1. Tin vui giữa giờ tuyệt vọng của Giáo Hội tại Nigeria
Như chúng tôi đã đưa tin, các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Diễn biến này xảy ra sau khi Kitô hữu ở nước này ngày càng tỏ ra bất mãn với vị tổng thống Hồi Giáo mà họ tin rằng đang mượn tay các nhóm khủng bố Hồi Giáo để tận diệt Kitô Giáo qua hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo, các cộng đồng Kitô hữu của hai nhóm khủng bố Hồi Giáo Boko Haram và Fulani. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các vụ bắt cóc tống tiền nhắm vào các linh mục và giáo dân.
Thủ đoạn của hai nhóm khủng bố Hồi Giáo Boko Haram và Fulani là gây án trên đất Nigeria và sau đó rút qua vùng biên giới với Chad, Niger và Cameroon.
Quân đội của Chad đã tuyên bố chiến thắng vào hôm Chúa Nhật trong trận chiến kéo dài nhiều tuần với quân Hồi Giáo.
Đám đông ở thủ đô N’Djamena đã hò reo vào Chúa Nhật khi những người lính trở về từ tiền tuyến trong một dàn xe tăng và xe bọc thép.
Xung đột và bất ổn chính trị rộng hơn đang được theo dõi chặt chẽ. Chad là một cường quốc chủ chốt ở Trung Phi và là đồng minh lâu năm của phương Tây chống lại các tay súng Hồi giáo trên khắp vùng Sahel.
Tổng thống Idriss Déby đã giành được chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm từ 1991 đến nay. Tổng cộng, ông đã lãnh đạo Chad trong 31 năm qua. Ngày 19 tháng Tư vừa qua, ông được tái cử nhiệm kỳ thứ sáu. Thay vì đọc diễn văn nhân dịp được tái cử, ông ra tiền tuyến thăm các binh sĩ và bị trúng đạn vào hôm Chúa Nhật 18 tháng Tư. Ông được chuyển về thủ đô nhưng đã chết hôm 20 tháng Tư, chỉ một ngày sau khi được tuyên bố thắng cử.
Source:Reuters
2. Ý công bố thiết kế công nghệ cao cho sàn của hí trường Côlôsêô
Được xây dựng cách đây 2,000 năm, đấu trường Côlôsêô là hí trường lớn nhất trong đế chế La Mã. Nó từng có tới 70,000 chỗ ngồi và là nơi tổ chức các cuộc chiến đấu, hành quyết và săn bắt động vật của các đấu sĩ. Nó cũng có thể chứa đầy nước để tái hiện các trận chiến trên biển.
Bên dưới lòng đất của đấu trường là các phòng nơi cư ngụ của các đấu sĩ, những người bị hành quyết – trong đó có một số không nhỏ các vị tử đạo trong thời kỳ sơ khai, và những chuồng nuôi các loại dã thú.
Đến thế kỷ 19, lớp đất bên trên bị sụp xuống để lộ ra các phòng ốc bên dưới như chúng ta thấy ngày nay.
Đấu trường Côlôsêô cổ đại một lần nữa sẽ có một sàn bên trên các phòng ốc này nhờ một dự án công nghệ cao mới được Bộ văn hóa công bố vào Chúa Nhật.
“Đây là một dự án đặc biệt”, Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini nói, trong khi mô tả chi tiết kế hoạch tạo ra một sàn linh hoạt để cung cấp cho khách du lịch một ý tưởng rõ ràng về cách đấu trường này hoạt động, và có một tầm nhìn như các đấu sĩ, những người đã chiến đấu cho đến chết ở đó.
“Bạn sẽ có thể đi bộ trên đó và đi đến trung tâm của đấu trường La Mã, nhìn thấy nó trong cùng một cách như du khách có thể thấy cho đến cuối thế kỷ 19”, Franceschini nói.
Một công ty kỹ thuật của Ý, Milan Ingegneria, đã giành được hợp đồng trị giá 18.5 triệu euro (tức là 22.2 triệu đô la) để thiết kế sàn mới và đã cam kết hoàn thành dự án vào năm 2023.
Sàn gỗ sẽ được tạo thành từ hàng trăm thanh gỗ có thể xoay để đưa ánh sáng tự nhiên vào các căn phòng dưới lòng đất.
Đấu trường La Mã là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Ý, thu hút khoảng 7.6 triệu du khách vào năm 2019, trước khi coronavirus tấn công.
Source:Reuters
3. Cha Weinandy nhận định: ‘Cho rằng Tiến Trình Công Nghị Đức không hướng tới sự ly giáo là đánh lừa rất nhiều người’
Một thần học gia Công Giáo nhận định rằng thật là “ngu ngốc” khi phủ nhận rằng những gì Tiến Trình Công Nghị Đức đang tìm cách thay đổi không phải là ly giáo.
Cha Thomas Weinandy, OFM, đưa ra bình luận trên sau khi Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, nhấn mạnh rằng người Công Giáo Đức không phải là “những kẻ ly giáo” đang tìm cách “tách mình ra khỏi Rôma với tư cách là Giáo hội quốc gia Đức”.
Cha Weinandy, một cựu thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Vatican nhận định: “Cho rằng Tiến Trình Công Nghị Đức không hướng tới sự ly giáo là đánh lừa rất nhiều người”.
“Rõ ràng là Tiến Trình Công Nghị Đức đang đề xuất những thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội có thể coi là lạc giáo. Điều đó không thể bị phủ nhận, và thật ngu ngốc nếu nói khác đi”.
Giám Mục Bätzing lập luận trong một cuộc phỏng vấn ngày 6 tháng 5 rằng Giáo hội ở Đức vẫn gắn bó với Rôma bất chấp những căng thẳng về việc chúc lành đồng giới, việc cho người Tin lành rước lễ và Tiến Trình Công Nghị”.
Giám Mục Bätzing cũng đã phát biểu một ngày trước cuộc biểu tình chống Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 5 ở Đức để phản đối việc Vatican gần đây nói “không” với việc chúc lành cho các cặp đồng tính.
Cha Weinandy, trước đây từng là giám đốc điều hành của Ủy Ban Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói rằng những lời của Giám Mục Bätzing là cực kỳ mâu thuẫn.
Cha Weinandy cho rằng: “Giám mục Bätzing nói rằng ngài muốn phát triển Huấn quyền với những lập luận đúng đắn. Tuy nhiên, những gì ông đề xuất làm cơ sở cho các lập luận phát triển đúng đắn này lại mâu thuẫn và không nhất quán về mặt thần học và huấn quyền”
“Các chân lý cơ bản của đức tin và luân lý không tương thích với những gì mà Tiến Trình Công Nghị Đức đề xuất, chẳng hạn như sự chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính luyến ái. Bất kỳ suy tư thần học nào đề xuất khác đi đều là sai lầm”.
Vị linh mục dòng Phanxicô Capuchin nói thêm rằng cụm từ “những kết quả mới nhất của khoa học nhân văn,” thường Giám Mục Bätzing nhắc đến, “thường chỉ là cố gắng chống chế của những kẻ xu thời”.
Ngài cũng cho rằng cụm từ “hoàn cảnh sống của con người ngày nay” thường được Giám mục Bätzing và các Giám Mục Đức khác viện dẫn là vô nghĩa.
“Luôn luôn có những kẻ gian dâm, hoặc sống trong hoàn cảnh ngoại tình, hoặc có hành vi đồng tính luyến ái. Sự khác biệt là nhiều người ngày nay, bao gồm cả các giám mục như Giám mục Bätzing, muốn chúc lành cho các hoạt động tình dục ấy như thể những hành vi đó không còn là tội lỗi nữa, nhưng chúng đang và sẽ luôn là tội lỗi”, vị linh mục dòng Phanxicô Capuchin nói với CNA hôm 8 tháng Năm.
“Vì vậy, dù Giám mục Bätzing sử dụng các cụm từ mang lại một vẻ ngoài thông thái và uyên bác tuyệt vời, chúng chỉ đơn thuần là trống rỗng, và thường lừa dối, dù ‘nghe có vẻ kêu'”.
Source:Catholic News Agency
4. Hỏi đáp về Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên – cuộc họp báo tại Vatican
Bạn có thể thắc mắc thừa tác vụ này là gì và nó dành cho ai. Trong phần giải thích này, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, tóm tắt những câu trả lời về thừa tác vụ mới này từ cuộc họp báo do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella chủ tọa.
Thừa tác vụ giáo lý viên mới được thiết lập có nghĩa là gì?
Thưa: Một thừa tác vụ được thiết đặt là một loại hình thái phục vụ chính thức, chuyên nghiệp trong Giáo Hội Công Giáo. Thừa tác vụ ấy có thể dành cho giáo dân, chẳng hạn như đọc sách hoặc giúp lễ, hoặc được dành cho những người được thụ phong, chẳng hạn như phó tế hoặc linh mục.
Thừa tác vụ giáo lý viên mới được thành lập dành cho những giáo dân có ơn gọi đặc biệt phục vụ Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người giảng dạy đức tin.
Thừa tác vụ này là “ổn định” có nghĩa là nó tồn tại trong suốt cuộc đời, không phụ thuộc vào việc người đó có tích cực thực hiện hoạt động đó trong mọi phần của cuộc đời mình hay không.
Nhưng các giáo lý viên đã tồn tại. Điều này khác biệt như thế nào?
Thưa: Nhiều giáo lý viên ngày nay phục vụ Giáo hội ở cấp giáo xứ, nhưng thừa tác vụ giáo lý viên được thiết lập sẽ gắn liền với giáo phận và do giám mục giáo phận quản lý.
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella giải thích trong một cuộc họp báo ở Vatican ngày 11 tháng 5 rằng “qua việc thiết lập một thừa tác vụ, Giáo hội xác nhận rằng người được trao cho đặc sủng đó đang thực hiện cho cộng đồng một sự phục vụ giáo hội đích thực”.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, là cơ quan giám sát các thừa tác vụ được thiết lập trong Giáo hội.
Việc thiết lập thừa tác vụ này, cùng với các tác vụ đọc sách và giúp lễ, “sẽ giúp cho anh chị em giáo dân được chuẩn bị tốt hơn trong việc truyền đạt đức tin”, Đức Tổng Giám Mục nói.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng giáo lý viên được trao tác vụ chuyên lo việc truyền đạt đức tin qua việc rao truyền và giảng dạy – họ không có bất kỳ trách nhiệm phụng vụ nào.
Giáo lý viên cộng tác với giám mục địa phương và các linh mục trong việc giảng dạy đức tin cho cộng đồng địa phương. Và điều đó có thể là một lợi ích rất lớn ở những nơi khan hiếm linh mục.
Đức Thánh Cha Phanxicô “nhận thức rõ rằng nhiều khu vực ở Mỹ Châu Latinh và Phi Châu ngày nay vẫn có các giáo lý viên đứng đầu cộng đồng”, Đức Giám Mục Fisichella nói. Ngài nhấn mạnh tính chất độc đáo của mỗi thừa tác vụ, lưu ý rằng chúng không thể thay thế cho nhau.
“Ở đây có rất nhiều điều mới trong thừa tác vụ này. Những người nam nữ được kêu gọi để thể hiện ơn gọi rửa tội của họ theo cách tốt nhất có thể, không phải để thay thế cho các linh mục hay những người thánh hiến, nhưng với tư cách là những giáo dân đích thực, trong bản chất đặc biệt nơi thừa tác vụ của họ, có thể trải nghiệm đầy đủ ơn gọi làm chứng nhân và phục vụ hữu hiệu các ơn gọi từ phép rửa của họ trong cộng đồng và thế giới”.
Ai đủ tiêu chuẩn để được gia nhập thừa tác vụ giáo lý viên?
Thưa: Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng một giáo dân được kêu gọi để trở thành giáo lý viên phải có “đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản”, là một người tích cực tham gia vào đời sống của cộng đồng Kitô, và “có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống đời sống hiệp thông huynh đệ”.
Các Hội đồng Giám mục sẽ chịu trách nhiệm quyết định “tiến trình hình thành cần thiết và các tiêu chuẩn để được nhận vào thừa tác vụ mới”.
Từng cá nhân các giám mục được giao nhiệm vụ xác định các ứng viên thích hợp trong lãnh thổ riêng của các ngài, và bảo đảm họ được chuẩn bị thích hợp thông qua “sự đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm”.
Kinh nghiệm dạy giáo lý trước cũng là một điều kiện tiên quyết.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói rằng “điều hiển nhiên là không phải tất cả những ai là giáo lý viên ngày nay đều có thể được trao thừa tác vụ giáo lý viên”.
“Quan trọng nhất chính là chiều kích chuyên nghiệp trong đó hàm ý một sự sẵn sàng để phục vụ Giáo Hội nơi vị giám mục coi là có lợi nhất. Các chức vụ không được ban cho để thỏa mãn cá nhân, nhưng để phục vụ cho Giáo hội địa phương, nơi giám mục cho rằng sự hiện diện của giáo lý viên là cần thiết”.
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican sẽ công bố Nghi thức Trao Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên. Nghi thức này sẽ được công bố “trong một thời gian ngắn”.
Ý tưởng thừa tác vụ giáo lý viên xuất phát từ đâu?
Thưa: Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh lịch sử của giáo lý viên, bắt đầu với Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho tín hữu Côrinhtô, đề cập đến “những thầy dạy” trong cộng đồng Kitô tiên khởi
Ngài nói rằng các giáo lý viên đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng việc truyền giáo của Giáo hội trong những thế kỷ tiếp theo và ghi nhận sự đánh giá mới đối với các giáo lý viên giáo dân trong công cuộc loan báo Tin Mừng sau Công Đồng Vatican II.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết Hội Đồng Giáo Hoàng của ngài, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nghiên cứu thể chế của thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân trong hơn năm năm với sự cộng tác của các Hội Đồng Giám Mục và các chuyên gia.
Source:Catholic News Agency