Các cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô

“Con muốn biết là trước khi Thánh Phaolô (Paul) chết, Ngài đã lập được bao nhiêu cộng đồng và Ngài đã rao giảng ở những vùng nào?” ( Hải Yến)


Trả lời:

Nếu các Bạn, và Hải Yến, có lần nào đi trại, đêm nằm dưới mái lều trằn trọc chưa ngủ được, nằm ngữa vắt tay lên trán, nhìn lên thấy tấm vải bạt, thì hãy nhớ tới một người thợ Do thái, chuyền nghề may lều và bán lều, đã sống cách đây hai ngàn năm, tại một thành phố nổi tiếng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Đó là thành phố Tarse.

Người thợ may lều có tên do thái là Saulô.

Khi có quốc tịch Rôma thì ông đổi tên thành Phaolô (tên latinh gọi là Paulus)

Khoảng năm 67 Phaolô bị xử trảm, nghĩa là bị chém đầu, tại Rôma !

Có lẽ chúng ta nên nhẩn nha “lai rai ba sợi” với nhân vật đặt biệt này. Nếu chỉ dùng một tính từ để miêu tả con người kiệt xuất này, thì chúng ta có thể gọi Phaolô là một “người rất đam mê” hay thời thượng hơn, chúng ta có thể gọi tên loạt bài là “Phaolô, người tù kiệt xuất” !.

I. Hành trình truyền giáo lần thứ nhất

1- Sợi chỉ đỏ thứ nhất: Tiểu sử

Những gì chúng ta biết về Phaolô đều do chính Phaolô kể lại :

Phaolô sinh tại Tarsô, vùng Cilicia, thuộc Thổ nhĩ kỳ (TđCv 21, 39 : “Ông Phao-lô nói: “Tôi đây là người Do thái, quê ở Tácxô miền Kilikia, công dân một thành không phải là không có tiếng tăm. Xin ông cho phép tôi ngỏ lời với dân.”)

Bố của Ngài là một công dân Rôma.

Để biết “làm công dân Roma” oai và quan trọng như thế nào hãy đọc những chi tiết này: Khi đã lỡ đánh đòn Phaolô, sau biết Ngài là công dân Roma thì lính bắt đầu sợ : ” Họ vừa nọc ông Phao-lô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: “Một công dân Rô-ma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không? “26 Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: “Ông định làm gì bây giờ? Đương sự là công dân Rô-ma! “27 Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phao-lô và hỏi: “Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Rô-ma sao? ” Ông Phao-lô trả lời: “Phải.”28 Vị chỉ huy nói tiếp: “Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy.” Ông Phao-lô đáp: “Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi.”29 Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phao-lô là công dân Rô-ma mà mình lại đã còng ông ấy. “(TđCv 22, 26-28 )

Chỗ khác, đến quan toà, khi đã làm quấy làm quá, cũng phải sợ công dân Roma : “Viên cai ngục báo tin ấy cho ông Phao-lô: “Các quan toà sai người đến bảo thả các ngài. Vậy bây giờ xin các ngài ra và đi bình an.”37 Nhưng ông Phao-lô nói với họ: “Chúng tôi là những công dân Rô-ma, không có án gì cả, mà họ đã đánh đòn chúng tôi trước công chúng, rồi tống ngục. Bây giờ họ lại lén lút tống chúng tôi ra! Không được! Họ phải đích thân đến đưa chúng tôi ra! “38 Các vệ binh trình lại những lời ấy cho các quan toà. Những ông này sợ hãi khi nghe biết hai ông là công dân Rô-ma.39 Họ bèn đến xin lỗi, rồi đưa hai ông ra và xin hai ông rời khỏi thành phố.” ( TđCv 16, 37)

Phaolô thuộc một gia đình Do thái rất sùng đạo. Ngài đã từng viết: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên;” (2Tim 1,3).

Ngài sống theo sát những lệ luật khe khắc và chi li cuả nhóm Biệt phái, mà chúng ta thường hay gọi là “người Pharisêu”. Ngài tự hào về mình : “tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.” (Phil 3, 5-6)

Chi tiết “thuộc chi họ Benjamin” giúp chúngta hiểu vì sao khi cắt bì, Ngài được đặt tên là “Saul”. Vì để tưởng nhớ Vua Saul , vị vua đầu tiên của Do thái, vốn thuộc chi tộc ấy.

Như mọi thanh niên trẻ Do thái, Saul phải học nghề để tự mưu sinh. Ngài học nghề may lều, được kể lại trong TđCv 18, 1-3 như sau: “Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la…. Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. “

Ngài còn được gia đình gửi lên Giêrusalem “du học” tại trường của một rabbi nổi tiếng thời ấy là Gamaliel : “Ông nói tiếp:3 “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt..” (TđCv 22,3).

Mà dường như Ngài có người chị đang sinh sống tại Giêrusalem, nên chi sau này, Ngài có kể chi tiết cháu Ngài, con trai của bà chị này, đã cứu Ngài: “Sáng ngày ra, người Do-thái âm mưu với nhau. Họ thề độc là sẽ không ăn không uống, bao lâu chưa giết được ông Phao-lô…16 Nhưng người con trai của bà chị ông Phao-lô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phao-lô. “ (TđCv 23, 12-17)

Ngoài những chi tiết này,chúng ta không còn biết gì thêm về Ngài cho đến lúc thầy Sáu Stephen tử đạo. Phó tế Stephen bị ném đá. Người ta lột áo Stephen ra rồi để dưới chân một thanh niên trẻ : “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông (Stephen) 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.” (TđCv 7,58-60) Chính Phaolô cũng xác nhận sự kiện này, với Chúa: “20 Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy.” ( TđCv 22,20)

Được gọi là “thanh niên trẻ” (neanias), nhưng từ này rất uyển chuyển, dùng để gọi thanh niên hay trung niên, có tuổi từ 20 đến 40.

Như thế cho đến lúc bấy giờ (cuộc ném đá Stephanô), thì Phaolô là một thanh niên Do thái, nhiệt thành với niềm tin của tổ tiên, nghĩa là không hề biết đến Chúa Giêsu. Có chăng, Phaolô nghe đến tên Giêsu như một người lạc giáo.

Và Phaolô cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao có những người lại hăng say theo “cái ông rabbi Iêsus, người Nagiareth như thế, theo đến nỗi liều cả mạng sống ! Bọn người ấy lại còn mạnh miệng nói rằng “tên tử tội Giêsu ấy đã sống lại” ! Thế này là không được. Nếu không có biện pháp trấn áp hữu hiệu tức thời, thì hẳn nhóm người ấy sẽ làm cho niềm tin tổ tiên bị sai lạc .

Và Phaolô đã đi lùng bắt những tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem.

Các tín hữu thông tin cho nhau về hung thần Phaolô này. Khắp nơi đều biết tiếng Phaolô. Một nhóm tín hữu tại Gierusalem hãi quá, bị truy nã ráo tiết. họ bèn trốn qua Đamas, một thành phố cách Giêruslem chừng 100 dặm về hướng Đông Bắc.

Phaolô không tha, Ngài hăng say truy lùng các tín hữu đầu tiên. Ba lần thuật lại việc trở lại, ba lần Ngài tự khai tội của mình :’

“Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. “ (TđCv 9,1-19)

“Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị. “( TđCv 22,4-5)

9 “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giê-su người Na-da-rét.10 Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành.11 Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ .” ( TđCv 26, 9-23)

 

Phaolô, kẻ đi truy lùng, bị truy nã ….

Sau khi xin được giấy cho phép của các Tư tế tại Giêrusalem, Phaolô và đoàn tuỳ tùng lên ngựa trực chỉ Damas để truy lùng các tín hữu. Ông không hề mảy may biết rằng chính mình cũng đang bị theo dõi.

Khi gần đến Đamas, ông đinh ninh sẽ bất ngờ tóm gọm được nhóm tín hữu đang lánh nạn tại đây. Nhưng có người đã ra tay trước ông, nhanh và chính xác. Chúng ta hãy nghe Phaolô kể lại :

”3 Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông.4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? “5 Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai? ” Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ.6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.”7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai.8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát.9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. “ ( TđCv 9,1-9)

Người ta thuờng gọi biến cố này là “cuộc ngã ngựa của Phaolô”. Đồng nghĩa với cuộc trở lại. Hay đúng hơn, đó là cuộc Chúa Giêsu thu phục Phaolô.

Phaolô kể lại chuyện “mình bị thu phục này” ba lần cả thảy, như một tự hào, vì dù đang là kẻ giết người, Phaolô được đích thân Chúa Giêsu quật ngã xuống khỏi ngựa và chọn là tông đồ. (xem TđCv 9, 1-19; 22, 3-21; và 26, 9-23)

(1) Phaolô nói chính mình đã từng “thấy” Đức Kytô như các tông đồ khác: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao? (1 Cor. 9, 1)

Ngài tuyên bố chính Đức Kytô đã hiện ra với Ngài: “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. 9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.”(1 Cor. 15, 8) như đã từng hiện ra với Phêrô, với Giacôbê, và với Nhóm Mười Hai .

(2) Ngài tâm sự rằng cuộc trở lại của Ngài không phải là do kết quả cuả suy tư hay lý luận,nhưng là do một thay đổi đột ngột, không hề có dự kiến, bất ngờ và hoàn toàn do ơn Chúa toàn năng. Ngài khôngcưỡng lại được sự trở lại này .

“Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải.13 Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa.14 Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên (Gal. 1, 12-15; )

Hay: “ Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi”. (1 Cor. 15, 10).

(3) Trước khi trở lại, Ngài không hề hối hận hay nghi ngờ hoặc sợ hãi điều chi. Ngài bị Đức Kytô quật ngã ngay chính lúc lòng hăng hái đi lùng bắt các tín hữu lên cao điểm: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. (Acts, ix, 1-2); Mà cũng vì hăng say lòng đạo mà Ngai đi lung bắt các t’in hữu như thế: ”nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh;” (Phil. 3, 6), Và Phaolô được Chúa thương xót chọn thì cũng là vì Ngài đã làm thế vì không biết và vì lúc đó Ngài chưa tin. “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.1 ” (I Tim., i, 13).

Sau khi vào Đamas, một người tên là Khanania, được Chúa thị kiến sai tới nhà Saolô trọ, ở Phố Thẳng để rửa tội cho Ngài. Rồi Ngài xuống vùng Arabia, phía nam Đamas , ở đó ba năm để suy nghĩ lại toàn bộ Kinh Thánh . “Tôi …chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát.18 Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.19 Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa.” (Gal 1,17)

Các tín hữu kháo nhau về việc Phaolô trở lai đạo. Còn những người Do thái đồng đạo cũ với Phaolô, nghe tin ông đã cải sang “tà đạo” thì tìm cách lùng bắt ông :”Tại Đa-mát, tổng đốc của vua A-rê-ta đã cho lính canh gác thành để bắt tôi.33 Nhưng người ta đã cho tôi vào một cái thúng, rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành. Thế là tôi thoát khỏi tay ông ta.” (2 Cor. 11,32-33)

Và “ông làm cho người Do-thái ở Đa-mát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a 23 Sau một thời gian khá lâu, người Do-thái cùng nhau bàn kế giết ông Sao-lô;24 nhưng ông biết được âm mưu của họ. Thậm chí người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để giết ông.25 Nhưng ban đêm, các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống.” ( TđCv 9,23-25)

Thoát khỏi Đamas, Ngài lên Giêrusalem, gặp Phêrô, chắc là để trình diện “Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.” (Gal 1,18) Nhưng Ngài chỉ ở lại đó có 15 ngày, rồi vì người Hylạp đe đoạ tính mạng, nên Ngài phải về thành phố quê hương, Tarse . “Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.” (TđCv 9,23-25, Gal 1,21)

Sau đó chúng ta mất dấu Ngài khoảng năm hay sáu năm .

Phải nói nhờ Barnabas mà Ngài mới có cơ hội trở thành nhà truyền giáo lừng danh. Barnabas. Hai người cùng nhau sát cánh làm việc một năm trời: “Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu. “ (TđCv 11,25-26)

Sau đó cả hai vị được cử lên Giêrusalem, mang theo tiền các tín hữu đã quyên góp để cứu trợ các tín hữu đang bị nạn đói tại đây: “Trong những ngày ấy, có những ngôn sứ từ Giê-ru-sa-lem xuống An-ti-ô-khi-a.28 Một trong những người ấy tên là A-ga-bô đứng lên và được Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp cả thiên hạ; đó là nạn đói xảy ra dưới thời hoàng đế Cơ-lau-đi-ô.29 Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê.30 Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô.” (TđCv 11, 27-30)

 

2- Sợi chỉ đỏ thứ hai : Đam mê Chân lý – Đam mê truyền giáo.

Trước khi đi tiếp chúng ta có thể dựa vào những mốc thời gian sau đây:

-Saolô trở lại khoảng năm 35;
-Lên Giêrusalem lần đầu tiên để gặp (trình diện ?) Phêrô khoảng năm 37;
-Ở Giêrusalem 15 ngày, bị người Hylạp đe doạ tính mạng, phải lánh về cư trú tại Tarsô, khoảng năm 37 đến năm 43;
-Sau đo Barnabas đến tìm gặp và hai người bắt đầu đi rao giảng tại Antiokia, khoảng năm 43-44;
-Mang tiền của tín hữu Antiokia đóng góp lên Giêrusalemn để cứu trợ nạn đói tại Giêrusalem, khoảng năm 44 hay 45.

Sau đó là 12 năm rong ruổi nhiều nơi để truyền giáo. Từ năm 45 đến năm 57. Ngài thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo, tất cả đều khởi hành từ Antiokia và đều kết thúc tại Giêrusalem.

 

(1) Hành trình truyền giáo lần đầu.

Chúng ta nghe toàn bộ câu chuyện về cuộc hành trình này trong sách Tông đồ Công vụ chương 13 câu 1, đến chương 14 câu 27.

Mọi chuyện bắt đầu từ Antiokia .

Chi tiết ghi lại tại câu TđCv 13, 1-3

“Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô.2 Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.”3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. “

Chúng ta lưu ý có NHIỀU thành phố Antiokia được nhắc tới trong những hành trình truyền giáo của Phaolô! Một Antiokia tại Syria. Còn Antiokia thứ hai nằm tại Thổ Nhĩ kỳ

Antiokia ở Syria được hoàng đế Seleucus I Nicator thành lập khoảng năm 300 trước Công Nguyên. Ông đặt tên thành theo tên của Vua Cha và cũng của hoàng tử Antiochus.

Antiokia (nước Syria) nằm trên bờ sông Orontes. Cách Giêrusalem khoảng 450 cây số về phía Bắc, và cách bờ biển Địa Trung hải 45 cây số, nằm ngay giao điểm hai rặng núi Lebanion và Taurus.

Seleucus còn thành lập chừng khoảng 15 thành phố khác khắp Tiểu Á đều mang cùng tên Antiochus. Để phân biệt chúng, người ta thường gọi thành phố Antiokia tại Syria này là “Antiokia bên bờ sông Orontes”.

Ngày nay, Antiokia ở Syria này là một thành phố lớn với chừng 500 ngàn dân, một trung tâm thương mại phồn thịnh, nơi giao lưu nhiều nguồn văn hóa: Hy lạp. La mã, Do thái, Ả rập, và Ba tư.

Trước hết hai vị, Phaolô và Barbabas, từ Antiokia xuống thuyền sang đảo Cypros. Hai vị tới đảo Cypros, giảng trong hội đường Do thái tại Salamina, “Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a (Antiokia) , rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp.5 Đến Xa-la-min, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gio-an giúp hai ông. “ ( T đCv 13,4-5)

Đảo Cypros, còn gọi là đảo Chypre (tên gọi theo tiếng Pháp. VN phiên âm thành “Shíp”) Sỡ dĩ đảo này có tên là Cypros, có nghĩa là “đồng” ,vì ngày xưa người ta tìm ra được mỏ đồng trên đảo này , và đã khai thác đồng từ thời cổ.

Tuy Paphos là thủ phủ của đảo quốc Síp (Cypros) nhưng Salamis là một thanh phố quan trọng hơn. Salamis nằm trên bờ biển phía đông của vùng bình nguyên trung phần đảo Sip, Nơi đây, có nhiều cộng đồng Do thái sinh sống từ rất xa xưa, trước cả khi người Lamã tới chiếm đóng

Sau đó hai vị đi dọc theo duyên hải phía nam của đảo, tới cảng Paphos, nơi có nhà của thống đốc Sergius Phaolô. Tại nhà thống đốc này, hai vị gặp một người phù thuỷ, tên Do thái là “Bar Giêsu” (có nghĩa là “con của Giêsu”) còn tên Hy lạp là Elyma!

Phaolô la mắng ông phù thuỷ này một trận và ra lệnh cho ông mù mắt. Ông ta bị mù ngay lập tức. Thống đốc Sergio Paulus tin theo đạo !

Cảng Paphos, cũng là thủ phủ của đảo quốc Síp (Cypros/Chypre) nằm tậm mỏm phía tây của đảo, cách Salamis chừng 150 cây số . Nơi đây có cơ quan hành chánh tỉnh của người Roma. Vì thế mới có dinh của quan thống đốc Sergius Paulus! Tại đây còn có một đền thờ nổi tiếng, có tượng nữ thần giống nữ thần Aprodite của Hy lạp . Vào khoảng thế kỷ thứ tư, một trận động đất lớn đã phá bình địa thành này .

Sau biến cố này, Phaolô trở thành người quan trọng không còn đứng sau Barbabas, mà luôn được Luca nhắc đến trước tiên.

Kế tiếp, hai ông vượt biển đến Perge xứ Pamphilia, nghĩa là hai ngài trở vào đất liền, khoảng 8 dặm cách cửa sông Cestrus, Thổ Nhĩ Kỳ. “Từ Pa-phô, ông Phao-lô và các bạn đồng hành vượt biển đến Péc-ghê miền Pam-phy-li-a. Nhưng ông Gio-an bỏ các ông mà về Giê-ru-sa-lem. ‘ (TđCv 13. 13)

Perga là thủ phủ của miền Pamphylia, một tỉnh quan trong ven biển của Tiểu Á (Thổ Nhĩ kỳ) nằm giữa hài tỉnh Lycia và Cilicia. Perga nằm sâu trong đất liền 8 cây số và nằm phía đông, cách hải cảng Attalia 18 cây số.

Thành phố Perga mang ảnh hưởng văn minh Hy lạp với nhiều đền đài được trang trí với hoa văn rực rỡ. Cứ xét theo những di tích còn sót lại, thì trong số những thành phố Phaolô đã đi qua thì Perga là thành phố rực rỡ hạng nhì, chỉ thua Ephêsô.

Lúc này, Gioan Marcô, anh em họ của Barnabas, rời bỏ đoàn, một mình trở về Giêrusalem. Dường như vì nhớ nhà, nhớ Giêrusalem, rồi Phaolô bị bệnh buộc cả đoàn phải thay đổi lộ trình, Nhưng lý do chính hình như từ sau chặng này, Barnabas không còn là người lãnh đạo đoàn, mà vị thế đã chuyển sang Phaolô

Còn lại hai vị, ngược xuôi vùng cao nguyên đầy đồi núi xứ Pisidia, nhiều sơn tặc và thác ghềnh cheo leo. Mục tiêu của hai vị là Antiokia, một thuộc địa Lamã, cách Perge bảy ngày đường. “Còn hai ông thì rời Péc-ghê tiếp tục đi Antiôkhia miền Pi-xi-đi-a.” (TđCv 13,14)

Chúng ta lại gặp một thành phố Antiokia thứ hai, nhưng là ở miền Phrygia, gần Pisidia (Thổ nhĩ kỳ) Seleucus I Nicator thành lập thành này khoảng năm 281 trước Công Nguyên nằm cách thành phố Perga 150 cây số về phía Bắc, trên một vùng cao nguyên có nhiều hồ. Thành phố Antiokia quan trọng này nằm án ngữ trên con đường giao thương giữa Ephêsô và vùng Lưỡng hà địa ( sông Euphrates). Dân cư là một tập hợp gồm nhiều sắc dân đổ về: Roma, Hylạp. Do thái,và người Phrygia .

Tại Antiokia, Phaolô có một bài giảng quan trọng. trước một thính giả gồm cả người Do thái và ngươì Ngoại. Ngài bắt đầu nói đến sứ mạng của Israel, về Đấng Thiên sai.

Xin nhắc lại rằng: Thời Chúa Giêsu và thời Phaolô đi rao giảng, thì danh từ “Dân Ngoại”chỉ tất cả mọi người không phải là người Do thái. Như thế , vào thời đó người La mã, Hy lạp, Batư, ẢRập, Ai cập … đều là “dân Ngoại” đối với người Do thái , Nó có nghĩa người “ngoài đạo Do thái”, người không tin vào “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob” .

Ban đầu, Phaolô và các Tông đồ chỉ rao giảng cho người Do thái, trong các hội đường mà thôi.

Các Ngài rao giảng cái gì ? Nôi dung của những điều rao giảng ban đầu, (gọi là kerygma) chỉ là biến cố sống lại của Đức Giêsu . Đại khái các Ngài công bố như sau: “Đức Giêsu, rabbi người làng Nagiareth, mà các ông đã giết trên thập tự. Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba. Chúng tôi là những người làm làm chứng đây. Vì sau khi sống lại. Ngài đã hiện ra cho chúng tôi.!”

Xem bài giảng hùng hồn cho người Do thái trong TTĐCv 13, 16-41 ;

Ông Phao-lô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:

17 Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.18 Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc.19 Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Ca-na-an và ban đất của chúng cho họ làm gia sản:20 tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm. Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Sa-mu-en.21 Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Sa-un, con ông Kít thuộc chi tộc Ben-gia-min, trị vì bốn mươi năm.22 Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.23 Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su.24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.25 Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.

26 “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.27 Dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày sa-bát.28 Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Phi-la-tô xử tử.29 Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ.30 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.31 Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.

32 “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta,33 thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.

34 “Về việc Người đã làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, không còn phải hư nát nữa, thì Người phán thế này: Ta sẽ ban cho các ngươi những ơn lộc đã hứa cho Đa-vít.35 Vì vậy ở chỗ khác, lại có lời rằng: Ngài sẽ không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.36 Thế mà vua Đa-vít, sau khi phục vụ ý định của Thiên Chúa trong đời ông, đã an nghỉ, đã được chôn cất bên cạnh tổ tiên và phải hư nát.37 Còn Đấng mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy thì không phải hư nát.

38 “Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Mô-sê,39 thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính.

40 “Vậy hãy coi chừng kẻo lại xảy ra điều đã nói trong sách Các Ngôn Sứ:41 Hỡi những kẻ khinh mạn, hãy xem, hãy kinh ngạc sững sờ và biến mất đi! Vì chính vào thời các ngươi, Ta sắp làm một việc, một việc mà các ngươi sẽ chẳng tin, nếu có ai kể lại cho các ngươi.

Sau bài giảng này, mà thánh Lucas ghi lại gần như trọn vẹn ý chính, thì nhiều người tin theo, rất nhiều người là dân Ngoại. Sách Tông đồ Công vụ nói là “gần như cả thành đến nghe giảng” : “Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.”

Dĩ nhiên người Do thái ghen tức : “Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.” (TđCv 13, 44-47)

Hai vị lưu lại Antiokia khá lâu cho đến lúc “Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.” (xem TđCv 13, 49),

Cho đến khi người Do thái bắt đầu kiếm chuyện, họ xúi cả người Ngoại chống lại hai vị khiến hai vị phải sang Iconiô: ”Người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. “ ( TđCv 13, 49)

Icôniô cách Antiokia chừng 100 cây số, và cũng nằm torng vùng cao nguyên miền Nam Thổ nhĩ kỳ. Ngày này Iconiô mang tên Konya.

Tại đây, các vị cũng bị người Do thái sách nhiễu. Các Ngài phải tạm lánh sang thành Lystra, cách đó 18 dặm.

Lystra biến thành một thương phố của người Lamã vào khoảng năm 6 trước Công Nguyên. Dân chúng nghèo, ít học. Đa số là người Lycaonie. Có ngôn ngữ riêng. Họ không nói tiếng hy lạp hay la mã.Vì thế tại thành phố Lystra này, có một biến cố suýt làm Phaolô mất mạng .

Tại Lystra có một người bị què. Thấy ông què có lòng tin, Phaolô làm phép lạ chữa ông khỏi. Ông đi đứng bình thường. Dân Lystra tưởng hai vị là thần linh đội lốt phàm, xì lồ xì lào bằng tiếng địa phương, định dâng hoa tổ chức tế bò tế dê cho hai vị.

Hai vị khi hiểu ra được sự tình, thì hết hồn, phải xé áo trước mặt họ mà la to phân bua : “Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn.” (TđCv 14, 15).

Đám dân chúng Lystra thất vọng. Thần mà không vâng lời dân chúng thì dân chúng bắt thần phải vâng lời vậy. Những người Do thái không tin và cả người Ngoại từ Icôniô, cũng tìm tới đây, đứng lẫn lộn trong vụ này. Nhân đó họ xúi và thuyết phục được đám đông Lystra, ném đá các Ngài. “ Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết.20 Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba. “ ( TđCv 14,19-20)

Họ tưởng Ngài đã chết nên bỏ đi. Nhờ vậy mà Ngài thoát chết. Khi tỉnh lại Ngài trốn sang Derbé cách đó 60 cây số, ngay biên giới vùng Galatia .

Sau khi rao giảng ở đây thì các Ngài tuần tự, đi ngược trở về các thành đã đi qua, Lystra Icôniô, Antiokia, qua Pisiđia , Pamphylia, Perge. Về lại tới đâu, các Ngài củng cố đức tin cho những tân tòng ở đó, truyền chức thêm các giám mục ( Kỳ mục ) coi sóc các giáo đoàn tân lập, kể lai những chuyện trở lại ở các nơi.

Xuống tới cảng Attalia, từ cảng này các ngài đi thuyền về lại Antiokia bên Syria, kết thúc một chuyến đi truyền giáo đầu tiên.

“Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a.22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a,25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a.26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.” ( TđCv 14, 21-26)

Toàn bộ chuyến đi kéo dài chừng ba năm, từ khoảng năm 45 đến năm 49.

Các thành phố đã ghé qua trong chuyến đi đầu tiên này :

Vòng đi:

Khởi hành từ Antiokia tại Syria

1- Salamis đảo Cypro
2- Paphos đảo Cypros
3- Perga (Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay)
4- Antiokia (Tiểu Á)
5- Lystra
6-Derbé

Lượt về : 
7- Iconium
8- Antiokia
9- Cảng Attalia

Về lại Antiokia tại Syria

Hình minh hoạ chuyến đi truyền giáo đầu tiên
Seeing
Hoặc xem bản đồ minh họa tại đây

 

Công đồng Chung thứ nhất tại Giêrusalem

Sau chuyến đi rao giảng, các Tông đồ gặp ngay một vấn đề hóc búa. Có người Do thái nghe các Tông đồ rao giảng mà tin theo , nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Nhưng cũng có cả, và nhiều nữa là đàng khác, những người Ngoại, cũng tin vào Chúa Giêsu.

Chúng ta đã hiểu, trong Kinh Thánh, và đối với người Do thái, khi họ nói “Dân Ngoại” (Gentiles) là họ muốn ám chỉ đến “tất cả những ai không phải là Do thái.” Vậy người Lamã, Hy lạp, Batư, Ấn độ, Phi châu, Tàu, Lào, Miên,….và Việt Nam đều là dân Ngoại !

Người Do thái tự hào chỉ có họ là “Dân”, “Dân của Chúa” (“am segullah”). Còn mọi sắc dân khác trên toàn thế giới đều là “Ngoại”, là người ngoài, hay Dân Ngoại !

Chúa Giêsu, vốn là một người Do thái, khi chết đi rồi sống lại, Ngài đã lập ra một tôn giáo mới, bắt nguồn từ Do thái giáo, nhưng khác hẳn.

Và khi các môn đệ của Ngài đi rao giảng, chiêu mộ tín hữu tin vào tôn giáo mới ấy của Chúa Giêsu thì, những tín hữu mới này, những người tin vào tôn giáo mới này, có buộc phải giữ những tập tục cũ mà chính Chuá Giêsu, vì là ngươì Do thái, vẫn giữ hay không ?

Chẳng hạn như bị cắt bì. Ngày thứ Bảy không được đi đâu quá 1000 thước. Phải giữ ngày thứ Bảy (Sabbath) nghĩa là từ lúc mặt trời lặn chiều thứ Sáu đến lúc mặt trời lặn chiều thứ Bảy (- đó là cách tính ngày của người Do thái -) không được làm việc. Đứng lên đứng xuống đi tới bật nút TV xem cũng là làm việc ! Bật nút nồi cơm điện cũng là làm việc !

Bà nào chỉ cần nấu cơm khê thôi, hay đầu tóc hôi hám, thì ông chồng Do thái có quyền viết một tờ giấy nêu rõ những lý do ấy, rồi “tiên bố” ly dị: ”Này bà, hãy xê ta ra kẻo khốn mà chớ “ ! Không được ăn thịt heo. Không được ăn tiết canh, dù là tiết canh vịt, hay tiết canh chó, hay tiết canh thỏ !

Sáu trăm mười lăm (615) điều luật như thế, mà hễ là ngươì Do thái, thì phải tuân thủ chi li! Thậm chí thánh Phêrô nói đó là gánh nặng – Ngài gọi đó là cái gông, cái ách, giống như cái ách quàng vào cổ con bò con trâu cho nó kéo cày! – mà chính người Do thái cũng khó mà giữ !”sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?” (TđCv 15,10)

Thế thì những người tín hữu đầu tiên, gốc Do thái, mà là Do thái tại Giuđêa, nghĩa là Do thái vẫn hiện đang sinh sống tại quê nhà chứ không phải là những “Do kiều” (người Do thái sinh sống ở nước ngoài), từ Giêrusalem, lên Antiokia gặp các Tông đồ và đề nghị phải buộc những người Ngoại, khi trở lại, cũng phải bị “cắt bì”, nghĩa là theo nguyên tắc, cũng phải trở thành giống như Do thái, như họ!

Phaolô và Barbabas từ chối, không muốn theo ý kiến này.

Hai ngài đề nghị phải lên Giêrusalem, gặp các Tông đồ bàn hỏi về chuyện “tế nhị này!

Hẳn các Ngài thấy được vấn đề khó khăn. Người ta muốn theo đạo mà bắt phải cắt da đầu “chim”, như mọi người đàn ông Do thái, thì hẳn sẽ ngại ngùng mà không dám theo ! Họ muốn theo đạo chứ có muốn trở thành Do thái đâu !

Vì thế các vị kéo nhau lên Giêrusalem, gặp các Tông đồ.

Đó là Công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội, họp khoảng năm 50 .

Trong Công đồng này, Phaolô và Barnabas, đứng về một phía, đại diện cho tín hữu tại Antiokia.

Còn thánh Phêrô, lúc bấy giờ hùng hồn :

“Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo.8 Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.9 Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.10 Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?11 Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.” (TđCv 15, 7-11)

Như vậy là bênh cho dân Ngoại, nghĩa là đề nghị khi người Ngoại trở lại, thì không bắt họ phải bị cắt bì !

Thánh Giacôbê cũng ủng hộ lập trường này và đề nghị thêm! “Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa,20 nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.” (TđCv 14, 19-21) Nghĩa là Giacôbê tuy đề nghị không bắt người Ngoại cắt bì nhưng buộc họ kiêng cữ những thói tục xấu, không hợp theo lệ Do thái như: ”kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.” Điều này nhắm vào các tín hữu vùng Syria, và Cilicia !

Nếu điều này mà áp dụng cho Việt Nam thì các giáo hữu Việt Nam không được ăn tiết canh vịt hay tiết canh chó rồi !

Điều thú vị là những điều buộc kiêng cữ này, không phải vì luật Môsê (luật Do thái ) buộc như thế, nhưng là do Thánh Thần! Điều này cho thấy càng ngày, những người tin theo Chúa Giêsu, càng ngày càng có não trạng xa dần ảnh hưởng của Do thái giáo !

Chi tiết này khiến cho thế giới Lamã, những người vốn xa lạ với Do thái và những tập tục của Do thái giáo,dễ dàng theo đạo hơn !

Như vậy là rất trúng ý với Phaolô !

Sau đó Công đồng sai vài sứ giả mang quyết định của Công Đồng, viết trong một bức thư về Antiokia thông báo cho các tin hữu ở đó: “Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô,26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.27 Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây:28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này:29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”

Bức thư nói rõ : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” .

Công đồng chung thứ nhất này được miêu tả trong TđCv chương 15 và thư Galát chương 2 câu 3-4

Nhưng hệ quả của Công đồng chưa chấm dứt ở đây . Nếu những quyết định trên áp dụng cho những tín hữu ngươì ngoại trở lại Antiokia, Syria, thì những người Do thái gốc tại quê hương thì sao? Khi họ trở lại họ có còn bị bó buột phải giữ luật Môse nữa không? Ngoài chuyện kiêng ăn kiêng uống này ra, thì còn rất nhiều điều luật khác nữa? Như luật rửa tay trước khi ăn, luật giữ ngày Sabbath?

Đây chính là điều mà sau này hai vị Phêrô và Phaolô phải to tiếng với nhau một lần.

Đúng ra Phaolô phê bình Phêrô, không “trước sau như một”. Vì Phêrô đã không muốn mất lòng người Do thái “dòng” nên Ngài cũng kiêng ăn cữ uống dù đang tiếp xúc và đang ở giữa các tín hữu Ngoại trở lại. Làm thế, những người tân tòng này sẽ ngại ngùng mà bắt chước theo Ngài, mà kiêng cữ giống như dân Do thái gốc! Như thế lại tự mình đi ngược lại những quyết định của Công Đồng Giêrusalem. Họ làm thế vì là làm theo thánh Phêrô !

Phêrô không đủ kiên quyết để canh tân.

Phaolô thấy thế, “xì nẹt” cho một trận. chi tiết này có kể trong Thư Galat 2,11-20 như sau : “Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách.12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.

14 Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? ”

Chúng ta thấy Phaolô là ghê chưa ! Dám “la” cả Đức Giáo Hoàng tiên khởi, đại diện Chúa Giêsu ở trần gian này, là “giả hình” !

Phaolô đưa ra lý luận đanh thép:”Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? “

Giáo hoàng Phêrô chịu một phép, không nói lại được lời nào!

II. Hành trình truyền giáo lần thứ hai

Ôn tiếp những thời điểm quan trọng -Lên Giêrusalem lần thứ ba để dự công đồng, khoảng năm 49 hay 50; -Hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng từ năm 50 đến năm 53; -(Viết hai thư , thư I và II gởi giáo dân Thessalonca), khoảng năm 52;

Diễn biến chuyến đi này được thuật lại trong sách Tông Đồ Công vụ chương 15, câu 36 đến chương 18, câu 22.

Ngay khi bắt đầu cuộc hành trình lần thứ hai, Phaolô từ chối không nhận cho Gioan Marcô đi theo nữa. Ngài đang còn giận vì anh chàng này, trong chuyến đi thứ nhất đã bỏ về giữa chừng.

Chà có người giận dai ghê ta ơi !

Sách ghi rõ “hai bên nổi nóng đến độ chia tay” !

Nhà cháu không nói xạo, có ghi trong Kinh Thánh “Đó là Lời Chúa” đàng hoàng.

“Ít ngày sau, ông Phao-lô nói với ông Ba-na-ba: “Ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành ta đã loan báo lời Chúa, xem họ ra sao.”37 Ông Ba-na-ba muốn đem theo cả ông Gio-an cũng gọi là Mác-cô.38 Nhưng ông Phao-lô thì nghĩ là một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pam-phy-li-a và đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo.39 Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau. “ ( TđCv 15, 36-39)

Vậy ra, nếu nhà cháu hay các Bạn, có ai to tiếng một chút, đỏ mặt vừa vừa, gân cổ hơi to to, ồn ào quá đáng trong nhà, thì xin hiểu cho rằng các ông đang noi gương thánh Phaolô !

Thế là đường ai nấy đi. Hai anh em Barnabas và Gioan Marcô đi một đàng, sang đảo Cypros. Còn Phalô, có bạn đồng hành mới là Silas, đi đường bộ lên Tarsê, để thông báo quyết định của Công đồng, rồi từ Tarsê theo đường bộ đi sang Derbe, qua ải quan vùng Cilicia. “Ông đến Đéc-bê “ (TđCv 16,1)

Thành Derbe là nơi, trong chuyến đi trước, Phaolô đã tới rao giảng. Lần này, ngài đến đây để thăm và củng cố đức tin các tín hữu.

Sau đó Ngài đến Lystra, cũng là nơi Ngài đã từng tới rao giảng trong chuyến đi trước. “1 Ông đến Đéc-bê, rồi đến Lýt-ra.” (TđCv 16,1)

Chuyến đi không có biến cố gì, chỉ có sự kiện là Phaolô chọn được anh Timothê đi cùng,

“Ở đó có một môn đệ tên là Ti-mô-thê, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp.2 Ông được các anh em ở Lýt-ra và I-cô-ni-ô chứng nhận là tốt.3 Ông Phao-lô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy; thật vậy, ai cũng biết cha ông là người Hy-lạp.” (TđCv 16,2-3)

Khi viết tới đây, nhà cháu định bênh cho Phêrô một tiếng. Tai sao khi Phêrô kiêng ăn thịt thì bị Phaolô la, còn bây giờ Phaolô lại bắt Timôthê, phải cắt bì ? Thế là đi ngược lại với quyết định của Công Đồng Giêrusalem rồi !

Timôthê là người “lai”, mẹ Do thái nhưng bố là người Hylạp. Nhưng thế cũng là người Ngoại chứ, phải không ?

Chúng ta có thể tìm ra được một lý do để cắt nghĩa việc cắt bì của Timôthê.Tuy không cần bị cắt bì, nhưng dù có bị cắt bì cũng không là điều trái với quyết định của Công Đồng, vì Timôthê có nữa dòng máu Do thái trong người. Mẹ Timôthê là người Do thái.

Hơn nữa, khi chấp nhận bị cắt bì như thế thì tiếng nói của Timôthê sẽ được đồng bào Do thái, vốn sinh sống rất nhiều và có rất có ảnh hưởng ở Lystra, sẽ lắng nghe nhiều hơn. Như thế vì nhu cầu truyền giáo mà Timôthê chịu cắt bì như người Do thái .

Từ Lystra, mà có lẽ cũng từ Iconiô hay Antiokia, là những thành phố lân cận chung quanh đó (xem bản đồ) hai ngài muốn đi băng qua Galathia thẳng lên phía Bắc, đến các vùng Bithynia và Pontius, để rao giảng tại đó. Hai miền này nằm dọc bờ biển Đen ( Hắc Hải). “Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a.” (T đCv 16,6)

Câu “đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát – ten phrygian kai Galatiken choran” là muốn ám chỉ việc các ông đi thẳng lên phía bắc đến vùng Bythynia và Pontius. Nếu quả thế thì hẳn vùng miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã được rao giảng.

Có lẽ , chính lúc này Phaolô bị một cơn bệnh, mà Phaolô không nói rõ là bệnh gì. Ngài phải lưu lại vùng Galatia ít lâu, và nhân tiện Ngài rao giảng tại đó.

Sau này Ngài viết thư cho họ. Đó là bức thư mà chúng ta gọi là “Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata” Trong đó Ngài có nhắc đến chi tiết Ngài bị bệnh tại đó. Không biết bệnh gì, nhưng chắc là khiến cho dáng vẻ Ngài trở nên “khó coi”, mà Ngài nói giáo dân Galata thấy Ngài bị bệnh đã “không kinh không tởm”. Lở loét, da liễu, sưng phù ?

“ 13 Anh em biết: nhân khi thân xác bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên.14 Mặc dù thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Ki-tô Giê-su.15 “ (Galatians 4:13-14).

Như thế vùng Galatia là vùng đồi núi cao nguyên trung phần của nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay gọi là vùng cao nguyên Anatolia .Bao bọc chung quanh Galatia là Bithynia và Paphlagonia ở phía bắc, phía đông có Pontus, phía nam có Lycaonia và Cappadocia, và phia tây có Phrygia. Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay nằm giữa vùng Galatia này.

Khi nói “vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a.” có lẽ ám chỉ việc Phaolô bị bệnh tại Galatia. Hay là ám chỉ đến việc các Ngài được báo mộng và sang Maxedonia để rao giảng sau này ? Chúng ta không biết rõ.

Vậy là sau cơn bệnh, Phaolô và Silas, thay vì đi lên phía bắc, lại đi sang phía tây, mãi tới bờ biển Egée, đến thành Troie “Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép.8 Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a.” ( TđCv 16,9)

Ở đây có hai địa danh cần phải dừng lại.

Myxia, vùng bờ biển phía Tây Bắc của Thổ nhĩ kỳ, ngay tại eo biển Dardanelles , thuộc vùng vùng Tiểu Myxia hay Hellespontica, phân chia Á Châu và Âu Châu. Eo biển này còn gọi là eo biển Bosphores.

Còn Troyas, tên gọi đầy đủ là Alexandria Troas, chỉ nằm cách thành Troy nổi tiếng với con ngựa gỗ trong trường thi Illiad của thi sĩ Homère có 15 cây số thôi.

Thành Troy, với con ngựa gỗ, có tên Hy lạp là Τροία Troia (hay Τροίη) cũng còn gọi là Ἴλιον, Ílion. Vì thế mà trường ca của Homère kể lại cuộc chiến này được đặt tên là Trường ca Illiad. .

Alexandria Troas là một thương khẩu quan trọng của người Lamã nối liền Tiểu Á bên bờ Đông biển Êgê với xứ Macedonia và Hy lạp bên bờ phía Tây.

Tại thành Troias này :”9 Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến: một người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi! “10 Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.”( TđCv 16, 9-10)

Thế là lần đầu tiên, do sự thúc đẩy của Thánh Thần, hay do lời kêu gọi từ trong giấc mơ của những người miền Macedonia, Phaolô và Timôthê lần đầu tiên bước chân sang Âu Châu .

“Xuống tàu ở Trô-a, chúng tôi đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li.12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma. ‘(Tđcv 16, 11-12)

Nhưng chúng ta nên biết phía Đông của Âu châu, phía Bắc có Macêđônia và phía Nam có Hylạp, cả hai miền này, lúc bấy giờ là cái nôi văn minh của thế giới.

Chúng ta dần dần xem cách Phaolô tiếp cận và rao giảng đức tin Kytô giáo cho văn hoá Hylạp như thế nào.

Luôn luôn đi tới đâu, các Ngài, Phaolô và Silas vào trong các Hội đường, vốn là “nhà thờ” và “trụ sở” của người Do thái, mà rao giảng cho người Do thái trước. Chỉ sau khi người Do thái từ chối, các Ngài mới ra đi tiếp cận với người Ngoại, hay lương dân, mà rao giảng cho họ .

Vậy các Vị ấy đặt chân đến Hylạp: “ Xuống tàu ở Trô-a, chúng tôi đi thẳng đến đảo Xa-mốt-ra-kê, rồi hôm sau đến Nê-a-pô-li.12 Từ đó chúng tôi đi Phi-líp-phê là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, và là thuộc địa Rô-ma.” (TđCv 16,12)

Hải cảng Philippi, chỉ cách Neapoli 15 cây số, ngày này có tên là Kavalla.

Sỡ dĩ hải cảng này có tên Philippi là vì Vua Philip đệ Nhị, bố của Alịchsơn Đại Đế, lấy tên mình đặt cho những con suối trong hải cảng ấy. Ngày xưa nó có tên là Crenides , nghĩa là “Những Con Suối Nhỏ”.

Nó chiếm ngự một vị trí chiến lược trên một ngọn đồi, án ngữ hai cửa sông Strymon và Nestus , bao quát cả vùng đồng bằng Druma của sông Gangites, và kiểm soát luôn ngọn đèo Pangaeus và Haemus.

Sau trận đánh nổi tiếng ở Pydna năm 168 trước Công Nguyên, người Macedonia với chiến thuật “phalanx” lừng danh, thua người Roma chuyên hành binh theo kiểu “Legio-sư đoàn”, cảng Phillippi đầy người Lamã. Đến năm 146, cảng Phillipi trở thành một trấn của Lamã . Vào mùa thu năm 42, Cassius và Brutus liên tục thua trận Octavius và Anthony tại cảng này. Như thế là chấm dứt nền Cộng hoà Lamã. Phillippi trở thành một doanh trại lính, với nhiều đặc quyền, như được miễn thuế.

Tại cảng Philippi này, xảy ra nhiều sự kiện hay hay !

Với một quá khứ đầy “La mã” như thế, chẳng lạ gì mà tại Phillipi không có Hội đường Do thái. Số người Do thái ở đây quá ít. Nên các nhà truyền giáo của chúng ta chọn ngay một chỗ công cộng.

Các ông lân la ra cửa thành, ngồi bắt chuyện với mấy …bà !!! “Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó “ ( TđCv 16,13)

Không hiểu các Ngài ngon ngọt thế nào, mà có một bà tên là Lydia tin theo. Cả nhà bà cũng theo bà mà trở lại : “Có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói.15 Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: “Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận lời. “ (TđCv 16,16)

Bẳn Anh văn gọi bà Lydia là người “God-fearer – Kính sợ Thiên Chúa” (xem thêm TđCv 10,1), hơn là “tôn thờ Thiên Chúa”, nghĩa là bà tuy người Ngoại, nhưng cũng chấp nhận tin theo Thiên Chúa duy nhất của người Do thái, cũng vào Hội đường cầu kinh nhưng không giữ luật kiêng ăn hay cắt bì.

Nhưng dù gì thì đó là bước khởi đầu tốt. Ít là các Ngài có nơi ăn chốn ngủ. Hàng ngày các Ngài ra cổng thành để mà cầu nguyện , thì lại xảy ra biến cố sau :

“Một hôm, đang khi chúng tôi đi tới nơi cầu nguyện, một đầy tớ gái đón gặp chúng tôi; cô ta bị quỷ thần ốp, và thuật bói toán của cô làm lợi nhiều cho các chủ của cô.17 Cô lẽo đẽo theo ông Phao-lô và chúng tôi mà kêu: “Các ông này là tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao; họ loan báo cho các người con đường cứu độ.”18 Cô cứ làm thế trong nhiều ngày. Bực mình, ông Phao-lô quay lại bảo quỷ: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! ” Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất. “ (TđCv 16, 16-18)

Cô gái làm osin có tài bói toán. Bản văn nói cô bị “quỷ thần ốp”. “Ám” hay “ốp” ? Mà “ốp” là gì ? Nguyên văn ghi là “ with a Python spirit – cô ta bị viá con python ám” Python là con trăn giữ đền Delphy. Ý nói cô có tài bói toán.

Cô coi bói hay. Như thế cô là một nguồn lợi cho chủ của cô. Ai mà coi bói miễn phí bao giờ ! Vậy mà Phaolô lại đuổi “quỷ thần” ra khỏi cô ta, làm cho cô ta coi bói mất linh.

Thế mới xảy ra cơ sự. Mất nồi gạo, mấy ông chủ của cô nào có tha cho thầy trò Phaolô .

“Các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi đã tiêu tan, liền túm lấy ông Phao-lô và ông Xi-la mà lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức trách.20 Họ điệu hai ông đến các quan toà và nói: “Những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; họ là người Do-thái,21 và họ truyền bá những tập tục mà người Rô-ma chúng ta không được phép chấp nhận và thi hành.”22 Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn.23 Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận.24 Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại. “ ( TđCv 16 , 19-24)

Bị đòn nhừ tử, giam trong ngục sâu, mà chân còn bị cùm .

Các nhà truyền giáo ơi, các Bác dạy giáo lý ơi, chớ có đụng đến các cô “osin” nhé !

Nhưng không sao. Đụng thì cứ đụng. Có thiên thần cứu. “25 Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát.26 Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra.27 Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi.” (TđCv 16, 25-27)

Sau khi trấn an, cai ngục trở lại. Các Ngài rửa tội cho cai ngục và cả nhà ông.

Sáng hôm sau, đến phiên quan toà bắt đầu… “run”. Các quan toà, tiếng La tinh gọi là “Magistrates” còn hy lạp dùng chữ in “strategoi “, là tên gọi thông dụng của chức duoviri, chức quan cao nhất của Lamã coi sóc thương khẩu Philippi. Gọi là Duoviri (hai người, Nhị vị) vì người mang chức vị này có hai công tác, vừa hành chánh vừa luật pháp, nghĩa là vừa là quan Tỉnh trưởng ,vừa là Chánh án.

Chức to là thế, một mình bằng hai người thường, vậy mà khi nghe biết Phaolô là “công dân Lamã” thì các ngài chánh án bắt đầu… xuống nước: “Những ông này sợ hãi khi nghe biết hai ông là công dân Rô-ma.39 Họ bèn đến xin lỗi, rồi đưa hai ông ra và xin hai ông rời khỏi thành phố.“ (TđCv 16,38) Vì luật Lamã cấm ngặt và phạt nặng những ai đánh đòn công dân Lamã. (xem TđCv 22,25-27)

Không biết lúc Phaolô còn nhỏ, mẹ cuả Phaolô có vi phạm luật cấm này không nhỉ ?

Các công dân bất cứ nước nào thời nay cũng đều thua xa công dân Lamã !

Hình minh hoạ chuyến đi truyền giáo lần thứ hai
Seeing
Chúng ta đang ở miền bắc Hy lạp.

Theo chân Phaolô chúng ta đi tiếp

Sau khi được thiên thần khiến động đất cứu ra khỏi tù, kèm theo lời xin lỗi của các vị “phụ mẫu chi dân”, Phaolô và Silas chân thấp chân cao “Hai ông đi ngang qua Am-phi-pô-li và A-pô-lô-ni-a, đến Thê-xa-lô-ni-ca, là nơi có một hội đường của người Do-thái.” (TđCv 17,1)

Cả hai thành phố Amphipolis và Apollonia đều nằm trên con đường cái quan đi dọc bờ biển Êgê từ Bắc xuống Nam của miền Bắc Hy lạp, gọi là “quốc lộ số Một” Egnatian. Hai thành phố cách nhau chừng “một ngày đàng” (chừng 45 cây số).

Amphipolis nằm giữa một thung lũng phì nhiêu có nhiều nho, ôliu và gỗ. Vào thời đó, nó là vị trí chiến lược để kiểm soát đường quốc lộ “số Một” Egnatian, trên bờ sông Strymon.

Hai Ngài chỉ đi qua đây, trên đường đến Thessalonica .“1 Hai ông đi ngang qua Am-phi-pô-li và A-pô-lô-ni-a, đến Thê-xa-lô-ni-ca, là nơi có một hội đường của người Do-thái.2 Theo thói quen, ông Phao-lô đến với họ, và trong ba ngày sa-bát liền, ông thảo luận với họ;” ( TđCv 17,1-3)

Thessalonica mới chính là thủ phủ của miền Macedonia này. Tên gọi ngày nay chỉ còn là Salonika. Nằm ngày trên bờ vịnh Thermaic, cách Apollonia chừng 60 cây số. Thành phố này được Cassander thành lập năm 315 trước Công Nguyên. Ông lấy tên vợ mà đặt tên cho thành. Bà là con gái của hoàng đế Philip đệ Nhị. Dân số lúc ấy chừng 200 ngàn .

Tại đây, các Ngài theo đúng chiến thuật cũ, là vào Hội đường Do thái mà rao giảng trước.

Đặc biệt lần này, các Ngài đi theo cách thức của Chúa Giêsu đã dùng để “mở mắt” hai môn đệ trên đường về làng Emaus. Đó là trích dẫn và cắt nghĩa Kinh Thánh để chứng minh Đức Kytô phải chết và đã sống lại : “Theo thói quen, ông Phao-lô đến với họ, và trong ba ngày sa-bát liền, ông thảo luận với họ; dựa vào Kinh Thánh, ông3 giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: “Đấng Ki-tô ấy, chính là Đức Giê-su mà tôi rao giảng cho anh em.” (TđCv 17,2-3)

Một vài người nghe và tin theo. Nhưng nhiều người khác nghe không lọt tai. Họ làm bung xung, lôi kéo nhóm “du đãng, du thủ du thực, đầu đưòng xó chợ” kéo đến nhà Jason, nơi hai ông ở trọ, muốn bắt Phaolô. Nhưng không gặp. Nên họ trút cơn giận lên đầu chủ nhà Jason, lôi ông này tới chốn công đường, hô to: “Uy Vũ”, mời Bao công ra xử án.

Họ lập lại y chang mánh khóe của người Do thái trước dinh Philatô, khi kết án Chúa Giêsu: “Những tên gây rối trong cả thiên hạ, nay vác mặt đến đây,7 thế mà Gia-xon lại chứa chấp chúng! Tất cả bọn này đi ngược lại các chiếu chỉ của hoàng đế Xê-da, vì chúng nói rằng có một vua khác là Giê-su.”8 Nghe những lời ấy, đám đông và các nhà chức trách thành phố xôn xao,9 họ đòi ông Gia-xon và những người kia phải nộp tiền ký quỹ rồi mới thả ra.” (TđCc 17, 7-8)

Cùng bị một lối kiện cáo, mà Chúa Giêsu thọ án tử, nhưng Phaolô và Silas chỉ mất tiền ký quỹ rồi được thả ra. Rõ ràng cuộc xử án ở dinh Philalô hôm nào đầy mầu sắc chính trị. Bọn “du thủ du thực” ở Thessalonica đây không âm mưu và hiểm độc bằng các Tư tế Do thái tại Giêrusalem.

Giờ đây chúng ta mới thấy các Tư tế muốn giết cho bằng được Chúa Giêsu mà. Với lại cai trị người Do thái tại Giêrusalem, thủ đô bị trấn đóng, dĩ nhiên là khó hơn là trấn an nhóm người Do thái thiểu số tại Thessalonica đây. Philalô cần phải lấy lòng Lamã nhiều hơn, và phải làm sao để giữ Giêrusalem yên tĩnh. Còn Thessalonica đã là một thành phố Lamã rồi, và gần “mặt trời Roma” hơn.

Chịu mất một số tiền, các Ngài phải đi ngay trong đêm. Sang Bêrêa .

Bêrêa là một thành phố mà Cicêrô gọi là “thành phố lạc lõng”, vì nó cách Thessalonica 60 cây số về hướng Tây Nam, nhưng không nằm dọc đường quốc lộ, mà nằm dưới chân ngọn núi Bermios .

Dân Do thái ở đây “hiền” hơn. Khi nghe Phaolô giảng, họ còn tra cứu Kinh Thánh để đối chiếu xem coi có thật đúng như vậy không .

“Ngay đêm ấy, các anh em tiễn ông Phao-lô và ông Xi-la đi Bê-roi-a. Đến nơi, các ông vào hội đường người Do-thái.11 Những người Do-thái ở đây cởi mở hơn những người ở Thê-xa-lô-ni-ca: họ đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không.12 Vậy nhiều người trong nhóm họ tin theo; về phía người Hy-lạp, cũng có nhiều phụ nữ thượng lưu và nhiều đàn ông cũng tin theo.” (TđCv 17,10-12)

Nhóm Do thái ở Thessalonica nghe tin mấy Ngài đã tới đây thì họ không tha, mà cũng kéo cả bọn sang đây. Dấy máu ăn phần. Y hệt như ngài Jét xi Giắc xông ! Muà Chay nào cũng có nước mắt.

”13 Nhưng khi người Do-thái ở Thê-xa-lô-ni-ca biết là ông Phao-lô cũng loan báo lời Thiên Chúa ở Bê-roi-a nữa, thì họ lại đến đấy sách động và gây xôn xao trong dân chúng.14 Bấy giờ các anh em lập tức tiễn ông Phao-lô ra tận bờ biển; còn ông Xi-la và ông Ti-mô-thê thì vẫn ở lại đó.15 Các người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.” (TđCv 17, 13-16)

Thế là một số người phải đưa Phaolô đi.

Phaolô xuống Athens trước. Silas và Timôthê xuống sau .

Athens còn gọi là Nhã Điển, thành phố thủ đô văn vật của Hylạp. Nói đến Hylạp là phải nhớ ngay đến Athens. Athens, là nơi khai sinh tư tưởng về dân chủ, về nền cộng hoà . Athens tập trung mọi thành quách, đền đài mang đậm nét văn hóa và văn minh đặc trưng của Hy lạp, đến nỗi khi chiếm đóng Hy lạp,người Lamã , vốn rất chuộng tất cả những gì là Hylạp, đã trân trọng dành cho Athens một quy chế riêng biệt: Athens vẫn là một thành phố tự do.

Tên “Athens” là do từ Ἀθῆναι-Athēnai, dạng số nhiều của Ἀθήνη-Athēnē, tên của nữ thần Athena. Sỡ dĩ tên Athenai ở số nhiều vì thành phố có nhiều phần mà phần nào cũng hoành tráng đáng được kể như một thành phố riêng biệt .

Suốt cả một ngàn năm trước Công Nguyên và nhất là từ năm 500 đến 300, Athens ở vào thời hoàng kim. Đó là trung tâm văn hóa của thế giới.

Nằm cách mỏm Piraeus, ở bờ biển, 7 cây số, Athens ngó xuống vịnh Saronic. Vào năm 146 trước Công nguyên, người Lamã chiếm Athens, nhưng để cho Athens được tự do .

Lúc Phaolô đến Athens, khoảng năm 52, thì Athen đã mất hết nét huy hoàng và giầu có ngày xưa. Dân số chỉ con chừng 10 ngàn người. Nhưng hội trường Areopagus, nơi thị dân Athens thường tụ họp, vẫn là chổ lý tưởng để bắt đầu một bài giảng.

Areopagus vừa là một công trường , vừa là tên của Hội đồng thành phố Athens.

Areopagus, tên Hy lạp, có nghĩa là “Ngọn đồi của Ares”. Theo thần thoại Hylạp, Ares là thần Chiến Tranh. Ông đã bị các thần khác đem ra xử án xem coi có phạm tội giết Alirrothios con của thần Poseidon hay không. Ông được trắng án. Nhưng vụ xự án này được coi là vụ xử án đầu tiên trên thế gian . Từ đó, ngọn đồi nơi xử án thân Ares được gọi là Areopagus. Ngườì Hylạpdùng tên này để gọi một ngọn đồi cao chừng hơn 100 thước, nằm về phía tây bắc ngọn đồi Acropolis. Nơi đây, ngày trước, hội đồng nhân dân thành phố Athens, cũng gọi là Aeropagus, tụ tập để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố, như xét xem có nên đi đánh nhau không, hay xử các vụ trọng án trong thành phố, như cướp của giết người .

Việc Phaolô ra “điều trần” trước hội đồng Areopagus không có nghĩa là ngài bị xử án về tội gì, nhưng vì trước đó, Ngài hay thảo luận với những người qua lại tại quảng trường này, nên đã lôi kéo được sự chú ý của những người trong hội đồng areopagus. “Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Do-thái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại.18 Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy? ” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phao-lô loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su và về sự Phục Sinh.” (TđCv 17,17-18)

Chúng ta thấy rõ lòng kiêu hãnh và tự mãn của người Hy lạp khi gọi một người Do thái lùn, đang hùng hồn, mang tên Phaolô, là “con vẹt”.

Lúc bây giờ hai nhóm triết gia Khoái lạc và Khắc kỷ là hai nhóm hoàn toàn đối nghịnh nhau như nước với lửa. Họ gặp nhau ngoài quảng trường chỉ là để cãi nhau hằng giờ không chán. Ai cũng bảo vệ cho bằng được chủ thuyết của phái mình.

Phaolô, vô hình trung, đã nằm giữa hai lằn đạn. Những Ngài đã có cách để khởi đầu.

Tinh thần dân chủ phát sinh từ Athens đã ảnh hưởng mạnh. Nếu mọi người sinh ra đều bình đẳng, và ai cũng có quyền bầu bán, thì các vị thần cũng thế: Mọi vị Thần đều có quyền được thờ như nhau. Vì thế mà khắp nơi trong thành phố, chỗ nào cũng có tượng thần. Thần la liệt. Thần đủ mọi loại, Thần đủ mọi màu da. Thần đủ mọi kiểu, mọi tên.

Dân Athens còn cẩn thận, sợ có vị thần nào mà họ chưa biết đến, sẽ lên tiếng bất bình, nên họ làm thêm một tượng “rề sẹt”- just in case! , đề tên là “Thần Vô danh” (nghĩa là Thần, nếu có, mà thành Athens chúng tôi chưa biết tên)

Quả vậy sau khi nhàn tản thả bộ qua gần hết các đường trong thành phố, nhận thấy được mấu chốt cho vấn đề, Phaolô nêu lên một chi tiết để lung khởi : “Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. “ (TđCv 17,22-23)

Ngài tiếp tục khai triển bài giảng, người Athens lắng nghe. Cả Khắc kỷ lẫn Khoái lạc đều lắng nghe. Ngài giới thiệu Đức Giêsu Kytô, người ta cũng lắng nghe. Cho đến khi ngài nói đến sự kiện sống lại, thì đầu óc duy lý của Hy lạp khựng lại, họ không chấp nhận: “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy.”33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi. “ (TđCv 17,33)

Chúng ta cứ ngỡ nơi đỉnh cao của văn minh nhân loại cũng sẽ là nơi dễ chấp nhận Tin Mừng, chứ. Vậy mà Athens lại là nơi gọi Tin Mừng, gọi việc Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá là một sự điên rồ !

Phải kể ra việc rao giảng của Phaolô tại Athens là một thất bại! Sau này Ngài chẳng có một cái thơ nào “gửi tín hữu thành Athena “ cả .

Nhưng ít ra cũng có một vài người tin theo, trong số đó có ông Dyonisius và một bà tên là Damaris.

“1 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô. ” (Tđcv 18,1)

Côrintô là như một pháo đài nằm trên một cao nguyên nhìn xuống eo biển giữa Hylạp và đảo Peloponnesus. Cảng Corintô nằm ở mạn Nam của một đại đô thị. Phiá Đông có cảng Cenchrea mở vào vịnh Saronic của biển Egê. Phía Tây có cảng Lechaeum mở vào vịnh Côrintô, biển Adriatric. Các tàu bè nhỏ có thể được ròng rọc kéo trượt trên các cây xà gỗ tròn để từ vịnh này sang vịnh kia.

Vào năm 27 trước Công nguyên, Côrintô đã là một thương cảng sầm uất, hỗn tạo, và là thủ phủ của trấn Achaia. Dân số lúc ấy đã trên 200 ngàn người, gồm đủ mọi sắc dân và màu da, từ Lamã , Hy lạp, Ý, Do thái cũng không thiếu. Cả những người đến từ Đông phương xa như Ấn độ. Lính tráng cũng có, mà thương gia, công chức cũng có. Thủy thủ lại càng nhiều hơn! Và cùng với thuỷ thủ tứ xứ, thì có các nàng giang hồ, gặp nhan nhản mọi chỗ ở Corintô.

Côrintô lúc ấy, đồng nghĩa với sa đọa và thác loạn!

Tại Côrintô, Phaolô gặp một gia đình Do thái làm cùng nghề may lều bạt, chạy loạn từ Ý về. Chồng tên là Aquila và vợ là Priscilla. Ngài lưu lại tại nhà họ, và ở đó rao giảng cho tại Corintô cả hơn năm trời.

“Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều.4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp…. Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.” ( TđCv 18, 1-4,11)

Lúc ấy hai ông Silas và Timothê mới từ Macedonia xuống ở với Ngài .

Ngài chỉ cố rao giảng cho người Do thái, chứng minh cho họ biết rằng chính Đức Giêsu là Nagiareth là Đức Kytô, là Đấng Messia, Là Đấng Phải Đến. Nhưng hoài công. Cuôi cùng Phaolô đành chịu thua mà bo/ họ , quay sang rao giạng cho ngu=ơì ngoại. “Ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô.6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.”7 (TđCv 18 6-8)

Bực lên mà phủi bụi áo bỏ đi là nóng lắm rồi đó! Ngài còn dùng công thức: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người” nghĩa là “Thôi nhé! Thậc các ông hết thuốc chữa. Từ nay, có gì thì lo mà chịu trách nhiệm lấy. Tôi chịu thua !”

Thiên Chúa đã phải hiện ra trong giấc mơ mà an ủi Phaolô đừng nản lòng ! “Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh,10 vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” (TđCv 18 9-10)

Ngay sát vách hội đường Do thái ở Corintô, có gia đình một ngưòi La mã, tên là Titius Justus. Phaolô qua đó mà rao giảng. Ông ta và gia đình trở lại. Cả ông từ coi hội đường Do thái, tên là Cơrítpô, cũng tin theo mà trở lại.

Khi thấy số người tin theo Phaolô càng ngày càng nhiều thì người Do thái bắt đầu kiếm chuyện. Họ kiếm cách đưa Phaolô ra toà án, vu cáo là gây rối . “Thời ông Ga-li-on làm thống đốc tỉnh A-khai-a, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phao-lô; họ đưa ông ra toà13 và nói: “Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.” ( TđCv 18, 12-13)

Nói cho ngay, người Do thái có kiếm chuyện với Phaolô thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, y hệt như Phaolô từng hằn học với các tín hữu trước khi trở lại. Đối với họ, và kể cả đối với người Do thái thời nay, các tín hữu đều là những người rối đạo, tin quấy tin quá, tin theo một điều không hề đúng với Do thái giáo. Rabbi Giêsu chỉ là một rabbi bình thường, và lạc đạo !

Khi ho đem chuyên lên toà án Lamã để kiện cáo thì quan toà, ông Gallio không lấy làm điều. Ông biết đây chỉ là chuyện tranh cãi giáo điều nội bộ của người Do thái mà thôi .

“Ông Ga-li-on đã nói với người Do-thái: “Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông.15 Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.”16 Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án.” ( TđCv 18 14-16)

Thậm chí, khi người Do thái ở Corintô “giận cá chém thớt”, xông vào đánh “hội đồng” ông Sosthênê ngay trước toà án, thì “ông Ga-li-on chẳng bận tâm gì về việc này.” ( TđCv 18,17)

Sau một năm rưỡi ở tại Corintô, Phaolô ghé Cenchreae.

Cenchreae là môt thị trấn nhỏ giáp ranh với Côrintô , cách 7 cây số, và vẫn còn thuộc hành chính của Côrintô.

Tại đây có bà phó tế Phoebe mà trong thư Roma, thánh Phaolô có nhắc đến : “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê. “ ( Rm 16,1)

Và cũng tại đây Phaolô cạo trọc đầu : “Tại Ken-khơ-rê, ông xuống tóc, vì có lời khấn.” (T đCv 18,18)

Dĩ nhiên không phải vì đầu của Phaolô có nhiều chí rận .

Việc cạo trọc đầu thưòng là dấu hiệu kết thúc một “nazarit”. Người Do thái nào có một lời khấn, hứa, hay nguyền, thì được gọi là “nazoréon”. Nhất là khi thoát được một cơn hoạn nạn lớn, người ta hay khấn nguyền giữ một điều gì đó. Xong việc người ta cạo trọc đầu, như một dấu hiệu đã giữ trọn một lời thề !

Từ đầy, phái đoàn truyền giáo đáp tàu về. Nghĩa là đi về hướng Đông, băng qua biển Êgê, về lại Giêrusalem. Trên đường về, các Ngài ghé Ephêsô, một cảng nằm trên bờ biển Tiểu Á (Thổ nhĩ kỳ)

“Từ giã các anh em và vượt biển sang miền Xy-ri 19 Khi đến Ê-phê-xô, ông Phao-lô từ biệt hai người kia (ông bà Aquilla và Priscilla). Phần ông, ông vào hội đường và thảo luận với người Do-thái.” (TđCv 18,19)

Ephêsô nằm đầu mỏm núi Koressos chỉa ra biển Egê. Đây là một thương cảng giữ việc giao lưu giữa thế giới Ramã và toàn vùng Tiểu Á . Nhưng vì khai thác gỗ quá nhiều, dùng vào việc đốt than, đất màu trên mặt bị xói mòn, chảy xuống thành bùn làm nghẹt cửa cảng, khiên cho thương mãi càng ngày càng suy sụp.

Ephêsô còn nổi tiếng với việc thờ nữ thần Artemais có lắm vú. Người Lamã gọi tên thần này là Diana. Đền thờ thần Artemais tại Ephesô được kể là một trong bảy kỳ quan của thế giới Cổ đại. Đền thờ này đứng vững cho đến năm 263 sau Công nguyên thì bị người Goths cướp phá .

Phaolô ở Ephêsô không lâu. Người ta xin Ngài ở lại, nhưng Ngài khất lần sau : “Họ xin ông ở lại lâu hơn. Ông không chịu.21 Nhưng khi từ giã họ, ông nói: “Để lần khác tôi sẽ trở lại với các ông, nếu Thiên Chúa muốn.” Rồi ông xuống tàu rời Ê-phê-xô.

22 Đến Xê-da-rê, ông lên Giê-ru-sa-lem chào thăm Hội Thánh, rồi xuống An-ti-ô-khi-a. “ (TđCv 18,21-22)

Từ Ephêsô, ngài về lại Giêrusalem, “báo cáo công tác”, rồi về lại Antiokia, kết thúc chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Đó là khoảng năm 52.

Danh sách những nơi Ngài đã đi qua trong lần thứ hai này :

Từ Jerusalem
lên Antioch
qua Derbe
Lystra
Troas
qua Neapolis
Philippi
Amphipolis
Apollonia
Thessalonica
Berea
Athens
Corinth
Cenchreae
Ephesus
Caesarea

III. Hành trình truyền giáo lần thứ ba

Cũng như hai lần trước, chúng ta ôn lại một vài niên biểu quan trọng của giai đoan này.

-Cuộc truyền giáo lần thứ ba, khoảng năm 53 đến năm 57;
-Viết hai thư gửi giáo dân Côrintô , là Thư I và II Corinthians; và thư gửi giáo dân miền Galatia, khoảng năm 56;
-Viết thư gửi tín hữu ở Roma, khoảng năm 57;
-Về thăm Giêrusalem lần thứ năm, và bị bắt tại đó, năm 57.

Chuyến đi truyền giáo lần thứ ba nhắm vào Ephêsô. Ngài đã hẹn Ephêsô là sẽ trở lại. Ở đó có ông bà Aquilla và Priscilla chờ đón Ngài.

Chuyến đi này được kể lại đầy đủ trong sách Tông Đồ Công vụ chương 18 câu 23 đến chương 21 câu 26 .

Sau khi nghĩ ở Antiokia một thời gian ngắn, Ngài lại lên đường, theo đường bộ qua miền Galatia và Phrygia , rồi đi thẳng tới Ephêsô : “rồi xuống An-ti-ô-khi-a.23 Sau khi ở đó một thời gian, ông ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh. “ ( TđCv 18, 23)

Tại Ephêsô, chúng ta có câu chuyện về ông Apollô.

Dường như Apollo là một người Do thái rất thành tâm tìm kiếm chân lý, nhưng vì bỏ quê hương lưu lạc sang Ephêsô khá lâu, trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, nên ông chỉ biết tới Gioan Tẩy giả mà thôi. Vì vậy tại Ephêsô, ông kể lại những biến chuyển tại quê nhà. Ông lại có tài ăn nói, am tường Kinh Thánh, nên giảng dạy tại Hội đường. Người Do thái tha hương tại Êphêsô tin theo những lời ông nói, và ông thi hành phép rửa cho họ, theo kiểu của Gioan Tẩy giả. Ông rửa tội như thế được chừng 12 người.

“Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an.26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.” ( TđCv 18,24-26)

Ông bà Aquilla và Priscilla nghe biết ông, mời ông về nhà và nói cho Apollo nghe về Đức Giêsu. Khi Apollo muốn sang Achaia, đảo trấn Hylạp có thành phố Corintô, các tín hữu bên Ephesô mới viết giấy giới thiệu Apollo với các tín hữu bên đó.

Sang Achaia, Apollo giúp cho các tín hữu Hylạp rất nhiều, nhất là trong việc tranh luận với người Hylạp. “27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu,28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. “ (TđCv 18, 27)

Khi Phaolô tới Êphêsô, Ngài gặp nhóm tín hữu do Apollo giáo dục này, và hỏi họ đã có nhận lãnh Thánh Thần chưa. Họ trả lời chưa hề nghe biết có Thánh Thần, và phép rửa họ chịu là phép rửa của Gioan. Phaolô mới giảng thêm cho họ về Đức Giêsu, Đấng đến sau Gioan. Họ tin theo, được rửa tội và nhận Thánh Thần. “Ông Phao-lô gặp một số môn đệ2 và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? ” Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.”3 Ông hỏi: “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào? ” Họ đáp: “Phép rửa của ông Gio-an.”4 Ông Phao-lô nói: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.”5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.7 Cả nhóm có chừng mười hai người.” ( TđCv 19,1-7)

Sau chuyện này, Phaolô tiếp tục rao giảng trong hội đường ở Êphêsô chừng ba tháng, tranh luận và biện bạch với họ về “Nước Thiên Chúa”.

Khoảng thời gian này, Ngài mượn một phòng học của một “thầy hiệu trưởng” tên là Tyranus và , trong vòng hai năm, giảng dạy tại đó. Bản Kinh thánh Codex Bezae ( TđCv 19,9) thêm chi tiết này :”from the fifth hour to the tenth- từ giờ thứ năm cho đến giờ thứ mười “ nghĩa là từ 11 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều: “Ngày ngày ông thảo luận trong trường học của ông Ty-ran-nô.10 Cứ như thế trong vòng hai năm, khiến mọi người ở A-xi-a, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa. “

Năm tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong vòng hai năm. Cha mẹ ơi, có thầy giúp xứ nào, hay Cha Phó nào siêng năng như thế không ?

Với năng lực truyền giáo như thế nên trong vòng hai năm, “mọi người ở Asia đều được nghe Lời Chúa.”

Lúc này thì có câu chuyện vui vui xảy ra. Nhắc lại hầu các Bạn.

Số là tại Êphêsô, có một số người làm nghề trừ quỷ. Khi thấy Phaolô trừ quỷ, chữa nhiều người bị quỷ ám rất là hiệu nghiệm, thì họ bắt chước.

Phaolô mà ra tay trừ quỷ thì chắc chắn là… “hết sẩy” rồi. “Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường,12 đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.” ( TdCv 19,11)

Mấy vị làm nghề trừ tà kia tại Ephêsô, không biết có cao tay ấn thật hay không, hay chỉ là giở trò lừa bịp lâu nay, thấy tài nghệ của “thầy” Phaolô thì bắt chước, mong được “nâng cao tay nghề”. Họ cũng “bắt quyết”. Rồi hô hoán: “Nhân danh Đức Giê-su mà ông Phao-lô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!” (TđCv 19, 13) Mấy ông quên không nói là truyền lệnh gì !

Trong số các thầy trừ tà, lại có cả bảy người con của một ông trưởng hội đường Do thái, tên là Sikêua.

Nhưng chuyện oái ăm là, mấy “con tà con ma” ở Êphêsô có máu tếu ngạo. Khi nghe các thầy bắt quyết hô hoán, làm đủ trò, chúng trả lời: “Đức Giê-su, tao biết; ông Phao-lô, tao cũng tường; còn bay, bay là ai? ”

Rồi người bị tà thần ám nổi cơn xung thiên, dỡ “võ Thổ Nhĩ kỳ” đánh cho mấy thầy rách cả áo quần, chạy trần truồng khắp phố.

Đọc đoạn văn này,chúng ta mới thấy ngòi bút miêu tả của thánh Luca thật là dí dỏm và linh hoạt. Nhà cháu viết tới đây mà cứ nghĩ tới cảnh mấy con ma giở võ Thổ nhĩ kỳ rượt thầy cúng Do thái chạy té khói, trần truồng, “tô hô vạn tuế”, trình diễn thời trang áo tắm zero-kini mùa hè, miễn phí ngoài đường phố Ephêsô vào khoảng năm 56, thì không thể nhịn cười được .

“Mọi người ở Ê-phê-xô, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều biết chuyện ấy.” ( TđCv 19, 17)

Sau vụ ấy thì các “thầy trừ tà” khác đều chết khiếp. Chắc là vì sợ “võ ThổNhĩkỳ” của tà ma, nên họ “cạch đến già”. Họ thú tội và nạp sách vở cho Phaolô đốt hết. “Khá đông người làm nghề phù thủy đem gom sách vở mà đốt trước mặt mọi người; tổng cộng số sách ấy trị giá tới năm mươi ngàn đồng bạc. “(TđCv 19, 19-20)

Chắc mấy con tà con ma ở Ephêsô lâu nay bị các thầy trừ tà xử ức lắm, oan mà nói không được, nên nay được một trận trả thù, thật là hả dạ. Nếu chúng ta biết, trong dụ ngôn người thợ làm vườn nho sáng sớm ra chợ thuê thợ, thoả thuận tiền công nhật là một đồng cho một ngày. “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3” (Mt 20,1-2) thì số tiền năm mươi ngàn kia không phải là nhỏ .

Sự việc này lại liên quan tới một vụ khác.

Số là tại Êphêsô có đền thờ nữ thần Artemis lắm vú. Đền thờ này lộng lẫy, được xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới. Thật ra nữ thần Artemis là chị em sinh đôi với thần Apollo. Artemis tượng trưng cho đời sống hoang dã, thích săn bắn. Tượng nàng thường được tạc với một bộ cung tên và các thú hoang quây quần chung quanh. Nàng phù trợ cho sự phong nhiêu, mắn đẻ. Nhưng theo truyền thuyết, từ lúc nhỏ đã xin bố, là Thần Zeus, cho mình được “đồng trinh trọn đời”.

Vậy mà không hiểu sao tượng nàng bên Ephêsô lại được tạc với một bộ ngực đầy những vú. Có vậy, đền thờ của nàng mới lắm người lui tới, chiêm ngắm và cầu xin. Có vậy bọn thợ bạc mới đúc và khắc tượng nàng làm những món đồ trang sức và “souvenir” cho khách vãng lai !

Nghề này rất hốt bạc. Bọn thợ bạc phất lên, giầu to, cả một kỹ nghệ dưới tay một phường chủ là ông Demetrius. Tay này lập thành cả một “công đoàn thợ bạc”, hay “phường thợ bạc”. Hà nội có ba mươi sáu phố phường, chứ ở Ephêsô chỉ có hai phố, phố “hàng trừ tà” và phố “hàng bạc” của tay Demetrius này.

Phaolô chọc vào tổ ong vò vẽ.

Nhà cháu không nói xạo. Nhà cháu nhường lời cho tay Demetrius này kể tội Phaolô như sau : “24 Số là có một người thợ bạc tên là Đê-mết-ri-ô, chuyên làm mô hình đền nữ thần Ác-tê-mi bằng bạc, và nhờ đó đem lại cho các người thợ một nguồn lợi không nhỏ.25 Ông ta tập hợp họ và những người làm nghề tương tự, và nói: “Thưa các bạn, các bạn thừa biết là nhờ việc làm ăn này mà chúng ta phát tài.26 Thế mà, như các bạn thấy và nghe biết: không những ở Ê-phê-xô này, mà gần như trong khắp cả A-xi-a, tên Phao-lô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần.27 Như vậy, có nguy cơ là không những ngành nghề của chúng ta bị chê bai, mà cả đền thờ đại nữ thần Ác-tê-mi cũng bị người ta coi chẳng ra gì, và rốt cuộc vị nữ thần mà toàn A-xi-a và cả thiên hạ tôn thờ cũng chẳng còn gì là vĩ đại nữa.”28 Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường, lôi theo ông Gai-ô và ông A-rít-ta-khô là những người Ma-kê-đô-ni-a, bạn đồng hành của ông Phao-lô.” (TđCv 19, 24-29)

Phaolô đã đập bể nồi cơm của họ. Họ điên lên là phải.

Nhưng mà tay Demetrius phải nói là đáo để. Hắn biết cách xúi dân chúng biểu tình. “Nghe nói thế, họ đầy lòng căm phẫn và thét lên: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “29 Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường…32 Dân chúng hò la, kẻ thế này, người thế nọ, đại hội trở nên hỗn loạn và phần đông không biết mình họp nhau để làm gì.” ( TđCv 19, 28-32)

Như vậy là ghê lắm chứ có phải chơi đâu. Phải nói là y hệt như lời kêu gọi “thánh chiến jihad”.

Khiếp là thế, nên Phaolô phải lánh mặt . “Tất cả mọi người đồng thanh hò hét suốt gần hai tiếng đồng hồ: “Vĩ đại thay, thần Ác-tê-mi của người Ê-phê-xô! “3 .. “Ông Phao-lô muốn ra trước đại hội toàn dân, nhưng các môn đệ không cho.31 Có mấy vị chức sắc tỉnh A-xi-a, là bạn của ông Phao-lô, cũng sai người đến khuyên ông đừng liều mình đến hí trường. “ (TđCv 19, 30-31)

Cuối cùng phải nhờ ông thư ký của Hội đồng thành phố ra trấn an, dân chúng mới chịu nguôi ngoai và giải tán.

Một lần nữa, chúng ta thấy tài kể chuyện của thánh sử Luca thật là tuyệt vời .

Sau biến cố này, Phaolô phải rời Êphêsô mà qua Hylạp. Ngài trở lại thăm Corintô, ở lại đó suốt ba tháng muà đông. Có lẽ cố ý chờ cho sang xuân, biển yên lặng, mà trở về Giêrusalem. “Ông Phao-lô mời các môn đệ tới, khuyên nhủ họ, rồi chào từ biệt và lên đường đi Ma-kê-đô-ni-a.2 Ông đi qua miền đó, nói nhiều lời khuyên nhủ các anh em, rồi tới Hy-lạp3 và ở lại đó ba tháng.” ( TđCv 20 ,1-3)

Nhưng sự thể xảy ra khác hẳn. Người Do thái lại âm mưu hại Ngài. Họ vẫn hăng say tìm cách giết hại Ngài, kẻ rối đạo, y như trước kia Ngài đã từng lùng bắt các tín hữu tiên khởi.

Vì khôn ngoan, không muốn tạo cơ hội cho họ thành công, – một vụ đắm tàu là xong ngay – hay cho người đi theo hãm hại Ngài trên tàu, hay xô xuống biển – Ngài quyết định trở về bằng đường bộ . “Vì người Do-thái âm mưu hại ông, nên khi sắp xuống tàu sang miền Xy-ri, ông quyết định qua ngã Ma-kê-đô-ni-a mà về. “ ( TđCv 20,3)

Phái đoàn chia thành hai toán, một theo đưòng biển, một theo đường bộ, hẹn nhau tại Troas .

Tại Troas, Ngài lưu lại đó một tuần.

Chỉ có một tuần thôi mà lại cũng có chuyện .

Đến ngày đầu tuần, tức là Chúa Nhật, sau khi họp nhau xem lễ Chúa Nhật: “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.” ( TđCv 20,7 ), Ngài giảng hăng say cho mãi đến… nữa đêm. Lạy Chúa !

Cha nào cũng vậy, dù có hùng biện mấy thì hễ giảng dài, giáo dân sẽ ngủ gật ! Đến như thánh Phaolô giảng kia mà cũng còn có người ngủ gật nữa là.

Không những thế, giảng dài còn gây ra án mạng nữa mới chết chứ ! Rõ khổ !

“Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết.” (TđCv 20, 9)

Nhà cháu nhắc nhỏ cho các Bạn, xứ Bạn nào có Cha hay giảng dài, cứ đem đoạn sách này mà đọc cho các Ngài nghe, may ra cải thiện được phần nào .

Biết làm sao bây giờ mà trả lời cho bố mẹ cậu ta ? Thì đành phải làm phép lạ vậy chứ sao bây giờ ? : “Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà! “11 Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi.12 Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít.” ( TđCv 20,10-12)

Vậy mà vẫn chưa chừa. Chứng nào tật nấy. Ngài còn giảng cho mãi đến sáng !

Hình minh hoạ chuyến đi truyền giáo lần thứ ba
Seeing
Hoặc xem bản đồ minh họa tại đây

Sau một đêm giảng và làm phép lạ cho cậu bé té lầu sống lại, Phaolô đi đường bộ, qua Assos để xuống Miletus

Nhưng từ Troas xuống Miletus, Ngài còn ghé nhiều nơi như sau:

”Chúng tôi xuống tàu trước đi Át-xô, là nơi chúng tôi sẽ đón ông Phao-lô; ông đã sắp đặt như thế, vì ông tính đi đường bộ.” (Tđcv 20 , 13)

Assos là một cảng lớn trong vùng phụ cận của vùng Troad . Được thành lập cả ngàn năm rồi, đến năm 600 trước Công nguyên, dân số của cảng Assos đã có thể lên tới 15 ngàn người.

Pholô không dừng lạ đầy lâu, đủ thời giờ để lên tàu tới Miletus mà thôi .

Sau đó cả đoàn đi tàu tới Mitylen : “Khi ông gặp lại chúng tôi ở Át-xô, chúng tôi đón ông xuống tàu rồi đi tới Mi-ty-len.” ( TđCv 20, 15)

Mitylen là thành phố chính của đảo Lesbos, nằm trên bờ Tây của Thổ nhĩ kỳ.

Tàu bè thường tới đây vào ban chiều, nằm chờ qua đêm tại đây để sáng hôm sau nhổ neo xuôi Nam sớm, nhờ vào chiều gió thuận thường thổi qua đảo này.

Thành phố này ban đầu nằm trên một hòn đảo gần đất liền, nhưng sau đảo được nối liền với đất nhờ một con đê. Từ đó Mitylen thành một hải cảng tốt cho tàu bè.

“Từ đó chúng tôi vượt biển và hôm sau tới ngang đảo Khi-ô. Hôm sau nữa, chúng tôi cặp bến ở đảo Xa-mốt, rồi ngày kế đó đến Mi-lê-tô,16 vì ông Phao-lô đã quyết định không ghé Ê-phê-xô,” ( TđCv 20 15-16)

Miletus nằm ngay cửa sông Meander, cách 45 cây số về phía nam của Ephêsô. Ban đầu Miletus là thành phố cảng, nhưng sau nhiều lần cửa sông Meander, vì phù sa, đã thay đổi chổ, nên hiện nay Miletus đã nằm sâu gần chục cây số trong đất liền.

Tại Miletus, Ngài không dám đi lên Ephêsô. Người Do thái hăm dọa sẽ thanh toán Ngài trên đó. Nên Ngài nhờ người mời các “trưởng lão” từ Ephêsô xuống Miletus để gặp Ngài.

Có hai chuyện cần lưu ý ở đây. Thứ nhất danh từ “trưởng lão”, không hẳn ám chỉ những bô lão tại cộng đoàn tín hữu ở Ephêsô! Mà chỉ là những người có chút nhiệm vụ coi sóc, nâng đỡ tinh thần tín hữu, nghĩa là là những người ma sau này gọi là Linh mục hay Giám mục.

Và khi các trưởng lão xuống Miletus gặp Phaolô, thì hai bên chia tay nhau rất là cảm động. Phaolô tâm sự tha thiết đến độ ai cũng rơi lệ.

Trước hết Ngài ôn lại cho các vị ấy duyên do Ngài tới Ephêsô, nhưng ngay sau đó Ngài nói chính Thánh Thần cho Ngài biết rằng điều bất hạnh đang chờ Ngài tại Giêrusalem: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó,23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. “ ( TđCv 20 ,22-24)

Ngài khuyên họ biết cảnh giác những con chó sói sẽ xâu xé cộng đoàn.

Ai cũng mường tượng rằng, lần chia tay này sẽ là vĩnh biệt ! “Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn.38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu. “ (TđCv 20, 38)

“Đến khi dứt ra được mà xuống tàu, chúng tôi đi thẳng đến đảo Cô, ngày hôm sau đến đảo Rô-đô, rồi từ đó đến Pa-ta-ra.2 Gặp chuyến đi Phê-ni-xi, chúng tôi xuống tàu và ra khơi.3 Khi trông thấy đảo Sýp, chúng tôi đi vòng phía nam mà hướng về Xy-ri, và cập bến tại Tia, vì tàu phải đổ hàng ở đó.” ( TđCv 21, 1- 4)

Trên đưòng về lại Tyrô, các Ngài trông thấy đảo Sýp, nhưng tàu không ghé vào mà đi thăng tới hải cảng Tyrô, để đổ hàng.

Hải cảng Tyrô là hải cảng kỳ cựu nhấ trên bờ biển vùng Phênicia phía bắc của Palestine. Nó đóng môt vai trò quan trọng giúp làm phồn vinh ngành thương mại cho cả Hylạp và Lamã. Hải cảng này nổi tiếng với việc buôn bán bột màu tím và đỏ để nhuộm vải. Hai thứ màu này đều chiết xuất từ vỏ của một loài sò biển. Ngày nay bờ biển hải cảng này vẫn còn đầy dẫy vỏ sò, dấu tích của một thời huy hoàng.

Phaolô lưu lại đây bảy ngày. Trong bảy ngày này, có một ông từ Giuđêa lên. Gặp Phaolô, ông đã tiên báo tương lai của Phaolô như sau : “Đang khi chúng tôi ở lại đó nhiều ngày, có một ngôn sứ tên là A-ga-bô từ miền Giu-đê xuống.11 Ông đến thăm chúng tôi và lấy dây lưng của ông Phao-lô tự trói chân tay lại và nói: “Đây là điều Thánh Thần phán: người có dây lưng này sẽ bị người Do-thái trói lại như thế ở Giê-ru-sa-lem mà nộp vào tay người ngoại.” ( TđCv 21, 10-11)

Tuy ai cũng khuyên cản Phaolô đừng lên Giêrusalem, nhưng Ngài vẫn nhất quyết .

Thế là kết thúc chuyến đi truyền giáo lần thứ ba

Sau bảy ngày tại Giêruselem, thì “những người Do-thái từ A-xi-a đến thấy ông trong Đền Thờ thì sách động toàn thể đám đông và tra tay bắt ông.28 Họ tri hô: “Hỡi đồng bào Ít-ra-en, giúp một tay nào! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này! Nó còn đem cả mấy người Hy-lạp vào Đền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế.” (TđCv 21, 27-29)

Danh sách các nơi Phaolô đã ghé qua trong hành trình truyền giáo lần thứ ba:

Antioch
Ephesus
Thessalonica
Corinth
Philippi
Troas
Assos
Mitylene
Miletus
Tyre
Caesarea
Jerusalem

Như thế, hy vọng đã cùng Hải Yến theo chân Thánh Phaolô khi khắp vùng Tiểu Á (Thổ nhĩ kỳ ) và Hylạp, qua những thành phố và hải cảng mà Ngài đã từng đặt chân, ôn lại môt vài biến cố nổi bật ở mỗi nơi, hiểu được tại sao, sau 12 năm miệt mài truyền giáo, con số các tín hữu tăng lên, nhưng lòng thù ghét của nguời Do thái dành cho Ngài cùng tăng theo. Dẫn đến chuyến đi cuối của Phaolô.

Đó là chuyến Ngài bị giải đi như tù nhân từ Giêrusalem về Roma, được kể lại rành rọt trong Tông đồ Công vụ chương 27 câu 1 đến 28 câu 31 .

 

Nguyễn đức Khang
Houston,2005

4 Phản hồi

  1. Nữ tu Therese Hoàng Thị Đoán

    Xin chân thành cám ơn anh Nguyễn đức Khang về bài viết rất hay.

  2. Anh khang co kinh cau cung thanh phao lo khong cho em voi

    • Kính lạy thánh Phaolô/ là tông đồ cả Đức Chúa Giêsu,/ đã giảng giải sự thật đạo Đức Chúa Trời trước mặt thiên hạ,/ thì chúng con xin người cầu cho chúng con/ đang khi còn ở giữa kẻ thù dưới thế gian này./ Chúng con xin ông thánh Phaolô cầu cho chúng con./ Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa./ Lạy ơn Đức Chúa Trời/ xưa đã chọn thánh Phaolô đi rao giảng/ dạy dỗ cho người ta biết đường chính thật mà lên Thiên-đàng,/ thì chúng con xin Đức Chúa Trời ban ơn cho chúng con/ được vâng giữ những lời các đấng chăn chiên dạy dỗ chúng con,/ cho chúng con được theo đường chính đáng thật mà lên Thiên đàng./ Vì Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con./ Amen.

  3. Neu ma ke cho thieu nhi nghe thi dai wa anh co the viet thanh cau chuyen ngan hon khong

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *