Biến cố đáng kinh ngạc vừa diễn ra tại Vatican liên quan đến Đức Hồng Y Angelo Becciutican

1. Sóng gió chung quanh việc từ chức và từ bỏ các quyền hạn Hồng Y của Đức Hồng Y Becciu

Đức Hồng Y Angelo Becciu, người cho đến hôm thứ Năm 24 tháng 9 là Tổng trưởng Bộ Phong thánh của Vatican, đã từ chức, và trong một động thái cực kỳ hiếm hoi, đã tuyên bố từ bỏ các quyền hạn dành cho cho các thành viên trong Hồng Y Đoàn.

Vị Hồng Y này trước đây đã từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và có liên quan đến một cuộc điều tra đang diễn ra về tình trạng bất minh về tài chính tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Một thông cáo từ văn phòng báo chí Tòa Thánh vào tối thứ Năm, theo giờ Rôma, cho biết: “Hôm nay, Thứ Năm, 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và từ bỏ các quyền liên hệ với tước hiệu Hồng Y, do Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu trình lên ngài.”

Về mặt kỹ thuật, ngài vẫn là một Hồng Y, và thông báo của Vatican không mô tả cụ thể ngài đã từ bỏ những quyền gì. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận một sự từ bỏ tương tự từ Đức Hồng Y Keith O’Brien người Tô Cách Lan. Vào năm 2013, vị Hồng Y này đã phải thừa nhận các hành vi sai trái tình dục. O’Brien sau đó đã không tham dự các sự kiện công cộng của Giáo Hội, và không đủ điều kiện để tham gia mật nghị bầu Giáo Hoàng sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị hôm 11 tháng 2, 2013.

Động thái này thật bất ngờ và dường như không được dự trù. Theo một thông báo trước đó, Đức Hồng Y Becciu sẽ chủ trì việc phong chân phước cho Bậc Đáng Kính Carlo Acutis, diễn ra tại Assisi ngày 10 tháng 10.

Đức Hồng Y Becciu từng là “sostituto” tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay nhân vật thứ hai tại Phủ Quốc vụ khanh, từ năm 2011 đến năm 2018, khi Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng Y cho ngài và chuyển ngài đến Bộ Tuyên Thánh. Trong thời gian làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ngài có liên quan đến một số vụ tai tiếng tài chính, gần đây nhất là vụ đầu tư hàng trăm triệu euro của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với doanh nhân người Ý Rafaelle Mincione và vụ mua một tòa nhà ở Luân Đôn gây ra những tranh cãi.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trước đây đã báo cáo rằng một phần đáng kể trong số 200 triệu đô la được sử dụng để tài trợ cho việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một khu phát triển sang trọng tại số 60 Đại lộ Sloane từ khoản tín dụng do BSI, một ngân hàng Thụy Sĩ có bề dày thành tích vi phạm rửa tiền và gian lận trong việc đối phó với các biện pháp bảo vệ trong giao dịch với các quỹ tài sản của các nước.

CNA cũng đã báo cáo rằng vào năm 2015 Đức Hồng Y Becciu bị cáo buộc đã cố gắng che giấu các khoản vay trên bảng cân đối kế toán của Vatican bằng cách cấn sang vụ mua một bất động sản ở khu phố Chelsea của Luân Đôn, đó là một thủ tục kế toán bị nghiêm cấm bởi các chính sách tài chính mới được Đức Thánh Cha Phanxicô phê duyệt vào năm 2014.

Các cáo buộc cố gắng che giấu các khoản cho vay ngoài sổ sách đã bị phát hiện bởi Bộ Kinh tế Tòa Thánh, khi đó do Đức Hồng Y George Pell lãnh đạo. Các quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế nói với CNA rằng khi Đức Hồng Y Pell bắt đầu yêu cầu đòi hỏi các chi tiết liên quan đến các khoản vay, đặc biệt là những khoản liên quan đến BSI, Tổng giám mục Becciu khi đó đã gọi Đức Hồng Y vào Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để “khiển trách”.

Đức Hồng Y Becciu trước đó đã bảo vệ vụ đầu tư bất động sản tại Luân Đôn như “thực hành chấp nhận được”, mặc dù các công tố viên Vatican đã mở các cuộc lục soát văn phòng của một số cộng tác viên gần gũi nhất với Đức Hồng Y Becciu trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và thậm chí đã bắt giữ một trong những nhà kinh doanh có liên quan.

CNA cũng đã báo cáo rằng Đức Hồng Y Becciu có liên quan đến một loạt các sự kiện phức tạp và các giao dịch tài chính xung quanh việc mua Istituto Dermopatico dell’Immacolata (IDI), một bệnh viện ở Ý đã sụp đổ vào năm 2013 với khoản nợ 800 triệu euro.

Năm 2016, Đức Hồng Y Becciu là người được tường trình đã ngăn chặn các cải cách tài chính tại Vatican do Đức Hồng Y George Pell khởi xướng. Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho Bộ Kinh Tế mới được thành lập thẩm quyền giám sát tài chính, Đức Hồng Y Becciu đã can thiệp khi Bộ này lên kế hoạch thuê PriceWaterhouseCooper kiểm toán tất cả các bộ phận của Vatican.

Đơn phương và không được sự cho phép của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Becciu đã hủy bỏ cuộc kiểm toán và thông báo trong một bức thư gửi đến tất cả các cơ quan của Vatican rằng cuộc kiểm toán này sẽ không diễn ra.

Khi Đức Hồng Y Pell phản đối trong nội bộ về việc hủy bỏ cuộc kiểm toán, Đức Hồng Y Becciu đã cố gắng thuyết phục Đức Thánh Cha Phanxicô và cuộc kiểm toán không bao giờ diễn ra.

Năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Becciu cũng chịu trách nhiệm về việc sa thải Tổng kiểm toán đầu tiên của Vatican, ông Libero Milone.

Milone bị Tổng Giám Mục Becciu sa thải trong một diễn biến đầy kịch tính. Đức Tổng Giám Mục Becciu đã cáo buộc kiểm toán viên này “do thám” tài chính các quan chức cấp cao, bao gồm cả chính ngài. Tổng Giám Mục Becciu lúc đó đã đe dọa sẽ truy tố hình sự Milone nếu ông không đồng ý rời văn phòng Vatican một cách lặng lẽ.

Milone khẳng định rằng ông đã bị sa thải vì “làm quá tốt” công việc của mình, và vì ông và công việc cải cách của Bộ Kinh tế bị coi là mối đe dọa đối với quyền tự chủ và hoạt động kinh doanh của các quan chức lâu năm của giáo triều. Anh ta nói rằng anh ta đã bị sa thải vì những cáo buộc ngụy tạo sau khi anh ta phát hiện được các bằng chứng về hành vi sai trái tài chính dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Becciu.

Cũng trong năm 2017, Tổng Giám Mục Becciu đã tham gia vào một chuỗi sự kiện phức tạp liên quan đến vị lãnh đạo tối cao của dòng Malta, kết thúc với việc Hiệp Sĩ Tối cáo của dòng này bị phế truất, và Tổng Giám Mục Becciu được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng chịu trách nhiệm điều hành tạm thời dòng này.

Trung tâm của cuộc tranh cãi đó là những cáo buộc rằng các quan chức tài chính của Vatican đã rút hơn 30 triệu euro từ khoản thu trị giá 120 triệu euro được giữ trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, để giảm bớt các khó khăn thu chi.

Vào tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tổng Giám Mục Becciu làm đặc sứ của ngài để giám sát việc cải cách “tinh thần và đạo đức” của Dòng Malta, đặc biệt chú ý đến các thành viên đã khấn dòng. Không rõ liệu với tình cảnh hiện nay, ngài có tiếp tục vai trò này hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong Tổng Giám Mục Becciu làm Hồng Y vào ngày 28 tháng 6 năm 2018. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh vào ngày 31 tháng 8 năm 2018 và đã chính thức chấm dứt chức vụ này ngày 24 tháng 9, 2020.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Pell cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi Đức Hồng Y Becciu từ chức

Hôm thứ Sáu 25 tháng 9, Đức Hồng Y George Pell đã cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi Đức Hồng Y Angelo Becciu từ chức trong một diễn biến đầy kịch tính.

Đức Hồng Y George Pell, nguyên Tổng trưởng Bộ Kinh tế

Trong một tuyên bố gửi cho CNA ngày 25 tháng 9, cựu Tổng trưởng Bộ Kinh tế Vatican cho biết: “Đức Thánh Cha đã được bầu để thanh lọc nền tài chính của Vatican. Ngài chơi trong một trận đấu dài và sẽ được cảm ơn và chúc mừng về những phát triển gần đây.”

Đức Hồng Y đã đưa ra tuyên bố từ Sydney, Australia, nơi ngài đang sống sau khi được Tòa án Tối cao Australia tuyên bố trắng án vào tháng 4 đối với những lời cáo gian tội lạm dụng tình dục. Ngài đã trải qua 13 tháng biệt giam sau khi nhận bản án 6 năm tù sau một phiên tòa ở Melbourne, Victoria.

“Tôi hy vọng việc thanh lọc sẽ tiếp tục tại cả Vatican và Victoria,” Đức Hồng Y Pell nói.

Đức Hồng Y Becciu đã từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh ngày 24 tháng 9 và từ bỏ các đặc quyền dành cho các thành viên của Hồng Y Đoàn.

Vị Hồng Y này trước đây từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican, và có liên quan đến một cuộc điều tra đang diễn ra về tình trạng bất minh tài chính tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hai Đức Hồng Y Pell và Becciu đã xung đột về việc cải cách tài chính của Vatican.

Đức Hồng Y Becciu đã tổ chức một cuộc họp báo tại Rome vào ngày 25 tháng 9, tại đó ngài khẳng định sự vô tội của mình liên quan đến các hành vi sai trái về tài chính.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Becciu buộc phải từ chức, tự bào chữa mình vô tội và sẽ trưng bằng chứng

Việc Đức Phanxicô sa thải Hồng Y Becciu, một trong những Hồng Y được ngài sủng ái, vì tham nhũng, đang gây xôn xao dư luận, vui hơn buồn nhiều lắm. Nó khiến người ta kết luận rằng cuộc cải tổ tài chánh của Vatican do Đức Phanxicô khởi xướng và Đức Hồng Y Pell thực thi đã có kết quả cụ thể.

Rocco Palmo là người lưu ý đến khía cạnh “bi đát” của việc sa thải lần này khi gợi lại câu trả lời của Đức Phanxicô cho câu hỏi của tờ báo La Nación ở Argentina năm 2016 rằng một chìa khóa trong phong thái cai quản của ngài là “tôi không chém đầu ai cả. Tôi không bao giờ thích làm thế”. Nhưng lần này, ngài quả đã “chém đầu” người ngài vẫn tin tưởng hết mình lâu nay, Hồng Y Becciu.

Thực thế, theo Gerard O’Connell của tạp chí America, trong cuộc họp báo do ông triệu tập ngày 24 tháng 9, Hồng Y Becciu cho các ký giả hay: trong buổi yết kiến bình thường lúc 6 giờ 02 chiều, vừa gặp nhau, Đức Phanxicô đã làm ông chưng hửng khi thẳng thừng nói rằng “tôi không tin anh nữa!” vì “tội biển thủ” dựa vào phán kết của các thẩm phán.

Bất chấp các giải thích của Becciu, Đức Phanxicô vẫn yêu cầu ông từ chức bộ trưởng Bộ Phong Thánh và từ bỏ các quyền lợi gắn liền với tước Hồng Y.

Tạp chí Crux thì cho hay trong một cuộc họp báo ứng khẩu, một ngày sau khi bị sa thải, Hồng Y Becciu cho rằng mình vô tội và sẽ chứng minh sự vô tội này nếu có cơ hội.

Hồng Y Becciu cho hay “Đức Thánh Cha bảo tôi rằng tôi ban ân huệ cho anh em tôi và các công ty của họ bằng tiền của Phủ Quốc Vụ Khanh”.

Tiền ấy là tiền của Quĩ “Đồng Tiền Thánh Phêrô” do Phủ Quốc Vụ Khanh quản lý. Quĩ này do tiền quyên góp hàng năm khắp thế giới Công Giáo để trợ giúp Đức Thánh Cha trong các hoạt động của ngài, nhất là các hoạt động bác ái.

Theo tạp chí America, Đức Giáo Hoàng giải thích cho Hồng Y Becciu rằng “các thẩm phán của Vatican, dựa vào một cuộc điều tra của cơ quan Bảo vệ Tài Chánh Ý Đại Lợi, đã thông tri cho ngài hay: Hồng Y Becciu đã phạm ‘tội biển thủ’. Theo các thẩm phán, tội này phạm lúc Hồng Y đang giữ chức ‘Phó tại Phủ Quốc Vụ Khanh’ hay chánh văn phòng, khi ông chuyển 100,000 euros từ qũy của Phủ Quốc Vụ Khanh qua cơ quan Caritas ở giáo phận nhà Ozieri ở Sardinia vì lợi ích của một hợp tác xã có liên hệ với Caritas…

Điều rắc rối là em trai Hồng Y là chủ tịch của hợp tác xã đó. Thành thử tội danh là biển thủ và tạo ân huệ cho một thành viên của gia đình mình. Như trên đã nói, Hồng Y giải thích cho Đức Giáo Hoàng hay: tiền ấy không phải gửi cho em trai ông, mà cho công trình của Caritas. Đức Giáo Hoàng “không mua” giải thích ấy.

Hồng Y Becciu sau đó, cho báo chí hay ông tin có sự hiểu lầm về khoản chuyển ngân 100,000 euros nói trên. Vả lại, ông chưa bao giờ được cơ quan Bảo Vệ Tài Chánh Ý Đại Lợi hay các thẩm phán Vatican chất vấn về khoản chuyển ngân này. Đàng khác, sau khi gặp Đức Giáo Hoàng, ông gọi điện thoại cho em trai và Giám Mục Ozieri, cả hai xác nhận số tiền 100,000 euros đó vẫn còn trong trương mục của Caritas, chưa trao cho hợp tác xã. “Tiền bạc còn đó, mọi sự đều có tài liệu”.

Theo tạp chí America, thực ra về Hồng Y Becciu, còn nhiều chuyện khác chưa được công khai hóa: vụ mua bất động sản ở London; vụ dùng ảnh hưởng khiến Hội Đồng Giám Mục Ý cấp trợ khoản 300,000 euros cho cùng hợp tác xã nói trên ở Sardinia; cho em trai được hợp đồng tái trang bị tòa sứ thần Tòa Thánh ở Angola và Cuba lúc Hồng Y làm sứ thần ở những nơi đó; và những vụ cản trở Đức Hồng Y Pell thực thi cuộc cải tổ tài chánh của Tòa Thánh, một việc sẽ có nhiều hệ lụy vang dội không những ở Vatican mà còn ở Tiểu Bang Victoria, Úc, với một ông Thủ Hiến thù nghịch Đức Hồng Y Pell ra mặt, sau khi Đức Hồng Y Pell được trắng án.

Tạp chí Crux tường thuật rằng Hồng Y Becciu rất “‘ngỡ ngàng’ trước các biến cố 24 giờ qua, nói rằng cho đến hôm thứ Năm, ‘tôi cảm thấy như là một người bạn của Đức Giáo Hoàng’”.

Nên đó quả “là một cú đấm đối với tôi và gia đình tôi, người dân của thành phố tôi”. Ông nhấn mạnh ông không bao giờ “ăn cắp một đồng xu”, do đó, “sự thật sẽ đến”.

Theo Crux, hệ lụy của việc sa thải này là Hồng Y Becciu sẽ không chủ tọa nghi thức phong chân phúc cho Mẹ Maria Luigia Velotti ngày 26 tháng 9 tại Naples. Nghi thức này sẽ do Đức Tổng Giám Mục của Naples, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, chủ tọa.

Còn về Hội Hiệp Sĩ Malta, người ta không biết chuyện gì sẽ xẩy tới. Tháng Hai năm 2017, Becciu được Đức Phanxicô cử làm đặc sứ để giám sát cuộc cải tổ Hội này và hiến pháp của nó sau một cuộc tranh chấp nội bộ dẫn đến việc từ chức của Đại Hiệp Sĩ. Hội này dự trù sẽ có cuộc bầu cử tân Đại Hiệp Sĩ vào tháng 11 sau cái chết của vị lãnh đạo mới nhất, Fra’ Giacomo Dalla Torre, vào tháng Tư.

Trong khi đó, theo tạp chí Crux, trong một tuyên bố, gia đình Becciu cho biết các phúc trình về sai trái tài chính liên quan tới các người thân của họ đều “không có cơ sở và sai lạc một cách ác ý, nhất là các phúc trình, tưởng tượng và không có bằng chứng, liên quan tới các khoản cho là quyên góp của quĩ Đồng Tiền Thánh Phêrô và được chuyển cho các thành viên của gia đình Hồng Y hay cho các thực thể tư được gán cho một số họ”.

Bản tuyên bố viết “không khoản tiền nào đã được Đồng Tiền Thánh Phêrô chi trả, cũng không có sự can thiệp nào được minh chứng cho các việc làm khác hơn là việc làm bác ái đã đến với giáo phận Ozieri, Caritas giáo phận và qua nó, tới Hợp Tác Xã Spes”. Thành thử các lời đồn thổi “là sai lạc và do đó là vu khống, xúc phạm và hạ nhân phẩm”.


Source:Crux

4. Một nữ tu có tên trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

Trong danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất năm 2020 do báo Time chọn có sơ Norma Pimentel, nổi tiếng về hoạt động trợ giúp người di dân ở biên giới Hoa Kỳ – Mexico, gần thành phố Brownsville, bang Texas.

Sơ Pimentel thuộc dòng các Nhà Truyền giáo của Chúa Giêsu, là giám đốc điều hành của Tổ chức bác ái Công Giáo ở Thung lũng Rio Grande, nơi sơ điều hành một cơ sở cư trú lớn cho những người di cư đã được thả khỏi những nơi canh giữ người nhập cư.

Trước đây, sơ Pimentel đã kêu gọi chấm dứt chính sách “Ở lại Mexico”. Chính sách này yêu cầu những người xin tị nạn phải ở lại bên kia biên giới cho đến khi trường hợp của họ được quyết định.

Sau khi chính sách được áp dụng, sơ Pimentel đã chuyển các hoạt động của mình sang phía biên giới Mexico và hiện đang hỗ trợ những người đang ở trong trại di cư ở Matamoros.

Trên Facebook, hôm 22/9, sơ Pimentel cho biết sơ cảm thấy “vinh dự” khi được lọt vào danh sách, và nói thêm rằng sơ tin rằng việc sơ được chọn vào danh sách “là sự nhìn nhận công việc mà chúng tôi làm tại đây, ở biên giới này. Ðó là khôi phục nhân phẩm cho những người khốn khổ”.

Sơ nói thêm: “Ðó là sự nhìn nhận lòng hảo tâm của người dân Thung lũng Rio Grande và từ khắp nước Mỹ. Chúng tôi cùng nhau nhận ra rằng mình có trách nhiệm. Chúng ta là một dân tộc của Chúa, những người được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa trong chính chúng ta và nơi những người khác”. “Khi chúng ta nhìn thấy sự đau khổ của con người, chúng ta không thể quay lưng lại, chúng ta phải đáp lời. Tôi hy vọng rằng sự công nhận này sẽ giúp hiểu biết hơn và giúp mọi người thấy rõ hơn những gì chúng ta có thể làm để tôn trọng mọi sự sống con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.”

Danh sách đầy đủ của Time 100 người năm 2020 sẽ được công bố vào ngày 5 tháng 10 năm 2020, trên tạp chí tin tức hàng tuần và sẽ bao gồm các nhân vật như Tổng thống Ðài Loan Thái Anh Văn; Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm; Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro; và Tổng trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ William Barr.


Source:Time

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *