Tin Zenit ngày 15 tháng 3 cho hay hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới hai nơi có thánh tích lịch sử để cầu xin cho việc kết thúc đại dịch COVID-19.
Thực vậy, theo báo cáo của Vatican News, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành buổi chiều Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay để chứng tỏ sự gần gũi của ngài đối với những người đau khổ bằng cách khẩn cầu sự bảo vệ đặc biệt của Đức Mẹ. Ngài đã thực hiện hai khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt: một trước bức ảnh cổ xưa Maria Salus Populi Romani (Đức Bà Cứu Dân Thành Rôma) tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả và khoảnh khắc kia dưới chân một tượng chịu nạn bằng gỗ vốn che chở Rôma khỏi một bệnh dịch lớn.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã công bố các chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng trong một thông cáo hôm Chuá nhật:
“Chiều nay, sau 4 giờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời Vatican và đến thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, để cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Cứu Giúp Dân Thành Rôma, nơi bức ảnh của Đức Mẹ được lưu giữ và tôn kính. Sau đó, sau khi đi bộ dọc theo Via del Corso – như thể thực hiện một cuộc hành hương – ngài đã đến thăm nhà thờ San Marcello ở Corso, nơi đặt một tượng chịu nạn lạ lùng. Vào năm 1522, nó đã được rước đi khắp các vùng lân cận của thành phố để “Đại dịch” được chấm dứt ở Rôma. Với lời cầu nguyện của ngài, Đức Thánh Cha đã khẩn khoản xin cho được chấm dứt đại dịch đã xảy ra ở Ý và thế giới. Ngài cũng cầu khẩn sự chữa lành cho nhiều người bệnh, nhớ đến vô số nạn nhân của những ngày qua, và xin cho các gia đình và bạn bè của họ tìm được sự an ủi và khích lệ. Ý định cầu nguyện của ngài cũng được mở rộng cho các nhân viên y tế, bác sĩ, y tá và tất cả những ai làm việc trong những ngày này để đảm bảo sự hoạt động trơn tru của xã hội. Đức Thánh Cha trở lại Vatican vào khoảng 5:30 chiều”.
Lòng sùng kính đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho Đức Bà Cứu Dân Thành Rôma vốn nổi tiếng xưa nay. Ngài đến thăm bức ảnh của Đức Mẹ này vào những ngày lễ lớn của Đức Mẹ và đã tới đó cầu nguyện cả trước và sau các chuyến tông du quốc tế.
Năm 593, Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả mang bức ảnh đi diễn hành để ngăn chặn một bệnh dịch. Và năm 1837, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã khẩn cầu bức ảnh chấm dứt bệnh dịch tả.
Điểm dừng thứ hai của Đức Giáo Hoàng vào Chúa Nhật cũng rất có ý nghĩa, xét vì thời điểm quan trọng mà thế giới đang trải qua.
Nhà thờ San Marcello ở Corso có một tượng chịu nạn bằng gỗ được tôn kính từ thế kỷ 15, mà các học giả cho rằng rất hiện thực ở Rôma. Nó thậm chí đã sống sót sau một vụ hỏa hoạn và đã cứu thành phố khỏi một bệnh dịch. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ôm cùng một tượng chịu nạn này để đánh dấu cao điểm của Ngày Tha Thứ trong Năm Thánh 2000.
Rất nhiều phép lạ được gán cho “Tượng Chịu Nạn Rất Thánh” này đã được truyền tụng, kể từ ngày 23 tháng 5 năm 1519.
Vào đêm đó, một đám cháy lớn đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ mang tên Đức Giáo Hoàng Marcello. Sáng ngày hôm sau, toàn bộ tòa nhà bị đổ nát. Nhưng từ đống tro tàn ấy xuất hiện tượng chịu nạn vốn đặt ở bàn thờ chính, không hề hấn gì. Một ngọn đèn dầu nhỏ vẫn cháy sáng dưới chân tượng chịu nạn.
Khung cảnh trên làm xúc động rất nhiều tín hữu Rôma và một số người bắt đầu tụ tập nhau vào mỗi tối thứ Sáu để cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Lêô X đã ra lệnh xây dựng lại nhà thờ vào năm 1519.
Ba năm sau vụ hỏa hoạn, Rôma đã bị một trận “Đại dịch hạch”.
Các tín hữu rước kiêu tượng chịu nạn – bấp chấp các lệnh cấm được chính quyền đưa ra một cách dễ hiểu để ngăn chặn sự lây lan bệnh truyền nhiễm. Tượng chịu nạn được mang qua các đường phố của Rôma về phía Nhà thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước kéo dài 16 ngày: từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 8 năm 1522. Thoạt đầu, bệnh dịch có dấu hiệu giảm đi và mọi khu phố đều tìm cách giữ tượng chịu nạn ở lại càng lâu càng tốt.
Cuối cùng, khi thánh giá trở lại nhà thờ, thì bệnh dịch chấm dứt hoàn toàn.
Từ năm 1600, cuộc rước kiệu từ nhà thờ San Marcello đến thánh đường Thánh Phêrô trở thành một truyền thống được lặp lại trong Năm Thánh. Tên các vị Giáo hoàng mở Năm Thánh được ghi ở mặt sau của tượng chịu nạn, cùng với năm mở năm thánh.