Trong một tuyên bố gửi tới Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (Acs), Đức cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám mục của Abuja, gọi hiện tượng này là “một căn bệnh đang lây lan, và hiện không có nỗ lực đáng kể nào được thực hiện để ngăn chặn nó”. Đức Tổng Giám mục Abuja nói rõ rằng không chỉ các vị lãnh đạo tôn giáo mà nhiều người Nigeria khác cũng đang chịu chung số phận bi thảm này.
Hàng loạt vụ bắt cóc và giết người đã kéo dài trong hai tháng qua: Vào ngày 15/01, cha John Gbakaan, linh mục thuộc Giáo phận Minna, bị bắt cóc và bị giết. Vào cuối năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo ở Nigeria, một giám mục, Đức cha Moses Chikwe, của Tổng Giáo phận Owerri, đã bị bắt cóc bởi những kẻ có vũ trang và bị giam giữ trong vài ngày. Trước đó, cha Valentine Ezeagu thuộc dòng Nam Tử Đức Mẹ Maria thương xót (SMMM), bị bắt cóc và trả tự do sau 36 giờ; và cha Matthew Dajo, thuộc Tổng Giáo phận Abuja, bị bắt cóc và được thả sau 10 ngày bị giam giữ.
Theo Đức cha Kaigama, điều làm cho mọi người hoang mang là cảnh sát không thể xác định được những đối tượng này. Đức cha giải thích: “Mục đích kinh tế là một trong những lý do mà những kẻ bắt cóc hành động để kiếm tiền cách dễ dàng. Họ bắt các linh mục và tu sĩ làm con tin và đòi tiền chuộc. Và một số khác liên kết với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nhằm mở rộng lãnh thổ để thống trị những người mà họ coi là kẻ ngoại đạo; và các Kitô hữu là số một trong danh sách của họ. Nhưng họ cũng tấn công và giết những người Hồi giáo không chấp thuận phương thức hoạt động của họ”. Đức cha Kaigama kết luận: “Chính phủ Nigeria cần giải quyết tình hình bằng cách đào tạo các nhân viên an ninh để hành động hiệu quả hơn. Người ta mong đợi rằng, với tất cả số tiền do các chính trị gia quản lý, chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc mua các công cụ để truy tố tội phạm. Các cảnh sát có rất ít các công cụ và phải đối mặt với những tên tội phạm có vũ khí tinh vi hơn và họ thường là nạn nhân đầu tiên”.
Ngọc Yến – Vatican News