Con rắn xưa
Đức Thánh Cha mở đầu như sau: “Con rắn chắc chắn không phải là một con vật dễ thương: nó luôn gắn liền với cái ác. Ngay cả trong mặc khải, ma quỷ cũng đã sử dụng con rắn để gây ra tội lỗi. Trong Sách Khải huyền nó được gọi là ma quỷ, con rắn xưa với những việc làm như: cắn, đầu độc, phá hủy, giết chết”.
Biểu tượng cái ác
“Và đây là những gì đã xảy ra với dân Israel: họ không chịu được cuộc hành trình. Dân mệt mỏi và kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này’. Và dường như vào lúc này Thiên Chúa không chịu đựng được dân nữa. Chúa giận và cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết. Vào thời điểm đó, con rắn luôn là hình ảnh của cái xấu: dân nhìn thấy tội lỗi nơi con rắn, nhìn thấy trong con rắn những điều xấu họ đã làm. Và dân đến nói với ông Môsê: ‘Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi’. Dân đã ăn năn. Đây là câu chuyện trong sa mạc. Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Chúa liền nói với ông: ‘Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống’”.
Lời ngôn sứ
Đức Thánh Cha nói: “Tôi tự hỏi đây có phải là việc thờ ngẫu tượng không? Vì có sự hiện diện của con rắn, một vị thần mang lại cho tôi sức khỏe. Về mặt lý luận, nó không rõ ràng, bởi vì đây là một lời tiên tri, một lời loan báo về những gì sẽ xảy ra. Vì trong Tin Mừng chúng ta cũng đã nghe như một lời ngôn sứ: ‘Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì’. Ông Môsê làm một con rắn và treo nó lên. Chúa Giêsu sẽ được dương lên, giống như con rắn, để ban ơn cứu độ. Nhưng điểm cốt yếu của lời ngôn sứ là chính Chúa Giêsu tự trở nên giống như người tội lỗi vì chúng ta. Ngài không phạm tội. Như thánh Phêrô nói: ‘Ngài gánh lấy tội lỗi chúng ta’. Đây là sự thật, sự thật đến từ Thiên Chúa. Ngài đến thế gian để mang lấy tội lỗi của chúng ta”.
Suy ngẫm, cầu nguyện và tạ ơn
Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên: “Chúng ta hãy tập có thói quen ngước nhìn lên Thánh giá, đó là sự thật hơn cả, đó là ánh sáng của ơn cứu độ. Trong Chúa Giêsu, Đấng mang lấy tội lỗi, chúng ta thấy sự thất bại hoàn toàn của Ngài. Ngài không giả vờ chết, không giả vờ đau khổ, cô đơn, bị bỏ rơi … ‘Lạy Cha, sao Cha bỏ con?’”. Đức Thánh Cha kết luận: “Không dễ để hiểu điều này và, nếu chúng ta suy nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ đi đến một kết luận. Chỉ cần suy ngẫm, cầu nguyện và tạ ơn”.
Ngọc Yến – Vatican