Lá Thư Đặc Trách Tháng 09 / 2019
Những Bài Thánh Ca Tân Ước
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Các thánh ca Tân Ước được chọn, ngoài ba thánh ca Tin Mừng được đọc hằng ngày, sách phụng vụ năm 1971 đã thêm vào kinh chiều một số bài thánh ca Tân Ước từ sách Khải Huyền, hoặc các thư của hai thánh Phêrô và Phaolô.
Kinh Chiều cử hành khi tín hữu sắp kết thúc một ngày sống, thánh ca Tân Ước nhắc nhớ việc Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ nhân loại. Đọc thánh ca Tân Ước, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm cứu độ đã hiện thực và hướng đến ngày chung cuộc của nhân loại, ngày Chúa quang lâm.
Các bài thánh ca Tin Mừng
Trong giờ kinh sáng chúng ta đọc lời kinh chúc tụng của ông Giacaria (Lc 1, 68-79): “Chúc tụng Đức Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Chúa”, Người “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” khi ban “Vị Cứu Tinh quyền thế”… “để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta”.
Như với Gioan tiền hô, lời kinh mời gọi chúng ta sống ơn gọi ngôn sứ, đi trước Chúa, mở lối và nói cho mọi người biết : “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.
Trong giờ kinh chiều chúng ta đọc lời kinh tạ ơn của Đức Maria (Lc 1, 46-55). Lời kinh biểu lộ sự hớn hở vui mừng của người được Chúa thương cứu độ, những nữ tì hèn mọn được đầy ơn phúc. Vì Chúa biểu dương sức mạnh, hạ bệ kẻ quyền thế, nâng cao kẻ khiêm nhường, luôn độ trì như lời hứa cùng cha ông và con cháu đến muôn đời.
Trong giờ kinh Tối chúng ta đọc lời kinh phó thác của tiên tri Simêon (Lc 2, 29-32).
“Giờ đây, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”.
Thánh ca từ các thánh thư
Nói chung các thánh ca của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, từ đầu đã là những bản thánh ca được cộng đoàn tiên khởi xướng lên trong phụng vụ, và là lời tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.
Bài thánh ca của thánh Phêrô được đọc trong các chúa nhật mùa chay, giới thiệu Đức Kitô, tôi trung Thiên Chúa, phó thác, tự nguyện đón nhận cuộc thương khó. Người mang tội lỗi chúng ta lên thánh giá, để chúng ta sống cuộc đời công chính.
“Vì Người phải mang những vết thương
mà anh em đã được chữa lành”. (1 Pr 2,21-24)
Mạnh mẽ hơn, các bài thánh ca của thánh Phaolô là nền tảng thần học của môn Kitô học. Theo kế hoạch thương xót cứu độ của Chúa Cha, Đức Giêsu cho ta được hòa giải với Chúa, trở thành thụ tạo mới và thành nghĩa tử.
Bài thánh ca Êphêsô (Ep 1,3-10) xác định : Trong Đức Kitô, chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần, Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được tinh tuyền thánh thiện, được làm nghĩa tử, được cứu chuộc, được thứ tha, và được biết thiên ý nhiệm mầu, được sống thời viên mãn, khi muôn loài quy tụ dưới quyền thủ lãnh duy nhất của Đức Kitô.
Bài thánh ca Philipphê (Pl 2,6-11) là bài vinh tụng ca quyền năng tuyệt đối của Đức Kitô. Ngài đã sống mầu nhiệm tự hủy trong kiếp phàm nhân, và vâng phục đón nhận cái chết trên thập giá. Ngài được Thiên Chúa siêu tôn đến nỗi “nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ và tôn vinh Thiên Chúa Cha”.
Bài thánh ca Côlôxê (Cl 1,12-20) nhấn mạnh quyền trưởng tử của Đức Kitô. Người cũng là đầu của nhiệm thể Hội thánh. Nhờ Người, chúng ta được chung hưởng phần gia nghiệp trong vương quốc đầy ánh sáng của Thánh Tử chí ái.
“Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.
Thánh ca trong sách Khải Huyền
Với sách Khải Huyền chúng ta cùng với thánh Gioan tham dự vào những thị kiến trên thiên quốc, ca tụng “Đấng đã có, hiện có và đang đến !” Hợp tiếng với những người được cứu độ dâng lời ca ngợi Chúa Kitô (Kh 5,9.10.12) :
“Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn Sách Trời
và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết,
và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa
muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ,
thuộc mọi nước mọi dân.
Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc,
thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng con,
và họ sẽ làm chủ mặt đất này”.
Chúng ta được hưởng kiến vinh quang ngày Chúa tái lâm xét xử thế gian (Kh 11; 12; 15)
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, Đấng hiện có, và đã có,
chúng con xin cảm tạ Ngài
đã sử dụng quyền năng mạnh mẽ, và lên ngôi hiển trị.
… đã đến thời xét xử các vong nhân,
thời ân thưởng các ngôn sứ, bề tôi của Chúa.
Và hợp tiếng với chư thần thánh trên thiên đình :
“Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình,
hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ !
Và đồng thanh ca ngợi và thờ lạy Chúa
Lạy Đức Vua trị vì muôn nước,
đường lối Ngài quả chân thật công minh !
… Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan,
vì ai ai cũng đều thấy rõ
những phán quyết công minh của Ngài”. (Kh 15,3-4)
Và nhất là được tham dự vào bàn tiệc Hôn lễ Chiên Thiên Chúa trong lời hoan ca Ha-lê-lu-ia (Kh 19, 5-7)
“Ha-lê-lui-a. Nào ca ngợi Chúa đi,
hỡi tất cả tôi trung của Chúa,
hỡi những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Người. Ha-lê-lui-a.
Đức Chúa là Thiên Chúa toàn năng đã lên ngôi hiển trị :
Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ
dâng Chúa lời tôn vinh. Ha-lê-lui-a.
Vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa,
và Hiền Thê của Người
đã điểm trang lộng lẫy. Ha-lê-lui-a”.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP