1. Tranh cãi chung quanh việc Đức Thánh Cha dùng từ “trại tập trung” để chỉ các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Âu Châu
Đức Thánh Cha đã lên tiếng phê bình chính sách của các quốc gia Âu Châu về di dân và tị nạn, và gọi các trung tâm tiếp nhận người tị nạn là các “trại tập trung”.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21.
Khi đề cập đến các trại tị nạn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “nhiều trung tâm trong số này giống như các trại tập trung, bởi vì có quá đông người.”
Nhận xét đó đã thu hút sự phản đối nhẹ nhàng từ Ủy ban Do Thái, gọi tắt là AJC. David Harris, nhà lãnh đạo AJC, nói: “Không thể so sánh” giữa các trại tị nạn và các trại tập trung của Đức quốc xã. So sánh trên khía cạnh tương lai sáng sủa đang mở ra trước mắt những người tị nạn và số phận thê thảm đáng sợ của những người bị giam trong các trại tạp trung của Đức quốc xã, ông nói:
“Các điều kiện mà người di cư hiện đang sống ở một số nước châu Âu có thể rất khó khăn, và đáng được quan tâm nhiều hơn trên thế giới, nhưng chắc chắn những trung tâm này không phải là các trại tập trung.”
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 24 tháng Tư, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, lưu ý rằng lúc đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ứng khẩu, không có một văn bản nào.
2. Đức Thánh Cha an ủi em gái của cha Jacques Hemel
Cũng trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi em gái của một linh mục người Pháp bị sát hại bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong một nhà thờ ở Normandy.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nắm tay Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel, 85 tuổi, đã chết vì bị cắt đứt cuống họng khi ngài cử hành Thánh Lễ vào ngày 26 tháng 7 năm 2016.
Ngài đã lặng lẽ nói chuyện và an ủi bà trong buổi lễ tối tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô trên cù lao Tiberina của sông Tiber ở Rôma; sau khi nghe bà Roselyne Hamel phát biểu những cảm nghĩ và tâm tình đau đớn của bà khi nghe tin anh mình bị giết bởi “hai thanh niên cực đoan bị nhồi nhét các tư tưởng hận thù.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “các vị tử đạo dạy chúng ta rằng với sức mạnh của tình yêu, và với sự dịu dàng, chúng ta có thể chống lại thói kiêu ngạo, bạo lực và chiến tranh – và sự bình an có thể đạt được với lòng kiên nhẫn.”
3. Câu chuyện một người Hồi Giáo có vợ bị khủng bố IS giết khiến Đức Thánh Cha cảm động
Trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, Đức Thánh Cha cũng ứng khẩu nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016.
Ngài nói: “Ngày hôm nay tôi muốn thêm một hình ảnh nữa, đó là những người tị nạn và những cuộc bách hại các tín hữu Kitô.. Khi ở đảo Lesbo, tôi chào những người tị nạn, tôi thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ, ông nhìn tôi và nói: ‘Thưa cha, con là người Hồi giáo, vợ con là tín hữu Kitô và những tên khủng bố đến đất nước chúng con. Họ nhìn chúng con và hỏi xem chúng con theo đạo nào, và khi thấy vợ có một thánh giá, chúng bảo vợ con vứt thánh giá đi. Vợ con không chịu làm theo lời chúng, thế là chúng cắt cổ vợ con ngay trước mặt con. Chúng con rất thương yêu nhau’”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà. Tôi không biết người đàn ông ấy còn ở đảo Lesbo hay đã được đi định cư tại nơi hác. Tôi không biết ông ấy có khả năng ra khỏi cái trại tập trung ấy hay không, các trại tị nạn là những trại tập trung, vì có đông chật người tại đó. Người ta bỏ họ tại đó vì những hiệp định quốc tế dường như quan trọng hơn các quyền con người. Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.
4. Các Đại Học Công Giáo tại Mỹ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội phát triển mạnh
Một số Đại Học tại Mỹ Công Giáo tuy mang danh là Công Giáo nhưng có xu hướng xa rời các giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Họ thường mời các nhân vật gây tranh cãi như Obama, Hilary Clinton … đến nói chuyện, khai mạc năm học mới và bế giảng; và thường xuyên xung đột với đấng bản quyền địa phương.
Chính vì thế, tổ chức Đức Hồng Y Newman mỗi năm xuất bản đều đặn cuốn “Newman Guide” nêu rõ các trường Đại Học nào thực sự gắn bó với các giáo huấn chính thức của Giáo Hội.
Ấn bản lần thứ 10 của cuốn Newman Guide, vừa được công bố, cho thấy có một sự tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn trong các Đại Học khuyến khích sinh viên trung thành với giáo huấn của Giáo Hội.
Patrick Reilly, chủ tịch Hiệp hội Đức Hồng Y Newman, cho biết: “Trong 10 năm qua, các Đại Học được đề cao trong cuốn Newman Guide đã đạt được những thành công đáng kể, song song với việc mang đến một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ.”
Những Đại Học này có thể kể là:
Thomas Aquinas College ở California đã đạt đến mức ghi danh cao nhất trong các Đại Học tại Mỹ, và vừa công bố việc mở thêm một trường mới ở Massachusetts.
Christendom College ở Virginia cũng đã đạt được một mức tuyển sinh rất cao và khởi động chiến dịch vay vốn 40 triệu đô la để mở rộng cơ sở.
Wyoming College đã chứng kiến sự tăng trưởng đến 150% trong bảy năm qua
Đại học Ave Maria ở Florida đã tăng 75%, và Benedictine College ở Kansas tăng 43%.
Benedictine College, năm ngoái là năm liên tiếp thứ 19 có số sinh viên gia tăng, và thánh lễ hàng ngày của họ thu hút khoảng 625 sinh viên mỗi thánh lễ.
Thomas More College ở New Hampshire đã chứng kiến 7 năm tăng trưởng, trong khi thêm vào chương trình việc thực tập tại Tây Ban Nha và việc hành hương đến Ba Lan cùng với các chương trình đã có sẵn tại Rôma và Oxford.
5. Đức Thánh Cha phê bình mô thức thần học “cứng nhắc” và “duy lý”
Đức Thánh Cha đã lên tiếng phê bình mô thức thần học “cứng nhắc” và “duy lý”. Ngài đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Linh cho phép các tín hữu “tiến bước theo con đường cuả thần khí mà không có sự thỏa hiệp, không có sự cứng cỏi”.
Đức Thánh Cha nói rằng một số Kitô hữu dường như tin rằng “Ngôi Lời đã không hóa thành xác phàm, nhưng hóa thành lề luật”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng lịch sử của Giáo Hội được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh chống lại một “tư duy duy lý”, được đặc trưng bởi mô thức “thần học” vâng, bạn có thể; Không, bạn không thể. Ngài nói thái độ này vi phạm sự tự do của Thần Khí được tái sinh trong Thánh Linh.
6. Thắng lợi của Erdoğan là một tin rất buồn cho cộng đoàn Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 16 tháng Tư ở Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không đáng ngạc nhiên, ngoại trừ điều này: Mặc dù, tổng thống Erdoğan đã đóng cửa hầu hết các phương tiện truyền thông đối lập, ông ta chỉ thắng lớn ở các vùng nông thôn và các khu vực đậm nét Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, và đã thất bại ở tất cả các thành phố lớn và ở khu vực người Kurd.
Ông Erdoğan đã thực hiện một cuộc vận động rất mạnh trong số những người theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi tại Thổ Nhĩ Kỳ, là một lực lượng luôn luôn rất mạnh tại nước này; nhưng chiến thắng 51.4%, là một sự thất vọng đối với Erdoğan. Cay cú, Erdoğan, loan báo quyết tâm lập lại án tử hình, và nhiều người trong số những ai đã dám bỏ phiếu chống có lẽ sẽ có một tương lai đầy bất trắc.
Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã chuyển Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước cộng hòa nghị viện sang một chế độ tổng thống chế. Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn như Italia nữa, với một hệ thống quyền lực được phân tán trong các cơ quan hiến định khác nhau (thường dẫn tới các chính phủ rất yếu) nhưng sẽ giống như Hoa Kỳ hoặc Pháp. Nhưng không thực sự như thế. Hiến pháp Hoa Kỳ nổi tiếng về việc “kiểm tra và cân bằng”, trong khi cách làm mới của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ cho thấy quyền lực tập trung ở mức độ đáng chú ý trong tay của một người, là ông Erdoğan.
Rất nhiều nhà bình luận coi đây là cái chết của chế độ dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chỉ đúng có một nửa thôi. Thổ Nhĩ Kỳ làm gì có chế độ dân chủ để mà chết. Cho đến năm 1950, Thổ Nhĩ Kỳ được điều hành đầu tiên bởi Kemal Ataturk, người sáng lập nước cộng hòa, và sau đó bởi Ismet Inonu, người kế nhiệm ông. Họ đều là những nhà độc tài cách này cách khác. Inonu rời nhiệm sở sau khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950, và Celal Bayar lên thay. Năm 1960, quân đội tiến hành đảo chính, Bayar đã bị bắt cùng với Thủ tướng Adnan Menderes, và sau đó bị kết án tử hình và bị treo cổ. Những thứ lịch sử như thế không thể coi là lịch sử của một nền dân chủ đáng tự hào.
Nhận định cho rằng ông Erdoğan đang giết chết nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ phải được nhìn nhận dưới ánh sáng của thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thực sự là một chính thể dân chủ thực sự. Vì thế, nó thật đáng ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ có hơn một nửa số cử tri đã lựa chọn chính phủ độc tài. Ở các nước độc tài như Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc.. con số này ít ra phải là 95%.
Với kết quả 51.4%, ta phải vinh danh những người dám bỏ phiếu KHÔNG. Họ dũng cảm bỏ phiếu Không, và họ sẽ phải đau khổ vì điều này trong tương lai.
Người ta có thể mong đợi điều gì nơi chế độ độc tài mới ở Thổ Nhĩ Kỳ? Trong những năm qua nhiều nhà báo đã bị bỏ tù vì đã viết những điều bị nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho là “sai trái”, và một số đã bị giết vì dám nghĩ “những điều sai trái”. Hiện tại có ít nhất 81 nhà báo đang bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiều cáo buộc chống nhà nước, khiến Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu thế giới về việc bắt giam các nhà báo. Và chúng ta đừng quên Hrant Dink, bị sát hại chỉ vì dám dũng cảm đề cập đến vụ diệt chủng người Armenia năm 1915.
Một lần nữa, chúng ta không thể hy vọng có những cải thiện trong thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thiểu số Kitô giáo. Sự hỗ trợ của ông Erdoğan xuất phát chủ yếu từ khu trung tâm Hồi Giáo Anatolia, và đây là một khu vực bài Kitô giáo mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi thỉnh thoảng lại bùng phát các hoạt động chống lại các Kitô hữu, và đáng lo ngại hơn, những hoạt động này thường được sự hỗ trợ bí mật từ chính quyền.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây các quan ngại của thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc theo đó các bồi bút cho chính quyền Erdoğan đã đi quá xa khi vu cáo Giáo Hội Công Giáo với những vai trò đầy huyền thoại trong cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7, 2016. Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả do chính Erdoğan dàn dựng để có cớ thu tóm quyền hành.
Sau cuộc đảo chánh hụt này, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại giáo sĩ Hồi Giáo Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.
Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, 2016 đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Imam Fethullah Gulen. Bất chấp thực tế Fethullah Gulen là một giáo sĩ cao cấp của Hồi Giáo, ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.
Ông Erdoğan có kỷ lục về việc hăm dọa những người ngoại quốc sống trên đất Thổ, và Kitô hữu thường được đồng hóa với người ngoại quốc trong tâm thức của nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ. Các Kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những người cải đạo, đang ở trong một thời kỳ rất khó khăn với chế độ độc tài mới của Thổ Nhĩ Kỳ.
7. Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.
Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các Phật Tử trên thế giới nhân dịp lễ Phật Đản và cổ võ cùng nhau cấp thiết thăng tiến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.
Trên đây là nội dung Sứ điệp của Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và của Ðức Cha Tổng thư ký Miguel Ángel Ayoso Guixot, công bố hôm 22 tháng 4 năm 2017 nhân lễ Vesakh. Ðối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ này mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Ðức Phật, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau. Năm 2017 lễ Vesakh được cử hành vào ngày 10 tháng 5 năm 2017.
Trong sứ điệp, Hội đồng Tòa Thánh nhận xét rằng trong khi nhiều tín hữu dấn thân thăng tiến hòa bình, thì có những người khác lại khai thác tôn giao để biện minh cho những hành vi bạo lực và oán thù.
Chúa Giêsu và Ðức Phật cũng cổ võ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết “Cả Chúa Giêsu cũng sống trong thời kỳ bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và an bình đụng độ nhau chính là tâm hồn con người: “Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu”
Cả Ðức Phật cũng loan báo một sứ điệp bất bạo động và hòa bình, khuyến khích tất cả mọi người “hãy chiến thắng kẻ giận dữ không phải bằng sự nổi giận, chiến thắng kẻ gian ác bằng sự từ nhân, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật”
Cụ thể hơn, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cổ võ sự dấn thân chung của các tín hữu Kitô và Phật tử và khẳng định rằng:
“Chúng ta đồng ý là bạo lực nảy sinh từ trái tim con người, và sự ác của con người đưa tới những cơ cấu gian ác. Vì thế chúng ta được kêu gọi thực hiện một công trình chung: nghiên cứu những nguyên nhân gây nên bạo lực; giảng dạy cho các tín hữu liên hệ cách thức chiến thắng sự ác trong tâm hồn của họ; giải thoát khỏi sự ác các nạn nhân cũng như những người phạm những hành vi bạo lực; huấn luyện tâm trí của tất cả mọi người, đặc biệt là các trẻ em, hãy yêu mến và sống an bình với tất cả mọi người và với môi trường; giảng dạy rằng không có hòa bình nếu không có công lý, và cũng không có công lý đích thực nếu không có tha thứ; mời gọi tất cả mọi người hãy cộng tác vào việc phòng ngừa các xung đột trong sự tái thiết các xã hội bị phân tán; khuyến khích các phương tiện truyền thông xã hội tránh và bài trừ những diễn văn oán thù, và những tương quan phe phái, khiêu khích; khuyến khích những cuộc cải tổ giáo dục để phòng ngừa sự giải thích xuyên tạc và xấu xa về lịch sử và các sách Kinh Thánh; sau cùng là cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới qua việc cùng nhau tiến bước trên con đường bất bạo động”
8. Cha Samuel Okwuidegbe linh mục dòng Tên bị bắt cóc ở miền nam Nigeria.
Cha Samuel Okwuidegbe, dòng Tên, 50 tuổi, bị bắt cóc hôm 18 tháng 04 năm 2017, trên đường từ thành phố Benin đến Onitsha.
Theo tin của báo La Croix, cha Okwuidegbe đang đi đến nơi giảng tĩnh tâm, cách trung tâm tĩnh tâm nơi cha điều hành và sống với 3 tu sĩ dòng Tên khác 150 cây số. Chiếc xe của cha được cảnh sát tìm thấy khi họ đi tìm cha.
Cha Rigobert Kyungu Musenge, Tổng thư ký dòng Tên vùng châu Phi và Madagasca cũng cho biết là có 2 người khác bị bắt cóc cùng với cha Okwuidegbe, và theo cha, đây là lần đầu tiền một linh mục dòng Tên là nạn nhân của vụ bắt cóc ở trong vùng. Cha không nghĩ là cha Okwuidegbe bị bắt cóc vì là linh mục.
Năm 2016, một số linh mục Công Giáo bị bắt cóc tại các vùng khác nhau ở Nigeria, đặc biệt là ở khu vực phía nam.
Cha Sylvester Onmoke, chủ tịch hội linh mục giáo phận của Nigeria đã mô tả “làn sóng bắt cóc các linh mục và tu sĩ gần đây như một cuộc tấn công vào Giáo Hội”