“Ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (14.10.2023 – Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gl 3,22-29 (năm chẵn), Ge 4,12-21 (năm lẻ), Lc 11,27-28

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,27-28)

27 Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” 28 Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

“Ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (14.10.2023)

Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy dân chúng, một người đàn bà thốt lên lời ca ngợi Chúa qua việc chúc tụng người mẹ đã cưu mang và cho Chúa bú mớm. Bà đã lắng nghe và rất thán phục Chúa Giêsu, hẳn bà cũng đã là mẹ nên mới cảm nhận được cái hạnh phúc của người mẹ có đứa con tài giỏi như Chúa Giêsu. Lời chúc tụng này cũng đã được bà Êlizabeth thốt lên khi Mẹ Maria đem Chúa Giêsu trong bụng đến thăm Bà bầu Êlizabeth.

Câu trả lời của Chúa Giêsu có thể khiến nhiều người chưng hửng vì như phủ nhận công lao cưu mang và dưỡng dục Chúa Giêsu của Mẹ Maria. Nhưng không phải thế.

Với một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ, Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Cuộc đời của Mẹ Maria luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Câu nói của Chúa Giêsu đã không hạ thấp giá trị là mẹ của Mẹ Maria mà còn đề cao Mẹ Maria thành một mẫu gương về lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Mẹ cưu mang thân xác Chúa trong cung lòng 9 tháng, nhưng Mẹ luôn giữ Lời Chúa, luôn kết hợp và làm theo Lời Chúa nên Mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn cả đời.

Chúa Giêsu luôn đề cao việc lắng nghe Lời Chúa trên các việc khác, ngay cả việc phục vụ Ngài như Chúa đã nói với cô Martha khi cô trách Chúa để cô Maria chỉ ngồi nghe Chúa giảng mà không chịu phụ giúp cô việc đón tiếp Ngài : “Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.” (Lc 10,41-42)

Các Kitô hữu là những người có phúc vì đã được Thiên Chúa ban hồng ân lớn lao là có Đức Tin. Để có phúc hơn thì người Kitô hữu phải noi gương Mẹ Maria, phải có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn lắng nghe và tuân giữ Lời của Chúa. Khi đó Kitô hữu trở nên là Mẹ, là anh em của Chúa Giêsu, là con của một Chúa Cha trên trời, vì Ngài đã nói : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Lc 8,21).

Chúa Giêsu quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm tự nhiên, vì mối liên hệ trong Đức tin là mối liên hệ thiêng liêng bền vững, còn liên hệ tự nhiên hoặc theo huyết thống chỉ là liên hệ của trần gian, như tình cha con, vợ chồng tuy cũng rất quan trọng, thiêng liêng, nhưng sẽ chóng qua. Công việc rao giảng Tin Mừng là cần kíp, nếu những tình cảm tự nhiên cản trở việc đến với Chúa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, thì cũng phải xếp xuống hàng thứ yếu, như Chúa Giêsu đã nói : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27)

Nhưng người Kitô hữu có ý thức được rằng mình có hạnh phúc to lớn là được Chúa yêu thương, được Chuá ban Đức Tin, được nghe Lời Chúa không ? Hay là trong thực tế vì có quá nhiều điều phải lo toan, luôn phải đôn đáo tìm kiếm những thứ bảo đảm cho cuộc sống, nên mối bận tâm của người Kitô hữu cũng chỉ chú trọng vào những của cải, danh vọng, tình cảm… thế gian. Đôi khi gặp mất mát, hoặc đối diện với cái chết của ai đó thì cũng cảm thấy “phù vân, tất cả chỉ là phù vân…” (Gv 1,2) đó. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy lại rơi vào vòng xoáy của nó mà quên hạnh phúc đích thực của mình là gì.

Lắng nghe, ghi nhớ trong lòng, nghiền ngẫm và tìm cách sống, thực hành theo Lời Chúa chính là Yêu Chúa (như những người yêu nhau thường đọc đi đọc lại những lá thư tình, dù đã thuộc lòng).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy xin Chúa ban Đức tin cho mình và tích cực cộng tác với ơn Chúa để làm cho Đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một Đức tin trưởng thành là yêu mến và thực hành Lời Chúa. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Cuộc đời của thánh Antôn Cả để lại cho Kitô hữu rất nhiều bài học, nhất là bài học lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Thánh Antôn Cả (251– 356), cũng được gọi là Antôn Ẩn sĩ, Antôn Sa mạc hay Antôn Viện phụ, lễ nhớ ngày 17 tháng Một hàng năm. Đối với Antôn thì Lời Chúa là lẽ sống, là ánh sáng hướng dẫn cuộc đời của Ngài. Thánh Antôn luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa, can đảm đem những soi sáng của Chúa vào cuộc đời của mình.

Antôn sinh ra ở miền thượng Ai Cập, cha mẹ Ngài đạo đức và rất giầu có. Năm Antôn 18 tuổi cha mẹ mất, anh thanh niên Antôn được thừa hưởng một gia tài kếch xù. Anh sống với một cô em gái và hai anh em rất yêu thương nhau.

Một hôm, khi tham dự Thánh Lễ, trong bài Tin Mừng có câu Chúa Giêsu nói: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Nghe những Lời đó Antôn tưởng như Chúa đang nói với chính mình vì anh đang có rất nhiều của cải. Người thanh niên trongTin Mừng khi nghe Chúa Giêsu nói thế thì xụ mặt bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. An tôn cũng giầu có, Lời Chúa đã đánh động đến Antôn, nhưng anh chưa biết phải làm gì. Một tuần sau, Lời Chúa trong Tin Mừng lại đến với anh như là một sự hướng dẫn : “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.“(Mt 6,34).

Vậy là đã rõ, Antôn quyết định dứt khoát là bỏ mọi sự mà theo Chúa. Anh về bán tài sản lấy tiền cho người nghèo khó và chia ruộng đất cho người nghèo trong làng, chỉ để lại một ít để nuôi mình và em gái.

Nhưng Lời Chúa vẫn thúc bách anh : “Anh em đừng lo lắng về ngày mai”. Thế là Antôn đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho người nghèo. Sau khi gửi cô em vào một cộng đoàn Trinh nữ, Antôn đi vào sa mạc, băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atfite để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa trong thinh lặng. Ngài ở đó suốt 20 năm. Trong thời gian này Ngài phải chiến đấu dữ dội với những cám dỗ mãnh liệt và liên tục của ma quỷ.

Dù Antôn đã tránh xa thế tục, nhưng danh tiếng đạo đức của Ngài vẫn vang lừng, rất nhiều người vào sa mạc tìm gặp Ngài. Ban đầu Antôn từ chối không muốn gặp ai, nhưng người ta đến đông quá nên buộc lòng ngài phải tiêp.

Rồi Antôn nhận ra ý Chúa là muốn Ngài bỏ đời ẩn tu để đi lập các tu viện. Ngài đã xuống núi, lập nhiều tu viện, các cộng đồng tu hành và huấn dụ cho các tu sĩ về đời sống thiêng liêng, chỉ cho họ cách cầu nguyện, ăn chay và thái độ để chiến đấu và chiến thắng ma quỷ.

Thờ đó Kitô giáo đang bị bách hại dữ dội. Antôn muốn được phúc tử đạo nên tìm đến những nơi đang giam giữ Kitô hữu và công khai bênh vực họ để mong bị bắt. Nhưng Chúa không cho Ngài được phúc đó nên Antôn phải trở về tu viện để giúp các tu sĩ là các môn đệ của Ngài. Thánh Antôn sống đến 105 tuổi và qua đời ngày 17-01-356.

Thánh Antôn là tấm gương sáng cho các Kitô hữu về sự lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa để sống một cuộc đời siêu thoát, thánh thiện hoàn toàn đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con rằng hạnh phúc lớn nhất của con người là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những mẫu gương tuyệt hảo là Mẹ Maria và các Thánh, tiêu biểu là Thánh Antôn Ẩn sĩ. Xin giúp chúng con biết theo gương các ngài là siêng năng suy niệm và sống Lời Chúa để được Chúa chúc phúc.

Jos. NM Tưởng

Suy đi nghĩ lại và thực hành (08.10.2022)

Ghi nhớ:

Nhưng Người đáp lại: “ Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. (Lc 11, 28)

 Suy niệm:

Trong vũ trụ, Thiên Chúa đã thực hiện biết bao điều kỳ diệu, mà một trong số đó là: Dòng Sữa của người Mẹ. Chúa đã cho người nữ khả năng sinh con và nuôi con lớn lên bằng dòng sữa của chính mình. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận rằng: Cho dù người ta có tài giỏi bao nhiêu đi nữa, thì họ cũng chẳng thế chế tạo hoặc sản xuất ra một loại sữa nào khả dĩ  có thể thay thế dòng sữa của người mẹ được. (kể cả các loại sữa tươi của các động vật khác) Bởi vậy, họ khuyến cáo các bà mẹ nên nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, để con trẻ được phát triển thể lý cách tốt nhất.( đặc biệt là những giọt sữa đầu tiên vì nó giúp cho con trẻ có sức đề kháng rất cao). Vì thế cho nên, thật là bất hạnh cho những trẻ em nào khi sinh ra mà không được nuôi dưỡng bằng sữa của mẹ.

Chúng ta thử giả định, nếu như một em bé mới sinh ra, lúc đó bao tử còn yếu, răng không có để có thể nhai! Thì khi ấy cha mẹ phải lấy gì để làm thức ăn nuôi chúng sống và lớn lên. Nhưng, thật là hạnh phúc cho các bậc cha mẹ, vì Thiên Chúa đã quan phòng, Ngài đã lo cho con người có thức uống rất bổ dưỡng ngay từ khi mới lọt lòng; đó là dòng sữa mẹ.

Có một câu nói vừa để ca tụng sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời cũng cảm tạ công ơn của  những người mẹ như sau: “Bởi vì Chúa không hiện diện ở khắp nơi, nên Người đã tạo ra những người mẹ”. Thật vậy, người mẹ không những sinh ra con cái, mà còn nuôi  nấng, giáo dục chúng nên người. Chuyện kể rằng: Bà Blanche  de Castille, mẹ vua Luois nước Pháp, lúc đó còn bé, bà thường nói với nhà vua rằng:

Con ơi. Mẹ yêu yêu thương con trên hết mọi sự trong thế gian này, nhưng mẹ thà thấy con chết ngay trước mặt mẹ còn hơn là mẹ thấy con phạm tội trọng!

Vì gương sáng và sự giáo dục thánh thiện của người mẹ mà vua Luois sau này đã trở thành một vị thánh. (Lễ kính vào ngày 25/08 hàng năm)

Bài Tin Mừng hôm nay tuy vắn, nhưng để lại cho chúng ta bao điều phải suy nghĩ và đem ra áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Sống trên đời, trong các mối tương quan ân tình giữa con người với nhau thì phải nói: Tình mẫu tử là thiêng liêng, sâu đậm và cao cả nhất; Có thể nói không có một người mẹ nào lại không thương yêu đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra; Người mẹ luôn ước ao và làm cho con mình những gì tốt đẹp nhất, và người mẹ ấy sẽ vui mừng, sẽ hạnh phúc biết bao khi thấy con mình thành nhân, thành tài và thành công trong cuộc sống. Khi ấy, tất nhiên bà sẽ rất hãnh diện, rất tự hào vì đứa con của mình. Tin Mừng hôm nay kể: Trong lúc Đức Giê-su đang giảng dạy dân chúng thì bỗng nhiên có một người phụ nữ cất tiếng thưa với Người cũng như với tất cả những ai đang hiện diện nơi đó rằng: “ Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” Nhưng Đức Giê-su trả lời ngay với bà ấy rằng:  Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ khi nghe những lời giáo huấn của Đức Giê-su thì tâm đắc, bà không những tỏ lòng kính phục Đức Giê-su mà bà còn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của người mẹ đã có công sinh thành dưỡng nuôi cho đời một Đức Giê-su tài năng và cao trọng như vậy. Nhưng Chúa Giê-su. Đấng từ trời xuống thế gian để nâng loài người tội lỗi lên cùng Thiên Chúa Cha, đã luôn lợi dụng mọi hoàn cảnh để hướng tâm hồn con người ta lên cao, hay nói khác đi là Đức Giê-su trong suốt ba năm đi rao giảng Tin Mừng đều hướng con người ta về Chân-Thiện-Mỹ.

Vì vậy, như hôm nay, khi có người phụ nữ ca ngợi thân mẫu của Ngài thì  lập tức, Đức Giê-su đã nhân đó mà nói để mọi người hiểu rằng: “ Nghe theo lời Ngài dạy và đem ra thực hành thì rất là có phúc” Như vậy, Đức Giê-su vừa kêu gọi mọi người hãy biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, đồng thời Ngài cũng giới thiệu về thân mẫu của Ngài, người mà luôn ghi nhớ lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng và đem ra thực hành. Vì vậy, nếu muốn được hạnh phúc thì chúng ta phải biết noi theo gương Đức Mẹ; lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mà Lời Chúa dạy có thể tóm gọn trong hai điều này: Đó là thờ phượng, kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương mọi người như anh em mình.

Sống mà thực thi được hai điều răn trên, như thân mẫu của Đức Giê-su thì không chỉ mai sau mà ngay khi còn sống trên trần gian này chúng ta cũng cảm nhận được sự bình an và hanh phúc vì luôn có Chúa cùng đồng hành.

Cầu nguyện

Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha vì đã ban Đức Giê-su cho chúng con, qua Đức Trinh nữ Maria. Đấng có Lời ban sự sống đời đời. Cha lại còn ban cho chúng một người Mẹ rất thánh, như một tấm gương để chúng noi theo, đồng thời để Mẹ luôn chở che, chuyển cầu trước Toà Cha cho chúng con. Xin cho chúng con biết vâng nghe lời Thánh Tử chí ái Con Cha, thực thi những điều Ngài day để chúng con được Cha chúc phúc. Xin cho chúng con cũng biết hết lòng kính mến Đức Mẹ là luôn chạy đến cùng Mẹ qua tràng Kinh Mân Côi để Mẹ phù giúp, nâng đỡ  chúng con đủ sức để thi hành những mệnh lệnh Chúa truyền dạy để xứng đáng lãnh nhận phúc lành từ Cha. Amen.

Sống Lời Chúa

Sống thảo hiếu, kính trọng ông bà cha mẹ.

Đaminh Trần Văn Chính.

Hạnh Phúc Thật (09.10.2021)

Ngày 09.10: Lễ Nhớ THÁNH LU-I BÊ-TRAN, OP

Tin Mừng hôm nay cho ta biết thế nào là hạnh phúc thật.

Chúa Giê-su nhấn mạnh đến hạnh phúc thật dành cho người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa – mà Mẹ Ma-ri-a chính là một mẫu mực hạnh phúc thật – vì có ai trong thế gian này biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như Mẹ Maria.

Mẹ đã “xin vâng” theo Lời Chúa, rồi ghi nhớ mọi sự và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,51). Và Mẹ còn dạy ta hãy làm theo những gì Chúa bảo ban (x. Ga. 2,5). Mẹ Ma-ri-a quả là đạt hạnh phúc thật sự vì Mẹ đã tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (x. Lc. 1,45).

Qua đó, cho thấy phần phúc của mọi Ki-tô hữu hôm nay chính là được nghe Lời Chúa mỗi ngày, và mối phúc này thật sự trọn vẹn cho những ai biết đem Lời Chúa ra thực hành sống đạo. Nhưng muốn đem Lời Chúa đi vào thực tiễn cuộc sống thì đòi hỏi người nghe Lời Chúa phải tin tưởng vào Chúa sau khi đã nghe. Nghĩa là phải dám buông đời mình trong tay Chúa, và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.

Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ Ma-ri-a – đặc biệt trong tháng Mân Côi đây – để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc thật, “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga. 20,29).

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin cho con luôn biết lắng nghe Lời của Chúa, và luôn biết mau mắn đem ra thực hành để đời con được hạnh phúc thật. Amen.

CÁT BIỂN

Phúc giữ Lời Chúa… (12.10.2019)

Tin Mừng hôm nay thuật lại lời Chúa Giê-su nói với một phụ nữ trong giữa đám đông dân chúng đang nghe Ngài giảng dạy rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28b). Mặc dù đám đông đang lắng nghe lời Chúa Giê-su giảng dạy. Nhưng nếu chỉ nghe mà thôi, thì chưa đủ để thật sự được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Do đó, Chúa mời gọi họ cần phải biết tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng phúc lành thật sự.

Đã không biết bao nhiêu lần tôi nghe Lời Chúa: nào là khi tham dự thánh lễ, nào là đọc thánh kinh, suy niệm riêng, suy niệm chung và chia sẻ Lời Chúa trong những buổi sinh hoạt Huynh Đoàn. Nhưng tôi chỉ nghe cách lơ đễnh, hời hợt, chưa thật lòng chú tâm suy gẫm, chưa thể sống Lời Chúa. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở tôi chỉnh đốn lại cung cách nghe và đón nhận Lời Chúa:

Nghe cho kỹ để niệm suy và hiểu Lời Chúa.

Hiểu Lời Chúa nói, Chúa dạy, Chúa nhắc nhở, Chúa khuyên nhủ, Chúa răn đe…  để biết cách sống cho đẹp lòng Chúa.

Sống Lời Chúa bằng lời nói, và những việc làm cụ thể; để Lời Chúa được phát triển và sinh ơn Cứu Độ cho bản thân tôi và tất cả mọi người !

Lạy Chúa, xin cho con biết tuân giữ Lời Ngài và biết mau mắn đem ra thực hành. Amen.

CÁT BIỂN

người có phúc trước mặt Chúa (13.10.2018)

Giữa đám đông đang nghe Chúa Giêsu giảng, có một phụ nữ, vì cảm phục trước việc Chúa trừ quỉ đã cất tiếng ngợi khen người mẹ đã sinh ra Chúa. Con cái làm rạng danh cha mẹ. Người phụ nữ thấy việc Chúa làm thì đã thốt lên tâm tình này. Thế nhưng, ở đây Chúa Giêsu còn đi xa hơn khi mời gọi: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn“.

Người phụ nữ đã đơn sơ ca ngợi người đã sinh ra Chúa Giêsu.

– Chúng ta có biết ca ngợi những kì công Chúa làm cho chúng ta mỗi ngày không?

– Chúng ta có cám ơn Chúa vì những gì Người đã và đang trao tặng cho chúng ta lúc này không?

– Chúng ta có cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của chúng ta nơi này cho tới lúc này không?

Mẹ Maria có phúc vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Điều này chứng tỏ cho ta thấy được rằng: Ai lắng nghe và tuân giữ lời Chúa thì cũng được gọi là người có phúc. Chúng ta là những Kitô hữu chúng ta, nhưng chúng ta có phải là người có phúc trước mặt Chúa chưa?

Xin Chúa cho chúng ta xứng đáng là người có phúc trước mặt Chúa và mọi người bằng cách luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã từng chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Lời chúc phúc đó Chúa đã ban thưởng cách đặc biệt cho Đức trinh nữ Maria, là Mẹ của Chúa. Mẹ đã được tràn đầy ơn phúc bởi Mẹ đã tin và thực thi Lời Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Mẹ để chúng con cũng vượt thắng mọi sợ hãi mà học vâng phục theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con luôn đơn sơ khiêm nhường để dễ dàng sống và thực thi Lời Chúa.

Lạy Mẹ Maria, chúng con xin mượn lời của sứ thần mà kính mừng Mẹ là Đấng đầy ân phúc. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong ân phúc của Mẹ hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Ôi! Con người… (14.10.2017)

Thế giới đang ngày càng phát triển với sự tiến bộ vượt bậc của Khoa học – Kĩ thuật. Các sản phẩm được con người nghiên cứu và chế tạo nhiều vô kể, một trong những phát minh tiêu biểu nhất của thời đại phải kể đến “Trí thông minh nhân tạo” – AI (Artificial Intelligence) – được tạo ra để hỗ trợ con người trong công việc, học tập hay vui chơi, giải trí… Thế nhưng, theo một số phát hiện gần đây, “Trí tuệ nhân tạo” ấy có thể gây trở ngại và đe dọa con người trong tương lai, điều đó khiến các nhà khoa học đau đầu mà thốt lên rằng: “Ôi! Máy móc…”. Tuy nhiên, ở phương trời xa xôi nào đó, dường như cũng có một người thường xuyên đau đầu, mệt mỏi vì những cái “ngố” không tưởng của loài thọ tạo bậc nhất của mình mà phải thốt lên: “Ôi!Con người…”.

Thiên Chúa đã tạo ra con người, một giống loài cao quý hơn các loài khác vì có lí trí và biết suy nghĩ. Thế nhưng, suy nghĩ của họ đôi lúc lại khiến Người khổ tâm. Ngay từ thuở hồng hoang, lúc mới được dựng nên, con người đã nhen nhóm ý nghĩ “bất thường” trong đầu. Thiên Chúa căn dặn vô cùng rõ ràng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16). Ấy vậy mà, chỉ vì nghe lời dụ dỗ của con rắn, con người đã muốn nắm trong tay quyền uy tột bật như Thiên Chúa – Đấng dựng nên họ. Đương nhiên, trứng làm sao có thể khôn hơn vịt, con người đã bị Người “sa thải” khỏi vườn Địa Đàng vì tội kiêu ngạo.

Dường như “mưu đồ” của con người một khi đã nhen nhóm thì không thể dập tắt được. Đến tận ngày nay, mặc kệ những lời rao giảng của dân Chúa, người ta vẫn giữ trong đầu ý nghĩ: họ xuất hiện là do các quá trình ngẫu nhiên tiếp nối nhau tạo thành, chẳng có vị Chúa nào tạo thành họ và họ chính là “Chúa”. Nếu Thiên Chúa có suy nghĩ giống con người, chẳng biết sẽ có bao nhiêu cuộc “Đại thanh trừng” tiếp tục diễn ra trên hành tinh bé nhỏ này. Đương nhiên, vì chẳng hề suy nghĩ giống họ, nên Người vẫn hằng chờ đợi ngày họ ngoan ngoãn vâng lời và quay trở về. Có lẽ, trong khi chờ đợi, Người vẫn thường than ngắn thở dài: “Ôi!Con người…”.

Suy nghĩ lạ thường đã đành, đằng này người ta lại còn có những hành động “kỳ quặc” không kém. Dường như con người thường “tay nhanh hơn não”, Chúa Giêsu dạy dỗ một đường, người ta lại đi một nẻo. Chúa muốn chúng ta thờ phượng, yêu mến và kính sợ Người, nhưng con người lại quay sang chống đối. Chúa muốn chúng ta phải biết yêu thương nhau, nhưng con người lại thích đấu đá, tranh quyền đoạt vị, giẫm đạp lên nhau chỉ vì muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người khác. Chúa muốn chúng ta phải biết hiếu thảo, tôn trọng sự sống, khiết tịnh, trung thực… nhưng con người chỉ muốn làm điều ngược lại. Họ thích chống đối Chúa đến nỗi biến những điều phi đạo đức trở nên hợp pháp. Người ta thường nói, một quan niệm tồn tại lâu dài rồi cũng sẽ trở thành chân lý. Thật vậy, con người tự đặt ra luật lệ và biến chúng thành chân lý để sống theo nó, mặc kệ chúng có phù hợp với luật của Thiên Chúa hay không. “Ôi! Con người…”.

Những suy nghĩ và lời nói của con người vốn chẳng hề ăn khớp với ý muốn của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng điển hình cho vấn đề đó. Một người phụ nữ trong đám đông dân chúng đã lên tiếng thưa với Chúa Giêsu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”. Ta có thể thấy được, suy nghĩ của con người dù lớn lao cách mấy chỉ dừng lại ở cấp độ “con người”. Còn Chúa Giêsu, Người mang suy nghĩ của Thiên Chúa và muốn dạy nâng con người lên một cấp độ cao hơn: “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Quả thật, người phụ nữ ấy nói không hề sai, lời của Tổng lãnh Thiên thần Gabriel khi tuyền tin cho Đức Mẹ, được nhắc lại qua Kinh Kính Mừng chẳng phải đã khẳng định điều đó sao? Tuy nhiên, Chúa muốn cho con người biết, không chỉ Đức Mẹ có phúc, mà hết thảy những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Người đều có phúc. Qua đó, ta có thể thấy suy nghĩ của con người chẳng là gì so với suy nghĩ của Thiên Chúa.

Xã hội hiện nay còn rất nhiều người chưa nhận biết được Thiên Chúa, họ tin theo Khoa học nhưng lại chẳng biết Khoa học không hề đối nghịch với đức tin Kitô giáo. Chính vì sự kiêu căng, ngạo mạn của con người đã khiến họ xa cách Chúa. Tuy nhiên, chưa chắc người Kitô hữu chúng ta hơn họ. Đôi khi, chúng ta cầu xin Chúa cho được ơn như ý muốn của ban thân, tại sao không phải ngược lại? Điều ta đang mong muốn, chính bản thân ta chẳng hề biết kết quả, nhưng Thiên Chúa thì khác, điều Người muốn, Người đã biết nó sẽ ra sao. Vậy tại sao chúng ta lại không muốn được theo ý Người mà lại muốn theo ý mình? Chúng ta muốn chỉ bảo, điều khiển Người chăng?  Mỗi người chúng ta cần xem xét lại chính bản thân mình, đừng để từ Tòa cao nhìn xuống, Người không nhịn nổi cười vì những lời cầu xin “ngô ngố” của chúng ta mà thốt lên rằng: “Ôi!Con người…”.

Lạy Chúa, là phận người hèn mọn, đôi lúc chúng con chẳng thể tránh việc làm Ngài không hài lòng. Thế nhưng, chúng con vẫn tin tưởng Ngài sẽ tha thứ vì chúng con là những kẻ yếu đuối. Xin cho chúng con hằng biết lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài, để từ đó, chúng con cũng có thể trở thành những người được Chúa chúc phúc và có thể đem ân phúc đó trao đến những người chưa nhận biết Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Sống Tin Mừng (08.10.2016)

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại thái độ tôn kính của một người phụ nữ với Đức Giê-su.

Đang khi nghe Đức Giê-su giảng dạy thì một người phụ nữ đã thốt ra lời tôn vinh “mẹ của Đức Giê-su”. Bà ca ngợi người đã có diễm phúc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Giê-su. Trong tâm trí của người phụ nữ kia, Đức Giê-su thật là tuyệt vời bởi Người rất hiền lành, cư xử nhân hậu với hết mọi người, kể cả những người tội lỗi và dân ngoại. Lời giảng dạy của Người đầy uy quyền và các việc Người làm cho dân chúng, cho con cháu của Áp-ra-ham cũng đầy quyền năng; Người trổi vượt hơn các ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến với dân It-ra-en, vì mọi bệnh tật Người đã chữa khỏi cho dân, Người xua trừ được cả ma quỷ và cho kẻ chết sống lại. “Phúc đức tại mẫu”, người phụ nữ kia xác quyết: Mẹ của Đức Giê-su ắt hẳn phải vui mừng, tràn ngập hạnh phúc và đáng được ca tụng. Nghe lời ca tụng của người phụ nữ về những phúc lộc của thân mẫu, Đức Giê-su lên tiếng đáp lại:”Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Đức Giê-su không phủ nhận vị thế của Đức Maria trong cuộc đời trần thế của mình, nhưng qua Mẹ Maria, Đức Giê-su tuyên dương những người biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa để được cứu độ. Bởi Mẹ Maria đã biết lắng nghe lời của Thiên sứ trong biến cố truyền tin và người đã khiêm hạ thốt lên từ tận thâm sâu trong tâm hồn: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Từ đó trọn cuộc đời, Mẹ đã suy gẫm và thực thi lời sứ thần loan báo cũng như đón nhận mọi biến cố vui buồn cùng Con Chí Thánh của mình (như trong biến cố Dâng con trong đền thánh, hoặc biến cố lạc mất hài nhi trong đền thờ; nhất là trong cuộc tử nạn của Đức Giê-su, con chí ái của Mẹ).

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ người tín hữu việc lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Đây là điều kiện tất yếu để biến đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng, và bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc đời đời của mỗi người.

Khi khởi đầu cho công trình cứu độ nhân loại, Đức Giê-su đã công khai loan báo: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người cũng tâm sự với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”. Khi đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su cũng mặc khải: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3, 16); Người muốn nhân loại tin vào lời rao gảng của Người mà thực thi trong cuộc sống. Còn Đức Ma-ri-a, mẹ của Đức Giê-su cũng căn dặn những người giúp việc trong tiệc cưới ở Ca-na: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5), họ đã làm theo như vậy, và phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon” đã xẩy ra. Sau khi Đức Giê-su về trời, thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng nhắc nhở các tín hữu việc đón nhận lời Thiên Chúa trong thư của ngài: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Giacôbê 1, 21).

Ngày nay, trước sự thay đổi chóng mặt của thế giới về mọi mặt làm cho đời sống luân lý bị suy thoái, đức tin bị giảm sút; vì thế ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của nhiều người. Giáo hội đã nhiều lần nhắc nhở, mời gọi người tín hữu tìm đến với nguồn mạch sự sống đời đời, đó là Lời Thiên Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh, đặc biệt trong sách Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Năm 2010, Tông Huấn Verbum Domini của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô một lần nữa nhắc lại giá trị Lời Thiên Chúa trong đời sống Hội Thánh cũng như từng người tín hữu, và mời gọi mọi thành phần tích cực hơn trong việc thường xuyên “đọc và suy niệm Lời Chúa” với phươg pháp Lectio Divina.

Trong chương trình huấn luyện căn bản Người giáo dân Đa Minh Viêt Nam, theo quy chế đã tu chính năm 2011 có bổ sung môn học Lectio Divina, giúp các thành viên tiếp cận với Lời Chúa trong Kinh thánh qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa theo phương pháp truyền thống: Đọc (nghe) bản văn, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm-thực hành.(ngay thời kỳ tìm hiểu về đời sống huynh đoàn giáo dân Đa Minh)

Tóm lại: Xin mượn lời thánh vịnh để nêu lên giá trị của bản Tin Mừng hôm nay: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Lạy Chúa, xin khứng nhận lời tán tạ con dâng và dạy con biết những quyết định của Ngài” (x. Tv 119).

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa qua giáo huấn của Hội thánh, qua việc siêng năng đọc và suy niệm bản văn kinh thánh của Hội thánh hằng ngày; để tìm ra ý Chúa và thực thi ý Chúa trong cuộc sống.

CẦU NGUYỆN

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ Maria giúp chúng con biết cưu mang Lời Chúa qua việc chuyên cần lắng nghe Thánh Kinh và can đảm đem ra thực thi trong cuộc sống, để xứng đáng được hưởng phúc lành do Chúa trao ban.

SỐNG TIN MỪNG

Ý thức và sẵn sàng trong tư thế cầu nguyện khi nghe, đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ, khi hội họp, hoặc dành vài phút riêng tư cho việc đọc Kinh Thánh, hằng ngày.

Nghe và sống Lời Chúa như Mẹ

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã tôn vinh Mẹ khi tuyên bố những ai nghe và giữ Lời Chúa thì có phúc hơn những người có tương quan máu huyết với Chúa. Thực vậy, có ai nghe và giữ Lời Chúa cho bằng Mẹ Ma-ri-a? Thánh An-sen-mô đã nói: “Mẹ lắng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa đến nỗi để Ngôi Lời làm người trong lòng Mẹ.” Giáo phụ Ô-ri-gien còn khẳng định: “Không ai hiểu ý nghĩa của Tin Mừng, nếu họ không áp vào ngực Chúa và không nhận Mẹ Ma-ri-a được Chúa trao làm mẹ mình.” Vì thế, Mẹ trở nên gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu trong việc lắng nghe và giữ Lời Chúa. Lắng nghe đòi hỏi thinh lặng và chú tâm và đó là thái độ phải có của người môn đệ Chúa. Tại sao phải lắng nghe Lời Chúa? Thưa, vì Thiên Chúa luôn nói với chúng ta. Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa thường xuyên nói với dân Ngài, nên mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa là mối tương quan từ môi-đến-tai. Vì thế, mỗi sáng, dân Do Thái thường nhắc lại cho nhau lời Chúa: “Hãy nghe đây hỡi Ít-ra-en!” Khởi đầu các dụ ngôn, Chúa Giê-su cũng kêu gọi dân chúng lắng nghe như thế.

Mời Bạn: Tháng Mân Côi là cơ hội tốt cho tín hữu học theo gương lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành của Mẹ Ma-ri-a. Bạn sẵn sàng nắm lấy cơ hội này chưa?

Sống Lời Chúa: Học thuộc lòng một câu Lời Chúa và đem ra thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết nghe và hiểu Lời Chúa, nhất là biết suy niệm Lời Chúa hằng ngày và đem ra thực hành, nhờ đó, con được hạnh phúc như Mẹ.

Phúc cho ai nghe và giữ Lời

Khi ấy giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Chúa Giêsu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27)

Suy niệm: “Chị Bảy” Phương Mỹ Chi với giọng hát dân ca ngọt ngào cuốn hút đã trở thành “hiện tượng gây sốt” của cuộc thi Giọng Hát Việt Nhí trong mùa hè vừa qua. Đến cả gánh chè của mẹ “chị Bảy” cũng trở thành nổi tiếng đến độ “chị Bảy” phải lo lắng “sợ mẹ không đủ chè để bán!” Mối liên hệ gia đình khiến người ta chung chia thân phận với nhau trong niềm vui cũng như nỗi buồn: “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay một người được vinh danh, cả nhà cũng được “thơm lây”. Trong xã hội Do thái cũng thế, Chúa Giêsu được thán phục vì lời giảng dạy của Ngài thì Đức Maria cũng được ca ngợi là người có phúc. Chúa Giêsu cho thấy để được “phúc đức” và để trở nên người thân trong gia đình Thiên Chúa không hệ tại ở mối liên hệ huyết thống tự nhiên. Nhưng chỉ những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa mới đích thực là anh em bà con với Chúa và mới thật là có phúc.

Mời Bạn: Đức Ma-ri-a, là “Đấng đầy ơn phúc” không chỉ vì Mẹ đã “cưu mang và cho Thầy bú mớm,” mà trước tiên bởi vì Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa từ lời thưa “xin vâng” trong ngày truyền tin cho đến thái độ xin vâng khi đứng dưới chân thập giá. Hằng ngày bạn vẫn đang tìm kiếm thứ hạnh phúc nào? Bạn có quan tâm tìm kiếm hạnh phúc qua việc thực thi Lời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm thái độ xin vâng của Mẹ khi suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi qua việc lần hạt và xin ơn noi gương mẹ suy niệm Lời Chúa và thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con luôn biết “xin vâng” như Mẹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *