Tin ghi nhanh của A.P. về ngày đầy đủ đầu tiên của Đức Phanxicô tại Peru

Như đã loan tin, Đức Phanxicô đã từ Chile bay qua Peru chiều hôm qua 18 tháng 1. Sau đây là bản tin ghi nhanh của A.P. về ngày đầy đủ đầu tiên, 19 tháng 1, của ngài tại nước thứ hai của chuyến tông du thứ 22:

Xem thêm hình

10:45 giờ sáng

Đức GH Phanxicô đang nhận được một cuộc chào đón nồng nhiệt tại thành phố Puerto Maldonado vùng Amazon của Peru, với những người ủng hộ đứng dọc đường đường để chào đón ngài trước cuộc gặp gỡ định trước của ngài với người dân bản địa.

Một số đang chạy theo đoàn xe hộ tống của ngài, tay mang các bong bóng màu trắng và vàng của Vatican, trong khi những người khác hoan hô và vẫy tay.
Quang cảnh ngày thứ Sáu là một tương phản hoàn toàn với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng hồi đầu tuần này tại Chile, nơi ngài thu hút những đám đông nhỏ hơn và sự hiện diện của ngài đã gây nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Các nhà lãnh đạo bản xứ đang hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ khuyến khích chính phủ công nhận quyền sở hữu đất đai của họ và dọn sạch những con sông bị ô nhiễm do việc khai mỏ bất hợp pháp gây ra.

Trước đây, Đức Phanxicô đã nói về nhu cầu phải bảo vệ Amazon.

11:20 giờ sáng

Các nhà lãnh đạo người bản địa Amazon ở Peru đang kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp họ bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới khỏi sự tấn công của những mối đe dọa mới làm thay đổi quần thể sinh vật (biome) một cách thê thảm.

Một trong các nhà lãnh đạo này là Hector Sueyo. Ông nói với Đức Phanxicô rằng các dân tộc bản địa lo lắng về Amazon khi cây cối biến mất, cá chết và sông ngòi bị ô nhiễm.
Hôm thứ Sáu, Sueyo cho biết “bầu trời đang tức giận và đang khóc bởi vì chúng ta đang hủy hoại hành tinh.”

Đức Phanxicô trước đây đã nói về nhu cầu bảo vệ Amazon, vùng mà ngài từng so sánh như một trong những “lá phổi của hành tinh chúng ta”.

Hàng ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em bản địa, nhiều người để ngực trần và mặc những chiếc mũ đầy màu sắc đã tập trung tại một quảng trường để nghe Đức Phanxicô nói chuyện.

11:40 giờ sáng

Đức Phanxicô đã đi sâu vào rừng nhiệt đới Amazon để yêu cầu chấm dứt việc khai thác gỗ, khí đốt và vàng của nó một cách tàn nhẫn, và công nhận những người bản địa là những người bảo quản chính trong việc xác định tương lai của “ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đứng với hàng ngàn người Peru bản địa mang đủ mọi thứ áo lông và đồ trang sức đính cườm, Đức Phanxicô tuyên bố Amazon là “trái tim của Giáo Hội” và kêu gọi bảo vệ ba giá trị sự sống, đất đai và văn hoá của nó.

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng các dân tộc bản địa đang bị đe dọa nhiều hơn bao giờ hết. Đức Phanxicô nói thêm rằng điều thiết yếu là các chính phủ và các định chế khác phải coi các bộ lạc là các đối tác hợp pháp khi đàm phán các dự án phát triển và bảo tồn. Ngài nói rằng các quyền lợi, các nền văn hoá, các ngôn ngữ và truyền thống của họ phải được tôn trọng và phục hồi.

Đức Phanxicô đã nói với đám đông: “Anh chị em là một ký ức sống động của sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả chúng ta: bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.”

12:20 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tố cáo nạn bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục ở Amazon; những người này bị buôn bán và buộc phải mãi dâm. Ngài nói rằng nền văn hoá “tự tôn nam tính” (machismo) không thể đứng vững được.

Trong một diễn văn với những người Peru sống và làm việc tại khu rừng nhiệt đới ẩm thấp, Đức Phanxicô nói rằng thật đau đớn vì “rất nhiều phụ nữ bị mất giá trị, bôi nhọ và phơi bày cho bạo lực bất tận”.

Nhiều phụ nữ làm nghề mãi dâm ở các quán bar tại khu vực, phục vụ các khách hàng thường làm việc trong các mỏ vàng và các ngành công nghiệp khai thác khác đang gây ô nhiễm cho sông ngòi Amazon, phá hủy các cánh rừng của nó và làm hỏng hệ sinh thái mỏng manh của nó.

Hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã lên án các “thần giả” của cơn sốt tìm vàng và nói rằng các “ngẫu thần tham lam, tiền bạc và quyền lực” làm cho con người và các định chế thối nát và hủy hoại rừng già.

2:10 giờ chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích các chiến dịch triệt sản nhắm vào người dân bản địa trong một bài phát biểu tại các cộng đồng Amazon ở Peru.

Đó là một chủ đề chắc chắn nổi bật tại một quốc gia mà hơn 300,000 phụ nữ đã bị triệt sản trong thời kỳ 1990-2000 dưới thời cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Các viên chức hồi đó cho biết chiến dịch nhằm giảm nghèo đói.

Hôm thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng đã lên án các tổ chức cổ vũ “các chính sách sinh sản nghiêng về phía vô sinh” và cho biết một số người vẫn tiếp tục cổ vũ việc triệt sản phụ nữ – thậm chí không có sự đồng ý của họ.

Nhiều phụ nữ bị triệt sản dưới thời chính phủ Fujimori không biết chữ và phát xuất từ các cộng đồng người nghèo, bản địa. Hơn 2,000 người sau đó đã lên tiếng khiếu nại rằng họ đã bị triệt sản một cách bắt buộc.

Đức Phanxicô dấu các nhận xét của ngài dưới hình thức một ghi chú trong bài phát biểu của ngài, có lẽ vì biết rằng các nhận xét này nhạy cảm về chính trị.

3:55 giờ tối

Chủ tịch tổ chức lớn nhất của người bản địa Amazon đang ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì lời kêu của ngài nhằm bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh và nhìn nhận các dân tộc bản xứ của nó.

Lizardo Cauper là một trong số hơn 2,000 người bản địa tụ tập tại một đấu trường ở Peru vào ngày thứ Sáu để nghe vị giáo hoàng nói chuyện.

Cauper nói cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô là “quan trọng và có tính lịch sử” và thông điệp của Đức Giáo Hoàng là “điều chúng tôi mong muốn được nghe.”

Bây giờ, Cauper nói rằng, các cộng đồng bản địa sẽ chờ đợi xem liệu chính phủ có để họ can dự nhiều hơn vào các quyết định có ảnh hưởng đến quần thể sinh vật hay không.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Phanxicô gọi Amazon là “trái tim của Giáo Hội” và yêu cầu chấm dứt việc khai thác gỗ, khí đốt và vàng một cách tàn nhẫn.

5:15 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang gọi tham nhũng ở châu Mỹ Latinh là một “loại vi khuẩn xã hội” lây nhiễm vào mọi khía cạnh của đời sống và phải bị đánh bại.

Đức Giáo Hoàng nói với Tổng Thống Peru Pablo Kuczynski và các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự vào hôm thứ Sáu rằng phải làm mọi chuyện để chống lại “tai họa xã hội này”.

Ngài kêu gọi tăng cường tính trong sáng giữa xã hội dân sự và các lãnh vực công và tư và nói thêm rằng “không ai có thể bị loại ra ngoài diễn trình này.”

Lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng được nói ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Tổng Thống Kuczynski thoát khỏi việc đàn hặc liên quan đến mối liên hệ giữa công ty tư vấn tư của ông với Odebrecht, một công ty xây dựng của Brazil bị tai tiếng tham nhũng lớn nhất Châu Mỹ Latinh.

Hai cựu tổng thống Peru bị buộc tội nhận tiền từ Odebrecht.

5:40 giờ tối

Đức Giáo Hoàng có thể không sai lầm, nhưng dường như ngài sai lầm về việc để lốp xe xì hơi.

Đức Phanxicô phải thay xe hơi dọc đường tới Lima từ sân bay, vào hôm thứ Sáu sau khi chiếc Fiat 500 ngài đang đi bị xì bánh xe.

Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, đã xác nhận việc thay đổi kế hoạch trong một tin nhắn gửi cho các nhà báo.

Ông cho biết lốp bắt đầu mất hơi cách dinh tổng thống vài dặm, nơi Đức Phanxicô sẽ hội kiến với Tổng Thống Peru Pedro Pablo Kuczynski.

Đức Giáo Hoàng đã không mất nhịp, khi ngài sử dụng cuộc hội kiến và bài phát biểu sau đó trước các nhà cầm quyền Peru để tố cáo tham nhũng như một “loại vi khuẩn xã hội” lây nhiễm mọi khía cạnh của đời sống và phải bị đánh bại.

8 giờ tối.

Tuần trăng mật, có thể nói như thế, rõ ràng đã không còn.

Một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chiếm được các hàng tít đầu qua việc tuyên bố hai tiếp viên phi hành là chồng và vợ trong khi đang bay 36,000 bộ trên không phận Chile, ban bình luận của phe Công Giáo bảo thủ hôm thứ Sáu đã tra vấn tính hợp pháp của thứ bí tích thực hiện để tránh mắc cỡ vì “tiền dâm hậu thú (shotgun wedding) và cảnh cáo rằng việc này có thể làm giảm giá trị của việc chuẩn bị hôn nhân.

Blog duy truyền thống Rorate Caeli hót (tweeted) rằng: “Bạn có biết cuộc ‘hôn nhân’ sẵn sàng để được tuyên bố vô hiệu là gì không? Là cuộc hôn nhân cử hành rõ ràng vì ý thích chợt nẩy ra trên một chiếc máy bay mà người cử hành thậm chí không biết chắc liệu các bên có đã chịu phép rửa thành sự hay không.”

Đức Phanxicô vào hôm thứ Năm đã chủ trì lễ cưới của Paula Podest và Carlos Ciuffardi, hai tiếp viên phi hành trên chuyến bay đưa Đức Giáo Hoàng, phái đoàn của ngài và đoàn báo chí cùng đi từ Santiago đến Iquique.

Xem thêm hình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *