Khiêm (16.07.2024 – Thứ Ba Tuần XV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 7,1-9 (năm chẵn), Xh 2,1-15a (năm lẻ), Mt 11,20-24

 

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu ( Mt 11,20-24)

20 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói :

21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

 

Khiêm (16.07.2024)

Quẻ Khiêm () trong Kinh Dịch giải rằng:“Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích”. Nghĩa là: “Kiêu căng chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn hưởng được lợi ích”

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt.11,20-24), Chúa Giê-su khiển trách các thành tọa lạc dọc biển hồ Ga-li-lê; đó là: Kho-ra-din, Bết-sai-đa và Ca-phác-na-um. Các thành này đều “chứng kiến phần lớn các phép lạ” Chúa Giê-su đã làm; cũng như được nghe Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi họ sám hối trở về cùng Thiên Chúa, bỏ đường bất chính và những đam mê thế tục để đón nhận sự sống đời đời. Thế nhưng họ không hề mảy may ăn năn, hối cải. Bởi lẽ họ quá kiêu căng, tự mãn, đã đóng cửa lòng mình lại trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Họ không nhận ra hay cố tình không muốn nghe tiếng mời gọi hoán cải của Ngài, vì lời mời gọi ấy khiến họ phải thay đổi cách sống, phải bỏ đi những thói quen hưởng thụ, tham lam, mê đắm vật chất, ngông cuồng, ích kỷ… Họ không nỡ bỏ đi những thứ đó để trở về với Thiên Chúa.

Hôm nay, các Ki-tô hữu cũng được nghe Lời Chúa, được đón nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa đã trao cả chính mình Ngài cho ta. Nhưng ta có thay đổi để xứng đáng với tình yêu của Ngài không, hay còn đang mải mê ở những thế sự trần gian, đang gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên để thỏa mãn những đam mê của xác thịt mà không có lòng sám hối quay trở về ?

Ước gì qua Tin Mừng hôm nay, mỗi Ki-tô hữu biết nhìn lại mình để thấy được sự đáp trả lời mời gọi của Chúa như thế nào, mà mau mau hoán cải đời mình kẻo chết tươi ăn năn tội chẳng kịp vậy !

Lạy Nữ Vương là xinh đẹp Núi Cát Minh, xin cầu cho chúng con. Amen.

CÁT BIỂN

Tự do đích thực (18.07.2023)

Nhân quyền. Có lẽ là từ bị lạm dụng thô bạo và ý nghĩa bị hiểu sai lệch méo mó hơn bao giờ hết trong thế giới hôm nay. Người ta đã lạm dụng tự do nhân quyền để cổ vũ cho lối sống đồi trụy, phi đạo đức, vô luân lý qua việc phá thai, trợ tử, sinh sản vô tính, hôn nhân đồng tính, và rồi đến cả hôn nhân chuyển giới.

Từ xưa tới nay, tâm thái kiêu ngạo, không tin, không chấp nhận và loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình đã làm con người không những rơi vào sa đọa, làm lòng người trống rỗng, khắc khoải, bất an, ưa thích gian trá hận thù… như lòng các dân đô thị xa xưa cùng với việc đưa tới các hậu quả tồi tệ do Thiên Chúa chúc dữ đều giống nhau cả (x. Mt 11,20-24)

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho thấy: Con người phải chịu trách nhiệm về sự tự do của mình khi quyết định làm làm lành lánh dữ hay chọn sống tha hóa, làm điều ác. Và khẳng định, chỉ khi nào con người biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc đời mình, biết sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau trên nền tảng luân lý Ki-tô giáo thì mới được bình an và hạnh phúc miên viễn.

Lạy Chúa, xin cho con biết sự tự do không phải là bị kết án mà là được ban tặng để con biết chọn sống trong kế hoạch nhiệm mầu của tình yêu Thiên Chúa. Amen. 

CÁT BIỂN 

Chớ cứng lòng (12.07.2022)

Theo các chuyên gia khảo cổ, nền văn minh nhân loại sớm phát triển tại các thành phố tập trung đông dân cư của vùng Lưỡng Hà – giữa hai con sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát – đó là các thành phố Xơ-đôm, Gô-mô-rơ, Ba-by-lôn, Tia, Xi-đôn… đi kèm với sự ra đời của toán học, thiên văn, kiến trúc, y học, nghệ thuật, kỹ thuật nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi… thì các thành phố này cũng là nơi có nếp sống suy đồi đạo đức, sa đọa luân lý… chúng còn là “cái nôi” của óc tự mãn, ngạo mạn, tôn thờ ngẫu tượng của con người vào thời đó.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su cũng lên tiếng chúc dữ cho hai thành phố Kho-ra-din, Bết-xai-đa. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa, chính là Thiên Chúa.

Do kiêu ngạo, tự mãn, không tin nhận quyền năng và các phép lạ Chúa đã làm nên kết cục là các thành phố từng một thời nổi tiếng, văn minh nhất vùng đã trở nên hoang phế vắng lặng và bây giờ chỉ còn là vùng đất hoang mạc đầy nắng gió.

Lời chúc dữ của Chúa Giê-su vẫn còn tính thời sự cho nhân loại hôm nay. Nếu con người không biết ăn năn sám hối chỉnh đốn lối sống vội, sống gấp, sống thác loạn, luân lý suy đồi thấy nhan nhãn ở phần lớn giới trẻ hiện nay, nếu không biết kính sợ Thiên Chúa, không tin nhận quyền năng Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời mỗi người, và nếu không còn để Chúa cùng sống với mình thì đến ngày phán xét chắc chắn sẽ không được xử khoan hồng, không nhận được sự thứ tha của lòng Thương xót Chúa (x. Mt. 11, 23-24)

Lạy Chúa Giê-su, xin sửa phạt con trong tình yêu của Chúa ngay ở đời này để con không phải ương ngạnh chai đá lãnh lấy án phạt đời đời ngày sau. Amen.

CÁT BIỂN

Quay về nẻo chánh đường ngay (13.07.2021)

Ghi nhớ:

 “Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: Đến ngày phán xét, đất Sơ- đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11, 24)

Suy niệm:

Gia đình anh thuộc loại giầu có và hạnh phúc.Ttrong mái nhà “vợ đẹp con khôn” của anh hầu như gặp toàn điều may lành. Thế nhưng cuộc sống đạo của cả gia đình anh thì xem ra rất “ nguội lạnh”. Một tuần lễ họ mới đến nhà thờ được một lần vào nhày Chúa nhật, nhưng họ đến với Chúa cách gượng ép, hời hợt, không có chút tâm tình gì. Họ đi lễ như là một cái máy mang quán tính vậy thôi.

Họ có thể ngồi trước cái đài truyên hình mà xem diễn hài vài giờ đồng hồ không cảm thấy chán, song đến nhà thờ thì chỉ khoảng một tiếng thôi thì họ đã than là “ Ông cha giảng dài, làm lễ lâu” !

Đùng một cái anh đổ bệnh, khi đi khám  trên bệnh viện thành phố, các bác sỹ cho anh biết rằng anh có một khối u nằm ngay trong cột sống. Phải phẫu thuật cắt bỏ khối u đó đi! Bởi vì nó nằm ngay trong cột sống nên cuộc giải phẫu rất nguy hiểm, có nguy cơ liệt tứ chi nếu khối u ấy bám vào chặt vào các giây thần kinh…

Kể từ thời gian đó. Mọi thành viên trong gia đình anh ngày nào cũng chạy đến với Chúa trong các Thánh lễ và các giờ kinh, giờ chầu; Bởi vì mọi người đều ý thức rằng: Chỉ có Chúa mới cứu anh, cũng như gia đình anh thoát khỏi những nguy cơ đen tối mà gia đình họ đang gặp phải!

Đúng như lời Kinh Thánh Chép: “ Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho”. Cuộc giải phẫu của anh thành công tốt đẹp đến nỗi các bác sỹ còn phải ngạc nhiên.

 Khi chòm xóm đến chúc mừng thì anh tâm sự:

– Chúng tôi thật là có lỗi, vì đã nhận biết bao ân lành của Thiên Chúa. Thế mà đã sống cách nguội lạnh, khô khan, vô ân. Từ nay xin quyết tâm đổi mới, siêng năng đến với Chúa và sẵn sàng giúp công giúp của để xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Đức Giê-su là Đấng nhân từ, tràn đầy lòng xót thượng, thế nhưng trong Bài Tin Mừng hôm nay Ngài đã tỏ ra thái độ không hài lòng và đã nói những lời có vẻ như chúc dữ đối với dân thành Kho-ra-din và Bết-sai-đa.“ Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din, khốn cho ngươi, hỡi hỡi Bết-sai-đa!”. Điều khiến cho Đức Giê-su phải thốt ra những lời nói đó là do người dân của các thành ấy cứng lòng tin. Vì bao nhiêu phép lạ  mà đã Chúa được thực hiện, thì đáng lẽ ra họ phải nhận biết Ngài là Đấng Thiên sai, Ngài có quyền phép. Những phép lạ mà Đức Giê-su thực hiện cốt ý để cho dân thành biết mà tin vào Ngài để từ đó thay đổi lối sống! Thế nhưng lòng họ đã trở nên chai đá, lì lợm, mắt họ đã trở nên mù lòa, bởi thế lòng họ không mảy may xúc động. Những lời dạy dỗ, kêu gọi của Ngài chỉ như “nước đổ lá khoai” mà thôi. Đức Giê-su càng yêu dân thành bao nhiêu thì Ngài càng muốn cho họ sám hối ăn năn thay đổi lối sống để khỏi bị án phát bấy nhiêu! Chính vì lòng Yêu thương họ đã khiến cho Đức Giê-so thổn thức, lo lắng. Và khi nhìn thấy tâm hồn họ chai lỳ thì Ngài đã tỏ ra đau đớn, thất vọng rất nhiều.

Ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất đau khổ khi nhìn thấy đứa con mà mình yêu thương đang sa đà vào con đường tội lỗi có nguy cơ mất sự sống phần linh hồn. Lẽ tất nhiên là vì yêu thương nó chúng ta sẽ làm tất cả mọi việc, chỉ với mong muốn con sẽ  quay về nẻo chánh đường ngay. Rồi chúng ta lại cảm thấy đau khổ ê chề hơn nữa khi mọi nỗ lực của chúng ta nhằm cảnh tỉnh con cái bị nó làm ngơ, trở nên vô ích! Đó cũng là tâm sự của Đức Giê-su đối với dân chúng trong các thành mà người đến giảng dạy mà Tin Mừng hôm nay phản ảnh. Chính bởi sự ngoan cố của họ, những kẻ cứng lòng thì sẽ bị Thiên Chúa xử phạt nặng nề hơn sau này. Đây là những lời cảnh tỉnh cuối cùng mà vì tình yêu thương Đức Giê-su lên tiếng cảnh báo cho họ.

Ngày xưa, trong thời Cựu Ước. Khi dân thành Ninivê phản nghịch, bỏ  Chúa để đi theo đàng tội lỗi thì Chúa đã dùng tiên tri Giona đến với dân thành để cảnh tỉnh họ ăn năn sám hối mà trở về cùng Yavê Thiên Chúa kẻo bị án phạt mà Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên dân. Khi Giona xuất hiện và kêu gọi dân chúng thì lập tức họ đón nhận ông ngay và nghe theo lời dạy bảo của ông thay đổi đời sống. Tất cả mọi người, kẻ cả nhà vua, đã ăn chay cầu nguyện, họ biểu tỏ ra ngoài bằng việc mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Thiên Chúa thấy việc họ làm Người đã thay đổi ý định và không còn phá hủy thành Ninivê nữa. (x Gn 3, 1-19)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng cảnh báo chúng ta;hãy nhạy bén hơn trước những dấu chỉ xẩy ra trong thời đại mà chúng ta đang sống, mà ý thức để luôn giữ mình  trong thư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến lần thứ hai để xét xử trần gian.

Nếu để tâm suy nghĩ một chút, chúng ta thấy một ngày trôi qua, quanh chúng ta, trong chúng ta đã xẩy ra biết bao điều lạ lùng, từ bé nhỏ cho đến to lớn. Mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn tinh tú đang di chuyển trong vũ trụ nhưng không xảy ra va chạm…Trong cơ thể của mình, chúng ta chẳng biết điều hành gì đâu? Mà mọi bộ phận trong cơ thể vẫn âm thầm hoạt động nhịp nhàng đâu vào đấy, ăn khớp vơi nhau khiến chúng ta  duy trì được sự sống. Đấy với những sự việc lạ lùng đang xảy ra quanh và trong chúng ta nó cũng như những phép lạ mà Tạo Hóa đã an bài để chúng ta nhìn vào đó mà nhận biết có một Thiên Chúa toàn năng, Đấng dựng muôn vật và quan phòng mọi sự, để tôn thờ, phụng sự và làm những điều đẹp lòng Ngài.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó. Xin cho chúng con luôn hướng về Chúa mà hết lòng tôn kính, thờ phượng, xin cho tâm trí chúng con được nhạy bén hơn để nhận ra Chúa qua các trật tự lạ lùng xảy ra trong trời đất để từ đó biết chỉnh đốn đời mình sống sao cho xứng đáng với ân tình mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen.  

Sống Lời Chúa:

Sống trong tâm tình luôn biết phục thiện

Đaminh Trần Văn Chính.

Phải sám hối và đổi mới (14.07.2020)

“Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”. (Mt 11, 22)

Chúa Giê-su đã rao giảng tại các thành Co-ro-za-in, Beth-sai-đa và Ca-phar-na-um, cùng với bao phép lạ Người làm, nhưng dân các thành ấy không đón nhận Người, không chịu sám hối mà đón nhận Tin Mừng. Chúa lấy làm tiếc cho sự ngoan cố của họ. Ngoan cố vì họ kiêu căng. Họ không thể tin người mang tên Giê-su với cái dáng vẻ đơn sơ, bình thường nếu không nói là tầm thường kia, có thể là Đấng Thiên Sai được. Ngoan cố vì họ còn nặng lòng với những thực tại phù vân: tiền tài, danh vọng, chức quyền, không thể chấp nhận từ bỏ theo tinh thần của Tin Mừng.

Họ không muốn đổi mới theo Tin Mừng để phải chịu thua thiệt ở đời này. Chúa nhắc lại chuyện xưa, thành Ty-rô và Si-đôn kia nghe lời các tiên tri của Thiên Chúa mà sám hối. Còn bây giờ, chính Con Thiên Chúa đến rao giảng, mà họ chẳng nghe lời. Vì Thế Ty-rô và Si-đôn được xét xử khoan hồng hơn. Còn các thành không sám hối, ắt phải bị luận phạt nghiêm khắc.

Sám hối và đổi mới theo tinh thần Tin Mừng là dấu chỉ đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô, đón nhận hồng ân cứu chuộc. Chúa Giê-su đang tha thiết mời gọi chúng ta nhận ra căn cội kiêu căng còn đang tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, nhận ra sự mê muội của lòng kiêu căng ích kỷ. Chúa muốn chúng ta sám hối tội ngoan cố chưa tin, chưa yêu hay ngờ vực; sám hối tội íchkỷ, thương thân, vô cảm, không xót thương người do quỷ kiêu căng xúi giục. Hãy nhận ra, sám hối và nhất là phải đổi mới thành con người mới của Tin Mừng, của công chính, của thiệnhảo, của hòa bình, của yêu thương hiệp nhất sẻ chia…

Lạy Chúa, xin giúp con quyết lòng từ bỏ những bất chính, để là con người mới của Tin Mừng Chúa Giê-su. Amen.

BCT

Hãy sám hối để trở về với Chúa (16.07.2019)

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách các thành đã được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm nhưng không chịu sám hối. Thực tế trong thời cựu ước, các thành: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là những thành mà các ngôn sứ đã nhắc nhở, cảnh cáo vì những tội lỗi mà dân chúng trong thành đã phạm. Những đô thị này là nơi đã phát sinh ra những sự việc sa đọa về luân lý, lại còn tôn thờ thần ngẫu tượng của họ. Chúa Giêsu lại tiếp tục thực hiện những gì mà các ngôn sứ đã làm, khi Ngài lên tiếng chúc dữ cho hai thành Khôradin và Bếtxaiđa về thái độ của dân thành này, về sự nặng nề do tội lỗi gây ra và nhất là ở tính cách chai lì cố chấp không trở lại, không sám hối của họ.

Thân con: “yếu đuối mỏng dòn”

Đam mê thế tục lại còn hám danh

Kèn cựa, chấp nhất, bon tranh

Nhỏ nhoi, ích kỷ, giật dành lẫn nhau

*

Cuộc sống lạc bước từ lâu

Chạy theo hào nhoáng ánh màu thế gian

Quên đi bổn phận lo toan

Chỉ biết hưởng thụ ngập tràn say sưa

Sám hối là trở về với Thiên Chúa, công nhận quyền tối thượng của Người trên cuộc đời của chính mình, sẵn sàng vâng lệnh, thi hành thánh ý của Người trong cuộc sống; là biết tránh khỏi những gì có thể lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Sám hối là mở rộng tâm hồn mình cho hồng ân của Chúa đến như mưa tuôn thấm nhuần làm cho đất đai khô cằn trở nên phì nhiêu tươi tốt, để nẩy sinh những hoa thơm trái tốt cho cuộc đời.

Ăn năn, sám hối đâu thừa

Trở về cùng Chúa, vẫn chưa muộn màng

Chúa ơi! Con đã lạc đàng

Giờ đây tỉnh ngộ, thân mang tội tình

*

Tìm về nẻo chính quang minh

Ngài thương tha thứ, an bình Chúa ban

Cho con thoát khỏi nguy nan

Vui hưởng hạnh phúc vô vàn yêu thương

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhận ra tình yêu thương bao la của Chúa dành cho chúng ta. Bới vì, từ khi được sinh ra cho đến hôm nay, chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa thương ban. Đó cũng là nhưng dấu chỉ mà Chúa mời gọi chúng ta sám hối và đổi mới đời sống mỗi ngày, để chúng ta sống xứng đáng là người con yêu dấu của Chúa, xứng đáng với ơn gọi và bổn phận của mình đối với Chúa và với tha nhân.

Từ nay con quyết đúng đường

Đam mê từ khước, vấn vương loại trừ

Bao nhiêu thói xấu tật hư

Phủi tay, giũ sạch, giã từ, lãng quên

*

Để con được sống bình yên

Đồng hành với Chúa, đời thêm sáng ngời

Thành tâm sám hối đi thôi!

Cho lòng thanh thản, cho đời hoan ca

*

TRỞ VỀ VỚI CHÚA LÀ CHA

LÒNG TRÀN HẠNH PHÚC CHAN HÒA NIỀM VUI

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có một đức tin vững mạnh để chúng con nhận ra Chúa qua những dấu chỉ trong cuộc sống hằng ngày, và xin cho chúng con biết sống tinh thần sám hối, giúp chúng con sửa đổi bản thân, chừa bỏ những tính hư nết xấu để sống xứng đáng là người con yêu quý của Chúa. Amen

HOÀI THANH

Sửa dạy trong yêu thương… (17.07.2018)

Dường như Chúa Giê-su đang trút sự tức giận của mình qua việc quở trách ba thành phố Kho-ra-din, Bết-xai-đa, và Ca-phác-na-um; vì dân chúng của những thành này vẫn cứng lòng tin, vẫn cứ cố chấp trong tội; vẫn hằng ngụp lặn trong lối sống vô luân của mình. Cho dù, họ đã từng được Chúa Giê-su đến viếng thăm thành phố của họ; ban phúc lành, giảng dạy, chữa các bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng, làm nhiều phép lạ và xua trừ ma quỷ…

Sự thật, thì không phải vậy, nhưng Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương xót vô hạn của Chúa trước những vô tri, lầm lạc lối sống của các thành phố này. Ngưởi khóc cho sự hư mất đời đời của dân thành nếu không ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng Nước Trời. Trong tình yêu, Người kêu gọi dân chúng các thành này hãy bước đi trong con đường chân lý và tự do, hãy sống trong ân sủng và lòng nhân ái, công lý và thánh thiện của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nếu như hôm nay con được Chúa quở trách, sửa dạy; thì con có mau mắn đáp trả lời sửa dạy cho bản thân mình với thái độ vững tin và sự vâng phục hoàn toàn hay không ? Hay con đáp trả với tâm trạng nghi ngờ và thờ ơ ?

Lạy Chúa, nếu hôm nay Ngài đến viếng thăm Huynh Đoàn chúng con. Chúa cũng cất lời quở trách nếp sống hình thức, vụ lợi, đạo đức sa sút, kinh nguyện rập khuôn máy móc… của các đoàn viên Huynh Đoàn chúng con như đã quở trách các thành phố xưa kia. Liệu chúng con có động thái phản ứng như thế nào ? Có sẵn sàng đó nhận sự sửa dạy của Chúa không ? Hay chúng con phớt phờ, u mê trong định kiến ngu dại của chính mình ?

Lạy Chúa, xin thêm cảm thức thiêng liêng cho mỗi người chúng con; xin cho chúng con nhận thức rõ ràng được sự bất toàn của bản thân mình để siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa. Amen.

CÁT BIỂN

Hối… (18.07.2017)

Trong Hán tự, chữ hối () là động từ diễn tả một việc đã sai lỗi rồi, mà còn biết nghĩ cách để sửa đổi lại; hay còn gọi là ăn năn, hối hận.

Khi chiết tự, ta thấy chữ hối () gồm: bộ tâm () và chữ mẫu ().

Tâm nghĩa là tâm trí, lòng dạ;

Mẫu được xem là căn nguyên sinh ra mọi sự, các cái; là mẫu mực;

Suy ra, hối nghĩa là hối hận để sửa đổi lỗi lầm mình gây ra; và được xem là căn cơ của tâm trí, lòng dạ con người.

…Chúa Giê-su khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài cũng mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối để nhận được ơn tha thứ và ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa; thay vì phải bị phán xét và bị trừng phạt của Người.

Sám hối là một tiến trình, nên nó cần có một khởi điểm. Khởi điểm này xuất phát từ trong chính tâm lòng () của mỗi người. Nó đòi hỏi chủ thể sám hối phải có thái độ dứt khoát không được chần chừ, cần phải quyết liệt chứ không được lơ là chậm trễ.

Sám hối chính là bước khởi đầu của hối nhân để cho ân sủng Chúa thấm vào tâm hồn bị thương tích của mình và chấp nhận chỗi dậy bước đi trong tiến trình chữa lành. Sẽ không có tiến trình trở về với Thiên Chúa, nếu không có bước khởi đầu này.

Đến ngày chung thẩm Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc mỗi người đã làm. Sở dĩ, chờ đến ngày chung thẩm Thiên Chúa mới xét xử mỗi người vì chưng Người vô cùng nhân từ, khoan dung, độ lượng muốn cho nhân loại có thời gian sám hối và hằng mong con người hãy mau ăn năn hối cải ngay từ bây giờ (x. Rm 2,1-11)

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm dứt khoát với những điều xấu xa, lỗi phạm mất lòng Chúa. Xin cho con được mạnh mẽ chỗi dậy trở về với Chúa, để lãnh nhận được ơn tha thứ và cứu rỗi của Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Sẵn sàng đáp trả (12.07.2016)

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 26 tháng 02 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Danh Dự Biển Đức XVI cảnh giác các Kitô hữu chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Ngài nói: “Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng: Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân”.

Thật vậy, hiểm họa vừa nói trên đã được các tiên tri trong Cựu Ước thấy và cảnh báo dân chúng qua việc chúc dữ các thành phố, đô thị lúc bấy giờ. Xơ-đôm, Gômôra, Ba-by-lon, Tia, Xi-đôn là đối tượng chính của những lời rủa sả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người…

Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ thành phố Kho-ra-din và Bết-xai-đa. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, thích hưởng thụ, đồng thời chối bỏ tương quan với Thiên Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người

Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.

Thế nhưng, để hưởng được hạnh phúc mà Thiên Chúa mời gọi; con người phải chiến thắng những cám dỗ: Cám dỗ vật chất, cám dỗ sở thích hưởng thụ, cám dỗ ham muốn xác thịt, cám dỗ tự tôn tự mãn bản thân… Hay nói cách khác là phải chiến thắng con người mình, phải chịu chết đi “cái tôi” của mình. Chết theo lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải ai cũng làm đuợc; nhưng nếu tôi và bạn vững niềm tin vào Ngài thì mọi sự đều có thể. Vì Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh!

Lời cảnh báo, và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho con người từ xa xưa vẫn đang vang vọng cho đến ngày hôm nay. Lời cảnh báo đó đã và đang dành cho chúng ta là những Kitô hữu – đã được nhận biết Ngài – Thế nhưng lại sống xa Ngài, vẫn thờ ơ, chìm ngập trong tội để rồi dẫn đến cái chết đời đời. Nói được là, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết lắng nghe và luôn sẵn sàng đáp trả tiếng Ngài qua những người mà Chúa gửi đến cho con, để rồi từ đó con biết hoán cải đời sống mà quay trở về với Ngài và lấy Ngài làm trọng tâm của đời sống của mình. Amen.

CÁT BIỂN

Nếu Không Sám Hối

   “Bấy giờ Ngài bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.”

 Ba thành phố trên là những địa điểm Đức Giê-su thường lui tới giảng dạy, Ngài làm bao nhiêu phép lạ để minh chứng, đầu tiên là kêu gọi sám hối và tin vào Ngài. Nhưng xem ra bao nhiêu sức lực của Ngài dành cho các thành phố lớn này bị uổng phí, vì người tin thì ít, kẻ chống đối thì nhiều, đến nỗi Ngài phải tiếc xót mà quở trách, cảnh cáo, rồi so sánh với dân vùng Tia và Xi-đôn như vậy. Dân chúng của mấy thành phố lớn kia đã được nghe, được chứng kiến, được hưởng bao ơn lành từ Đấng Cứu Thế mà không sám hối và tin vào Tin Mừng, thậm chí quay lưng với Ngài, thì làm sao sinh hoa kết quả từ lòng sám hối chân thành?

Phần chúng con nhiều khi cũng ở tình trạng này. Người có điều kiện, thời giờ rảnh rỗi lại lãng phí vào những việc không đâu. Người có tiền của, dễ dàng tiêu xài lãng phí vào nhiều chuyện, nhưng sẻ chia giúp người thiếu thốn thì quá khó. Ngài có khả năng, cơ hội để làm việc tốt mà làm biếng, thiếu nhiệt tình nên tặc lưỡi bỏ qua. Ngày nay, Chúa vẫn làm phép lạ, Chúa vẫn ban nhiều ơn. Mỗi người chúng con phải sinh lời, phải biết sử dụng ơn Chúa cho xứng đáng hơn, cụ thể là chu toàn thật tốt chức phận, ơn gọi của mỗi người.

Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.”

Thành Xơ-đôm ngày xưa mà được chứng kiến, tận hưởng ân phúc của Đấng Cứu Thế như Ca-phác-na-um thì đã không bị đốt cháy hủy diệt, mà tồn tại đến hôm nay. Thời xưa còn nghèo thì nhà nhà lo kinh hạt thờ phượng Chúa, lo làm việc lành và biết ghét sợ tội. Ngày nay ăn no mặc ấm thì người ta bận đủ thứ trên đời, xem ra không còn giờ nào mà nghĩ đến Chúa, ra mất ý thức về tội lỗi, thái độ dửng dưng, thờ ơ, nhắm mắt khoanh tay chẳng cần làm gì.

Đức Giê-su có cảnh cáo hay quở trách chúng con thì cũng xứng đáng. Sự thiện hay tội lỗi của một người không những ảnh hưởng riêng bản thân, nhưng còn lan tỏa, ảnh hưởng đến cộng đoàn, môi trường đang sống. Thành Sô-đô-ma ngày xưa không tìm nổi mười người công chính nên đã bị thiêu hủy.

Lạy Chúa! ngày nay Chúa vẫn ban ơn cần thiết cho mỗi người chúng con tùy theo ơn gọi, hoàn cảnh riêng, để chúng con trở nên hữu dụng cho Chúa và nơi tha nhân. Xin đừng để con trở nên vô ích, nhưng biết đáp tình Chúa mà luôn sẵn lòng phục vụ, mưu cầu lợi ích cho anh em con.

  Én Nhỏ

Ơn ban đi đôi với trách nhiệm

Chúa Giê-su nói: “Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-22)

Suy niệm: Theo lẽ thường quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Tương tự ân sủng Chúa ban cho ai cũng kéo theo những trách nhiệm đối với người ấy. Hưởng ơn ban càng nhiều, chịu trách nhiệm càng lớn. Và do đó, nếu không chu toàn trách nhiệm cách tương xứng, thì án phạt càng nặng nề. Những phép lạ Chúa thực hiện cho một số người ở Kho-ra-din hay ở Bét-sai-đa, cũng là một ơn ban cho toàn thể dân thành. Vì thế theo qui tắc liên đới, họ cũng đồng trách nhiệm trong việc đáp lại sứ điệp của Chúa qua những phép lạ đó. Mà sứ điệp đó là: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”

Mời Bạn: Những ơn Chúa ban cho ta không phải chỉ để ta hưởng thụ một mình, mà ta phải nhờ đó để trổ sinh nhiều hoa quả thiêng liêng “xứng với lòng thống hối” chẳng những nơi mình và mà còn cho người khác nữa.

Chia sẻ: Nhiều người nhận được ơn đặc biệt Chúa ban (khi đi hành hương, xin khấn, v.v…) nhưng có người sửa đổi đời sống và nên thánh, có người không. Bạn nghĩ gì về điều này?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần kiểm điểm đời sống, bạn hãy cố khám phá một ơn Chúa đã ban cho bạn để cảm tạ và nhờ đó sửa đổi đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban và cho con biết nên thánh xứng với những ơn huệ đó.

Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng (14.07.2015)

Ghi nhớ:  “Còn ngươi nữa, hỡi Ca-pha-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ” ( Mt 11,23).

Suy niệm: Chúa Giêsu quở trách các dân thành Khoradin, Betsaida và Ca-pha-na-um đã được Chúa thi ân giáng phúc rất nhiều, nhưng họ vẫn cứng lòng tin và có những thái độ bất cần, vô ơn với Chúa. Bổn phận của mỗi người chúng ta là phải biết dùng những điều kiện thuận lợi, những khả năng Chúa ban để sinh lợi trước mặt Chúa, chứ không phải để tận hưởng và tự phụ. Vì vậy, là người tông đồ chúng ta phải làm cho ơn Chúa được lớn lên và làm giàu những nén bạc Chúa ban trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta, để ngày sau, chính chúng ta được hưởng chúng trên Quê trời.

Sống Lời Chúa: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con biết sống phó thác vào Chúa, để con sống đơn sơ và tín thác vào Chúa mỗi ngày nhiều hơn. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *