Hòa nỗi đau cuộc đời vào cuộc khổ nạn Chúa Kitô (15.07.2023 – Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 6,1-8 (năm chẵn), St 49,29-32 ; 50,15-26a (năm lẻ), Mt 10,24-33

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 10,24-33)

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là đủ rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Hòa nỗi đau cuộc đời vào cuộc khổ nạn Chúa Kitô (15.07.2023)

Ghi nhớ:

“Anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28)

Suy niệm:

Nước Trung hoa, hồi xa xưa có một giai thoại như sau: Ông Vinh Khải Kỳ tỏ ra như một tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây. Ngày ngày ngao du sơn thuỷ, vui thú cầm ca, chậm rãi bước đi, tay đánh đờn, miệng không ngừng ca hát. Một hôm Đức Khổng Tử đi dạo thấy Vinh Khải Kỳ bèn hỏi ông rằng: “ Tiên huynh làm thế nào mà thấy vui vẻ và luôn ca hát như thế?”

Khải Kỳ thưa: “Trời sinh muôn vật, loài người là cao quý nhất. Ta lại được làm người thì lẽ nào ta lại không vui?. Người ta sinh ra có người đui, què, non yếu…Mà ta thì mạnh khoẻ, trọn vẹn, thế là ta có hai điều đáng vui. Còn nghèo túng là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì phải lo sợ nữa”.  

Trong cuộc sống của mỗi con người, hằng ngày, hằng giờ con người ta phải đối mặt với biết bao nhiêu những nỗi sợ hãi; nào là sợ nghèo túng, sợ không có công ăn việc làm, sợ ốm đau bệnh hoạn, sợ người thân phản bội, sợ ma quỷ ám hại… Nói tóm, lại là con người luôn sợ đau khổ, bệnh hoạn và sợ chết. Nhưng Tin Mừng ngày hôm nay Đức Giê-su trấn an chúng ta đừng sợ hãi những sự ấy vì nếu một khi chúng tin tưởng và phó thác mọi sự trong quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa thì Ngài sẽ xua tan tất cả những nỗi lo sợ ấy và làm cho chúng ta có nhiều niềm vui và sự bình an.. Có một nỗi lo sợ chính đáng mà Đức Giê-su chỉ bảo cho chúng ta, đó là phải biết: “Anh em đừng sợ những kẻ  giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục”.

Thế nhưng, quan sát xã hội ngày nay, chúng ta thấy dường như người ta chẳng có sợ điều cảnh báo ấy của Đức Giê-su. Người ta sống như thể mình sẽ không bao giờ phải chết cả; Trộm cướp, tham nhũng, bóc lột, áp bức người bần cùng nghèo khổ. Người ta sẵn sàng vì đồng tiền mà chà đạp lương tâm để làm những điều bất chính. Cụ thể như: Vụ án Việt Á. Vu án chuyến bay giải cứu và gần đây là Vụ Cục Đăng kiểm…Qua đó cho chúng ta thấy lời cảnh báo của Đức Giê-su không được người ta coi trọng. Cuộc đời thì ai cũng chỉ sống có một lần, và nếu cứ lo tích trữ tiền bạc, cứ mải mê chạy theo quyền lực và danh vộng mà quên đi phải sống thương yêu phục vụ thì đến lúc ly trần sẽ hối hận không kịp…

Đã là con người thì không thể tránh được đau khổ. Cách tốt nhất là vui lòng chịu đựng những đau khổ ấy với tấm lòng kính yêu và tôn sợ Thiên Chúa, biết dâng lên Chúa những nỗi đau khổ  của mình, kết hợp với những đau đớn, tủi nhục mà Đức Giê-su đã chịu trong cuộc thụ nạn của Ngài, để nên như của lễ xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi đồng thời cũng xin Ngài ban cho những ơn lành hồn xác. Như vậy thì chúng ta đã biết cách biến những đau khổ trở nên của lễ đẹp lòng Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin ban ơn cho chúng con ý thức rằng, cuộc đời rất chóng qua và chỉ có tội và phúc đi theo chúng con khi ra trước Toà Chúa phán xét mà thôi. Vì thế, xin cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày biết dùng thời giờ mà hăng hái làm việc thiện để tích trữ hành trang sau này khi chúng con nhắm mắt xuội tay lìa đời, ra trình diện trước Thánh Nhan Chúa thì chúng con đáng được hưởng gia nghiệp mà Chúa đã hứa ban cho những ai có lòng kính sợ Chúa khi còn sống ở trên trần gian. Amen.

Sống Lời Chúa:

Thà chết, chứ không phạm tội mất lòng Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính..

Tuyên xưng danh Chúa bằng cuộc sống của mình (09.07.2022)

Ghi nhớ:

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 10, 32-33).

Suy niệm:

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên-Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff đã thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy, tai nghe diễn ra tại đó, nơi mà bà gọi là “một chỗ khủng khiếp” như sau:

Một buổi chiều kia, có một cô gái trẻ cùng bị giam cầm với chúng tôi. Cô kề miệng sát bên tai tôi và nói: “ Chị có biết ngày mai là ngày gì không?”. Rồi không đợi cho tôi trả lời, cô nói tiếp: “ Mai là ngày lễ Phục Sinh”. Nghe thế, trong lòng tôi tự hỏi: “Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao? Lễ của niềm vui và hy vọng! Nhưng ở trong tù niềm vui của chúng tôi đã khô héo và tàn úa! Còn hy vọng…tôi đi đi lại lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.”

Bỗng một tiếng reo vang trỗi lên phá tan bầu khí im lặng nặng nề: “Đức Ki-tô đã sống lại”. Quá bất ngờ và sửng sốt, các cán bộ phòng giam trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí họ giận dữ lắm và lên án một diễn biến không bao giờ được phép xảy ra ở nơi đây! Sau một hồi lâu im lặng, tôi nghe tiếng giầy nặng nề tiến đến phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở toang, hai nhân viên hung tợn hỏi xem ai đã xướng lên câu nói mê tín và hùng hổ túm lấy cô gái trẻ rồi lôi cô ta sền sệt trên đất ra khỏi phòng!

Một tuần lễ sau, cô gái trẻ được trả về phòng giam, mọi người thấy cô xanh sao và gầy còm hơn trước! Một tuần lễ qua, người ta đã biệt giam cô vào một căn phòng mà ở đó không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và những cơn đói hành hạ thân thể một cô gái mà họ cho là cuồng tín. Sau khi được trở về và nằm yên ở góc phòng hồi lâu, cô ra hiệu cho chúng tôi lại gần và thều thào nói: “Dù sao thì tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa trong trại giam, còn những cái khác đối với tôi không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong cô mỉm cười, và chúng tôi thấy trong ánh mắt của cô vẫn long lanh sáng như dạo nào.

Trong cuộc sống, có rất nhiều nỗi sợ hãi; Chẳng hạn như sợ nghèo đói, sợ ốm đau, sợ người ta hiếp đáp… Thế nhưng, các nỗi lo sợ kể trên sẽ được Chúa an ủi, bảo vệ chở che và chữa lành nếu như chúng ta biết chạy đến với Chúa và phó thác mọi sự trong quyền năng của Ngài. Nhưng có một nỗi sợ mà chúng ta phải tránh đó là sợ làm mất ân sủng của Chúa; vì đó sẽ làm cho chúng ta mất phần rỗi muôn đời.

Không tuyên xưng Thiên Chúa không có nghĩa là tuyến bố trước mặt mọi người là không biết hoặc không tin nhận có Thiên Chúa. Nhưng mỗi khi ta phạm tội trọng là ta đã chối bỏ Thiên Chúa hay nói cách khác là ta đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn ta rồi. Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy thì cùng một lúc ta nhận được hai ân sủng:  Một là được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi; Hai là được trở nên con cái Thiên Chúa và như vậy được tiếp nhận sự sống thần linh từ Ngài, hay nói cách khác; được Chúa đến ngự vào tâm hồn mình. Chính vì thế mà khi ta phạm tội, nhất là tội trọng thì chính ta đã phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa trong tâm hồn ta và đồng thời xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình.

Như vậy theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, là chúng ta phải luôn luôn thức tỉnh giữ mình, phải quyết tâm sống đẹp lòng Chúa, thà chịu chết chứ không thể phạm tội mất lòng Chúa, vì khi ta phạm tội thì ta đã để ma quỷ làm chủ mình và nếu chẳng may chết trong tình trạng mất ân nghĩa cùng Chúa, thì ta phải chịu án phạt đời đời trong hoả ngục. Chính Chúa đã cảnh báo: “Các con đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn linh hồn xuống hoả ngục”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng mình là Đền Thờ của Chúa và Chúa Thánh Thần luôn ngự trong tâm hồn chúng con để từ đó chúng con biết gìn giữ linh hồn mình luôn trong sạch mọi ngày trong suốt cuộc đời của chúng con, để sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian này chúng con xứng đáng nhận lãnh Nước Trời nơi mà Chúa đã hứa ban cho nhưng ai trung tín sống theo thánh ý Ngài. Amen.

Sống Lời Chúa

Quyết tâm sống sao cho đẹp lòng Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính.

Luận sinh – tử (10.07.2021)

Khi luận về sinh – tử của bậc quân tử, Lão Tử nói: “Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi” (Đạo Đức Kinh; Chương 74) Nghĩa là: Dân không sợ chết, sao lại đem cái chết ra dọa họ ?

Tin Mừng hôm nay, cho ta hiểu rõ hơn về việc sống còn, hư hoại của kiếp người. Chúa Giê-su quả quyết cùng các tông đồ rằng: “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong địa ngục.”

Chúa Giê-su cũng đòi hỏi một cách dứt khoát cho những ai dám bước theo Người là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Thật vậy, ví như quân tử không làm xằng bậy thì chẳng có gì mà phải sợ chết; huống hồ chi vì làm chứng cho sự thật, vì làm chứng cho hạnh phúc Nước Trời, và cho Đấng là chủ tể muôn loài; nếu phải chịu thiệt thòi đời này, nếu bị bách hại, bị giết chết vì xứng đáng để chết thì lại phải kinh sợ hay sao ? Chết một cách chính đáng như vậy mà lại nhát đảm sợ hãi thì hỏi có đáng mặt là Ki-tô hữu không chứ ? Hãy xác tín chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng ta phải kính sợ. Xác tín như thế, sẽ cho ta can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt người đời, và sẽ là động lực giúp ta sống Đạo một cách sống động hữu hiệu hơn.

Lạy Chúa, xin cho con biết cậy dựa vào Ngài, xin cho con thêm sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách xác thân chóng tàn này. Amen.

CÁT BIỂN

“Anh em đừng sợ…” (11.07.2020)

1. “Mầu Nhiệm nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo”

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, một trong những lời của Đức Giê-su làm cho chúng ta phải chú ý, có lẽ là lời này:
Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ,
không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết
(c. 26)

Chúng ta thường hiểu câu nói này của Đức Giê-su theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người ; lúc ấy thật là xấu hổ. Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng.

Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói ngay sau đó :
Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm,
thì hãy nói ra giữa ban ngày;
và điều anh em nghe rỉ tai,
thì hãy lên mái nhà rao giảng
(c. 27)

Do đó, điều che dấu hay bí mật chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được công bố và được nghe. Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Ngài rồi.

Thực vậy, thánh Phao-lô nói : « Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật » (Ep 3, 8-9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27). Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ».

2. Sự chết và sự sống

a. Sự chết
Khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình. Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người). Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Chính vì thế, Đức Giê-su nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.

“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

b. Sự Sống

Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm” về Thiên Chúa Ba Ngôi: người môn đệ bị bách hại vì Chúa Con, nên được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để Người lên tiếng và hành động nơi các môn đệ, như Đức Giê-su nói: “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”

Và sự bách hại không phải là vô tận, nhưng sẽ kết thúc với biến cố “Con Người đến” một cách bất chợt. Đó là hướng đi tất yếu của lịch sử cứu độ, bởi vì Đức Ki-tô đã vượt qua sự bách hại và chính sự chết, và Ngài sẽ lại đến để dẫn đưa sáng tạo và lịch sử đi vào một chiều kích vừa vĩnh cửu và vừa mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu, chính sự bách hại khiến người môn đệ phải trốn chạy: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”, sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống với Đức Ki-tô và mau đến với Người. Con Người đến với chúng ta, hay chúng ta đến với Con Người, còn nhắc nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người: Người đã bị giết chết, nhưng Người đã phục sinh, để trở nên sức mạnh và niềm hi vọng cho người môn đệ thuộc mọi thời.

3. “Anh em đừng sợ…”

Tuy nhiên, đứng trước viễn tượng chống đối tất yếu và tận căn như thế, không ai có thể tránh được sự sợ hãi ; và chính Đức Ki-tô cũng có kinh nghiệm này trong Vườn Dầu. Vì thế, khi Người mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (3 lần ở những câu 26, 28 và 31), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người : « Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa : « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục ».

Và nhất là người môn đệ đươc mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người : « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ». Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người :
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
 muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 4-5)

Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa, vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi trung niên, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương ».

Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39). Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Khi bắt đầu nói về sự bách hại, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (c. 16). Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời mời gọi này khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng, rạng ngời sự đơn sơ và khôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Can đảm làm chứng cho Đức Kitô (14.07.2018)

Đừng sợ những kẻ giết được thân xác. Can đảm là một phẩm chất nổi bật và cần thiết của người làm chứng cho Đức Kitô. Vì thế, Chúa Giêsu đã khích lệ Nhóm Mười hai là đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Các Tông đồ không phải sợ hãi vì Chúa Cha yêu thương canh giữa họ. Thiên Chúa chăm sóc cho chim sẻ thì Ngài lại càng chăm lo các các chứng nhân của Đức Kitô.

Đức Hồng y Tôi tớ Chúa Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là một mẫu gương về lòng can đảm. Trong những năm bị giam tù, không ai khuất phục được tinh thần của ngài. Trái lại, ngài đã chinh phục được những người lính canh để họ tạo cơ hội cho ngài làm cây thánh giá giám mục của mình.

Chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Đức Kitô bằng cách đứng vững trong những nỗ lực hằng ngày. 

Lâm Bích chuyển ngữ

Đừng sợ – sự thật – giải thoát (15.07.2017)

Khi hỏi một ai đó, bạn có được hết mọi người yêu mến không, câu trả lời chắc chắn là không. Vì một sự thật hiển nhiên là không ai có thể làm hết mọi người yêu mến mình, sẽ có người thương, người ghét, nhưng điều quan trọng mình đã sống đúng chưa, sống công chính chưa. Nếu thật sự đã sống đúng và công chính, tôi tin chắc một ngày nào đó bạn sẽ thu phục được người không thích bạn, với vũ khí sự công chính của bạn.

Thật vậy Tin mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời tất cả mọi người chúng ta hãy sống đúng sự thật, dù bị người đời bắt bớ và vu khống. Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những lời thị phi này: Chúa mang tình thương của Thiên Chúa đến cho loài người, thế mà vẫn bị một số người do thái bảo: ông dựa thế quỹ Bê-en-dê-bun mà trừ quỹ (Mt 12,24). “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bu [1], huống chi là người nhà.” (c,25b) Nếu Chúa là chủ nhà mà còn bị nói như vậy, huống hồ là những người con của Chúa, chắc chắn sẽ bị như thế, vì “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (C,24).

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể thay đổi được điều gì, vì: “không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (c,26b). Bởi thế những người theo Chúa, không có lí do gì mà sợ sự thật, vì “sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32). Hãy sống trong sự thật và bảo vệ sự thật, dù bị người đời thù ghét hay ngay cả lấy cả mạng sống của mình. Nhưng “đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (C,28).

Từ đó chúng ta có thể khẳng định được rằng Chúa là sự thật, ai không sống trong sự thật là không sống trong Chúa. Nếu không sống trong Chúa là chối Chúa, mà chối Chúa thì Chúa cũng chối chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha, “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (C,32-33).

Nhìn vào lịch sử phát triển của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, chúng ta cũng đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của thế sự. Biết bao nhiêu sinh mạng đã nằm xuống để minh chứng cho đức tin trung kiên của mình, dám chết cho sự thật.

Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần (1766-1838), ngài là vị Linh mục thời vua Minh Mạng, khi vua ra chiếu chỉ cấm đạo vào năm 1838, vì thời bấy giờ đối với các vua chúa thời Nguyễn xem đạo công giáo là tà đạo. Để minh chứng cho sự thật, minh chứng cho vua biết rằng đây không phải tà đạo, Cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần đã bị tống giam vào ngục. Với độ tuổi 72 của ngài, thế mà bị gông cùm xiềng xích với biết bao đòn vọt. Nhiều khi viên quan nói với cha: “Lão già quá rồi, không chịu nỗi các hình khổ đâu”. Cha Tuần trả lời : “Quả thực tôi ốm yếu già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Ngài”. Luật pháp bấy giờ không cho chém đầu người già trên 60 tuổi. Thế nhưng ngày 18.07.1838, vua Minh Mạng vẫn phê án xử trảm cha Tuần. Bản án “vi hiến” đó đã không bao giờ thi hành được, vì ngài đã chết trong tù. Từ đó chúng ta thấy được rằng, chính những người có quyền lập pháp lại hành pháp sai trái, dựa vào quyền lực để cai trị. Sự thật đã giải phóng cha Tuần, vào ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn chân phước cho ngài, đến ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Sự thật đối với Việt Nam ngày hôm nay cũng thế, dường như sự thật nó nằm trong đường lối chính sách của Đảng và nhà nước và những ai đi ngược lại đường lối chính sách này, đều được xem là chống đối hay bị ghép vào cái tội tuyên truyền chống phá. Chứ thật sự chưa nằm trong phương diện đối thoại, từ đó dẫn tới một hiện trạng đó là độc tài. Đều này đã được Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh trả lời phỏng vấn báo Église d’Asie: “Chế độ Cộng Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập…”.

Hiện trạng đất nước ngày hôm nay cũng đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nói lên qua thư chung năm 2016 (số 2): “Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!

Có những nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ mô đã dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, chẳng hạn nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn; chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không lưu ý đến môi trường sống của người dân; tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác; khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại… Cách riêng trong những ngày này, chúng tôi nghĩ đến những đau khổ mà đồng bào bốn tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu vì thảm hoạ môi trường biển. Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như những góp ý chân thành của các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước”.

Hay bản nhận định về luật tín ngưỡng 2016: “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dùng từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị” (số 3). Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng…. Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, có những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng. (số 4). Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…(số 5).

Nhìn chung qua các thư chung hay các bản góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thời gian gần đây, có thể đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nói lên sự thật hơn, không còn úp mở như trước nữa. Nếu thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 kêu gọi đồng hành cùng dân tộc, thì Thư chung năm 2016 nói rõ hơn, thế nào là đồng hành cùng dân tộc.

Nếu thời Minh Mạng có Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, thì ngày hôm nay lại có những con người dám đứng lên nói lên sự thật, dù bị kết án là phản quốc bội ơn. Biến cố Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, Ngài đã nói lên tiếng nói của mình:  “Tôn giáo là một quyền căn bản của con người, chứ không phải là một ân huệ xin cho”, chính câu nói này mà ngày nay Hội đồng Giám Mục Việt nam đã tái khẳng định trong bản góp ý sửa đổi hiến pháp, như đã được phân tích ở trên.

Một hình ảnh cũng khá trung kiên, không chỉ làm chứng cho sự thật mà còn đòi sự thật, dù bị báo đài Nghệ An hay chính đài VTV đã kích tư bề, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, vị Giám mục Giáo phận Vinh, cũng là chủ tịch Công lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài đã sang Châu âu vào tháng 05 vừa qua để thỉnh nguyện thư kêu gọi và gửi đến một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như một số chính phủ và tổ chức dân sự kí tên ủng hộ về vụ việc Formosa đang gặp phải tại giáo phận của Ngài.

Một hình ảnh cứ theo suốt tôi mấy ngày nay là việc tranh chấp đất đai giữa đan viện Thiên An (Thừa Thiên Huế) với chính quyền Thừa Thiên Huế. Các đan sĩ đã đứng lên để giữ thánh giá, giữ mãnh đất mà các cố đan sĩ đi trước để lại. Dù bị đánh đập bởi các côn đồ, hay bị xuyên tạc một cách trắng trợn của báo đài Thừa Thiên Huế, nhưng các đan sĩ vẫn bình tâm cầu nguyện, và sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ mãnh đất linh thiêng của đan viện. Vào ngày 12/07/2017 một hình ảnh rất đẹp, các đan sĩ đứng trước giới cầm quyền đã thực hiện nghi thức tôn giáo của mình trong một cuộc họp được mời trước đó. Sự thật nằm ở chổ nào khi các đan sĩ quay phim lại cuộc họp, nhưng giới cầm quyền lại cấm không cho phép. Nếu không sai thì làm gì lại phải cấm, các đan sĩ đã không chấp nhận sự đề nghị đó và đã quay lại diễn tiến của cuộc họp. Kết quả không đi đến đâu khi hai bên vẫn giữ lập trường riêng của mình.

Thiết nghĩ mỗi ngày sống của mỗi người chúng ta, giữa sự thật và giả dối luôn tồn tại. Buộc con người phải chọn một. Đối với mỗi người Kitô hữu không thể nào sống trong sự giả dối được, vì Thiên Chúa không thuộc về sự giả dối. Ngài là sự thật, ai sống trong sự thật mới thuộc về ngài. Ước mong chúng ta không chỉ sống cho sự thật mà còn đòi sự thật cho những người thấp cổ bé họng, vì chỉ sự thật mới giải phóng chúng ta.

CAO DƯƠNG CẢNH (GIÁO PHẬN CẦN THƠ)

[1] Bê-ên-xê-bun\ Baal-Zebub, Beelzebub, Beelzebul. Béelzebul.

Tên của Chúa quỉ (Mt 10:25; 12:24, 26:1- Mc 3:22, 23; Lc 11:15, 18, 19). Tên nầy là do Ba-anh-xê-bụt mà ra. Nguyên Ba-anh-Xê-bụt là thần Ruồi của thành Éc-rôn. Vì thành nầy có nhiều ruồi và muỗi, nên người ta lập thần đó để mong thoát khỏi (IICác 1:2, 3, 16). Người Do-thái muốn chê cười, khinh dễ hình tượng thần Éc-rôn và những người thờ lạy nó, nên đổi gọi Ba-anh-Xê-bụt là Bê-ên-xê-bun. Ngày xưa vua A-cha-xia nhờ tà thần Éc-rôn chữa bịnh, cũng vậy, người Do-thái cho rằng Chúa Giê-su đuổi các quỉ đi là nhờ quyền của chính tà thần Bê-ên-xê-bun đó, vả lại các quỉ và các thần tượng có liên hiệp với nhau (1Cr 10, 20 – 21). Họ lầm tưởng Bê-ên-xê-bun là chúa của cả hai hạng đó.

Bê-ên-xê-bun có khi cũng chỉ về thần phân. Vì người Do-thái nói Sa-tan là cội gốc của sự thờ lạy hình tượng và hết thảy sự dơ dáy.

Can đảm, đừng sợ hãi (09.07.2016)

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu cho các môn đệ, khi Người sai các ông ra đi loan báo Tin vui “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Người tiên báo những cuộc bách hại sẽ xảy ra khi các ông thực thi sứ mạng của mình; và để an ủi, động viên các ông, Người dẫn chứng: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi”.

Đức Giêsu muốn nói đến sứ mệnh cứu độ của Người và những phản kháng của thế gian mà điển hình là thái độ của những kinh sư Do Thái và người Pha-ri-sêu; đã nhiều lần, đám người này ngang nhiên phản đối, chỉ trích những việc Người làm và những chân lý Người giảng dạy; thậm chí họ còn hạ nhục Người khi gọi Người là tướng quỷ Bê-en-dê-bun.

Đức Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ thấy những khốn khó các ông sẽ phải chịu, khi kiên vững tin vào giáo huấn của Người và thực thi sứ mệnh Người trao cho. Tuy nhiên Người cũng khích lệ các ông: “anh em đừng sợ …”; Người biết rõ những điều Người rao giảng và truyền cho các ông loan báo cho mọi người là Chân lý Cứu Độ mà Chúa Cha muốn con người đón nhận để được giải thoát; do đó, Đức Giêsu cũng muốn các ông phải mạnh dạn loan báo cho dân chúng nơi các thành thị, thôn làng được biết và các ông phải can đảm đương đầu với những gian truân và bách hại do những kẻ chống đối Tin Mừng gây ra, vì đó là diễm phúc của những người đặt trọn niềm tin vào Người, và nhờ đó các ông chứng thực đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa của mình. Đức Giêsu giải bày với các môn đệ: “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”.

Đức Giêsu nhấn mạnh đến điểm yếu kém nhất nơi con người đó là sự sợ hãi: Sợ hãi trước quyền lực thế gian, ma quỷ và đam mê, hưởng thụ vật chất; sợ bị gian khổ, bị người đời chê cười, có người sẵn sàng đánh đổi lương tâm, đánh đổi sự công chính để chiều theo những điều độc ác, gian tà. Còn với các môn đệ, cũng có thể vì không vượt thắng được nỗi sợ hãi nên chần chừ, hoặc không dám thể hiện niềm tin của mình.

Đức Giêsu một lần nữa nhấn mạnh đến đối tượng của đức tin nơi người môn đệ là: “Thiên Chúa”, Đấng luôn quan tâm bảo vệ, gìn giữ những kẻ Ngài yêu thương và trao ban hạnh phúc cho họ. Thiên Chúa quan phòng yêu thương những kẻ thuộc về Ngài vì Ngài nhân từ, độ lượng và hay thương xót; Ngài đòi hỏi những ai yêu mến Ngài phải hết lòng tin tưởng, cậy trông nơi quyền năng và tình thương của Ngài. Đồng thời Ngài mời gọi phải can đảm, mạnh mẽ tuyên xưng Con chí ái của Ngài là Đức Giêsu Kitô, dung mạo của lòng thương xót và thứ tha Ngài đã dành cho nhân loại.

Đức Giêsu cũng khẳng định: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Như vậy hạnh phúc Nước Trời hoàn toàn lệ thuộc vào lòng yêu mến “Con Thiên Chúa làm người” và những ai can đảm sống và thực thi giáo huấn của Người.

Người tín hữu hôm nay, qua ơn gọi đã lãnh nhận nơi bí tích Rửa Tội, họ được mời gọi “nên thánh” theo tinh thần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô và nỗ lực loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Người trong cuộc sống giữa trần thế, họ trở nên môn đệ đích thực của Người.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta (là môn đệ của Đức Giêsu và là chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ của Người) phải mạnh mẽ, dạn dĩ sống niềm tin của mình giữa những xô bồ trần thế; giữa những cạm bẫy và muôn ngàn thử thách của cuộc sống hào nhoáng, hưởng thụ của thời đại hôm nay; đang níu kéo, ngăn cản chúng ta bước theo Đức Giêsu Kitô để được biến đổi nên con người mới, con người của Nước Trời. Đức Giêsu Kitô cảnh báo trước sự phản bội, khước từ Ơn Cứu Độ sẽ diễn ra nơi nhân loại; và hậu quả của những kẻ nhát đảm, đánh mất căn tính Kitô Hữu nơi chính mình.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Luôn trông cậy vào tình thương của Chúa Quan Phòng mà can đảm vượt thắng mọi cám dỗ, thử thách trong cuộc sống: Làm sáng nên đức tin nơi Chúa Kitô qua hành vi, lời nói giữa môi trường sống thường ngày; nhất là tích cực cộng tác với mọi thành phần Dân Chúa, tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô với hết khả năng hữu hạn của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin và gia tăng sức mạnh thiêng liêng nơi con; xin cho con biết can đảm, nhiệt thành sống và loan báo Tin Mừng Cứu độ của Chúa, để Danh Chúa hiển trị và Nước Chúa mau đến nơi trần gian.

SỐNG TIN MỪNG

Hãy tuyên xưng Đức Giêsu Kitô trong lời nói và trong mọi việc làm; và hãy Loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người đang sống chung quanh ta.

 

Sống đức tin, cậy và mến (11.07.2015)

 

Ghi nhớ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta một giải đáp. Tất cả những thế lực thù hằn của thế gian chống lại người môn đệ của Chúa, hay những sự dữ và sự ác cho dù có mạnh bạo đến đâu cũng chỉ có thể giết chết thân xác con người là cùng, còn linh hồn của chúng ta vẫn sống. Sự chết của thân xác không đáng sợ, vì con người ai cũng mang trong mình thân xác hay chết đó. Đáng sợ là cái chết về phần linh hồn, mà chỉ có một Đấng có quyền trên linh hồn con người mà thôi. Đó chính là Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy kiên trì trong đức tin vào Người, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn và bắt bớ. Chúng ta hãy tin chắc rằng Chúa đang quan tâm, thương yêu và nhớ đến từng người chúng ta.

Sống Lời Chúa: Sống đức tin, cậy và mến.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, Xin Chúa ban sức mạnh của Chúa cho chúng con để chúng con có sức vượt thắng những thế lực thù nghịch và biết bám lấy Chúa. Amen. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *