Maria Nữ Vương

Thời buổi dân chủ ngày nay người Thiên Chúa không muốn bàn đến vấn đề vương quyền của bất cứ ai, kể cả của Thiên Chúa. Vì quan niệm “Vua chúa” xem ra có vẻ độc tài, ích kỷ vì thuộc mãi vào một gia đình. Nhưng ta phải nhận định rằng quyền bính không có lý do tồn tại nếu không phải để phục vụ, chứ không phải để thống trị, như người ta thường quan niệm về các vị vua chúa. Phúc âm nhấn mạnh đến hai điểm này: quyền bính và phục vụ. Khi ta nói đến vương quyền của Chúa và của Đức Mẹ, ta quan niệm quyền đó phải để phục vụ và chỉ để phục vụ nhân loại. Vì Chúa là vua tình thương, Đấng có toàn quyền để cứu rỗi chúng ta. Đàng khác chúng ta quan niệm vương quyền là một quyền bính không do người khác, hoặc dân chúng cho, mà là một điều được có ngay từ lúc chào đời do phần gia nghiệp để lại. Chúng ta dựa vào quan niệm thường tình về vương quyền trần thế để nói đến vương quyền siêu nhiên của Chúa và Đức Mẹ. Cho rằng trên thế gian sẽ không còn vua chúa nào hết, thì quan niệm về vương quyền đối với Chúa và Đức Mẹ cũng còn có thể dùng để diễn tả quyền tối cao của Chúa đối với loài người.

Trước khi bàn đến đạo lý của Giáo Hội về vương quyền của Đức Mẹ, theo thông điệp Ad Coeli Reginam của Đức Giáo Hoàng Piô XII, và đạo lý Công đồng Vaticanô II, thiết tưởng cần phân biệt rõ ý nghĩa về vương quyền đã.

a/ Theo nghĩa riêng biệt và chính thức, thì vua là một vị, nhờ vào việc thừa tự ngôi báu cha để lại, chứ không do dân chúng bầu lên, có bổn phận tối cao để quản trị một xã hội hoàn toàn, với mục đích là làm cho cộng đồng được hưởng những ích lợi tự nhiên và trần thế.

b/ khi một phụ nữ thừa hành quyền tối cao đó như là gia tài của vua cha để lại thì phụ nữ đó quả thực là nữ vương theo nghĩa chính thức.

c/ Theo nghĩa rộng hơn, thì người mẹ, hoặc bà vợ của vua thường được gọi là Nữ vương, và quả đúng như vậy, vì hai người này mật kết với vua, tuy họ không có trách nhiệm về việc quản trị quốc gia.

d/ Theo nghĩa bóng, thì vua hay nữ vương là những người nổi bật trên những người đồng hạng, tuy không có quyền bính hay trách nhiệm gì đối với người khác, thí dụ: vua hề, vua các nhà thơ, hoàng hậu sắc đẹp….

Áp dụng vào trường hợp ta muốn đề cập “Maria Nữ Vương” ta phải nói ngay rằng chúng ta đang bàn về một vương quyền siêu nhiên, vương quyền của một nước chân lý, của sự sống, của ơn thánh và công lý, của tình yêu và hòa bình mà Chúa Giêsu thành lập khi giáng trần. Đức Mẹ giữ một vai trò quan trọng trong nước mới này. Và nếu theo nghĩa bóng, ngoài Chúa Giêsu, trong nước trời không ai nổi bật về mọi mặt hơn Đức Mẹ, vì thế Ngài là Nữ vương.

Nhưng không phải Đức Mẹ chỉ là Nữ vương theo nghĩa bóng. Trái lại ngài còn thực sự là Nữ vương theo nghĩa chính thức, vì ngài là Mẹ của Vua trời đất, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Kitô, Đấng là vua của nước mới. Đàng khác tuy tùy thuộc vào Chúa Giêsu, nhưng vì đã đồng công cứu thế một cách đắc lực, thì Đức Mẹ cũng phải được thông công trong quyền cai trị của Chúa Con.

Dầu sao ta cũng phải nhận thực rằng chúng ta không bàn về một quyền bính chính trị, cũng không muốn bênh một thể chế chính trị nào, nhưng chỉ muốn dùng những kiểu nói thông thường, những quan niệm chung trong chế độ quân chủ để diễn tả những sự lạ lùng Chúa làm nơi Đức Mẹ.

Để nói đúng được bản chất, tước hiệu, công tác và vương quyền nơi Đức Mẹ, chúng ta cần phải tìm hiểu Thánh Kinh và Giáo Hội dạy gì về điều này.

2. Đạo lý Giáo Hội

Công đồng chung thứ tám trong Giáo Hội, tức là Công đồng họp tại Nicea năm 787, có định tín rằng: “Như chúng ta trong kính hình ảnh Thánh giá thì chúng ta cũng có thể trưng bày và trọng kính các ảnh thánh khác, chẳng hạn ảnh Chúa cứu thế, ảnh Đức Nữ vương, Mẹ Thiên Chúa, ảnh các thiên thần và các thánh…. Công đồng này kính tặng Đức Mẹ một danh hiệu mới “Nữ Vương” hiểu theo nghĩa riêng biệt của danh từ “DESPOINA”: một nữ vương có toàn quyền trong nước.

Có lẽ bạn hỏi giá trị của những lời Công đồng này đi tới đâu? Có buộc phải tin không? Vì Công đồng chỉ dạy việc nên tôn kính ảnh tượng thánh, chứ đâu có định tín về việc Đức Mẹ là Nữ Vương?

Chúng ta có thể trả lời như De Gruyter rằng:

“Những lời Công đồng Nicea về Đức Mẹ ‘ Nữ vương’ chưa phải là tín điều, vì Công đồng không có ý định tín về vấn đề này. Dầu thế, ta không nên coi thường. Đây là một tước hiệu thực sự chứ không phải là một cách nói suông để chỉ Đức Mẹ. Theo ý tôi, thì lời Công đồng Nicea là một bằng chứng quả quyết đạo lý về Đức Mẹ là Nữ vương. Trong thực tế, Công đồng bàn đến nhiều vấn đề thuộc phong hóa, và tuy không truyền phải tin, nhưng những quyết định đó có một giá trị đạo lý vững chắc vì đây là quan niệm của Giáo Hội”.

Các Đức Giáo Hoàng trong khi dùng thường quyền đã nhiều lần nói đến tước hiệu “Nữ vương”. Chẳng hạn Đức Sixto IV, trong văn kiện châu phê bài nguyện và thánh lễ về Đức Mẹ vô nhiễm có nói: “Khi chúng ta kính cẩn tìm hiểu các đặc ân mà do đó Nữ Vương thiên đàng, Mẹ Thiên Chúa được nâng lên cao hơn mọi thần thánh, được sáng ngời như sao mai sáng hơn mọi tinh tú khác….” Đức Lêô XIII trong các thông điệp về Đức Mẹ nhiều lần ngài nhắc tới tước hiệu “Nữ vương” và Chúa Bà của toàn thể vũ trụ: “ Phải, chính Ngài là Nữ vương trên trời dưới đất, Nữ vương các thiên thần cùng cả loài người. Ngài là Nữ vương hiển thắng các thánh Tử đạo, và vì thế Ngài sẽ ngự bên hữu Con Ngài trong nước Giêrusalem trên trời, vì trong suốt đời sống dưới thế, đặc biệt là tại Calvari, Ngài đã uống chén đắng của một cuộc tử nạn đau đớn.. Ngài là Nữ vương các Tông đồ vì chính Ngài có bổn phận phải chăm lo Giáo Hội. Ngài cũng là Đấng ban phát mọi ơn… và quyền bính Ngài vô hạn….” ( lucuda semper p. 316 et alibi).

Đức Piô X viết về Đức Mẹ như sau “Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha tại tòa cao nhất trên trời, còn Đức Mẹ thì ngự bên hữu Chúa Con như là Nữ vương” (Ad Diem illum p. 155). Đức Piô XI một Giáo hoàng của phong trào truyền giáo , khi bàn về việc cần mọi người phải thuộc về Giáo Hội, và cần phải nỗ lực để cộng tác trong việc mở nước Chúa có nói: “Cần phải làm cho mọi người yêu mến Đức Maria, Nữ vương các tông đồ, vì tại chân đồi Calvario Chúa đã ủy thác cho Đức Mẹ tất cả nhân loại. Và vì thế, Đức Mẹ hằng yêu mến cả những người chưa nhận biết Chúa Giêsu cũng như những người đã được hưởng ơn cứu độ”. (Rerum Ecclesiae p. 83).

Đặc biệt là Đức Piô XII vị Giáo hoàng đã bàn đến vấn đề Đức Maria Nữ vương dưới mọi khía cạnh trong thông điệp Ad Reginam coeli: Nữ vương Thiên đàng. Ngài nói: “Dân Chúa hằng tin tưởng một cách hữu lý trong mọi thế hệ rằng Đức Mẹ là Đấng sinh ra con Đấng Tối Cao, Đấng sẽ hiển trị trong nhà Giacóp (Lc 1, 32) cho tới đời đời, Ngài chính là vua hòa bình (Is 9, 6), Vua muôn vua, Chúa các Chúa (Apoc. 19, 16), và Ngài được mọi ơn hơn tất cả bất cứ tạo vật nào. Và xét theo mối liên lạc mật thiết giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu thì ta phải kết luận một cách chắc chắn và dễ dàng rằng Đức Mẹ cũng phải được hưởng một vương quyền trên mọi tạo vật. Và đây cũng là lý do khiến các đấng Giáo phụ hiểu lời thiên thần chào Đức Mẹ, và báo trước về nước Con Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và lời bà Elisabet khi nghiêng mình kính chào Đức Mẹ là ‘ Mẹ Chúa tôi’ ám chỉ một vương quyền Đức Mẹ được thông công với Chúa Con” (Ad coeli Reginam p. 521).

Công đồng Vaticano II hoàn toàn đồng ý với đạo lý trên và quả quyết: “ Khi Đức Mẹ hoàn tất cuộc sống, thì được lên trời cả hồn lẫn xác và được vinh thăng ‘Nữ vương trời đất’ để Ngài được nên giống hoàn toàn như Chúa Con, Đấng là Chúa các chúa, (Apoc. 19, 16) và là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Lumen Gentium n. 59).

3. Đạo lý Thánh kinh: Tuy không có câu Thánh kinh nào nói tỏ tường về vương quyền Đức Mẹ theo các nghĩa ta vừa kể trên cả. Nhưng trái lại có nhiều câu ám chỉ việc này một cách gián tiếp. Trước hết trong Cựu ước ta thấy có nhiều hình ảnh có thể áp dụng vào vương quyền Đức Mẹ, chẳng hạn Esther 2, 17 và Thánh vịnh 44. 10. Và vì Cựu ước là chuẩn bị cho Tân ước, nghĩa là hằng hướng về Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài, vì thế những hình ảnh đó nếu đem áp dụng vào Đức Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế thì quả là rất hợp lý.

Theo đường hướng đó, các Đức Giáo Hoàng cũng như các nhà Thần học đã đem các hình ảnh Cựu ước áp dụng vào Đức Maria Nữ vương. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV dùng hình ảnh hoàng hậu Esther để ám chỉ Đức Mẹ như sau: “Đức Mẹ chính là Esther mà vua thiên đàng yêu thương đặc biệt, thậm chí, để Ngài cộng tác trong việc cứu thế, không những Chúa đã ban cho Đức Mẹ nửa nước, mà trong một phương diện nào đó, đã ban cả nước và mọi quyền hành nữa” ( Gloriosae Dominae). Cựu ước đã nhiều lần nói tiên tri về Mẹ Đấng Cứu Thế, Người là vua một nước mới, tuy không phải là nước theo nghĩa chính trị, nhưng là một nước thiêng liêng. Vì thế bà Mẹ của vua nước mới đó đương nhiên phải là Hoàng hậu và là Nữ vương.

Trong Tân ước có hai câu khả dĩ minh chứng vương quyền này cách riêng. Câu thứ nhất chính là lời Thiên thần kính chào Đức Mẹ khi báo tin việc Ngôi Lời nhập thể: “Maria xin đừng sợ, vì Ngài được tràn đầy ơn chúa, và này Ngài sẽ thụ thai và sinh con, và sẽ gọi tên Con là Giêsu, Đấng sẽ trở thành một vĩ nhân, và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu David là cha Người và Người sẽ làm Vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 30-33).

Đọc những lời này không ai hồ nghi Đức Maria là Mẹ của một Vua trên hết các Vua, một Vua đời đời, và nước Người vượt mọi thời gian và không gian. Vì thế Đức Mẹ phải là Mẹ Vua, là Hoàng hậu và là Nữ vương, không những theo nghĩa bóng, nghĩa là Ngài nổi bật về mọi mặt hơn bất cứ một tạo vật nào, trừ Chúa Con, mà còn là Nữ vương theo nghĩa riêng biệt và chính thức nữa. Thánh nữ Êlisabeth là người trần thế đầu tiên được ơn Chúa Thánh Thần xưng hô tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Lc 1, 43) vì bà được Chúa soi sáng cho biết người con mà Đức Mẹ mang trong lòng chính là Vua sẽ tới để cứu đời, như đã nhiều lần tiên báo trong Cựu ước. Muốn hay không ta phải nhận Mẹ Vua là Hoàng hậu, là Nữ vương. Và muốn hay không ta sẽ phải suy phục quyền tối cao của Chúa Giêsu là Vua trời đất, toàn quyền trên hết mọi sự, như lời Ngài phán trước khi lên trời: “Ta được mọi quyền năng trên trời dưới đất” (Mt 28, 18). Vì thế Mẹ Vua trời đất phải là Hoàng hậu, là Nữ vương trên trời dưới đất.

Câu thứ hai là câu thấy trong sách sau cùng của Tân ước, sách Khải huyền, như để công nhận những gì đã nói trong các sách trước. Trong chương 12 của sách Khải huyền có hai câu nhỏ thực ý nghĩa: câu 1 chương 12 có kể “Một dấu lạ vĩ đại hiện ra trên trời: một Bà có mặt trời bao quanh, mặt trăng ở dưới chân , và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao”. Rồi câu 5 chương 12 nói tiếp “Bà sinh một con trai, và con Bà đã được cất lên nơi Thiên Chúa, lên ngai của Người”.

Theo quan niệm chung các nhà chú giải Thánh kinh thì sách Khải huyền bàn về Giáo Hội dưới một hình thức văn chương bóng bẩy, nhưng người đồng thời đọc có thể hiểu ngay. Nhưng vì lời văn quá bóng bảy,nên có thể được áp dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cho nên khi chú giải về hai câu chúng ta vừa kể trên, đa số các nhà chuyên môn về Kinh thánh cho rằng có thể áp dụng được vào Đức Mẹ, đặc biệt câu 5 chương 12. Câu 5 này đương nhiên nói về Chúa Giêsu, Đấng đã có danh hiệu ghi trên áo “Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa” (Apoc. 19, 16). Khỏi cần dài dòng minh chứng ai cũng nhận thực hai điều:

1/ Chúa Giêsu là Vua trời đất và là Thiên Chúa hằng hữu giáng trần, là Tạo Hoá vạn vật.

2/ Còn Mẹ Maria là Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Mẹ Chúa Giêsu là Vua trên hết các vua, nên Mẹ Maria qủa là Hoàng hậu, là Nữ vương theo nghĩa chính thức của danh từ.

3/ Trong phụng vụ: Qua nhiều thế kỷ, giáo hữu khắp nơi đã tung hô hát mừng Đức Mẹ Maria Nữ vương. Lòng sùng kính này dần dần đi vào phụng vụ tôn giáo để trở thành những bài ca, bài vịnh muôn thuở về thiên chức Nữ vương của Mẹ Maria. Chúng ta chỉ cần nhắc qua vài bài vịnh đặc biệt thường đọc trong sách Nguyện. Chẳng hạn bài “ Kính mừng Nữ vương trời đất” hay bài “Lạy Nữ vương thiên đàng hãy vui mừng”, nhất là kinh “Lạy Nữ vương, Mẹ nhân lành” mà ai cũng thuộc. Giáo Hội chấp nhận những kinh này, và cùng với tín hữu xưng hô Mẹ Maria là Nữ vương trời đất. Bài Nguyện và bài Lễ về Đức Mẹ Trinh vương hiện nay đang dùng trong Giáo Hội là một bản tổng hợp lòng tin tưởng và sùng mộ của tín hữu đối với Nữ vương thiên đàng. Vì thế Đức Piô XII quả quyết trong thông điệp Ad Coeli Reginam rằng : chúng ta không bàn đến một chân lý mới, mà trái lại nền tảng và các lý do về vương quyền của Mẹ Maria đã thấy rất nhiều trong các văn kiện thuộc mọi thời đại của Giáo Hội (Ad Coeli Reginam p. 521).

5/ Giải thích về thiên chức Nữ vương: sau khi tìm hiểu các nguồn mặc khải, tức là Thánh Kinh, Thánh truyền, và các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng, chúng ta có thể bàn đến bản chất và công tác cũng như hạn định của Thiên chức Nữ vương.

Trước hết, ta có thể nói rằng: xét theo nghĩa bóng và nghĩa rộng, Đức Mẹ quả thực là Nữ vương. Vì theo nghĩa bóng, nghĩa rộng, thì Nữ vương hay vua là một người nổi bật trong những người đồng loại về một điểm gì, về sắc đẹp , về tài trí, về sức khoẻ v.v… theo nghĩa này thì Đức Mẹ quả là Nữ vương, hay Hoàng hậu vì Mẹ được đầy ơn thánh hơn bất cứ tạo vật nào. Chính Thiên Chúa đã quả quyết qua lời Thiên thần: “Kính mừng Đấng đầy ơn phúc vì Ngài là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Mẹ Đức Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa. Đấy chính là điều Đức Piô XII quả quyết trên đài phát thanh ngày 13-5-1946 nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Nhưng không phải chỉ có thế. Đức Mẹ còn là Nữ vương theo nghĩa riêng, nghĩa chính thức của danh từ. Nghĩa là Ngài phải là Nữ vương vì thực sự là Mẹ Vua trời đất. Để hiểu điều này chúng ta chỉ cần nhớ rằng:

a) Maria là Nữ vương vì là Mẹ Ngôi Lời nhập thể. Đức Kitô tuy là một người thực sự, nhưng vì hợp nhất trong một Ngôi với Ngôi Hai Thiên Chúa, cho nên thực sự Ngài là Chúa trời đất, và đồng thời, xét về phương diện Ngài lại là Con Thiên Chúa theo bản tính, vì thế có toàn quyền như Chúa Cha. Còn Đức Mẹ vì là mẹ Ngôi Lời nhập thể nên Ngài cũng có phần trong mầu nhiệm Ngôi hiệp của Con và được thông công về phương diện là người Chúa Giêsu cũng là Vua trời đất, vì Ngài là Thiên Chúa, thì Đức Mẹ đương nhiên phải là Nữ vương, là Hoàng hậu, vì là Mẹ Đức Giêsu Kitô. Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria đương nhiên tặng cho Ngài thiên chức Nữ vương, Hoàng hậu.

b) Đức Mẹ là nữ vương vì cộng tác đắc lực với Chúa Con trong công cuộc cứu thế. Chúa Giêsu là Vua vũ trụ không những vì Ngài hợp nhất với Ngôi Hai, nhưng còn là Vua loài người vì chính Ngài đã cứu chuộc loài người khỏi ách Satan và dẫn họ vào nước ơn phúc của Ngài (Apoc. 5, 9-10). Đức Mẹ có phần rất lớn trong công cuộc cứu độ này, vì Ngài đã vất vả đau khổ vì Con suốt đời. Chính Ngài đã chịu thai, sinh dưỡng, lo lắng và sau cùng đồng ý dâng con chịu chết để cứu chuộc loài người. Công ơn đó thực tầy đình khó tả. Riêng việc này Đức Mẹ cũng phải được loài người xưng hô là Mẹ, là Nữ vương, vì thực sự Ngài có công và có quyền được xưng hô như vậy.

c ) Cũng như Chúa Giêsu vì chịu đau khổ, vì chịu tử nạn nhục nhã nên đã được Chúa Cha thăng thưởng và Vua vạn vật trên trời dưới đất (Phil 2, 8-9) thì việc Đức Mẹ cộng tác với Con trong mọi đau khổ, đặc biệt là tại chân đồi Calvariô, cũng được Chúa Cha thăng thưởng hồn xác lên trời và ngự bên hữu Chúa Con và cùng Chúa Con cai trị vạn vật. Trên đây là những lý do Đức Giáo Hoàng Piô XII giải thích trong thông điệp Ineffabilis p. 599 và Munificentissimus Deus p. 768-769.

6/ Việc thừa hành quyền Nữ vương : Về điểm này ta có thể quả quyết ngay rằng: Ngài được thông công với quyền của Chúa Con tuỳ theo những gì xứng hợp với Ngài.

a) Trước hết Chúa Giêsu có toàn quyền “Lập pháp” vì Ngài là Thầy, là sự cứu độ, là gương mọi nhân đức và là Đấng sáng lập Giáo Hội công giáo. Hiện nay ở trên trời Ngài còn thi hành quyền đó bằng cách soi sáng tâm hồn người nghe, kẻ dậy, để tất cả hiểu biết đạo lý Phúc âm. Đức Mẹ cũng được thông công trong quyền “Lập pháp này” vì chính Đức Mẹ đã dạy cho các tông đồ và tín hữu sơ khởi biết về những bí mật của thời thơ ấu Chúa Cứu Thế. Và nhờ gương sáng đời sống, Đức Mẹ dạy cho biết con đường cứu độ và trọn lành. Vì thế, thánh Ambrosiô nói: “Đời sống của Đức Mẹ là một bài học cho mọi người” (DeVirg. PL 16-222).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *