Tai nạn xe điện thảm khốc tại Mexico. Hệ thống y tế của Ấn Độ sụp đổ trước đại dịch

1. Úc Đại Lợi cấm tất cả các hành khách đến từ Ấn Độ

Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm thứ Ba đã bảo vệ quyết định của nước này về việc cấm tất cả du khách đến từ Ấn Độ, kể cả các công dân Úc.

“Trách nhiệm của tôi là làm mọi thứ có thể để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba ở đất nước này. Vì vậy, tôi không xin lỗi vì điều đó. Và tôi cảm ơn, đặc biệt là cộng đồng người Ấn Độ ở Úc và ở nước ngoài, vì sự kiên nhẫn và sự hiểu biết của họ.”

Thủ tướng Morrison chỉ ra sự gia tăng đáng kể các trường hợp dương tính từ Ấn Độ được ghi nhận tại các khách sạn cách ly của Úc kể từ tháng Ba.

Nhưng quyết định của ông cấm tất cả du khách đến từ Ấn Độ cho đến ngày 15 tháng 5, do sự gia tăng các trường hợp đã thu hút những chỉ trích từ các chính trị gia, cộng đồng người Ấn Độ và thậm chí cả những người chơi cricket.

Những kẻ vi phạm sẽ bị truy tố và bị phạt, nhưng ông nói thêm rằng “rất khó xảy ra”, họ sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa vì vi phạm các quy tắc biên giới, phạt tiền và năm năm tù.

Australia, quốc gia đã kiềm chế được phần lớn cuộc khủng hoảng sức khỏe, vì đã đóng cửa biên giới đối với những người không phải là công dân Úc vào tháng 3 năm ngoái.

Khoảng một phần tư trong số 35,000 người Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài đang ở Ấn Độ.


Source:Reuters

2. Số trường hợp COVID-19 của Ấn Độ đã vượt quá 20 triệu

Ấn Độ đã báo cáo hơn 300,000 trường hợp nhiễm coronavirus mới liên tiếp trong hơn nửa tháng, đưa tổng người nhiễm bệnh vượt quá 20 triệu.

Các nhà khoa học dự đoán số ca nhiễm trùng sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất là vài ngày tới.

Hệ thống y tế công cộng của Ấn Độ đã và đang phải đối mặt với tình trạng này.

Các bệnh viện đã hoạt động hết công suất, mọi người đang chết dần vì thiếu oxy y tế, các nhà xác và lò hỏa táng đang tràn ngập người chết.

Điều oái oăm là Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 9% trong số 1.4 tỷ dân số Ấn Độ được tiêm một liều vắc xin.

Pfizer đang thảo luận với chính phủ Ấn Độ để tìm kiếm một “lộ trình phê duyệt cấp tốc” cho loại vắc xin của mình.

Giám đốc điều hành của Pfizer cũng tuyên bố quyên góp một lượng thuốc trị giá hơn 70 triệu Mỹ Kim cho quốc gia này.

Thủ tướng Narendra Modi đã miễn cưỡng áp đặt một cuộc đóng cửa quốc gia do lo ngại về tác động kinh tế.

Trong vài tháng gần đây, hàng triệu người đã tham dự các lễ hội tôn giáo và các cuộc biểu tình chính trị trong khi các cuộc bầu cử ở một số bang vẫn được phép tiếp tục bất kể chính phủ đã thông báo về các biến thể dễ lây lan hơn vào đầu tháng Ba.

Với cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024, tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tương lai chính trị của Modi được kể là rất đen tối.

Đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc và Ấn Giáo cực đoan của ông đã không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang quan trọng ở Tây Bengal vào hôm Chúa Nhật. Đó là một dấu chỉ cho thấy sự lung lay của ông.


Source:Reuters

3. Lần hạt cầu xin chấm dứt đại dịch coronavirus tại đền thờ Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ

Người Công Giáo đã tập trung vào ngày 4 tháng 5 tại nhà thờ, nơi theo truyền thống Thiên thần Gabriel đã hiện ra với Đức Trinh nữ Maria, để dâng chuỗi hạt Mân Côi “cho tất cả các bà mẹ tương lai và thai nhi của họ”.

Nhà thờ Truyền tin ở Israel là ngôi đền thứ tư trong số 30 đền thờ Công Giáo trên khắp thế giới tổ chức lần hạt theo sáng kiến kéo dài một tháng do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu cuộc marathon cầu nguyện vào ngày thứ Bẩy 1 tháng 5, ngày bắt đầu tháng Hoa truyền thống kính Đức Mẹ, khi ngài lần hạt Mân Côi ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sáng kiến này sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 5 tại vườn Vatican.

Đền thờ đầu tiên cử hành sự kiện này là Walsingham ở Anh vào ngày 1 tháng 5, tiếp theo là đền thờ Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế và Mẹ Mary ở Elele, Nigeria, vào ngày 2 tháng 5 và Jasna Góra ở Ba Lan vào ngày 3 tháng 5.

Buổi lần chuỗi Mân Côi tại Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin đã diễn ra lúc 7 giờ tối theo giờ Giêrusalem và được phát trực tiếp.

Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Nghi Lễ Latinh đã mời những người Công Giáo tại Giêrusalem tham gia vào sự kiện này trong một thông điệp ngày 29 tháng 4.

Ngài viết: “Ba mươi ngôi đền đã được chọn để cử hành buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ vào mỗi ngày trong tháng, mỗi ngôi đền được giao phó một ý định cầu nguyện riêng cho những nhóm người khác nhau bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Mỗi ngày, các kênh chính thức của Tòa Thánh sẽ truyền hình trực tiếp những lời cầu nguyện từ từng ngôi đền”.

Ngài nói tiếp: “Một trong 30 ngôi đền này được chọn để cử hành buổi cầu nguyện là Vương cung thánh đường Truyền tin ở Nazareth, nơi đã được giao phó ý định cầu nguyện cho những bà mẹ tương lai và các thai nhi. Buổi cầu nguyện sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 5 năm 2021, lúc 7 giờ tối, giờ Giêrusalem”.

“Tôi yêu cầu mọi người tham gia vào lời cầu nguyện xin Đức Mẹ cầu bầu để chấm dứt đại dịch đau đớn này và tôi cầu chúc cho anh chị em có một thời gian chờ đợi Lễ Hiện Xuống yên bình và hiệu quả về mặt thiêng liêng.”


Source:Catholic News Agency

4. Người Yemen từ chối vắc xin vì e sẽ phá vỡ tháng Chay Ramadan

Tại thành phố Taiz của Yemen nơi đang xảy ra tranh chấp, các nhân viên y tế đang làm việc để tiêm chủng cho một số ít người tỏ ra quan tâm đến vắc xin COVID-19.

Yemen đã nhận được 360,000 liều từ chương trình chia sẻ vắc xin COVAX toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng đã bị hạn chế rất nhiều do niềm tin tôn giáo, sự thiếu tin tưởng vào vắc-xin, hoặc vì sự nguy hiểm của chiến tranh.

Rajeh al-Maliki, người đứng đầu bộ y tế Yemen ở Taiz và cho biết nhiều người dân địa phương tin rằng vắc-xin sẽ phá vỡ tháng Chay Ramadan.

“Tổng số liều vắc xin đến tỉnh Taiz là 70,000 liều trong tổng số 360,000 liều đến Yemen. Chúng tôi bắt đầu vào ngày 21 tháng 4, nhưng số người muốn tiêm rất thấp, và rất thấp vì hai lý do. Thứ nhất, niềm tin tôn giáo mà nhiều người có rằng chích ngừa trong tháng Ramadan phá vỡ tháng Chay Ramadan. Và đây là một thực tế tôn giáo sai lầm mà mọi người tin tưởng và đã dẫn đến việc mọi người quay lưng với vắc xin, bao gồm cả nhiều nhân viên y tế”.

Số ca nhiễm trùng ở Yemen đã tăng đột biến trong năm nay, gây căng thẳng cho một hệ thống y tế vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, một nền kinh tế suy sụp và thiếu hụt nguồn viện trợ.

Phong trào Houthi do Iran liên kết kiểm soát hầu hết miền bắc Yemen và một số khu vực của Taiz và đã chiến đấu chống lại chính phủ do Ả Rập Xê-út hậu thuẫn kể từ năm 2014.

Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải dựa vào viện trợ để sống sót.

Các trạm kiểm soát và các tay súng bắn tỉa trong thành phố bị quân sự hóa này khiến nhiều người khó tiếp cận bệnh viện chính do chính phủ kiểm soát.


Source:Reuters

5. Tai nạn xe điện thảm khốc tại Mễ Tây Cơ. Đức Tổng Giám Mục kêu gọi cầu nguyện

Đức Tổng Giám Mục Carlos Aguiar Retes của tổng giáo phận Mexico City đã gửi một tweet bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn xe điện thảm khốc tại thủ đô Mễ Tây Cơ, khiến ít nhất 24 người chết và khoảng 70 người khác bị thương.

Tai nạn xe điện thảm khốc tại Mexico. Hệ thống y tế của Ấn Độ sụp đổ trước đại dịch

Đức Cha cho biết ngài muốn bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn kinh hoàng này xảy ra vào thời điểm người dân đã phải gánh chịu biết bao đau thương bởi đại dịch coronavirus và các hậu quả kinh tế của nó.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Cảnh sát cho biết ít nhất 24 người chết khi chiếc cầu vượt của hệ thống tàu điện ngầm ở Thành phố Mexico bị sụp đổ, khiến một đoàn tàu điện ngầm trật bánh ở Thành phố Mexico vào cuối ngày thứ Hai.

Tai nạn xảy ra lúc 10 giờ 25 phút tối thứ Hai. Chiếc cầu vượt dành cho tàu điện ngầm làm bằng bê tông đã bị sập một phần, và các hình ảnh và video từ hiện trường cho thấy nhiều toa tàu lơ lửng giữa không trung trong nhiều giờ. Khoảng 49 người đã phải nhập viện.

Các hoạt động cấp cứu đang được tiến hành, tuy nhiên, cảnh sát đã yêu cầu đình chỉ các hoạt động này vào đầu ngày thứ Ba, vì lo ngại về an toàn cho những người làm việc gần những toa xe đang treo lủng lẳng giữa không trung.

Một chiếc cần cẩu đã được điều đến để hạ các toa tầu xuống đất. Thị trưởng Claudia Sheinbaum nói về những người có thể bị mắc kẹt bên trong xe: “Chúng tôi không biết liệu họ có còn sống hay không”.

Một đoạn video cho thấy các bộ phận của đoàn tàu rơi vào những xe hơi đang di chuyển bên dưới cầu vượt khi tai nạn xảy ra. Các video trên truyền hình Mễ Tây Cơ và mạng xã hội cho thấy các toa tàu treo lơ lửng và còi hú inh ỏi trong khu vực lân cận. Trên Milenio TV, nhân viên cứu hỏa và nhân viên cấp cứu đã được nhìn thấy đang giúp đỡ những người sống sót.


Source:Reuters

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *