Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ 14.07.2017

1. Tâm trạng của các tín hữu Kitô tị nạn khi hay tin Mosul hoàn toàn giải phóng: mừng thì ít, sợ thì nhiều

Ngày 16 tháng 10 năm ngoái 2016, khi hay tin quân Iraq và quân Kurd hiệp đồng tác chiến mở chiến dịch giải phóng Mosul, hàng trăm ngàn tín hữu Kitô Iraq đang tị nạn tại thành phố Erbil đã tràn ra đường hân hoan mừng rỡ. Chuông nhà thờ đổ từng hồi dài.

Hôm thứ Hai 10 tháng 7, thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, các tín hữu Kitô tị nạn tại Erbil không có sự mừng rỡ như người ta trông đợi.

Rabea, một Kitô hữu lánh nạn Hồi Giáo từ năm 2014, nói với tổ chức International Christian Concern: “Bây giờ, Mosul được giải phóng hoàn toàn nhưng nhà cửa tan nát hết. chúng tôi không rõ liệu chính phủ có khả năng để giúp người dân những chi phí xây dựng lại cộng đồng của chúng tôi hay không? Nhà cửa của chúng tôi bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS trao cho những người khác cư ngụ, liệu họ có trả lại cho chúng tôi một cách hòa bình hay không?”

Cha Albert, một linh mục tại thủ đô Baghdad nói thêm với tổ chức International Christian Concern:

“Vấn đề là sự đánh mất niềm tin tưởng lẫn nhau. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phá vỡ các cộng đồng và Kitô hữu sẽ khó có thể hòa hợp trong cộng đồng thành phố Mosul một nữa. Nhà cửa tan nát và lòng người cũng tan nát.”

Ahmed Amouri, một sĩ quan trong lực lượng chống khủng bố của Iraq cũng bày tỏ những lo ngại trước những hệ quả lâu dài về ý thức hệ cực đoan Hồi Giáo mà IS đã gieo vào tâm trí những người Hồi Giáo Sunni tại Mosul. Anh nói với International Christian Concern:

“Lực lượng của chúng tôi đang giao tranh với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại khu vực cổ thành Mosul. Hàng chục gia đình đang chạy về phía chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy một phụ nữ đang bế một đứa trẻ trong vòng tay mình có một thái độ kỳ lạ. Khi đi ngang qua chúng tôi. Cô ta liên tục bấm một cái gì đó trên tay. Đó là cái bộ điều khiển để kích hoạt bom quấn quanh người cô ta”.

“Tôi không thể tin rằng một người phụ nữ sẽ nổ bom tự sát trong khi bế trên tay mình một đứa trẻ thơ vô tội như thế, nhưng ISIS đã có thể gieo vào lòng họ tất cả những điều kì quái và lạ lùng”

Đài truyền hình Al-Mawskeya quay lại toàn bộ vụ nổ bom tự sát này như hình bên cạnh.

“May mắn cho tôi, bom không phát nổ ngay khi cô ta đi ngang qua tôi. Vài phút sau, những quả bom mới phát nổ.”

Amouri nằm trong số sáu binh sĩ bị thương trong vụ nổ này. Anh nói tiếp:

“Tôi bị thương nhẹ và được đưa lên một chiếc humvee. Đột nhiên trong dòng người tị nạn, một phụ nữ khác chạy nhanh về phía chúng tôi la lên ‘Allahu akbar’. Một binh sĩ nhanh trí bắn nhiều phát vào cô ta. Cô ta quỵ xuống nhưng vẫn còn khả năng kích hoạt chất nổ trên người. Cô ta chết trên mặt nở một nụ cuời thật mãn nguyện. 12 người khác trong dòng người tị nạn chết theo cô ta và hàng chục người khác bị thương.”

Cho đến nay, ít nhất đã có 30 phụ nữ Iraq nổ bom tự sát. Họ là những cư dân của thành Mosul đã đi theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn chống cự đến giờ phút cuối cùng là những tên thánh chiến Hồi Giáo người nước ngoài. Những tên khủng bố IS là cư dân của Mosul thường cạo râu đi và trà trộn trong dòng người tị nạn thoát ra ngoài an toàn chờ cơ hội tấn công một lần nữa.

2. Nhị Vị Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump Và Brigitte Macron Kính Viếng Nhà Thờ Đức Bà Paris

Lúc 17 giờ chiều ngày 13/07/2017, Nhỉ vị Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Brigitte Macron chiêm ngắm kính màu hình hoa hồng thiết trí từ thế kỷ 13 vào lúc bước vào Vương cung Thánh đường Notre Dame de Paris và được Đức Ông Viện trưởng Patrick Chauvet (hình trên, tận cùng phải) chào đón, cùng với chánh văn phòng Lê Đình Thiên Ân (tận cùng trái). Cùng lúc, đại phong cầm Vương cung Thánh đường trổi quốc thiều Hoa Kỳ.

Trong lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump ngày 20/01/2017 tại điện Capitol, bà Melinia đã đặt tay lên cuốn Kinh Thánh của Abraham Lincoln tuyên thệ.

Nhị vị Đệ nhất phu nhân đã chiêm ngắm Thánh tượng Pietà, còn gọi là Thánh tượng Đức Mẹ Sầu bi (Mater dolorosa) ngự trên cung thánh. Thánh tượng này do điêu khắc gia Nicolas Coustou thực hiện, phụng mệnh vua Louis XIV, đáp lại nguyện ước của phụ vương Louis XIII. Đức Bà xót thương, ôm Chúa được đưa xuống từ cây Thánh giá, phía trái có vua Louis XIII dâng triều thiên và vương trượng ; phía trái : vua Louis XIV chắp tay cung kính cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Dưới ngọn bạch lạp lung linh, Đức Ông Patrick Chauvet đã giới thiệu với nhị vị Đệ nhất Phu nhân bảo vật của Nhà thờ Đức Bà : mạo gai Chúa Cứu Thế, đường kính 21 cm, trong các thế kỷ đầu công nguyên được thờ kính trong Nguyện đường triều đình Constantinople. Sau cùng, ngày 19/08/1239, mạo gai được thủ đô Paris cung nghinh. Nhà vua khoác áo choàng, đi chân đất, rước mạo gai vào ngự trong Nhà Thờ Đức Bà Paris đến ngày nay.

Sau cùng, nhị vị Đệ nhất Phu nhân đến chiêm bái và thắp nến cầu nguyện trước Thánh tượng Đức Bà bồng Chúa Hài đồng Giêsu. Vào thế kỷ XIV, thánh tượng được chuyển tử Nguyện đường Saint-Aignan, ngày nay ngự trị bên phải cung thánh. Bà Melania đã cúng lễ vật và ký vào số vàng của ngôi thánh đường được thăm viếng nhiều nhất châu Âu.

Nhị vị Đệ nhất Phu nhân kính viếng Nhà Thờ Đức Bà Paris là do lời yêu cầu của bà Melania Trump. Trong buổi thăm viếng, Bà Macron mặc áo trắng. Bà Trump mặc áo màu huyết dụ.

3. Đức Thánh Cha cử ĐHY Gregorio Rosa Chavez làm đặc phái viên hòa bình đến bán đảo Đại Hàn

Đang khi cử hành một Thánh Lễ ở quê hương El Salvador, Đức tân Hồng Y Gregorio Rosa Chavez cho biết sứ vụ quan trọng đầu tiên của ngài là đến Đại Hàn (Korea) để họp bàn về vấn đề hòa bình với Bắc Hàn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên).

Trong bài giảng tại Nhà thờ chính tòa San Salvador vào hôm 8 tháng 7, Đức Hồng Y Rosa Chavez nói rằng mặc dù ngài sẽ “tiếp nối sứ vụ là một trong những anh em giám mục phụ tá” của giáo phận, nhưng ngài cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô ủy thác cho một số nhiệm vụ khác.

“Tôi đã nhận được lời mời đầu tiên đến Seoul Nam Hàn (Hàn Quốc) để tham dự một hội nghị họp bàn về phương cách để chúng ta có thể đạt được nền hòa bình cho Bắc Hàn và Nam Hàn”, Đức Hồng Y nói.

Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Đại Hàn (Triều Tiên) sau khi phía Bắc Hàn tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên thành công vào hôm 4 tháng 7 vừa qua. Với khoảng cách ước tính là 8.000 km, hỏa tiễn này với một đầu đạn nguyên tử có khả năng chạm đến lục địa Hoa Kỳ.

Đáp lại, quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm thị uy với Bắc Hàn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, phía Bắc Hàn đã không cho thấy dấu hiệu từ bỏ tham vọng nguyên tử của họ.

Đức Hồng Y Rosa Chavez – người đã từng cộng tác chặt chẽ với Chân phước Oscar Romero trước khi ngài bị ám sát hồi năm 1980 – được ca ngợi vì vai trò của ngài trong các cuộc đàm phán hòa bình ở El Salvador sau 12 năm nội chiến.

Hôm 10 tháng 7, Ông Manuel Roberto Lopez – Đại sứ của El Salvador cạnh Toà Thánh nói rằng vai trò mới này của Đức Hồng Y Rosa Chavez “đặt đúng ngài vào sở trường mà ngài vốn có có kinh nghiệm tuyệt vời”.

“Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chavez là người đã cộng tác đắc lực trong hiệp định hòa bình ở El Salvador vì ngài là người Salvador duy nhất tham dự vào từng cuộc đàm phán diễn ra từ năm 1984 đến 1989”, ông đại sứ nói.

Nhận thấy rằng cuộc xung đột ở bán đảo Đại Hàn “ngày càng phức tạp hơn” và “sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều”, ông Lopez cho rằng kinh nghiệm của Đức Hồng Y Rosa Chavez có thể giúp đưa cả hai phía bước vào bàn đàm phán.

“Tôi đã biết ngài từ nhiều năm nay và là một người thực sự giản dị trong cách mà ngài gần gũi với mọi người, ngài là một giám mục phụ tá nhưng luôn sát cánh với mọi người, luôn mang trong mình mùi chiên, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói”, ông Lopez nhận xét.

“Đức Thánh Cha đã nhận thấy ở Đức Hồng Y một tầm quan trọng nào đó để giao cho ngài sứ vụ này trong triều đại giáo hoàng của mình. Đó là quan điểm của tôi”, ông đại sứ nói. (UCANews)

4. Không thể thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai.

(EWTN News/CNA) Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC vừa qua, bà Gates nói rằng bà rất “lạc quan” là Giáo Hội Công Giáo sẽ thay đổi giáo huấn về việc ngừa thai để có thể giúp đỡ các phụ nữ tại các nước đang phát triển.

Gates đã nói rằng “Chúng tôi làm việc rất sát với Giáo Hội Công Giáo và chúng tôi đã có nhiều cuộc bàn thảo bởi vì chúng tôi cùng có chung một lý tưởng về công bình xã hội và chống nghèo đói. “

“Và tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng này cũng muốn giúp người ta thoát khỏi cảnh nghèo đói, giúp những việc có thể làm được cho phụ nữ” ngay cả “chúng tôi đã đồng ý với nhau là vào thời điểm này vẫn có những bất đồng“ về vấn đề ngừa thai.

Sở dĩ bà Gates đã phát biểu như trên vì hội từ thiện của bà là Bill and Melinda Gates Foundation đang tổ chức một cuộc họp quốc tế cao cấp ở London về vấn đề ngừa thai tại các nước đang phát triển. Bà hy vọng là Giáo Hội sẽ xem xét lại và có thể thay đổi giáo huấn về vấn đề ngừa thai theo thời gian.

Nhưng John Grabowski, một Giáo Sư thần học luân lý và đạo đức của Đại Học Công Giáo, Catholic University of American, nói rằng không thể có sự thay đổi được.

Ông nói với CNA rằng “Giáo huấn chống lại việc ngừa thai không phải là giáo huấn mới đây, không phải là điều được đặt ra bởi ĐGH Phaolô VI vào năm 1968”

Vào năm 1968, ĐGH Phaolô VI đã viết tông huấn Humanae Vitae (Sự Sống Con Người), nhắc bảo “quy định về sinh sản” theo giáo huấn của Giáo Hội áp dụng cho thế giới hiện đại về kế hoạch hóa gia đình và ngừa thai

Giáo huấn này cũng được khẳng định trong sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở điều 2370 rằng sự ngừa thai ám chỉ “không dâng hiến trọn vẹn cho nhau. Điều này dẫn đến không những có sự từ chối quyết liệt đón nhận sự sống mà còn có sự giả tạo tính chất của tình yêu vợ chồng đích thực, một tình yêu đòi hỏi sự hiến thân trọn vẹn cho nhau…Sự khác biệt nhân học và luân lý giữa việc chống thụ thai, và việc vào dựa vào những chu kỳ không thụ thai..nói lên hai quan niệm về con người và về tính dục con người hoàn toàn khác nhau.”

Giáo sư Grabowski nói rằng “Thập niên 1960 không phải là thời kỳ đầu tiên cũng chẳng phải là thời kỳ duy nhất Giáo Hội xác định rằng hành động tính dục trong hôn nhân mang một ý nghĩa sinh sản và kết hợp không thể tách rời.

“Giáo huấn này đã có ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, vì thế Giáo Hội (kể cả ĐGH Phanxicô) không thể thay đổi giáo huấn mang tính liên tục,phổ quát, và thẩm quyền này được.”

Hơn nữa “Không thấy có một dấu hiệu nào nơi ĐGH Phanxicô là ngài muốn thay đổi. Trong khi đó ĐGH đã hoàn toàn khẳng định giáo huấn của Giáo Hội trong lãnh vực này.”

Trong tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Tình Yêu) ĐGH Phanxicô đã nói rất rõ ràng về quan điểm của ngài “Ngay từ đầu, tình yêu không chấp nhận bất cứ động lực nào làm nó khép kín. Tình yêu mở rộng đón nhận hoa trái có sức làm cho tình yêu thêm phong phú. Vì thế không một hành vi giao hợp vợ chồng nào có thể khước từ ý nghĩa này, cho dù, vì nhiều ly do khác nhau, có thể không luôn luôn thực sự sinh ra một sự sống mới.”

Một trong các vị tiền nhiệm là ĐGH Gioan Phaolô II cũng dậy rằng ngừa thai không chỉ là vi phạm luật tự nhiên, nhưng khước từ giáo huấn về tình dục và hôn nhân đã được mạc khải cho con người qua Kinh Thánh. Đây là một sự thật đã được ủy thác cho Giáo Hội vì thế Giáo Hội không có quyền để thay đổi.

Hơn thế nữa các dữ kiện khoa học không có sực thuyết phục rằng ngừa thai là điều đúng với phụ nữ như bà Gates đã tuyên bố. Thật ra ngừa thai có hại cho sức khỏe của phụ nữ, ngay cả chỉ cần số lượng nhỏ thuốc uống như Class 1 carcinogen chẳng hạn, có nguy cơ gây trụy tim, đột quỵ, khó thở… thế thì bảo ngừa thai tốt cho phụ nữ ở chỗ nào?

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa cổ vũ cho việc ngừa thai. Nhưng thay vì ngừa thai, Giáo Hội đưa ra nhiều phương pháp như biết rõ chu kỳ thụ thai, kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên. Những phương pháp này được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển và dĩ nhiên Giáo Hội luôn giúp đỡ những ai muốn tuân theo giáo huấn của Giáo Hội.

 

Vietcatholic

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *