Anh chị em nhận xét tôi là một người sống cục bộ, không hoà đồng với mọi người, điều này gây cản trở trong các công việc chung và khi thi hành nhiệm vụ. Sau một thời gian suy nghĩ, nhận thấy những lời họ góp ý là đúng, tôi quyết định tham gia vào một câu lạc bộ chơi cầu lông để rèn luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần, nhằm khắc phục những hạn chế trên.
Ngày đầu tiên bước vào sân chơi này, tôi được giới thiệu với thầy Th, người có kinh nghiệm chơi môn cầu lông gần ba mươi năm, đồng thời cũng là thầy giáo dạy toán trước giải phóng. Vì tôi là người mới, thể lực yếu lại chưa có tí kinh nghiệm nào nên thầy chú ý đánh nhẹ, rồi chỉ cho tôi những bước cơ bản. Mặc dù học trò làm rớt cầu hoài nhưng thầy vẫn luôn động viên: “tốt lắm, em chơi rất tốt”. Khi đã quen hơn, thầy giới thiệu cho tôi chơi với người này, người kia để giao lưu và rèn luyện tay vợt của mình. Những câu chuyện, những nụ cười được chuyển trao cho nhau khiến mọi người xa lạ bỗng hoá gần như đã quen biết từ lâu. Có dịp trò chuyện, tôi mạnh dạn hỏi: “Em đánh dở thế sao sư phụ cứ khen hoài?”. Thầy ôn tồn giải thích: “Mục đích của chúng ta đến đây để vui, khoẻ chứ không phải thể hiện tài năng của bản thân, vì thế phải làm sao để khiến người chơi thấy không bị áp lực, vui vẻ mà tiếp tục cố gắng”.
Câu nói của thầy khiến tôi suy nghĩ: phải chăng đôi lúc ra phục vụ, mình quên mất căn tính của người Giáo dân Đaminh là giới thiệu về Thiên Chúa cho người khác mà chỉ muốn bản thân nổi bật hơn, nên không biết nhường nhịn, quan tâm, hỗ trợ cho anh chị em khác để cùng nhau thi hành sứ vụ hiệu quả. Nhận thấy nơi thầy có nhiều điều hay nên tôi rất chú ý lắng nghe, quan sát và học hỏi. Mỗi sáng tôi thấy thầy vẫn kiên nhẫn chơi đánh cầu với những người mới, kể cả những người bệnh gặp hạn chế trong việc đi lại, giao tiếp để họ sớm bình phục và hoà nhập với cộng đồng mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc phải cúi xuống nhặt cầu nhiều lần. Thầy còn ân cần hỏi han tình hình sức khoẻ của mọi người, thỉnh thoảng chui vào bụi cây để tìm giúp quả cầu bị đánh lạc…Những sự quan tâm, hy sinh đó giúp mọi người thấy vui vẻ, yêu đời để có thêm động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Sự phục vụ vô vị lợi đó làm tôi nhớ đến hành động của Chúa Giêsu khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, qua đó dạy chúng ta biết phục vụ trong khiêm tốn với tất cả tình yêu thương: “Thầy là thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga13, 14-15). Sự phục vụ ấy không chỉ bó hẹp trong cộng đoàn, Giáo xứ của mình mà phải được mở ra cho hết mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị trong xã hội.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, quan niệm “thời gian là vàng bạc” thì việc giúp đỡ người khác thường được cho là mất thì giờ. Chúng ta rất dễ rơi vào ý nghĩ ưu tiên cho quyền lợi của bản thân hơn là nghĩ cho người khác. Trước mỗi công việc, ta thường đặt câu hỏi: “Điều này mang lại lợi lộc gì cho mình?” thay vì hỏi: “Tôi có thể giúp đỡ cho một ai đó hay không?”. Nhìn lại quá trình phục vụ, tôi tự hỏi bản thân có dám hy sinh thời gian, sức khoẻ, tài năng để phục vụ người khác như thầy Th đã làm hay chưa? Đặt câu hỏi để nhận ra mình còn nhiều thiếu xót. Từ đó tôi tập thay đổi, bắt đầu từ việc quan tâm đến những người thân trong gia đình, dành thời gian ở bên bố mẹ nhiều hơn, cùng chia sẻ những mối bận tâm, lo lắng của các ngài, dạy các cháu học giáo lý và nấu những bữa ăn ngon để gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau… Mỗi ngày cố gắng một chút, tôi thấy bầu khí gia đình ấm cúng, vui tươi hơn khi các thành viên đã biết quan tâm đến nhau.
Nơi Huynh đoàn, ngoài việc chu toàn bổn phận của mình, tôi tập sống vui vẻ, thân thiện với mọi người, kể cả những người không cùng quan điểm với mình, sẵn sàng đi chậm lại để dìu những cụ bà đau chân, ân cần hỏi thăm tình hình sức khoẻ, công việc, gia đình của anh chị em…Nhờ đó, dần dần họ bỏ qua những thành kiến ban đầu mà đón nhận tôi. Và khi mọi người biết quan tâm, đón nhận và tha thứ cho nhau, thì các sinh hoạt trong Huynh đoàn cũng vì thế mà thăng tiến hơn rất nhiều.
Trước đây tôi vẫn nghĩ: để thực thi sứ vụ Loan Báo Tin Mừng thì phải đi khắp dó đây. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu, chúng ta có thể thi hành sứ vụ trong chính môi trường sống của mình bằng những nghĩa cử chứa đựng tình bác ái, yêu thương. Khi lợi ích không quy về mình nữa mà hướng về người khác, thì mới thấy ý nghĩa của phục vụ.
Lạy Chúa, Người đã nêu mẫu gương cho chúng con khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong yêu thương, để mỗi lời nói, hành động của chúng con là dấu chứng tình yêu sống động của Chúa giữa cuộc đời này Amen.
KimMary