Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Hs 14,2-10 (năm chẵn), St 46,1-7.28-30 (năm lẻ), Mt 10,16-23
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 10,16-23)
16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì : 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
23 “Khi người ta bắt bớ anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em : anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.”
Ơn khôn ngoan để sống trọn đức tin (08.07.2022)
Thời điểm những năm thành phố Sài Gòn mới giải phóng, nhiều người Công giáo khi kê khai lý lịch hay bỏ trống không ghi tôn giáo, vì lúc ấy các cơ quan nhà nước quản lý rất chặt chẽ sơ yếu lý lịch, nhất là nhân thân về chế độ cũ và tôn giáo. Nhiều người nghĩ rằng đó là cách để không gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, cũng như không làm mất cơ hội thăng tiến sự nghiệp. Vì thực tế người Công giáo vẫn ít khi được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo, dù họ được đánh giá là nhiệt tình tham gia các hoạt động, có năng lực, làm việc hiệu quả cao và vô vị lợi. Bạn đồng nghiệp chúng tôi ở trong trường hợp đó, khi nghe tin anh qua đời, nhóm chúng tôi đến nhà chia buồn với gia đình, mới biết anh là người Công giáo, cả nhóm đều bất ngờ, dù chúng tôi cùng làm việc trên 30 năm với nhau. Anh từng là cán bộ quản lý trong nhà trường, có khả năng điều hành, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn suốt thời gian qua. Chúng ta nghĩ gì về câu nói của Thánh Vincent De Paul chia sẻ: “ Hãy để Thiên Chúa điều khiển chiếc thuyền nhỏ bé của chúng ta, nếu nó hữu ích, thì Người sẽ giữ nó khỏi bị đắm “.
Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêô thuật lại điều Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ?” Mt 10, 22. Chúng ta đều hiểu thập giá là con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua khi thực hiện sứ mạng cứu độ. Người Kitô hữu nối tiếp sứ mạng của Chúa cũng sẽ đi trên con đường thập giá. Trong cuộc sống hiện tại, người Kitô hữu tham gia làm việc cho các cơ quan chính quyền nhà nước là thử thách của niềm tin phó thác vào Thiên Chúa. Là trải nghiệm sứ vụ góp công sức và thái độ làm việc vì lợi ích chung của xã hội. Trong tinh thần khiêm tốn, để nhìn lại thời xa xưa của các thánh tử đạo với những đau khổ, bách hại, các ngài đã dùng cái chết để minh chứng cho Chúa, ngày nay Giáo hội vẫn tồn tại và đang phát triển là thành quả hy sinh của các vị, người Kitô hữu vẫn thầm lặng đóng góp công của cho xã hội qua nhiều việc làm hữu ích cho những người chung quanh, cũng là những cơ hội để chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu và Nước Trời. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII từng nói: “Lao động phải được nhận thức và sống như một thiên chức, một sứ mạng, một sự góp phần vào nền văn minh của nhân loại “.
Điều quan trọng là người Kitô hữu luôn tin tưởng và trung tín với Chúa đến cùng. Chúng ta học hỏi ở các thánh nhân lòng trung thành với Thiên Chúa, “Con hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn con” Mt 22,37, với các ngài thì chỉ có Chúa là gia nghiệp. Xin Thánh Thần Chúa giúp chúng ta biết phân định những việc làm tốt và tránh những ý tưởng dẫn đến tội lỗi, cần nhất là siêng năng cầu nguyện và lắng nghe tiếng lương tâm nhắc nhở, thánh Anphongsô Rodriguez cho biết: “ Khi tôi cảm thấy một nỗi đắng cay, tôi đặt nó giữa Chúa và tôi, và tôi cầu nguyện cho tới khi Chúa đổi nó thành dịu ngọt”.
Lạy Chúa, sống giữa thế gian, chúng con dễ bị cám dỗ vì bản tính yếu đuối, hay nản lòng khi gặp khó khăn trắc trở, nên hay phạm tội lỗi làm biến chất, không còn là Kitô hữu. Xin Chúa nâng đỡ và giúp chúng con bền tâm vững chí trước những gian nan thử thách, để chúng con làm chứng cho Chúa và được hưởng hạnh phúc đời sau với Ngài.
Anna Anh
Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét (09.07.2021)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ ra đi thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cho Chúa. Một sứ mệnh lớn lao nhưng chồng chất đau khổ hy sinh. Nhưng Chúa hứa là công việc các ông làm ấy sẽ có Thiên Chúa đồng hành.
Lời căn dặn của Chúa về sứ mạng của các tông đồ là liệt kê một loạt những gian khổ, đau thương, chết chóc đang chờ đón các ông. Người đời nghe mà kinh hãi: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Vậy mà Chúa vẫn muốn các ông phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”, đó là những đòi hỏi của Tin Mừng, mà có lần Chúa đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em không trở nên những trẻ nhỏ này, anh em sẽ không được vào Nước Trời.
Chúa báo trước những gian khổ hy sinh sẽ đến với các môn đệ: “Hãy coi chừng người đời sẽ nộp các con”, nhưng Người không hề bảo là sẽ có người giúp các ông khỏi bị nộp, hay sẽ giải cứu nếu bị bắt. Qua dòng lịch sử, khi các môn đệ Chúa hay các vị tử đạo bị bắt, ít khi thấy Người can thiệp. Chúa muốn các ông tùy nghi, tự do ứng xử: hoặc là “bị truy đuổi ở thành này thì liệu mà chạy sang thành khác”. Hoặc như thánh Phêrô đang chạy trốn thì lại gặp Chúa cảnh báo: “Thầy vào thành để chịu đóng đanh một lần nữa.” (Quo vadis). Hoặc là nếu bị bắt, bị ngược đãi hành hạ thì cứ cố mà “bền đỗ đến cùng”, cho dù Chúa có đủ quyền phép để giải thoát các ông khỏi cơn bách hại. Nhưng thái độ của Chúa Giêsu cho ta hiểu rằng Người rất cần những nhân chứng cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
“Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Tin Mừng- Lời Chúa vẫn luôn là một thách thức “thế gian” khó mà chấp nhận. Vì vậy bách hại đã nên như một điều không thể tránh khỏi ở bất cứ nơi nào Tin Mừng được rao giảng, lịch sử Giáo Hội đã cho thấy điều đó:
– Bị thù ghét bởi mọi người đời, kể cả anh em cha mẹ, vì Chúa dạy họ phải biết tôn thờ, phải kính sợ, vâng nghe một Thiên Chúa duy nhất trên hết mà thôi. Còn mọi thế lực khác dù là quyền thế, chức vị, giàu sang bao nhiêu cũng chỉ là những anh em, bình đẳng của nhau.
– Bị thù ghét vì dù là những vua chúa quan quyền cũng không thể khuất phục nổi họ bỏ lề luật Chúa mà phục vụ những tham vọng thế tục, cho dù phải thí cả mạng sống mình.
– Bị thù ghét vì giáo lý thanh cao bởi trời, đời sống yêu thương, một vợ một chồng trọn đời chung thủy, không thuận theo sắc dục thấp hèn năm thê bảy thiếp…
Phải gặp những gian nan thử thách, nhưng Chúa chỉ hứa với các môn đệ: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo, phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”.
Chúa Giêsu quan tâm, cần thiết những chứng nhân và những lời của chứng nhân. Những người chứng, những lời chứng can đảm đã trả bằng giá đắt là mạng sống của họ. Họ là những người chết vì Đức Kitô, lời chứng đó thật là rõ ràng chính xác và có giá trị lớn nhất. Nếu mở các trang sử về các đấng tử đạo ở mọi thời ta đều thấy lời Chúa Giêsu tiên báo đã ứng nghiệm tất cả: “Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em”. Mà nếu ở đâu đã có Thánh Thần thì ở đó nếu cần gì sẽ có tất cả.
Lạy Chúa Giêsu! Được sống trung theo Chúa, con biết chắc sẽ phải sống “tử đạo” bằng cách này hay bằng cách khác. Dù sức con yếu đuối, xin cho con kiên tâm theo Chúa đến cùng và tin tưởng lời Chúa hứa cho con, sẽ nâng đỡ con trên bước đường dương thế. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Bền chí đến cùng (10.07.2020)
Ghi nhớ:
“Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).
Suy niệm:
Chuyện kể rằng: Án Anh là một vị quan nước Tề, ông có tài ăn nói và sống trung thành, đạo hạnh. Một hôm được cử làm sứ giả sang nước Sở. Nghe tin Án Anh sắp đến tiếp kiến mình, vua Sở tập họp các quan văn võ lại và nói:
– Ta nghe biết Án Anh là một người giảo ngôn, vậy nay ta muốn nhân dịp này làm nhục hắn. Ai có cách gì thì bày kế cho ta?
Các quan bàn qua, tính lại sau cùng bọn họ cũng đưa ra được một mưu kế. Chúng thưa:
– Khi Án Anh sang đây, đang lúc triều kiến nhà vua thì chúng tôi sẽ trói một người lại dẫn đến và nói đây là một người nước Tề bị bắt quả tang phạm tội trộm cắp…
Đúng như kịch bản mà bọn chúng đã nghĩ ra, đang lúc có đầy đủ bá quan văn võ thương nghị, bỗng bọn lính áp giải đến giữa cung điện nhà vua một người bị trói. Tên dẫn đầu thgưa:
– Tâu Đức vua, kẻ này là người nước Tề. Hắn bị chúng tôi bắt vì tội trộm cắp, xin nhà vua xét xử. Lúc ấy vua Sở đưa mắt nhìn về phía Án Anh, tỏ vẻ khinh khi hỏi;
– Người nước Tề các ngươi hay trộm cắp lắm hả?
Lúc này Án Anh bình tĩnh thưa:
– Kính thưa đức vua, thần có biết cây quất trồng ở đất Miền Nam thì sinh ra trái lành ngon ngọt. Thế nhưng khi mang sang đất Bắc trồng thì nó lại cho trái chua, quả đắng. Cùng một loại cây, thế mà kết quả lại khác nhau, như vậy thì là do thổ nhưỡng. Người nước Tề vốn hiền lành, chất phác nhưng khi sang sinh sống ở nước Sở thì lại biến hóa sa đọa, thế thì có phải là do “thổ nhưỡng” hay không?
Nhà vua cúi mặt lẩm bẩm rằng: “ Ta muốn làm nhục nó! Không ngờ chính ta lại bị nó làm nhục cho!
Trong mỗi con người luôn tồn tại hai thế lực kình chống nhau. Đó là sự Thiện và sự Ác. Nói cách khác trong con người luôn tồn tại cái“Con” và cái“Người”. Nếu chúng ta không dùng lý trí và ý chí mạnh mẽ để khống chế cái Con, đè bẹp cái Con để cho cái Người đứng vững, làm chủ thì lúc ấy chúng ta sẽ bị cái ác lên ngôi, làm chủ điều khiển mình, nó sẽ dẫn đưa chúng ta vào con đường sai trái lỗi lầm, chúng ta sẽ trở thành những con sói chuyên gieo rắc nỗi sợ hãi, kinh hoàng cho mọi người.
Thường ngày trong cuộc sống vẫn xảy ra chung quanh chúng ta nhiều cái gương để cho chúng ta suy gẫm, rút kinh nghiệm và xa tránh. Đó là nhiều người khi còn là một dân thường thì hiền lành, tử tế, chất phát. Thế nhưng khi đã khoác lên mình được quyền hành, địa vị rồi thì họ bắt đầu tha hóa. Họ không vượt qua được những cám dỗ, họ hối lộ, tham nhũng, ăn dầy ăn mỏng không từ một thứ gì, lương tâm họ ra chai cứng, họ không còn nghĩ đến sự khổ đau của đồng loại mà chính vì việc tham nhũng hối lộ mà họ gây ra cho đồng loại bao đau thương!
Bài Tin Mừng Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra một viễn cảnh không mấy lạc quan cho các môn đệ của Ngài: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”… Là môn đệ của Chúa Giê-su thì trước hết chúng ta phải khử trừ mọi tính hư nết xấu, nói chung chúng ta phải chiến thắng tội lỗi của chính mình thì chúng ta mới có thể trở thành những con chiên và khi đó thì chúng ta mới có thể được sai đi vào giữa bầy sói. Nhưng đừng sợ vì theo lời khuyên của Thầy Giê-su: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Đặc tính của loài rắn; là nó không hiếu chiến, thường thì nó sẽ bò đi mất khi cảm thấy bất ổn, khi tính mạng bị đe dọa. Còn chim bồ câu, chúng ta thường thấy rồi, ngoại hình nó rất đep, dễ thương và hiền lành vì thế người ta đã lấy nó làm biểu tượng của hòa bình.( Bồ Câu Trắng còn là hình ảnh tượng trưng cho Ngôi Ba Thiên Chúa).
Viễn cảnh mà các môn đệ phải đối diện sẽ trở nên nhẹ nhàng, không đáng sợ khi Thầy Giê-su nói: “Anh em đừng lo sẽ phải nói làm sao hay phải nói gì? Vì lúc đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì; thật vậy không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Như thế thì các môn đệ luôn có Chúa cùng đồng hành và trợ giúp cho các vị, nên các vị không đơn phương độc mã. Thầy Giê-su còn hứa phần thưởng ơn cứu độ chỉ dành cho những ai bền chí đến cùng..
Áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống đời thường của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta theo Chúa và để trở nên môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta sẽ phải đối diên với biết bao thử thách, biết bao cám dỗ; như chiên vào giữa bầy sói, nhưng chúng ta sẽ không lo lắng, không sợ hãi vì bên cạnh chúng ta luôn có Chúa cùng đồng hành và trợ lực. Ngài còn ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài tức là Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho ta sức mạnh, sự khôn ngoan…để chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn, mọi kẻ thù, để chúng ta chiến thắng.
Điều cần thiết là để được của Chúa cứu độ, chúng ta phải giữ một lòng trung thành, bền bỉ theo Ngài đến cùng cho dù có phải hy sinh nhiều. phải buông bỏ nhiều. phải chịu mất mát, thua thiệt nhiều…
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, để nên con cái của Chúa chúng con phải chiến đấu rất nhiều, phải chiến đấu với chính bản thân trước những nhu cầu hưởng thụ, đam mê, lười biếng… Phải chiến đấu với thế gian với biết bao cạm bẫy, lọc lừa… Phải chiến đấu với ma quỷ với những cám dỗ…
Xin Ngài luôn gìn giữ cho chúng con được bền chí, quyết một lòng theo Chúa đến cùng để chúng con xứng đáng lãnh nhận ơn cứu chuộc Chúa ban. Amen.
Sống Lời Chúa:
Tránh xa những dịp có thể dẫn đến phạm tội.
Đaminh Trần Văn Chính.
Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói (12.07.2019)
Ghi nhớ:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 22).
Suy niệm:
Sử sách ghi chép lại rằng: “ Thánh Đaminh rất tâm đắc và muốn sống sát với tinh thần câu Kinh Thánh mà Đức Giê-su đã nói: “ Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hiến mạng sống cho người mình yêu”. (Ga 15, 13)
Có một lần Thánh Đaminh bị bọn lạc giáo bắt được. Chúng hỏi Ngài rằng có sợ hãi không khi chúng giết Ngài ?
Thánh nhân hiên ngang trả lời:
– Xin các ông đừng giết tôi vội, cứ chặt chân, chặt tay tôi rời ra từng khúc, cứ móc mắt, cắt tai, cắt mũi cho tôi đau đớn đã rồi sau cùng hãy giết!
Thái độ dũng cảm của Thánh Đaminh đã làm cho bọn lạc giáo nể phục và cuối cùng chúng đã không dám sát hại Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Mát Thêu thuật lại những lời tiên báo không mấy lạc quan về tương lai của những môn đệ đi theo Ngài: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói… họ sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ”. Nhưng bên cạnh những điều có vể là rất u buồn và gian nan ấy thì Thầy Giê-su cũng trấn an các môn đệ rằng có Chúa luôn ở bên cạnh để cứu giúp họ: “ Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”.
Thật vậy, khi chúng ta nhìn lại lịch sử hình thành Hội Thánh mà Đức Giê-su đã thiết lập, thì chúng ta sẽ thấy ngay từ buổi đầu Hội Thánh đã phải chịu biết bao cấm cách, bắt bớ và các môn đệ hầu hết đã phải lấy cái chết để minh chứng niềm tin của mình vào Đức Giê-su.
Tại Việt Nam, khi các nhà truyền giáo đến để rao giảng Tin Mừng thì vào các thời kỳ vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đã ra nhiều sắc chỉ cấm đạo kéo dài cả hàng trăm năm. Vì thế mà đã có hơn một trăm ngàn người đã anh dũng hy sinh chịu chết để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Trong đó có 118 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong hiển thánh.
Có một điều thật lạ lùng và thú vị là càng cấm cách thì Hội Thánh lại càng triển nở; giống như một cây tràn trề nhựa sống, cứ chặt chồi này thì cây lại đâm ra nhiều chồi khác!
Ngày nay tuy rằng không còn cảnh trực tiếp bắt bớ, cấm đạo nữa. Nhưng những người đi theo Chúa vẫn phải chiến đấu, hy sinh trong âm thầm lặng lẽ. Bởi vì muốn theo Chúa các Ki-tô hữu phải biết sống gắn bó với Ngài, phải từ bỏ mình, hy sinh, vượt qua mọi trở ngại, mọi cám dỗ trên đường đời. Và phần thưởng Nước Trời chỉ dành cho những ai bền chí đến cùng mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa. Đi theo Ngài chúng con phải chiến đấu với bao cám dỗ. Xin cho chúng con lòng nhiệt thành, sự cam đảm và ơn bền chí để chúng con luôn theo sát bên Ngài mà đi hết những chặng đường gian nan, đau khổ ở trần gian này. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống trong tinh thần tín thác mọi sự trong tay Chúa.
Đaminh Trần văn Chính
Vững tâm vào Chúa (13.07.2018)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho các Tông đồ biết khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, các ông sẽ bị người đời ghen ghét, chống đối; đôi khi cũng phải nhận lấy thất bại và ngay cả bị bách hại nữa. Sự chống đối có thể xảy ra ngay trong gia đình với những người thân thương ruột thịt. Vì thế, Chúa Giêsu không những chỉ trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ, mà Ngài còn dạy các ông cần phải biết khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Điều này đòi hỏi người môn đẽ phải luôn có đời sống cầu nguyện và tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Đường đi có Chúa đồng hành
An tâm tiến bước, tạo thành niềm vui
Lòng con cảm thấy thảnh thơi
Vì Chúa hiện diện chẳng rời xa con
*
Mỗi ngày con thấy vui hơn
Lướt thắng trở ngại, vượt cơn hiểm nghèo
Phải qua ghềnh thác cheo leo
Vững tin vào Chúa, con theo đến cùng
Chúa Giêsu cũng tiên báo về các cuộc bách hại sẽ xảy ra với người môn đệ của Chúa. Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Những nỗi thống khổ sẽ xảy đến như là: bị bắt nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi… và cuối cùng là bị giết. Những lúc đó, chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em, để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Lòng đầy phấn khởi ung dung
Thẳng ngay đi tới, điệp trùng hoan ca
Tâm tư tình cảm bao la
Niềm vui lan tỏa đậm đà yêu thương
*
Có Chúa dìu dắt trên đường
Bước đi theo Chúa tìm phương sáng ngời
Tin Mừng loan báo muôn nơi
Cho người hạnh phúc, cho đời bình yên
*
Đan tay mở rộng nối liền
Người người hiệp nhất kết liên một lòng
Dựng xây cuộc sống ấm nồng
Yêu thương bất tận, mênh mông ngút ngàn
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: khi chúng ta được nhận biết Chúa, tin theo Chúa, và phục vụ Ngài là một diễm phúc. Nhưng vì là con người, nên cũng sợ hãi run rẩy trước bắt bớ, bách hại. Với niềm tín thác vào Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người môn đệ Chúa vẫn một lòng trung kiên làm chứng cho Chúa, vì người môn đệ được sai đi là để làm chứng.
Chúa thương con lắm vô vàn
Ban ơn hồng phúc đầy tràn thánh ân
Chúa còn săn sóc ân cần
Chở che nâng đỡ ở gần bên con
*
Đời con hạnh phúc mãi còn
Niềm vui chan chứa trường tồn dài lâu
Cuộc sống rạng rỡ muôn màu
Chân thành cảm tạ, nguyện cầu Chúa thương
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng tín thác cho chúng con để chúng con cam đảm sống Lời Chúa, cho dù chúng con biết rằng khi chúng con sống theo Lời Ngài chúng con sẽ gặp phải không ít gian nan, khốn khó. Nhưng với ơn Chúa, chúng con sẽ giữ vững niềm tin và trung thành với Chúa đến trọn đời. Amen.
HOÀI THANH
Khôn ngoan trong Thần Khí (14.07.2017)
Kể truyện: Ông lão vất bỏ đôi giầy
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc giầy mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người xung quanh cảm thấy tiếc cho ông ta. Bất ngờ, ông mén chiếc giầy còn lại qua cửa sổ luôn. Hành động này khiến mọi người sửng sốt, bèn hỏi Găng-di. Gandhi trả lời: Chiếc giầy này bất luận đắt thế nào, đối với tôi không con ích nữa. Nếu ai đấy có thể nhặt được đôi giầy này, họ đi vừa nó thì tốt biết bao.
Suy niệm
Sự khôn ngoan rất cần thiết cho con người. Vua Salomôn đã chỉ xin Chúa ban cho ông ơn khôn ngoan để cai trị đất nước. Lời cầu xin của ông đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa đã ban cho ông ơn khôn ngoan và cả sự giàu sang, đến nỗi trước ông không ai bằng ông, sau ông không ai hơn ông.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là biết tìm kiếm sự thật, chân lý và thánh thiện. Từ bỏ gian tà, mưu mô và quỷ quyệt.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì khác với cái khôn của loài người, ma quỷ. Thiên Chúa muốn cho mọi sự được tốt đẹp, thánh thiện; còn loài người luôn tìm đến vật chất, hưởng thụ cá nhân; ma quỷ thì luôn chia rẽ, gây hận thù.
Tin Mừng Chúa muốn chúng ta hãy khôn ngoan để lựa chọn: Lựa chọn sự thánh thiện từ bỏ sự gian tà. Nếu chúng ta chỉ biết khôn như con rắn, chúng ta sẽ luôn chọn lựa sự dối trá, điêu ngoa, mưu mô, hãm hại nhau… “Hãy coi chừng người đời” (Mt 10, 17). Khôn không thuộc về Thiên Chúa. Khôn của người đời thật đáng sợ hãi: Vì danh Thầy: Họ sẽ nộp anh em; con nộp cha, cha nộp con, anh em nộp nhau.
Đó là cái khôn của người đời. Cái khôn không có sự thật, khôn để lừa dối, để tiêu diệt nhau.
Phải chăng hôm nay đây, người đời đã quá khôn, đã hiểu biết bằng Thiên Chúa, nên họ đã gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng họ, khỏi ơn khôn ngoan Chúa ban. Để rồi, ngay chính gia đình là cái nôi của hạnh phúc, cái nôi của sự sống, nôi của sự tồn vong đã mai một: cha không còn giáo dục con cái với vai trò người cha, người anh, người đồng hành, không quan tâm giáo dục như lời đã hứa trong khi trao ban Bí tích Hôn Nhân; người mẹ đã làm mất thiên chức làm mẹ, đã không còn tham gia với sự cộng tác vào công trình kiến tạo con người của Chúa, chăm lo cho bản thân, thoả mãn các tính dục, bỏ qua các nhân đức chấp nhận, tin tưởng, đón nhận, sẵn sàng để chỉ bằng một lý do khó chấp nhận là ly thân, ly dị. Những chọn lựa nêu trên là không khôn ngoan, vì đã xa lìa Chúa, làm mất đi Tình Yêu, thoả mãn cá tính, lựa chọn thế tục, sự khôn mang tính tiêu diệt.
Chúa muốn chúng ta khôn ngoan và thật thà, khôn ngoan trong Thần Khí, thật thà để nói sự thật như chính Chúa Giêsu. Chân lý là sự thật.
Khôn ngoan là nhân đức để hành động. Là nhân đức cho nên ta phải rèn luyện mới có, đức khôn ngoan của người Kitô hữu phải được “Thần Khí soi sáng”, bám rễ sâu vào “sự khôn ngoan của Thập Giá” để không trở nên sự khôn ngoan của người đời. Người khôn ngoan trong Thần Khí là người quyết định đúng, hành động đúng dù trong mọi hoàn cảnh thật khó khăn, ứng phó với những vấn đề gai góc. Đức khôn ngoan của người Kitô hữu không bị bó buộc bởi giớ hạn tự nhiên.
Khôn ngoan trong Thần Khí, chúng ta luôn đi trong Thần Khí, nói trong Thần Khí, sức mạnh Thần Khí, chúng ta không sợ hãi trước thế gian, không sợ những thế lực ma quỷ. Sự khôn ngoan cần được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện làm cho con người trở nên sáng suốt, bình tĩnh, tin tưởng, và đó là điều quan trọng cốt yếu cho bất cứ quyết định hay hành động khôn ngoan nào. “Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Nhân đức khôn ngoan gắn liền với ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết do Chúa Thánh Thần. Chúng ta nhận ra nơi những con người thánh thiện, đầy Thần Khí, những quyết định hay hành động rất khôn ngoan và sáng suốt trong những hoàn cảnh phức tạp, với một thời gian suy nghĩ ngắn ngủi. Khả năng khám phá và sáng tạo của tình yêu Kitô giáo là vô hạn. Khả năng ấy là một hồng ân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, sự khôn ngoan của thế gian và ma quỷ thì vượt quá sức của con, chung quanh con là những cạm bẫy, cám dỗ, lừa gạt… với sức của con không thể nào vượt thắng được. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho con, để trong mọi hoàn cảnh con đều nói và hành động trong Thánh Thần. Thời đại hôm nay là thời đại của Chúa Thánh Thần, xin Chúa Thánh Thần bàn ơn khôn ngoan xuống trên toàn thể thế giới để mọi người khôn ngoan thực thi Tình Yêu Thiên Chúa.
Gã Đầu Bạc
Chứng nhân của Chúa (08.07.2016)
Làm chứng nhân của Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Ki-tô hữu. Như Chúa Giê-su đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phê-rô và Gio-an đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng. Người Ki-tô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc.
Nỗi sợ hãi làm cho nhiều người không còn nghe được tiếng Chúa mời gọi làm chứng cho Ngài và tưởng rằng họ sẽ tìm được bình an trong sự lẩn trốn. Nhưng, người ta không thể làm chứng cho Chúa mà không có can đảm và hy sinh, như Barclay quả quyết; và cần phải biết rằng con đường dễ dãi không thu hút người ta; trái lại những gì đòi hỏi sự dũng cảm rốt cuộc sẽ có sức thuyết phục hơn.
Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của chúng ta vào Chúa và thách đố lòng trung thành của chúng ta vào việc làm chứng cho Chúa.
Trước kia tôi rất e ngại việc “Làm dấu Thánh Giá, cầu nguyện…” khi vào quán ăn với bạn bè, nhất là với nhóm bạn không cùng tôn giáo . Bây giờ thì tôi đã quyết tâm mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin, nên dù với bất cứ ai và ăn uống tại đâu đi nữa, tôi vẫn kính cẩn đưa tay làm dấu Thánh Giá và cúi đầu cầu nguyện xin Chúa ban phép lành và thánh hóa bữa ăn, xin Chúa cũng ban của ăn hằng ngày dùng đủ để không ai còn bị đói khát, nhất là những người nghèo khổ…, để chia sẻ từ lòng Chúa xót thương vô bờ bến, tôi chỉ dùng vừa đủ ăn cho có sức khỏe, chứ không dư thừa phí phạm để rồi mắc lỗi với những ai đói nghèo.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin và lòng mến cho chúng con, để con dám sống cho Chúa và không e thẹn vì Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Amen.
BCT
Can đảm tuyên xưng đức tin (10.07.2015)
Ghi nhớ: “ Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua Chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết ” (Mt 10, 18).
Suy niệm: Thời nào cũng vậy, luôn có những cuộc bách hại hay gây gian nan khốn khó cho những người tin theo Chúa. Chúa Giêsu biết rõ điều đo nên Ngài đã tiên báo, lo liệu và an ủi những chứng nhân của Ngài. Những ai không vững vàng trong niềm tin sẽ dễ dàng bị chao đảo và có thể đi đến nguy cơ đánh mất niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy kiên định và tin tưởng vào Đức Kitô và chiến thắng cuối cùng của Ngài. Đừng để những khó khăn, gian khổ hay bắt bớ của thế gian làm biến đổi lòng ta, nhất là cướp mất đức tin của ta, cho dù có phải đánh đổi bằng mạng sống của mình.
Sống Lời Chúa: Can đảm tuyên xưng đức tin.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin ban cho con thêm can đản và trung thành, để con không bao giờ nao núng hay sợ hãi trước những quyền lực của thế gian mà chối bỏ Chúa. Amen.