Trong 2 phần đầu tiên của bài thuyết trình, Cha Giuse trình bày về việc Loan báo Tin mừng cho anh em dân tộc Koho và Churu. Phần 3, cha đưa ra đôi điều cảm nhận về hành trình truyền giáo của mình. Cuối cùng là câu hỏi thảo luận dành cho các chủng sinh.
Tình hình Truyền giáo cho anh em Koho và Churu
Trước tiên, Cha cho biết vài nét về tình hình truyền giáo cho người sắc tộc bản địa tại Giáo phận Đà Lạt. Theo đó, người Koho sinh sống khắp tỉnh Lâm Đồng, còn người Churu tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương. Từ đầu thế kỷ XX, với mỗi vùng trong Giáo phận, các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, Dòng Chúa Cứu thế và Tu hội Vinh sơn (Lazariste) thiết lập nhiều “Trung tâm Thượng” để truyền giáo cho họ. Có thể kể đến các trung tâm truyền giáo như Di Linh, Camly, Thượng B’Tông, Fyan và M’lon. Cùng dấn thân vào hoạt động của những trung tâm này còn có các nữ tu thuộc nhiều hội dòng khác nhau. Điểm đặc biệt, theo Cha Giuse, người Churu có mối liên hệ rất gần gũi với anh em sắc tộc bản địa tại ba giáo phận Qui Nhơn, Nha Trang và Ban Mê Thuột.
Qua những hình ảnh sống động và những thước phim vô giá, thuyết trình viên đưa thính giả đi vào cảm nhận sâu sắc về những nỗ lực loan báo Tin Mừng của các thừa sai trên vùng cao nguyên suốt 80 năm qua. Nổi bật trong số đó là chân dung về cuộc đời và sứ vụ của Đức cha Jean Cassaigne (M.E.P) – “Ông tổ các vị Thừa sai Truyền giáo Thượng đầu tiên tại Đà Lạt”. Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Đại hội lần thứ XIV vừa qua, đã quyết định chuẩn bị hồ sơ cho tiến trình phong thánh vị “Tông đồ của người cùi” để nêu gương bác ái và phục vụ của ngài đối với đồng bào sắc tộc.
Những hoa trái việc truyền giáo
Hiện nay, các linh mục tu sĩ Việt Nam vẫn gìn giữ và phát triển những di sản mà các thừa sai ngoại quốc để lại, nhất là tiếp nối nỗ lực hội nhập văn hóa để truyền giáo cách hữu hiệu. Các địa bàn truyền giáo được nuôi dưỡng để tiếp tục phát triển, sách phụng vụ được chuyển ngữ sang tiếng dân tộc, Tự điển được biên soạn, công tác bác ái tiếp tục được thực thi, và không gian văn hóa đặc sắc của người bản địa được bảo tồn kỹ lưỡng.
Đôi điều cảm nhận
Từ những gì đã trình bày và từ trải nghiệm trực tiếp truyền giáo, Cha Giuse chia sẻ cho các chủng sinh vài cảm nhận của ngài:
– Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên, là mẫu mực của mọi nhà truyền giáo. Người đã truyền giáo bằng con đường yêu thương, bằng sự tự hạ Nhập Thể, bằng thân phận Emmanuel chấp nhận sống giữa loài người, và bằng mạng sống sẵn sàng được hiến dâng.
– Con đường Giêsu phải trở nên linh đạo cho việc truyền giáo. Đức cha Cassaigne và các thừa sai đã đi lại con đường ấy, nếu không thì việc truyền giáo đã không thể đạt được kết quả khả quan.
– Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng còn chữa lành mọi bệnh tật và quan tâm đến nhu cầu sống của dân chúng. Đây chính là phương pháp truyền giáo của Người. Các thừa sai cũng đã thực thi phương pháp này, khi nỗ lực thăng tiến con người cách toàn diện về hồn – xác, đạo – đời, tinh thần – vật chất.
– Nhà truyền giáo phải mang lấy lòng hân hoan, sự ham thích và niềm hạnh phúc khi truyền giáo. Từ đó mới nhận ra rằng, tính hiền lành, chân chất, khiêm tốn, phó thác của anh em dân tộc có thể chuyển tải hình ảnh một Thiên Chúa cụ thể và một bình an cụ thể hơn bao giờ hết. Chính họ trở nên thầy dạy, nên người Phúc âm hóa lại nhà truyền giáo.
Trao đổi
Cuối cùng, cha đưa ra câu hỏi để các chủng sinh thảo luận:
“Các thừa sai thời xưa trong điều kiện thiếu thốn vẫn hăng hái ra đi truyền giáo. Ngày nay, với những tiện nghi đầy đủ, tinh thần truyền giáo lại kém nhiệt thành hơn xưa. Vì sao?”
Nhiều ý kiến được đưa ra, bao gồm ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ, đào tạo linh mục còn thiếu tính cụ thể, vấn đề phân bổ linh mục chưa hợp lý, và năng động truyền giáo đã thay đổi so với trước.
Về phần mình, Cha mời gọi các chủng sinh hãy biết hy vọng, và tin rằng ngay hôm nay mình đã có thể truyền giáo, trước hết là bằng đời sống yêu thương không loại trừ bất kỳ ai.
Để những hứng khởi về sứ mạng truyền giáo được thực thi đúng đắn theo tầm nhìn của Giáo hội, Cha Phêrô Trần Phạm Bảo Khanh gửi đến các chủng sinh một số thông tin về Khóa bồi dưỡng mà ngài vừa tham dự.
Chủ đề xuyên suốt Khóa bồi dưỡng này là “Được rửa tội và được sai đi”, cũng là đề tài mà ĐTC Phanxicô đề nghị cho Tháng Truyền giáo ngoại thường, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ban hành Tông thư Maximum Illud (30/11/1919).
Nội dung trình bày gồm 2 phần: Về Tông thư Maximum Illud (Nhiệm vụ thánh thiện và hết sức quan trọng) của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV; và Đôi nét về hoạt động của Các hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam.
Trong phần thứ nhất, Cha Phêrô nhắc lại tính thời sự và tính lịch sử của Tông thư Maximum Illud, văn kiện xác định tính ưu tiên và những nguyên tắc của việc truyền giáo. Tông thư mang tính thời sự khi thể hiện một lời kêu gọi thực tế, vượt trên mọi biên giới quốc gia, có sức phản tỉnh đối với thói tự quy và co cụm của Giáo hội. Về tính lịch sử, Tông thư là một cột mốc quan trọng trong lịch sử truyền giáo, khi tách biệt những nhập nhằng giữa công cuộc Phúc âm hóa và việc thuộc địa hóa.
Ngoài ra, Tông thư cũng nêu lên mối quan tâm đặc biệt của Đức Bênêđictô XV là thiết lập hàng giáo phẩm địa phương, nhấn mạnh nỗ lực chăm lo đào tạo ứng sinh linh mục bản xứ với tầm mức bài bản ngang ngửa một linh mục Âu châu. Chính họ là những người hiểu rõ nhất tập tục bản quán của xứ sở, từ đó mới hy vọng tạo nên một nền móng vững chắc cho đời sống đức tin tại địa phương mình.
Đặc biệt, tầm nhìn phổ quát của Tông thư cũng tác động sâu rộng đến ý tưởng về sứ vụ “đến với muôn dân” (missio ad gentes) của Công đồng Vatican II (1962 – 1965). Cuộc canh tân của Công đồng nhấn mạnh sứ vụ truyền giáo không phải chỉ dành cho hàng giáo sĩ, nhưng cho tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa.
Trong phần thứ hai, Cha Phêrô điểm qua vài nét về hoạt động của Các hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam. Đây là một tổ chức toàn cầu có nhiệm vụ hỗ trợ Đức Giáo hoàng trong việc chăm sóc các Giáo hội trẻ và các xứ truyền giáo như Việt Nam, bằng cầu nguyện, giúp đỡ tài chính và phục vụ bác ái. Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam hiện nay là cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, Giáo phận Xuân Lộc. Tổ chức kêu gọi quyên góp cho việc truyền giáo và mời gọi các linh mục giáo phận cùng tham gia vào hoạt động của tổ chức.
Trước khi kết thúc, Cha cũng chia sẻ những quan tâm có liên hệ mật thiết đến giai đoạn huấn luyện của các chủng sinh:
– Ý thức tầm mức toàn thể của sứ vụ truyền giáo. Việc loan báo Tin Mừng không thể chỉ đơn thuần được gắn kết với một linh đạo, một dòng tu riêng biệt nào, nhưng là trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo hội.
– Trong vai trò mục tử tương lai, sẵn sàng tạo điều kiện, chia sẻ và cộng tác với các hoạt động truyền giáo, để có được hiệu quả cao nhất.
– Ý thức vai trò của việc đào tạo và tự đào tạo trong quá trình tu học tại chủng viện. Trau dồi nhân đức, trang bị kiến thức, thạo ngôn ngữ, văn hóa, tập tục để dễ dàng tiếp nhận và hòa nhập với cộng đoàn được trao phó sau này.
– Nuôi dưỡng nhiệt huyết, rèn luyện khả năng rao truyền Lời Chúa. Tránh tình trạng có khả năng chia sẻ bất tận về một hình mẫu thế tục nhưng lại không đủ hứng khởi để nói về Chúa.
– Kiến thức phải tạo được mối liên kết thiết thân với Chúa Giêsu. Sứ điệp truyền giáo chưa thuyết phục là vì đời sống cầu nguyện thiếu chiều sâu, thiết thực, liên đới và trung thành.
– Từ Thượng Hội đồng toàn vùng Amazon đang diễn ra, có thể kinh nghiệm thực trạng thiếu linh mục với vấn đề phân phối các ơn gọi, một số nơi khan hiếm, số khác lại phong phú. Vì thế, cần có tâm thế sẵn sàng lên đường, bằng tinh thần dấn thân, đời sống hy sinh không chọn chỗ tiện nghi an nhàn.