1. Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý vẫn còn trong tình trạng nguy kịch
Tình hình của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã được cải thiện một chút và ngài đã được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch kể từ khi bị nhiễm coronavirus. Đức Cha phụ tá của ngài cho biết như trên vào chiều thứ Sáu.
“Chúng tôi hoan nghênh tin tức theo đó Đức Hồng Y Tổng Giám mục Gualtiero Bassetti của chúng tôi đã rời phòng chăm sóc đặc biệt” tại bệnh viện Santa Maria della Misericordia, Đức Cha Marco Salvi, Giám Mục Phụ Tá của Perugia, miền bắc nước Ý cho biết như trên. Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng tình trạng của vị Hồng Y “vẫn còn nghiêm trọng và cần một dàn đồng ca những lời cầu nguyện”.
Trước đó vào sáng thứ Sáu, bản tin hàng ngày của bệnh viện đã báo cáo tình trạng của Đức Hồng Y Bassetti “có chút cải thiện”, nhưng cảnh báo rằng “tình trạng lâm sàng của ngài vẫn còn nghiêm trọng và vị Hồng Y cần được theo dõi liên tục và chăm sóc thích hợp.”
Vị Tổng giám mục 78 tuổi của Perugia, được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm lãnh đạo Hội đồng Giám mục Ý vào tháng 5 năm 2017, đã được chẩn đoán mắc phải Covid-19 vào ngày 28 tháng 10 và phải nhập viện vào ngày 3 tháng 11 trong tình trạng rất nghiêm trọng. Ngài được đưa ngay vào phòng “Chăm sóc Đặc biệt 2” tại bệnh viện Perugia.
Sau khi tình trạng của ngài trở nên trầm trọng hơn, vào ngày 10 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Đức Cha Salvi, là người cũng đã mắc bệnh COVID19 nhưng vẫn không có triệu chứng, để hỏi về tình trạng của vị Hồng Y và cầu nguyện cho ngài.
Mặc dù có chút cải thiện và thực tế là vị Hồng Y vẫn tỉnh táo và nhận thức được, “cần phải tiếp tục cầu nguyện không ngừng cho người chủ chăn của chúng ta, cho tất cả những bệnh nhân và cho các nhân viên y tế chăm sóc họ,” Đức Cha Salvi nói. “Đối với những nhân viên y tế này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn và đánh giá cao những gì họ đã làm hàng ngày trong việc xoa dịu nỗi khổ của rất nhiều bệnh nhân.”
Source:Catholic News Agency
2. Tin Đức Giáo Hoàng gọi điện chúc mừng ông Joe Biden là tin giả
Tin Đức Giáo Hoàng gọi điện chúc mừng ông Joe Biden xuất phát từ hãng tin Ý Zenit là tin giả.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan này tung ra các tin giả chết người.
Xin được mạn phép nhắc lại một câu chuyện tiêu biểu.
Trong một bản tin ngày 19 tháng 8, 2013 hãng tin Công Giáo Ý Zenit, cho biết một người nào đó đã đến thăm Đức Bênêđíctô “vài tuần trước” đã hỏi ngài tại sao lại từ chức. “Chúa bảo tôi làm như vậy”, vị giáo hoàng đã nghỉ hưu được trích dẫn là đã trả lời trước khi “ngay lập tức làm rõ rằng đó không phải là một hiện tượng thuộc loại hiện ra, nhưng là ‘một kinh nghiệm thần bí’ trong đó Chúa đã làm nảy sinh trong lòng ngài “mong muốn tuyệt đối” được cô độc với Chúa trong lời cầu nguyện”.
Khi Đức Bênêđíctô tuyên bố từ chức vào ngày 11 tháng Hai, 2013, ngài nói rằng ngài đã làm như vậy sau khi cầu nguyện nhiệt thành và rằng ngài dự định sẽ sống phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và học tập.
Một số quan chức Vatican và những người theo dõi sát tình hình tại Vatican đã rất ngạc nhiên trước báo cáo của Zenit về việc Đức Bênêđíctô nói với một du khách ẩn danh rằng quyết định của ngài là kết quả của một “kinh nghiệm thần bí” phi thường chứ không phải là một quyết định được đưa ra sau một thời gian dài suy nghĩ cẩn thận và cầu nguyện sâu sắc.
Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng lâu năm của Đức Bênêđíctô XVI đã nghỉ hưu, cho biết câu chuyện Đức Bênêđíctô từ chức sau một “trải nghiệm thần bí” hoàn toàn là chuyện thêu dệt.
“Nó được thêu dệt từ alpha đến omega,” Đức Tổng Giám Mục cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Canale 5 của Ý và nhấn mạnh rằng “Chẳng có chút sự thật nào trong bài báo đó.”
Tương tự như tin Đức Bênêđíctô sau khi trải qua “một kinh nghiệm thần bí” bèn từ chức, là tin Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện chúc mừng ông Joe Biden.
Ngày 14 tháng 12, cử tri đoàn mới chính thức bầu tổng thống. Danh hiệu “tổng thống” hiện nay của ông Joe Biden là do báo chí phong cho. Chưa chắc là thật. Đức Thánh Cha Phanxicô trên cương vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn nhất hoàn cầu không làm chuyện tếu lâm như thế.
Lại nữa, khi hai bên vẫn còn tranh chấp, khi vội vã công nhận một bên, Đức Thánh Cha làm mếch lòng ít nhất là 70 triệu người Mỹ đã bầu cho Donald Trump, trong đó có không ít những người Công Giáo. Đức Thánh Cha không làm như thế.
Trước áp lực của các phương tiện truyền thông Công Giáo khác, để chữa thẹn, Zenit, đã ra một thông báo đính chính ngay trên trang nhất với nội dung như sau:
“Một cuộc điện đàm giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Joe Biden, diễn ra hôm qua, ngày 12 tháng 11 năm 2020, Vatican đã xác nhận với ZENIT English.
Văn phòng Báo chí Tòa thánh không thể xác nhận nội dung cuộc gọi cũng như ai đã gọi cho ai.
Kết quả bầu cử của Hoa Kỳ đã làm dấy lên căng thẳng ở Hoa Kỳ khi Chính quyền Trump đang chính thức tranh chấp người chiến thắng, cáo buộc rằng việc kiểm phiếu ở các bang quan trọng không được thực hiện hợp pháp.
Các Giám mục Hoa Kỳ đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Joe Biden trong một tuyên bố.”
Đến đây, hầu chắc có thể xác định rằng: Câu chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô nhấc phone gọi điện thoại chúc mừng ông Joe Biden “được thêu dệt từ alpha đến omega”. Ngài không làm chuyện tếu lâm như thế. Có chăng là ông Joe Biden tự ý gọi cho Đức Thánh Cha.
Ngay trong bản đính chính cụm từ “Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Joe Biden” của Zenit cũng không đúng sự thật. Cho đến nay vẫn chưa có một quyết định chính thức của General Services Administration rằng ông Biden đã thắng cuộc bầu cử.
[1]Source:National Catholic Reporter
Source:Zenit
3. Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ Tư tại Vatican
Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.
Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên diễn ra hôm 19 tháng 11, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ. Dịp này, Tòa Thánh hy vọng rằng tất cả các giáo xứ trên thế giới sẽ thực hiện những hoạt động tương tự như thế.
Năm nay là năm thứ Tư ngày Thế giới Người nghèo được tổ chức. Chủ đề của năm nay là “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó.”
Trong cuộc họp báo online sáng ngày 12 tháng 11, Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, cho biết nhân Ngày Thế giới Người nghèo, Ðức Thánh Cha Phanxicô, theo thông lệ, sẽ cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô vào lúc 10 giờ sáng.
Vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus, Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô, như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, chỉ có khoảng 100 người đại diện cho những người nghèo trên thế giới được tham dự, cùng với các tình nguyện viên và ân nhân. Một số người trong họ đã đọc các bài Sách Thánh.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Dụ ngôn chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng làm sáng tỏ sự khởi đầu, trung tâm và sự kết thúc cuộc đời của chúng ta. Mọi thứ được bắt đầu với một điều rất tốt đẹp. Cuộc sống của chúng ta bắt đầu với ân sủng của Thiên Chúa, vào lúc đó mỗi người chúng ta được giao phó những tài năng khác nhau.
Chúng ta sở hữu một khối tài sản lớn không phụ thuộc vào những gì chúng ta chiếm hữu được trên thế gian này nhưng phụ thuộc vào những gì chúng ta là. Chúng ta là con cái Chúa với cuộc sống mà chúng ta đã nhận được, những điều tốt lành bên trong chúng ta, và vẻ đẹp không thể xóa nhòa mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bằng cách tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài.
Chúng ta thường nói “giá như mà”. Đó là một cám dỗ rất lớn khi chỉ nhìn thấy những gì chúng ta thiếu trong cuộc sống, chẳng hạn giá như mà chúng ta có một công việc tốt hơn hoặc có nhiều tiền hơn.
“Giá như mà” là những lời hão huyền, khiến chúng ta không đánh giá cao tài năng của mình và sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Chúa yêu cầu chúng ta tận dụng tối đa khoảnh khắc hiện tại, không khao khát quá khứ, nhưng chăm chỉ chờ đợi sự trở lại của Ngài.
Trọng tâm của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta công việc của những người tôi tớ, nói cách khác là công việc phục vụ.
Sự phục vụ là điều làm cho tài năng của chúng ta đơm hoa kết trái và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Những ai không sống để phục vụ, chỉ có thể phục vụ rất ít trong cuộc sống này.
Tin Mừng nói rõ rằng các tôi tớ trung thành là những người phải dám chấp nhận rủi ro.
Khi không bám víu vào những gì họ có, những người đầy tớ trung tín sử dụng tài năng của họ một cách tốt đẹp và không sợ hãi hay quá lo lắng.
Nếu sự tốt lành không được đầu tư, nó sẽ mất đi, và sự vĩ đại của cuộc đời chúng ta không đo bằng số tiền chúng ta tiết kiệm được mà bằng thành quả chúng ta sinh ra.
Một cuộc sống tập trung vào việc tích lũy tài sản, hơn là làm điều tốt, là một cuộc sống trống rỗng. Lý do chúng ta nhận được ân sủng là để chúng ta có thể là ân sủng cho người khác.
Vậy thì chúng ta phục vụ nên như thế nào, Chúa muốn chúng ta phục vụ ra sao?
Theo câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu, người chủ nói với người đầy tớ thiếu đức tin đã chôn vùi tài năng của mình rằng đáng lẽ anh ta nên đầu tư tiền của mình với “chủ ngân hàng” để kiếm lãi.
Những chủ ngân hàng đó là những người nghèo.
Người nghèo bảo đảm cho chúng ta một nguồn thu nhập vĩnh viễn. Ngay cả bây giờ họ cũng giúp chúng ta trở nên giàu có tình yêu thương. Trong các loại nghèo đói tồi tệ nhất, chúng ta cần phải chống lại là sự nghèo nàn về tình yêu thương của chúng ta.
Anh chị em có thể nhân lên tài năng của chúng ta bằng cách đơn giản là chìa tay ra cho người nghèo, thay vì đòi hỏi những gì chúng ta thiếu.
Khi cuộc sống của chúng ta kết thúc và sự thật được tiết lộ, sự giả dối phù hoa của thế giới này sẽ mờ dần, và quan niệm rằng thành công, quyền lực và tiền bạc mang lại ý nghĩa cuộc sống sẽ nhạt nhoà vô nghĩa, trong khi tình yêu – tình yêu mà chúng ta đã trao ban – sẽ được tỏ lộ ra là sự giàu sang đích thật.
Nếu chúng ta không muốn sống một cuộc sống nghèo khó, chúng ta hãy cầu xin ân sủng để được nhìn thấy Chúa Giêsu trong người nghèo, để phục vụ Chúa Giêsu trong người nghèo.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một linh mục người Ý đã bị giết hai tháng trước khi đang phục vụ người nghèo.
Cha Roberto Malgesini bị sát hại tại giáo xứ Thánh Rocco của ngài ở thành phố Como. Người đàn ông đã giết ngài được cho là một người nhập cư Tunisia có vấn đề về tâm thần, là người mà Cha Roberto đã hỗ trợ.
Vị linh mục này không quan tâm đến các lý thuyết. Ngài chỉ đơn giản nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi phục vụ họ. Ngài đã lau khô nước mắt của họ bằng sự dịu dàng của mình, nhân danh Chúa là Đấng an ủi.
Cha Roberto là một tấm gương về người đầy tớ trung thành có cuộc sống tập trung vào người nghèo.
Khởi đầu một ngày của ngài là cầu nguyện, để nhận được những ân sủng của Chúa. Trọng tâm trong ngày của ngài là các công việc bác ái, để làm cho tình yêu mà ngài đã nhận được có thể đơm hoa kết trái. Cuối cùng, ngài đã là chứng nhân tuyệt vời cho Tin Mừng.
Các hoạt động bác ái trong ngày Thế giới Người nghèo lần thứ Tư tại Rôma
Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng cho biết các biện pháp để hạn chế đại dịch không ngăn cản các hoạt động bác ái ở Vatican và khắp Roma. Tại phòng khám cạnh hàng cột đền thờ thánh Phêrô, những người nghèo phải đến các nhà trọ hay phải trở về quê nhà có thể được xét nghiệm corona virus bằng tăm-bông. Phòng khám mở từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều và trong hai tuần qua, mỗi ngày đã thực hiện 50 xét nghiệm.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của tổ chức Rome Cares và sự quảng đại của các siêu thị Elite. 5,000 gói thực phẩm đã được gửi cho khoảng 60 giáo xứ ở Roma đặc biệt gặp khó khăn trong thời gian đại dịch. Mỗi gói thực phẩm chứa các sản phẩm “từ các thương hiệu đặc biệt có uy tín”, bao gồm mì ống, gạo, nước sốt cà chua, cà phê, bánh quy và sô cô la, cũng như khẩu trang và một tấm thiệp có lời cầu nguyện của Ðức Thánh Cha, được đóng gói và phân phát bởi 20 bạn trẻ hiện đang tìm việc làm.
Nhà máy mì ống “La Molisana” cũng muốn tham gia vào các sáng kiến trong Ngày Thế giới Người nghèo với việc tặng 2.5 tấn mì dành cho các mái ấm gia đình và các hiệp hội từ thiện khác nhau.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công ty UnipoSai, 350,000 khẩu trang đầu tiên đã được gửi cho ít nhất 15,000 học sinh để giúp các gia đình nghèo bớt khoản chi tiêu cho khẩu trang. Ðây là một cử chỉ hỗ trợ và lời mời gọi những người trẻ không nên coi thường những nguy hiểm của đại dịch.
Source:Vatican News