Đền thánh Đức Mẹ Aglona cách thủ đô Riga 190 cây số về hướng đông nam. Aglona chỉ có 874 dân cư và thổ ngữ địa phương có nghĩa là ”cây thông”. Làng này thuộc vùng gọi là Latgavia, nghĩa là ”Lãnh thổ của Mẹ Maria” và Đền thánh tại đây quen được gọi là ”Lộ Đức của Latvia”: mỗi năm vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, 15-8, có khoảng 100 ngàn tín hữu hành hương đến đây.
Trong đền thánh tôn kính Bức Ảnh Đức Mẹ đang bồng Chúa Giêsu, theo tương truyền đã được một hiệp sĩ mang về đây từ thành Constantinople, nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Danh tiếng bức ảnh Đức Mẹ làm phép lạ này được lan rộng tới những vùng lân cận ở Nga, Bạch Nga và Lituani.
Hồi năm 1993, ĐGH Gioan Phaolô 2 cũng đã cử hành thánh lễ tại đây trước sự hiện diện của khoảng nửa triệu tín hữu.
Khi đến Aglona vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã được các tín hữu tiếp đón nồng nhiệt và ngài tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại đây.
ĐTC đã cùng với các GM Latvia và hàng trăm LM cử hành thánh lễ đồng tế kính Đức Mẹ, theo chủ đề của chuyến viếng thăm là câu: “Xin Mẹ tỏ ra là Mẹ chúng con”. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt quảng diễn ý nghĩa lời Chúa Giêsu trên thánh giá trăn trối Mẹ Ngài cho thánh Gioan và dạy môn đệ yêu quí hãy nhận Mẹ Maria. Ngài nói:
Mẹ Maria đững vứng dưới chân thánh giá – Mẹ gần gũi với người đau khổ
Tin mừng theo thánh Gioan chỉ kể lại 2 lúc trong cuộc đời Chúa Giêsu gặp Mẹ ngài: tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12) và lúc Mẹ đứng cạnh thập giá (19,25-27). Dường như thánh sử Phúc Âm muốn tỏ cho chúng ta thấy Mẹ Chúa Giêsu trong những tình cảnh có vẻ đối nghịch nhau trong cuộc sống: một bên là niềm vui của một lễ cưới và bên kia là nỗi đau khổ vì cái chết của một người con.
Điều đầu tiên thánh sử Phúc Âm lưu ý là Mẹ Maria đứng vững cạnh con của Mẹ. Đó không phải là một cách đứng khơi khơi, cũng chẳng phải là cách tránh né, và càng không phải là một thế đứng nhát đảm. Nhưng là đứng vững, như đóng đinh dưới chân thập giá, như cho thấy không gì hoặc không ai có thể đẩy Mẹ ra khỏi nơi ấy. Qua sự kiện đó, Mẹ chứng tỏ sự gần gũi với những người đau khổ, với những người mà thế gian xa tránh, Mẹ ở cạnh những người bị mọi người phán đoán, lên án, lưu đày… Cùng với họ, có Mẹ, bị đóng chặt vào thập giá vì sự thiếu cảm thông và đau khổ.
”Động chạm” đến đau khổ của tha nhân
Mẹ Maria cũng tỏ cho chúng ta một cách thức ở cạnh những thực tại ấy: đó không phải là một cuộc đi dạo hoặc một cuộc viếng thăm chớp nhoáng, và càng không phải là một ”cuộc du lịch liên đới”. Điều cần là những người đang chịu đau khổ cảm thấy chúng ta ở cạnh họ và đứng về phía họ, một cách kiên vững; tất cả những người bị xã hội gạt bỏ có thể cảm thấy Mẹ gần gũi họ một cách tế nhị, vì nơi người đau khổ vẫn còn những vết thương mở rộng của Chúa Giêsu Con của Mẹ. Mẹ đã học điều đó dưới chân thập giá. Cả chúng ta cũng được kêu gọi ”động chạm” đến đau khổ của tha nhân. Chúng ta hãy đến gặp dân chúng để an ủi và đồng hành với họ; chúng ta đừng sợ cảm nghiệm sức mạnh của sự dịu dàng, đừng sợ can dự vào cuộc sống của tha nhân. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy đứng kiên vững: với tâm hồn hướng về Thiên Chúa và can đảm, nâng người bị ngã trỗi dậy, nâng nghèo khiêm hạ, giúp chấm dứt bất kỳ tình trạng áp bức nào khiến họ sống như bị đóng đanh.
Mẹ Maria – mẫu gương tha thứ
ĐTC cũng nêu cao gương tha thứ của Mẹ Maria: Mẹ tỏ ra là một phụ nữ sẵn sàng tha thứ, gạt bỏ những cay đắng và nghi kỵ; .. Mẹ Maria tin nơi Chúa Giêsu và đón nhận người môn đệ, vì những tương quan chữa lành và giải thoát chúng ta cũng chính là những tương quan làm cho chúng ta cởi mở đối với cuộc gặp gỡ và tình huynh đệ với tha nhân, vì những tương quan ấy giúp khám phá nơi tha nhân chính Thiên Chúa.
Gương tha thứ của Đức Cha Sloskans
Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nhắc đến Đức Cha Sloskans được an táng tại đền thánh này: sau khi bị bắt và lưu đày, Đức cha đã viết cho song thân: ”Tự đáy lòng, con xin ba má đừng để cho sự báo thù hoặc sự phẫn nộ mở đường vào tâm hồn ba má. Nếu chúng ta để cho những tâm tình ấy làm như thế, thì chúng ta không phải là những Kitô hữu chân thực, nhưng là những người cuồng tín”.
Thời nay, dường như đang tái xuất hiện não trạng kêu mời chúng ta hãy nghi kỵ tha nhân; có những người dùng các con số thống kê để chứng tỏ rằng chúng ta sẽ an ninh hơn, thịnh vượng hơn, được an ninh hơn nếu chúng ta sống cô lập một mình, nhưng Mẹ Maria và các môn đệ ở phần đất này mời gọi chúng ta hãy đón nhận, tái tin tưởng nơi người anh em, nơi tình huynh đệ đại đồng.
Không chỉ ở bên cạnh người đau khổ nhưng còn cần dấn thân đón tiếp và chia sẻ cuộc sống với họ
Sau cùng, ĐTC nhận xét rằng: Mẹ Maria cũng tỏ ra là một phụ nữ để cho mình được đón nhận, khiêm tốn chấp nhận trở nên thành phần của những gì thuộc về người môn đệ. Trong đám cưới bị thiếu rượu, với nguy cơ buổi lễ đầy những nghi thức nhưng lại khô cạn tình thương và niềm vui, chính Mẹ đã yêu cầu họ hãy làm điều Chúa Giêsu nói với họ (Xc Ga 2,5). Giờ đây, như một nữ môn đệ vâng phục, Mẹ để cho mình được đón tiếp, thuyên chuyển, thích ứng với nhịp của người trẻ hơn.
Sự hòa hợp thích ứng vẫn luôn là điều hỏi phải hy sinh khi chúng ta khác biệt nhau, khi tuổi tác, thân thế và những hoàn cảnh khiến chúng ta có những cách thức cảm nghĩ khác nhau, và làm những điều mà thoạt xem có vẻ là đối nghịch.. Trong đức tin, khi chúng ta đón nhận lệnh truyền phải đón tiếp và để được đón tiếp, ta có thể kiến tạo sự hiệp nhất trong khác biệt, vì những khác biệt không ngăn cản và cũng chẳng phân rẽ chúng ta, nhưng chúng ta có thể nhìn xa hơn, thấy tha nhân trong phẩm giá sâu xa nhất của họ, như những người con cùng một Cha” (Evangelii gaudium, 228),
Và ĐTC kết luận rằng: ”dưới chân thập giá, Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta niềm vui được nhìn nhận như những người con của Mẹ và Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đưa Mẹ về nhà, đặt Mẹ ở trung tâm cuộc sống chúng ta. Mẹ muốn ban cho chúng ta lòng can đảm và kiên cường của Mẹ. Lòng khiêm tốn của Mẹ đã giúp Mẹ thích ứng với những tình cảnh xảy ra trong mọi thời điểm của lịch sử, và Mẹ lên tiếng để trong Đền thánh này, tất cả chúng ta dấn thân đón nhận nhau, không phân biệt ai, và tất cả mọi người tại Latvia biết rằng chúng ta sẵn sàng dành ưu tiên cho những người nghèo nhất, nâng đỡ những người bị ngã trỗi dậy và đón tiếp tha nhân như họ đến và trình diện trước chúng ta”.
Cuối thánh lễ, Đức TGM Janis Bulis, GM giáo phận Rezekne-Anglona đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và nhân dịp này, ĐTC đã tặng cho nhà thờ Thánh Giá bức ảnh có hình Thánh Giá Chúa bằng bạc được sáng tác hồi đầu thập niên 1990.
Sau khi Thánh lễ kết thúc vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC đã ra bãi đáp trực thăng; tại đây Tổng thống cộng hòa Latvia đã chào tiễn biệt ngài.
ĐTC đã đáp máy trực thăng để bay 100 cây số về lại Vilnius để dùng bữa tối và qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh như hai ngày trước đó
Giuse Trần Đức Anh – Vatican