Được ơn hoán cải sau khi đọc Kinh Lạy Cha

Bà Tatiana Goricheva kể lại cuộc đời và ơn hoán cải đặc biệt trở lại với Công giáo của bà như sau: Trong một thời gian, tôi cảm thấy cô đơn và buồn bã trong một thế giới mà tôi không thể hiểu. Tôi biết, tôi không phải là người duy nhất ở trong tình trạng này, một số người bạn của tôi thậm chí đã tự sát, nhưng khác với họ tôi đã tìm thấy một “phao cứu sinh” quý giá, đó là việc cầu nguyện với Kinh Lạy Cha.

Giai đoạn khủng hoảng về các giá trị

Bà Tatiana sinh năm 1947 tại Leningrad, thuộc nước Nga thời Stalin. Bà nhớ lại, trong giại đoạn đó những giá trị được dạy ở trường chỉ thiên về những điều bên ngoài, chỉ những gì có thể đánh giá bằng con số mới được khuyến khích. Người ta ca ngợi những người đã làm một công việc tốt hơn, những người có thể nhảy cao hơn, người nổi tiếng. Tất cả điều này đã gia tăng niềm kiêu hãnh nơi bà Tatiana. Bà cho biết, trong giai đoạn đó “Mục tiêu của tôi là trở nên thông minh hơn, có khả năng hơn, mạnh hơn những người khác”.

Bà tập trung vào việc học và tốt nghiệp ngành Triết học. Bà có một cuộc sống căng thẳng: Ban ngày đến lớp, tham dự các hội nghị trí tuệ và buổi tối gia nhập “hội những người bị thiệt thòi và những người ở tầng lớp thấp trong xã hội, người trộm cắp, người nghiện ma túy”.

“Tôi yêu bầu khí ô nhiễm đó. Chúng tôi say trong quán rượu”. Nhưng cuộc sống đó không thực sự làm bà hạnh phúc. Bà không bao giờ cảm nhận bình an, không tìm thấy ý nghĩa trong bất cứ điều gì. “Một sự u sầu vô hạn xâm chiếm tôi. Tôi bị dằn vặt bởi những lo lắng lạnh lùng và khó hiểu, điều mà tôi không thể thoát ra. Dường như tôi đang phát điên, và thậm chí tôi không muốn tiếp tục sống”.

Khi mọi thứ dường như chỉ ra rằng cuộc đời bà Tatiana sẽ kết thúc giống như nhiều người bạn, mất hết hy vọng vào cuộc sống, thì bà đã tìm thấy một nơi ẩn náu nhỏ nhưng mạnh mẽ trong yoga và học cách thư giãn cùng với việc đọc đi đọc lại một đoạn lời hay ý đẹp nào đó. Một trong những đề xuất trong cuốn sách yoga mà bà có là đọc kinh Lạy Cha. Trước đây bà chưa bao giờ nghe nói về cầu nguyện. Cha mẹ đã rửa tội cho bà ngay khi bà được sinh ra, nhưng đó là một nghi lễ hơn là vì một đức tin sâu sắc. Kể từ đó, bà không nhận được bất kỳ hình thức giáo dục tôn giáo nào.

Được ơn hoán cải qua Kinh Lạy Cha 

Hiệu ứng mãnh liệt khi đọc lời cầu nguyện lần đầu tiên tác động trên bà là sự thanh tẩy: “Tôi bắt đầu lặp lại lời cầu nguyện này trong tâm trí như một câu thần chú, một cách vô cảm và máy móc. Tôi đã nói điều đó khoảng sáu lần và đột nhiên tôi cảm thấy được biến đổi hoàn”. Kể từ đó bà Tatiana đã được tái sinh, và đã thấy mọi thứ khác trước. “Không khó để tôi bước vào đời sống của Giáo hội. Trong những tháng, sau khi được ơn hoán cải, tôi đã sống trong trạng thái hưng phấn đến mức chỉ cần nghe từ “Chúa” là trong tôi đủ tràn ngập niềm vui”.

Bước tiếp theo trong quá trình hoán cải của bà là đến với Giáo hội để lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Ở Nga vào giữa những năm 1970, bà Tatiana phát hiện ra có nhiều người đã đi theo bước chân của bà bằng cách đến với Chúa và các thánh, chuyển từ một sự hiện hữu dựa trên chủ nghĩa vô thần và tin tưởng vào định mệnh đến một cuộc sống dựa trên tôn giáo. Theo lời của bà, “Kitô giáo đã giải phóng chúng tôi”.

Một thế giới mới tuyệt vời đã mở ra

Những người theo cùng một con đường hoán cải như bà Tatiana đã cùng bà tổ chức một hội thảo triết học – tôn giáo. “Một thế giới mới tuyệt vời đã mở ra trước mắt chúng tôi, nó không giống với thế giới đáng thương trước đây, thế giới nô lệ vật chất, tầm thường, hèn nhát”. Kể từ đó, và trong nhiều năm, hội thảo đã quy tụ hàng trăm người và phải đối phó với các mối đe dọa liên tục từ Ủy ban An ninh Nhà nước. Chính bà Tatiana đã bị bắt nhiều lần và bị thẩm vấn, bị mất việc. Bất chấp những lời khuyên của cha mẹ, Tatiana vẫn luôn kiên định trong các quyết định của mình.

Bị bách hại

Những năm sau đó bà nhớ lại: “Họ đe dọa tôi, bắt tôi phải im lặng, bắt tôi đi khám bệnh tâm thần. Bố mẹ tôi cũng bị họ tra vấn”. Để có thể chịu được hoàn cảnh khó khăn đó, bà tìm sự nâng đỡ trong cầu nguyện và khả năng tự kiểm soát đáng kinh ngạc. Bà nói: “Tôi không cho phép họ đi vào lương tâm của tôi”.

Năm 1979 bà Tatiana thành lập một hiệp hội phụ nữ với tên gọi “Maria”, để vinh danh Đức Trinh Nữ Maria, hầu hết các thành viên của tổ chức mới là Kitô giáo. Hiệp hội “Maria” bắt đầu có tiếng nói trên tạp chí “Phụ nữ và Nước Nga”. Nhiều phụ nữ bắt đầu tìm thấy tiếng nói: “sau 60 năm im lặng, phụ nữ Nga bắt đầu nói về vấn đề của họ”. Các hoạt động của bà với hiệp hội “Maria” khiến bà trở thành mục tiêu của Ủy ban An ninh và bà đã bị bắt cùng với một số người bạn. Cuối cùng, họ đưa ra tối hậu thư: nếu bà không rời khỏi đất nước, bà sẽ bị bỏ tù.

Bà Tatiana quyết định rời quê hương, cũng là vì để cha mẹ không bị ảnh hưởng, và cuối tháng 7 năm 1980, bà chuyển đến Vienne. Sự xuất hiện của bà đã khơi dậy sự tò mò lớn nơi dân chúng, và trong một thời gian dài, bà đã được mời tham dự các hội nghị “trong khán phòng lớn, với sự chào đón nhiệt tình”. Các nhà nữ quyền phương Tây đã sớm tiếp cận người phụ nữ đó, họ ngạc nhiên về niềm tin Kitô giáo sâu sắc của bà. Bà phải dành nhiều thời gian để giải thích cho họ hiểu tại sao ‘nữ quyền’ Nga lại có được một đặc tính tôn giáo, và tại sao phụ nữ Nga hiện đại chỉ tìm thấy tự do và an ủi trong Giáo hội”.

Ngọc Yến – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *