Lá Thư Đặc Trách tháng 5/2020 :
Người Trẻ, Làm Phong Phú Giáo Hội Và Thế Giới
Thế giới và Giáo hội đang đối diện với một cơn thử thách lớn : đại dịch Covid 19. Mọi nỗ lực của nhân loại, những nhân lực và tài lực lớn nhất của thế giới đang được vận dụng để chống lại căn bệnh quái ác này. Mọi sinh hoạt đều bị ngưng trệ, từ kinh tế, thể thao, nghệ thuật, giải trí, giáo dục…, cả chính trị và quân sự và ngay cả sinh hoạt tôn giáo cũng đều phải nhường bước cho nỗ lực chống Covid 19.
Đại dịch như một câu hỏi, như một lời chất vấn : trước vấn đề sự sống và cái chết, mọi lãnh vực khác có còn đủ ý nghĩa không ? Đại dịch như một cơn bão cũng tràn qua Tam Nhật Thánh của Kitô giáo. Có lẽ chưa bao giờ sinh hoạt trung tâm của phụng vụ Kitô giáo lại diễn ra một cách thầm lặng như những ngày này. Thế nhưng, trọng tâm, ý nghĩa chính yếu của Tam Nhật Thánh của Kitô giáo là gì nếu không phải là vấn đề sự sống và cái chết ? Liệu chừng những điều Kitô giáo rao giảng về sự sống và cái chết có dính dáng dáng gì đến cái chết và sự sống rất cụ thể được quyết định do những con virus và những nhân viên y bác sĩ ? Liệu chừng ý nghĩa căn bản của ơn cứu độ Kitô giáo trong những ngày cực thánh này có bị tiêu tan trước mối đe dọa của đại dịch, không khác gì với những sinh hoạt thể thao, giải trí, hoặc kinh tế, giáo dục không ? Có những nhà quí tộc lớn đã tử vong ! có những ngôi sao nghệ thuật tử vong ! Có những nhà giáo dục tử vong ! và có cả bao nhiêu linh mục tử vong ! Đời sống tôn giáo có phải cũng giống như là một chút kim tuyến trang trí thêm cho thân cây sự sống của con người, và khi chính cây sự sống bị đẹ dọa thì những thứ trang trí cũng trở nên hoàn toàn vô nghĩa ?
Đức Giêsu đã cam lòng chịu chết, một cái chết qui tụ tất cả những gì đau thương nhất, tủi nhục nhất, oan uổng nhất. Người ta đã thách thức Chúa : “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào”… “Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền !” (Mt 27, 39.42)
Lời thách thức ấy không khác gì ngày hôm nay, trong cơn đại dịch, có người cho rằng lời cầu nguyện Kitô giáo hoàn toàn vô nghĩa, nếu như không làm cho những con virus chết đi, không làm cho những bệnh nhân nhiễm bệnh được khỏi, hoặc không thấy có một loại thuốc nào được tìm thấy để khắc phục cơn đại dịch.
Thiên Chúa thường không làm những phép lạ hiển nhiên; Ngài thường không đánh phạt những kẻ gian ác cách tỏ tường; Ngài để yên cho bao nhiêu người công chính ngay thẳng chịu thua thiệt hoặc bị hàm oan… Thế giới này có vẻ như vẫn bị thống trị bởi sự ác và sự chết. Thách thức của sự ác đã có lâu đời trong lịch sử nhân loại, và đặc biệt trong cuộc đời đức Giêsu chứ không phải chỉ trong thời hiện nay. Thế nhưng Kitô giáo vẫn luôn đặt niềm tin của mình vào cái chết cứu độ của đức Giêsu, Kitô giáo vẫn không ngừng cử hành Tam Nhật Thánh như một lời công bố niềm xác tín rằng sự sống chiến thắng cái chết, sự thiện chiến thắng cái ác, ánh sáng chiến thắng bóng tối…
Chính trong cơn bão đại dịch Covid 19 này, lời công bố của Kitô giáo, hoặc càng tỏ lộ ý nghĩa chân chính nhất, hoặc trở nên trò lừa đảo lố bịch nhất của lịch sử nhân loại.
Trong cơn đại dịch, chúng ta thấy có những mưu đồ chính trị bỉ ổi hoặc những cuộc tranh cãi chính trị tệ hại; chúng ta có thể thấy những chiêu trò trục lợi kinh tế trơ trẽn; và chúng ta cũng thấy có nhiều thái độ ngang ngược bất chấp hậu quả xẩy ra cho người khác… Đại dịch không chỉ là bệnh tật thể xác, nhưng còn lộ ra bóng tối của thế lực sự dữ đang bủa vây…
Đằng sau cái chết của đức Giêsu là những trò đời chớ trêu. Đức Giêsu đã không xuống khỏi thập giá để vả vỡ mồm những con người phạm thượng. Đức Giêsu sống trọn thái độ của một người công chính, Chúa thực hiện trọn vẹn Thánh ý kỳ lạ của Chúa Cha, Chúa đã thốt lời tha thứ chân thực nhất trong lời cầu nguyện lúc sắp phải chết… Nhìn lại cuộc tử nạn và Phục Sinh của đức Giêsu, chúng ta hiểu ra đâu là sự sống đích thực và đâu là cái chết thực sự.
Chính trong bóng tối đại dịch, chúng ta lại thấy những tia sáng tươi đẹp : những con người tình nguyện xông pha ở tuyến đầu, những con người đã ngã xuống như một vị tử đạo, cả thế giới trở nên như những người lính đi vào một cuộc chiến với sự dữ…, từ gương mặt bơ phờ của cô y tá, từ bước đi vội vã của nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân, từ thái độ trầm lặng của những nhân viên mai táng, từ hình ảnh vị linh mục già chấp nhận nhường máy thở cho bệnh nhân trẻ hơn, từ bước đi khập khiễng của vị Giáo hoàng để đến nơi cầu nguyện, từ những bài hát vang dậy trên ban công ở Ý, từ những tràng vỗ tay động viên nhân viên y tế của những người dân xóm dịch, từ những ổ bánh mì và những phần cơm của nhóm từ thiện, từ bó rau, túi gạo của những mẹ già tiếp tế cho nhân viên chống dịch… và còn nhiều lắm, nhiều lắm những tia sáng tươi đẹp của sự sống vẫn xuyên vào bóng tối sự chết và đang phá tan gốc rễ của dịch bệnh từ căn nguyên tội lỗi, từ căn nguyên là thái độ ác độc của con người.
Không có gì gay go hơn cuộc chiến giữa sống và chết và trọng tâm của Kitô giáo cũng chính là chiến cuộc ấy. Tin Mừng Sự Sống nằm ở trung tâm của sứ điệp Kitô giáo. Sự Chết hay sự Sống đã chiến thắng ? Kitô giáo sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi đứng ngoài cuộc chiến ấy. Người Kitô hữu sẽ phá hủy hoàn toàn ý nghĩa của đời sống đức Tin khi trốn tránh cuộc chiến hôm nay, khi vô tình hay hữu ý đứng về phe sự của bóng tối.
Sự sống không phải chỉ là tồn tại, không phải chỉ là còn thở, tim còn đập… nhưng tất cả mọi sinh hoạt chân chính của con người cũng là biểu lộ một sự sống phong phú : giáo dục, kinh tế, thể thao, nghệ thuật…và tôn giáo; những sinh hoạt chân chính làm cho con người được phát triển và “Nước Cha trị đến, Ý Cha được thể hiện”.
Người trẻ Đa Minh làm phong phú cho thế giới và Giáo hội bằng cách nào nếu không phải là thực hiện Lời Chúa Phục Sinh :
“Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” (Ga 21,6-7)
Ban Biên Tập