Nhân viên y tế tại bệnh viện Spallazani (ANSA)
Dù lễ Giáng sinh đang đến và đại dịch có nguy cơ ngăn chặn những cử hành, lễ hội, nhưng cha Cesare đã nhận ra nhiều lý do để hy vọng, đặc biệt là trong sự tận tụy cống hiến của các nhân viên y tế, những người hy sinh tất cả để cứu sự sống của các bệnh nhân Covid-19, khi họ chăm sóc những người yếu đuối nhất, khi họ chiến đấu đến phút cuối để dành lấy một sự sống. Cha đã nhận thấy một sự dấn thân chưa từng thấy trong những tháng này.
Cha Cesare cũng đã nhận ra rằng trong thời gian đại dịch, con người có sự nhạy cảm hơn đối với người khác và nhu cầu của những người xung quanh họ: “rất nhiều dấu hiệu của sự cao cả của con người, giữa lúc nằm viện, bệnh tật, nhiều hành động bác ái.” Theo cha, chính điều này mang lại cho chúng ta hy vọng. Trong một thế giới mà chúng ta luôn hướng về bản thân nhiều hơn, về những thú vui của riêng mình, về chủ nghĩa cá nhân, thì có những người cống hiến hết mình vì bệnh nhân.”
Cha chia sẻ về những khoảnh khắc khó khăn. Điều khó khăn nhất đối với cha là thiếu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân: “Thiếu những tiếp xúc này nghĩa là thiếu phương tiện giao tiếp mà Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng vào lúc này chúng tôi không thể sử dụng, chẳng hạn như nhìn vào mắt nhau, nắm tay một người khi họ gặp khó khăn, hoặc một cái ôm an ủi, hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ một nụ cười.” Cha nói rằng với khuôn mặt bị che kín bởi khẩu trang, tấm che mặt và kính bảo vệ mắt, phương tiện giao tiếp duy nhất còn lại là giọng nói, “nhưng đôi khi giọng nói không đủ để truyền đạt mọi thứ chúng ta muốn.”
Cha cũng chia sẻ về một điều đã gây ấn tượng mạnh đối với cha đó là phản ứng của một vài bệnh nhân khi cha bước vào phòng bệnh của họ. Trước khi cha kịp nói điều gì, bệnh nhân đã hỏi cha “Cha khỏe không?” Thường thì bệnh nhân bị đau đớn và khó thở. Tuy nhiên họ vẫn quan tâm hỏi thăm cha. Cha nói: “Câu nói ngắn ngủ đó làm tôi rất xúc động. Đối với tôi, đó là một dấu hiệu của hy vọng để thấy rằng không phải tất cả mọi sự đều bị mất đi, rằng chúng ta có một nhân loại tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trong khuôn mặt và trong những khoảnh khắc mà chúng ta không ngờ tới.”
Nhưng không phải mọi bệnh nhân đều chào đón cha. Nhiều bệnh nhân không muốn gặp một linh mục, hoặc vì họ không phải là Công giáo hoặc họ đang cố thở nên không có hơi sức để nói. Có một số bệnh nhân cảm thấy cần xưng tội hay những người thấy rằng cơ thể họ không tiếp nhận các điều trị và họ muốn hòa giải với Thiên Chúa bao lâu họ còn tỉnh táo hay có thể.
Là một tuyên úy trong thời gian đại dịch cha Cesare đã phải cậy dựa nhiều hơn vào các bác sĩ và y tá để biết khi nào người ta cần cha. Vì cha không thể tự mình vào phòng bệnh nhân, họ cho cha biết khi ai đó muốn lãnh các bí tích hoặc cần sự hiện diện của cha.
Với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và khi bệnh viện của cha chuyển thành bệnh viện chỉ chữa trị Covid-19, sự tiếp xúc của cha với người bệnh đã giảm bớt, nhưng sự tương tác của cha với các bác sĩ và y tá đã gia tăng. Cha nhận xét: “Các bác sĩ và y tá cũng bắt đầu quan tâm đến công việc mục vụ. Và vì thế tình huống này đã đưa chúng tôi đến gần hơn với các bác sĩ và y tá, những người cũng có những lo lắng vì họ cũng cần sự hỗ trợ mục vụ trong bệnh viện.”
Trong Mùa Vọng, cha Cesare và linh mục tuyên úy Công giáo khác đã dâng Thánh lễ cho nhân viên của bệnh viện. Vào ngày Giáng sinh, cha cho biết họ cố gắng gần gũi với các bệnh nhân bằng mọi cách có thể, “hoặc là mang theo một tấm thiệp hay một lời chúc lành.” Các cha tuyên úy cũng làm một hang đá minh họa rằng bằng cách chăm sóc các bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế đang chăm sóc cho Chúa Giê-su.
Cha Cesare là một nhà tâm lý. Hàng tuần cha cũng tư vấn qua các cuộc gọi video cho những người có người thân qua đời vì virus corona. Cha cho biết người dân thực sự cần loại hỗ trợ này, đặc biệt là vào thời gian lễ này.
Cha muốn mọi người biết rằng, dù Giáng sinh năm nay khác đi, Chúa vẫn đến thế gian và vẫn hiện diện giữa chúng ta hàng ngày. “Chúa trở thành con người, bất chấp năm khó khăn này, và dù cho virus corona, Chúa cũng giáng sinh làm người. Chúa không rời bỏ chúng ta”. (CNA 18/12/2020)
Hồng Thủy – Vatican News