Đối xử nhân từ với nhau (07.07.2023 – Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Am 8,4-6.9-12 (năm chẵnn), St 23,1-4.19 ; 24,1-8.62-67 (năm lẻ), Mt 9,9-13

Bài đọc 1 (năm chẵn): Am 8,4-6.9-12

Bài trích sách ngôn sứ A-mốt.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ :
“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa ;
bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra ?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm ;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ ;
cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”
Trong ngày ấy, – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng -,
Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa,
và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng.
Ta sẽ biến lễ lạt của các ngươi thành tang tóc,
mọi bài hát của các ngươi thành những khúc ai ca ;
Ta sẽ bắt mọi người phải quấn vải thô
và mọi mái đầu đều phải cạo trọc.
Ta sẽ làm cho đất này chịu tang
như người ta chịu tang đứa con một
và kết cục của nó như một ngày cay đắng.
Đây sắp đến những ngày
– sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng –
Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này,
không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống,
mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa.
Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ,
từ phương bắc đến phương đông,
chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa
mà không gặp được.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 9,9-13)

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Đối xử nhân từ với nhau (07.07.2023)

Sau giờ nguyện kinh như thường lệ, chị trưởng chi 6 nói nhỏ với tôi, có người muốn vào Huynh đoàn, tạ ơn Chúa, thật vui mừng khi có người muốn gia nhập Huynh đoàn, tôi đã nhận ra em, vóc dáng nhỏ bé so với những người cùng lứa tuổi. Nhưng em lại rất siêng năng trong giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót, gần như không vắng buổi nào. Giờ nguyện kinh ở giáo xứ tôi, bắt đầu từ 13g00 là nhóm Các Bà Mẹ Công Giáo, tiếp theo là giờ của Huynh đoàn và cuối cùng là giờ của Hội Lòng Chúa Thương Xót, kết thúc là Thánh lễ 15g00. Nghe em nói mà thương, em nghĩ rằng không chắc Huynh đoàn đã thâu nhận, tôi hiểu suy nghĩ của em, 3 tuần nay khi tôi hướng dẫn em mở sách để cùng đọc với chúng tôi, em lật các trang sách kinh rất chậm, lại hay để mất dấu trang, giọng đọc thì phát âm không rõ. Bạn có suy nghĩ gì về lời chia sẻ của Thánh Grêgôriô: “ Có kẻ được dồi dào ơn trong, mà vẫn khuyết điểm bên ngoài; người khác có đôi chút nết xấu, có khi đã trọn lành; còn ta dầu chẳng thấy mình có lỗi gì, cũng vẫn còn xa đường trọn lành”.

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêô (Mt 9,9-13) Chúa Giêsu đã gọi Matthêô khi đang ngồi bàn thu thuế: “ Hãy theo ta” Chúa đang gọi những người mà xã hội coi thường về nhân cách, bị đánh giá là tội lỗi. Chúa đến để cứu độ, Người đến trần gian để rao giảng Tin Mừng và kêu gọi con người trở về với Thiên Chúa: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.” Chúa nhận ra họ cần được cứu, vì họ đang không có người dẫn dắt, Chúa muốn tập họp họ lại để Người hướng họ về lý tưởng cao đẹp, về cuộc sống mai sau của Thiên Chúa. Matthêô đã nghe tiếng gọi và đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu. Lời Chúa là con đường dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với nhau.

Chúa dạy các môn đệ rằng: “ Hãy đi học xem lời này có nghĩa gì: ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải hy lễ.” Trong cuộc sống mọi người vẫn hô hào cần phải có lòng nhân hậu, lòng bác ái đối với nhau nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hoặc khi có những chuyện mâu thuẫn xảy ra, có ai đó nhắc chúng ta hãy nhớ câu nói của ông bà ta:“ một điều nhịn bằng chín điều lành”, thay vì đi đến tranh cãi thì giữ bình tĩnh và lắng nghe, Thánh Inhaxiô Lôyôla từng chia sẻ: “Mỗi Kitô hữu tốt phải sẵn sàng bào chữa cho người khác hơn là lên án. Nếu không bào chữa được, thì phải hỏi xem người ấy có ý nói gì, nếu người ấy nói sai, thì hãy lấy tình thương mà sửa chữa; và nếu chưa đủ thì tìm mọi phương thế thích hợp để giúp người ấy hiểu được và thoát được sai lầm.” Chúa vẫn muốn chúng ta đối xử với nhau bằng tình yêu thương tha thứ, Lời Chúa luôn là phương thuốc chữa lành thương tích tâm hồn đã bị tội lỗi gây ra.

Lạy Chúa, giáo huấn của Chúa luôn nhắc nhở chúng con “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” Ga 13,34. Trong đời sống hàng ngày chúng con vẫn cố gắng tìm kiếm và không bỏ qua các dịp có thể thực hiện những hy sinh nho nhỏ, những việc tốt đẹp cho nhiều người trong khu xóm. Xin Chúa giúp gia đình chúng con biết sống Lời Chúa dạy, để đối xử nhân từ với nhau.

Anna Anh

Lòng nhân từ thu phục nhân tâm (01.07.2022)

Tuần qua Huynh đoàn chúng tôi đến nhà bác ái Đa Minh – Vĩnh Lộc, sau một năm do giãn cách vì dịch bệnh nên đoàn không đi thăm các bà. Nhìn thấy đoàn chúng tôi vào sân, có bà di chuyển bằng xe lăn ra, có bà được dìu ra băng ghế đá, có bà dùng khung đi bốn chân di chuyển, mọi người vui khi có người đến nói chuyện. Ngoài các bà có sức khỏe tương đối đi đứng được thì cũng có bà vẫn nằm yên trên giường vì đau yếu. Bà An là người luôn cười nói vui vẻ nhất, bà có thâm niên sống ở đây, năm nào Huynh đoàn đến thăm, bà cũng hát với chúng tôi, bà thuộc nhiều bài hát về Đức Mẹ, tiếng hát còn to và rõ lắm, thậm chí còn thử tài bằng cách hát thi xem ai nhớ nhiều bài nhất. Bà tâm sự năm nay ở tuổi U90, các ngón tay bắt đầu cứng, có ngón tay buổi sáng tỉnh dậy không tự xòe ra được. Tâm trạng của người già không có con cháu bên cạnh thật cô đơn, buồn tủi, mong được các Huynh đoàn đến thăm là niềm vui, dù thời gian trò chuyện ngắn ngủi cũng đem lại sự ấm áp cho những người cô đơn ở tuổi già. Các bà vẫn thầm tạ ơn Chúa là đang được sự đùm bọc trong mái ấm đầy tình thương của đại gia đình Đa Minh giáo phận Sài Gòn. Ở hoàn cảnh của các bà mới thấu hiểu lời chia sẻ của Mẹ Têrêxa Calcutta: “Sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái rằng:“Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Mt 9,12. Chúa Giêsu đến trần gian rao giảng Tin Mừng và kêu gọi những người tội lỗi về với Người, trong mắt người Biệt phái những người thu thuế bị xem là người tội lỗi, cần phải tránh xa nhưng Chúa lại đồng bàn cùng với họ. Chúa Giêsu không phân biệt con người qua nghề nghiệp nhưng soi rọi vào tâm hồn của mỗi người để mời gọi họ theo Người. Như vị thầy thuốc đầy lòng nhân ái Chúa xem tội nhân như là những bệnh nhân đang đau yếu cần được cứu chữa. Người giàu lòng nhân từ hay thương xót kẻ mà xã hội lên án và muốn cứu vớt họ? Ông Matthêu là điển hình của nhóm người ấy, Chúa muốn những người tội lỗi có cơ hội trở về với Thiên Chúa: “ Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Matthêu đã nghe tiếng gọi và từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu.

Biệt phái tự cho mình là người tốt lành vì đã giữ theo các Lề luật của Chúa, họ đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, họ không nhận ra Lời Chúa là phương thuốc chữa lành thương tích tâm hồn đã bị tội lỗi gây ra. Họ cũng không để Lời Chúa dẫn dắt vào cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với mọi người. Chúa cho chúng ta biết tình thương đối với con cái thế gian, Người luôn dạy chúng ta phải lấy tình yêu thương mà đối xử với nhau: “ Hãy đi học xem lời này có nghĩa gì: ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải hy lễ”. Mt 9,13. Làm sao thể hiện lòng yêu thương với tha nhân? Chúng ta học theo gương Cha Thánh Đa Minh hãy để cho con tim động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của anh chị em mình, từ bỏ những gì không cần thiết, để chia sẻ với người túng quẫn.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết sống Lời Chúa dạy để đối xử nhân từ với nhau, nhẫn nhục chịu đựng những lời vu khống, can đảm trước gian truân thử thách vì danh Chúa. Kinh nghiệm của Mẹ Têrêxa Calcutta cho biết: “Cuộc sống nếu như không sống vì người khác thì đó không còn là cuộc sống nữa.”   

Anna Anh

Lòng nhân là liều thuốc (02.07.2021)

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đã chọn một người thu thuế làm tông đồ, điều làm những người Pharisêu bức xúc rồi đi đến phản đối: “Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người thu thuế tên là Matthêu đang ngồi tại trạm, Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người”.

Thời Chúa Giêsu nước Do Thái là thuộc địa của đế quốc Rôma. Nên người thu thuế coi như là người đứng về, làm tôi chính quyền Rôma mà bóc lột dân nước, nên bị mọi người trong đất nước  căm ghét. Vì thế việc Chúa chọn  Matthêu làm tông đồ đã làm mất lòng những người Pharisêu. Nhất là sau này Người lại giao lưu ăn uống với họ, nên càng bị những người Pharisêu căm ghét, trách móc: “Tại sao Thầy các ông lai ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”.

Việc chọn Mátthêu làm tông đồ mà dân chúng cho ông là người tội lỗi, đó là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, Người yêu thương tất cả mọi người. Đó cũng là quyền năng của Chúa, bởi vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham.” (Mt 3, 9). Vả lại cũng là đúng như Chúa đã nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái và hoa trái anh em tồn tại.” (Ga 15, 16).

Chọn người thu thuế Matthêu làm tông đồ, Chúa tỏ tình thương cứu vớt ông đang khổ sở làm tôi ngoại bang cả vật chất lẫn tinh thần, còn làm tôi cả tội lỗi nữa. Bởi vì nếu không có Chúa Giêsu mời gọi, thì làm sao Matthêu có thể nhận ra Chúa để tìm đến để theo, mà nghe lời Chúa dạy, để trừ khử tội lỗi và trở nên sứ giả của Tin Mừng như hôm nay.

Chúa tiếp tục gần gũi những người thu thuế, lại còn ăn uống vời họ nữa, đã làm cho người Pharisêu bực tức. Nhưng nếu không đến với họ, không gần họ thì làm sao có thể đem Tin Mừng đến cho họ được. Như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”. Quả vậy các người thu thuế, những ông Pharisêu và cả nhân loại  nữa đang là những người đau ốm bệnh tật nặng nề, mà thầy thuốc thiên tài là Đức Giêsu đang phải đến trần gian để cứu chữa. Chúa đến với họ vì “lòng nhân” của Chúa, cũng như để họ có lòng nhân chứ không phải để họ sẵn tiền nhiều của. Có thể có nhiều của lễ, mà lòng nhân thì chẳng có chút nào. Chứng tỏ Chúa muốn cho mọi người không phân biệt giai cấp, chủng tộc, nghề nghiệp, giầu nghèo… đều phải góp phần loan truyền Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa.

Người công giáo nếu trốn thuế, trốn thực thi những luật lệ bảo đảm an toàn xã hội là ta mắc lỗi. “Của xêda hãy trả cho xêda…” (Mt 22, 15-21). Mọi người đều có thể trở nên công chính và làm con cái Thiên Chúa, mà Tin Mừng đã chỉ rõ: với nghề thu thuế thì“đừng đòi hỏi những gì quá mức ấn định cho mình”, còn người binh lính, giữ trật tự an ninh thì: “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”… (Lc3,10-18). Vậy nếu những vị công quyền đã thực thi những lời dạy Tin Mừng đây, thì tôi phải  biết ơn, cộng tác giúp đỡ và cầu nguyện cho họ luôn.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì tình thương đặc biệt Chúa dành cho vị tông đồ Mátthêu, và cho cả mỗi chúng con nữa. Xin cho con nhận ra ý Chúa mà mau mắn đáp trả lời mời gọi, không đắn đo thua thiệt như ông xưa. Hầu con được tham dự và an hưởng hạnh phúc cứu độ Chúa dành cho con. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Chỉ người bệnh mới cần thầy thuốc (05.07.2019)

Ghi nhớ:

Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mt 9, 13).

Suy niệm:

Ông rất chăm chỉ, cần mẫn làm việc, ban ngày không đủ ông tranh thủ làm ban đêm, nếu không có ai mướn thì ông quay về nhà, hết hết đục đẽo  chấp vá chỗ này ông lại gia cố bồi đắp chỗ kia!

Thánh Đường chỉ cách nhà ông không qúa năm trăm bước. Vậy mà người ta chẳng thấy ông đến ngoại trừ ngày Chúa Nhật, nhưng thời gian ông dành cho Chúa cũng rất hạn hẹp! Ông đến nhà thờ khi Cha xứ đã ra, và ông vội vàng về khi Cha chủ tế chưa trở vào phòng áo!

Rồi không may cho ông! Một hôm ông leo lên giàn giáo và bị trượt chân té xuống! Phải nằm viện điều trị dài ngày, khi được trở về nhà, người ta thầy ông chống nạng đi tham dự thánh lễ.

Khi lối xóm đến chia sẻ hỏi thăm thì ông nói:

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải cần đến những cơn bệnh. Để rồi khi nằm một chỗ , chúng ta có khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn lại đời sống của mình! Thật vậy, khi còn mạnh khỏe tôi chỉ biết đến công việc, cố gắng làm lụng thu quén vun vén để tích trữ làm giầu mà không biết Chúa là Đấng cho mình sức khỏe, cho mình tài năng, để tôn thờ, cảm tạ và phụng sự  Ngài. Giờ đây qua biến cố này tôi mới tỉnh ngộ ra rằng: “ Phải tôn thờ phụng sự Chúa trước hết đã rồi những việc khác sẽ là thứ yếu thôi. Vì như nếu Chúa không ban cho thì ta có vất vả cũng bằng không mà thôi!”

Ông đã nghiệm ra và nói đúng, rất đúng: “ Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công!” (Tv 127, 1).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su giao tiếp, kết thân với những người bị xã hội đương thời cho rằng là những người tội lỗi, thì  bị những người Pha-ri-sêu trách cứ với các môn đệ là: “ Sao Thầy của các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”. Với câu nói này người Pha-ri-sêu bày tỏ quan điểm lệch lạc, chia rẽ của họ. Đối với họ những người tội lỗi kia phải được cách ly, phải được loại trừ. Nhưng với Thầy Giê-su thì hoàn toàn trái ngược. Ngài bày tỏ một thái độ bao dung, thương xót qua câu nói: Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.

Như vậy đối với Chúa Giê-su người tội lỗi không những không bị Ngài loại trừ xa lánh mà trái lại Ngài còn quan tâm, lo lắng, săn sóc cho họ hơn như là một con bệnh cần đến sự chữa trị của thầy thuốc nhiệt tâm!

Xét lại mình, chúng ta cũng phải nhận rằng : Chúng ta chỉ là những bệnh nhân trước mặt Chúa mà thôi! Bởi đó chúng ta rất cần đến sự chăm sóc, chữa trị của Ngài. Được như vậy chúng ta mới có thể dần trở nên khỏe mạnh để có thể vững bước theo Ngài.

Một bài học khác rút ra từ Bài Tin Mừng hôm nay :  Đó là chúng ta không bao giờ được có thái độ coi thường, khinh khi những người tội lỗi, mà phải noi gương Chúa, tiếp cận khuyên bảo để các tội nhân nhận ra những lỗi lầm của mình mà ăn năn sám hối.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su. Vị thầy thuốc tối cao. Xin chữa lành chúng con mọi bệnh tật trong tâm hồn cũng như những bệnh tật thể xác. Để chúng con ngày được lớn lên hơn trong vai trò làm con Thiên Chúa . Xin cho chúng con cũng trở nên những người điều dưỡng giỏi biết chăm sóc đến những người đang sống bên cạnh chúng con, để tất cả chúng con đều được mạnh sức mà tiến bước trên con đường lữ thứ trần gian này. Amen

Sống Lời Chúa:

Cầu nguyện nhiều cho những người đang đắm chìm trong u mê lầm lạc!

Đaminh Trần văn Chính

Con đi theo Chúa (06.07.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy được ý nghĩa của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu khi Ngài ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị xã hội loại trừ. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta biết tấm lòng của một Vị Thiên Chúa hiền lành và nhân hậu, Ngài luôn hiện diện trong cuộc sống cùng với mọi sinh hoạt của con người. Đó chính là một Thiên Chúa luôn chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp mật thiết với con người.

Chúa gọi con cùng Ngài tiến bước

Con một lòng nguyện ước quyết tâm

Bước đi phấn khởi vô ngần

Có Chúa dìu dắt tinh thần hỷ hoan

*

Chúa gọi con đầy tràn ơn phúc

Con theo Ngài rộn khúc hoan ca

Cùng Ngài vượt dặm đường xa

Miễn sao đến đích chính là bình yên

Khi được Chúa mời gọi, Matthêu đã nhanh nhẹn đứng dậy, bỏ nghề thu thuế để đi theo Chúa. Điều này chứng tỏ tiền bạc đã không mang lại cho ông niềm vui, cũng như không làm cho ông thoả mãn được những khát vọng về ý nghĩa của cuộc sống. Có thể đã có lúc ông đã ngao ngán chán nản với công việc đang làm và đau khổ biết bao khi đọc được những ánh mắt khinh bỉ của những người đồng hương vì nghề thu thuế của mình, ông cảm thấy cuộc đời trống trải, cô đơn và chắc ông cũng đã nghe nói về Chúa Giêsu,  ông đang khao khát được gặp Người với hy vọng Người sẽ mang lại cho ông niềm vui mà ông hằng mong đợi.

Chúa gọi con, vững bền tâm trí

Vững niềm tin, ý chí kiên trung

Có Chúa cất bước đi cùng

Yêu thương chan chứa, điệp trùng phúc ân

*

Chúa gọi con ân cần tha thiết

Đáp trả Ngài, con biết tuân theo

Đôi khi khó nhọc cheo leo

Phải qua ghềnh thác núi đèo hiểm nguy

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta là những người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, nhưng có lẽ chúng ta cũng không dám nhận mình là người công chính, vì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn còn những lỗi lầm và thiếu xót. Điều quan trọng là chúng ta biết khao khát vươn lên trong sự thánh thiện, bằng sự sám hối và dứt khoát với tình trạng tội lỗi của mình như Matthêu đã dứt khoát từ bỏ nghề thu thuế để đi theo Chúa.

Tín thác Ngài, không gì lo sợ

Nhìn không gian rạng rỡ huy hoàng

Hướng lên Quê thật Thiên Đàng

Lòng con thanh thản rộn ràng niềm vui

Lạy Chúa! chúng con tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim Chúa luôn rộng mở để đón nhận, để yêu thương và tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con dứt khoát từ bỏ tội lỗi của mình và sẵn sàng trở về với Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Ai công chính, ai tội lỗi? (07.07.2017)

Truyện kể

Ở một khu rừng yên bình nọ, sư tử cha đã già truyền ngôi lại cho sư tử con mới lớn. Sư tử con tự hào lắm, nó luôn cảm thấy hãnh diện vì mình là chúa sơn lâm. Một sáng nọ đi dạo sư tử gặp khỉ.

Nó hỏi: – “Khỉ kia, biết ta là ai không?” – “Dạ, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi móng vuốt sắc nhọn của ngài!” – Khỉ kính cẩn đáp. Sư tử cười thỏa mãn và gầm lên một tiếng vang trời khiến khỉ sợ chạy mất.

Sư tử đi tiếp thì gặp đại bàng. – “Đại bàng, biết ta là ai không?” – “Dạ, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi hàm răng to khỏe của ngài!” – Đại bàng cung kính. Sư tử sướng lắm, nó gầm lên một tiếng vang trời khiến đại bàng hoảng sợ bay đi mất.

Sư tử đi tiếp và gặp voi. – “Voi kia, biết ta là ai không?” – “Dạ thưa, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi cú vồ nhanh mạnh của ngài!” – Voi đáp lễ độ. Sư tử khoái chí, nó lại gầm lên một tiếng vang trời khiến voi co rúm vòi lại.

Suy niệm:

Không biết từ bao giờ mà luật lệ của người Pharisiêu đặt ra để khinh miệt người thu thuế, loại trừ họ ra khỏi ơn cứu độ, coi họ là những người tội lỗi vì đã dùng tiền dơ bẩn.

Người thu thuế thời đó được coi là những người làm tai sai cho bọn ngoại bang, tiếp tay cho ngoại quốc để thu gian lận của dân. Nên họ bị coi là dơ bẩn, tội lỗi.

Những luân lý họ đặt ra nhằm để có lợi cho họ mà hại cho nhân dân. Họ bóp méo luân lý từ thòi ông Môisê, để rồi đặt ra những lề luật vô đạo đức, đè nặng trên vai con người để dân chúng không còn một quyền hạn gì. 46 Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 10, 46)

Chính những sai lệch về luân lý dẫn đến những người thông luật và Pharisiêu cho họ là người thánh thiện, đạo đức. Còn những ai không tuân theo họ đều là dơ bẩn, ô uế, tội lỗi. họ kết án anh em họ. Nhưng họ mới là những người tội lỗi trước mặt Chua.

Họ coi những người thu thuế là dơ bẩn, vì người thu thuế lúc đó làm việc cho đế quốc Roma. Còn họ thì sao? Đức Giê-su nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11, 42)

Bài Tin Mừng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đến với ông Mát-thêu một con người bị coi là tội lỗi, nhưng ông thực lòng sám hối từ lâu rồi. Cái sám hối của ông Mát-thêu thật là khiêm nhường. Ông nhận ông là kẻ tội lỗi, ông đứng cuối nhà thờ mà cầu nguyện.

Trong cuộc phỏng vấn đáng chú ý của cha Antonio Sparado, Đức Phanxicô đồng hóa mình với thánh Mát-thêu người thu thuế trong tranh của Caravaggio: “Đó là tôi. Tôi cảm thấy giống như ông ấy… Ở đây, đây là tôi, một kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn.” Đây là sự khiêm nhường đích thực, cùng một lòng khiêm nhường mà chúng ta thấy nơi một người thu thuế khác trong Phúc Âm – người thu thuế trong Đền Thờ, anh ta la lớn “Lạy Chúa, xin thương xót tôi, một người tội lỗi!” (Lc 18,9-14).”

Một cách rõ ràng, Chúa Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt, 9 12). Ở đây, ai là kẻ tội lỗi? Chính là những người thu thuế có lòng khiêm nhường, nhận ra mình là kẻ có tội, cần đến Đức Giêsu, nên Chúa kêu gọi họ. Còn người Pharisiêu và thông luật cho mình là công chính không cần đến Đức Kitô, chính họ mới bị loại ra khỏi ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lay Chúa Giêsu, xin cho con thật khiêm nhường biết nhận ra mình là kẻ có tội, cần đến Chúa trong suốt cuộc đời của con. Xin cho cuộc đời con trở nên hy lễ dâng lên Chúa và lớn tiếng cầu xin: “Lạy Chua, con là kẻ có tội, xin thương xót con!” Amen./.

Gã Đầu Bạc

Chúa đồng bàn với tội nhân

Đức Giê-su đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,10-11)

Suy niệm: Tội lỗi có nhiều thứ loại, nhiều cấp độ và cũng nhiều cách thế để đối xử với tội nhân. Với kẻ này, người ta tránh né tiếp xúc, với người kia, họ bắt giam, cải tạo; có kẻ phải tù chung thân hay bị lên án tử vì y là tên phản dân hại nước, nguy hiểm cho xã hội, không đáng sống. Xem ra cách ly là biện pháp thông thường nhất.

Còn Chúa Giê-su với phương châm: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi kẻ có tội,” Ngài gần gũi tiếp xúc với tội nhân. Trong khi những người khác khinh bỉ, Ngài và các môn đệ cùng ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Hơn thế nữa, Ngài đã kêu gọi làm môn đệ – rồi sau sẽ chọn làm tông đồ – một người thu thuế là Lê-vi, ngay lúc ông ta đang làm nghề thu thuế trước mắt mọi người.

Mời Bạn: Cùng với Chúa Giê-su yêu mến các tội nhân. Không kết án, xét đoán bất công. Nhớ câu “Thứ bốn răn bảo kẻ có tội” (Kinh Thương người có mười bốn mối”).

Chia Sẻ: Tệ nạn nào (nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc, bỏ lễ Chúa Nhật…) đang xảy ra tại địa phương  của tôi? Tôi có thể làm gì?

Sống Lời Chúa: Dâng hy sinh cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương kẻ có tội. Xin cho con biết nhận ra mình tội lỗi để con sám hối trở về với Chúa, và đem Chúa đến với những ai đang cần lòng Chúa xót thương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *