TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.7)

 
 
 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

2. Sống tự chế, tiết độ

Qua sứ điệp Tin Mừng Lc 7,36-50 (nói về người phụ nữ tội lỗi), chúng ta có thể rút ra bốn nguyên tắc dẫn đường tâm linh giúp cho chúng ta sống tự chế và tiết độ.     

– Hãy đến gặp gỡ Chúa Giê-su là Đấng thương xót linh hồn tội nhân.

Chúng ta, những tội nhân trong thời đại hôm nay, không thể gặp gỡ trực tiếp Chúa Giê-su như người phụ nữ được tha thứ nói trên. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể gặp gỡ Chúa Giê-su trong đức tin, trong Lời Chúa, trong bí tích, trong phụng vụ, trong cầu nguyện và trong việc phục vụ tha nhân. Từ việc gẫm suy những đau khổ xác hồn Người đã chịu vì ta qua cuộc khổ nạn của Người. Người là Thiên Chúa hiện hữu trong vinh quang bất tận, còn ta mang kiếp người vắn vỏi, hư vô. Thế mà Người đã gánh lấy tội lỗi chúng ta, chết phơi thây lơ lững giữa khung trời núi Sọ. Có là gì, có đáng chi phận người như sương khói, như cát bụi mà Người phải trả cho ta giá tình dường ấy.

Chúng ta sẽ dần cảm nghiệm được sự tàn khốc của tội lỗi, mà đem lòng mộ mến tri ân Người. Chúng ta sẽ hiểu rằng, đời sống xiêu chiều thế tục rơi vào đam mê trác táng, vô độ trong thụ hưởng là lặp lại nỗi đau của Người trên dương thế. Hãy đến gặp gỡ Chúa Giê-su rồi chúng ta sẽ được nhận lại sự bình an tự sâu thẳm cõi lòng. Có Người hiện diện với ta, mọi khổ đau gian truân cuộc sống sẽ trở nên êm ái, nhẹ nhàng (Mt 11,28-30). Và nhất là Người sẽ cho chúng ta sức mạnh để vượt thắng bản thân mình, thoát ra khỏi xích xiềng đời sống cũ.

Người phụ nữ sám hối không tình cờ gặp Chúa Giê-su, như vậy chị đã tìm biết về Người trước đó. Linh hồn muốn gặp gỡ Chúa Giê-su trong cuộc đời mình phải cất công tìm kiếm và cố gắng đi theo đường Người đã đi.

– Thống hối nội tâm, khóc cho tội lỗi mình.

Linh hồn đã quen sống trong đam mê thụ hưởng, muốn trở lại đời sống công chính mà không có lòng sám hối nội tâm, thì rất khó có thể dứt bỏ được nếp sống cũ của mình. Thống hối nội tâm là thật lòng đau đớn về những lầm lỗi cũ, và những tội lỗi do đời sống đam mê hưởng thụ mà có, quyết tâm đoạn tuyệt với nó vì yêu mến Chúa. Thống hối nội tâm phát xuất từ sự hiểu biết sâu xa về tội lỗi, ý thức rõ ràng những tác hại của nó làm thương tổn các mối tương giao của linh hồn.

Cho dù linh hồn có chịu khó, chịu khổ thực hiện nhiều hành vi sám hối, nhưng nếu không có lòng thống hối tự nội tâm sâu xa, phát xuất từ ý thức cao độ về những gì mình đã làm là trái lẽ công bằng với tha nhân và với Thiên Chúa. Linh hồn sẽ chẳng tài nào dứt bỏ được nếp sống cũ. Dù đã cố gắng xa rời nó nhưng với sự lôi kéo của thế gian, sự tấn công cám dỗ của các anh ấy, cộng với sự yếu đuối vốn có của bản thân linh hồn sẽ dễ dàng sa đi ngã lại.

Cho nên động lực tất yếu nuôi dưỡng lòng thống hối nội tâm đi đến chỗ chiến thắng được ba thù, chỉ có thể là ơn thánh níu kéo được từ lòng yêu mến Thiên Chúa. Đặc biệt là yêu mến Chúa Giê-su chết trên thánh giá đã mang lấy tội nhân gian, đền trả thay cho mình. Chẳng có ai có thể phản bội người mà mình đang hết lòng yêu  mến, yêu mến hơn tất cả, họ thà chết chứ không phản bội.

Chúng ta thấy có hai trường hợp trong Tin Mừng thánh Lu-ca, cùng nói đến chi tiết riêng của hai người phụ nữ. Họ được xem là thấp hèn tội lỗi, đã thể hiện lòng khiêm hạ song đầy tin tưởng của họ trước Chúa. Họ lặng lẽ đến bên Chúa Giê-su từ đằng sau Người, không dám giáp mặt Người nhưng đủ sức tin vào quyền năng và tình thương xót của Đấng Cứu Độ. Họ thật tầm thường trước mắt nhân gian, lại bừng sáng một đức tin mạnh mẽ. Hai người phụ nữ đặc biệt này đáng là mẫu gương cho chúng ta: Người phụ nữ sám hối và người đàn bà bị bệnh băng huyết mười hai năm.

Ở người phụ nữ sám hối chúng ta thấy rõ hơn tinh thần thống hối của chị, bởi chị khóc nức nỡ đằng sau Người. Chị không che dấu đôi dòng nước mắt thống hối của một tội nhân, nỗi đớn đau thống hối âm ỉ trong lòng đến lúc bật tràn ra ngoài. Nước mắt ăn năn trào tuôn cùng nước mắt tình yêu sự sống rơi xuống làm thành bản tình ca muôn thuở. Chị đã hát lên cho đời mình được an bình trong ơn cứu độ, chúng ta hãy tiếp nối hòa tấu với chị cho hạnh phúc cũng ngập đầy đời ta.

Thánh Augustin, thánh Tê-rê-sa A-vi-la cũng đã tuôn trào suối lệ thật nhiều trước khi trở lại cùng Chúa. Nước mắt thống hối nội tâm có khả năng làm tan chảy tội lỗi trong quá khứ. Suối lệ ăn năn và tình mến như cơn mưa dầm làm thấm đẫm hạt giống thứ tha giữa đời khô hạn, làm cho nó đủ sức đâm mầm sống mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái an bình. Bởi vì nó không còn là nước mắt sự chết, cũng không phải khóc cho nhẹ vơi những đau đớn của trái tim, nhưng là nước mắt của sự sống. Nó khơi nguồn từ sự sợ hãi vốn có của tính tự nhiên, rồi dẫn đến những đau đớn của trái tim làm linh hồn phải khóc.

Sau đó từ lòng thống hối thường tình này linh hồn sẽ dần dần tiến đến lòng thống hối nội tâm. Tức là thống hối sâu xa trong tâm hồn vì yêu mến Chúa, bởi ý thức rõ ràng những gì mình xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhờ bởi ân sủng từ Đấng Chăn Chiên Lành, Người Mục Tử vác con chiên lạc trên vai mà về luôn luôn nâng đỡ linh hồn tội nhân.

Bố biết có linh hồn đại tội nhân kia, hắn không những khóc một lần mà còn khóc rất nhiều lần trong đời. Bản tình ca sám hối ngân lên theo thời gian, ru mãi điệp khúc thật buồn nhưng luôn chan chứa niềm hy vọng. Dường sau mỗi lần suối lệ trào tuôn con tim hắn trở nên hiền hòa và khiêm hạ hơn, vết thương tội lỗi đời hắn lành lặn thêm ít nữa. Và càng như thế lòng tri ân thành tình yêu Thiên Chúa càng đốt cháy đời hắn. Dù trong hoàn cảnh nào lòng nhiệt thành làm vinh danh Thiên Chúa cứu các linh hồn nơi hắn cũng không hề vơi cạn. Ôi! Một linh hồn tội lỗi nặng nề đến như thế mà còn được Chúa xót thương! Thật phúc thay!

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008