Vào trưa Chúa Nhật 05/01 đã có rất nhiều tín hữu hành hương quy tụ tại quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô, dù trời mùa đông khá lạnh. Đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ dinh Tông Tòa và có một bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin.
Tại Ý, lễ Hiển Linh vẫn được cử hành vào ngày 06/01, vì thế Chúa Nhật 05/01 Giáo hội cử hành phụng vụ Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh. Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe bài đọc trích từ thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô chương 1, trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng thánh Gioan chương 1, nói về Ngôi Lời là Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. Bài giáo huấn của Đức Thánh Cha dựa trên các bài sách thánh này để trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, muốn chúng ta trở nên con cái của Người, được thể hiện qua mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong ngày Chúa Nhật thứ hai của mùa Giáng sinh, các bài đọc Thánh Kinh giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn để nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc Chúa Giêsu giáng sinh.
Điều mới lạ gây sốc: Con Thiên Chúa, “đã trở nên người phàm”
Lời tựa của Tin Mừng thánh Gioan chỉ cho chúng ta thấy điều mới lạ gây sốc: Ngôi Lời vĩnh cửu, Con Thiên Chúa, “đã trở nên người phàm” (c.14). Người không chỉ đến ở giữa chúng ta nhưng còn trở nên một người trong dân chúng, một người trong chúng ta. Sau biến cố này, để định hướng cuộc sống của chúng ta, chúng ta không còn chỉ có một lề luật, một định chế, nhưng là một con người, một Ngôi vị Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, Đấng định hướng cuộc đời chúng ta, dẫn chúng ta đi trên con đường bởi vì Người đã làm điều này trước hết.
Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: chúng ta được trở nên con Thiên Chúa
Thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa vì kế hoạch yêu thương của Người được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô (x. Ep 1,3-6.15-18). Trong kế hoạch này, mỗi người chúng ta tìm thấy ơn gọi nền tảng của mình. Đó là gì? Thánh Phaolô nói: chúng ta được tiền định trở thành con của Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa làm người để làm cho chúng ta, những con người, trở thành con của Thiên Chúa. Vì điều này, Người Con vĩnh hằng đã mặc lấy xác phàm: để đưa chúng ta vào trong mối quan hệ con cái với Chúa Cha.
Chúa đã đặt dự án cụ thể nào trong tôi
Do đó, anh chị em thân mến, trong khi chúng ta tiếp tục chiêm ngắm dấu chỉ tuyệt vời của hang đá, phụng vụ hôm nay nói với chúng ta rằng Tin Mừng của Chúa Kitô không phải là một câu chuyện cổ tích, không phải là một huyền thoại, một câu chuyện được dựng lên. Tin Mừng của Chúa Kitô là sự mặc khải trọn vẹn về kế hoạch của Thiên Chúa đối với con người và thế giới. Đó là một thông điệp đơn giản và đồng thời cũng vĩ đại, khiến chúng ta phải tự hỏi: Chúa đã đặt dự án cụ thể nào trong tôi, sự giáng sinh của Người có vẫn đang hiện thực hóa giữa chúng ta không?
Thiên Chúa đã chọn chúng ta để trở nên thánh thiện và tinh tuyền
Chính thánh Phaolô gợi cho chúng ta câu trả lời: “[Thiên Chúa] đã chọn chúng ta […] để trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người trong tình yêu” (c.4). Đây là ý nghĩa của Giáng sinh. Nếu Chúa tiếp tục đến giữa chúng ta, nếu Người tiếp tục làm cho chúng ta trở nên món quà của Lời Người, là bởi vì mỗi người chúng ta có thể đáp lại lời mời gọi này: trở nên thánh thiện trong tình yêu.
Biến sự thánh thiện thành hành động bác ái cụ thể
Sự thánh thiện là thuộc về Thiên Chúa, là hiệp thông với Người, là sự thể hiện rõ ràng lòng tốt vô biên của Người. Sự thánh thiện là gìn giữ món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chỉ có điều này: gìn giữ món quà Thiên Chúa ban. Đây là trở nên thánh. Do đó, ai đón nhận nơi mình sự thánh thiện như ân sủng, thì không thể không biến chuyển nó thành hành động cụ thể hàng ngày. Quà tặng này, ân huệ mà Thiên Chúa ban cho tôi, tôi biến nó thành hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp gỡ người khác. Lòng bác ái này, lòng thương xót dành cho tha nhân này, sự phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời cũng thanh luyện tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta có thể tha thứ, làm cho chúng ta mỗi ngày càng trở nên “tinh tuyền”, nhưng tinh tuyền không có nghĩa là làm sạch vết bẩn: tinh tuyền theo nghĩa là Thiên Chúa đi vào trong tâm hồn chúng ta. Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đi vào trong chúng ta và chúng ta gìn giữ nó và trao tặng cho người khác.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đón nhận với niềm vui và lòng biết ơn kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự quan tâm của ngài về những gì đang xảy ra ở một số nơi trên thế giới với một căng thẳng đang gia tăng và ngài lo ngại nó dẫn đến sự leo thang bạo lực. Kết thúc lời cầu nguyện với Đức Mẹ, ngài nhắc lại rằng chiến tranh mang đến sự hủy diệt và cần phải làm việc để khuyến khích đối thoại giữa các bên.
Chiến tranh chỉ mang đến cái chết và sự hủy diệt
Đức Thánh Cha nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta cảm nhận được bầu không khí căng thẳng khủng khiếp. Chiến tranh chỉ mang đến cái chết và sự hủy diệt. Tôi kêu gọi tất cả các bên hãy giữ ngọn lửa đối thoại và tự kiểm soát tiếp tục cháy và tránh xa cái bóng tối thù hằn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng để xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.”
Đức Hồng y Sako: cần tái khởi động đối thoại, cầu cho Iraq không bị lung lay bởi bạo lực
Trong bối cảnh này, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Giáo chủ của Giáo hội Công giáo Canđê, đã đưa ra lời kêu gọi chân thành: “Người dân Iraq vẫn còn bị sốc trước những gì xảy ra tuần trước. Họ sợ rằng Iraq sẽ biến thành một chiến trường, thay vì là một quốc gia có chủ quyền có khả năng bảo vệ công dân và sự giàu có của mình. Trong những trường hợp quan trọng và căng thẳng như vậy, điều khôn ngoan là tổ chức một cuộc gặp gỡ trong đó tất cả các bên liên quan ngồi quanh một bàn để đối thoại hợp lý và văn minh, tránh được hậu quả không lường trước được cho Iraq Chúng ta cầu xin Thiên Chúa toàn năng bảo đảm cho Iraq và khu vực một “cuộc sống bình thường, hòa bình, ổn định và an toàn, mà chúng ta khao khát”. (Vatican News 05/01/2019).
Hồng Thủy – Vatican