Video: Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2018

 

1. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018.

Hôm 24 tháng 11, Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa bình thế giới mùng 1 tháng 1 năm 2018 đã được công bố với chủ đề: “Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”.

Trong sứ điệp, sau khi nhắc đến sự kiện trên thế giới hiện có hơn 250 triệu người di cư và trong đó có 22 triệu rưỡi người tị nạn, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”. Ngài nhìn nhận các chính quyền có nhiệm vụ thực thi nhân đức khôn ngoan thận trọng, biết đón nhận, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập những người nhập cư, thiết lập các biện pháp thực hành… Chính quyền có trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đoàn của mình, đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hòa hợp”.

Ðức Thánh Cha cũng phân tích những nguyên nhân tạo nên số người di cư và tị nạn đông đảo như ngày nay, và ngài mời gọi mọi người nhìn vấn đề này trong viễn tượng đức tin, tình liên đới và huynh đệ, ước muốn thiện ích, sự thật và công lý, nhìn nhận những khía cạnh tích cực của những người di dân và tị nạn. Ngài viết:

“Khi quan sát những người di dân và tị nạn, ta sẽ khám phá thấy họ không đến tay không: họ mang nhiều can đảm, khả năng, nghị lực và khát vọng, cùng với những kho tàng văn hóa nguyên quán, nhờ đó họ làm cho cuộc sống quốc gia đón nhận được thêm phong phú. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tinh thần sáng tạo, kiên trì, tinh thần hy sinh của bao nhiêu cá nhân, gia đình và cộng đoàn ở các nơi trên thế giới mở tâm lòng đố với những người di dân và tị nạn, kể cả tại những nơi không có nhiều tài nguyên”.

Ði vào cụ thể hơn, Sứ điệp của Ðức Thánh Cha đề nghị 4 hành động cần thực hiện đối với những người di dân và tị nạn, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.

– Việc đón tiếp đòi phải cấp thiết mở rộng khả thể cho người di dân và tị nạn được nhập cư hợp pháp, không đẩy đưa họ vào những nơi có bách hại và bạo lực, quân bình mối quan tâm về an ninh quốc gia với sự bảo vệ các quyền căn bản của con người.

– Việc bảo vệ nhắc nhớ nghĩa vụ nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của những người trốn chạy nguy hiểm, và tìm kiếm nơi ẩn náu, an ninh, ngăn cản sự bóc lộc họ.

– Việc thăng tiến có liên quan đến sự phát triển nhân bản toàn diện cho người di dân và tị nạn: ví dụ đảm bảo cho các trẻ em và người trẻ được giáo dục ở các cấp..

– Sau cùng, việc hội nhập giúp người di dân và tị nạn hoàn toàn được tham gia vào đời sống xã hội đón tiếp họ, làm cho nhau được thêm phong phú.

2. Các Giám mục kêu gọi dân chúng hãy kiên tâm và bình thản trước sự kiện nhà độc tài Mulgabe từ chức

Trước biến cố tổng thống nước Cộng Hòa Zimbabue là Ông Robert Mugabe từ chức, các Giám mục Công Giáo của đất nước này đã kêu gọi dân chúng hãy vì lợi ích của quốc gia mà kiên nhẫn và nỗ lực vãn hồi hòa bình trật tự theo Hiến pháp.

Trong một tuyên bố ngày 19/11 các giám mục Zimbabwe tuyên bố: “Giáo hội hết lòng cầu nguyện trong khi theo dõi các sự kiện căng thẳng đang xảy ra cho đất nước. Chúng tôi, các chủ chăn của khối người Công Giáo kêu mời mọi người công dân, các chiến binh của Lực lượng Quốc phòng Zimbabue và các chính trị gia hãy vì lợi ích chung của quốc gia mà quan tâm, không ngừng làm việc không mệt mỏi cho mục tiêu hòa bình của cuộc khủng hoảng hiện nay hầu nhanh chóng khôi phục hòa bình và bình thường hóa cuộc sống theo trật tự của Hiến pháp”.

Bức thư đã được các vị Giám mục sau đây ký: Đức cha Michael D. Bhasera của Giáo phận Masvingo và Gweru; Đức Tổng Giám Mục Robert C. Ndlovu của Harare và của Chinhoyi; Đức Tổng Giám Mục Alex Thomas của Bulawayo; Đức Giám Mục Albert Serrano của Hwange; Đức Giám Mục Paul Horan của Mutare; và Đức Giám Mục Rudolf Nyandoro của Gokwe.

Sau khi Tổng thống Mugabe sa thải phó chủ tịch Emmerson Mnangagwa cách đây hai tuần, hàng ngàn người đã biểu tình, xuống đường yêu cầu ông Mugabe từ chức. Sau đó Lực lượng quân đội Quốc gia Zimbabwe đã làm áp lực và cô lập ông trong tư gia như một cuộc đảo chính và đòi hỏi Tổng thống phải điều trần trước quốc dân. Trong cuộc điều trần đó, ông đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 21 tháng 11, sau 37 năm trị vì!

Các thành viên của Zanu-PF đã lên án Tổng thống Mugabe, để cho vợ ông là phu nhân Grace Mugabe, lạm quyền thay đổi hiến pháp và vi phạm hiến pháp trong các cuộc tranh cử.

Ông cũng bị cáo buộc là quản lý tài chánh đất nước một cách tồi tệ. Theo đài BBC, hiện nay mức sống của người dân trung bình ở Zimbabwe còn thấp hơn 15% so với nếp sống trước khi ông lên cầm quyền.

Theo đài BBC cho hay nhiều nghị sĩ đã nhảy múa trên sàn nghị viện khi nghe tin ông ta từ chức; còn dân chúng thì reo hò nhẩy múa trên các đường phố của thủ đô.

Thủ tướng Anh Theresa May đã gọi việc từ chức này là cơ hội cho Zimbabwe “thăng tiến trước những con đường khép kín độc đoán của ông Mugabe”.

Tổng thống Mugabe là người lãnh đạo lâu đời nhất thế giới, dù đã đạt tới 93 tuổi thọ. Ông đã nắm quyền hành từ năm 1980. Trong quá trình chuyển giao quyền lực và quản trị sắp tới, các giám mục Công Giáo đã khuyến khích tổ chức “các cuộc bầu cử, tham vấn vô vị lợi và công bằng”, đồng thời ưu tiên cho sự tôn trọng nhân quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế cho cuộc sống của nhân dân.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người hãy kiềm chế và kiên nhẫn trong một thời điểm căng thẳng này; dân chúng cần tôn trọng luật pháp. Chúng tôi cũng nhắc nhở tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, các phương tiện truyền thông, và toàn thể dân chúng đừng có những hành động quá khích hay bạo động xảy ra trong thời phút tiến hành các thủ tục xây dựng quốc gia đầy tế nhị và căng thẳng hiện nay. Hãy tiến về phía trước, các giám mục Zimbabue nhấn mạnh sự cần thiết phải có tòa án dân sự xét xử công minh những người đã gây ra thiệt hại cho đất nước, đồng thời cũng cầu nguyện cho một tương lai yên bình và thịnh vượng của đất nước”.

3. Khủng bố Hồi Giáo tung bích chương xúc phạm Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một hành động đáng bị lên án mạnh mẽ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra một tấm bích chương mô tả Đức Giáo Hoàng bị chúng chặt đầu.

Hình ảnh mà chúng tôi quyết định không đưa lên, mô tả một tên thánh chiến Hồi Giáo. Y đứng đắc thắng trên thân thể của một tù nhân trong bộ quần áo màu da cam, trong khi vẫn giữ đầu của Đức Giáo Hoàng.

Tên khủng bố, đội một chiếc khăn màu trắng, đang đứng trước một số tòa nhà bị cháy rụi và phá hủy. Bên cạnh đầu của Đức Giáo Hoàng với hàng chữ “Jorge Mario Bergoglio”.

Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, gọi tắt là MEMRI, báo cáo rằng nhóm truyền thông Wafa, một cơ quan tuyên truyền có liên kết với bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã tung ra hình ảnh này. Tấm hình xuất hiện chỉ vài ngày sau khi bọn chúng tung ra một tấm bích chương mô tả một tên khủng bố đang lái xe lao vào Đền Thờ Thánh Phêrô, với những lời lẽ đe dọa một cuộc tấn công khủng bố tại Vatican vào dịp Giáng sinh năm nay.

Các nhà phân tích MEMRI cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS này có thể đang cố thúc đẩy các cuộc tấn công vào dịp Giáng Sinh của những “con sói đơn độc” ở châu Âu khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhìn nhận sự sụp đổ của chúng ở Iraq và Syria.

Tháng 12 năm ngoái, một tên khủng bố ISIS đã lái xe một tải tông vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin, giết chết 11 người và làm bị thương 56 người khác.

Vào ngày lễ các Thánh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công gần đây trên khắp thế giới. Ngài nói rằng: “Chúng ta cầu xin Chúa hóa cải con tim của những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi hận thù và sự điên rồ giết người lạm dụng danh Chúa, đang gây ra tử vong tràn lan trên thế giới.”

4. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và những thị kiến về cuộc xâm lược của Hồi Giáo tại Âu Châu

Đức Gioan Phaolô II nổi tiếng là vị Giáo Hoàng thúc đẩy mạnh các cuộc đối thoại liên tôn giữa người Công Giáo và người Hồi giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân vào một đền thờ Hồi giáo vào năm 2001.

Tuy nhiên, trong thông điệp Ecclesia in Europa (Giáo Hội tại Âu Châu), vào năm 2003, vị thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã viết rằng đối thoại với Hồi giáo “cần được tiến hành thận trọng, với những ý tưởng rõ ràng về những khả thể và những giới hạn, trong khi tin tưởng vững chắc vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả con cái của Người”.

Ngài cũng cho biết thêm: “Cần phải tính đến những dị biệt đáng kể giữa văn hoá châu Âu, nguồn gốc Kitô giáo sâu xa, và tư tưởng Hồi giáo.”

Trong bài St John Paul II ‘had vision of an Islamist invasion of Europe’ (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một thị kiến về một cuộc xâm lược của Hồi Giáo tại Âu Châu), tờ Catholic Herald cho biết, Đức Ông Mauro Longhi nói rằng vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã tiên đoán một ‘vết thương chết người’ cho Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một cái nhìn tiên tri về “một cuộc xâm lược Hồi giáo vào châu Âu”, Đức Ông Mauro Longhi cả quyết.

Đức Ông Mauro Longhi, thường đi cùng với vị Giáo Hoàng Ba Lan trong những chuyến đi nghỉ hè trên các miền núi, nói rằng Thánh Gioan Phaolô là người có đặc sủng được thị kiến và “đàm thoại” với Đức Mẹ.

Đức Ông Mauro Longhi, linh mục Opus Dei, đã nhận xét như trên trong bài thuyết trình tại Tu Viện hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ ở Bienno, miền bắc nước Ý. Bài thuyết trình của ngài đã được đăng trên YouTube.

Trong một chuyến nghỉ hè vào năm 1992, vị Đức Ông Longhi nói, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có về một thị kiến bi quan về tương lai của Châu Âu.

“Đức Giáo Hoàng đã nói với tôi: ‘Tôi thấy Giáo Hội bị tổn thương bởi một vết thương chết người. Sâu sắc hơn, đau đớn hơn những gì đã xảy ra thiên niên kỷ này’, ám chỉ đến chế độ Cộng sản và Đức Quốc xã. Nó được gọi là Hồi Giáo hóa. Họ sẽ xâm chiếm châu Âu. Tôi đã nhìn thấy những đám đám đông đến từ phương Tây và phương Đông.”

Theo Đức Ông Mauro Longhi, vị Giáo Hoàng Ba Lan nói thêm: rằng “Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba, phải ngăn chặn cuộc xâm lăng này. Không phải với quân đội, vì quân đội không ăn thua gì, nhưng với đức tin, và một cuộc sống liêm chính”

Đức Ông Longhi đã đi cùng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong các chuyến đi bộ và trượt tuyết từ năm 1985. Ngài nói vị Giáo Hoàng Ba Lan thường rời khỏi Rôma trong một chiếc xe rẻ tiền, để không thu hút sự chú ý của công chúng, và ngài thường cư trú trong một nhà của Opus Dei ở vùng núi Abruzzo.

Vào ban đêm, Đức Giáo Hoàng thường quỳ gối trước nhà tạm bên trong nhà nguyện, nói chuyện “đôi khi rất sống động” với Chúa.

Đức Ông Longhi cũng nói rằng Đức Hồng Y Andrzej Deskur, một trong những người bạn thân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cho biết vị giáo hoàng có “đặc sủng được thị kiến với Chúa Giêsu và Mẹ Người”

5. Đức Thánh Cha bổ sung vào chương trình tông du cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện

Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Charles Bo, Đức Thánh Cha đã bổ sung thêm hai cuộc họp vào chuyến thăm viếng đất nước này. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nhóm tôn giáo thiểu số; và thứ hai là cuộc gặp gỡ với tư lệnh quân đội Miến Điện, người nắm giữ quyền lực chính trị rất lớn tại quốc gia này.

Ông Greg Burke, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các đại diện của các tôn giáo tại Miến Điện vào ngày 28 tháng Mười Một và gặp Tướng Min Aung Hlaing vào ngày hôm sau. Ông Burke cũng cho biết Thánh lễ dành cho công chúng ở Yangon vào ngày 29 tháng 11 sẽ bắt đầu sớm hơn một giờ so với kế hoạch ban đầu vì thời tiết quá nóng.

Khoảng 90 phần trăm dân số của Miến Điện theo Phật giáo Theravada, và theo dự kiến Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc họp với hội đồng tối cao Phật Giáo Miến Điện gọi tắt là Sangha vào lúc 16:15 chiều thứ Tư 30 tháng 11 tại chùa Kaba Aye. Nhưng Miến Điện cũng là quê hương của người Hồi giáo, người Ấn Giáo và những người theo các truyền thống Phật giáo khác, cũng như những người Tin Lành, là nhóm Kitô hữu vượt xa số người Công Giáo trong nước.

Quân đội ở Miến Điện, đặc biệt là tướng Min Aung Hlaing, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt trong những chiến dịch chống lại người Rohingya. Quân đội Miến Điện luôn tuyên bố cuộc đàn áp của họ là một phản ứng đối với bạo động Hồi Giáo, nhưng Liên Hiệp Quốc nói rằng những cuộc đàn áp này là các phản ứng không cân xứng và chủ yếu là để thanh lọc sắc tộc.

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, người đề nghị Đức Giáo Hoàng gặp gỡ tướng Min Aung Hlaing, nói rằng ngài đề nghị Đức Thánh Cha không sử dụng từ “Rohingya” vì sợ sẽ có những căng thẳng từ phía những người Phật Giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc, cũng như từ quân đội Miến Điện.

Ông Burke nói với các phóng viên rằng họ sẽ phải lắng nghe những bài phát biểu của Đức Thánh Cha để xem ngài có chấp nhận đề nghị đó hay không.

Ông Burke nói thêm là đại diện của hàng trăm nghìn người tị nạn Rohingya đang sống ở Bangladesh sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 1 tháng 12 tại Dhaka trong một cuộc họp liên tôn và đại kết vì hòa bình.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Latvia, Lithuania và Estonia

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Latvia, Lithuania và Estonia trong năm tới, khi ba quốc gia Baltic này kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Janis Siksnis, cố vấn của Tổng thống Latvia, khẳng định như trên với hãng thông tấn AP hôm thứ Năm nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào.

Phát ngôn viên của Tổng thống Litva, Dalia Grybauskaite, là Daiva Ulbinaite, trước đó cũng đã nói với hãng tin Baltic News rằng chuyến tông du này được dự kiến diễn ra vào mùa thu năm 2018. Baltic News cho biết Vatican sẽ sớm công bố chính xác ngày giờ cụ thể cho chuyến đi.

Đây sẽ là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng thăm viếng các nước Baltic. Tháng 9 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II đã đến vùng này. Ngài bắt đầu chuyến tông du tại Lithuania, nơi có cộng đồng Công Giáo lớn nhất ở vùng Baltic. Hơn 75 phần trăm trong số gần ba triệu cư dân của quốc gia này là người Công Giáo.

Ba nước Baltic tuyên bố độc lập khỏi Nga vào năm 1918 nhưng đã bị sáp nhập vào Nga vào năm 1940 và đã bị xem là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991.

Trong năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một chuyến đi được xác nhận là chuyến tông du từ ngày 15 đến 22 tháng Giêng tại Chile và Peru. Ngài cũng sẽ thăm Ái Nhĩ Lan vào tháng Tám năm tới trong khuôn khổ Đại hội Thế giới Các Gia đình.

7. Đức Thánh Cha chia buồn với nhân dân Ai Cập và mạnh mẽ lên án vụ khủng bố Đền thờ Hồi giáo tại miền bắc bán đảo Sinai.

Hôm thứ sáu 24-11, quân khủng bố đã tấn công bằng lựu đạn và bắn loại xạ vào các tín hữu đang cầu nguyện tại Đền thờ Hồi giáo Rawda làm cho ít nhất 235 người thiệt mạng và 130 người bị thương.

Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến chính quyền và nhân dân Ai Cập, Đức Hồng Y Pietro Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“Đức Thánh Cha Phanxicô rất đau buồn khi hay tin bao nhiêu người bị thiệt mạng do các cuộc tấn công khủng bố tại Đền thờ Hồi giáo Rawda ở miền bắc Sinai. Ngài bày tỏ tình liên đới với nhân dân Ai Cập trong giờ phút tang thương này của quốc gia và ngài phó thác các nạn nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa tối cao, đồng thời khẩn cầu phúc lành an ủi và bình an cho gia đình họ.

Đức Thánh Cha tái mạnh mẽ lên án hành động hèn nhát tàn ác chống lại các thường dân vô tội đang họp nhau cầu nguyện và ngài hiệp với mọi người thiện chí cầu nguyện để những tâm hồn chai đá học cách từ bỏ con đường bạo lực, dẫn tới những đau khổ lớn lao, và chọn lựa con đường hòa bình”.

Cho đến nay dân quân IS của Nhà Nước Hồi giáo đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở đảo Sinai và đã giết hại hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập. Nhưng vụ tấn công đền thờ Rawda làm trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Tổng thống Morsi ở Cairo đã ra lệnh cho không quân tấn công các nơi bị coi là sào huyệt của các nhóm khủng bố

8. Ðức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25 tháng 11 năm 2017 dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota tổ chức, Ðức Thánh Cha Phanxicô qui định thủ tục vắn tắt “giải” hôn phối do Giám mục Giáo phận thi hành.

Trong tự sắc công bố ngày 8 tháng 9 năm 2015 với tựa đề “Chúa Giêsu là thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus) đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu, Ðức Thánh Cha đã qui định một thủ tục cứu xét vắn tắt (processo breviore) trong trường hợp sự vô hiệu của hôn phối được chứng tỏ bằng những lý lẽ thật là tỏ tường. Trong trường hợp này, Ðức Giám Mục ban sắc lệnh tuyên bố hôn nhân đó là vô hiệu.

Ðức Thánh Cha viết:

“Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể gặp nguy cơ làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của hôn phối; chính vì thế tôi đã muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính Giám Mục làm thẩm phán. Do chức vụ mục tử hiệp thông, ngài cùng với Phêrô là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất của Công Giáo trong đức tin và kỷ luật.”

Trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc nhở các tham dự viên khóa học về đặc tính “công nghị” của các thủ tục mới do ngài ban hành, như kết quả của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về gia đình, nhắm củng cố gia đình, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ vì hôn nhân thất bại, mang lại cho họ sự an ủi mục vụ, Ðức Thánh Cha, trong tư cách là Giám Mục Roma và là người kế vị Thánh Phêrô, đặc biệt xác định một số khía cạnh cơ bản liên quan đến vai trò của Giám Mục giáo phận, với tư cách là thẩm phán, trong thủ tục ngắn giải hôn phối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *