Ít nhất đó cũng là nhận định của Claire Giangravè thuộc tập san Crux ngày 20 tháng Tư. Cô cho rằng với người Công Giáo Pháp, những người xưa nay ít chịu biểu lộ đức tin nơi công cộng trong một xứ sở duy tục hóa cao độ, quang cảnh điêu tàn của Notre Dame sau cơn hỏa hoạn có thể sẽ gợi hứng cho một cuộc canh tân và quay về với gốc rễ của họ.
Giangravè đã cùng hai ký giả của Currents News qua Paris để xem những gì còn lại sau trận hỏa hoạn. Điều họ khám phá được là một đất nước hợp nhất trong việc theo đuổi một cuộc canh tân, không hẳn chỉ là ngôi thánh đường lịch sử, mà cả đức tin từng gợi hứng cho việc xây dựng nó cách nay gần 1 ngàn năm.
Người Công Giáo Pháp phần lớn đã thích ứng với nền văn hóa laïcité, một nhãn hiệu độc đáo của chủ nghĩa duy tục Pháp nhằm áp đặt nghiêm ngặt sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Nói theo ngôn từ Thánh Kinh, họ theo một hình thức nào đó của chủ nghĩa Nicôđêmô, đẩy đức tin vào lãnh vực tư.
Nay thì nhiều người Công Giáo Pháp cho hay các ngọn lửa dìm ngập Notre Dame có thể cũng đã làm bùng lên một tia lửa tâm linh, nhất là nơi các thế hệ mới, gợi hứng để họ tuyên xưng đức tin một cách công khai và từ đống tro tàn xây dựng lại nền tảng của họ.
Ba ký giả nói chuyện với các nhà hoạt động, những người, cùng với hàng ngàn người cả già lẫn trẻ và các gia đình, diễn hành trên đường phố Paris để công khai tuyên xưng các niềm tin phò sự sống của họ. Một vị Giám Mục ở khu ngoại ô Paris, từng chứng kiến nhiều người trẻ tham gia Đàng Thánh Giá hôm Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua với ngài, nói với các ký giả rằng họ có thể đang chứng kiến thời khắc tân phúc âm hóa đối với người Công Giáo Pháp.
Họ nhìn nhận rằng các mối liên hệ với nhà nước Pháp vẫn còn nhiều phức tạp, nhưng đã có một chiều hướng cho thấy việc nhìn thấy trái tim tôn giáo và văn hóa Pháp gần như tiêu tan đã khiến người ta hiểu ra sứ điệp này: đây là những điều đáng để người ta phải đấu tranh cho.
Một khoảnh khắc để truyền giảng Tin Mừng
Marie Cabaud và Joseph Meaney là một cặp vợ chồng Mỹ Pháp làm việc cho phong trào phò sự sống gần Paris. Cả hai đều dấn thân cho chính nghĩa phò sự sống và đã dành hết các cố gắng của họ để giúp vận động cộng đồng địa phương, các cố gắng này, khởi đầu từ năm 2014, đã đưa hơn 50,000 người Pháp ra đường phố để bảo vệ trẻ chưa sinh.
Cabaud nói với Crux trong một cuộc phỏng vấn ngày 18 tháng 4. “Đó là điều chưa từng xảy ra trước đây. Người Công Giáo Pháp không có truyền thống diễn hành ở đường phố”.
Mặc dù thừa nhận rằng Notre Dame có một ý nghĩa đặc biệt như một trung tâm lịch sử và văn hóa của Paris, bà vẫn lo ngại rằng vai trò chính của nó trong mắt các tín hữu Pháp có thể bị làm ngơ.
Bà nói: “Điều thực sự quan trọng về vấn đề này là Notre Dame là trái tim của Giáo hội. Chúng ta cần tập trung vào việc tái thiết nó từ bên trong, chứ không chỉ ở bên ngoài”.
Chồng bà nhận xét rằng kể từ khi họ chuyển đến Paris năm 2014, Pháp đã trải qua một loạt các biến cố quan trọng, từ các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu đến chiến thắng tại Giải Túc Cầu Thế Giới, các biến cố đã góp phần vào một tri nhận cho rằng nước này có thể đang kinh qua một “khoảnh khắc thay đổi sâu xa”, mà đỉnh cao là trận lửa tại Notre Dame.
Ông Meany thì nói rắng “có cảm giác như đất nước này thực sự là tâm điểm của rất nhiều xung đột và rất nhiều đau khổ, nhưng đồng thời cũng rất nhiều vui mừng hân hoan. Dường như một cuộc đấu tranh tâm linh thực sự đang diễn ra”.
Arnaud Boutheon, đại diện của Hội Hiệp sĩ Columbus ở Paris, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 18 tháng 4 rằng vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Notre Dame đã gợi hứng cho người Công Giáo ở Pháp tự đặt câu hỏi về đức tin và các niềm tin của họ.
Ông nói: “Khi chúng ta tìm kiếm bản sắc của mình, khi chúng ta tìm kiếm điều hợp nhất mọi người dân Pháp, qua biến cố bi đát này, chúng tôi nhận ra: mọi người đều hết sức xúc động và mọi sự chia rẽ có thể biến mất trước nhân loại này”.
Boutheon đã tổ chức buổi trình diễn ánh sáng “Đức Bà của Lòng Chúng Ta” (Lady of Our Hearts) trên mặt tiền của nhà thờ Notre Dame vào năm ngoái, một buổi trình diễn đã tụ tập hàng ngàn người trước nhà thờ vào tháng 10. Ông nói rằng người đứng đầu Hội Hiệp sĩ, Carl Anderson, yêu cầu ông khuyến khích người Công Giáo Pháp tái nối kết với nguồn gốc và di sản của họ. Ông nói: “Nay là cơ hội rất lớn để chúng ta truyền giảng Tin Mừng vì nhiều người từ nước ngoài và Pháp sẽ quay trở lại trong những ngày tới để dự lễ Phục sinh. Bên kia bi kịch, ta có sự hy vọng”.
Khối lập phương và Nhà thờ Chính Tòa
Tại nơi vốn được gọi là “Manhattan của Paris”, tâm điểm kiên cố về kinh doanh và trung tâm kỹ thuật của Pháp, La Défense, Đức cha Matthieu Rouge của Nanterre đang chuẩn bị để hướng dẫn tín hữu đi Đàng Thánh Giá vào hôm Thứ Sáu.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng 4, ngài nói: “Tôi nghĩ Pháp có thể là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất trên thế giới. Rất khó để người Pháp nói, chẳng hạn, rằng họ là người Công Giáo”.
Giáo phận Nanterre nằm ở ngoại ô Paris và cảnh quan của nó bị chi phối bởi Grande Arche, một khối lập phương trắng đồ sộ. Dưới bóng râm của nó, Đức Cha Rouge đã hướng dẫn người Công Giáo băng qua quảng trường, với số lượng tăng đều ở mỗi chặng, bao gồm nhiều người trẻ và những khuôn mặt mà vị giám mục nói ngài chưa từng gặp trước đây. Silvia, một người Công Giáo Pháp gốc Ý tham dự Đàng Thánh giá cho biết “đây là một thời khắc gặp gỡ nhau”.
Bà nói rằng “Người ta ở đây rất kín đáo về tôn giáo và về chính trị, họ càng kín đáo hơn nữa”; bà nói thêm: “trận hỏa hoạn ở Notre Dame có thể giúp tình cảm của họ trồi lên”.
Đối với Jean Paul, một tín hữu trong đám rước, trận lửa tại nhà thờ chính tòa gây ra “nỗi buồn sâu thẳm”.
Anh nói: “Chúng tôi khóc nhưng chúng tôi cũng đã cầu nguyện. Tôi đã thấy rất nhiều người cầu nguyện vào lúc này, không chỉ cho nhà thờ chính tòa mà còn cho cả Giáo hội nói chung nữa”.
Anh nói thêm “Đây cũng là cách để khám phá điều gì sai trái trong Giáo hội, và để làm sáng tỏ và tiến tới việc phục hồi Giáo hội”.
Theo vị giám mục, ngọn lửa có thể gợi hứng cho các tín đồ gặp gỡ và chia sẻ cảm xúc của họ với nhau và cho rằng nó có thể khuyến khích người Công Giáo sống thực đức tin của họ và có lẽ cả việc truyền giảng Tin Mừng nữa.
Liên quan đến các mối liên hệ với nhà nước, ngài thận trọng hơn, mô tả các liên hệ giữa chính phủ và Giáo hội Pháp là “nghịch lý”.
Ngài nói “Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, và mọi nguyên thủ quốc gia đều phải biết rằng đây là một quốc gia Công Giáo có nguồn gốc sâu xa, nhưng đồng thời, ông ấy hoặc bà ấy phải cổ vũ một chủ nghĩa thế tục cứng rắn”.
Theo ngài, việc xây dựng lại Notre Dame sẽ mục kích việc phô bầy các mối liên hệ lúng túng này. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể trải nghiệm ở một thời điểm nào đó, năng động tính thông thường giữa Giáo hội và chính phủ Pháp, nghĩa là nhiều mối liên hệ nhưng đôi khi là những liên hệ khó khăn.
Lời kêu gọi xây dựng nhà thờ chính tòa
Cho đến nay, người trẻ Công Giáo là người dễ tiếp thu nhất đối với lời kêu gọi hành động mà cảnh tượng Notre Dame đang bốc cháy đã gợi hứng. Các nhóm tuổi trẻ đã xuất hiện ở cấp cơ sở, như nhóm “Batisseur” (Thợ Xây); những người này đang gắn bó với nhau tìm cách cứu nhà thờ chính tòa.
“Với những cuộc tuần hành lớn phò sự sống năm 2014, những người trẻ tuổi đã nhận ra rằng chúng tôi không thể dựa vào nhà nước hoặc các định chế người như ông bà và cha mẹ tôi nữa”. Jacob nói như thế, và thêm rằng trong 30 năm qua, người Công Giáo đã quen với việc giữ cho đức tin của họ tránh xa tầm mắt của công chúng. Anh nói “Chúng tôi nên tỏ ra không hổ thẹn và rõ ràng hơn, hoặc ít nhất là lớn tiếng nhiều hơn về những gì chúng tôi làm”.
Anh nói thêm rằng nhiều người trẻ đã bất lực nhìn những người lính cứu hỏa xông vào để cứu nhà thờ chính tòa và tự hỏi làm thế nào họ có thể sử dụng tài năng của mình để cứu Notre Dame, tự hỏi có phải “Thiên Chúa đang gửi đến chúng ta tín hiệu để đi sâu hơn, sâu hơn vào mầu nhiệm chết và phục sinh hay không”.
Anh nói “Có lẽ đây là thời gian để trở về cội nguồn, không chỉ kinh doanh, giáo dục, và diễn hành mà chúng ta còn phải xây dựng lại các nhà thờ”.
“Có lẽ tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành các thợ xây nhà thờ chính tòa”.
Người hùng cứu các thánh tích vô giá khỏi Nhà thờ Đức Bà Paris đang cháy
Cha Jean-Marc Fournier đã cứu được Mặt nhật có Mình Thánh Chúa và Vương miện gai ra khỏi Nhà thờ Đức Bà Paris đang cháy vào tối thứ hai 15.04.2019.
Người ta đã sợ rằng cả hai tác phẩm nghệ thuật này bị lửa thiêu đốt. Nhưng cha Fournier đã không sợ hãi, chạy vào trong nhà thờ để cứu những đồ thánh này.
Vương miện gai được coi là một thánh tích của vòng gai được đặt trên đầu của Chúa Giêsu Kitô khi Chúa bị đóng đinh. Nó được đưa đến Paris vào năm 1238 bởi vua Louis IX của Pháp.
Vương miện này được đựng trong một hộp vàng tinh xảo và được cất giữ trong kho đồ quý của nhà thờ và chỉ thỉnh thoảng được trưng bày cho dân chúng xem.
Đây không phải là lần đầu tiên cha cứu người dân Paris khỏi một thảm kịch quốc gia. Ngày 13.11.2015, sau khi những tên khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại 89 người trong một nhà hát ở Paris, cha là người đã đến để cầu nguyện cho những người thiệt mạng và an ủi những người bị thương tích và mất người thân.
Năm nay cha Fournier ở tuổi 50. Cha bắt đầu sứ vụ linh mục ở Pháp, sau đó cha chuyển đến vùng Sarthe của Pháp. Cha gia nhập giáo hạt quân đội vào năm 2004 và đã hoạt động trong quân đội trên khắp thế giới trong 7 năm. Cha đã sống sót trong một vụ phục kích ở Afghanistan khi 10 người lính bị thiệt mạng.
Hồng Thủy – Vatican