Các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ gia tăng trong giới trẻ và trên truyền thông

1. Toà thánh cảnh báo rằng các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông

Các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ gia tăng trong giới trẻ và trên truyền thông

Khóa học thứ 15 tại Ðại học Giáo hoàng Nữ Vương các Tông Ðồ của dòng Ðạo Binh Chúa Kitô, ở Roma sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 31 tháng 10 năm 2020 dành cho các linh mục và giáo dân thuộc các hệ phái Kitô khác nhau.

Trong khóa học này, các tham dự viên sẽ học về những nghi thức xua đuổi tà thần ra khỏi con người, các sinh vật và đồ vật. Kết quả một cuộc nghiên cứu đa ngành về trừ quỷ và kinh nguyện giải thoát, sẽ được trình bày trong dịp này. Tham gia cuộc nghiên cứu có đại học Bologna ở Italia và nhiều chuyên gia quốc tế.

Các phương thức trừ tà vốn có trong mọi nền văn hóa, nhắm thanh tẩy và chữa lành con người. Giáo Hội Công Giáo coi việc trừ tà là một kinh nguyện, xin Chúa giải thoát con người khỏi quyền lực của sự ác. Trừ tà cũng có thể là một mệnh lệnh, nhân danh Chúa Giêsu Kitô truyền cho ma quỉ rời bỏ người bị chúng ám. Giáo hội rút năng quyền thực hiện việc trừ tà từ Kinh thánh Tân ước, noi gương Chúa Giêsu trục xuất ma quỉ.

Việc trừ tà gồm những kinh nguyện, như những công thức chúc lành và thần trú, được thực hiện dưới hình thức đơn sơ phép rửa tội. Theo giáo luật năm 1983, một linh mục chỉ được phép thực hiện nghi thức trừ tà, với sự chấp thuận của Ðức giám mục bản quyền.

Năm nay là năm thứ hai hội nghị trừ tà của Vatican được mở rộng cả cho các giáo hội khác như Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Lutheran, và Tin Lành.

Một trong những đề tài được quan tâm nhiều nhất là sự gia tăng của các nhóm Satan và các thế lực ma quỷ trên thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông xã hội.


Source:Catholic News Agency

2. Tái lập thánh lễ tại ba căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở San Diego.

Do sự can thiệp của Tổng thống Trump và Ðức Tổng giám mục Timothy Broglio, thuộc Tổng giáo phận quân đội Mỹ, Bộ Hải quân Hoa Kỳ đã thu hồi quyết định bãi bỏ các thánh lễ Công Giáo tại ba căn cứ hải quân Mỹ, ở thành phố San Diego, bang California.

Hồi giữa tháng Tám năm 2020, Bộ Hải quân đã thông báo cho các linh mục dân sự quyết định ngưng hợp đồng với các vị về việc đến dâng lễ cho các tín hữu Công Giáo tại ba căn cứ nói trên. Với biện pháp này, Bộ Hải quân sẽ tiết kiệm được 250,000 Mỹ kim mỗi năm.

Nỗ lực này của Hải quân nhằm cắt giảm chi phí bằng cách hủy hợp đồng của một số linh mục Công Giáo đã vấp phải chống đối của Tổng thống Donald Trump.

Hôm thứ Tư, 9 tháng 9, tổng thống Trump tweet như sau:

“Hải quân Hoa Kỳ, hay Bộ Quốc phòng, sẽ KHÔNG hủy hợp đồng với các Linh mục Công Giáo, những người phục vụ rất tốt cho những người nam nữ của chúng ta trong Lực lượng Vũ trang, với lòng nhân ái và kỹ năng tuyệt vời như vậy. Đây thậm chí sẽ không còn là một điểm có thể đưa ra thảo luận được nữa!”

Tại Mỹ, 20% quân nhân là tín hữu Công Giáo, nhưng con số các linh mục tuyên úy quân đội ở tỷ lệ ít hơn nhiều. Vì thế, các linh mục tuyên úy thường được cử đi theo các đoàn quân hoặc các căn cứ quân đội Mỹ ở hải ngoại, và có nhiều căn cứ trong nước không có linh mục tuyên úy quân đội thường trú. Bù lại, các linh mục dân sự được mời đến dâng thánh lễ theo hợp đồng.

Trước quyết định bãi bỏ hợp đồng trên đây, Ðức Tổng giám mục Broglio đã làm việc với vị Tuyên úy trưởng của Hải quân Mỹ, để liên hệ với các vị hữu trách, yêu cầu xét lại quyết định. Ðức Tổng giám mục nói rằng số tiền 250,000 Mỹ kim, do việc hủy bỏ hợp đồng chỉ là một con số rất nhỏ, vào khoảng hơn một phần 100,000 ngân sách của Hải quân Mỹ (0.000156%), so với con số đông đảo các tín hữu Công Giáo phục vụ trong ngành hải quân. Ngài nói: “Thật là khó đo lường vấn đề: điều khoản căn bản thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về tự do tôn giáo bị thương tổn thế nào, trong việc áp dụng cho nhóm tín hữu đông nhất trong hải quân chỉ vì số tiền bé nhỏ như vậy”.

Hôm 8 tháng 9 năm 2020, Phó Ðề đốc Bette Bolivar /bét bo-lơ-va/, chỉ huy trưởng quân khu hải quân tây nam Hoa Kỳ, thông báo quyết định “tiếp tục hợp đồng về việc mục vụ tôn giáo như từ trước đến nay với các linh mục Công Giáo. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thẩm định xem đâu là điều tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của các thủy quân của chúng tôi và gia đình họ trong vùng”.

Ðức Tổng giám mục Timothy Broglio cũng bày tỏ hài lòng với quyết định tiếp tục các thánh lễ tại ba căn cứ hải quân ở San Diego. “Các tín hữu Công Giáo trong Hải quân và các nơi ở Mỹ, vui mừng vì quyết định của Hải quân xét lại việc chấm dứt các chương trình Công Giáo tại các căn cứ hải quân ở California”.


Source:Catholic News Agency

3. Động tác giả của Belarus: Mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm trong khi cấm Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz về nước

Belarus đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm nước này trong cuộc hội đàm với một Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vladimir Makei cho biết trước đây Belarus đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm nước này, và lời mời này vẫn được để ngỏ trong bối cảnh căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo địa phương và chính phủ.

Tổng thống Alexander Lukashenko đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Belarus trong chuyến công du tới Vatican vào năm 2016.

Ông Makei đã gặp Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia của Vatican, một tuần sau khi nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Belarus bị chặn ở biên giới không cho trở về quê hương.

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, một công dân Belarus, đã bị lính biên phòng ngăn cản khi ngài trở về Belarus hôm 31 tháng 8 sau một chuyến đi đến Ba Lan.

Ông Makei nói với Đức Tổng Giám Mục Gallagher: “Chuyến thăm của ngài chứng tỏ rằng Belarus và Tòa thánh có quan hệ đặc biệt hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi hài lòng với sự năng động trong sự phát triển các mối quan hệ ở cấp độ cao và cao nhất.”

Ngoại trưởng cho biết Belarus và Tòa thánh rất thích hợp tác ở mức độ cao tại Liên hợp quốc vì các giá trị được chia sẻ. Ông cảm ơn Vatican đã hỗ trợ Liên hiệp chống buôn người, một hiệp hội gồm các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được thành lập theo sáng kiến của Belarus vào năm 2010.

“Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với Tòa thánh. Chúng tôi mong muốn phát triển và tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực,” ông Makei nói.

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh xác nhận vào ngày 11 tháng 9 rằng Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã đến Belarus. Tòa Thánh nói rằng Đức Tổng Giám Mục dự định “bày tỏ sự quan tâm và gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Giáo Hội Công Giáo và cả đất nước,” và nói thêm rằng chương trình của Đức Tổng Giám Mục Gallagher sẽ bao gồm “các cuộc họp với chính quyền dân sự và những nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.”

Truyền thông nhà nước Belarus cho biết, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới quốc gia Đông Âu, nơi bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào ngày 9 tháng 8.

Lukashenko tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu. Người thách thức ông, Sviatlana Tsikhanouskaya, đã phàn nàn với các quan chức bầu cử sau khi họ nói rằng bà chỉ giành được 10% số phiếu bầu. Lo sợ bị bỏ tù, bà trốn sang nước láng giềng Litva. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra, các nhà chức trách đã bắt giữ các thủ lĩnh phe đối lập khác, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Belarus, đã lên tiếng bảo vệ những người biểu tình sau khi họ bị cảnh sát tấn công sau cuộc bầu cử.

Tuần này, có thông tin cho rằng buổi phát sóng Thánh lễ Chúa Nhật từ Nhà thờ Thánh Danh Đức Maria ở Minsk đã bị tắt sóng trên đài phát thanh toàn quốc lớn nhất ở Belarus.

Đức Cha Yuri Kasabutsky, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Minsk-Mogilev, nói rằng việc ngừng phát sóng đột ngột cho thấy chính quyền đang cố gắng “gây áp lực” lên Giáo Hội Công Giáo.

Hôm thứ Sáu, những người Công Giáo ở thủ đô Minsk, đã tổ chức các Chặng Đàng Thánh giá trên toàn thành phố để cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz được trở về Belarus.

Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus đưa tin hôm 11 tháng 9 rằng Đức Cha Kasabutsky đã nói chuyện với những người tham gia, rằng: “Chúng tôi sẽ đi theo con đường này của Đấng Cứu thế cho sự tự do của Giáo hội ở Belarus, cho sự trở lại của Đức Tổng Giám Mục chúng ta, cho công lý, thiện ích và hòa bình trên đất nước ta.”


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *