “kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” Ngài cũng giải thích bài Tin Mừng rằng chính Chúa Giêsu nhìn chúng ta và nhận thấy chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu ở gần chúng ta, “Người luôn ở giữa đám đông.” “Không phải là với những vệ sĩ bảo vệ cho Người, để cho đám đông không thể chạm vào Người. Không! Người ở đó và đám đông bao lấy Người. Mỗi khi Người xuất hiện, có một đám đông lớn. Các chuyên gia thống kê có lẽ có thể xuất bản ‘Sự nổi tiếng của Thầy Giêsu đang giảm đi’… Nhưng Chúa Giêsu tìm kiếm điều khác: Ngài tìm dân chúng. Và dân chúng tìm Ngài: dân chúng dán mắt vào Ngài và Ngài dán mắt vào dân chúng. ‘Đúng, vào dân chúng, vào đám đông’ – ‘không, vào mỗi người!’ Đây là điểm đặc biệt trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không nhìn đám đông chung chung: Ngài nhìn mỗi người.”
Chúa Giêsu quan sát những vấn đề nghiêm trọng, niềm vui to lớn của chúng ta, và cũng ngắm nhìn những chuyện nhỏ bé của chúng ta
Tin Mừng thánh Marco thuật lại 2 phép lạ. Thứ nhất, Chúa Giêsu chữa người đàn bà bị băng huyết 12 năm trời. Giữa đám đông, bà đã có thể chạm được áo choàng của Ngài. Và Chúa Giêsu đã nhận ra có người chạm vào Ngài. Thứ hai, Chúa Giêsu làm cho bé gái 12 tuổi con ông Giairô sống lại. Người nhận ra cô bé đang đói và yêu cầu cha mẹ cho cô ăn. Đức Thánh Cha nhận xét: “Cái nhìn của Chúa Giêsu đến với điều lớn lao cũng như nhỏ bé. Ngài nhìn ngắm tất cả: nhìn ngắm tất cả chúng ta, nhưng nhìn mỗi người chúng ta. Ngài quan sát những vấn đề nghiêm trọng, niềm vui to lớn của chúng ta, và cũng ngắm nhìn những chuyện nhỏ bé của chúng ta. Bởi vì Người gần chúng ta. Chúa Giêsu không sợ hãi những điều to lớn nhưng cũng để ý đến những điều nhỏ bé. Chúa Giêsu nhìn chúng ta như thế.”
Đức Thánh Cha khẳng định rằng nếu chúng ta chạy “với sự kiên trì và mắt hướng nhìn về Chúa Giêsu”, thì sẽ xảy đến với chúng ta những điều đã xảy ra với dân chúng sau khi con gái ông Giairo đã sống lại, đó là “họ đầy kinh ngạc.” Ngài giảng giải thêm: “Tôi đi, nhìn ngắm Chúa Giêsu, tôi tiến bước, ngắm nhìn Chúa Giêsu và tôi tìm thấy điều gi? Ngươi đang ngắm nhìn tôi! Điều này làm cho tôi kinh ngạc vô cùng. Sự kinh ngạc khi gặp Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta đừng sợ hãi! Chúng ta không sợ hãi như người đàn bà đi đến sờ vào áo choàng của Người. Chúng ta đừng sợ! Chúng ta chạy trên con đường này. Luôn luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu. Và chúng ta sẽ có sự ngạc nhiên tốt đẹp này, chúng ta sẽ tràn đầy sự ngạc nhiên: chính Chúa Giêsu ngắm nhìn tôi.”
3. Kitô hữu không phải là nô lệ của những lề luật
Những người cứng nhắc thì sợ tự do mà Thiên Chúa ban, họ sợ yêu mến. Kitô hữu là nô lệ của tình yêu mến, chứ không phải là nô lệ cho lề luật. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai mùng 6 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.
“Chúc tụng Chúa đi!” là lời ca khen của tác giả Thánh Vịnh 103 dâng lên Thiên Chúa vì những kỳ công vĩ đại. Chúa Cha làm nên biết bao điều kỳ diệu qua công trình sáng tạo của Ngài. Chúa Con thực hiện công trình cứu chuộc lạ lùng. Khi một trẻ thơ hỏi Thiên Chúa rằng vì sao Ngài tạo nên thế giới, thì Chúa sẽ nói “vì yêu mến”.
Tại sao Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ này? Đơn giản vì Ngài chia sẻ chính sự toàn hảo của chính Ngài. Và trong cuộc tái tạo, Thiên Chúa sai chính Con Một tới để làm cho những gì đã bị xấu đi – trở lại đẹp đẽ như xưa, những gì lầm lạc – trở về đúng đắn, những gì tệ hại – trở về tốt lành.
Khi Chúa Giêsu nói: “Cha tôi hằng làm việc, thì tôi cũng làm việc”, các luật sĩ cảm thấy chướng tai gai mắt và muốn giết Chúa. Tại sao? Bởi vì họ không thể đón nhận những gì từ Thiên Chúa như những ân sủng. Đối với họ, chỉ có sự công thẳng mà thôi, vì họ chỉ dựa vào các điều luật. Thay vì mở lòng đón nhận những ân sủng “nhưng không” từ Thiên Chúa, họ lại khép kín vào những luật lệ, có lẽ phải đến 500 điều luật, có lẽ còn hơn… Họ không biết nhận ơn lành của Thiên Chúa. Có những ân sủng chỉ nhận được khi có tự do mà thôi. Thế mà họ lại sợ tự do Thiên Chúa ban, họ sợ tình yêu mến.
Đó là lý do hôm nay chúng ta ca tụng Chúa Cha: “Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng! Con yêu mến Ngài quá đỗi, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban. Ngài đã cứu độ con, Ngài đã dựng nên con.” Đó là lời cầu nguyện chúc tụng ngợi khen, đó là lời nguyện của niềm vui sướng. Lời nguyện ấy đem lại cho chúng ta niềm vui của đời sống người Kitô.
Có những Kitô hữu rất buồn chán vì họ đóng cửa tâm hồn, vì họ không bao giờ biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, vì họ sợ tự do là điều luôn đi kèm cùng với ân sủng. Những người như thế chỉ biết có luật lệ và bổn phận, những bổn phận đóng khung chính họ. Làm như thế là làm nô lệ cho lề luật, và không có tình yêu mến. Trái lại, khi làm nô lệ cho tình yêu mến, bạn có tự do. Đó là điều thật tuyệt!
Có những người đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và sống như Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha, trong tình yêu mến, trong sự hiền từ và trong tự do. Nhưng cũng có những người nép mình trong cái khung khép kín của những lề luật; họ có vẻ an toàn, càng nhiều luật lệ càng có vẻ an toàn hơn, mà kỳ thực thì không có tự do, không có niềm vui.
Có hai công trình của Thiên Chúa. Đó là công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi lòng mình: Làm thế nào để sống cách tuyệt vời hai công trình kỳ diệu ấy? Nguyện xin Chúa giúp chúng ta hiểu được những điều vĩ đại mà Ngài đã làm khi sáng tạo vũ trụ vì tình yêu mến! Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Ngài, để ngày hôm nay chúng ta có thể cùng nhau thưa lên: “Lạy Chúa, Ngài thật tuyệt vời biết bao! Xin tạ ơn Ngài, xin tri ân Ngài!”
http://www.vietcatholic.org/News/Html/214296.htm